Nội dung:

5.1 Tương lai của khu đất Spring Lakes

5.2 Các thế hệ tương lai

5.3 Các thế hệ tương lai và chính sách công

5.3.1 Đạo đức học và việc chiết khấu cho chính sách khí hậu.

5.3.2 Kiểm soát dân số.

5.4 Trở lại với vấn đề tương lai của khu đất Spring Lakes

5.5. Phần đọc thêm

5.4 Trở lại với vấn đề tương lai của khu đất Spring Lakes

Cuộc thảo luận về các thế hệ tương lai có ý nghĩa gì đối với việc ra quyết định của một công dân bình thường như bà Judy K.? Một bài học quan trọng mà bà có thể rút ra là không nên quá tự tin cho rằng bản thân biết con cháu của mình sẽ muốn hoặc cần gì. Trên thực tế, có thể con cháu của bà sẽ quyết định không có con (một chọn lựa có lẽ bà nên ủng hộ), hoặc chúng sẽ quyết định sang lại khu đất Spring Lakes cho người khác. Những người chủ tương lai tiềm năng này có thể có những giá trị và quan tâm rất khác với bà Judy. Hẳn đây là một suy nghĩ khiến bà Judy khá bối rối: Bà ấy cảm thấy phải có những nghĩa vụ gì đối với những con người xa lạ này, những người mà bà chưa bao giờ gặp hay hình dung ra? Phải chăng sẽ rất ngu ngốc khi nghĩ rằng bà Judy có thể quản lý khu đất vì lợi ích của con cháu ở tương lai, trong khi bà chẳng biết những lợi ích mà con cháu thực sự mong muốn là gì?

          Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn không phải là không có hướng dẫn trong việc lên kế hoạch cho tương lai xa. Ít nhất, bà Judy có thể theo lời khuyên của Nicholas Stern và cố gắng quản lý khu đất Spring Lakes bằng cách vạch ra những hướng đi khác nhau cho tương lai. Ví dụ, bà có thể suy xét đến một kế hoạch tập trung vào việc bảo tồn hoặc khôi phục môi trường sống bản địa và nuôi dưỡng sự đa dạng sinh học so với một kế hoạch sẽ xây thêm nhiều nhà cửa và làm cho khu đất này sinh nhiều lợi tức hơn. Kế hoạch nào sẽ mở ra nhiều lựa chọn hơn cho các chủ sơ hữu tương lai của khu đất? Có lẽ bà sẽ kết luận rằng bà và con cháu của bà sẽ coi trọng việc bảo tồn và khôi phục sinh thái, nhưng đồng thời sẽ không ngăn cản các thế hệ tương lai sử dụng đất theo cách khác nếu họ cần. Hoặc bà có thể khám phá một số cơ hội mở rộng khu sinh sống theo cách thức không làm giảm sự đa dạng sinh học và sẽ củng cố cộng đồng sinh vật, nhưng cũng mang lại cho bà và gia đình nhiều nguồn lực hơn để chăm sóc khu đất tốt hơn. Ít nhất bà cố gắng chọn một lối đi mà các chủ sở hữu tương lai sẽ không thể hối tiếc.

          Một cách nghĩ khác về vấn đề bổn phận với các thế hệ tương lai là việc bà Judy K. đang nỗ lực để làm cho khu đất của bà có một lịch sử tốt đẹp. Nghĩa là, bà nhắm tới việc để lại cho các thế hệ tương lai một câu chuyện đẹp về những gì bà đã thực hiện và tại sao bà lại làm như thế. Chẳng có gì chắc chắn các thế hệ tương lai sẽ chia sẻ tất cả những giá trị của bà. Nhưng hành động cẩn trọng và quan tâm tận tình đến nhiều loài sinh vật, cũng như các lợi ích vốn tạo nên cộng đồng sinh học cho hiện tại, phải được tiến hành trên một chặng đường dài nhằm đảm bảo khu đất Spring Lakes trong tương lai có một lịch sử được yêu thương và chăm sóc.

5.5. Phần đọc thêm
Golding, M.: Obligations to future generations. Monist. 56(1), 88–95 (1972)
Stern, N.: The economics of climate change. In: Climate Ethics: Essential Readings. Oxford
University Press, Oxford (2010)
Parfit, D.: Reasons and Persons. Oxford University Press, Oxford (1984)
Vernon, R.: Justice Back and Forth. University of Toronto Press, Toronto (2016)

Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh

Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 65

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *