QUY CHẾ HỌC TẬP KHỐI TRIẾT

Hội đồng giám sát việc học tập và thi cử

Thông thường, Giám Học Triết chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát và điều hành mọi hoạt động học tập, thi cử và lượng giá. Vị này có trách nhiệm báo cáo và chịu trách nhiệm trước Viện Trưởng về mức độ nghiêm túc của việc thi cử, cũng như đề đạt những thay đổi cần thiết, nếu phát sinh, cho phù hợp với hoàn cảnh của chương trình. Những thay đổi trong quy định thi cử cần được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Viện Trưởng và có tiến trình tham khảo đối với các giáo sư cơ hữu của Học Viện. Những thay đổi chỉ có hiệu lực với sự chuẩn nhận của Viện Trưởng hoặc trong trường hợp cần thiết Phó Chưởng Ấn và phải được công bố bằng văn bản.

Thời điểm lượng giá các môn học

Các kỳ thi được diễn ra hoặc (1) vào cuối các môn học hoặc (2) vào cuối các học kỳ. Giám Học là người chịu trách nhiệm trao đổi và thoả thuận với các giáo sư để xác định thời điểm thi cử. Việc xác định này phải được công bố kịp thời trước cho các học viên.

Các hình thức thi cử

Các hình thức thi cử bao gồm thi viết, thi vấn đáp hoặc bài thuyết trình, kể cả các dữ liệu nghe nhìn đi kèm. Nếu các giáo sư muốn một hình thức thi cử khác thì phải trao đổi và thống nhất với Giám Học và được công bố công khai cho các học viên. Cụ thể như sau:

Đối với các môn dưới 4 tín chỉ ECTS

  • Bắt buộc: Bài viết trong khoảng 8000 đến 1200 ký tự (characters), hoặc thi vấn đáp.
  • Tùy chọn: bài thuyết trình; hoặc đánh giá dựa trên sự cộng tác của học viên trong giờ lớp.

Đối với các môn từ 4 đến dưới 6 tín chỉ ECTS

  • Bắt buộc: Bài viết trong khoảng 20 000 – 40 000 ký tự (characters).
  • Tùy chọn: bài thuyết trình; hoặc đánh giá dựa trên sự cộng tác của học viên trong giờ lớp.

Đối với các môn từ 6 tín chỉ ECTS trở lên (không kể ngoại ngữ)

  • Bắt buộc: Hai bài viết trong khoảng 20 000 – 40 000 ký tự (characters) hoặc một bài viết từ 40 000 đến 60 000 ký tự.
  • Tùy chọn: bài thuyết trình; hoặc đánh giá dựa trên sự cộng tác của học viên trong giờ lớp.

Ghi chú:

  • Số ký tự được tính trong bài viết bao gồm: Nội dung bài viết, thư mục tham khảo, mục lục, ký tự trắng (spaces), nhưng không kể trang bìa và phụ lục.
  • Mọi bài viết đều buộc phải tuân theo hướng dẫn của tài liệu “Một số hướng dẫn quy cách trình bày học thuật” mới nhất của Học Viện.

Hoàn thành một môn học

Một môn học được coi là thành công khi thoả đáng và đầy đủ các yếu tố sau: (1) hoàn thành việc tham dự giờ học tại lớp đúng theo quy định (xem mục Dự lớp), (2) hoàn tất các phần quy định của bài thi (xem mục Thi lại) (3) kết quả bài thi phải được đánh giá “qua môn” trở lên (xem Bảng thang điểm và tín chỉ).

Dự lớp

Theo quy định về tín chỉ, việc dự lớp và tham gia vào các hoạt động tại lớp chiếm 50% yêu cầu thành công của một môn học. Vì thế, học viên không được phép vắng mặt các giờ lớp mà không có phép. Nếu vắng mặt, dù có phép, từ 25% thời lượng giờ lớp trở lên thì bộ môn đó tự động được coi như không hoàn thành. Nếu vắng mặt, dù có phép, trong mức độ từ 10% đến 25% thì giám học sẽ có quyền quyết định cho phép học viên thi kiểm tra, công nhận kết quả thi hay yêu cầu học lại bộ môn ấy.

Thi lại

Nếu việc thi hoặc kiểm tra một môn học không thành công, học viên được quyền thi lại một (1) lần. Giám Học sẽ xác định ngày thi lại và thông tri cho học viên kịp thời. Các kỳ thi lại sẽ được tổ chức trong học kỳ theo sau học kỳ học viên đã thi không thành công môn này. Nếu việc thi lại thành công, điểm của bài thi sẽ được khống chế ở mức “qua môn,” tức 10/20. Nếu việc thi lần hai không thành công, học viên bị buộc học lại môn này.

Nếu là học kỳ cuối cùng của chương trình, tức học kỳ 6, thì Giám Học phải thu xếp để có thể thi lại trước khi kết thúc chương trình. Nếu chương trình đã kết thúc mà học viên vẫn còn nợ môn thì việc cấp bằng bị hoãn lại và được kéo dài sau đó tối đa hai (2) học kỳ. Sau hai học kỳ, tức một năm, học viên vẫn chưa thể hoàn tất các kỳ thi thì chương trình học sẽ bị huỷ hoàn toàn.

Thải hồi hoặc từ chối cấp văn bằng

Học viên có thể bị thải hồi nếu vi phạm nghiêm trọng đến Quy tắc ứng xử của Học Viện, dựa trên quy trình thi hành kỷ luật.

Ngoài ra, đối với học viên sau tất cả các kỳ thi lại, vẫn không đủ điểm “qua môn” ở tất cả các bộ môn, sẽ bị từ chối cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Trong trường hợp này, Học Viện chỉ cung cấp Bảng Điểm Chính Thức mà thôi.

Luận văn ra trường và kỳ thi tổng kết

Vào hai học kỳ cuối của chương trình, các học viên thực hiện bài luận văn trường và trải qua kỳ thi tổng kết. Chỉ khi hai hình thức thi cử này thành công thì toàn bộ kết quả học tập khác mới được công nhận. Trường hợp học viên không thành công một trong hai hình thức này, Giám Học sẽ tổ chức để học viên được trợ giúp trong việc cải thiện luận văn hoặc thi lại. Trong trường hợp việc này quá hạn tốt nghiệp, học viên sẽ được phát bằng tốt nghiệp trong một thời điểm khác.

Cách tính điểm chung toàn bộ chương trình

  • Điểm chung toàn bộ chương trình

Điểm trung bình của toàn bộ chương trình triết đối với học viên học toàn bộ chương trình 6 học kỳ tại Học Viện bao gồm: điểm tất cả các môn học thuộc riêng chương trình triết (để phân biệt với các môn thuộc chương trình ngôn ngữ), điểm luận văn ra trường, điểm thi tổng kết cuối chương trình.
Điểm trung bình của chương trình triết đối với học viên chỉ học một phần chương trình triết tại Học Viện chỉ được tính từ những hoạt động học tập trong thời gian này, không tính hợp bảng điểm từ một trường khác. Tuy nhiên số tín chỉ ECTS từ nơi khác sẽ được tích hợp sau khi được công nhận từ việc học tại trường khác ấy, để bảo đảm số tín chỉ ECTS theo đòi hỏi của chương trình. (Xem mục Công nhận bằng cấp và học trình của các trường khác).

  • Cách tính điểm chung toàn bộ chương trình

Điểm chung toàn bộ chương trình được tính từ tổng điểm của từng môn đã học, điểm của luận văn ra trường, điểm của kỳ thi tổng kết cuối chương trình nhân với số tín chỉ ECTS tương ứng của chúng và chia bình quân.

Hệ thống quy đổi điểm

(Xem mục Mục “Học vụ” – “Thang điểm và Xếp loại” tại trang chủ)

Yêu cầu phúc khảo điểm

Trong một vài trường hợp chưa rõ ràng, học viên có thể xin phúc khảo điểm. Tiến trình phúc khảo điểm phải được thực hiện từ ba bên: Giám Học, học viên và giáo sư phụ trách bộ môn cần phúc khảo điểm. Lý do phúc khảo phải chính đáng, cần được giải thích bằng văn bản đi kèm với những chứng cứ xác đáng (bài thi, bài thuyết trình, các bài luận) của học viên. Giám Học sẽ là trung gian giữa học viên và giáo sư trong việc xử lý vấn đề phúc khảo. Thời hạn xin phúc khảo trễ nhất là 15 ngày sau khi Học Vụ công bố điểm số môn học. Quá thời hạn đó, kết quả môn học được coi như xác định.

Vắng mặt không phép, bỏ học, gian lận, vi phạm học quy

Học viên vắng mặt giờ lớp quá quy định và vào các ngày thi đã quy định mà không có lý do sẽ được kể như không hoàn thành môn học. Nếu học viên có ngăn trở, không thể dự thi theo quy định, cần kịp thời thông tri đến giám học thông qua sự chứng thực của bề trên học viên (nếu là tu sĩ) hoặc các chứng thực khả tín khác. Nếu việc xin vắng mặt ngày thi được chấp thuận, Giám Học có trách nhiệm tổ chức lại việc thi cử cho học viên.

Trong mọi hình thức thi cử, nếu học viên có hành vi gian lận, quay cóp, sử dụng tài liệu không được phép, đạo văn, v.v. thì sẽ bị coi là không hoàn thành môn học. Trong tiến trình thi cử, nếu học viên vi phạm những quy định khác thì giáo sư hoặc vị giám sát thi cử có thể dừng phần thi của học viên hoặc loại học viên ra khỏi cuộc thi và môn học bị coi là không hoàn thành. Nếu mức độ vi phạm nặng hơn, học viên có thể bị cấm thi trong một thời gian dài hơn hoặc cho thôi học. Tất cả những kết luận vi phạm này sẽ được giám học thông tri cho học viên hoặc người hữu trách bằng biên bản.

Bảo lưu kết quả và gián đoạn chương trình

Từ khi chính thức được nhập học đến khi tốt nghiệp, học viên được phép gián đoạn chương trình học với thời gian tối đa hai học kỳ, hoặc liên tục hoặc xen kẽ. Việc xin gián đoạn chương trình phải được đăng ký trước đầu mỗi học kỳ, bằng văn bản với lý do chính đáng và có các giấy tờ chứng minh đi kèm. Giám Học, qua Học Vụ, sẽ phúc đáp bằng văn bản xác nhận cùng với việc bảo lưu kết quả học tập đã đạt được của học viên. Kết quả học tập bao gồm: kết quả các kỳ thi, kể cả kỳ thi tuyển sinh, các môn đã học và các tín chỉ đã đạt được. Quá thời hạn gián đoạn cho phép, các kết quả học tập tự động mất giá trị. Trong thời gian tạm hoãn chương trình, học viên không được đăng ký học chính thức ở một trường hay cơ sở đào tạo nào khác.

Công nhận bằng cấp và học trình của các trường khác

Giám Học, sau khi tham vấn với Viện Trưởng và ít nhất là hai giáo sư chuyên môn, sẽ thẩm định việc nhìn nhận kết quả học tập, qua số tín chỉ, của các học viên đã học ở các trường hoặc trung tâm học vấn khác. Trong mọi trường hợp, việc nhìn nhận các tín chỉ này không được vượt quá một phần ba toàn bộ tín chỉ của văn bằng cần được công nhận. Những điều kiện căn bản của việc công nhận này bao gồm: (1) học viên phải có bằng cấp chứng thực hoàn tất thành công chương trình học trong đó một số môn được xét công nhận và có giá trị không quá 3 năm trong thời điểm xét công nhận (2) các môn được xét công nhận phải tương ứng với các môn trong chương trình của Khối hoặc có lợi ích khoa học tương tự và (3) có thời gian thực học và kiểm tra tương đương.

Văn bản công nhận này sẽ được Giám Học soạn thảo theo từng trường hợp học viên, cùng với sự chuẩn nhận của Viện Trưởng và sau đó thông tri cho học viên. Một khi được công nhận, số tín chỉ được công nhận sẽ được tính chung vào chương trình. Các môn này sẽ được ghi chú đặc biệt trong Bảng điểm chính thức của học viên (Official Transcript of Records). Điểm số của các môn được công nhận (hoàn toàn hay một phần) sẽ được quy đổi theo mức độ tín chỉ được công nhận và trong trường hợp phải học bổ sung, điểm số chung cục sẽ được tính bình quân ở cả hai kết quả, cũ và mới.

Học viên tự do

Trong một số hoàn cảnh, một số học viên tự do cũng có thể tham gia học một vài môn học trong chương trình. (1) Học viên trao đổi chương trình là học viên chính thức của các cơ sở đào tạo được công nhận khác. Sau khi trình giấy giới thiệu của cơ sở đào tạo của mình, học viên sẽ được chấp thuận học và thi cử các môn muốn tham dự cùng với kết quả và tín chỉ đạt được. (2) Học viên dự thính: học viên không thuộc một cơ sở đào tạo nào, sau khi tham dự môn sẽ được giấy chứng nhận dự thính mà thôi.

Công bố kết quả thi, cung cấp kết quả học tập toàn chương trình và cấp bằng

Sau khi hoạt động học tập và thi cử kết thúc, Giám Học sẽ thông báo vắn tắt nhưng chính thức kết quả tốt nghiệp của học viên. Sau ngày tốt nghiệp, trong vòng ba tháng, Học Vụ sẽ cung cấp bản đánh giá bài luận ra trường cũng như Bảng điểm chi tiết học tập của học viên (Official Transcript of Records).

Học Vụ sẽ cung cấp chính thức bằng tiếng Anh: một (1) Chứng Chỉ Tốt Nghiệp và hai (2) Bảng Điểm chi tiết của học viên. Chứng Chỉ Tốt Nghiệp bao gồm chữ ký của Phó Chưởng Ấn, Viện Trưởng, Giám Học cùng với con dấu của Tỉnh Dòng Tên Việt Nam. Bảng điểm chi tiết bao gồm chữ ký của Viện Trưởng và Giám Học cùng với con dấu của Học Viện Thánh Giuse. Chứng chỉ và Bảng điểm của Chương Trình Triết không ghi các mức độ danh dự (honors) của học viên.

Ngoài lần cấp bằng chính thức này, Học Viện sẽ không cung cấp Bảng điểm theo yêu cầu đơn phương của các cựu học viên. Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ: trong trường hợp cựu học viên cần Bảng điểm cho việc giao dịch hành chính với một cơ sở hoặc tổ chức được công nhận nào khác, Học Viện có thể cấp lại Bảng điểm cho cựu học viên chỉ trong trường hợp có đề nghị chính thức (email hay công văn gửi) của cơ sở hay tổ chức ấy. Và đối tượng nhận đề nghị này là Viện Trưởng Học Viện Thánh Giuse. Viện Trưởng sẽ thụ lý vấn đề này theo quyền hạn của ngài.

Hiệu lực của bằng cấp và bãi bỏ hiệu lực của bằng cấp

Sau lễ tốt nghiệp và cấp bằng, hiệu lực của văn bằng lập tức có giá trị vô thời hạn. Những sai phạm được khám phá sau ngày cấp bằng, tuỳ mức độ nghiêm trọng, có thể dẫn đến việc Viện Trưởng, nhân danh phân khoa, bãi bỏ hiệu lực của văn bằng. Việc bãi bỏ này sẽ được thông báo công khai bằng văn bản cho các thành phần có liên quan.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *