HỌC VIỆN THÁNH GIUSE – DÒNG TÊN VIỆT NAM

Vén mở khuôn mặt của “Kẻ Sáng Tạo” đầy nguy hiểm
dưới cái nhìn hiện tượng luận hiện sinh của Jean Paul Sartre

Bộ môn: Siêu hình học
Giáo sư hướng dẫn: Fr. Giuse Vũ Uyên Thi, S.J.

Học viên thực hiện
Đaminh Têrêxa Lê Bảo Lộc, S.J.
Email: [email protected]

Tháng 09 năm 2021

Tóm tắt: Jean Paul Sartre nhìn hiện hữu bằng một cái nhìn bi quan và ông cho rằng mọi sự đều phi lý. Vốn dĩ con người phải tự đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống của riêng mình, nhưng rồi vì Sartre đã thấy rõ, tự trong bản chất, hiện hữu đã mang lấy khả thể tính của hư vô, nên ông cho rằng chẳng có ý nghĩa nào con người có thể cầm nắm được trong hành trình tìm kiếm ấy. Ông đã trình ra những quan niệm đầy bi quan của mình về hiện hữu, cụ thể là hiện hữu của con người, để rồi từ đó ông cho thấy chính con người là kẻ đi tìm kiếm ý nghĩa, lại chính là kẻ đi “hư vô hóa” mọi ý nghĩa một cách đầy “sáng tạo.”

Dẫn nhập

Jean Paul Sartre là một triết gia hiện sinh, nhưng có lẽ ông được coi là triết gia hiện sinh chính danh hơn so với những người đi trước ông. Điều đó được tỏ lộ ngang qua những quan niệm của ông về hiện hữu của con người trong quá trình tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Trong quá trình này, khi khám phá ra bản chất thực sự của hiện hữu, ông cũng đã “mở nắp một cái giếng không đáy” nơi hữu thể con người, để rồi phải “buồn nôn” vì thấy được bóng dáng của “Kẻ Sáng Tạo” phóng túng vì tự do và đầy nguy hiểm. Bài viết này sẽ bắt đầu từ những quan niệm chính yếu của Sartre như: quan niệm về hiện hữu và hư vô, đến nhãn quan về các loại hữu thể và tương quan giữa chúng, và cuối cùng vén mở hình ảnh của “Kẻ Sáng Tạo” này; ngang qua đó người viết hy vọng trình bày phần nào đó về triết học phi lý mà ông đã triển khai.

Nhãn quan của Sartre về hiện hữu

Mối quan tâm của một số triết gia đương thời được đặt để vào những khái niệm của hữu hay hữu thể. Heidegger đã “chăm chú” vào Dasein. Trong khi đó, Husserl đưa ra quan niệm của mình về tương quan giữa ý thức và hiện tượng, và cho rằng “mọi hiện hữu đều hiện diện cho ý thức”. Còn đối với Karl Jaspers, tồn tại là đối tượng nghiên cứu của triết học, bởi vì tồn tại là nguồn mà từ đó sự suy nghĩ và hành động của con người phát sinh. Tuy nhiên, ở nơi Sartre, tư tưởng có tính hiện sinh đặc biệt hơn về tồn tại lại ở câu nói của ông “tồn tại có trước bản chất”[1] khi ông đặt toàn bộ mối bận tâm vào con người và ý nghĩa của con người trong cuộc sống này.

Một cách cụ thể, câu nói đó có nghĩa là sự hiện hữu của con người có trước và việc con người trở nên như thế nào sẽ tùy thuộc vào hành động, ở đó bản chất của con người được định nghĩa. Ví dụ, người ta chỉ biết được bản chất của một người bạn mới khi thấy được cách anh ta hành xử ngang qua những lần tiếp xúc. Như thế, Sartre đã đi ngược hẳn lại so với truyền thống trong quan niệm về hiện hữu và bản chất con người khi trong truyền thống, đặc biệt đối với các triết gia kinh viện, “bản chất và hiện hữu là hai nguyên lý cấu tạo của thực tại.” Có lẽ, sự khác biệt dường như phát xuất từ việc Sartre và các triết gia đó có những mối bận tâm khác nhau. Trong khi các triết gia truyền thống đã chỉ hình dung những gì trừu tượng để đưa ra hệ thống triết học siêu hình của riêng từng người, Sartre lại nhìn thẳng về con người để “giải cấu” ý nghĩa cuộc sống của con người. Tuy nhiên, Sartre đã làm khác đi chủ yếu là vì ông nhấn mạnh đến việc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống con người. Vì thế, mọi hiện tượng đối với ông đều có tính hiện sinh, và ông xây dựng nhãn quan về thực tại của mình một cách đơn giản trên “những gì đang có đây” theo như ông quả quyết “tôi đang hiện hữu, thế giới đang hiện hữu – và tôi biết thế giới đang hiện hữu, chỉ vậy thôi.”[2] Điều quan trọng là, “tồn tại có trước bản chất” mà Sartre đã khẳng định đã dẫn tới những cơ sở cho những quan niệm về thực tại của ông.

Trong khi các triết gia truyền thống đã đề cập đến Nguyên Nhân Tối Hậu như là Động Cơ Đầu Tiên cho mọi hiện hữu, thì Sartre, vì đã phủ nhận sự tồn tại của Thiên Chúa, đã cho thấy sự hiện hữu thực chất không do tác nhân nào làm nên, hay không có nguyên nhân hoặc động cơ nào thúc đẩy; đây chính là cơ sở đầu tiên. Do đó, khi ông nói “Thiên Chúa chẳng hề thực hữu,”[3] ông cũng đã đồng thời quả quyết rằng một con người “trồi lên trong thế giới ban đầu không có mục tiêu hoặc các giá trị được xác định trước, rồi trong quá trình tồn tại của mình, anh ta được xác định bởi các hành vi của mình, những hành vi mà anh ta hoàn toàn chịu trách nhiệm và điều đó làm thay đổi bản chất của anh ta; khi anh ta chết bản chất của anh ta bị im lìm.”[4] Như thế, việc phủ nhận một cách triệt để sự thực hữu của Thiên Chúa đã cho thấy trong cái nhìn của Sartre, con người là một hữu thể “cô đơn” trong thế giới này, hay như trong quan niệm của Heidegger, mà Sartre đã đồng thuận, “con người là con-người-trong-thế-giới.”[5] Điều đó có nghĩa là con người luôn có mối liên hệ đến những thực tại xung quanh mình, nhưng rốt cuộc rồi lại chỉ “còn ta với ta,” bởi vì mọi thứ đều vô nghĩa, mà còn đáng buồn hơn khi “nhìn về ta”, “ta” lại thấy mình dư thừa.[6]

Về cơ sở thứ hai, khi đã phủ nhận sự thực hữu của Thiên Chúa, Sartre đã cho thấy con người và sự vật hoàn toàn “bị quăng ra đó” mặc cho tính ngẫu nhiên “contingence” đưa đẩy.[7] Bởi vì không có Thiên Chúa, nên cũng chẳng lấy đâu ra nguyên lý hay động cơ nào để tiền định cho số phận con người. Vì thế, con người phải tự đi tìm cho mình cái động cơ, cái nguyên lý riêng để xây dựng ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Tuy nhiên, vì phải “bước đi theo sự tình cờ,”[8] con người phải đối diện với một thực tế không mong đợi; đó là, tính ngẫu nhiên này là một sự phi lý tột cùng, bởi vì nó chính là nguyên nhân của mọi “cuộc đẩy đưa” vô mục đích dẫn đến sự “dư thừa” và gây ra cơn “buồn nôn” khủng khiếp cho cho con người.

Mặt khác, vì không có Thiên Chúa và “bị quăng ra đó”, nên con người chẳng có gì để quy chiếu cho những hành vi của mình, chẳng có luật luân lý phổ quát, và cũng chẳng có sự thiện nào phổ quát nào. Đó là lý do tại sao con người phải tự chịu trách nhiệm về bản thân và về thế giới, và đó là lý do tại sao Sartre cho rằng con người là tự do, và với sự đồng thuận của ông dành cho nhận định “Thiên Chúa không tồn tại, mọi sự đều được phép” của Dostoevsky[9], con người trở nên phóng túng, nghĩa là, muốn làm gì thì làm. Và vì muốn làm gì thì làm, nên con người muốn mình trở thành Thiên Chúa; Sartre đã khẳng định điều đó khi ông nói: “làm con người chính là muốn làm Thiên Chúa.”[10] Như thế, con người cầm nắm trong chính hiện hữu của mình “quyền năng của “Đấng Sáng Tạo” có được từ sự tự do tuyệt đối. Tuy nhiên, “Đấng sáng tạo” này lại là kẻ “hư vô hóa” mọi sự bởi “hoạt động sáng tạo” của mình, và con người không tránh khỏi sở hữu sự tự do để “hư vô hóa” ấy. Do đó, Sartre “đau đớn” thốt lên rằng “con người bị kết án là tự do .”[11] Đó chính là cơ sở thứ ba được rút ra từ quan niệm về tồn tại của ông.

Như vậy, nhãn quan hiện sinh của Sartre được xây dựng trên một tiền đề mang tính quyết định “tồn tại có trước bản chất” đã dẫn đến việc hình thành những cơ sở cho ông triển khai, dưới khía cạnh hiện tượng luận hiện sinh, quan niệm về mọi thực tại, ngang qua đó ông thấy được kết quả cho hành trình tìm kiếm ý nghĩa đầy cam go của con người những sự thật ẩn sâu bên trong hiện hữu. Trước hết có thể nói đó là thấy được khả thể tính của hư vô (le néant).

Hư vô thường trực trên hữu thể

Trong khi các triết gia đi trước ông quan niệm hư vô là một thứ tối thượng, là một vũ trụ tiêu cực, là bản chất của sự vật, Sartre lại trình bày một “Bản thể học đen tối” và đã đồng hóa triết học về hư vô với biện chứng pháp. Sự hư vô không có nhưng nó tạo nên trong sự khuyết phạp (défection), nó luôn là một cái gì muốn phá bỏ cái đã được toàn bị hóa hoặc những gì chưa được toàn bị hóa.[12] Trong tác phẩm L’être et le néant, trước khi đi vào trình bày một cách chi tiết về hữu thể, Sartre đã nói đến hư vô (le néant). Đối với Sartre, tương quan giữa con người với thế giới đó là tương quan được khai mào bằng việc “đặt câu hỏi”. Từ việc “đặt câu hỏi” đến việc tìm câu trả lời cho “câu hỏi”, Sartre đã cho thấy hư vô xuất phát từ đâu.

Về việc đặt câu hỏi cho hữu thể, Sartre đã mong chờ một tương quan tốt đẹp nơi hữu thể để mong thấy được ý nghĩa nào đó, với điều kiện là hữu thể được hỏi (l’être-interrogé) đáp ứng được câu hỏi của con người là chủ thể hỏi (l’ être-interrogeant). Tuy nhiên, khi con người nhìn thấy hữu thể và đặt câu hỏi cho hữu thể, con người đã có “một sự thay đổi sự chú ý: tôi chờ đợi một câu trả lời từ hữu thể được hỏi”[13]; nghĩa là, ý hướng của tôi không còn dừng lại ở “cái có đó” mà hướng đến một “cái gì khác” mà con người bắt hữu thể phải tỏ lộ. Như thế, ngay từ thái độ đầu tiên của con người trong liên hệ với thế giới đã xuất hiện một “tham vọng” từ “việc hỏi.”

Nhưng, thực ra, hữu thể không tỏ lộ câu trả lời, nó chỉ “ở đó” để mặc cho ý hướng của chủ thể hỏi xuyên qua, bởi vì câu trả lời từ hữu thể chỉ có thể mang tính phủ định (négativité) cho mọi câu hỏi mà “chủ thể hỏi” đặt ra.[14] Hay nói đúng hơn, “câu trả lời này không phải là câu trả lời”, bởi vì như đã nói tương quan giữa chủ thể hỏihữu thể được hỏi mang tính phi lý, mà ở đây, nó chỉ được hiểu như một kết quả bất ngờ Sartre thấy được trong việc vạch trần tương quan phi lý này mà thôi. Tương quan phi lý này chính là việc câu trả lời chỉ đến từ “lòng tham không đáy” của con người; nghĩa là con người không bao giờ thỏa mãn nơi sự vật và cứ như thế mãi đến nỗi trong những trang cuối tác phẩm Sartre viết: “con người là đam mê vô ích.”[15]

Rõ ràng, đứng trước sự vật với thái độ tra vấn, con người đã tỏ ra phi lý nơi khát vọng của mình. Đó là lý do tại sao Sartre nói rằng “chúng ta bị phủ lấy bởi hư vô. Chính khả thể tính thường trực của vô thể, ở ngoài chúng ta và ở trong chúng ta, đòi buộc chúng ta ra những câu hỏi cho hữu thể.”[16] Như thế “một thành tố mới của thực tại vừa xuất hiện cho chúng ta: vô thể.”[17] Hơn nữa, đối với Sartre, hoạt động của hư vô chỉ có thể được thực hiện trên hữu thể. Vì thế, sự hiện hữu luôn luôn tìm ẩn sự hư vô hóa vốn làm cho con người phải thốt lên “tôi sợ hiện hữu.”[18]

Sartre “giải cấu” hữu thể con người (l’être-pour-soi)

Khi đã nhận ra được sự phi lý, nghĩa là khả thể tính của hư vô, Sartre bắt đầu cho thấy một cách sâu sắc hơn tại sao hư vô lại trồi lên khi các hữu thể liên hệ với nhau. Có hai loại hữu thể: hữu-thể-tự-thân (l’être-en-soi) và hữu-thể-tự-quy (l’être-pour-soi). Hai hữu thể này liên hệ với nhau một cách “vô ích”, bởi vì trên thực tế, hữu thể vốn dĩ luôn trở thành nền hình (le fonde) cho hư vô trồi lên.[19] Nhưng, có lẽ Sartre đã quy trách nhiệm nặng nề (làm xuất hiện hư vô) cho hữu-thể-tự-quy – con người. Để thấy rõ điều đó, cần phải biết Sartre đã nói gì về hai loại hữu thể này và tương quan giữa chúng.

Đầu tiên về hữu-thể-tự-thân, tức là sự vật, Sartre chỉ đưa ra một nhận định bi quan. Ông cho rằng hữu thể thì tự thân, nghĩa là hữu thể không có tính thụ động hay chủ động vốn là những khái niệm dành cho con người để chỉ những thái độ của con người, và con người không thể khẳng định hay phủ nhận về nó.[20] Nói khác đi, “những vật thể xuất hiện để cho ta gặp gỡ chúng, nhưng chẳng bao giờ ta có thể suy diễn, diễn dịch chúng được.”[21] Tuy nhiên, sự vật theo như ông nói, ngang qua tác phẩm văn học của mình, là nhưng không, vô căn, vô cố toàn triệt, mọi sự đều dư thừa đến nỗi khiến ông phải “buồn nôn.” Hơn nữa đối với ông, mọi sự đều phi lý, “không do ai tạo thành, không có lý do, không có một tương quan với một hữu thể nào khác, hữu-thể-tự-thân là thừa đến muôn đời.”[22]

Còn về hữu-thể-tự-quy, tức là về con người, Sartre cho rằng con người cũng là hữu thể vốn dĩ là phi lý, nhưng không, vô căn, vô cố và dư thừa đến độ, ngang qua tác phẩm văn học Buồn Nôn của mình, ông nói: “tôi chính là cơn buồn nôn.”[23] Như vậy, sự phi lý nơi hữu-thể-tự-thân lại trở nên mâu thuẫn với ý tưởng của ông về việc chính con người làm nên bản chất cho chính mình hay không? Thực ra, tính phi lý chính là kết cục cho thao thức đi tìm ý nghĩa của cuộc sống của con người. Bởi vì ông quan niệm “con người là một đam mê vô ích”, nên việc đối mặt với phi lý là chuyện hiển nhiên và con người “kéo miệt cuộc đời bằng sự yếu đuối và chết một cách ngẫu nhiên.”[24]

Hơn nữa, Sartre nhận thấy được sự khác biệt giữa hữu-thể-tự-thân và hữu-thể-tự-quy chính là việc hữu-thể-tự-quy có ý thức, mà bản chất của ý thức là dự phóng.[25] Và đối với ông, con người, kẻ mà bị kết án là tự do, ý thức về mọi sự và phóng lên mọi sự những dự phóng của mình và gán cho chúng những ý nghĩa. Hơn nữa, Sartre lại đẩy tham vọng của con người lên tới đỉnh điểm khi nói rằng “con người chính là khát khao làm Thiên Chúa”, nghĩa là con người muốn làm “kẻ sáng tạo”. Điều đó có nghĩa là, con người ý thức về mọi sự và đặt dự phóng của mình lên mọi sự để gán cho chúng những ý nghĩa. Nhưng, vì con người đã là phi lý và “buồn nôn” rồi, nên rốt cuộc “công trình sáng tạo” của ý thức lại là chuyện phi lý; hay như Sartre nói đó chính là chuyện “hư vô hóa” của con người, ông kết luận cho kết cục đáng buồn này bằng câu nói “con người là kẻ mà bởi đó hư vô đi vào thế gian.”[26]

Như thế, với những gì đã được nói ở trên về những hữu-thể-trong-thế-giới và tương quan phi lý giữa chúng, Sartre nhận ra có hai mối đe dọa (menace) khủng khiếp, đó là sự tha hóa do cái nhìn của hữu-thể-tự-quy và sự hư vô hóa mọi thứ do “tham vọng” của nó.

Sự nguy hiểm của “Kẻ Sáng Tạo”

Với những quan niệm như thế về con người và về tương quan của con người với thế giới, Sartre đã cho thấy một “bản chất kép” nơi tính hiện sinh của con người được đặt dưới ý hướng tìm ra ý nghĩa của cuộc sống và sống thực là mình, điều đó được thể hiện qua cái nhìn (le regard). Một mặt, cái nhìn của con người, vốn được khởi phát từ động cơ to lớn ẩn tàng bên trong là chính “đam mê vô ích,” đã phóng lên mọi thực tại những ý nghĩa do chính “chủ thể nhìn” chờ đợi để sáng tạo một “thế giới đầy tính chủ quan”. Mặt khác, cái nhìn này, vì muốn lục lọi cho bằng được nơi mọi thực tại ấy những ý nghĩa mà mình mong đợi, đã chỉ đăm đăm cho mục tiêu duy nhất của mình để rồi mọi thứ bên cạnh đối tượng ấy bị coi là “dư thừa” như thể chúng toàn là những “vô thể” mập mờ, không quan trọng. Nhưng, với cái nhìn như thế, “Thiên Chúa” này sẽ nguy hiểm như thế nào?

Trước hết, như đã nói, với bản chất của ý thức là dự phóng, Sartre đã cho thấy con người không bao giờ được thỏa mãn trong cái nhìn của mình, bởi vì ông cho rằng “ý thức là điều nó không là và không là điều nó là,”[27] nghĩa là, ý thức, một trương lực (tension), luôn dự phóng hết đối tượng này đến đối tượng khác mà không bao giờ dừng lại để thỏa mãn trên một đối tượng bất kỳ đạt được, nó luôn “chuyển động” để vụt ra khỏi hiện tại mà trương phình ra trong tương lai với khát vọng (le desir) không bao giờ khỏa lấp được. Ví dụ, con người lúc nghèo khổ chỉ mong cho được cơm no, áo ấm; lúc khá hơn một chút lại mong được sống tiện nghi hơn; đến khi có đủ tiện nghi thì lại mong trường sinh bất tử. Như thế, Sartre đã thấy mình có lý khi cho rằng ý thức dường như đồng nghĩa với hư vô, con người nhìn sự vật mà đam mê một cách vô ích chính là hành vi “sáng tạo” có tính hư vô hóa (néantisé). Làm như thế, không những con người trở nên sa lầy trong những hữu thể đóng kín với ảo tưởng cố hữu là lấp đầy khoảng trống của ý thức, mà còn trở nên một kẻ tự đánh mất chính mình vì mãi chạy theo những gì không thể nắm bắt được, tựa hồ như cố gắng đổ nước vào cái thùng không đáy mà mong cho nó đầy.

Kế đến, cái nhìn của con người như một sự phá hủy triệt để sự hiện hữu của những thứ xung quanh đối tượng được hướng đến, mà thật ra đối tượng được hướng đến đó chỉ tạm thời hiện hữu ở đó, bởi vì dự phóng trong cái nhìn ấy cũng để lại nó đằng sau để vươn đến đối tượng khác mà thôi, và cứ như thế cho tới vô cùng. Chẳng hạn, Sartre đã cho thấy điều đó trong một tiểu tiết của tác phẩm Buồn nôn của mình:

“Khi tôi vào tiệm cà phê để tìm Pierre, tất cả sự vật trong tiệm, từ cô bán hàng duyên dáng cho đến những anh chàng quen thuộc đang ngồi uống hoặc đang chơi Bi-da, đều trở thành một cái nhìn vô định, giống như cái nền ảnh mà trên đó tôi đợi thấy hình ảnh của Pierre nổi bật lên.”[28]

Nhân vật trong tác phẩm (tôi) chỉ hướng đối đối tượng là Pierre mà thôi, những sự vật và con người đang hiện diện trong quán đã bị tôi “vô định hóa,” mọi thứ đều trở nên “dư thừa” vì chúng không phải là điều mà tôi hướng tới. Nhưng cho dù tôi có thấy được Pierre đi chăng nữa thì cái nhìn của tôi cũng mang đến một sự lo lắng khủng khiếp (l’angoisse). Nỗi kinh hoàng là là do nguy cơ bị tha hóa lớn lao mà tôi cảm thấy được, bởi vì khi tôi nhìn Pierre chính là lúc tôi dự phóng lên anh ta những ý nghĩa mà tôi mong chờ, khi ấy anh ta đã bị tôi tha hóa; và ngược lại, Pierre cũng là “một chủ thể nhìn” như tôi, dự phóng tôi, khi đó tôi trở thành kẻ bị nhìn cũng như từ việc là một hữu-thể-tự-quy trở thành một hữu-thể-tha-quy (l’être-pour-autrui), đó chính là lúc tôi bị tha hóa. Như vậy, cái nhìn của con người, rốt cuộc rồi, chỉ có tính hư vô hóa mà thôi. Có thể nói, con người chính là kẻ đi hư vô hóa mọi thứ kể cả chính bản thân con người như trong nhận định của Sartre đã được đề cập ở trên: “con người là kẻ mà hư vô đi vào thế gian.”

Tắt một lời, con người vốn dĩ muốn làm Thiên Chúa và là một hữu thể tự do có “lòng tham không đáy”, đã bị phán xét nơi chính mình quyền “sáng tạo” mọi thứ. Nhưng cái thế giới do một “Thiên Chúa phóng túng” như thế tác tạo sẽ trở nên ảm đạm biết chừng nào. Hơn nữa, lý tưởng đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời ngang qua hành động của con người hóa ra lại trở nên một thứ gì đó xa vời đầy tính ảo mộng, bởi vì “bàn tay” hành động ấy được mọc ra từ “vô thể,” để rồi mọi thực tại ngụp lặn mãi trong những dự phóng không nguôi của ý thức con người mà bị vô thể xé nát hiện hữu vốn cô đơn vì thiếu vắng bóng dáng của một Thiên Chúa đích thực.

Kết Luận

Nhãn quan hiện sinh của Sartre đã có vẻ như mang tích tích cực vì nó hướng đến ý nghĩa của cuộc sống con người. Nhưng rốt cuộc, sau việc “giải cấu” hiện hữu, ông nhận ra cuộc đời chỉ toàn là phi lý, và con-người-trong-thế-giới chỉ như là một hữu thể bị đưa đẩy một cách ngẫu nhiên để đi tới những tương quan cũng đầy phi lý. Trong những tương quan đó, con người như một “Thiên Chúa” đầy nguy hiểm hay là một “Kẻ Sáng Tạo” luôn luôn “sáng tạo” sự hư vô cho tất cả các thực tại mà con người ý thức về. Có lẽ trong cuộc sống đầy phi lý ấy, điều đẹp nhất của cuộc đời con người chính là tình yêu sẽ bị tra vấn nghiêm khắc rằng liệu có nên tin vào những gì Sartre quan niệm hay không, bởi vì nếu tin ông, thì bản chất của tình yêu sẽ ra sao? Rồi hai người yêu nhau sẽ “hư vô hóa” nhau có phải không? Tuy Sartre có đề cập tới tình yêu, nhưng khi đã biết quan niệm phi lý của ông về chủ thể và đối tượng của tình yêu (tôi một trong những tha nhân), có lẽ người ta chẳng dám đọc xem ông nói gì, bởi lẽ tình yêu là một thứ gì đó nếu như bị ông quan niệm một cách tiêu cực thì cuộc đời chẳng đáng sống đâu!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Alvira, Tomas. 2008. Siêu Hình Học. Translated by Đỗ Ngọc Bảo. Lưu Hành Nội Bộ.

Mounier, E. 1970. Những chủ đề triết hiện sinh. Translated by Thụ Nhân. Sài Gòn: Nhị Hùng.

Sartre, Jeal Paul. 1938. La Nausée. Paris: Gallimard.

Sartre, Jean Paul. 1960. Critique de la raison dialectique. Vol. I. Paris: Gallimard.

—. 1966. L’existentialisme est un humanisme. Paris: Nagel.

Sartre, Jeaul Paul. 1943. L’ être et le néant. Paris: Gallimard.


[1] Jean Paul Sartre, L’existentialisme est un humanisme (Paris: Nagel, 1966), 17.

[2] Jean Paul Sartre, La Nausée (Paris: Gallimard, 1938), 175.

[3] Cf. Jean Paul Sartre, Critique de la raison dialectique, Vol.I (Paris: Gallimard, 1960), 588.

[4] Cf. Jean Paul Sartre, L’existentialisme est un humanisme (Paris: Nagel, 1966), 89.

[5] Jean Paul Sartre, L’Être et le Néant (Paris: Gallimard, 1943), 53.

[6] Jean Paul Sartre, La Nausée (Paris: Gallimard, 1938), 183.

[7] Jean Paul Sartre, L’Être et le Néant (Paris: Gallimard, 1943), 641.

[8] Jean Paul Sartre, La Nausée (Paris: Gallimard, 1938), 106.

[9] Jean Paul Sartre, L’existentialisme est un humanisme (Paris: Nagel, 1966), 36.

[10] Jean Paul Sartre, L’Être et le Néant (Paris: Gallimard, 1943), 63.

[11] Jean Paul Sartre, L’Être et le Néant (Paris: Gallimard, 1943), 174.

[12] E. Mounier, Những chủ đề triết hiện sinh, trans. Thụ Nhân (Sài Gòn: Nhị Hùng, 1970), 197.

[13] Jean Paul Sartre, L’Être et le Néant (Paris: Gallimard, 1943), 39.

[14] Ibid.

[15] Jean Paul Sartre, L’Être et le Néant (Paris: Gallimard, 1943), 708.

[16] Ibid.

[17] Ibid., 40.

[18] Jean Paul Sartre, La Nausée (Paris: Gallimard, 1938), 225.

[19] Jean Paul Sartre, La Nausée (Paris: Gallimard, 1938), 50.

[20] Ibid., 32.

[21] Jean Paul Sartre, La Nausée (Paris: Gallimard, 1938), 187.

[22] Jean Paul Sartre, L’Être et le Néant (Paris: Gallimard, 1943), 34.

[23] Jean Paul Sartre, La Nausée (Paris: Gallimard, 1938), 187.

[24] Jean Paul Sartre, La Nausée (Paris: Gallimard, 1938), 189.

[25] Jean Paul Sartre, L’Être et le Néant (Paris: Gallimard, 1943), 201.

[26] Ibid., 56.

[27] Jean Paul Sartre, L’Être et le Néant (Paris: Gallimard, 1943), 111.

[28] Jean Paul Sartre, La Nausée (Paris: Gallimard, 1938), 44.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *