• Hai khế ước xã hội

Thuật ngữ ‘khế ước xã hội’ được sử dụng rộng rãi trong cũng như ngoài môi trường học thuật; không một ngành học nào ‘sở hữu riêng’ thuật ngữ này. Những triết gia đạo đức đôi khi dùng thuật ngữ khế ước xã hội nhằm minh giải những bổn phận đạo đức cá nhân và riêng tư của chúng ta trước những chủ thể đạo đức khác. Họ lý luận rằng chúng ta phải tôn trọng các quyền của người khác vì một ‘khế ước’ mặc nhiên: Anh không làm hại tôi, tôi sẽ không làm hại anh. Khế ước xã hội này có ý nghĩa phổ quát, bao gồm tất cả mọi chủ thể đạo đức (có thể ngay cả những chủ thể đạo đức tự nhiên – không phải là con người).

Các triết gia đạo đức không ưa chuộng vận dụng lý thuyết khế ước xã hội vì nó dường như chỉ là một lối giải thích rất hẹp và hạn chế về việc tại sao chúng ta lại có nghĩa vụ đối với người khác. (Bạn có thực sự kiềm chế không làm tổn thương người khác chỉ bởi vì bạn không muốn họ làm hại bạn không?) Nhưng ngay cả khi bạn bác bỏ lý thuyết khế ước xã hội như một lối giải thích cho những nghĩa vụ của bạn đối với những cá nhân riêng lẻ khác, thì lý thuyết ấy vẫn hữu ích để giải thích về nghĩa vụ chính trị – đó là cách mà chúng ta đang sử dụng khế ước xã hội ở đây.

  • Khế ước xã hội và những giới hạn của chính phủ.

Lý thuyết khế ước xã hội là một trong những lý thuyết có tầm ảnh hưởng nhất về nghĩa vụ chính trị ở các nhà nước tự do (nghĩa là, những nhà nước dựa trên giả định rằng con người vốn dĩ được tự do và xứng đáng có quyền bình đẳng)[1]. Một lý thuyết về nghĩa vụ chính trị là một lý thuyết giải thích tại sao các công dân phải có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Lý thuyết khế ước xã hội không phải là lý thuyết duy nhất như vậy, nhưng là một lý thuyết quen thuộc và phổ biến. Vì thế, chúng ta sẽ sử dụng lý thuyết khế ước xã hội như một khung sườn căn bản để suy tư về công bình và những nghĩa vụ chính trị trong lĩnh vực chính sách môi trường.

Ý niệm khế ước xã hội hữu ích vì hai mục đích: lý thuyết này nói cho chúng ta biết những gì chính phủ có thể hợp pháp thực hiện cho các công dân của mình (những giới hạn về quyền lực chính phủ), đồng thời nó còn cho chúng ta biết những gì các công dân mong muốn đóng góp cho cộng đồng chính trị của mình (trong phạm vi nghĩa vụ công dân)

Trong lý thuyết khế ước xã hội, việc bảo vệ quyền của mỗi công dân là lý do chính đáng và hợp pháp duy nhất để chính phủ có thể hạn chế tự do của chúng ta. Đấy là việc sử dụng duy nhất quyền lực chính phủ mà những người có lý trí tự nguyện đồng thuận với nhau. Bởi vì mọi người có những quan điểm triết học, tôn giáo và đạo đức khác nhau, họ sẽ không đồng ý với một chính phủ đang nỗ lực làm cho chúng ta ngày một ngoan đạo hoặc đạo đức hơn, hay có quan điểm cụ thể về một cuộc sống tốt lành. Các lý thuyết gia khế ước xã hội cho rằng chúng ta muốn chính phủ chỉ tập trung vào việc bảo vệ các quyền căn bản của chúng ta, và để cho chúng ta tự do theo đuổi những quan điểm riêng của mình về một cuộc sống tốt đẹp. Tóm lại, lý thuyết khế ước xã hội là một lý thuyết về một chính phủ bị giới hạn.

Rõ ràng, lý thuyết này đặt ra cho chúng ta một thách đố nếu như chúng ta mong đợi chính phủ cố gắng làm cho chúng ta có tinh thần trách nhiệm hơn với môi trường. Lý thuyết tự do cho rằng chính phủ có thể cố gắng định hình những giá trị của công dân chỉ trong một mức độ hạn chế. Căn bản mà nói, chính phủ có thể khuyến khích công dân tôn trọng các quyền của nhau. Nhưng ngay khi chính phủ nỗ lực làm cho chúng ta trở nên “tốt” (ngoan đạo hơn, đạo đức hơn, hoặc nhạy bén hơn với môi trường), thì chính phủ lại mở ra thách đố về việc nó đang vượt quá những thẩm quyền hợp pháp của mình. Những chính phủ tự do được cho là vẫn giữ lập trường trung lập giữa các ý niệm khác nhau về một cuộc sống tốt lành. (Nhà lý luận chính trị Cary Coglianese đưa ra một thảo luận rất hay về cách thức mà khái niệm trung lập tự do này tác động lên các chính sách môi trường, trong tác phẩm “Hàm ý của tính Trung lập Tự do đối với các chính sách môi trường”).

Lý thuyết khế ước xã hội cũng cho chúng ta biết các công dân chỉ có những nghĩa vụ giới hạn đối với chính phủ. Công dân phải tuân theo luật pháp, nhưng chỉ khi luật pháp ấy còn hợp lý và không vượt quá phạm vi hợp pháp trong quyền lực của chính phủ. Nếu như chính phủ cố gắng xâm phạm quyền của công dân mà không có lý do chính đáng, chúng ta được phép – thậm chí là được mong đợi – để kháng cự lại.

Thật sự, việc đặt ra những giới hạn liên quan đến những điều mà chính phủ có thể đòi hỏi chúng ta thì rất quan trọng đối với chính sách môi trường, như chúng ta sẽ thấy ở dưới đây. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể vận dụng lý thuyết khế ước xã hội để suy tư về cách thức mà một công dân riêng lẻ, như bà Judy K., nên cư xử với những công dân khác trong cộng đồng của mình. Có lẽ thay vì đơn thuần nghĩ về bà như một thương gia cố gắng tạo ra lợi nhuận, ta nên nghĩ rằng bà mong muốn những người mướn đất của bà cảm thấy họ là một phần của một cộng đồng đáng chọn lựa – nghĩa là, một cộng đồng mà họ được tôn trọng và có giá trị, một cộng đồng gắn kết với nhau bằng một khế ước xã hội. Đó là lý do bà quan tâm đến công bình. Công bằng với người khác là một trong những phương thức căn bản để chúng ta thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau.

Lý thuyết khế ước xã hội rất hữu ích để suy nghĩ thấu đáo những câu hỏi căn bản về công bình. Nhưng lưu ý rằng ý niệm về khế ước xã hội, tương tự như ý niệm về cộng đồng đạo đức, gặp phải vấn đề về phạm vi. Về mặt không gian và thời gian, khế ước xã hội sẽ có biên độ tới đâu? Bà Judy K. có nên tính cả những người hàng xóm của bà vào trong khế ước xã hội không? Còn thế hệ tương lai cũng như quá khứ thì thế nào? Vì những tác động của môi trường thường vượt ra ngoài phạm vi cộng đồng xã hội hiện tại (và có thể kéo dài hàng thế kỷ), những nhà hoạt động môi trường được thôi thúc nới rộng khế ước xã hội đến bất kỳ đối tượng nào (kể cả tự nhiên) có thể chịu ảnh hưởng bởi một quyết định về chính sách môi trường. Tuy nhiên, việc nới rộng khế ước xã hội đồng nghĩa với việc nới rộng phạm vi hoạt động của chính phủ – điều này có thể xung khắc với lý tưởng tự do về một chính phủ bị giới hạn. Chúng ta sẽ quay lại với quan điểm đó ở phía dưới khi thảo luận về nghĩa vụ của chính quyền đối với môi trường. Nhưng trước tiên, chúng ta sẽ cân nhắc một câu hỏi quan trọng mà lý thuyết khế ước xã hội nêu lên: Chúng ta có quyền có một môi trường trong sạch và lành mạnh không?

Ý niệm về nhân quyền dựa trên quan điểm cho rằng tất cả mọi người đề có phẩm giá bình đẳng. Nhân quyền là những quyền phải được tôn trọng nếu người nào đó muốn sống một cuộc sống có phẩm giá căn bản. Nhiều khoản luật nhân quyền cho chúng ta biết chính phủ không được làm những gì đối với người dân: Ví dụ, không được trừng phạt công dân khi chưa tiến hành những thủ tục tố tụng cũng như một phiên xét xử công tâm; không được cấm tự do ngôn luận, hoặc là bảo mọi người phải tôn thờ vị thần linh nào, hoặc ép buộc họ dựng vợ gả chồng. Đôi khi, những quyền này được gọi là quyền phủ định vì chúng nhằm hạn chế hành động của chính phủ. Việc nổi lên của nhà nước phúc lợi ở thế kỷ 20 đã khiến một số người yêu cầu phải có thêm những quyền khẳng định: quyền đòi chính phủ phải cung ứng trực tiếp các tài sản xã hội hoặc ít là đảm bảo mọi công dân có quyền tiếp cận tài sản ấy (ngang qua các thị trường quản lý chặt chẽ và một hệ thống kinh tế vận hành tốt). Những quyền khẳng định này có thể bao gồm quyền có thực phẩm, nhà cửa, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, và việc làm.

Thậm chí gần đây, một số nhà hoạt động môi trường đã tuyên bố rằng có các quyền con người về môi trường. Họ lập luận rằng chính phủ nên đảm bảo cho mọi người dân có thể tiếp cận với một môi trường an toàn và lành mạnh, cũng như tiếp cận các tài nguyên thiên nhiên (như nước) cần thiết cho đời sống con người. Các quyền con người về môi trường được bao hàm trong quyền sống căn bản của con người. Vì xét cho cùng, làm sao chúng ta có thể sống mà không có một môi trường lành mạnh?

Quyền con người về môi trường là những quyền khẳng định, hoặc là những quyền phải được chính phủ cung ứng các tài sản xã hội. Những người phản đối khái niệm các quyền môi trường cho rằng không phải là ý hay khi xem các nguồn lực của chính phủ như là quyền cơ bản của con người. Trong khi một quyền phủ định (như quyền tự do không bị bắt giữ một cách vô cớ) là một quyền lúc có lúc không, nhưng nước sạch lại là một quyền luôn luôn phải có ngày càng nhiều hơn nữa. Nhưng bao nhiêu nước là đủ và nước phải sạch đến mức nào? Và làm sao chúng ta có thể cân bằng giữa một bên là nhu cầu về một môi trường trong lành với một bên là những tài sản khác mà chúng ta muốn chính phủ phải cung ứng? Việc xem nước sạch hoặc không khí trong lành là một ‘quyền’ có thể được coi là một động thái bất hợp pháp trong một cuộc tranh luận chính trị – vì đã cố gắng nâng cán cân có lợi cho tiện ích mà bạn ưa thích hơn là các tiện ích quan trọng khác như giáo dục hoặc chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, các vụ kiện tụng trên các diễn đàn quốc tế đã có một vài thành quả trong việc giành được sự công nhận về nhân quyền liên hệ tới môi trường. Những vụ kiện tụng này đã giúp tạo sức ép lên các chính phủ để họ dồn nhiều nguồn lực hơn vào việc bảo vệ môi trường. Như vậy, khái niệm về nhân quyền liên hệ đến môi trường dường như có giá trị chính trị, ngay cả khi chúng còn bị đặt nghi vấn về mặt triết học.

[1] Nhà nước tự do gồm Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, hầu hết các nhà nước Âu Châu, và nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới chịu ảnh hưởng của thời kỳ Khai Sáng phương Tây.

(còn tiếp)

Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh

Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 15-16.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *