(Hình ảnh tử internet)

Đức Giáo Hoàng là người đứng đầu hữu hình của Giáo hội Công giáo vì ngài được coi là vị Đại diện của Đức Kitô. Vị Đại diện có phần nào tương tự như một đại sứ. Đại sứ được bổ nhiệm bởi nhà vua, tổng thống hoặc thủ tướng của một quốc gia, để đại diện cho nguyên thủ quốc gia ở một quốc gia khác. Đức Giáo Hoàng là đại sứ hoặc Đại diện của Đức Kitô vì ngài thay mặt cho Chúa Giêsu trước toàn thể tín hữu trên mặt đất này. Ngài đã được Đức Kitô ban cho quyền hành để hành động nhân danh Đức Kitô và trong chính bản thân Đức Kitô.

Thần học Công giáo dạy rằng sứ mạng của Chúa Giêsu có ba khía cạnh: ngôn sứ (dạy dỗ), tư tế (thánh hóa) và vương đế (cai quản, cai trị hoặc trông nom săn sóc). Giáo hội Công giáo tiếp tục cùng một sứ mệnh ngôn sứ của Đức Kitô ngang qua thẩm quyền giảng dạy (gọi là huấn quyền, magister trong tiếng Latinh có nghĩa là thầy dạy). Giáo hội tiếp tục cùng một sứ mạng tư tế qua bảy bí tích, và cùng một sứ mệnh vương đế qua hệ thống phẩm trật (Đức Giáo Hoàng, Giám mục và linh mục).

          Với tư cách là Đại diện của Đức Kitô, Đức Giáo Hoàng có quyền trọn vẹn, tối cao, trực tiếp và phổ quát để điều hành Giáo hội. Điều này có nghĩa là ngài có thể thiết lập hoặc giải thể các giáo phận; bổ nhiệm hoặc phế truất các Giám mục; chỉ định các Hồng y; và thiết lập, bãi bỏ hoặc diễn giải Giáo luật. Ngài không thể thiết lập, thay đổi hoặc bãi bỏ một chấm một phẩy nào trong Luật Thiên Chúa (như Mười Điều Răn) hoặc Luật Luân lý Tự nhiên (như sự vô luân của việc phá thai hoặc chết êm dịu); tuy nhiên với bất kỳ điều khoản nào trong Luật Giáo hội (tức là do con người tạo ra), ngài có tiếng nói và quyết định cuối cùng. Không có kháng nghị nào vượt lên trên thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng, vì ngài được coi là Đại diện của Đức Kitô trên mặt đất này.

Ngoài việc là Đại diện của Đức Kitô, Đức Giáo Hoàng đồng thời cũng là Giám mục Rôma. Vị Giáo Hoàng đầu tiên (Giám mục đầu tiên của Rôma) là Thánh Phêrô. Ngài đã tử vì đạo tại Rôma dưới thời hoàng đế Nero vào khoảng năm 64 s.C.N. Nếu Thánh Phêrô ở lại Giêrusalem trong suốt cuộc đời, thì ngày nay Giám mục hoặc Thượng phụ của Giêrusalem có lẽ đã là Giáo Hoàng. Thánh Phêrô đã rao giảng và phục vụ cộng đoàn Kitô hữu ở Rôma. Thi hài của ngài được chôn ngay dưới bàn thờ của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô tại Rôma, vốn là nhà thờ nơi các Đức Giáo Hoàng thường cử hành Thánh Lễ nhất. Sau khi Thánh Phêrô qua đời, người kế vị của ngài, Linus, lên làm Giám mục Rôma. Người kế vị tiếp sau đó là Cletus và Clement, v.v. Kể từ Thánh Phêrô, đã có 266 vị Giáo Hoàng, với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là người hiện tại (điều này cũng khiến ngài trở thành người kế vị thứ 265 của Thánh Phêrô).

Chúa Giêsu nói: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.(Matthêu 16:17-19). Khi đọc đoạn này trong bản tiếng Hy Lạp ta có thể hiểu rõ hơn, vì tên “Phêrô” trong tiếng Hy Lạp là Petros, và từ Hy Lạp cho “tảng đá” (rock) là petra. Do đó, Phêrô có nghĩa là “tảng đá”.

Với người Công giáo, Matthêu 16 có nghĩa là Thánh Phêrô và những người kế vị (các Giáo Hoàng) có toàn quyền giảng dạy (bất khả ngộ), cai quản (quyền tối thượng của Giáo Hoàng) và chủ trì mọi cử hành của phụng vụ thánh. Mỗi đấng kế vị Thánh Phêrô đều có được những quyền này ngay khi trở thành Giáo Hoàng.

Khi cuộc bách hại kéo dài ba trăm năm của Đế chế La mã dành cho các Kitô hữu được kết thúc bằng Chiếu chỉ Milan vào năm 313 bởi Hoàng đế Constantine, Giám mục Rôma đã trở thành một nhân vật nổi bật. Ngài, cùng với các Thượng phụ của Giêrusalem, Antiokia, Alexandria, và Constantinople, được trao danh hiệu cao nhất trong số các Giám mục. Khi đế chế phương Tây rơi vào tay người Barbarian vào năm 476 s.C.N, chỉ có Giáo hội là còn nguyên vẹn. Luật pháp, chính quyền và văn hóa La mã sụp đổ, nhưng chính Giám mục Rôma vẫn giữ được sự tôn trọng, danh dự và thẩm quyền, ngay cả sau khi Hoàng đế phương Tây thoái vị. Đức Giáo Hoàng Lêô Cả (I) đã thuyết phục vị vua hung dữ và tàn bạo Attila, vua Hung Nô, không nên cướp phá thành Rôma vào năm 452; và ngài đã thành công mà không cần bất kỳ quân đội hay vũ khí gì. Đây là một dấu hiệu rõ ràng về sự tôn trọng và thẩm quyền dành cho Giám mục Rôma vào thời điểm đó.

Các Giáo Hoàng đã gia tăng quyền lực và uy tín theo thời gian khi ngày càng có nhiều người Barbarian xâm chiếm châu Âu, định cư và bắt đầu thành lập các vương quốc và lãnh địa của riêng họ. Mặt khác, Thượng phụ (Giám mục) của Constantinople, mặc dù nổi bật và quan trọng, nhưng không bao giờ có quyền lực hơn hoàng đế phương Đông Byzantine đương thời, kể từ khi Hoàng đế tại vị cho đến tận thế kỷ XV, tức là khi Hoàng đế Constantine bị phế truất bởi người Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi giáo Ottoman vào năm 1453. Khi Đức Giáo Hoàng Lêô III lần đầu tiên phong Charlemagne làm Hoàng đế của Đế chê Rôma Thần Thánh vào năm 800 s.C.N, điều đó đã làm gia tăng uy tín chính trị và ảnh hưởng của Giáo Hoàng, bởi vì nhiều Giáo Hoàng tiếp theo đó đã nhắc nhở các hoàng đế và các vua chúa rằng quyền lực tạm thời (hoặc thế tục) của họ là phụ thuộc vào Giáo hội để được xức dầu phong vương. Nếu những nhà cai trị bị vạ tuyệt thông, họ sẽ không còn được bề dưới trung thành hay vâng phục nữa; do đó, nhiều nhà cầm quyền thế tục ở Tây Âu không có lựa chọn nào khác ngoài việc tôn trọng vị thế của Đức Giáo Hoàng.

Sau khi các Lãnh địa Giáo Hoàng (những khu vực mà Đức Giáo Hoàng là người cai trị thế tục và tạm thời) bị chiếm và trở thành quốc gia Ý thống nhất dưới thời Vua Victor Emmanuel vào năm 1870, Đức Giáo Hoàng thôi không còn nắm giữ quyền hành thế tục quan trọng nữa. Ngay cả sau Hiệp ước Lateran năm 1929, theo đó Thành phố Vatican được công nhận là một quốc gia có chủ quyền, độc lập (quốc gia nhỏ nhất trên thế giới), thẩm quyền thiêng liêng của Giáo Hoàng vẫn chưa bao giờ suy giảm trong Giáo hội Công giáo.

Công đồng Vaticanô I (1869-1870) xác định tín điều về ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng, nhưng Công đồng Vaticanô II (1962-1965) cũng tuyên bố rằng thẩm quyền giảng dạy của Đức Giáo Hoàng, ngay cả khi không phải là bất khả ngộ, cũng đòi hỏi mọi tín hữu phải lấy ý chí và lý trí mà kính cẩn tuân phục. (Lumen Gentium # 25; CIC # 749-750; CCC # 891-892).

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007). 375-376.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *