HỌC VIỆN THÁNH GIUSE – DÒNG TÊN VIỆT NAM

Vấn đề khoảng cách giữa tên gọi và thực tại sự vật trong tác phẩm Cratylus của Plato

Luận văn tốt nghiệp
chương trình Triết Học
tại Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

Học viên thực hiện

Phaolô Lê Văn Kiều, S.J.

Giáo sư hướng dẫn

Phaolô Đậu Văn Hồng

Tháng 03 năm 2021

Dẫn nhập

Ở mọi nơi và trong mọi thời, ngôn ngữ đã, đang và vẫn sẽ là một phương tiện trao chuyển thông tin, tri thức, và là cầu nối giữa con người với nhau và với thực tại. Đời sống con người luôn gắn liền song hành cùng với sự ra đời và phát triển của ngôn ngữ. Có thể nói rằng danh từ – tên gọi của sự vật, con người hay một điều gì đó – chính là loại từ xuất hiện trước hết trong ngôn ngữ, bởi lẽ những gì con người tiếp cận, gặp gỡ và tri nhận ngay từ thuở hàn vi qua các giác quan chính là các sự vật, hiện tượng xung quanh mình. Như một đứa trẻ lần đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài, khi đối diện với sự vật, con người cũng chỉ biết ‘ú ớ’ và luôn tự hỏi: ‘cái này là cái gì vậy?’ Để trả lời câu hỏi này, con người luôn cố gắng bằng mọi giá để hiểu và diễn tả cái mà mình muốn biết ngang qua những sự liên hệ trong tư tưởng như màu sắc, âm thanh, mùi vị, trạng thái… Vì thế, để biểu đạt cho mối tương quan này, con người tìm cách đặt cho sự vật một cái tên hay một danh xưng cụ thể theo những cách thức hình thành khác nhau.

Tuy nhiên, liệu tên gọi mà con người gán cho sự vật có trùng khớp với thực tại sâu thẳm và lẩn khuất nơi sự vật? Hay đúng hơn, liệu có sự tồn tại một khoảng cách nào đó giữa tên gọi và thực tại sự vật? Quả thực, hầu chắc có thể khẳng định giữa tên gọi mà con người đặt cho sự vật và thực tại nơi sự vật ít nhiều luôn có một khoảng cách chênh lệch. Khoảng cách này, về mặt lý thuyết, có thể là sít sao hay đáng kể tùy thuộc vào quan điểm về phương thức hình thành tên gọi: hoặc đặt tâm điểm nơi chính sự vật – tập trung về phía sự vật, về bản chất của sự vật (khoảng cách giữa tên gọi và thực tại hầu như không còn); hoặc nhấn mạnh vào yếu tố con người – chú ý tới sự đồng thuận, hay quy ước giữa con người với nhau (thường tạo nên một khoảng cách đáng kể giữa tên gọi và thực tại).

Cho dù có nghiêng theo quan điểm nào đi chăng nữa, rốt cuộc con người vẫn là chủ thể gọi tên sự vật hay xác định các danh từ tương ứng với mỗi sự vật cụ thể. Vấn đề cần đặt ra, liệu có cách thức và nền tảng nào để con người khả dĩ xác nhận lại tính chuẩn xác của tên gọi, cũng như khoảng cách giữa tên gọi và thực tại? Liệu con người, trong tư cách là chủ thể thiết lập tên gọi, sẽ tìm đâu ra một giải pháp để dung hòa và giảm thiểu vấn đề khoảng cách như đã đề cập?

Soi chiếu vấn đề khoảng cách chênh lệch giữa tên gọi và thực tại sự vật vào trong dòng lịch sử triết học ngôn ngữ thời kỳ Cổ Đại, ta có thể tìm thấy những gợi mở và soi sáng đến từ triết gia Plato qua những gì trình bày trong tác phẩm Đối Thoại với đoạn trích Cratylus – một cuộc đối thoại giữa ba nhân vật: Socrates, Hermogenes và Cratylus. Trong cuộc đối thoại này, Plato đã giúp người đọc tiếp cận với hai lối nhìn khác nhau về sự hình thành của tên gọi: ‘bản chất thuyết’ ‘và quy ước thuyết’, để từ đó mỗi người có thể khám phá sự phong phú, cũng như tính chất phức tạp của tên gọi khi được vận dụng trong những hoàn cảnh thực tế. Tuy không đưa ra được một câu trả lời rốt ráo và tường tận liên quan tới việc khẳng định ‘bản chất thuyết’ hay ‘quy ước thuyết’ là hợp lý và xác đáng, nhưng nhờ những tra vấn và lối đối thoại theo kiểu ‘sản ý’, nhân vật Socrates đã giúp Hermogenes và Cratylus thay vì đối đầu nhau như lúc mở đầu cuộc đối thoại, lại có thể mở ra để hướng tới một cái nhìn bao quát và hài hòa liên quan tới vấn đề khoảng cách giữa tên gọi và thực tại sự vật.

Tên gọi (một danh từ) không đơn thuần chỉ là một cái tên chung chung nào đó, nhưng nó còn chất chứa cả một tiến trình hình thành mang tính giằng co và biện chứng. Vì thế, việc tìm hiểu vấn đề khoảng cách giữa tên gọi và thực tại chính là một bước đi thiết yếu, hầu có thể giúp mỗi người khám phá chân tướng sự vật mỗi khi được xướng gọi. Đồng thời, nó cũng cho thấy nỗ lực miệt mài của con người trong việc giải quyết vấn nạn khoảng cách như đã nói. Nói tóm lại, để làm sáng tỏ chi tiết và sâu sắc hơn về luận đề cho rằng ‘luôn tồn tại một khoảng cách chênh lệch nào đó giữa tên gọi và thực tại’, cùng với sự hiểu biết sau khi tiếp cận tác phẩm Cratylus, bài viết này trước tiên sẽ phác họa đôi nét quan niệm về ngôn ngữ của các triết gia Cổ Đại trước Plato, vốn có thể được xem như nền móng sơ khởi để Plato tiếp tục bàn luận về vấn đề tên gọi sự vật. Sau đó, chương một sẽ đưa ra những quan điểm nhằm củng cố lập trường cho rằng giữa tên gọi và sự vật hầu như không có bất kỳ khoảng cách nào – tên gọi và thực tại là một, danh từ lý tưởng. Tuy nhiên, trong thực tế, việc hình thành nên một tên gọi lý tưởng dường như là bất khả. Vì thế, chương hai của bài viết sẽ lập luận để chỉ ra việc tồn tại một khoảng cách khá lớn giữa tên gọi và sự vật. Song song với việc tìm hiểu này, chương một và chương hai cũng chú trọng tới việc lượng định và phê bình tính chính xác, cũng như hiệu quả trong từng lập trường. Trong chương thứ ba, bài viết sẽ hướng tới việc đi tìm một giải pháp cho vấn đề khoảng cách bằng việc thiết lập những giải pháp trung hòa và thực tiễn, hầu có thể hướng tới việc hình thành những tên gọi vừa tỏ lộ được bản chất sự vật, vừa mang yếu tố đồng thuận nơi con người. Cuối cùng, trong phần kết luận, ngoài việc cô đọng những gì đã trình bày, bài viết sẽ mở rộng suy xét tới việc xem Plato như một nhịp cầu nối kết ngôn ngữ giữa Heraclitus và Heidegger.

 

Giới thiệu

Triết học ngôn ngữ thời cổ đại

Trước khi tiến hành công cuộc nghiên cứu nội dung cuộc đối thoại Cratylus, thiết tưởng, cũng cần phải gợi lại một vài quan điểm về ngôn ngữ thời Cổ Đại, vốn có thể được nhìn nhận ít nhiều như là nền tảng triết học về ngôn ngữ cho những suy tư của Plato. Tuy vấn đề ngôn ngữ không được nhấn mạnh quá nhiều ở thời kỳ trước Plato, nhưng đâu đó người ta vẫn có thể gom góp những suy tư của một vài tác giả về vấn đề này. Trước tiên, có lẽ vẫn phải thừa nhận hầu hết các nhà tư tưởng thời tiền Socrate (từ cuối TK VI đến giữa TK V TCN) đều bận tâm suy tư về vũ trụ luận và hữu thể luận, qua nỗ lực để trả lời các câu hỏi như: “nguồn gốc và bản chất của vũ trụ, của con người là gì; mọi sự trong thế giới này đến từ đâu và sẽ đi về đâu?”[1] Vì thế, ngôn ngữ chưa phải là mối ưu tư hàng đầu của họ. Tuy nhiên, không vì thế mà triết học ngôn ngữ bị lãng quên, bởi vì cho dẫu người ta có suy tư về vũ trụ và hữu thể nhiều bao nhiêu chăng nữa, thì ngôn ngữ vẫn là thứ để người ta nại tới khi diễn tả dòng suy tư của mình. Điều này gợi lên một mối liên hệ nào đó giữa việc suy tư về vũ trụ luận, hữu thể luận và ngôn ngữ. Vì thế, “mối tương quan giữa ngôn ngữ và thực tại sự vật nơi vũ trụ vốn được coi là một trong những vấn đề nền tảng và thiết thực đã được một số triết gia đề cập.”[2]

Triết gia Parmenides (cuối TK VI – đầu TK V TCN) cho rằng, về mặt hữu thể luận, thực tại hoàn toàn khác biệt so với những gì mà người ta nghĩ và gọi tên chúng. “Những gì con người thấy qua các giác quan chỉ là ảo ảnh.”[3] Vì thế, ngôn ngữ có lẽ cũng chỉ là “thứ lừa bịp người ta.”[4] Nói cho cùng, ngôn ngữ chỉ có thể diễn tả bề mặt sự vật, chứ không thể diễn tả chính thực tại sự vật. Một tên gọi cho một sự vật nào đó nếu có đơn thuần chỉ là sự gán ghép hay mô tả một thuộc tính nào đó của sự vật, chứ không thể diễn tả nội tại, bản chất hàm chứa nơi sự vật.

Cùng thời với Parmenides, những suy tư của Heraclitus về ngôn ngữ chủ yếu được tìm thấy qua những diễn giải về ‘logos’. Ở đây, ‘logos’ là lời, là ngôn từ diễn tả về vũ trụ; đồng thời, ‘logos’ cũng chính là ‘LỜI’ sáng tạo nên vũ trụ. Chính vì sự huyền bí và cao cả này nơi ‘logos’, Heraclitus nói rằng ông không thể nói cho người khác về ‘logos’ theo một cách thức trực tiếp.[5]

Với Democritus (giữa TK V TCN), “mọi tính chất hay bản chất của sự vật đều hệ ở sự tồn tại của các nguyên tử vốn là các hạt không thể phân chia (uncuttable particles); tất cả những gì về sự vật hay tính chất sự vật đều là do sự quy ước. Nó là kết quả khách quan của sự tương tác giữa các nguyên tử ở bên ngoài sự vật và các nguyên tử bên trong mỗi người.”[6] Vì thế, “bằng sự quy ước, người ta gọi: ngọt ngào, cay đắng, nóng bức, lạnh giá, màu sắc… nhưng thực tế đó chỉ là các nguyên tử và trống rỗng.”[7] Những gì mà giác quan có thể tri nhận và diễn tả chỉ là vấn đề của sự quy ước về ngôn ngữ. Vì thế, nếu ai đó nói ‘tôi cảm thấy lạnh’, thì những gì người này nói không phải là chính thực tại – vốn là sự tương tác giữa các nguyên tử ngoài không khí với các nguyên tử trong cơ thể người ấy – nhưng đó là “ sự quy ước ngôn ngữ nhằm biểu lộ hệ quả của sự tương tác giữa các nguyên tử, chứ không mô tả những gì thực sự đang xảy ra, như nó là.”[8]

Còn đối với các tư tưởng gia theo trường phái ngụy biện (sophists) (khoảng TK V TCN) như Protagoras, Gorgias, Hippias, Prodicus…, thay vì quá chú trọng tới bản chất và nguồn gốc của vũ trụ như các triết gia tiền Socrates, họ tập trung suy tư một số vấn đề lớn trong đời sống con người như đạo đức, chính trị và hùng biện.

Liên quan tới ngôn ngữ, các nhà ngụy biện tập trung bàn luận về hùng biện và văn chương, ngày nay thường được gọi là ngôn ngữ học, và triết học ngôn ngữ. Ví dụ, trong một đoạn trích từ tác phẩm Đối Thoại của Plato, Gorgias đề cập tới vấn đề khoảng cách giữa đối tượng và suy tư của ta về đối tượng: “một tư tưởng tự chính nó không là bất cứ một cái gì, vì thế sự vật mà được suy tưởng cũng không là một cái gì cả.”[9] Nghĩa là, “nếu một ai đó nghĩ về một người nào đó đang bay hay đang đua ngựa, thì lập tức người đó chẳng hề đang bay hay đua ngựa.”[10] Theo lý lẽ này, những gì xuất hiện trong tâm trí chúng ta thiết lập nên những hình thái, tính chất về sự vật rất khác biệt so với cái mà sự vật tỏ lộ; “những gì con người truyền đạt với nhau không phải là chính sự vật, nhưng chỉ là sự biểu đạt bằng ngôn ngữ về chúng.”[11] Vì thế, dường như theo Gorgias, ngôn ngữ chưa đủ khả năng để trở thành một phương tiện truyền tải chân lý về sự vật nơi thế giới.

Tuy nhiên, thực tế cho đến nay ngôn ngữ vẫn là phương tiện hữu hiệu nhất giúp người ta nối kết, truyền tải thông tin, tri thức cho nhau. Vấn đề cần đặt ra, liệu rằng ngôn ngữ, hay cụ thể là các tên gọi mà người ta dùng để xướng gọi sự vật có đủ chuẩn xác, và nếu có thì sự chuẩn xác này tới mức độ nào? Hẳn rằng, một mặt người ta cố gắng để tìm ra những ngôn ngữ hay tên gọi chuẩn xác và lý tưởng sao cho trùng khít với sự vật; nhưng mặt khác cũng phải thừa nhận, dường như phải có một khoảng cách chênh lệch nào đó giữa tên gọi và thực tại sự vật. Đây có thể được xem là nguyên do hay bối cảnh dẫn tới sự hình thành cuộc đối thoại Cratylus của Plato.

Plato và cuộc đối thoại Cratylus

Sinh ra trong một gia đình danh giá và quý phái tại thành phố Athen, Plato (khoảng 427 347 TCN) chịu ảnh hưởng rất nhiều từ truyền thống gia đình, đặc biệt là từ người cha liên quan tới những vấn đề chính trị giữa hai phe dân chủ và bài dân chủ. Ngay từ khi còn trẻ, Plato có ý định sẽ đi theo con đường chính trị. Tuy nhiên, chứng kiến cái chết anh hùng để bảo vệ công lý của người thầy mình là Socrates, cũng như vì thấy được những thái quá tiêu cực trong việc theo các đảng phái chính trị, Plato quyết định xa rời con đường chính trị để dấn thân vào lãnh vực triết học, điều này được thể hiện rất rõ ngang qua tác phẩm Nền Cộng Hòa (The Republic).[12]

Sự ra đời của tác phẩm Đối Thoại (The Dialogues) như một minh chứng cho mức độ dấn thân, nhập cuộc tích cực và sâu sắc của Plato trong địa hạt triết học. Plato đã vận dụng phương pháp đối thoại và biện chứng với mục đích giúp các nhân vật trong cuộc đối thoại tự đi tìm chân lý, tự giải quyết vấn đề mình đặt ra qua những chất vấn, gợi mở. Tuy nhiên, ẩn sau những cuộc đối thoại, Plato gián tiếp giới thiệu cho người ta quan điểm và tư tưởng triết học của mình. Cuộc đối thoại Cratylus là một đoạn trích tiêu biểu cho phương pháp đối thoại giúp người ta tìm hiểu và giải quyết vấn đề mà Plato đã vận dụng. Đây là một cuộc bàn luận giữa ba nhân vật Socrates, Hermogenes và Cratylus chủ yếu liện quan tới vấn đề sự chuẩn xác của tên gọi. Nội dung cụ thể của cuộc đối thoại có thể được tóm gọn thành bốn phần.

Phần thứ nhất (383a – 386e), mở đầu cuộc đối thoại, Cratylus và Hermogenes tìm đến với Socrates với mục đích nhờ ông đóng vai trò như là vị trọng tài phân xử hai quan niệm khác nhau về sự chuẩn xác của danh từ: ‘bản chất thuyết’ (Cratylus) và ‘quy ước thuyết’ (Hermogenes).[13] Với Cratylus, danh từ chỉ chuẩn xác khi được gọi theo đúng bản chất của sự vật, như cái mà sự vật là. Trái lại, theo Hermogenes, danh từ chẳng qua chỉ là do có sự quy ước của cá nhân hay tập thể. Phần kế tiếp (386e-427d) là những lập luận nhằm bảo vệ ‘bản chất thuyết’, trong phần này Socrate dường như ủng hộ Cratylus và tấn công những lập luận thiếu vững chắc trong ‘quy ước thuyết’. Phần thứ ba lại có vẻ trái ngược so với phần hai, Socrates bắt đầu chất vấn ‘bản chất thuyết’ và chỉ ra những khiếm khuyết của nó. Đồng thời, Socrates lại nêu bật những điểm đáng tin cậy của ‘quy ước thuyết’. Phần cuối cùng của tác phẩm có thể xem như một cái kết mở cho cuộc đối thoại. Một mặt, Socrates thừa nhận, thật khó để có một tên gọi hoàn hảo, trùng khít với sự vật, vì thế dẫu sao đi nữa ‘quy ước thuyết’ cũng có vai trò nhất định đối với việc gọi tên sự vật. Mặt khác, Socrates ghi nhận đóng góp không hề nhỏ của ‘bản chất thuyết’ mà Cratylus đề cập. Vì thế, có thể nói, tuy không đưa ra một kết luận phân xử ai đúng ai sai, nhưng nhờ lối đối thoại kiểu ‘sản ý’ và ‘biện chứng’, Plato mời gọi độc giả hãy tự đi tìm câu trả lời cho riêng mình.

Tên gọi và thực tại sự vật

Để có thể tiến xa hơn trong việc tìm hiểu nội dung vấn đề khoảng cách giữa tên gọi và thực tại sự vật, bài viết sẽ cung cấp một vài diễn giải liên quan tới nội hàm các thuật ngữ: ‘tên gọi’ và ‘thực tại sự vật’. Trước tiên, bởi vì bài viết xét tới mối tương quan giữa tên gọi và thực tại sự vật trong bối cảnh cuộc đối thoại Cratylus, cho nên thoạt đầu có thể hiểu rằng thuật ngữ ‘tên gọi’ (name – danh từ) ở đây ám chỉ tới những đối tượng sự vật cụ thể vốn được giác quan con người trị nhận; tuy nhiên, điều này cũng không loại trừ những tên gọi trừu tượng. Với hạn từ, ‘thực tại sự vật’ (the reality of things), hạn từ này diễn tả cái bản chất (nature, being), cái có nơi sự vật; đó không chỉ đơn thuần là những gì mà giác quan con người tri nhận được, nhưng ‘thực tại sự vật’ có thể được xem là chính cái nó là, không bị tác động hay thay đổi bởi tác nhân ngoại tại. Nó đã và đang hiện hữu bất kể con người có thể quan sát hay lĩnh hội được hay không.

Tóm gọn lại, có thể nói rằng, ngoại trừ quan niệm khá sắc bén và tinh tế của Heraclitus về cách thế ngôn ngữ biểu đạt ‘logos’, nền triết học ngôn ngữ trước Plato xem ra còn khá thô sơ và phân mảnh, bởi lẽ mối bận tâm hàng đầu của các triết gia thời đó là nguồn gốc của vũ trụ và con người. Tuy nhiên, không vì thế mà có thể coi nhẹ những quan điểm khác nhau của các triết gia về phương diện ngôn ngữ, bởi lẽ chính nhờ có những bước đi khởi đầu này mà Plato đã có cơ hội được tiếp nối và phát triển dòng suy tư của riêng mình về mối tương quan giữa tên gọi và thực tại sự vật nơi cuộc đối thoại Cratylus.[14]

 

Chương 1
Tên gọi và thực tại sự vật dường như không có khoảng cách

Có khi nào xảy ra tình huống khi hai người trò chuyện với nhau, người ‘A’ nói cho người ‘B’ về tên gọi một sự vật vốn hoàn toàn lạ lẫm với người ‘B’, thế mà sau đó người ‘B’ vẫn có thể hiểu và biết rõ thực tại sự vật như người ‘A’ biết về nó? Nếu điều này xảy ra, hẳn là tên gọi, tự nơi bản chất, đã đủ để tỏ lộ cho người ta chính xác thực tại sự vật. Đây chính là lý thuyết mà Cratylus đề xướng trong cuộc đối thoại khi nói về mối tương quan giữa tên gọi và sự vật.

Tên gọi và thực tại sự vật là một

Quả vậy, quan niệm ‘một tên gọi nếu được coi là chuẩn xác, thì nó phải trùng khớp với bản chất hay thực tại sự vật của Cratylus’ đã được đề cập ngang qua trích dẫn mà Hermogenes trình bày với Socrates: “Cratylus nói với tôi, có sự chuẩn xác của tên gọi cho từng sự vật, tên gọi này lệ thuộc vào bản chất của chính sự vật. Tên gọi của một sự vật không phải là bất kỳ cái tên nào mà người ta tùy ý đặt cho nó… nhưng quả thực có sự chuẩn xác tự bản chất của tên gọi, nó đúng và giống nhau cho mọi người, dù là người Hy Lạp hay người ngoại quốc.” (383a)[15]

Câu hỏi nền tảng và xuyên suốt cuộc đối thoại ‘sự chuẩn xác của tên gọi là như thế nào?’ giờ đây được Cratylus trả lời thẳng thắn khi phát biểu: sự chuẩn xác của một tên gọi là vấn đề thuộc về bản chất của chính sự vật được xướng gọi. Một tên gọi, nếu được coi là chuẩn xác, không thể được xác lập bởi sự đồng tình hay quy ước chung của một người hoặc một nhóm người nào đó. Nói cách khác, khi một tên gọi của sự vật là ‘A’ thì có nghĩa đó là một tên gọi chuẩn xác, đúng với bản chất hay thực tại của ‘A’.[16] Như thế, tên gọi của sự vật và thực tại sự vật là một, và mỗi một tên gọi là độc nhất, tương ứng với một sự vật cụ thể.

Không chỉ cung cấp một khái niệm về sự chuẩn xác của tên gọi, Cratylus còn cho thấy tính phổ quát của lý thuyết này: “nó đúng với mọi người, dù là người Hy Lạp hay người ngoại quốc.” (383a) Điều này, còn được nói đến nhiều hơn ở phía sau của cuộc đối thoại (389d-390a). Cho dù các ngôn ngữ của các dân tộc có những đặc điểm khác nhau, nhưng sự chuẩn xác của tên gọi thì vẫn không đổi. Giọng nói, chữ viết có thể khác nhau, nhưng tên gọi sự vật và bản chất của nó phải là trùng khớp. Nói tóm lại, có thể kết luận, sự chuẩn xác của tên gọi theo Cratylus phải được đặt nền trên ‘bản chất thuyết’ (naturalism) – tên gọi sự vật chính là bản chất của nó.

Để minh họa ‘bản chất thuyết’, Cratylus bàn tới sự chuẩn xác tên gọi của chính ông, của Socrates và của Hermogenes. Hermogenes thuật lại với Socrates những gì Cratylus đã nói: “Her. Khi tôi hỏi Cratylus, liệu rằng tên gọi Cratylus của anh là một tên gọi chính xác hay không và anh ta trả lời là chính xác. Còn Socrates thì sao? Anh ta cũng nói là chính xác. Vậy tên gọi của mọi người đều là chính xác? Anh ta đáp, ngay cả khi mọi người đều gọi anh là Hermogenes, đó cũng không phải là tên gọi chuẩn xác của anh.” (383b)

Khi Cratylus khẳng định tên gọi của mình và Socrates là chuẩn xác, có lẽ Hermogenes sẽ nghĩ tên gọi của ông, như bao cái tên thông thường khác, cũng sẽ là chuẩn xác. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi Cratylus tuyên bố, tên gọi Hermogenes mà mọi người gọi ông không phải là tên chuẩn xác. Tại sao Cratylus lại phủ nhận sự chuẩn xác của tên gọi Hermogenes? Đâu là lý do để giải thích cho tuyên bố ‘gây bất ngờ’ này của Cratylus?

Soc. Tri thức về tên gọi chiếm một phần lớn trong kho tàng tri thức. Nếu tôi là người có điều kiện, tôi đã có thể nghe 50 bài giảng của Prodicus …và sau đó tôi có thể trả lời câu hỏi của anh về sự chuẩn xác của tên gọi. Nhưng vì chỉ được học một bài duy nhất, nên quả thực tôi không biết rõ đâu là chân lý trong những vấn đề anh đề cập. Tuy nhiên, tôi sẵn lòng giúp anh và Cratylus tìm hiểu về chúng. Khi Cratylus nói tên của anh là một tên không chuẩn xác, có lẽ anh ta chỉ đang đùa cợt anh thôi; anh ta có ý nhạo cười rằng: anh trông mong mình có tiền tài, nhưng lại không bao giờ có được nó. (384b-c)

Socrates không hề vội vã đưa ra ngay câu trả lời về sự chuẩn xác của tên gọi. Một mặt, ông tỏ ra khiêm tốn trước vốn tri thức có hạn của mình trong đến lĩnh vực này, nhưng mặt khác ông mời gọi Hermogenes bước vào hành trình truy tìm chân lý về sự chuẩn xác của tên gọi. Theo Socrates, Cratylus đang ám chỉ tới một sự tương phản giữa một bên là tên gọi Hermogenes: về mặt chiết tự tên gọi này có nghĩa là con cháu của dòng họ Hermes (Hermes là một vị thần bảo trợ cho các lái buôn, sự may mắn và tài lộc); và bên kia là sự thật: Hermogenes luôn gặp thất bại trong niềm mong mỏi có được tiền tài, phú quý.[17] Như thế, chiếu theo ‘bản chất thuyết’, tên gọi Hermogenes không dính dáng gì tới nguồn gốc và ý nghĩa của vị thần Hermes, vốn được xem là đấng bảo trợ cho sự may mắn, tài lộc. Chính vì lẽ đó mà Cratylus đã dùng giọng điệu chế nhạo với Hermogenes.

Tựu chung lại, với Cratylus, tên gọi và thực tại sự vật phải là một, theo nghĩa tên gọi diễn tả đúng bản chất thực nơi sự vật. Đến đây, ắt hẳn sẽ có người đặt vấn đề, giả như ‘bản chất thuyết’ của Cratylus là hợp lý và chuẩn xác, thì đâu là cơ sở hay nền tảng để xác định tính chính xác của ‘bản chất thuyết’? Dựa vào đâu để người ta biết được một tên gọi là chuẩn xác, và bằng cách nào người ta có thể tạo nên tên gọi đúng với bản chất của sự vật?

Tên gọi xét như một công cụ

Socrates không trực tiếp nói đến những nguyên tắc hay quy chuẩn để xác định sự chuẩn xác của tên gọi; thay vào đó, ông khởi đi bằng việc xem tên gọi như một công cụ vốn mang trong mình bản chất và chức năng cụ thể. Để xác định được bản chất và chức năng này, Socrates đưa ra nhiều minh họa liên hệ tới các công cụ và cách sử dụng công cụ khác nhau, từ đó ông dùng phương pháp loại suy áp dụng vào việc đặt tên sự vật và xác định sự chuẩn xác của tên gọi đó. Mỗi hành động (cách sử dụng công cụ) đều có bản chất riêng của nó, “bản chất này phải tương ứng với bản chất nơi đối tượng của hành động, chứ không tương ứng với quan niệm của ai đó về đối tượng.”[18] Trước hết, Socrates dùng hành động ‘cắt gọt và đốt cháy’ (387a-b) để minh họa mối tương quan giữa bản chất của hành động, của công cụ và của sư vật (đối tượng).

Soc. Giả như chúng ta cắt một cái gì đó, phải chăng chúng ta nên cắt theo cách chúng ta chọn hay theo công cụ mà chúng ta chọn sử dụng? Nếu chúng ta chọn cắt theo bản chất của công cụ, liệu rằng chúng ta sẽ thành công và cắt một cách chính xác? Trong khi đó, nếu chúng ta làm ngược lại với bản chất, phải chăng chúng ta đã làm sai và không hoàn thành công việc cắt đó?

Her. Ông nói đúng đó, việc cắt phải tuân theo bản chất của công cụ.

Soc. Lại nữa, nếu chúng ta đốt cháy cái gì đó, việc đốt này không phải theo một cách tùy tiện, nhưng chúng ta phải biết mình đốt cái gì; đốt như thế nào để đúng với bản chất của sự vật. (387a-b)

Socrates cho thấy người ta không thể hành động dựa trên quan điểm của riêng mình, nhưng phải tuân theo những gì được giải thích nơi bản chất của hành động, của đối tượng và của công cụ được sử dụng để thực hiện hành động. Ví dụ, khi ai đó muốn cắt thịt, người đó phải xem xét loại thịt, từ đó xác định cách thức để cắt, và chọn loại công cụ để cắt, hầu mang lại kết quả tốt nhất. Người đó có thể dùng dao rựa hay dao phay để cắt. Nhưng công cụ cắt tốt hơn trong trường hợp này là dao phay. Người đó có thể cố gắng thử dùng một cây búa để cắt thịt, nhưng chắc chắn sẽ là sai lầm khi dùng búa, bởi vì búa không phù hợp để cắt thịt.[19] Tương tự như thế, nếu một người thực hiện hành động đốt cháy cái gì đó, người đó cần phải biết loại vật liệu mình muốn đốt để từ đó xác định cách thức để đốt. Đốt cháy một miếng thịt thì khác với đốt cháy một thanh gỗ. Như vậy, trong trường hợp này, có thể nói bản chất và chức năng của con dao là để cắt; bản chất và chức năng của ngọn lửa là để tiêu hủy, đốt cháy.

Lập luận như trên có thể áp dụng loại suy vào việc sử dụng ngôn ngữ khi nói, bởi vì nói cũng là hành động, và tên gọi chính là công cụ người ta sử dụng khi nói. Vì thế, “việc nói năng phải suy xét tới bản chất của đối tượng đang được nói đến và bản chất của công cụ lời nói mà người nói sử dụng.”[20]

Soc. Nếu việc nói là một phần của hành động nơi con người, và việc đó có mối tương quan với hành động, phải chăng việc đặt tên cho sự vật cũng là một hành động?

Her. Đúng như vậy.

Soc… Hành động có bản chất loại biệt của riêng nó; vì thế, nếu chúng ta đồng ý với những gì đã nói, chúng ta không thể đặt tên sự vật tùy theo ý chúng ta; đúng hơn, chúng ta phải đặt tên sự vật theo bản chất được trao tặng cho chúng bằng việc sử dụng những ngôn từ thích hợp với bản chất của sự vật. (387c-d)

Nếu tên gọi là một công cụ, thì công cụ này phải có khả năng thực thi chức năng truyền tải bản chất và thực tại của sự vật; và chức năng của nó phải tương ứng với bản chất của sự vật được gọi tên. Vì lẽ đó, muốn thiết định nên một tên gọi, người ta phải biết rõ bản chất của đối tượng được gọi tên. Vậy, làm thế nào để biết rõ bản chất của sự vật hay đối tượng được đặt tên? Và ai là người có khả năng để biết rõ bản chất và đặt ra tên gọi cho sự vật? Để trả lời những câu hỏi này, Socrates tiếp tục mở rộng phân tích bản chất của sự vật, và chỉ ra mối liên hệ giữa công cụ với người làm ra và người sử dụng nó.

Bản chất sự vật và thẩm quyền đặt tên cho sự vật

Như đã nói ở trên, Hermogenes đồng ý với Socrates rằng, bản chất của tên gọi phụ thuộc vào bản chất của sự vật được gọi tên. Vậy bản chất này là gì; bằng cách nào mà bản chất đó có thể định hình tên gọi của sự vật? Socrates tiếp tục vận dụng phương pháp loại suy để trả lời câu hỏi này. Theo ông, nếu như tên gọi là một công cụ và người thợ thủ công là người tạo nên công cụ, thì chính người thợ đó sẽ là người hiểu rõ nhất chức năng, bản chất của công cụ đó; ví dụ, người thợ mộc biết cách tạo ra một con thoi để dệt vải, người thợ rèn tạo ra một cái búa cho người khác sử dụng… (388c). Tương tự, “không phải ai cũng có thể đặt tên cho sự vật, nhưng người gọi tên sự vật phải là một ‘nhà lập luật’ (legislator – người đề ra quy tắc luật lệ)[21] hay một nhà sáng chế tên gọi.” (388e)

Soc. Anh có nghĩ rằng phải có những quy luật giúp chúng ta đặt tên?

Her. Tôi nghĩ rằng có những quy luật như thế.

Soc. Như vậy, khi một người thầy sử dụng một tên gọi, thì người đó đang sử dụng sản phẩm của một người thiết lập quy luật.

Her. Tôi tin là thế.

Soc. Anh có cho rằng ai cũng có thể là một người thiết lập quy luật hay chỉ có những người nắm giữ nguyên lý lập luật?

Her. Chỉ có những người nắm giữ nguyên lý mà thôi.

Soc. Như thế, không phải ai cũng có thể đặt tên cho sự vật, nhưng đó phải là một ‘nhà sáng chế ngôn từ’ (name-maker), người thiết lập quy luật (legislator).

Her. Tôi cho là như vậy. (388e-389a)

Giống như một thợ thủ công biết cách làm ra một con thoi, nếu như nhà lập luật là người thiết định nên các quy luật, thì họ cũng chính là người đặt tên cho sự vật, bởi vì tên gọi hàm chứa trong nó những quy luật mà chỉ người tạo ra nó mới biết. Như vậy, chỉ có ‘nhà sáng chế ngôn từ’ mới là người đặt tên, bởi họ là chuyên gia trong công việc này. “Không giống như một người thầy, vốn chỉ biết sử dụng tên gọi để truyền đạt, ‘thợ đúc ngôn từ’ là người tạo ra tên gọi để người thầy sử dụng.”[22] Vậy làm cách nào mà ‘nhà sáng chế ngôn từ’, hay ‘nhà lập luật’ có thể tạo nên các tên gọi?

Socrates cho rằng ‘nhà lập luật’ tạo nên tên gọi bằng cách đưa các âm thanh và âm tiết vào trong mô thức (form) của một tên gọi. Tuy nhiên, thay vì trực tiếp diễn giải cách thức sắp xếp âm thanh và âm tiết, Socrates tiếp tục dẫn Hermogenes đi theo hướng của phương pháp loại suy.

Soc. Người thợ mộc sẽ nhìn vào đâu để tạo nên một con thoi? Phải chăng đó là một thứ con thoi mà bản chất của nó là để dệt, và đó là ‘mô thức’ của con thoi?

Her. Chắc chắn rồi.

Soc. Giả như con thoi đó bị phá hỏng trong khi người thợ mộc đang làm nó, liệu rằng người thợ mộc sẽ làm một cái khác dựa theo cái bị phá hỏng ban đầu? Hay ông ta sẽ quan sát chính ‘mô thức của con thoi’ (the form of a shuttle)?

Her. Theo tôi, ông ta sẽ nhìn vào ‘mô thức của con thoi’.

Soc. Như thế, sẽ chẳng có gì là sai khi gọi đó chính là một cái con thoi.

Her. Tôi nghĩ là thế.

Soc. Vì vậy, bất cứ khi nào người thợ mộc phải làm một con thoi để dệt các loại vải khác nhau, phải chăng tùy mức độ nặng hay nhẹ, vải lanh hay vải bông sẽ quyết định kiểu mẫu của con thoi? Và phải chăng người thợ mộc đặt vào nơi con thoi cái bản chất sao cho phù hợp nhất với công việc của nó?

Her. Chắc chắn rồi. (389a-c)

Để làm được một con thoi với mục đích là dệt vải, người thợ mộc phải dựa vào chính cái ‘mô thức của con thoi’, bởi vì ‘mô thức’ đó mới là bản chất thực sự của việc dệt vải, và nhờ đó con thoi có thể hoạt động đúng chức năng của nó. Điều này ngụ ý rằng ‘mô thức’ và bản chất là giống nhau, bởi vì ‘mô thức’ cũng chính là cái mà sự vật là (389b). Lại nữa, cả Socrates và Hermogenes đều đồng ý với nhau: bản chất của mỗi sự vật được tỏ lộ nơi chức năng của nó (388e). Vì vậy, ‘bản chất’, ‘mô thức’ và ‘cái mà sự vật là’ đều ám chỉ tới chức năng. “Mô thức’ là cái cốt có sẵn, nhưng người thợ cũng phải biết cách chọn loại vật liệu thích hợp để tạo nên các công cụ với những mục đích riêng biệt.

Soc. Khi một người thợ khám phá ra loại công cụ thích hợp với loại công việc cần sử dụng, anh ta sẽ diễn tả ‘mô thức mang tính bản chất’ này qua loại vật liệu thích hợp. Ví dụ, người thợ rèn sẽ biết cách để đưa vật liệu thép vào trong một ‘mô thức’ của cái mũi khoan, phù hợp loại công việc cần dùng tới mũi khoan…

Her. Chắc chắn rồi.

Soc. Và điều này cũng phải được áp dụng cho mọi loại công cụ.

Her. Ngài nói chính xác.

Soc. Và đối với tên gọi, phải chăng nhà lập luật phải là người biết tạo nên tên gọi đúng bản chất của mỗi sự vật bằng cách sử dụng những âm thanh và âm tiết khác nhau, và cho ra những tên gọi được coi là lý tưởng? Các nhà lập luật khác nhau sẽ không cùng sử dụng nhưng âm thanh và âm tiết như nhau. Bởi vì, dù phải làm ra cùng một công cụ cho cùng một mục đích sử dụng, nhưng người thợ rèn vẫn có thể dùng những loại thép khác nhau. “Mô thức’ phải là như nhau, nhưng chất liệu thì đa dạng và mục đích sử dụng vẫn được đảm bảo.

Her. Tôi đồng ý với ngài. (389c-e)

Người thợ tạo ra công cụ không thể theo bất cứ cách thức nào mà anh ta muốn, nhưng họ phải đưa bản chất hay chức năng của công cụ vào trong một vật liệu thích hợp để làm ra một công cụ. Tương tự như vậy, nhà lập luật phải biết đưa những âm thanh và âm tiết vào trong một tên gọi để có thể diễn tả đúng chức năng, bản chất của sự vật. Hơn nữa, bởi vì chức năng của mỗi cái tên là cái để phân biệt các sự vật; do vậy người lập luật cũng phải biết chọn lựa âm thanh và âm tiết phù hợp với bản chất, chức năng của từng tên gọi sự vật. Vì thế, “giống như người thợ thủ công, nhà tạo lập ngôn ngữ phải biết và trân trọng bản chất của sự vật khi đặt tên.”[23]

Ngoài ra, cũng cần phải biết rằng, cũng là con thoi, nhưng chúng sẽ có sự khác biệt nếu chúng được sử dụng để dệt các loại vải khác nhau. Ví dụ, dệt vải lanh sẽ cần một con thoi khác so với dệt vải len. Các thợ mộc khác nhau sẽ sử dụng các loại vật liệu gỗ khác nhau để tạo nên con thoi sao cho phù hợp với mục đích sử dụng, những người thợ rèn cũng vậy. Do vậy, các nhà lập luật sẽ sử dụng các âm thanh và âm tiết khác nhau để tạo nên các tên gọi khác nhau.

Một ví dụ khác liên quan đến tên gọi của ‘Plato, tên gọi ‘Plato’ có thể được ví như ‘một bức chân dung’ (430d) – một sự mô phỏng lại một con người bằng hình ảnh. Nghĩa là, người họa sĩ sẽ đưa những đường nét và màu sắc khác nhau vào trong ‘mô thức’ của Plato để tạo nên bức chân dung của ông; ‘mô thức’ của bức vẽ có cùng ‘mô thức’ nơi Plato. Sự khác biệt chỉ ở chỗ chất liệu của mô thức thì khác nhau (một thân xác bằng xương bằng thịt, và một loại chất liệu vải hoặc giấy).[24] Như thế, một họa sĩ hay một nhà điêu khắc vẫn có thể đưa ‘mô thức’ này của Plato vào những chất thể khác nhau để tạo ra những bức chân dung hay phù điêu về Plato. Vì vậy, khi một nhà lập luật đặt tên ‘Plato’, ông ta sẽ đưa những âm thanh và âm tiết vào trong ‘mô thức’ của Plato.

Tuy nhiên, làm sao có thể xác minh những bức tranh hay bức phù điêu diễn tả chính xác ‘mô thức’ của đối tượng; hay cụ thể, bằng cách nào để biết được các nhà lập luật đã tạo nên những tên gọi chuẩn xác? Liệu rằng có xảy ra trường hợp có những nhà lập luật hình thành nên những tên gọi chuẩn xác hơn những người khác, dẫu cho tất cả những tên gọi đó cùng chỉ về một sự vật?

Sự có mặt của các nhà biện chứng

Trước khi trả lời câu hỏi thứ nhất về việc kiểm định tính chính xác của các tên gọi do các nhà lập luật tạo ra, Socrates lại dồn sự tập trung của mình vào câu hỏi thứ hai liên quan tới khả năng xảy ra trường hợp tên gọi của người này chính xác hơn của người kia.

Soc. Liệu có thể đánh giá các nhà lập luật Hy Lạp và ngoại quốc trong cùng phương thức như nhau không? Giả như họ cung cấp cho mỗi sự vật một cái ‘mô thức’ của tên gọi được xem là phù hợp với bản chất sự vật, dẫu cho những ký tự và âm thanh diễn tả tên gọi có khác nhau, thì họ vẫn là những nhà lập luật sáng giá ngang nhau.

Her. Chắc chắn rồi. (390a)

Vấn đề cốt lõi của việc đặt tên hệ ở sự diễn tả chính xác ‘mô thức’ tên gọi sao cho phù hợp với chức năng và bản chất của sự vật, chứ không nhất thiết lệ thuộc vào việc phân biệt ai là người đặt tên. Bao lâu các nhà lập luật còn có thể giải thích rõ ràng chức năng và bản chất của tên gọi mà họ tạo ra và đặt tên cho sự vật, bấy lâu công việc này vẫn tiếp tục gặt hái thành công; và sự chuẩn xác của tên gọi vẫn duy trì cho dẫu các nhà lập luật này là người Hy Lạp hay người ngoại quốc.

Quay trở lại với câu hỏi về việc xác định ai là người có thể kiểm duyệt tên gọi do các nhà lập luật đưa ra, Socrates cho rằng đó là các nhà biện chứng (dialectian). Tuy nhiên, trước khi kết luận các nhà biện chứng là những người đóng vai trò kiểm duyệt sau cùng trong việc hình thành nên một tên gọi, Socrates nhấn mạnh tới vai trò của ‘người sử dụng công cụ’ trong việc kiểm tra chức năng của ‘công cụ’ do người ‘thợ thủ công’ làm ra.

Soc. Vậy, ai sẽ là người xác định xem ‘mô thức’ nào là thích hợp để được sử dụng cho con thoi; và người xác định ‘mô thức’ là người thợ mộc làm ra con thoi hay người thợ dệt sử dụng nó?

Her. Nhiều khả năng chính là người sử dụng nó.

Soc. Ai có thể sử dụng cây đàn do người thợ làm ra? Há chẳng phải người đó sẽ là người biết rõ nhất cách thức để thẩm định, hướng dẫn những gì đang được làm, và người đó cũng sẽ biết liệu rằng công việc đang được làm này là tốt hay không?

Her. Phải rồi.

Soc. Vậy người đó là ai?

Her. Chắc chắn là người biết chơi đàn

Soc. Ai sẽ là người thẩm định hay hướng dẫn một người thợ đóng tàu?

Her. Người thuyền trưởng

Soc. Vậy ai là người có thể thẩm định công việc của một người lập luật, và duyệt xét các sản phẩm họ tạo ra? Phải chăng là bất kỳ người nào sử dụng chúng?

Her. Đúng thế.

Soc. Phải chăng đó là người biết cách để đưa ra các câu hỏi?

Her. Chắc chắn thế.

Soc. Và người đó cũng biết làm thể nào để trả lời chúng? Và chúng ta gọi họ là các nhà biện chứng?

Her. Đúng như ngài nói…

Soc. Vì thế, để có các tên gọi chính xác, các nhà biện chứng phải là người thẩm định các nhà lập luật (người tạo ra tên gọi). (390b-c)

Ở đây, Socrates đang nỗ lực giúp Hermogenes “phân biệt giữa việc đặt tên và việc sử dụng tên.”[25] Để làm được điều này, trước hết Socrates chỉ ra mối tương quan khăng khít giữa ‘công cụ, người tạo ra công cụ, và người sử dụng công cụ’. Tạo ra và xác định chức năng của công cụ không chỉ do người làm ra nó quyết định, nhưng sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua vai trò của ngưởi sử dụng công cụ; họ sẽ thẩm định để đảm bảo rằng người tạo ra công cụ đã thực hiện một cách chính xác. Như thế, người thợ dệt, người chơi đàn hay người thuyền trưởng sẽ thực thi công việc thẩm định các loại công cụ hay các sản phẩm do các người thợ làm ra (390b).[26] Tương tự, ‘tên gọi, người đặt tên, và người sử dụng tên gọi’ cũng là ba yếu tố gắn chặt với nhau. Chỉ riêng sự hiểu biết của người tạo ra tên gọi không thôi là chưa đủ, cần phải có sự góp mặt của người sử dụng tên gọi, vốn được xem là người vận dụng những tên gọi đó trong hoàn cảnh thực tế và có khả năng để đánh giá tính hiệu quả và chính xác của tên gọi. Vì thế, chính các nhà biện chứng sẽ thẩm định việc đặt tên bởi vì họ biết rõ cách thức để hỏi và trả lời các câu hỏi (390d). Do vậy, “trong khi một nhà lập luật tất bật trong việc đặt tên cho sự vật, thì người thẩm định cũng bận rộn trong việc tra vấn đâu là ý nghĩa, chức năng của từng tên gọi.”[27]

Nói tóm lại, có thể khẳng định rằng, với Socrates không phải ai cũng có thể là ‘nhà sáng chế ngôn từ’ hay nhà lập luật. Nhưng chỉ có những ai biết rõ được tên gọi bản chất của từng sự vật mới là người có thể sắp đặt cách chính xác nhất có thể những âm thanh, ký tự và âm tiết vào ‘mô thức’ của tên gọi (390d). Như thế thôi cũng chưa đủ, để xác minh công việc của các nhà lập luật là chính xác và thuyết phục, sự xuất hiện của các nhà biện chứng được xem như là công đoạn kiểm duyệt cuối cùng về sự chuẩn xác của tên gọi. Tưởng chừng như sự có mặt sau cùng của các nhà biện chứng là cần và đủ để tạo nên một bộ ba liên kết (tên gọi, nhà sáng chế tên gọi và nhà biện chứng) tựa chiếc kiềng ba chân vững chãi trong việc hình thành và xác minh sự chuẩn xác của tên gọi. Tuy nhiên, vẫn còn đó một phương thế khác để truy tìm và xác minh sự chuẩn xác của tên gọi, đó là việc vận dụng ‘từ nguyên học’ (etymology).

Vận dụng từ nguyên học

Đối với các nhà tư tưởng và các triết gia Hy Lạp, “từ nguyên học thường được sử dụng, bằng cách này hay cách khác, để tìm ra những dấu vết quan trọng nơi mỗi từ ngữ hay tên gọi, nhờ đó các triết gia có thể khám phá được phần nào ý nghĩa, nội dung của tên gọi đó; ngay cả khi tên gọi đó hàm chứa một ý nghĩa huyền nhiệm ẩn kín.”[28] Ví dụ, trong tác phẩm Phaedrus, theo Socrates, từ “eros” (love – tình yêu) có gốc từ nguyên là “rhome” (strength – sức mạnh). Theo lối trích nguyên ngữ này, trong “eros” (tình yêu) có hàm chứa sức mạnh.[29]

Như vậy, nhờ việc vận dụng ‘từ nguyên học’ hay ‘chẻ từ’ người ta có thể tìm ra nguồn gốc của từng chi tiết nhỏ nơi mỗi tên gọi, vốn tạo nên bản chất tổng thể nơi tên gọi, và xem nó có trùng khớp với bản chất sự vật hay không. Đồng thời, theo chiều ngược lại, nhờ vào việc biết rõ ý nghĩa của các từ gốc, người ta cũng có thể gầy dựng nên những tên gọi diễn tả đúng với bản chất của sự vật. Và đây chính là phương pháp mà Socrates đề nghị với Hermogenes cùng suy xét hầu có thể tìm thấy sự chuẩn xác của tên gọi. Hay nói cách khác, trong Cratylus, việc áp dụng ‘từ nguyên học’ giúp người ta “khám phá hệ thống các thành phần cấu thành nên tên gọi, nhờ đó tìm ra được sự diễn tả chân thực nhất về sự vật.”[30] Tuy nhiên, nếu suy xét sâu xa hơn, sẽ có người đặt vấn đề, vậy đâu là những từ ngữ hay tên gọi đầu tiên (gốc từ) để từ đó người ta có thể dựa vào mà xác định những cái tên tiếp theo?

Mọi tên gọi đều có nguồn gốc

Theo Socrates, các từ gốc là những từ không thể bị phân tách; chúng mang một nghĩa và chỉ diễn tả bản chất của một sự vật mà thôi (422c-d). Dĩ nhiên, những từ gốc này được coi là những từ ngữ diễn tả chuẩn xác bản chất của sự vật. Vì thế, “các từ phát sinh chỉ có thể được giải thích bởi các từ phát xuất hay từ gốc của nó.” (426a) Tức có nghĩa, nếu người ta không biết sự chuẩn xác của các từ hay tên gọi gốc, người ta cũng sẽ không thể nào biết được sự chuẩn xác của các tên gọi phát sinh từ tên gốc. [31] Vậy, đâu là điểm khởi của những từ hay tên gốc này?

Với Socrates, các từ hay tên gọi gốc không đến từ việc bắt chước gọi theo các phẩm tính của sự vật như màu sắc, âm điệu giống như trong hội họa hay âm nhạc để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật, nhưng đến từ bản chất hay yếu tính của sự vật; “mỗi sự vật đều có bản chất riêng của nó.” (423e) Như vậy, các từ gốc được hình thành qua việc “sắp đặt các ký tự và âm tiết lại với nhau dựa trên bản chất, yếu tính của sự vật theo một kết cấu hoàn toàn tự nhiên, và có tính thống nhất ngang qua bàn tay nhào nặn của những người đặt tên (the name-giver).”[32]

Soc. Anh có đồng ý rằng, bản chất của mỗi sự vật không chỉ là cái mà người ta gọi là màu sắc hoặc âm thanh?

Her. Tôi nghĩ vậy.

Soc. Còn nếu như ai đó có thể diễn tả bản chất của một sự vật ngang qua những âm thanh và âm tiết, liệu rằng người đó có đang diễn tả bản chất của sự vật?

Her. Tôi tin rằng điều này là đúng. (423e)

Cũng cần phải để ý rằng, các âm thanh và các âm tiết chỉ là những thành phần hay yếu tố của tên gọi, chứ không phải là các tên gọi. Cũng giống như người họa sĩ sử dụng các màu sắc khác nhau để tạo nên một bức tranh, ‘âm thanh và âm tiết’ được ví như các loại màu sắc tạo nên một bức tranh, chứ không phải là bức tranh (434a-b). Tuy nhiên, điều này cũng không phủ nhận rằng, các ký tự hay âm tiết không hàm chứa bất kỳ nghĩa nào. Ví dụ, cả Socrates và Cratylus đều đồng ý với nhau là ký tự “ρ” diễn tả sự chuyển động, cứng rắn; ký tự “λ” diễn tả sự nhẹ nhàng, mềm mại (434c-d).[33]

Áp dụng từ nguyên luận

Một vài ví dụ sau đây sẽ minh họa cho việc sử dụng ‘từ nguyên học’ mà Socrates đã nói. Trong tiếng Hy lạp, tên gọi ‘agathon’ (goodness – tốt lành) sẽ được phân tích thành hai từ khác là “agaston” (admirable – ngưỡng mộ) và “thoon” (fast – nhanh chóng); “thoon” có thể được phân thích xa hơn nữa từ gốc “rhoe” (flowing – chảy) (412c). Do vậy, những thành phần hay cấu tố tạo nên từ “agathon – goodness” không phải là một sự sắp đặt và kết hợp một cách tùy ý nhằm diễn tả bản chất của sự tốt lành; nhưng đúng hơn, đó là sự kết hợp của tất cả những gốc từ có thể diễn tả bản chất của từ “goodness – tốt lành”, vốn được các nhà ngôn ngữ sắp đặt.

Với tên gọi “alios” (the sun – mặt trời), tên gọi này được gán cho “mặt trời” bởi vì khi mặt trời ló rạng, nó sẽ quy tụ (alizoi) mọi người lại; hay bởi vì nó luôn quay quanh trái đất (aei eilein ion) (409a-b). Với từ “ngôi sao” (astra – star), từ này có lẽ xuất phát từ gốc ‘astrape’ biểu thị nỗi buồn trên đôi mắt (409c). Còn rất nhiều những tên gọi khác được bàn đến trong cuộc đối thoại này, nhưng tựu chung lại, tất cả đều được phân tích và chỉ cho thấy mọi tên gọi đều có nguồn gốc hay nguyên ngữ riêng, vốn được xem như nền tảng để hình thành nên các tên gọi.

Như vậy, có thể xem việc vận dụng ‘từ nguyên học’ như là một giải pháp hiệu quả giúp tìm ra nguồn gốc hay bản chất thực sự của sự vật, đồng thời cũng là cơ sở để người ta đặt tên cho sự vật mà không làm mất đi bản chất của nó. Quả thực, nếu người ta có thể làm được điều này, có lẽ vấn đề khoảng cách giữa tên gọi hay danh từ và thực tại sự vật chẳng còn nữa. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy khác. Tất cả những gì phân tích ở đây về ‘từ nguyên học’, hay cụ thể là tìm về với gốc từ, đâu đó vẫn chỉ là những phỏng đoán, không thực sự chắc chắn; đồng thời, việc xác định đâu là từ gốc và đâu là từ phát sinh cũng không hề đơn giản. Xem ra ‘bản chất thuyết’ mà Cratylus đề nghị cũng vấp phải những khó khăn không hề nhỏ.

Ngôn ngữ lý tưởng và khả năng để hình thành tên gọi lý tưởng

Có thể nói, ‘bản chất thuyết’ mà Cratylus đề nghị là một lý thuyết đáng mong ước, bởi vì nếu tên gọi sự vật trùng khớp với thực tại của chính nó, thì những tranh luận trong suốt dòng lịch sử triết học về những câu hỏi liên quan như ‘sự vật là gì, nó như thế nào, bản chất thực sự của nó là gì?’ đã có được lời giải đáp rõ ràng. Đây có thể xem là những tên gọi lý tưởng, hay xa hơn nữa người ta có thể vươn tới một thứ ngôn ngữ lý tưởng nếu ‘bản chất thuyết’ có thể hiện thực hóa. Tuy nhiên, từ cuộc đối thoại Cratylus, ban đầu Socrates có vẻ bênh vực và ra tay bảo vệ ‘bản chất thuyết’ trước sự tấn công của Hermogenes; nhưng sau đó, Socrates lại dành cho ‘bản chất thuyết’ những phê bình rất sắc bén.

Vấn đề mà Socrates tập trung tra vấn và phê bình vẫn xoay quanh câu hỏi: có hay không sự chuẩn xác của tên gọi khi áp dụng ‘từ nguyên học’ để tìm ra chân tướng của sự vật? Theo ông, việc ‘chiết tự’ khá máy móc này, tuy có thể đạt tới những tên gọi hay từ ngữ nguyên gốc không thể phân tách được hơn nữa (421e-422c), nhưng chính các gốc từ này lại mang những ý nghĩa rời rạc và rất khó để nối kết lại. Tính chuẩn xác của những từ gốc này cũng là một vấn đề rất khó xác định; và nếu giả như có đi chăng nữa, thì sự chuẩn xác của những gốc từ này phải hệ ở một cái gì đó nền tảng hơn nhiều so với những sự diễn tả mang tính gượng ép, áp đặt.[34]

Trước sự tra vấn này của Socrates, Cratylus lý luận rằng: “mọi tên gọi đều được thiết lập cách chuẩn xác”, (429b) bởi vì “các nguyên tắc thiết lập nên chúng (tên gọi) đều duy trì mối liên hệ bản chất giữa chúng với những sự vật được gọi tên.”[35] Theo Cratylus, mối liên hệ này là mối liên hệ của sự tương đồng hay bắt chước giữa tên gọi và sự vật; điều này cũng giống như việc xem các bức tranh là sự diễn tả theo kiểu bắt chước sự vật (430b). Tuy nhiên, với vô vàn sự vật, hiện tượng có mặt trong vũ trụ này, làm sao người ta có thể tạo ra tên gọi theo kiểu bắt chước mà không gặp phải bất kỳ sự trùng lặp nào. Chắc chắn, phải có những quy tắc nhất định trong việc đặt tên mới có thể giúp tránh khỏi sự trùng lặp này. Vì thế, ý tưởng về một mối liên hệ bản chất giữa tên gọi và sự vật đặt nền trên sự tương đồng để đặt tên cho sự vật hầu chắc không thể xảy ra và không hoàn hảo.

Lại nữa, cũng theo ‘bản chất thuyết’, “nếu sự vật chỉ có thể được nhận biết ngang qua tên gọi của nó, vậy làm sao chúng ta có thể khẳng định nhà sáng chế tên gọi biết rõ bản chất sự vật trước cả khi người đó đặt tên cho sự vật?” (438b) Suy tới cùng, ai là người đầu tiên đặt ra những tên gọi nguyên gốc, ai là người biết rõ bản chất sự vật trước khi đặt cho nó một cái tên? Quả thực, Cratylus đã phải thừa nhận: “thưa ông Socrates, tôi tin rằng phải có một đấng mang năng lực và khả năng mạnh hơn những gì con người có thể, chính đấng đó sẽ đặt những tên gọi đầu tiên cho sự vật. Những tên gọi được trao ban này thực sự là những tên gọi chuẩn xác.” (438c)

Như vậy, một khi bị tra vấn tới cùng, Cratylus buộc lòng phải nại tới yếu tố siêu hình khi thừa nhận có một năng lực trổi vượt trên khả năng của con người, thiết định nên những tên gọi đầu tiên. Nói như thế, dường như ‘bản chất thuyết’ mà Cratylus đã ra sức bảo vệ lại rơi vào thế giới duy tâm, quy mọi sự về với siêu hình. Vì vậy, có lẽ Cratylus cũng phải chấp nhận rằng khả năng tri thức của con người có giới hạn, và việc truy nguyên bản chất thực tại sự vật cũng chỉ có thể đạt tới một mức độ nào đó, chứ không thể đi tới cái được gọi là tận cùng, là gốc rễ.

Nói tóm lại, việc hình thành nên những tên gọi lý tưởng như ‘bản chất thuyết’ đưa ra về mặt lý thuyết là đáng được ca ngợi, bởi vì sự chuẩn xác tuyệt đối mà nó mang lại. Hay nói đúng hơn, sự chênh lệch khoảng cách giữa tên gọi là thực tại sự vật sẽ không còn nếu người ta có thể tuyệt đối tuân theo ‘bản chất thuyết’. Nhưng đồng thời, chắc hẳn, ai cũng phải thừa nhận, có những tên gọi, mặc dù chỉ ám chỉ một chút, thậm chí là không hàm chứa sự liên hệ rõ ràng nào với sự vật được gọi tên, vẫn được mọi người sử dụng; và khi xướng gọi tên lên, mọi người vẫn có thể hiểu điều người nói muốn ám chỉ. Như thế, mối quan hệ giữa tên gọi và sự vật không nhất thiết luôn phải mang yếu tố của ‘bản chất thuyết’, nhưng đâu đó còn có sự đồng thuận hay quy tắc chung giữa những người sử dụng. Và khi đó, tên gọi và thực tại sự vật dường như không nhất thiết phải là một, đã có một khoảng cách chênh lệch nào đó giữa tên gọi và thực tại sự vật.

 

Chương 2
Tồn tại một khoảng cách đáng kể giữa tên gọi và thực tại sự vật

Những gì được trình bày trong chương một là một nỗ lực của người viết với mục đích làm nổi bật quan niệm về một tên gọi lý tưởng, và đáng ao ước mà Cratylus đề cập. Như thế, những luận điểm được đưa ra chủ yếu dựa trên sự tổng hợp, phân tích và gom góp từ những mẩu đối thoại rải rác trong tác phẩm nhằm nhấn mạnh rằng, dường như trong chương một Socrates rất mực bênh vực ‘bản chất thuyết’ của Cratylus, và tìm mọi cách để thuyết phục Hermogenes đón nhận lý thuyết này. Tuy nhiên, cuộc đối thoại sẽ không trọn vẹn nếu chỉ có một chiều như thế. Thực ra, tất cả các nhân vật đều được giãi bày, biện minh cho quan điểm của riêng mình. Chính vì thế, ngay từ đầu cuộc đối thoại, trước khi được Socrates soi dẫn bằng những giải thích và lập luận sắc bén về sự chuẩn xác của tên gọi theo Cratylus, Hermogenes vẫn có cơ hội bảo vệ quan điểm về sự chuẩn xác của tên gọi, vốn được xây nền trên ‘quy ước thuyết’ (conventionalism) mà ông đề xuất. Vì vậy, chương hai này sẽ là những phân tích, tổng hợp và phê bình để làm nổi bật tiếng nói của Hermogenes, đặc biệt là quan điểm về ‘quy ước thuyết’ của ông.

Tên gọi là sự quy ước

Không đồng tình với ‘bản chất thuyết’ mà Cratylus đề nghị, cùng với đó có lẽ là sự bất bình và không được thuyết phục khi Cratylus cho rằng tên gọi Hermogenes không phải là một tên gọi chuẩn xác (383b). Hermogenes nói:

Her. Sau những cuộc bàn luận với Cratylus và nhiều người khác, tôi xác tín, chẳng có sự chuẩn xác nào của tên gọi cho bằng đó là sự quy ước và đồng thuận. Với tôi, bất cứ tên gọi nào mà người ta dùng để gọi tên sự vật đều là chính xác. Và nếu tên gọi đó được thay đổi thành một tên khác, thì cái tên mới này vẫn không hề kém chuẩn xác hơn tên gọi trước đây. Ví dụ, khi chúng ta đặt tên cho người nô lệ của mình, tên mới cũng chuẩn xác như tên cũ. Chẳng hề có cái tên nào lệ thuộc vào một sự vật cụ thể do bởi bản chất, nhưng chỉ bởi những quy luật và thói quen sử dụng của những người thiết lập và sử dụng tên gọi đó. (384c-d)

Hermogenes cho thấy lập trường về sự chuẩn xác của tên gọi của ông vốn được hình thành là do sự quy ước và đồng thuận, và bất cứ tên gọi nào được người ta đặt đều chuẩn xác (384c). Nghĩa là, việc đặt tên cho dẫu chỉ là sự quy gán, nhưng cũng đủ để có thể tạo nên sự chuẩn xác cho tên gọi. Vì thế, khi một ai đó quyết định thay đổi một tên gọi nào đó, người đó có thể thực hiện cách dễ dàng, và việc thay đổi này tự nó được xác chuẩn. Hermogenes minh họa điều này qua việc nại đến truyền thống Hy Lạp trong việc đổi tên những người nô lệ trong nhà. Khi có một người nô lệ mới, ông chủ hoàn toàn có quyền thay đổi tên cho người này, tùy theo ý muốn của ông “hoặc đặt cho người nô lệ một cái tên mới theo tiếng Hy Lạp, hoặc chỉnh sửa tên cũ và gán cho nó một ý nghĩa trong tiếng Hy Lạp.”[36] Điều này ngụ ý “người nô lệ sẽ không có một cái tên riêng biệt, duy nhất.”[37] Dù có đặt tên theo cách nào đi nữa, thì tên gọi mới vẫn là một tên gọi chuẩn xác như tên gọi cũ. Như thế, “cùng là một sự vật, nhưng có thể mang nhiều tên gọi khác nhau tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, thời đại và con người.”[38] Tuy nhiên, liệu rằng việc đặt tên mới hoặc thay đổi tên gọi có cần phải bám theo tên gọi hay sự chuẩn xác của tên gọi cũ hay không? Có hay không một nền tảng chung cho việc theo đuổi ‘quy ước thuyết’, hay tất cả chỉ là việc gọi tên một cách tùy tiện, theo ý muốn của người đặt tên?

Hermogenes không đưa ra bất cứ giải thích nào cụ thể về điều này, tuy nhiên theo lối giải thích của tác giả John. E Joseph trong tác phẩm Limiting the Arbitrary:Linguistic Naturalism and Its Opposites in Plato’s Cratylus and the Modern Theories of Language , “sự chuẩn xác của tên gọi mới phải được dựa trên sự chuẩn xác của tên gọi cũ hay tên gọi ban đầu”[39], bởi vì theo ông Hermogenes đã hiểu việc thay đổi tên gọi của người nô lệ đơn thuần chỉ như việc chuyển dịch tên người nô lệ đó sang tiếng Hy Lạp, hay gán cho người đó một tên gọi khác nhưng không thể nào thay đổi sự thật “người đó vẫn là nô lệ.”[40] Như thế, ngay cả khi một tên gọi mới xuất hiện thì tên gọi cũ vẫn duy trì sự chuẩn xác của nó dù không ai còn sử dụng nó. Tuy nhiên, với người viết, lối giải thích này của Joseph dường như không giải quyết được tuyên bố trước đó của Hermogenes: “giữa các tên gọi không có bất kỳ sự lệ thuộc nào cả về bản chất, chúng đơn thuần chỉ là quy ước và thói quen của người sử dụng.” (384d) Như thế, tên gọi mới có thể hoàn toàn độc lập với tên gọi cũ, và sự chuẩn xác của nó luôn được đảm bảo. Và vì vậy, ‘quy ước thuyết’ mà Hermogenes đề nghị có thể được áp dụng cho việc thiết lập tên gọi dành cho mọi người; “ai cũng có thể được coi là nhà sáng chế ngôn ngữ.”[41] Tuy nhiên, liệu rằng ‘quy ước thuyết’ và sự tự do trong việc thiết lập tên gọi này như những gì Hermogenes tuyên bố có đủ sức thuyết phục, và tự nó có đủ để làm nên sự chuẩn xác của tên gọi khi được để xướng?

Sự chuẩn xác của tên gọi khi được phát biểu, xướng gọi

Ngay sau khi Hermogenes trình bày quan niệm của mình về sự chuẩn xác của danh từ vốn có thể được tạo nên bởi bất kỳ ai, Socrates lập tức khơi mào công cuộc tra hỏi Hermogenes liên quan tới khả năng tồn tại của một câu văn và một tên gọi chuẩn xác.

Soc. Anh có thừa nhận rằng phải chăng trong những điều anh từng nói ra, có một số điều là chuẩn xác, và cũng có những thứ là sai lầm hay không chuẩn xác?

Her. Đúng là có chuyện đó.

Soc. Phải chăng có một số mệnh đề là chính xác, trong khi cũng có một số mệnh đề là sai?

Her. Chắc chắn rồi.

Soc. Vậy có phải một mệnh đề đúng cho thấy điều nó là, trong khi một mệnh đề sai cho thấy cái nó không là?

Her. Đúng rồi.

Soc. Tuy nhiên, chả lẽ một mệnh đề được xét là đúng trong một tổng thể, mà vẫn có những phần sai?

Her. Không phải thế, các thành phần trong mệnh đề cũng phải đúng như trong tổng thể.

Soc. Phải chăng các thành phần, thành phần lớn thì đúng, còn các thành phần nhỏ không nhất thiết cần phải đúng, hay tất cả đều phải đúng?

Her. Theo tôi, tất cả chúng phải đúng.

Soc. Liệu rằng có một phần của mệnh đề còn nhỏ hơn cả một tên gọi?

Her. Không có, tên gọi là phần nhỏ nhất.

Soc. Tên gọi có phải là một phần trong một mệnh đề đúng?

Her. Đúng rồi.

Soc. Phải chăng một phần nhỏ của một mệnh đề là sai, thì mệnh đề đó cũng là sai?

Her. Ngài nói đúng.

Soc. Vậy nếu các mệnh đề có thể là đúng hoặc sai, thì các tên gọi cũng có thể đúng hoặc sai?

Her. Có thể suy luận như thế. (385b-d)

Tên gọi trong mệnh đề

Khác với quan điểm mà Hermogenes đề nghị – mọi tên gọi đều chuẩn xác, theo Socrates tên gọi có đúng, có sai (385d). Điều này khởi đi từ việc Socrates cho rằng trong những câu nói hay thông tin mà người ta trao đổi vẫn có những điều đúng và cũng có điều sai (385b). Từ đó Socrates dẫn Hermogenes tới lập luận: trong các mệnh đề độc lập có mệnh đề đúng, có mệnh đề sai, và Hermogenes thừa nhận trường hợp này có thể xảy ra. Vấn đề còn được đẩy đi xa hơn khi suy xét đến các thành phần nhỏ hơn trong mệnh đề, với câu hỏi: liệu có chăng một mệnh đề tổng thể có thể đúng, trong khi các thành phần của nó có thể sai? Hermogenes đi tới chỗ phải đồng ý với lập luận trên của Socrates. Điều đưa tới một hệ quả song song: trong một mệnh đề đúng, thì các thành phần nhỏ trong nó cũng phải đúng; và ngược lại, trong một mệnh đề sai, các thành phần nhỏ bên trong nó có thành phần sai. Bởi vì, tên gọi là một thành phần nhỏ trong mệnh đề, nên tên gọi có đúng, và có sai.

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lưỡng, dường như “Socrates đang dùng lối ‘ngụy biện thành phần’ (fallacy of division) để dẫn dắt Hermogenes đi theo quan niệm của ông.”[42] Trong những câu hỏi đầu tiên, Socrates ngụ ý rằng một mệnh đề có thể đúng mà không cần xem xét tới giá trị-chân lý (truth-value) của các thành phần trong nó; và nếu như vậy, rõ ràng “giá trị-chân lý của một mệnh đề tổng thể sẽ chẳng lệ thuộc vào giá trị-chân lý của các thành phần.”[43] Điều này khiến Hermogenes phải đi tới chỗ hoặc thừa nhận, hoặc chối bỏ phát biểu ‘một mệnh đề có thể đúng mà không liên quan tới việc xem xét liệu rằng các thành phần của nó là đúng hay sai’. Thực tế, Hermogenes khẳng định: “nếu một mệnh đề đúng thì mọi thành phần trong nó cũng đúng.” (385c) Câu nói này cũng tương tự như câu nói ‘nếu Mỹ là một đất nước giàu, thì mọi người trong đất nước Mỹ đều giàu có’. Như thế, phải chăng Socrates đã tạo ra một cái bẫy – một lối ngụy biện khôn ngoan để lèo lái Hermogenes đi vào sai lầm, và rơi vào thế tự đối nghịch với chính mình vì trước đó ông đã nói: “mọi tên gọi đều chuẩn xác”. (384c) Tuy nhiên, đây có thực sự là ý đồ hay là cái bẫy mà Socrates đặt ra cho Hermogenes; hay đây chỉ là lối nẻo mà Socrates muốn giúp Hermogenes đi tìm hiểu sâu hơn về ‘quy ước thuyết’.

Vai trò của tên gọi trong mệnh đề

Có lẽ, cần phải khẳng định rằng những gì Socrates nhắm tới không phải là tạo nên một cái bẫy qua việc vận dụng lối ‘ngụy biện thành phần’; nhưng đúng hơn, điều Socrates muốn nhấn mạnh ở đây chính là “vai trò của tên gọi trong một mệnh đề”.[44] Tên gọi được xem là một thành phần trong một mệnh đề, và nó hàm chứa giá trị-chân lý trong mệnh đề. Bao lâu tên gọi còn được bao bọc, và là thành phần của mệnh đề, bấy lâu tên gọi mang trong nó giá trị-chân lý. Như thế, tên gọi có thể là đúng hay sai chỉ khi nó là thành phần của một mệnh đề đúng hay sai. Đồng thời, nếu như Socrates có thể chỉ cho thấy tên gọi hàm chứa trong nó những giá trị-chân lý khi đặt trong những mệnh đề cụ thể, thì ông đã gầy dựng nên một phát biểu: “phải có một cái gì đó được gọi là sự chuẩn xác của tên gọi.”[45] Và do đó, có thể rút ra kết luận: tồn tại sự chuẩn xác của tên gọi.

Tuy nhiên, theo ‘quy ước thuyết’, chỉ việc đặt tên cho một sự vật nào đó thôi cũng đủ để xác định sự chuẩn xác của nó; nghĩa là ‘con người’ có thể được gọi là ‘con ngựa’ nếu như người ta quyết định như vậy, và chiều ngược lại (gọi con ngựa là con người) cũng vẫn đúng. Như thế, không thể xảy ra trường hợp có một tên gọi nào đó là không chuẩn xác. Và vì vậy, theo quan điểm này, sự phân biệt giữa sự chuẩn xác và không chuẩn xác của tên gọi là không cần thiết. Đến đây, vấn đề về sự chuẩn xác của tên gọi vẫn chưa được thống nhất, vì có sự khác biệt rất lớn nơi quan điểm của Socrates và Hermogenes như đã nói ở trên. Xem ra ‘quy ước thuyết’ đang mang trong mình những nút thắt không hề dễ tháo cởi.

Con người chủ động

Trái ngược với ‘bản chất thuyết’ Cratylus đề cập – nơi đó con người dường như trong tâm thế bị động, nhún nhường để sự vật tỏ lộ cái nó là cho mình, ‘quy ước thuyết’ lại đặt con người trong tâm thế chủ động. Nghĩa là thay vì để sự vật lôi kéo, con người giờ đây chủ động tiếp cận sự vật và muốn gán cho sự vật một cái tên gọi theo ý muốn của riêng mình. Sự chủ động này có thể được thực hiện ở cả nơi cá nhân và tập thể.

Soc: Hermogenes, có phải anh đang cho rằng bất cứ điều gì mà ai đó gọi tên một sự vật cụ thể đều là chính xác?

Her: đúng như vậy.

Soc: đó là một quyết định của một cá nhân hay một tập thể?

Her: cả hai, thưa ông.

Soc: Điều này nghĩa là gì? Giả như hiện tại tôi gọi “sự vật (người)” nào đó là “người” – tên gọi mà chúng ta vẫn thường gọi, nhưng sau đó cá nhân tôi lại muốn gọi tên đó là “ngựa”, liệu rằng có xảy ra trường hợp cùng một sự vật vừa có tên gọi chung là “người”, nhưng cũng có tên gọi riêng là “ngựa”?

Her: đúng như ngài nói đó. (384d-385a)

Trên bình diện cá nhân và tập thể

Trước hết, xét từ khía cạnh cá nhân, Hermogenes cho rằng bất kỳ ai cùng có thể gọi tên cho sự vật miễn là người đó sử dụng tên gọi đó. Hay nói cách khác, yếu tố “sử dụng của tên gọi được nhấn mạnh; tên gọi phải được sử dụng trong hoàn cảnh thực tế. Ngay cả khi tên gọi mà một cá nhân sử dụng trái ngược, hay khác biệt với tên gọi mà một tập thể vẫn gọi, thì sự chuẩn xác của tên gọi đó vẫn được duy trì.”[46] Nghĩa là, nếu giả như ai đó gọi ‘con người’ là ‘ngựa’ và gọi ‘ngựa’ là ‘người’ thì việc gọi này cũng chuẩn xác như việc một tập thể gọi ‘người’ là ‘người’ và ‘ngựa’ là ‘ngựa’. Tuy nhiên, liệu đây có có phải là “hình thái của ‘duy chủ quan’ (subjectivism) khi tên gọi là do quyết định của mỗi cá nhân?”[47]

Nếu xét từ khía cạnh tập thể, tên gọi chính là sự đồng thuận của một nhóm người đối với một sự vật và tên gọi này được sử dụng chung trong tập thể đó. Dĩ nhiên, tên gọi này cũng có thể do một cá nhân đề xướng, nhưng nó cần phải có sự thống nhất của tập thể; hẳn rằng theo ‘quy ước thuyết’ tên gọi đó là một tên gọi chuẩn xác. Như thế, có lẽ Hermogenes cũng thừa nhận rằng có sự xuất hiện của yếu tố truyền thống và thói quen của một tập thể trong việc đặt tên. Một tên gọi cho một sự vật, chất chứa nơi nó cả một truyền thống lịch sử, nét đặc trưng văn hóa riêng của một nhóm người. Điều này giải thích được tại sao, cùng là một sự vật hay hiện tượng, các nhóm người khác nhau lại gọi chúng bằng những tên gọi khác nhau. Đây cũng là lý do giải thích cho sự tồn tại của nhiều ngôn ngữ khác nhau. “Tôi gọi tên một sự vật bằng cái tên mà tôi đặt cho nó; ngài gọi nó bằng một cái tên khác mà ngài đặt ra. Tương tự vậy, các nhóm người khác nhau cũng có những tên gọi khác nhau cho cùng một sự vật”. (385d-e)

Như vậy, với những giải thích về ‘quy ước thuyết’ như trên, có thể rút ra một kết luận, sự chuẩn xác của tên gọi trên bình diện cá nhân, không hề có sự thua kém so với sự chuẩn xác của tên gọi trên bình diện tập thể. Cả hai cách lối đặt tên đều được chấp nhận, miễn là tên gọi đó được người ta đề xướng và sử dụng khi diễn tả sự vật, bất chấp tên gọi đó có diễn tả được bản chất sự vật hay không. Rõ ràng, điều này “có thể tránh được sự phân biệt giữa tên gọi riêng và tên gọi chung (langage privé et langage public).”[48] Tuy nhiên, nếu bỏ qua sự phân biệt như thế, thì phải chăng ‘quy ước thuyết’ đã bước vào thế giới của ‘tương đối thuyết’ (relativism)?

Con người – thước đo cho mọi sự và tính tương đối của tên gọi

Khi nói rằng mọi người đều có khả năng, sự chủ động, và thẩm quyền để quyết định tên gọi cho sự vật, dường như Hermogenes đang đưa người ta tới xác quyết: ‘con người là thước đo, là cán cân cho mọi sự’. Liệu khẳng định này có chuẩn xác và có đủ sức thuyết phục Socrates và Cratylus? “Liệu rằng sự vật tồn tại với bản chất riêng biệt của nó, hay chỉ đơn thuần tồn tại nơi sự quy ước của con người?”[49] Socrates quyết định bàn luận thẳng thắn với Hermogenes về vấn đề này:

Soc. Hermogenes, liệu rằng các sự vật xuất hiện trước mắt anh có giống với người khác hay không; hay phải chăng bản chất, tính chất của mỗi sự vật là riêng biệt và khác biệt với mỗi người giống như cách mà Protagoras đã nói với chúng ta: “con người là thước đo cho mọi sự.” Sự vật với tôi như là những gì nó xuất hiện với tôi; với bạn như là những gì tỏ lộ cho bạn. Liệu anh có đồng ý với quan điểm này không; anh có tin rằng sự vật có cái bản chất cố định bất biến của riêng nó?

Her. Ngài Socrates, đã có những lần tôi cảm thấy khó xử tới mức tôi đã phải nại đến lý thuyết của Protagoras, cho dù thực sự tôi không tin ở lý thuyết này. (386a)

Dường như Socrates đang đẩy Hermogenes vào thế tiến thoái lưỡng nan với câu hỏi liệu Hermogenes có đồng tình với Protagoras về ‘tương đối thuyết’ – ‘con người là thước đo cho mọi sự’. Theo quan điểm này, “cách lối mà sự vật xuất hiện cho con người được coi là chính sự vật.”[50] Như thế, những gì sự vật tỏ lộ với người này sẽ khác biệt so với những gì sự vật tỏ lộ cho người khác. Do vậy, không thể có sự tồn tại của phát biểu cho rằng tên gọi này chính xác hơn tên gọi kia, khi cùng chỉ một sự vật; mọi tên gọi có thể đặt cho một sự vật đều ở vị thế ngang hàng nhau và tất cả đều đúng. Để đáp lại, Hermogenes không ngần ngại thừa nhận, dẫu không tin vào lý thuyết này, những đã có những lúc trong tình cảnh bối rối ông đã nghiêng mình đi theo Protagoras. Một mặt Hermogenes chối bỏ tính đúng đắn nơi ‘tương đối thuyết’ – không có quan điểm nào chính hơn hơn quan điểm nào, nhưng mặt khác đã có những khi ông chấp nhận cách vội vã và gượng ép quan điểm này. Như thế, hẳn rằng ở đây, Hermogenes không đồng tình với phát biểu ‘con người là thước đo cho mọi sự’. Tuy nhiên, việc không đồng tình này cũng tạo nên cho Hermogenes không ít khó khăn vì chính ông đã tuyên bố ‘mọi tên gọi đều là chuẩn xác và mọi người đều có thể đặt tên cho sự vật theo ý mình’.

Trước những khó khăn mà Hermogenes đang vấp phải, thay vì tiếp tục tấn công, Socrates nỗ lực chỉ cho Hermogenes thấy những khiếm khuyết trong quan điểm ‘tương đối thuyết’ của Protagoras.

Soc. Có khi nào anh thực sự tin rằng không hề có cái gọi là một người xấu xa?

Her. Không, tôi không nghĩ như vậy. Tôi xác tín rằng có nhiều người rất xấu xa.

Soc. Anh nói gì vậy? Vậy anh có tin rằng chẳng hề có người tốt không?

Her. Không nhiều.

Soc. Vậy anh có tin rằng có một số người tốt?

Her. Tôi nghĩ là có.

Soc. Vậy anh nghĩ gì về những người tốt này? Họ có phải là những người khôn ngoan, còn những người xấu là những kẻ ngu ngốc?

Her. Đúng rồi, tôi nghĩ vậy.

Soc. Nhưng liệu rằng Protagoras đang nói cho chúng ta một chân lý? Nếu có chân lý rằng sự vật là những gì chúng là cho từng người, vậy làm sao có thể nói rằng người này khôn, người kia dại hay người này đúng, người kia sai?

Her. Điều này không thể xảy ra.

Soc. Dường như với tôi, anh đã thực sự xác tín mạnh mẽ rằng nếu có những người khôn ngoan và những người khờ dại, thì những gì Protagoras nói không phải là điều đúng đắn.

Her. Ngài nói đúng đó. (386b-d)

Qua hàng loạt câu hỏi, Socrates giúp Hermogenes tin rằng trên đời này chắc chắn có sự tồn tại của người tốt cũng như kẻ xấu, của những người khôn ngoan lẫn những người khờ dại. Trong khi đó, ‘tương đối thuyết’ với quan niệm ‘sự vật là những gì chúng là đối với từng người’ không thể giúp phân biệt sự tồn tại của người tốt và kẻ xấu, người khôn kẻ khờ vốn luôn hiện hữu trong cuộc sống. Tuy nhiên, dù có chối bỏ, nhưng ‘tương đối thuyết’ ít nhiều đã có những ảnh hưởng, hay nói đúng hơn là đã ngấm ngầm bào mòn ‘quy ước thuyết’. Hermogenes không thể loại trừ trường hợp ‘quy ước thuyết’ có thể can hệ tới ‘tương đối thuyết – hình dáng bên ngoài sự vật xác định bản chất của nó’, bởi vì dù sao chăng nữa ‘quy ước thuyết’ vẫn đặt nền trên những phán đoán mang tính chủ quan về mối liên hệ giữa tên gọi và sự vật. Nếu như nơi ‘tương đối thuyết’ người ta hoàn toàn có thể quy gán cho sự vật những bản chất khác nhau tùy thuộc vào cách lối mà sự vật xuất hiện với họ, thì nơi ‘quy ước thuyết’ người ta cũng hoàn toàn có tự do để quyết định gán một cái tên cho sự vật.[51] Theo lối diễn nghĩa này, rõ ràng quan điểm về tên gọi của sự vật theo Hermogenes ít nhiều rơi vào không gian của ‘chủ nghĩa tương đối’.

Để giúp Hermogenes hiểu tường tận vấn đề hơn nữa, Socrates tiếp tục giải thích chi tiết hơn khi nêu dẫn quan điểm của nhà ngụy biện Euthydemus: “sự vật đồng thời vừa là và vừa không là.”[52] Theo ông, “mọi sự đều sở hữu tất cả mọi thuộc tính có thể là trong cùng một thời điểm.” (386d) Nghĩa là người ta có thể vừa tốt vừa xấu, vừa khôn ngoan vừa dại khờ tại cùng một thời điểm. Rõ ràng quan điểm theo ‘tương đối thuyết’ như trên của Euthydemus không thuyết phục được Hermogenes, và buộc ông phải đồng tình với Socrates, “mỗi sự vật đều có bản chất riêng của nó” (386e). Socrates không ngần ngại nói:

Soc. Nếu như loại trừ quan điểm cho rằng mọi sự vật luôn sở hữu mọi thuộc tính có thể trong cùng một thời điểm, hay mỗi sự vật có bản chất của riêng nó tùy thuộc vào mỗi người, thì sẽ chẳng có gì là sai khi tuyên bố sự vật có bản chất cố định của riêng chúng. Chúng không có sự liên hệ với chúng ta, và cũng không thay đổi bởi cách thức mà chúng xuất hiện với chúng ta. Chúng là chính chúng trong tương quan với bản chất của chúng. (386d-e)

Việc chối bỏ ‘tương đối thuyết’ của Hermogenes ngụ ý ông chấp nhận quan điểm: bản chất của mỗi vật tùy thuộc vào chính vật đó, không lệ thuộc vào hình dáng bên ngoài, hay sự áp đặt suy nghĩ nơi con người. Như vậy, bản chất của sự vật đóng vai trò thiết yếu trong việc xác định tính chuẩn xác nơi tên gọi của chúng. Tuy nhiên, nếu quả thật sự chuẩn xác của tên gọi gắn chặt với bản chất của chúng, thì sự xuất hiện của ‘tương đối thuyết’ cho thấy rằng, ‘quy ước thuyết’ của Hermogenes không có sự mạch lạc và thống nhất khi nói ‘mọi người có quyền đặt tên cho sự vật và việc đặt tên xác định việc sử dụng tên gọi.’ Như thế, phải chăng ‘quy ước thuyết’ của Hermogenes đã tự mâu thuẫn với chính mình và hầu chắc không giúp ích gì trong việc hình thành và xác chuẩn tên gọi cho sự vật. Tuy vậy, nhìn vào thực tế, ắt hẳn mọi người đều phải đồng ý với nhau rằng, có rất nhiều tên gọi cần đến sự đóng góp của ‘quy ước thuyết’; và nếu không có sự có mặt của những quy ước về ngôn ngữ, chắc chắn việc hình thành tên gọi sẽ vấp phải không ít khó khăn. Vậy đâu là vai trò hay những cống hiến của ‘quy ước thuyết’ đối với việc hình thành và xác chuẩn tên gọi?

Vai trò của quy ước thuyết

Sau khi đưa ra hàng loạt những tra vấn và những luận lý với mục đích cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn về ‘quy ước thuyết’, đặc biệt là việc đưa ra những phê bình rất sắc xảo, giờ đây trong những đoạn cuối cùng của cuộc đối thoại, Socrates lại dành cho ‘quy ước thuyết’ của Hermogenes những sự nhìn nhận khá tích cực. Ông đã ghi nhận những đóng góp mà ‘quy ước thuyết’ mang lại cho sự chuẩn xác của tên gọi.

Soc. Cratylus, với sự im lặng mà theo tôi có nghĩa là sự đồng tình của anh, tôi cho rằng quy ước chắc chắn có những đóng góp nhất định đối với việc trình bày hay làm tỏ rạng những tư tưởng của chúng ta. Ví dụ liên quan đến các con số, bằng cách nào anh có thể nghĩ rằng anh sẽ tìm ra đủ tất cả mọi tên gọi tương ứng cho từng con số mà không cần tới sự quy ước nào đó để xác định sự chuẩn xác của các tên gọi cho những con số? Tôi đồng tình với anh khi cho rằng tên gọi thì tương ứng với đối tượng cụ thể của nó. Tuy nhiên, tôi e rằng cho dù chúng ta đi theo ‘một con đường mòn’ như thế, chúng vẫn phải thừa nhận sự trợ giúp của những quy ước liên quan tới sự chuẩn xác của tên gọi. (435b)

Cho dù đã có những lúc tưởng chừng như Socrates phản bác và có những tra vấn rất gay gắt ‘quy ước thuyết’ của Hermogenes, nhưng cuối cùng Socrates vẫn phải đi tới việc nhìn nhận sự có mặt của ‘quy ước thuyết’ đối với sự hình thành và sự chuẩn xác của tên gọi. Không thể tạo ra những tên gọi cho vô vàn những con số khác nhau mà không tránh khỏi sự trùng lặp nơi các tên gọi. Tuy nhiên, chỉ cần sự có mặt của một vài quy luật mang tính quy ước là đủ để có thể giải quyết được vấn đề này. Các quy ước chính là những quy luật vừa giúp người đặt tên tránh khỏi những nhầm lẫn và sai sót, vừa làm cho các tên gọi trở nên thống nhất, dễ nhớ. Ví dụ trong tiếng Việt, các con số từ mười đến mười chín sẽ được đọc là mười, mười một, mười hai, mười ba…mười chín. Không chỉ riêng với các con số mà thôi, vẫn còn vô vàn những thứ khác trong thế giới này mà tên gọi của chúng cần tới những quy ước hay sự đồng thuận giữa con người với nhau. Như vậy, sự có mặt của ‘quy ước thuyết’ ít nhất cũng có thể cung cấp những tiêu chuẩn hay những sự thống nhất chung nào đó giúp cho việc hình thành trở nên nhất quán, mạch lạc và tránh khỏi những sự trùng lặp trong các tên gọi.

Hơn nữa, sự có mặt của ‘quy ước thuyết’ phần nào cũng cung cấp cho các nhà sáng chế ngôn ngữ những quy luật hay tiêu chuẩn chung nhất định khi cùng làm việc với nhau để tìm ra những tên gọi chuẩn xác nhất. Một ví dụ cụ thể, sự xuất hiện của một loại virus (COVID-19) gây nên đại dịch toàn cầu trong thời gian vừa qua như là một minh họa cho thấy việc tìm và đặt tên gọi cho loại virus này cũng không hề đơn giản nếu không có sự góp mặt của những quy ước.

Nói tóm lại, một mặt, tuy còn có rất nhiều những khúc mắc, thậm chí là những bất đồng chưa được giải quyết thỏa đáng nơi ‘quy ước thuyết’, nhưng đâu đó người ta vẫn có thể tìm thấy những áp dụng thực tế mà ‘quy ước thuyết’ đóng góp cho triết học ngôn ngữ nói chung và sự chuẩn xác của tên gọi nói riêng. Nhưng mặt khác, cũng không vì thế mà người ta có thể vội vã vận dụng triệt để ‘quy ước thuyết’, bởi vì dẫu sao chăng nữa một thứ khoảng cách quá lớn giữa tên gọi và thực tại sự vật sẽ gây ra không ít trở ngại trong việc truyền đạt và thâu nhận tri thức. Như vậy, cũng giống như ‘bản chất thuyết’, ‘quy ước thuyết’ cũng cần phải được điều chỉnh và vận dụng cách phù hợp, khéo léo trong việc hình thành và xác chuẩn tên gọi sự vật. Chính vì thế, giờ đây, đứng trước những vấn nạn mà ‘bản chất thuyết’ và ‘quy ước thuyết’ để lại, mỗi cá nhân như được gọi mời vận dụng vốn tri thức mình đã thâu nhận bằng cách này hay cách khác để vượt thắng hay tháo gỡ những nút thắt mà ‘bản chất thuyết’ và ‘quy ước’ thuyết để lại.

 

Chương 3
Vận dụng và thắng vượt khoảng cách chênh lệch giữa tên gọi và thực tại sự vật

Qua những gì đã được trình bày trong chương 1 và chương 2, có thể nói cả ‘bản chất thuyết’ lẫn ‘quy ước thuyết’ đều lưu giữ nhiều điểm đáng quý và người ta có thể đem một số yếu tố trong hai thuyết này áp dụng vào việc thiết lập và kiểm định tên gọi của sự vật. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, cả hai lý thuyết đều không thiếu những yếu tố cần được duyệt xét và điều chỉnh. Thực ra, ‘bản chất thuyết’ về mặt lý thuyết có thể giúp xóa bỏ khoảng cách chênh lệch giữa tên gọi và thực tại sự vật, và gầy dựng nên một thứ tên gọi lý tưởng; nhưng trong thực tế, vấn đề không đơn giản là như thế, bởi vì câu hỏi ‘thực tại của sự vật là gì’ cũng còn là một vấn nạn không hề nhỏ trong suy tư triết học nơi con người. Còn về ‘quy ước thuyết’, dù đây là lý thuyết xem ra có thể áp dụng cách dễ dàng khi đặt tên, nhưng nó lại chưa thể giải quyết trọn vẹn vấn nạn về sự chuẩn xác của tên gọi nếu ai cũng có thể đặt tên cho sự vật. Tuy vậy, với nỗ lực suy tư triết học, một mặt, con người vẫn ý thức về khoảng cách không thể tránh khỏi giữa tên gọi và thực tại sự vật; nhưng mặt khác, việc ý thức này cũng mở lối, nhường chỗ cho nỗ lực nhằm điều chỉnh, giảm thiểu tối đa khoảng cách chênh lệch như đã nói qua những lối nẻo khác nhau.

Tiếp cận và vận dụng ngôn ngữ thi ca

Liên quan tới việc hình thành một tên gọi, cho dù không thể tìm ra được những tên gọi hoàn hảo và lý tưởng, nhưng cũng không vì thế mà người ta lại có thể tùy tiện đặt cho sự vật một tên gọi. Vì thế, khi được Hermogenes hỏi liệu có ai có thể giúp mình học biết về sự chuẩn xác của tên gọi, Socrates không ngần ngại giới thiệu cho Hermogenes đi vào trong thế giới của ngôn ngữ văn chương và thi ca. Cụ thể, Socrates nhắc tới Homer và các tác phẩm thi ca của ông.

Her. Trong những quan điểm về ‘tương đối thuyết’ và những điều mà Protagoras đề cập, thật là bất nhất cho tôi, nếu tôi bám víu vào những cuốn sách và những khẳng định của ông ta.

Soc. Vậy, nếu anh khước từ ông ta, anh phải học biết về Homer và các tác phẩm thi ca.

Her. Homer đã nói điều gì về tên gọi và ông ta nói ở những nơi đâu?

Soc. Ông ta thường xuyên nói về chúng – nhất là ở những chỗ ông ta phân biệt sự khác nhau giữa tên mà các thần và con người đặt cho sự vật. Anh có nghĩ, các thần sẽ gọi tên các sự vật theo đúng tên gọi bản chất của chúng.

Her. Tôi biết chắc chắn rằng nếu các thần gọi tên chúng bằng bất kỳ tên gọi nào, thì tất cả những tên đó đều chuẩn xác. (391c-d)

Qua cách giới thiệu này, hẳn rằng Socrates đánh giá rất cao giá trị và tính chuẩn xác của ngôn ngữ nói chung, và của tên gọi nói riêng trong văn chương thi ca; cụ thể là ở nơi Homer, với những tác phẩm trứ danh như Eliad Odyssey vốn được xem là nguồn tư liệu cổ xưa nhất về ngôn ngữ Hy Lạp. Vậy tại sao ngôn ngữ thi ca lại có khả năng cung cấp sự chuẩn xác của danh từ? Trước hết, cần phải gợi nhớ lại, trước đó Hermogenes và Socrates đã không cho rằng các nhà ngụy biện (tiêu biểu là Protagoras) có sự hiểu biết về sự chuẩn xác của tên gọi. Vì thế, sự xuất hiện của các nhà thi sĩ như là một chỗ dựa đáng tin cậy, bởi vì họ chính là những người được truyền nguồn cảm hứng thần thiêng (divinely inspired) (396d), nhờ đó họ có sự hiểu biết về sự chuẩn xác của tên gọi.[53]

Tuy nhiên, nếu cho rằng ngôn ngữ thi ca dựa trên nguồn cảm hứng thần thiêng và hàm chứa tri thức về sự chuẩn xác của tên gọi, thì thật khó để người ta có thể giải thích theo kiểu luận lý về sự chuẩn xác của các tên gọi, bởi vì không có những căn cứ và bằng chứng khách quan để lập luận và chứng minh. Tới đây, cả Socrates và Hermogenes đều phải thừa nhận có sự phân biệt giữa tên gọi mà các thần đặt và tên gọi do con người tạo nên; mọi tên gọi mà các thần đặt cho sự vật đều là chuẩn xác. Chí ít, tên gọi do các thần đề xướng cũng có sự chuẩn xác hơn tên gọi do con người tạo ra (392b). Lại nữa, ngay cả trong số các tên gọi mà con người đặt ra, theo Socrates, sở dĩ tên gọi Homer sử dụng trong các tác phẩm của ông trổi vượt về sự chuẩn xác là do bởi ông ta vừa sở hữu sự khôn ngoan, vừa được phú ban nguồn cảm hứng thần thiêng.[54]

Thực vậy, chắc hẳn, ai cũng phải thừa nhận sự tinh tế, hàm súc và siêu vượt trong những áng thơ văn. Chỉ cần một vài câu từ ngắn gọn thôi, tác giả của những bài thơ, bài văn có thể miêu tả và đụng chạm tới không chỉ bề mặt của sự vật, hiện tượng, vấn đề… nhưng còn đưa dẫn người đọc đi vào cõi thâm sâu, bản chất nội tại của từng chi tiết nhỏ. Đôi khi chỉ vì một từ ngữ thôi mà tác giả đã phải hao tốn không biết bao nhiêu công sức để giải thích và truyền tải cho bằng được nội dung ẩn sau từ ngữ ấy. Tất cả chỉ để nói lên rằng ngôn ngữ thi ca là nguồn tư liệu quý giá để người ta có thể nương vào trong việc xướng gọi tên của sự vật.

Hơn nữa, ngôn ngữ thi ca còn tỏ lộ tính chất độc đáo và huyền nhiệm của nó nơi các nền văn hóa khác nhau. Nơi những áng văn thơ khác nhau của các nền văn hóa, người ta có cơ hội để đi vào chiều sâu của tư tưởng (những quan niệm về vũ trụ, tôn giáo và con người…) vốn hình thành nên những truyền thống, nét đẹp độc sáng của từng dân tộc. Vì thế, tự chính nơi mình, ngôn ngữ thi ca gọi mời con người: một mặt hãy can đảm mở lối để khám phá bao nhiêu có thể sự huyền nhiệm chất chứa nơi ngôn ngữ, mặt khác hãy đợi chờ, lắng nghe để được ngôn ngữ mặc khải.

Nói cho cùng, sự chuẩn xác về tên gọi và thực tại sự vật đề cập ở đây theo hướng tiếp cận và vận dụng ngôn ngữ thi ca tuy không mang tới những tên gọi hoàn hảo tuyệt đối theo luận lý của con người, nhưng nó lại mang tới những nét độc đáo, vừa vén mở thực tại sự vật, nhưng cũng vừa huyền nhiệm, thâm sâu để người ta có thể cậy dựa, hầu mong có thể tìm được những tên gọi gần sát với thực tại sự vật hơn và tế vi hơn.

Trung hòa giữa duy danh và duy thực

Thực ra, khái niệm về ‘duy danh’ (nominalism) và ‘duy thực’ (realism) không xuất hiện trong cuộc đối thoại Cratylus này, và dường như cũng không phải là những từ ngữ có mặt trong thời kỳ triết Cổ Đại[55]. Có lẽ, hai khái niệm này xuất hiện nổi bật trong thời trung cổ với sự xuất hiện của một số triết gia như William Ockham hay Thomas Aquinas… Tuy nhiên, trong phạm vi liên hệ nào đó, có thể nói rằng ‘duy thực thuyết’ có những liên hệ khá gần gũi với ‘bản chất thuyết’ mà Cratylus đề xuất. ‘Bản chất thuyết’ đòi hỏi sự hợp lý và trùng khớp giữa tên gọi và thực tại sự vật; điều này cũng khá tương đồng với quan điểm của ‘duy thực’ cho rằng “sự vật là chính nó”[56]; con người chỉ nói đúng về nó khi mô tả nó đúng với bản chất của nó. Tuy nhiên, cả ‘duy thực thuyết’ và ‘bản chất thuyết’ đều có thể đi tới những thái quá khi đòi hỏi người ta phải xây dựng nên một thứ ngôn ngữ có thể diễn tả chính xác tuyệt đối bản chất sự vật, điều này vốn luôn vượt quá khả năng hữu hạn của con người.

Còn về ‘duy danh thuyết’ – vốn chỉ quan tâm tới “cái vỏ nơi danh từ”[57], nó cũng có sự tương đồng nhất định với ‘quy ước thuyết’. Nghĩa là, cả hai đều cho rằng tên gọi của sự vật là bất cứ cái tên nào đó mà người ta đặt; nó chỉ mang ý nghĩa ám chỉ, tượng trưng chứ hầu như không diễn tả được bản chất nội tại của sự vật. Vì thế, sẽ là thái quá nếu người ta quá cậy dựa vào ‘duy danh thuyết’ hoặc ‘quy ước thuyết’ để xác định tên gọi cho sự vật, bởi khi ấy dù vô tình hay hữu ý người ta đã tạo nên một thứ khoảng cách rất xa giữa tên gọi và thực tại sự vật.

Chính vì lẽ đó, cần có một giải pháp trung hòa giữa ‘duy danh’ và ‘duy thực’, giữa ‘bản chất thuyết’ và ‘quy ước thuyết’. Nói cách khác, việc thiết lập tên gọi cho sự vật cần tới việc áp dụng và kết hợp song song của ‘quy ước thuyết’ và ‘bản chất thuyết’ để nhờ đó, cho dẫu không thể tìm thấy được một tên gọi lý tưởng, người ta vẫn có thể lần mò tìm cách tiến gần hơn tới một tên gọi, vốn không tạo nên một khoảng cách xa chênh lệch quá lớn với thực tại sự vật. Hẳn rằng, yếu tố quy ước chung giữa một nhóm người là điều cần phải có, nhưng nó phải đi tới chỗ tiệm cận với chân lý, thực tại, chứ không phải theo kiểu ‘chân lý thuộc về đám đông’. Mặt khác, ‘bản chất thuyết’ có lẽ cũng cần phải khiêm tốn hơn để đón nhận một số quy luật mà ‘quy ước thuyết’ cung cấp, nhờ đó con người mới có thể tạo ra được những tên gọi vừa có nét ‘nghiêm ngặt’, nhưng cũng có sự ‘uyển chuyển’ cả về nội dung lẫn hình thức.

Lắng nghe, chiêm ngắm, thâu nhận và truyền đạt

Không hoàn toàn bị động hay chủ động trong việc tiếp cận với sự vật, con người – trong tư cách là chủ thể tri nhận sự vật để xác định tên gọi cho sự vật, được mời gọi tiến bước vừa trong tư thế bị động để sự vật tự tỏ lộ chính nó, nhưng cũng vừa trong tư thế chủ động để điều tỏ lộ được đón nhận. Nhờ đó, không chỉ bản thân chủ thể có được tri thức trọn vẹn về sự vật, nhưng còn có thể thông truyền cho người khác những điều khả dĩ là chất chứa.

Để hữu thể tự tỏ lộ

Tuy không có khả năng đối thoại hay nói trực tiếp cho con người biết những gì nó là, nhưng sự vật trong thầm lặng tự tỏ lộ, và từ đó tạo điều kiện cũng như cung cấp cơ hội và không gian để cho con người có thể đón nhận những gì là thiết yếu nơi chính nó. Thoạt nhìn, người ta có thể cho rằng con người có hoàn toàn tự do và ý muốn để áp đặt suy nghĩ của mình lên sự vật và mô tả chúng theo khuynh hướng thiên tư. Tuy nhiên, sự vật – xét như một hữu thể, cũng hiện hữu theo phương thức ‘tự tỏ lộ chính mình’; nghĩa là ‘hữu thể tự nói về chính mình’ cho con người. Về phần mình, con người (cũng xét như một hữu thể) sở dĩ khó hiểu thấu sự vật là bởi vì còn bám chặt vào vị trí cố hữu, vốn chỉ có thể đón nhận khía cạnh này của sự vật mà hụt mất khía cạnh kia, để rồi không thể mở ra trước cái tổng thể, cái sâu thẳm bên trong của sự vật. Vì thế, để có được tri thức trọn vẹn và chuẩn xác hơn về sự vật và tên gọi của nó, thái độ lắng nghe, chiêm niệm và sằn sàng thâu nhận là cần thiết. Như thế, hữu thể (con người) giờ đây không đứng trong tâm thế để nắm bắt chân lý, nhưng đúng hơn đó là thái độ chuẩn bị, sửa soạn để đón chờ chân lý tỏ lộ ra, và nhờ thế mà nhận biết được chân lý.[58]

Hướng tới giá trị chân lý trong đạo đức truyền thông

Không chỉ nhờ việc ‘rút lui’ để nhường chỗ cho sự vật tỏ lộ mà con người có thể tri nhận tri thức về sự vật, về tên gọi của nó, nhưng thực ra con người vẫn có thể hiểu biết được thực tại và tên gọi sự vật cách gián tiếp thông qua trung gian một người khác. Đây có thể được xem như một mối tương quan ‘liên chủ thể’, mỗi cá nhân ngang qua lời nói hay chữ viết, thậm chí là hành động đều có thể chuyển trao một thông điệp, tri thức nào đó cho người khác. Tuy nhiên, để có thể gửi gắm được những thông điệp chuẩn xác và có ý nghĩa, mỗi người cần sử dụng đến những vốn ngôn ngữ nói chung và tên gọi nói riêng sao cho chuẩn xác nhất có thể. Và nhờ có sự thông chuyển qua lại này, con người có khả năng cung cấp cho nhau những tri thức thuộc nhiều lãnh vực khác nhau.

Hơn nữa, điều này còn được mở rộng và áp dụng thực tế khi đặt vào trong bối cảnh của lãnh vực truyền thông ngày nay. Đứng trước biết bao thông tin vô cùng phong phú, phức tạp và thậm chí là mâu thuẫn được cập nhật từng giây, từng phút bởi các phương tiện truyền thông, con người không khỏi bối rối và tự hỏi, liệu thông tin mình nhận được có đầy đủ, và chính xác hay không? Đã đến lúc người ta đặt dấu hỏi về đạo đức trong lãnh vực truyền thông. Phải chăng tin tức mà các phương tiện truyền thông mang lại hoàn toàn là độc lập và khách quan, chứ không vì một mục đích hay lợi ích nào khác (ví dụ kinh tế, chính trị hay tôn giáo)? Hơn bao giờ hết, vấn đề về sự chuẩn xác và khách quan của ngôn ngữ khi trao chuyển thông tin hay truyền thông giữa con người với nhau phải là mối bận tâm hàng đầu. Để làm được điều này, mỗi cá nhân không thể tự khép kín mình, và cũng không thể lấy mình là tiêu chuẩn chân lý về ngôn ngữ hay tên gọi; thay vào đó, mỗi người một đàng phải tự trau đồi cho bản thân sự am hiểu về ngôn ngữ và khả năng truyền tải chính xác sự thật, nhưng đàng khác cũng cần nhường chỗ cho tiếng nói của người khác được vang lên, vì chân lý hay sự thật nói cho cùng không thuộc sở hữu của riêng ai, nhưng đúng hơn nó cần phải được sẻ chia và thông truyền.

Vì thế, để cùng vượt qua những rào cản về khoảng cách giữa tên gọi và thực tại, mỗi người được mời gọi để hướng tới một nền đạo đức truyền thông, nơi đó sự chuẩn xác và tính khách quan về ngôn ngữ khi diễn tả thực tại cần phải được tôn trọng; và phải coi đó là nền tảng trong một xã hội vốn đang bị bóp méo bởi rất nhiều thông tin giả mạo, mang tính định hướng, cố súy một lối sống vị lợi thái quá.

Nói tóm lại, tất cả những lối tiếp cận như đã nói ở trên, tuy không phải là những giải pháp căn cơ và rốt ráo, nhưng chí ít chúng cũng đề xướng và gọi mời mỗi người tiếp tục hành trình luyện tập triết học nói chung và triết học ngôn ngữ nói riêng, hầu có thể tiệm cận với chân lý về sự vật nơi thế giới, và cũng là để giảm thiểu tối đa khoảng cách chênh lệch giữa tên gọi và thực tại sự vật.

 

Kết luận

Thực tại sự vật là gì? Liệu ngôn ngữ có đủ khả năng để truyền tải thực tại ấy cách trọn vẹn ngang qua tên gọi? Câu trả lời, qua việc tìm hiểu cuộc đối thoại Cratylus, có lẽ là vừa có, vừa không? Có là bởi nếu xét về khía cạnh lý thuyết mà Cratylus và Hermogenes giới thiệu, người ta bằng cách này hay cách khác vẫn có thể tìm ra những tên gọi chuẩn xác cho từng sự vật. Cụ thể, với ‘bản chất thuyết’ của Cratylus, ‘tên gọi một sự vật nếu có chắc chắn là một tên gọi chuẩn xác và duy nhất đúng cho sự vật đó’. Như thế, tên gọi và thực tại sự vật đồng nhất với nhau; nói tới tên gọi là nói tới thực tại sự vật và ngược lại. Đây chắc chắn là một lý tưởng trong việc đặt tên, với những đòi hỏi vô cùng khắt khe và sự chính xác tuyệt đối về bản chất. Còn với ‘quy ước thuyết’, sẽ chẳng có gì là sai khi người ta có quyền được diễn tả về sự vật theo tên gọi của riêng một cá nhân hay một nhóm. Và tên gọi đó, nếu đã được gọi và sử dụng, thì sự có mặt của nó đã đủ để biện minh sự chuẩn xác của chính nó. Vì thế, không cần phải tốn quá nhiều công sức, người ta vẫn có thể thiết định nhiều tên gọi khác nhau để chỉ cùng một sự vật.

Câu trả lời cũng có thể là không, bởi vì trong thực tế, nếu vận dụng hoặc chỉ ‘bản chất thuyết’, hoặc chỉ ‘quy ước thuyết’ người ta hoặc không thể tìm ra được những tên gọi hoàn toàn trùng khớp với bản chất, thực tại sự vật; hoặc cho dẫu có thể tìm ra rất nhiều tên gọi khác nhau, nhưng những tên gọi này lại thường tạo nên một khoảng cách quá xa với thực tại sự vật.

Quá khắt khe cũng không được, mà quá lỏng lẻo, tự do cũng không xong. Cuộc đối thoại Cratylus, tuy không đưa ra được bất kỳ phán quyết tỏ tường ai đúng ai sai, lý thuyết nào cần giữ hay loại bỏ, nhưng lại mở cho người ta một lối nhìn trung hòa hơn, toàn diện và sâu sắc hơn về mối tương quan giữa tên gọi và thực tại sự vật. Cho dù thực tế vẫn phải chấp nhận rằng có một khoảng chênh lệch nào đó giữa tên gọi và thực tại sự vật, nhưng đây cũng là cơ hội để con người có thể vận dụng năng lực, sự khôn ngoan để không ngừng đào sâu tri thức triết học cho riêng mình. Nhờ thế, con người dần dần lần mò tới bản chất và thực tại nơi sự vật, hầu có thể thiết lập và xác chuẩn cách chính xác và khách quan hơn tên gọi dành cho sự vật.

Ngoài ra, công cuộc tìm hiểu cuộc đối thoại Cratylus này của Plato, cũng mở ra cho người viết một vài suy tư mở rộng liên quan tới sự nối kết trong quan niệm ngôn ngữ giữa Plato với Heraclitus và Martin Heidegger; ở đó, Plato được coi là một trung gian, hay một nhịp cầu bắc ngang giữa Heraclitus và Heidegger.

Như đã nói ở phần giới thiệu, quan niệm về ngôn ngữ của Heraclitus chủ yếu xoay quanh nội dung của từ ‘logos’. ‘Logos’ mà Heraclitus đề cập mang nhiều ý nghĩa phong phú đến nỗi chính Heraclitus phải thừa nhận “thật khó để có thể đưa ra một định nghĩa về logos”[59]. Tuy vậy, Heraclitus đã mô tả một số đặc điểm về ‘logos’. Trước hết, ‘logos’ mang trong mình sự “trường tồn và thánh thiêng.”[60] Điều này không hiểu theo nghĩa tôn giáo, nhưng ‘logos’ là cái vượt lên trên bản tính con người và bao phủ lấy con người. Thứ đến, ‘logos’ mang chiều kích “vũ trụ tính”[61]; nó là cái thiết yếu, nền tảng đối với sự hình thành của vũ trụ. Cuối cùng, ‘logos’ là “sự diễn tả tận cùng, duy nhất và tốt nhất về vũ trụ.”[62]. Với sự phong phú về nội dung của ‘logos’, tuy chưa thể để xuất được một định nghĩa chuẩn xác, nhưng qua việc vận dụng khéo léo ngôn ngữ, phần nào đó Heraclitus có thể giúp người khác nhận biết về ‘logos’.

Vì thế, thay vì lắng nghe những gì Heraclitus nói về ‘logos’, mọi người được mời gọi sử dụng các quan năng của mình để chiêm ngắm, cảm nhận những gì mà ‘logos’ tự tỏ lộ. Ngoài ra, Heraclitus cũng để nghị sử dụng khoa tu từ, nghệ thuật trong văn chương và thi ca, như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, loại suy… để nhờ đó mà có thể tiếp cận ‘logos’.[63] Thêm vào đó, với quan niệm, ‘mọi sự luôn chuyển dịch’, Heraclitus cũng cho rằng ngôn ngữ luôn luôn thay đổi, khi người ta vừa chuẩn bị chạm tới nó, thì nó lại chuyển sang một trạng thái khác. Vì thế, người ta không thể nắm bắt được ‘logos’, nhưng chỉ có thể phần nào chạm sát ‘logos’.

Những quan niệm như trên của Heraclitus cho dù chưa được diễn đạt bằng những khái niệm và phạm trù theo kiểu của các triết gia thời mới như Jacques Derrida, Ludwig Wittgenstein, Gottlob Frege… nhưng dầu vậy ông cũng đã giúp người ta phần nào định hình ngôn ngữ hiểu như là ‘logos’ huyền nhiệm và bí ẩn; đồng thời, ông cũng nhắc nhở mọi người cần đầu tư tối đa sự khôn ngoan, thận trọng và tế nhị trong nỗ lực truyền tải ‘logos’.

Còn về phần mình, Heidegger lại phát triển khái niệm và vai trò của ngôn ngữ trong tương quan với hữu thể: “ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể.”[64] Ngôn ngữ chính là nơi con người cư ngụ, là mái nhà che chở và nuôi dưỡng những suy tư, khao khát và mong mỏi muốn được phô bày hay lột tả chính mình của hữu thể. Nhờ ngôn ngữ, hữu thể khám phá và tỏ lộ sự hiện hữu của chính mình. Tuy nhiên, không phải bất kỳ hình thái ngôn ngữ nào cũng có thể làm được điều này. Heidegger phê bình thứ ngôn ngữ mang tính hình thức và duy luận lý của khoa học kỹ thuật bởi vì thay vì quan tâm đến ý nghĩa của ngôn từ, nó lại tập chú quá nhiều vào cấu trúc. Thêm vào đó, chính vì sự cứng nhắc của cấu trúc, nên ngôn ngữ khoa học không thể nào truyền tải hết những gì sự vật tỏ bày, vì sự vật tỏ lộ trong muôn hình vạn trạng mà ngôn ngữ khoa học lại nghèo nàn trong hình thức.[65] Do vậy, Heidegger mời gọi người ta quay lại với thứ ngôn của thi ca, bởi lẽ thi ca vừa uyển chuyển trong việc khai mở sự tỏ lộ của sự vật, lại vừa mang ý nghĩa chất chứa trong ngôn từ. [66] Quan niệm này khá tương đồng với giải pháp mà Socrates đề nghị cho Hermogenes và Cratylus liên quan tới việc tìm kiếm sự chuẩn xác của tên gọi nơi ngôn ngữ thi ca.

Đối với Plato, ngôn ngữ hay cụ thể là tên gọi của sự vật mang trong mình một mối giằng co biện chứng giữa ‘bản chất thuyết’ và ‘quy ước thuyết’, giữa những gì là ‘bất dịch’ (form) và ‘chuyển dịch’ (flux). Nói Plato được ví như cây cầu nối kết giữa Heraclitus và Heidegger là bởi, một mặt, Plato[67] (ngang qua cuộc đối thoại Cratylus) nhấn mạnh tới vai trò và sự chuẩn xác của tên gọi khi diễn tả thực tại sự vật; điều này khá tương đồng với quan niệm ‘ngôn ngữ tỏ lộ cho con người về logos’ của Heraclitus. Hơn nữa, Plato cũng vận dụng quan niệm ‘mọi sự luôn chuyển dịch’ nơi tên gọi (410b-e) khi cho cho thấy, tên gọi luôn cần điều chỉnh hầu tiến tới ngưỡng giao thoa giữa ‘bản chất thuyết’ và ‘quy ước thuyết’. Mặt khác, Plato khi nói tới những nỗ lực không ngừng nhằm vượt thắng khoảng cách giữa tên gọi và thực tại sự vật, có lẽ cũng giúp ta liên hệ tới Heidegger trong công cuộc suy tư về ‘Dasein’ vốn mang trong mình những trăn trở, khát vọng muốn được diễn tả chính xác tối đa về ‘logos’ nơi Heraclitus; đồng thời, chiều kích vận dụng ngôn ngữ thi ca mà Heidegger đề cập khi nói về hữu thể có lẽ cũng khởi đi từ một chút âm vang nơi cuộc đối thoại Cratylus, khi Socrates (Plato) dám mạnh dạn giới thiệu cho Hermogenes và Cratylus tìm đến với sự chuẩn xác nơi ngôn ngữ thi ca.

Một vài tư tưởng mở rộng như trên, cho dẫu chỉ là những gợi mở có phần chập chững và thô ráp của người viết, nhưng tất cả những liên tưởng đó đều muốn nhắm tới vai trò bản lề của Plato đối với nền triết học ngôn ngữ, và cho thấy các quan niệm về ngôn ngữ cho tới ngày nay không phải là những suy tư riêng lẻ, manh mún, nhưng nó là cả một tiến trình luôn mãi trong dòng lịch sử con người. Bao lâu con người còn hiện hữu, bấy lâu ngôn ngữ nói chung và tên gọi sự vật nói riêng vẫn tồn tại và phát triển cùng với tất cả sự phô bày vừa sáng tỏ, nhưng cũng vừa huyền nhiệm về sự vật và về chính nó cho con người.

 

Thư mục tham khảo

Ademollo, Francesco. The Cratylus of Plato: A Commentary. Cambridge: Cambridge University Express, 2011.

Bagwell, Geoffrey. A Study of Plato’s Cratylus. PhD Thesis, Pennsylvania: Duquesne University, 2010.

Barney, Rachel. Names and Nature in Plato’s Cratylus. New York: Routledge, 2001.

Botha, Catherine Frances. Heidegger: Technology, Truth and Language. Pretoria: University of Pretoria, 2001.

Ewegen, S. Montgomery. Plato’s Cratylus: The Comedy of Language. Indiana: Indiana University Press, 2014.

Greisch, Jean. Être et Langage: Introduction à l’ontologie – Le temps des fondations. Paris: Institut Catholique, 1992.

Gustavsson, Rickard. Convention or Nature? Correctness of name in Plato’s Cratylus. BA Thesis, Sweden: Umeå University, 2018.

Heidegger, Martin. Basic Writings. Translated by David Ferrell Krell. New York: Harper & Row, 1977.

Joseph, John E. Limiting the Arbitrary: Linguistic naturalism and its opposites in Plato’s Cratylus and modern theories of language. Philadelphia: John Benjamins Publishing Company, 2000.

Livingston, Paul M. “Naturalism, Conventionalism and Forms of Life: Wittgenstein and the Cratylus.” Nordic Wittgenstein Review, 2015: 7-38.

Minh, Trần Văn Hiến. Từ Điển Và Danh Từ Triết Học. Hồ Chí Minh: Phương Đông, 2014.

Mouzala, Melina G. “Names and Falsity in Plato’s Cratylus.” Journal of Classical Studies, 2011: 51-77.

Plato. Cratylus. Translated by C.D.C. Reeve. Cambridge: Hackett Publishing Company, 1998.

—. The Dialogues of Plato. Translated by B. Jowett. London: Oxford University Press, 1982.

Rueda, Manuel de Zubiría. Knowledge, Language, and Communication in Heraclitus. PhD Thesis, Edinburgh: University of Edinburgh, 2019.

Sedley, David. Plato’s Cratylus. Cambridge: Cambridge University Press, 2003.

Sedley, David. “The Etymologies in Plato’s Cratylus.” The Journal of Hellenic Studies, 1998: 140-154.

Trivigno, Franco V. “Etymology and the Power of Names in Plato’s Cratylus.” Ancient Philosophy, 2012: 35-76.

Trung Tâm Học Vấn Đa Minh. September 23, 2018. http://catechesis.net/martin-heidegger-khai-luoc-con-nguoi-su-nghiep-tu-tuong/ (accessed February 28, 2021).


[1] Rickard Gustavsson, “Convention or Nature? The Correctness of names in Plato’s Cratylus” (BA Thesis., Sweden: Umeå University: 2018), 3.

[2] Ibid.

[3] Ibid.

[4] Ibid.

[5] Quan niệm của Heraclitus về ngôn ngữ sẽ được nói rõ hơn trong sự móc nối với Plato và Heidegger ở phần kết luận của bài viết.

[6] J.E. Joseph, Limiting the Arbitrary: Linguistic Naturalism and Its Opposites in Plato’s Cratylus and the Modern Theories of Language (Amsterdam: John Benjamins, 2000), 13.

[7] Ibid.

[8] Ibid., 14.

[9] Rickard Gustavsson, “Convention or Nature? The Correctness of names in Plato’s Cratylus”, 5.

[10] Ibid.

[11] Ibid., 6.

[12] Cf. J.E. Joseph, Limiting the Arbitrary, 7.

[13] ‘Naturalism: bản chất thuyết; conventionalism: quy ước thuyết.’

[14] Cũng cần lưu ý rằng, trong cuộc đối thoại Cratylus, tuy không một lời thoại nào là của Plato, nhưng thực ra toàn bộ cuộc đối thoại này là cách mà Plato trình bày suy tư và sự hiểu biết của mình thông qua các nhân vật trong cuộc đối thoại.

[15] Plato, The collected Dialogues, trans. Benjamin Jowett (New Jersey: Princetion University Express, 1989), 422. (Trong bài viết này, các trích dẫn trực tiếp hay gián tiếp từ cuộc đối thoại Cratylus đều được đánh số và lấy ra từ tác phẩm The Collected Dialogues, do Benjamin Jowett dịch).

[16] Cf. Francesco Ademollo, The Cratylus of Plato (Cambridge: Cambridge University Press, 2011), 24.

[17] Cf. Francesco Ademollo, The Cratylus of Plato (2011), 29.

[18] S. Montgomery Ewegen, Plato’s Cratylus: The Comedy of Language (Indiana: Indiana University Press, 2014), 76.

[19] Cf. Geoffrey Scott Bagwell, “A Study of Plato’s Cratylus” (PhD diss., Duquesne University, Pennsylvania, 2010), 43.

[20] S. Montgomery Ewegen, Plato’s Cratylus: The Comedy of Language, 79.

[21] ‘Legislator’ hay ‘lawmaker’ được hiểu là người tạo nên các luật lệ nói chung, và các quy luật trong ngôn ngữ nói riêng. Trong bài viết này từ ngữ ‘nhà lập luật’ được hiểu như là ‘nhà tạo lập ngôn ngữ’ hay ‘nhà sáng chế ngôn ngữ’ (name-maker).

[22] Geoffrey Scott Bagwell, “A Study of Plato’s Cratylus”, 49.

[23] Jean Greisch, Être et Langage: Introduction à L’ontologie – Le Temps des Fondations (Paris: Institut Catholique de Paris, 1998), 274.

[24] Cf. Geoffrey Scott Bagwell, “A Study of Plato’s Cratylus”, 54.

[25] Geoffrey Scott Bagwell, “A Study of Plato’s Cratylus”, 55.

[26] Cf. S. Montgomery Ewegen, Plato’s Cratylus: The Comedy of Language, 90.

[27] Geoffrey Scott Bagwell, “A Study of Plato’s Cratylus”, 56.

[28] Plato, Cratylus, trans. C.D.C. Reeve (Cambridge: Hackett Publishing Company, 1998), xii.

[29] Ibid., xiii.

[30] Franco V. Trivigno, “Etymology and the Power of Names in Plato’s Cratylus,” Ancient Philosophy 32, (2012): 37.

[31] Cf. Plato, Cratylus, trans. C.D.C. Reeve, xiv.

[32] Ibid.

[33] Ibid., 28.

[34] Cf. Paul Livingston, “Naturalism, Conventionalism and Forms of Life: Wittgenstein and the Cratylus,” Nordic Wittgenstein Review 4, no.2 (2015): 18.

[35] Ibid.

[36] Geoffrey Scott Bagwell, “A Study Plato’s Cratylus”, 19.

[37] Jean Greisch, Être et Langage: Introduction à L’ontologie – Le temps des Fondations, 269.

[38] Geoffrey Scott Bagwell, “A Study Plato’s Cratylus”, 20.

[39] J.E. Joseph, Limiting the Arbitrary, 18.

[40] Ibid.

[41] Ibid., 19.

[42] Geoffrey Scott Bagwell, “A Study Plato’s Cratylus”, 32.

[43] Ibid.

[44] Ibid., 33.

[45] Ibid., 34.

[46] Geoffrey Scott Bagwell, “A Study Plato’s Cratylus”, 22.

[47] Rachel Barney, Names and Nature in Plato’s Cratylus (New York: Routledge, 2001), 28.

[48] Jean Greisch, Être et Langage: Introduction à L’ontologie – Le Temps des Fondations, 270.

[49] Joseph John Earl, Limiting the Arbitrary, 23.

[50] Geoffrey Scott Bagwell, “A Study Plato’s Cratylus”, 38.

[51] Cf. David Sedley, Plato’s Cratylus (Cambridge: Cambridge University Press, 2003), 54-55.

[52] Melina G. Mouzala, “Names and Falsity in Plato’s Cratylus,” Journal of Classical Studies, vol.13 (2011): 59.

[53] Cf. Geoffrey Scott Bagwell, “A Study Plato’s Cratylus”, 65.

[54] Ibid., 66.

[55] Có chăng chúng chỉ xuất hiện dưới dạng ý niệm tương đương trong một vài tác phẩm của Plato và Aristotle

[56] Trần Văn Hiến Minh, Từ Điển và Danh Từ Triết Học (Hồ Chí Minh: Phương Đông, 1996), 91.

[57] Ibid., 88.

[58] Cf. “Martin Heidegger: Khái lược con người – sự nghiệp – tư tưởng,” Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, accessed Feb 28, 2021, http://catechesis.net/martin-heidegger-khai-luoc-con-nguoi-su-nghiep-tu-tuong/

[59] Manuel de Zubiría Rueda, “Knowledge, Language, and Communication in Heraclitus” (PhD diss., University of Edinburgh, Edinburgh, 2019), 31.

[60] Ibid., 39.

[61] Ibid., 48.

[62] Ibid., 54.

[63] Ibid., 102.

[64] Martin Heidegger, Basic Writings, trans. David Ferrell Krell (New York: Harper & Row, 1977), 193.

[65] Cf. Catherine Frances Botha, Heidegger: Technology, Truth and Language (Pretoria: University of Pretoria, 2001), 102-103.

[66] Ibid., 104.

[67] Plato cũng chính là nhân vật Socrates trong cuộc đối thoại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *