Công giáo tin vào sự cần thiết của Giáo hội. Giáo hội/nhà thờ (church) là một từ ngữ chúng ta sử dụng để chỉ về một tòa nhà nơi các Kitô hữu thờ phượng, nhưng Giáo hội cũng là công nghị quy tụ các tín hữu, xuất phát từ tiếng Hy Lạp ekklesia. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, Giáo hội là nơi các Kitô hữu cầu nguyện và đồng thời cũng là sự quy tụ thực sự (hội nghị, hội đồng, cộng đoàn) của mọi người lại với nhau, vì Chúa Giêsu đã nói “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”.

Chính Chúa Giêsu đã dùng từ “Giáo hội” trong Tin Mừng, đặc biệt là trong Matthêu 16 khi ngài nói với ông Simon Phêrô: “Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Người Công giáo tin rằng Giáo hội do Chúa Kitô thiết lập; do đó Giáo hội là của Chúa. Đó không phải là Giáo hội của Đức Giáo Hoàng, không phải Giáo hội của Giám mục và không phải là Giáo hội của linh mục. Thậm chí Giáo hội ấy cũng không phải là Giáo hội của mọi người. Nhưng đó là Giáo hội của Đức Kitô.

Mục đích chính của Giáo hội là tiếp tục công việc và sứ mạng của Đức Kitô. Chúa Giêsu là tư tế, ngôn sứ và vương đế đã thánh hóa, dạy dỗ và cai quản khi thực hiện công trình cứu chuộc và cứu rỗi nhân loại. Giáo hội của Ngài tiếp tục thực hiện bộ ba sứ mạng là thánh hóa, giảng dạy và cai quản. Giáo hội thánh hóa bằng cách cử hành bảy bí tích do chính Chúa Kitô thiết lập. Giáo hội giảng dạy thông qua huấn quyền của mình (thẩm quyền giảng dạy chính thức của Đức Giáo Hoàng và các Giám mục khi hợp nhất với ngài). Giáo hội cai quản và chăn dắt đoàn chiên thông qua phẩm trật, qua sự xuyên suốt của các lệnh truyền từ Đức Giáo Hoàng đến tận các cha sở.

Chúa Giêsu đã giao phó bảy bí tích cho Giáo hội để bảo vệ và trung tín cử hành. Đó là Giáo hội mà Chúa Giêsu đã giao phó mặc khải thánh, cả Thánh Kinh và Thánh Truyền. Mặc dù Giáo hội có một chiều kích thể chế vì cấu cơ bên ngoài (luật pháp, phong tục, ngôn ngữ, lãnh đạo), nhưng chiều kích thiêng liêng của Giáo hội bao giờ cũng là nhân tố chính yếu. Giáo hội thường được gọi là bí tích nguyên căn (primordial sacrament). Mặc dù không phải là một trong bảy bí tích, nhưng Giáo hội giống như một bí tích ở chỗ được Đức Kitô thiết lập và cũng thông ban ơn sủng (qua việc quản lý các bí tích).

Thánh Phaolô dùng hình ảnh loại suy của thân thể để mô tả Giáo hội. Chúa Giêsu là đầu; chúng ta là chi thể, như bàn tay, ngón tay, ngón chân, bàn chân, mắt, tai, phổi và tim là các chi thể trong một thân thể. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã giải thích rõ thêm bằng cách gọi Giáo hội là Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Một cơ thể thể lý bị giới hạn trong thời gian và không gian, nhưng một cơ thể thần thiêng sẽ trải dài từ quá khứ đến hiện tại để hướng tới tương lai. Tin Mừng Matthêu mô tả sự tái lâm và phán xét chung thẩm của Đức Kitô giống như mục tử tách biệt chiên với dê. “Chiên” ở bên phải và vào thiên đàng; “Dê” ở bên trái và bị kết án nơi hỏa ngục. Nhưng điều gì quyết định một người là chiên hay dê? Chúa Giêsu đòi hỏi điều rất căn bản: “Ta đói, các ngươi có cho ăn? Ta khát, các ngươi có cho uống? Ta là khách lạ, các ngươi có tiếp rước? Ta trần truồng, các ngươi có cho mặc? Ta đau yếu, các ngươi có thăm nom? Ta ngồi tù, các ngươi có đến thăm?” Thông điệp ở đây là bất cứ khi nào ta làm một điều tốt lành cho người khác, thì đó là làm cho chính Đức Kitô, vì tất cả các thành viên đều tạo nên một thân thể thần bí của Ngài, đó là Hội Thánh – đoàn dân Chúa được hợp nhất ngang qua phép rửa. Tương tự như vậy, nếu ta phớt lờ nhu cầu của bất kỳ ai, thì cũng là bỏ qua chính Đức Kitô.

Giáo hội trên trái đất này đôi khi còn được gọi là Giáo hội Lữ hành hoặc Giáo hội Chiến đấu. Người hành hương là những người đang đi trong một cuộc hành trình; trong lĩnh vực thiêng liêng, điều này có nghĩa là các thành viên của Giáo hội đang trong một cuộc hành trình từ thế giới này sang thế giới bên kia. Từ “chiến đấu” trong “Giáo hội Chiến đấu” không có nghĩa là Giáo hội thù địch với những người không phải là thành viên của mình; Giáo hội không gây chiến giữa Công giáo và Tin Lành, hoặc Kitô giáo với Do Thái hoặc Hồi giáo. Giáo hội Chiến đấu ở chỗ Giáo hội đang chiến đấu với tội lỗi và Satan. Phân biệt chủng tộc, niền tin cực đoan, khủng bố, bóc lột phụ nữ và trẻ em, văn hóa khiêu dâm, phá thai, chết êm dịu, dâm loạn, ham mê dâm dục, tham lam, nóng giận và tội lỗi dưới mọi hình thức là những kẻ thù của Giáo hội; vũ khí trong cuộc chiến chống lại tội lỗi này là sự thật, ơn sủng, lòng thương xót và công bình.

Thuật ngữ Giáo hội Đau khổ dùng để chỉ các thành viên của Giáo hội đã qua đời đang ở trong luyện ngục, chờ đợi vinh quang của thiên đàng. Giáo hội Vinh thắng là tất cả các thánh và Thiên thần hiện đang ở trên thiên đàng. Do đó, Giáo hội Công giáo coi mình là cần thiết để cứu các linh hồn vì Giáo hội là người chăm sóc và bảo vệ sự toàn vẹn của ơn sủng (cả bảy bí tích) và sự tròn đầy của chân lý (mặc khải thánh ngang qua cả Thánh Kinh và Thánh Truyền). Giáo hội không chỉ là một tổ chức hay hiệp hội. Giáo hội là một cộng đoàn cơ hữu bao gồm những hữu thể mà chúng ta gọi là con cái Thiên Chúa.

Mẹ Giáo hội là hình ảnh của người mẹ đến từ lãnh vực tự nhiên được phản chiếu trong siêu nhiên. Những người mẹ thể lý của chúng ta đã sinh ra chúng ta; Mẹ Giáo hội cho con cái mình được sinh ra lần thứ hai qua phép rửa. Mẹ chúng ta đã nuôi dưỡng ta từ bầu sữa ngọt ngào; Mẹ Giáo hội nuôi dưỡng ta bằng bánh bởi trời, Thánh Thể (Mình và Máu Đức Kitô). Mẹ lo toan chạy chữa khi chúng ta bị bệnh; Mẹ Giáo hội chữa lành chúng ta bằng bí tích xức dầu. Mẹ dạy dỗ chúng ta; Mẹ Giáo hội cũng giáo huấn ta bằng huấn quyền của mình. Mẹ sửa phạt ta; Mẹ Giáo hội đặt ra các quy tắc và luật lệ vì lợi ích của chúng ta. Đạo Công giáo xem “Giáo hội” vượt lên trên tòa nhà hay một tổ chức; Giáo hội là sứ mạng sống, giảng dạy, thánh hóa và chăm sóc của Đức Kitô được tiếp tục qua mọi thời đại. Là một thành viên trong Giáo hội, chắc chắn sẽ có những đặc quyền cũng như nghĩa vụ phải thực thi.

Một hình ảnh loại suy hữu ích cuối cùng là nghĩ về Giáo hội như con tàu đang giương buồm đi về bến thiên đàng với Đức Giáo Hoàng là thuyền trưởng, và thủy thủ đoàn là những người đã được rửa tội. Bạn có thể bơi về bến một mình, nhưng cách dễ dàng và tốt hơn rất nhiều là hãy ở trên thuyền, và giúp đỡ lẫn nhau.

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007). 374-375.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *