• Công bình phân phối, thủ tục và cơ cấu.

Việc đạt được một cộng đồng công bình có thể khá phức tạp. Bà Judy K. muốn chắc chắn rằng phí bảo dưỡng ao hồ phải được phân bố công bằng cho tất cả mọi người thuê nhà của bà. Nghĩa là, bà muốn đạt đến công bình về mặt phân phối. Đây là một cách đối xử với mọi người với sự tôn trọng bình đẳng. Nhưng bà cũng có thể quyết định thay vì chỉ áp đặt một khoản phí cho người thuê, bà nên tạo ra một quy trình để họ có thể tham dự vào việc quyết định về khoản phí đó. Cho phép mọi người tham gia vào việc lập ra các quy định mà họ sẽ tuân theo là một cách khác để thể hiện sự tôn trọng bình đẳng với tất cả mọi người. Việc nghĩ ra một thủ tục công bằng cho việc phân phối lợi ích và chia sẻ thiệt hại được gọi là công bình thủ tục. Độc giả lanh lợi sẽ lập tức nhận thấy vấn đề: Điều gì sẽ xảy ra nếu bản thân những người thuê nhà không có tư tưởng công bằng? Nếu họ được phép quyết định cách phân phối khoản phí, họ có thể quyết định áp đặt khoản phí đó lên người thuê không được yêu mến nhất. Như thế, tiến trình quyết định có thể công bằng, nhưng kết quả thì không.

Có nhiều cách để thiết kế các quy trình nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra các kết quả phân bổ không công bằng. Ví dụ, bà Judy có thể yêu cầu một quyết định đồng thuận chung, vì thế không một cá nhân nào có thể bị nhắm làm mục tiêu cách bất công. Đôi khi sẽ là ý hay để thiết kế một tiến trình gồm nhiều phiên thảo luận, như thế, những mối bận tâm và quan điểm của mọi người có thể được đem vào thảo luận chung với nhau. Cuộc bàn định này thường rất giúp ích trong việc tạo cho mọi người cảm giác mình là một phần của cộng đồng, như thế họ có thể thoải mái và công bằng hơn trong việc đưa ra quyết định của mình. Điều ấy muốn nói rằng, công bình thủ tục quan trọng không chỉ vì nó đối xử với mọi người bằng một sự tôn trọng bình đẳng, nhưng còn đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người về giá trị của công bình. Công bình này giúp chúng ta trở thành những công dân tốt hơn.

Tuy nhiên, trong một cộng đồng nhỏ, thật khó để đảm bảo rằng việc thích hay không thích của mỗi cá nhân sẽ không dẫn đến những kết quả bất công. Trong một cộng đồng lớn, những xung đột cá nhân có thể không ảnh hưởng nhiều đến các quyết định. Tuy nhiên, chúng ta thường nhận thấy các nguồn gốc của sự thiếu công bằng như: chủng tộc, giới tính, và các hình thái thành kiến khác có thể dẫn tới bất công cơ cấu. Hiểu được bất công cơ cấu thì rất quan trọng để hiểu những thách đố trong việc tạo ra các chính sách (kể cả các chính sách môi trường) công bằng với hết mọi người.

Ý niệm về bất công cơ cấu không quá khó hiểu: Đơn giản là một khái niệm có ý nói tới những hệ thống và thực hành xã hội thiên vị nhóm này hơn nhóm khác; do đó, các chính sách dường như đối xử mọi người như nhau, nhưng trên thực tế lại có lợi cho một số nhóm này hơn những nhóm khác.

Ví dụ, hãy hình dung một xã hội mà các công dân bình thường đã tranh đấu hết mình để giành được quyền sở hữu vũ khí. Và hãy tưởng tượng, việc đấu tranh này dẫn đến kết quả là luật quy định rõ ràng rằng mọi người nam trưởng thành đều có quyền săn bắn. Sau khi dành được quyền này, đàn ông trong xã hội đó đi săn để nuôi sống gia đình trong khi phụ nữ ở nhà chăm sóc vườn tược. Qua thời gian, đàn ông đã phát triển các truyền thống – những hình thái xã hội chính thức cũng như các thực hành không chính thức – để giáo dục những đứa con trai của mình về nghệ thuật săn bắn. Cuộc đi săn đầu tiên trở thành nghi lễ quan trọng đánh dấu thời điểm chàng trai bước vào tuổi trưởng thành. Bây giờ, chúng ta hãy xem điều gì có thể xảy ra trong xã hội đó khi vai trò của người nữ thay đổi: Một khi người nữ có thể tham dự vào sự bình đẳng xã hội đầy đủ hơn, họ cũng sẽ có quyền được đi săn. Có lẽ họ sẽ thành công trong việc thay đổi luật pháp nhằm đảm bảo mỗi cá nhân trưởng thành dù là nam hay nữ đều có quyền săn bắn. Nói khác đi, cuối cùng họ sẽ có quyền bình đẳng hợp pháp. Liệu sự bình đẳng về mặt pháp lý này có nghĩa là mọi phụ nữ đều có cơ hội bình đẳng để trở thành thợ săn?

Có lý do để tin chắc điều đó sẽ không xảy ra. Ngay cả khi phụ nữ có quyền săn bắn hợp pháp một cách bình đẳng đi nữa, nhưng họ lớn lên trong một xã hội được tổ chức với việc đi săn do đàn ông khởi xướng chứ không phải phụ nữ. Bởi thế, phụ nữ có thể sớm nhận thức được rằng săn bắn chẳng phải dành cho phái nữ mà là dành cho đàn ông. Đàn ông có thể chẳng thích thú gì để mang theo các cô gái đi săn, hoặc đơn giản cho rằng có lẽ các cô gái cũng sẽ không thú vị gì với việc săn bắn. Những cộng đồng săn bắn có thể cũng không muốn thay đổi những thói quen tập tục của họ để cho phụ nữ xen vào. Luật pháp có thể bình đẳng, nhưng cộng đồng thì không: Xã hội được cấu trúc theo một cách thức mà sự bất bình đẳng sẽ tồn tại. Đây là tình huống mà chúng ta gọi là “bất công cơ cấu”.

Bất công cơ cấu xuất hiện khi những bất công trong quá khứ vẫn tiếp tục định hình các thể chế và thực hành kinh tế, chính trị và xã hội. Vấn đề của bất công cơ cấu đã là trọng điểm của các phong trào công bình về môi trường, những phong trào này cho rằng các bất công cơ cấu dẫn đến việc phân bổ thiếu công bằng các tác hại môi trường (như vấn đề ô nhiễm) cũng như các lợi ích môi trường (như các công viên). Phong trào công bình môi trường, nổ ra vào những năm 1980 tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, kéo sự chú ý của dư luận đến những chứng cớ cho thấy các tộc người thiểu số đã bị ảnh hưởng bất công bởi những điểm xả chất thải độc hại và việc sử dụng đất đai không mong muốn khác. Hoạt động này đã phát triển thành một phong trào quốc tế chỉ trích chủ nghĩa thực dân Tây phương, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và chế độ phụ hệ vì lý do môi trường.

Tại Hoa Kỳ, những người ủng hộ công lý môi trường đã quan tâm đến nhiều loại bất công cơ cấu: chế độ phụ hệ (dẫn đến bất bình đẳng giới), thượng đẳng người da trắng (dẫn đến bất bình đẳng chủng tộc), chủ nghĩa tư bản (dẫn đến bất bình đẳng giai cấp), và chủ nghĩa công nghiệp (dẫn đến việc con người thống trị thiên nhiên). Murray Bookchin – một nhà phê bình xã hội có tầm ảnh hướng lớn – đã lập luận rằng sự bất công căn bản trong tất cả các xã hội hiện đại chính là khái niệm về phân tầng xã hội: “Xã hội đã bị đầu độc. Nó đã bị nhiễm độc hàng ngàn năm, từ trước thời đại Đồ Đồng. Xã hội đã bị sự cai trị do các trưởng lão, do chế độ phụ hệ, do các chiến binh, và do các kiểu phân tầng làm biến dạng”. Ông lập luận rằng chúng ta phải huỷ bỏ những thói tục thống trị và thay thế vào đó một “bộ quy tắc đạo đức” biết “tôn trọng các hình thái sự sống khác vì chính lợi ích của chúng, và hưởng ứng tích cực vào hình thái cộng sinh sáng tạo, đầy yêu thương và tương trợ lẫn nhau” (Bookchin and Foreman 1991, tr. 33).

Từ góc độ này, việc đạt được những kết quả công bằng trong một xã hội có nhiều bất công về cơ cấu có thể đòi hỏi nhiều hơn là chỉ đảm bảo những thủ tục công bằng; kết quả đó có thể đòi hỏi việc thay đổi cả những thực hành xã hội căn bản và hỗ trợ nhiều hơn cho những ai bị thiệt thòi một cách có hệ thống. Điều này cũng có thể bao hàm việc đưa niềm tin và các giá trị căn bản của chúng ta vào phân tích phê bình, khám phá cũng như sửa chữa những định kiến vô thức. Thậm chí, việc đạt đến kết quả công bình đó có thể đòi hỏi một sự biến đổi về mặt đạo đức và xã hội một cách triệt để. Điều này là hiển nhiên khi chúng ta giải quyết các vấn đề bình đẳng giới hoặc bình đẳng chủng tộc, nhưng nó cũng có thể đúng cho cả các vấn đề môi trường. Những ý niệm và mối tương quan của chúng ta với thế giới tự nhiên có thể bị méo mó do chúng ta muốn thống trị người khác và thống trị chính thiên nhiên.

Lưu ý rằng ý niệm bất công cơ cấu đòi hỏi chúng ta chuyển từ trọng tâm mang tính cá nhân của nền đạo đức truyền thống sang quan điểm có tính hệ thống mà chúng ta nhận thấy trong các ngành khoa học xã hội. Khi chúng ta nghĩ đến bất công trong cơ cấu, chúng ta phải từ bỏ một vài ý niệm then chốt của triết học đạo đức. Quan trọng nhất, bất công cơ cấu có thể tồn tại ngay cả khi không một cá nhân nào hành xử bất công. Không một ai xâm phạm đến các quyền hợp pháp của người khác và các nạn nhân thậm chí không thể ý thức được rằng hệ thống đang hoạt động nhằm gây bất lợi cho họ. Do đó, khái niệm về bất công cơ cấu làm phức tạp thêm ý tưởng của chúng ta về trách nhiệm luân lý: Nếu sự bất công nằm trong hệ thống chứ không phải trong hành vi cá nhân, thì có thể không ai có lỗi cả – và tất cả chúng ta có lẽ cùng chịu trách nhiệm về việc thay đổi hệ thống. (Điểm này liên hệ tới ý tưởng về trách nhiệm tập thể, sẽ được thảo luận ở phần tiếp theo)

  • Trở lại với vấn đề gìn giữ ao hồ.

Tất cả những điều này giúp gì cho tình trạng khó xử về phí gìn giữ ao hồ của bà Judy K.? Ít nhất, nó gợi ra một số điều để bà suy xét. Trước hết, bà có thể muốn thiết lập một tiến trình ra quyết định cho phép người thuê cân nhắc về vấn đề này. Tuy nhiên, bà cũng có thể muốn đưa ra những hướng dẫn cho việc cân nhắc đó để đảm bảo rằng kết quả đạt được (chứ không chỉ tiến trình) sẽ công bằng. Bà có lẽ cũng nên suy xét xem liệu những bất công cơ cấu trong một xã hội lớn hơn có thể đưa vào cân nhắc hay không. Một người đàn ông da màu thuê nhà của bà đã gặp không ít khó khăn để tìm kiếm công việc trong một cộng đồng phần lớn là người da trắng sống xung quanh khu Spring Lakes. Một trong số người thuê nhà là phụ nữ đơn thân sống với đứa con nhỏ của mình. Cả hai trường hợp trên đều đang phải đối diện với những thách đố tài chính trầm trọng. Những người thuê nhà khác sẽ đối xử công bằng với họ chứ? Một vài người thuê nhà của bà có vẻ rất dè dặt và không thoải mái khi tranh luận trước đám đông. Những người khác lại có những quan điểm rất quyết liệt về những gì họ nghĩ là công bằng. Kiểu tiến trình ra quyết định nào sẽ tạo cho mọi người đều cảm thấy được tôn trọng và sẽ dẫn tới một kết quả công bình? Những cân nhắc nào mà người thuê nhà nên tính đến khi đưa ra quyết định? Tất cả những câu hỏi này đều quan trọng để thiết kế một quy trình ra quyết định cách công bằng.

(còn tiếp)

Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh

Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 28-31.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *