• Những nghĩa vụ của chính phủ.

Cho đến lúc này, chúng ta đã suy tư về những nghĩa vụ mà bà Judy K. có thể có đối với những người khác trong cộng đồng. Nhưng còn nghĩa vụ của bà đối với tự nhiên thì sao? Trong chương trước, chúng ta có đề cập đến khái niệm cộng đồng sinh vật của Aldo Leopold: Bà Judy có thể xem mình là một phần của một cộng đồng sinh vật gồm tất cả các thực thể tự nhiên, vốn là thành phần của một hệ sinh thái lành mạnh. Bà có thể đã nghĩ rằng bà cũng có nghĩa vụ tham gia vào phúc lợi chung của quần thể sinh vật đó. Việc nới rộng công bình đến cả tự nhiên làm dấy lên một vài vấn đề thú vị mà chúng ta sẽ nói đến ở chương tiếp theo. Còn bây giờ, hãy nghĩ xem ý tưởng cộng đồng sinh vật có ý nghĩa gì đối với lý thuyết khế ước xã hội và nghĩa vụ của chính phủ về công bình.

Có lẽ, bạn đã xác định rằng chúng ta là thành viên của một cộng đồng sinh vật, và con người phải có nghĩa vụ đối với động vật và thậm chí cả hệ sinh thái. Liệu chính phủ có phải thực thi những nghĩa vụ này không? Liệu chính phủ có nên trừng phạt những kẻ ngược đãi động vật? Liệu có nên cấm bán thịt cho con người, hay ngăn chặn việc phá hủy các vùng đầm lầy không?

Có nhiều lý do chính đáng để ban hành những chính sách như thế. Có lẽ, những chính sách này được biện minh nhờ những mối bận tâm của chính phủ đối với phúc lợi và hạnh phúc của con người. Chúng ta có thể biện minh cho hàng loạt quy định và luật lệ môi trường đơn thuần chỉ dựa trên luận lý cho rằng những quy định đó phục vụ cho những lợi ích của cộng đồng nhân loại. Một môi trường trong lành giúp cho những cư dân loài người sống lành mạnh và hạnh phúc. Tuy nhiên, liệu chúng ta có thể biện minh cho việc hạn chế tự do của con người chỉ đơn thuần nhằm bảo vệ cho phúc lợi của những loài khác vì chính lợi ích của chúng không? Nói khác đi, liệu chính phủ có nên để ý đến phúc lợi của các thực thể tự nhiên, ngay cả khi nó xung khắc với phúc lợi nhân sinh không?

Có một lập luận mạnh mẽ cho rằng chính phủ dựa trên các nguyên tắc tự do không nên gắng sức bảo vệ các thực thể tự nhiên chỉ vì lợi ích của chúng. Trong khi chúng ta có thể có những bổn phận luân lý về phương diện cá nhân đối với những thực thể đó, nhưng việc sử dụng quyền lực của chính phủ để quy định các bổn phận đó thành điều luật thì có thể không phải là cách sử dụng quyền lực hợp lý. Hãy nhớ rằng ý tưởng căn bản của khế ước xã hội là ở chỗ mọi người đồng thuận tuân theo chính phủ với điều kiện chính phủ phải đảm bảo quyền tự do của họ, và không cố gắng áp đặt các quan điểm đạo đức hay tôn giáo của kẻ khác lên bất kỳ ai. Việc bảo vệ tự nhiên có thể giống như một trong những quan điểm đạo đức đó: giống như nguyên tắc rằng chúng ta nên cố gắng để nói sự thật là một nguyên tắc đạo đức hoàn toàn đúng đắn. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta muốn chính phủ quy định nó thành một khoản luật. Chúng ta mong đợi chính phủ để cho chúng ta tự do nhằm đưa ra những quyết định đạo đức của riêng mình, trừ phi chúng ta đang xâm phạm quyền của ai đó. Suy cho cùng, đây là mục đích của một chính phủ tự do: bảo vệ nhân quyền, chứ không phải bảo vệ động thực vật.

Sau đây là lối lập luận giải thích tại sao một số người vẫn cho rằng tự nhiên cũng có quyền của nó. Sẽ dễ dàng hơn nhiều khi biện minh cho việc sử dụng quyền lực của chính phủ để bảo vệ động vật, nếu chúng ta tin rằng động vật cũng có quyền. Tuy vậy, ngay cả khi động vật có quyền của chúng đi chăng nữa, điều đó không thực sự dẫn đến việc chính phủ phải bảo vệ các quyền đó. Rốt cuộc, chẳng có chính phủ nào thiết lập nên nhằm bảo vệ quyền của mọi người. Ví dụ, việc bảo vệ quyền của công dân Nhật Bản đang sinh sống ở Nhật không phải là việc của chính phủ Hoa Kỳ. Đó là công việc của chính phủ Nhật Bản. Cũng lối lập luận đó, chúng ta có thể nói rằng việc bảo vệ quyền của loài sói không phải là công việc của chính phủ Hoa Kỳ. Sói, có lẽ, được xem là thành viên của một số cộng đồng khác, chứ không thuộc về cộng đồng con người mà chính phủ Hoa Kỳ phải bảo vệ.

Tuy nhiên, đối với Aldo Leopold, sói lại là thành viên của cộng đồng chúng ta – một cộng đồng sinh vật của chúng ta. Lập luận của ông về việc mở rộng cộng đồng đạo đức bao gồm cả tự nhiên có thể cũng được sử dụng nhằm nới rộng cộng đồng chính trị, và phạm vi của chính phủ có thể vươn tới nhằm bảo vệ các thực thể tự nhiên đó. Ý niệm về một khế ước xã hội gồm cả một cộng đồng sinh vật nghe có vẻ hấp dẫn và lôi cuốn. Ý tưởng này cho thấy một trực giác rằng tự nhiên đáng được tôn trọng và quyền của chúng cũng phải được quan tâm; chúng không đơn thuần hiện hữu vì những mục đích của chúng ta. Nhưng (như đã bàn luận ở trên) ý tưởng cho rằng tất cả động vật tự nhiên (cũng như thực vật) đều có quyền của chúng cũng có thể dẫn đến nguy cơ phải nới rộng quyền lực của chính phủ xa hơn rất nhiều so với những gì mà các công dân tự do đã từng quen thuộc. Liệu luật pháp có nên quy định lúc nào được bắt muỗi hoặc giết chuột chăng?

Tất nhiên, nhiều quốc gia đã có luật bảo vệ quyền lợi cho động vật. Ở Hoa Kỳ, những luật này cơ bản áp dụng cho các động vật nuôi: thú cưng, vật nuôi nông trại, cũng như động vật dùng trong các ngành giải trí hoặc nghiên cứu. Chúng ta có thể kết luận rằng những động vật này về cơ bản là thành viên của xã hội chúng ta: chúng ta đã chịu trách nhiệm với phúc lợi của chúng, do đó chúng ta cũng có một nghĩa vụ mang tính tập thể – với tư cách là những công dân – để đảm bảo các động vật đó được đối xử tốt. Trái lại, nghĩa vụ của chúng ta đối với các loài động vật hoang dã là những bổn phận mang chiều kích cá nhân: Chúng có thể cực kỳ quan trọng đối với đời sống đạo đức của chúng ta, nhưng có lẽ chúng ta không mong đợi hoặc không muốn chính phủ quy định thành khoản luật.

Điểm mấu chốt là ở chỗ: Việc cho phép nới rộng phạm vi quyền lực của chính phủ phù hợp với phạm vi của các vấn đề môi trường nghe có vẻ rất hợp lý, nhưng nó dẫn đến nguy cơ tạo nên một chính phủ quyền lực và bành trướng hơn nhiều so với những gì chúng ta mong muốn ngay lúc thành lập chính phủ đó. Chúng ta nên có và cần có những giới hạn đối với quyền lực của chính phủ hợp pháp trong một chế độ tự do. Giả như chúng ta sẽ dùng luật pháp nhằm hạn chế tự do của một người đối với thế giới tự nhiên, chúng ta cần có một sự biện minh hợp lý và vững chắc cho điều đó. Chúng ta phải xác định rõ ràng những loài nào trong thế giới tự nhiên là thành viên thuộc cộng đồng chính trị của chúng ta, thuộc khế ước xã hội của chúng ta, và do đó chúng đáng được chính phủ bảo vệ vì những quyền lợi của chúng.

  • Quyền lập hiến đối với tự nhiên

Năm 2002, nước Đức đã tu chính hiến pháp của mình hầu xác định rõ chính phủ phải có trách nhiệm bảo vệ các nền tảng tự nhiên của sự sống và động vật vì lợi ích cho các thế hệ tương lai. Liệu có hợp lý khi kết luận rằng người dân Đức quốc đã đồng thuận với nhau về một khế ước xã hội cho phép chính phủ hạn chế tự do con người nhằm bảo vệ quyền lợi của động vật?

Không nhất thiết là vậy. Trước hết, không hoàn toàn rõ ràng liệu điều khoản này có ý nói đến việc chính phủ có thể bảo vệ động vật vì chính lợi ích của chúng hay chỉ trong mức độ chúng phục vụ các lợi ích của con người. Thứ hai, việc tu chính hiến pháp đã được cơ quan lập pháp Đức thông qua, chứ không phải do một cuộc trưng cầu dân ý, và việc tu chính không phải là một sự nhất trí chung. Vì thế, chúng ta không thể cho rằng tất cả công dân Đức đã thực sự đồng thuận với việc tu chính. Dĩ nhiên, chúng ta có thể lý luận rằng công dân Đức đồng thuận chịu sự ràng buộc bởi những quyết định của đa số. Nhưng ngay cả như thế đi nữa, đa số cũng phải đảm bảo rằng việc áp đặt các nghĩa vụ lên những người không đồng thuận với họ cũng phải hợp lý – rằng những người đó đáng lẽ phải đồng thuận, hoặc ít ra họ có những lý do hợp lý để đồng thuận. Vì thế, việc tu chính hiến pháp có lẽ sẽ không kết thúc cuộc tranh luận về mức độ quyền hạn của chính phủ trong việc bảo vệ tự nhiên.

Ecuador và Thụy Sĩ cũng là những đất nước nằm trong số các quốc gia đã soạn thảo những điều khoản về “quyền đối với tự nhiên” trong hiến pháp của mình. Nhóm các nhà hoạt động thuộc Liên hiệp Pachamama cho rằng các quốc gia nên “nhìn nhận Trái đất và tất cả hệ sinh thái của Trái đất như là một sinh thể sống với các quyền bất khả xâm phạm: quyền hiện hữu, quyền sống mà không vị đối xử tàn bạo, quyền bảo vệ các tiến trình sống cần thiết cho sự cân bằng hài hòa hỗ trợ cho tất cả sự sống”(Pachamama Alliance, http://www.pachamama. org/advocacy/rights-of-nature (2018), truy cập: 26-1-2018).

Phong trào lập hiến có tính quốc tế này có lẽ phản ánh một sự thật là hầu hết các hiến pháp hiện hành đều được soạn thảo trước thời đại của chủ nghĩa môi trường. Do vậy, chúng không đề cập đến thẩm quyền của chính phủ trong mối liên hệ đến môi trường. Ví dụ, Hiến pháp Hoa Kỳ không minh nhiên cho phép chính phủ liên bang quyền bảo vệ môi trường. Hầu hết các quy định môi trường liên bang được ban hành theo quyền hạn của Quốc Hội nhằm điều chỉnh thương mại giữa các tiểu bang và quản lý tài sản liên bang. Chính quyền các bang có quyền bảo vệ môi trường trong quyền hạn chung là để bảo vệ sức khỏe cũng như các phúc lợi của công dân. Tuy nhiên, quyền này cũng bị giới hạn bởi sự bảo vệ mạnh mẽ truyền thống của người Mỹ về quyền sở hữu.

Liệu Hiến pháp Hoa Kỳ có nên được sửa đổi nhằm thừa nhận quyền của tự nhiên chăng? Ta không biết rõ luật pháp hay chính sách tác động lên việc sửa đổi ấy? Nhưng có lẽ một cuộc đàm luận mang tầm mức quốc gia có thể giúp chúng ta xác định rõ chúng ta sẵn sàng mở rộng khế ước xã hội của chúng ta đến mức nào.

(còn tiếp)

Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh

Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 31-33.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *