‘Thượng Đế đã chết!’ là một câu nói rất nổi tiếng nhưng cũng rất “khó nuốt” của triết gia hiện sinh Friedrich Nietzsche. Thoạt nghe qua, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng Nietzsche là người phá đổ tôn giáo. Nhưng sự thực có phải như vậy hay không?Tác giả bài viết nỗ lực đi tìm câu trả lời cho vấn nạn này qua việc giải thích các hạn từ của Nietzsche, trình bày và phân tích những phê bình tôn giáo của Nietzsche cũng như trình bày “tôn giáo mới” của Nietzsche. Qua những bước như thế, tác giả bài viết đi đến việc nhận định và đánh giá về tư tưởng tôn giáo của Nietzsche.

GIỚI THIỆU

Nhiều ý kiến cho rằng Friedrich Nietzsche là người đã phá đổ và triệt hạ hoàn toàn tôn giáo bằng những phê bình của ông. Nhưng cũng không ít người nhận ra nơi Nietzsche một con người trăn trở với tôn giáo, và ước vọng xây dựng một tôn giáo đúng nghĩa. Riêng Martin Heidegger khi bàn về Nietzsche thì cho rằng: “chúng ta chưa bao giờ đủ chín muồi, đủ trưởng thành để hiểu câu nói ‘Thượng Đế đã chết!’ của Nietzsche”. Một cách đọc vội vàng về Nietzsche dễ đưa đến những kết án bất công. Bài luận văn này là nỗ lực tìm hiểu về tư tưởng tôn giáo của Nietzsche, để qua đó thử xem Nietzsche đang phá đổ hay thực sự đang giúp ích cho việc xây dựng tôn giáo?

Để đạt được mục tiêu đặt ra, bài luận văn này sẽ được triển khai nội dung và suy tư theo những bước sau:

  • Giới thiệu về cuộc đời Nietzsche và bối cảnh chung của khoa học – xã hội – tôn giáo tây phương thế kỷ 19;
  • Dẫn nhập: giải thích các hạn từ chung của Nietzsche để có cái nhìn tổng quát hơn về phạm vi của bài viết;
  • Những phê bình tôn giáo của Nietzsche;
  • Nietzsche chủ trương xây dựng một “tôn giáo mới” qua: Ý Chí Hùng Cường, Siêu Nhân và Quy Hồi Vĩnh Cửu;
  • Một vài đánh giá sau cùng;
  • Kết luận.

NIETZSCHE & THỜI CUỘC

Friedrich Nietzsche (1844-1900) được mọi người nhìn nhận là triết gia hiện sinh vô thần. Ông được sinh ra và hun đúc đức tin trong một gia đình Tin Lành đạo hạnh có lòng yêu mến Chúa từ nhỏ. Về sau này, chính Nietzsche bị ảnh hưởng về tinh thần tự do linh hứng của Tin Lành. Tức là, chính tôi hiểu Kinh Thánh theo những gì Chúa nói với tôi chứ không theo một huấn quyền nào. Tuy nhiên, ông chính thức rời bỏ đức tin Kitô giáo trong thời gian học tập ở trường đại học. Có thể, đại học là cơ hội để ông tiếp xúc với nhiều tư tưởng lớn, khi mà không còn bị “khuôn đúc” bởi những giáo thuyết cục bộ, nhưng mở ra với những suy tư phóng thoáng hơn. Lúc bấy giờ, Nietzsche tìm đọc các tác phẩm của những nhà tư tưởng lớn như: Arthur Schopenhauer, Wagner, David Strauss, Friedrich Albert Lange… Cả cuộc đời lẫn tư tưởng của Nietzsche sau này phần lớn ảnh hưởng từ triết gia Schopenhauer. Đọc tư tưởng của Nietzsche, người ta dễ nhận thấy ông là người thô kệch và ít tình cảm, nhưng Nietzsche cũng từng trải qua giai đoạn yêu đương mùi mẫn, hay những cơn bệnh thập tử nhất sinh. Điều ấy cho thấy, trong khi mở ra với các tư tưởng mới, Nietzsche cũng phần nào sống nỗi day dứt của con người hiện sinh.

Kế đến, bối cảnh của khoa học, chính trị và tôn giáo thời đó là một trong những nguyên do chính đưa Nietzsche đến những phê bình tôn giáo. Thế kỷ 19 và trước đó đánh dấu sự phát triển của khoa học kĩ thuật. Theo đó là cuộc đối diện và cả đấu tranh của Kitô giáo và khoa học về vấn đề chân lý. Chính trị ghi nhận các cuộc đấu tranh của quân đội Pháp, Đức và đồng thời mộng bá quyền bị lan rộng. Đánh chú ý hơn cả là bối cảnh tôn giáo. Kitô giáo đối diện với chủ nghĩa tự do chính trị. Trước đây, thay vì thần quyền có vị thế trên thế quyền, thì bây giờ các quốc gia có âm mưu biến hàng Giáo phẩm thành công cụ của chính quyền[1]. Nhiều quốc gia tuyên bố Công Giáo không còn là quốc giáo. Thêm vào đó, Công Giáo không những bị tấn công bởi thần học Tin Lành, mà còn bởi nhiều lớp tri thức khi đề cập về đức tin và khoa học.

Cuộc đời Nietzsche và thế cuộc bấy giờ cho ta thấy có đủ lý do để Nietzsche đi đến phê bình tôn giáo. Tuy nhiên, trong khi đọc các tác phẩm của Nietzsche, người ta dấy lên nhiều hoài nghi tôn giáo mà Nietzsche phê bình. Có ý kiến nói rằng, Nietzsche, do ảnh hưởng của Schopenhauer, đứng về phía Phật giáo để chỉ trích Kitô giáo. Hoặc ý kiến khác nói, Thượng Đế của Nietzsche thật khó hiểu, làm sao ông có thể “khai tử” một Thượng Đế “bất tử” ? Những thắc mắc ấy nằm trong giải thích về một số hạn từ chính được sử dụng trong bài luận văn này.

DẪN NHẬP

Hầu hết trong các tác phẩm của Nietzsche ít nhiều đều thấy bóng dáng của tôn giáo, đặc biệt trong hai tác phẩm chính Zarathustra Đã Nói Như ThếKẻ Phản Kitô. Để có thể triển khai tư tưởng Nietzsche về tôn giáo trong bài luận này, trước hết phải hiểu và khoanh vùng phạm vi tôn giáo và Thượng Đế mà Nietzsche sẽ bàn tới.

Hạn từ “tôn giáo”(religion) hiểu theo Nietzsche

Song song với vấn đề luân lý (morality), thì tôn giáo là chủ đề chung nhất của Nietzsche. Theo tư tưởng của Nietzsche, tôn giáo là một thể chế, và cơ bản hơn là một phương thức của đời sống (mode of life). Nó hoặc là cùng tồn tại với loài người, hoặc là một ý đồ chính trị của các tầng lớp giáo sĩ lập ra để dành cho những mục đích riêng của họ[2]. Khi Nietzsche phê bình tôn giáo, ông thường nhắm đến: Kitô giáo, Do thái giáo, Ấn giáo hay Phật giáo… Trong số đó Nietzsche chủ yếu phê bình Kitô giáo.

Cốt tuỷ của Kitô giáo hay bất kì tôn giáo nào khác được đi qua ba chặng: mặc khải (thánh kinh và thánh truyền) – huấn quyền (cách tôn giáo hiểu về mặc khải) – thực hành (cách giáo hữu hiểu về huấn quyền). Hiểu đúng mới có cơ may thực hành đúng. Thí dụ như nhiều nhóm phần tử Hồi giáo trở nên cực đoan khởi đi từ việc hiểu sai kinh Koran. Chủ trương tự do đọc hiểu Kinh Thánh của Tin Lành dẫn đến nhiều trường phái khác nhau trong Hội Thánh. Tuy được huấn quyền hướng dẫn, Kitô giáo cũng không tránh khỏi những cách hiểu sai chân lý đức tin, dẫn đến thái quá trong lối sống đạo. Những phê bình của Nietzsche chỉ bắt đầu ở chặng cuối (phê bình lối sống), tức là chỉ tập trung vào lớp vỏ bên ngoài của Kitô giáo chứ chưa đi vào trong cốt tuỷ.

Hạn từ “Thượng Đế”[3] (God or gods) hiểu theo Nietzsche

Trong tư tưởng của mình, khi nói về tôn giáo, Nietzsche đề cập nhiều đến Thượng Đế. Ngoài ra, ông cũng liên hệ đến các thần minh khác của người Hy Lạp. Thượng Đế hay các thần minh đó đều là những đối tượng thờ phượng của tôn giáo, mà theo Nietzsche, nó chỉ là phóng chiếu của những nhu cầu của con người mà thôi[4]. Đối với các tôn giáo, cách riêng là Kitô giáo, đó là những nhu cầu yếu đau, bệnh tật, trả thù[5]. Nietzsche cho rằng, các tôn giáo suy tôn Thượng Đế là độc thần (monotheism) thì đáng nguy hiểm hơn cả. “Đức tin độc thần (như một Chúa duy nhất) là một tội ác chống lại cuộc sống”[6]. Có lẽ bởi vì độc thần thường dễ gắn liền với độc đoán hơn là đa thần.

Câu nói nổi tiếng của Nietzsche: “Thượng Đế đã chết” không có nghĩa rằng Nietzsche tin vào một Thượng Đế thực, người tồn tại đầu tiên và nay đã chết theo nghĩa đen, nhưng Thượng Đế không còn là nguồn gốc của vòng xoay ý nghĩa và luân lý. Con người trở nên những “người vô thần thực tiễn”, đức tin chỉ còn trên danh nghĩa, các thực hành niềm tin bị kéo ra khỏi đời sống hiện sinh. Nietzsche tin rằng, hầu hết người ta không nhận ra cái chết này ngoài cảm giác sợ hãi và lo lắng sâu thẳm chế ngự tâm hồn. Vì vậy, khi cái chết này được thừa nhận rộng rãi, con người sẽ thất vọng và chủ nghĩa Hư vô[7] sẽ lan tràn. Đây là lý do mà Nietzsche nhìn Kitô giáo như thực hành của hư vô chủ nghĩa.

Lý do Nietzsche phê bình tôn giáo

Là một triết gia quan tâm đến cái gì đó hiện sinh, Nietzsche lấy các giá trị hiện sinh làm nền tảng. Trái lại, Kitô giáo lấy những giá trị siêu việt (thuộc mặc khải đức tin) làm chuẩn mực cho đời sống con người. Cũng như các triết gia duy vật, với một giọng điệu hùng hồn, Nietzsche chỉ trích tôn giáo là nhu nhược, và là sản phẩm của con người bệnh tật, hèn yếu… vì không thể hưởng những giá trị đích thực của đời này, nên mới tạo ra những giá trị của đời sau.[8] Phê bình tôn giáo của Nietzsche khởi đi từ câu nói nổi tiếng: “Thượng Đế đã chết”. Sự ra đi của Thượng Đế đã làm sụp đổ các nền tảng của Kitô giáo. Đã đến lúc con người được quyền tháo bỏ những quan niệm niềm tin đè nén con người bấy lâu nay. Không ai có thể nhân danh bất cứ một cái gì đó không có mặt trên trần gian để phán quyết con người trừ chính bản thân con người. Với tư cách là “triết gia với cây búa tạ”[9] và mục đích “thúc đẩy nhân loại đi đến quyết định về tương lai”, Nietzsche đã lật đổ tất cả quan niệm của Kitô giáo về con người, vũ trụ và nhân sinh.

PHÊ BÌNH CỦA NIETZSCHE VỀ TÔN GIÁO

“Hãy trung thành với mặt đất”

Phần dẫn nhập đã cho thấy phần nào ý định của Nietzsche dành cho Kitô giáo. Vì ngay mở đầu tác phẩm Zarathustra Đã Nói Như Thế rất nổi tiếng của mình, Nietzsche cho thấy sứ mạng của mình (ngang qua nhà tiên tri Zarathustra) là đi thức tỉnh thời đại đang ngủ mê bởi các giáo lý mà ông cho là bệnh hoạn. Ông chỉ cho thấy cách thực hành đức tin đang kéo con người xa rời trách nhiệm với đời sống hiện sinh. Thế nên, nhiệm vụ của Zarathustra, trong khi rao giảng về Siêu Nhân thì đồng thời loại bỏ tất cả những thù nghịch và chướng ngại của nó. “Hãy trung thành với mặt đất[10] là lời van xin của Zarathustra dành cho những người đang ảo tưởng bởi những lời lẽ truyền dạy về những hy vọng lững lờ trên trời. Lời lẽ gay gắt của Zarathustra cho rằng, kẻ nào không trung thành với mặt đất là kẻ sống thừa, thà nó đừng sinh ra thì hơn. Cũng trong tác phẩm, Nietzsche triển khai phê bình Kitô giáo qua bốn điểm chính: (a) Đức hạnh Kitô giáo “ru ngủ” con người; (b) Những ảo tưởng về cõi bên kia; (c) khinh miệt thân xác; (d) Rao giảng về sự chết.

Đức hạnh Kitô giáo “ru ngủ” con người

Đức hạnh (virtue) gắn liền với cả con người hiện sinh hay tôn giáo. Người có đức hạnh là người sống ôn hòa và bình an, lấy nhu thắng cương. Đồng thời, người đức hạnh xa tránh tội lỗi, lòng tham hay thù ghét không những bên ngoài nhưng cả trong ước muốn nội tâm. Nietzsche đã chỉ ra căn bệnh của đức hạnh Kitô giáo: “ru ngủ” con người. Giấc ngủ được tôn vinh nơi “tòa giảng về đức hạnh” của các giáo sĩ trong Zarathustra Đã Nói Như Thế. Người ta tìm đến với đức hạnh chỉ để tìm kiếm một giấc ngủ ngon, không mộng mị. Khi ấy đức hạnh không còn được yêu mến vì chính nó, nhưng bị lạm dụng như là công cụ cho mục đích riêng của con người. Mục đích riêng của con người là ham muốn phần thưởng của Đức Hạnh như hạnh phúc cõi thiên đàng[11], thích sự êm dịu của đức hạnh đến nỗi không dám đối diện với thực tế đau thương. Hay nói cách khác, ước muốn đức hạnh hãy còn là ước muốn được đền bù, trả công cho đức hạnh của mình.

“Hỡi những con người đức hạnh! Các ngươi hãy còn muốn được đền bù, trả công! Các ngươi muốn được tưởng thưởng cho đức hạnh mình, muốn có trời cao thay cho mặt đất và vĩnh cửu thay cho hiện tại của các ngươi? Giờ đây các ngươi thù ghét ta vì ta rao dạy rằng chẳng có phần thưởng cũng như đấng đứng ra ban thưởng?”[12]

Qua trích đoạn trên đây, phải chăng Nietzsche đang ám chỉ tới “Bài giảng Bát Phúc” trong Tin Mừng: “Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.”[13] Tức là, ở hiền lành để nhận được Đất Hứa. Hay ở mối phúc sau cùng, Đức Giêsu nói: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa…phần thưởng dành cho anh em ở trên Trời thật lớn lao.” Vì vậy, theo Nietzsche, người Kitô hữu thực hành mối phúc để chuộc lợi. Thế nhưng, Kinh Thánh và những lời truyền dạy của Đức Giêsu luôn giả thiết người nghe một nền tảng lòng tin và lòng mến. Trước tiên, người Kitô hữu sống đức hạnh dựa vào lòng tin. Họ tin vào Đấng mời gọi họ kết hiệp với Ngài ngang qua đức hạnh. Khi ấy, đức hạnh có một giá trị cao quý, giá trị của gặp gỡ. Sau cùng, người Kitô hữu sống đức hạnh bằng lòng mến Chúa nơi một nhân vị đầy tự do. Lòng mến Chúa cũng như câu nói nổi tiếng của thánh Âu tinh: “hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.” Khi yêu mến Chúa, con người tự nguyện sống các đức hạnh của mình. Tương tự, khi thương mến con người, Thiên Chúa cũng tự do ban tặng cho con người những điều tốt đẹp (các mối phúc). Hơn nữa, cũng như Aritotle, Kitô giáo quan niệm đức hạnh là con đường đưa tới hạnh phúc (Thiên Chúa).

Tuy nhiên, điều Nietzsche chỉ ra không phải bản chất của đức hạnh (vì chính Nietzsche thừa nhận đức hạnh là tốt) nhưng là những nguy cơ của đức hạnh Kitô giáo. Nguy cơ của những thực hành đức hạnh của người Kitô giáo rất dễ trở nên những hành vi quy kỉ. Chúa Giêsu cũng nhìn thấy điều ấy khi Ngài kể về Người Pharisêu và Thu Thuế của Tin Mừng Luca, người Pharisêu liệt kê một chuỗi các việc lành mình làm, trong khi chà đạp nhân phẩm người thu thuế bằng chính đức hạnh của mình. Chúa Giêsu đã kết luận: “người Pharisêu thì không được nên công chính” bởi vì ông ta đã được lãnh phần thưởng của riêng ông là sự cầu an, tìm mình và khinh miệt người khác, mà Nietzsche gọi đó là sự trả thù. Nietzsche chỉ trích thậm tệ những kẻ dùng đức hạnh khinh chê người khác: “Họ muốn đâm vỡ mắt những kẻ thù bằng đức hạnh của mình, và họ chỉ vươn cao lên để hạ thấp những kẻ khác.”[14] Những tiêu cực ấy khiến Nietzsche suy nghĩ nhiều về động lực mà người ta sống đức hạnh của mình: “Các người yêu đức hạnh của mình như người mẹ yêu con; nhưng có bao giờ người ta nghe một bà mẹ muốn được trả tiền thưởng cho tình yêu của mình?”[15] Ông cho rằng đức hạnh cần được yêu mến một cách vô vị lợi. Tương tự như lời giảng của Đức Giêsu: “khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm.”[16] Nếu hiểu cho đúng, đức hạnh Kitô giáo không phải để quy về mình hay tìm kiếm phần thưởng, nhưng hướng về Thiên Chúa bằng sự dâng hiến tự nguyện và trọn vẹn trong tình yêu.

Thêm vào đó, Nietzsche liên tục chỉ ra nhiều lối sống đức hạnh tiêu cực khác trong đời sống Giáo Hội. Ông cho rằng, đức hạnh Kitô giáo không chỉ là mong muốn phần thưởng, nhưng còn sợ hãi hình phạt, khiến người ta buộc phải chọn đức hạnh: “Đức hạnh cốt ở chỗ quằn quại hình hài dưới những ngọn roi, những chiếc phanh của những bánh xe đang trên đà trượt dốc.”[17] Vì mong cho được đức hạnh, người ta đành mang vác những yếu đuối và giới hạn của con người “với hàm răng nghiến chặt”[18]. Tức là, trong Giáo Hội không thiếu những người sống đức hạnh như là một gánh nặng phải mang vác, thiếu tự do và lòng mến. Theo Nietzsche, “sống đức hạnh thiếu tự do” cũng tương tự như những người sau khi la liệt trong tội lỗi và đau khổ, mới nhìn về Thượng Đế với một tinh thần căng thẳng[19]. Chắc có lẽ Nietzsche chưa nhìn thấy một dấu hiệu tốt của sự sám hối như là một sự “giằng co”. Xét cả về tâm lý lẫn thiêng liêng, nếu tội nhân thiếu đi những xung động hay bối rối lương tâm, thì khó có thể trở về sống theo chân-thiện-mỹ. Nhưng dù sao đi nữa, cũng như Nietzsche, con người hiện sinh cần vươn lên cả phần thưởng hay hình phạt để sống trong tự do. Hoặc như thánh Têrêsa Hài Đồng nói: “Tôi sẵn sàng xuống hoả ngục, nếu ở đó có Chúa.” Nghĩa là tôi yêu Chúa không phải vì thiên đàng hay hoả ngục, tôi yêu Chúa vì chính Chúa.

Chưa dừng lại ở đó, Nietzsche tiếp tục chỉ ra những thái độ kém hiểu biết về đức hạnh của nhiều nhóm Kitô hữu. Có nhóm thực hành đức hạnh như hành vi nửa mùa, và “đức hạnh chỉ là sự lười biếng của những tật xấu nơi họ.”[20] Nhóm khác sống một cách máy móc giống như “chiếc đồng hồ quả lắc bị người ta lên dây cót sẵn.”[21] Nietzsche thấy đáng buồn hơn với những kẻ cho rằng đức hạnh là sự dửng dưng với thời cuộc, gió ngả chiều nào theo chiều ấy. Hoặc là có nhiều kẻ thực hành đức hạnh chỉ ở những điệu bộ bên ngoài, trong khi cũng không thiếu những người sống đức hạnh chỉ trên môi miệng, họ kêu lớn: “đức hạnh là cần thiết” nhưng “ngôn hành bất nhất”. Có nhóm vì không biết gì về đức hạnh nên bèn gọi những thấp hèn là đức hạnh. Nhóm khác muốn nghe biết và được giáo huấn về đức hạnh nên cũng tự nhận mình là đức hạnh. Chắc chắn, không riêng gì Nietzsche mà bất kì ai cũng có thể nhìn thấy những cực đoan ấy trong các tôn giáo, không riêng gì Kitô giáo.

Qua đây càng cho thấy rõ hơn Nietzsche đang phê bình lối sống và thái độ đức tin (chặng thực hành) hơn là chính đức tin. Có lẽ, tự bản chất, Đức Tin không chủ trương những thái độ tiêu cực, nhưng đó lại là thực tế của việc sống đức tin? Con đường từ “biết – hiểu – sống” đức tin là cả một con đường dài. Cũng như, chân lý tự nó không thể nào sai lầm, việc chọn một lăng kính hay cách giải thích về đức tin có thể dẫn đến sai lầm. Cùng là mặt trăng, nếu nhìn dưới mặt nước, qua khe cửa, bằng mắt thường hay bằng kính thiên văn đều cho thấy những cái nhìn khác nhau về trăng. Điều quan trọng hơn cả là động lực nào hay đam mê nào (nếu nói như Nietzsche) để tôi dấn thân. Cả Nietzsche và Kitô giáo điều nhìn nhận động lực sống đức hạnh là quan trọng, nhưng sự khác biệt chính yếu của cả hai đó là: Nietzsche chủ trương thực hành và yêu mến đức hạnh vì chính đức hạnh; riêng Kitô giáo đi xa hơn, sống đức hạnh vì lòng tin và lòng yêu mến Thiên Chúa, vì Ngài là chân-thiện-mỹ (vượt lên trên cả đức hạnh con người).

Những ảo tưởng về cõi bên kia

Không chỉ đức hạnh bị lạm dụng, mà còn sự sống đời sau của Kitô giáo, với Nietzsche, cũng bị xem như liều thuốc độc. “Đau khổ và bất lực, đấy là cái đã tạo nên những cõi-bên-kia”[22]. Như đã biết, theo Nietzsche, tôn giáo là phóng chiếu các nhu cầu của con người. Cụ thể, con người ảo tưởng về cõi bên kia để né tránh đối diện với những khổ đau kiếp này. “Đối với kẻ đang chịu đựng thống khổ, quả là một niềm vui ngây ngất khi được rời mắt khỏi nỗi khổ đau và được tự quên lãng mình.”[23] Giống như trong tâm lý, khi gặp một căng thẳng hay một cú sốc cực độ, người ta phải tìm cách trốn chạy thực tại phũ phàng ấy: hoặc là tâm thần, hoặc là tự tử. Cũng vậy, trong đời sống tâm linh, để chữa lành những thất vọng đang tràn trề trong tâm hồn, con người tự chế cho mình một liều thuốc giảm đau bằng những mơ tưởng xa rời thực tế. Cũng như Plato khi quan niệm thế giới khả giác này chỉ là phóng ảnh của thế giới linh tượng, Kitô giáo cũng xem trần gian này là tạm bợ, đời sau mới là cõi phúc vĩnh cửu. Thậm chí, như trong Zarathustra cho thấy, các Kitô hữu được dạy phải bóp nghẹt lý trí, thỏa hiệp với lương tâm trước những “cám dỗ” mách bảo họ sống cho thế giới vật chất này.

Hãy để cho thế giới là thế giới. Đừng nhích động dẫu là một ngón tay chống lại nó! Hãy để dân chúng bị siết cổ, bị cắt họng, bị đối xử bạo ngược, bị lột da bởi những kẻ nào muốn làm thế: đừng nhích động dẫu là một ngón tay để cản ngăn điều đó. Như thế, họ sẽ học biết khước từ thế giới. Lý trí của mi, mi phải nhai nuốt, bóp nghẹt nó đi; bởi lý trí ấy thuộc về thế giới này. Như thế, mi sẽ học biết khước từ thế giới![24]

Tuy nhiên, đâu phải chỉ có những người nghèo hay bất hạnh mới nghĩ đến cõi-bên-kia, cả những người giàu có, tài giỏi, những hàng vua chúa cũng mơ về cõi vĩnh cửu. Tâm lý học của Abraham Maslow cũng công nhận, sau khi vượt qua các nhu cầu căn bản, con người hướng đến nhu cầu siêu vượt (nhu cầu lớn nhất). Vì thế, nếu Nietzsche chỉ xem tôn giáo là công trình của những người nghèo, kém cỏi thì quả là một nhận xét còn nhiều hàm hồ.

Theo Nietzsche, bất kì sự sống nào, dù ngắn dù dài, cũng đều bắt đầu trên mặt đất này. Sự sống là tôi, nên tôi không thể chối bỏ chính mình được. Cõi-bên-kia chỉ là những hy vọng lững lờ và bất khả tri. Vì nó được cho là cõi vô hạn nên người đời dễ phủi chân với cõi hữu hạn này.

Hỡi những người anh em, ta van xin các ngươi, hãy trung thành với mặt đất và chớ có tin những kẻ nói với các ngươi về những hy vọng lững lờ bên trên mặt đất! Họ là những kẻ đầu độc, dẫu họ có ý thức điều đó hay không. Họ là những kẻ khinh miệt đời sống, những kẻ hấp hối và cũng chính là những kẻ bị đầu độc, mặt đất đã quá mỏi mệt chán chê họ: họ hãy cút đi cho khuất mắt!

Xưa kia, báng bổ Thượng Đế là lời báng bổ nặng nhất, nhưng Thượng Đế đã chết và cũng chết theo Thượng Đế là những kẻ báng bổ ấy. Giờ đây, điều đáng kinh khiếp hơn nhiều, là báng bổ mặt đất và coi trọng ruột rà của cái bất khả thấu nhập hơn ý nghĩa, chiều hướng của mặt đất.[25]

Không chỉ riêng Nietzsche mà các triết gia duy vật thời cận đại cũng thấy những điều tương tự vậy. Denis Diderot (1713 – 1784), một triết gia Pháp từng cho rằng: “Địa Ngục, Thiên Đường quá xa xôi, trong khi những cái cần cho sự sống lại ở ngay trước mặt”[26], hay “Chúa của những người Kitô giáo, đó là những người cha chỉ biết coi trọng những đám mây chứ không lưu tâm gì đến những đứa con của ông ta đang hiện hữu trên mặt đất”[27]. Với Baron Holbach (1723 – 1789), “thoát ly cuộc sống trần thế, con người trở thành kẻ ở nhờ trong ngôi nhà của chính mình.”[28] Cả Nietzsche và các triết gia duy vật đều nhắm đến trách nhiệm của con người trong ngôi nhà trái đất của mình. Vì Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và sự sống dành riêng cho con người, nên sống là trách nhiệm của họ. Mọi thái độ bê trễ, vô trách nhiệm đều là phản nghịch lại ý định của Thượng Đế.

Tuy vậy, “thế gian” mà Kitô giáo muốn tìm cách thoát ly có thực sự cực đoan như vậy không? Đành rằng trong Giáo Hội xuất hiện những nhóm người đang thực hiện tinh thần “ngày tận thế”, bỏ nhà cửa và sự nghiệp chỉ để ăn chay cầu nguyện mong chờ ngày Chúa đến lần cuối. Có thể, những nhóm này hiểu sai điều thánh Phaolô rao giảng về ngày cánh chung, khi ngài cho rằng Nước Thiên Chúa đã gần kề và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. Lời rao giảng về Nước Trời (cõi-bên-kia) hay Ngày Tận Thế (sẽ đến bất ngờ) là để cho Kitô hữu biết sám hối và sống tốt theo Tin Mừng. Mọi lý tưởng đều có một cánh cửa hi vọng để phấn đấu. Chẳng có gì bất công và nghịch lý cho bằng cả cuộc đời miệt mài xây dựng cho hư vô. Phật giáo qua nhiều kiếp tu luyện cũng mong mỏi được vào niết bàn. Cả đến Siêu Nhân của Nietzsche cũng mang niềm hi vọng tiếp tục vòng xoay hiện sinh trong Quy Hồi Vĩnh Cửu. Vì vậy, Thiên Đàng là niềm hi vọng của người Kitô hữu, hi vọng được nên một với Đấng họ yêu mến. Hơn nữa, Giáo hội từ bao đời nay vẫn thiết tha với cuộc sống hiện sinh của con người, hướng đến những con người nghèo khổ bất hạnh, chống lại những bất công xã hội… Thật vậy, “thế gian” mà Giáo hội dạy Kitô hữu loại trừ chính là chủ nghĩa hưởng thụ, tham lam và tàn nhẫn. Hay nói cách khác, “thế gian” là những gì thuộc thế lực đen tối, đã đi vào trong thế giới từ tội nguyên tổ A-đam và E-và.

Nói cho cùng, cả Giáo Hội hay Nietzsche đều chủ trương rằng, con người không thể nhảy một bước đến cái tận cùng, vì họ sẽ nhận lấy một cú té thật đau đớn và rơi vào vô vọng. Có biết bao gương sáng Kitô hữu, là những thánh nhân như Têrêsa Hài Đồng hay Phanxicô Át-si-di, đã can đảm sống cuộc đời đau khổ hiện sinh này. Những người hùng ấy xem hiện sinh đau khổ như của lễ hi sinh dâng lên Chúa, Đấng mà họ rất mực yêu mến. Chỉ khác rằng, hiện sinh với Nietzsche là cùng đích, còn Kitô giáo chỉ xem như con đường dẫn đến cứu cánh là Thiên Chúa.

Khinh miệt thân xác

Khởi đi từ ước vọng về cõi-bên-kia, Kitô hữu xem cuộc sống này là tạm bợ và trần tục, và biểu trưng của cuộc sống trần thế là thân xác. Cho mãi đến thế kỷ 18, nhiều trường phái thần học vẫn cho rằng thân xác dục vọng là cội rễ sinh ra mọi thứ tội lỗi, thế nên cần phải trừng phạt thân xác bằng cách đánh tội hay hành hạ nó. Lịch sử Giáo hội thời Trung cổ ghi nhận những cuộc thi hành án, hành xác, và những đoàn-đánh-tội đến ghê rợn, đặc biệt là nơi các dòng tu của Giáo hội bấy giờ. Hơn nữa, do chịu ảnh hưởng thuyết nhị nguyên của Plato, Thánh Âu-tinh đã chủ trương xem con người là xác và hồn, đồng thời coi thân xác này chỉ là tạm bợ còn linh hồn mới là vĩnh cửu. Nếu xem đời này hay thân xác chỉ là “tạm bợ” thì cũng đồng nghĩa với việc nó không đáng sống, hoặc ít được quan tâm. Cũng có nhiều người chủ trương rằng, con người là tổ hợp của “phần con” và “phần người”. Phần con thuộc về thân xác và ham muốn, nhiều khi không vâng lệnh lý trí, tức phần người. Do vậy, đôi khi người ta cũng phải dùng hình phạt cho “những con vật” cứng đầu. Thêm vào đó, nhiều ý kiến cho rằng Kitô giáo dùng phạt xác hay đánh tội là để chê ghét điều xấu xa tội lỗi, cho nên những việc làm đó là hữu ích.

Quan điểm của Nietzsche ngược lại hoàn toàn. Thân xác mới là đáng quý, vì con người sống bằng thân xác, tư duy bằng thân xác, và sự gặp gỡ giữa người với người bằng thân xác. “Tôi là xác và hồn”[29], Nietzsche đã nhấn mạnh điều ấy như một chân lý vững vàng, đến độ một đứa trẻ còn phát ngôn được như vậy[30]. Linh hồn chỉ là một chữ dùng để chỉ về thân xác, và mọi lý trí hay tinh thần chỉ là khí cụ của thân xác mà thôi. Do vậy, kẻ kinh chê thân xác là kẻ đang báng bổ vào chính mình.[31] Hoặc kẻ nào chối bỏ thân xác kẻ ấy đang chối bỏ chính mình. Để khẳng định thêm về xác hồn hợp nhất, Nietzsche biện luận rằng: “Thân xác là tôi khi hiện hữu, và nó là tôi khi hành động; hay tôi không phải là người (là hữu thể người) nếu tôi không có thân xác.” Thân xác ấy chính là tự-ngã[32]. Tự ngã xuất hiện trước và là chủ nhân của bản-ngã. Nietzsche còn nhấn mạnh thêm, nếu thân xác không khỏe mạnh thì không thể có tư duy minh mẫn. Linh hồn là một đại lượng phiếm chỉ, trong khi thân xác luôn có một cái tên, cái họ. Kitô giáo dạy người ta cái chết bắt đầu bằng sự ra đi của linh hồn, nhưng sự thật, bao giờ sự chấm dứt hiện hữu của một kiếp người cũng bắt đầu từ thân xác. Vì vậy, nếu đem ra để so sánh thì thân xác phải trọng hơn linh hồn. Thiên Chúa đã tạo ra con người, ban cho con người thân xác, chẳng lẽ Ngài lại khinh chê ngay sản phẩm do chính mình sáng tạo nên sao?

Đành rằng việc khinh miệt thân xác là một điều đáng lên án, nhưng lối giải thích của Nietzsche dễ đưa đến việc “tôn sùng thân xác” quá đáng. Đúng là thân xác thể lý là những biểu hiện tỏ tường của đời sống con người, nhưng nó cũng gắn liền với các nhu cầu thể lý, dục vọng. Niezsche nói rằng “một tinh thần cường tráng nhờ một thân xác khỏe mạnh”, nhưng cũng có thể nói ngược lại “một thân xác lành mạnh nhờ một tinh thần thanh tao.” Nhiều bạn trẻ ngày nay, do nuông chiều thân xác theo ham muốn, đã giản lược tình yêu thành tình dục. Có lẽ, cả Kitô giáo hay Nietzsche cần trả về một thái độ trung dung cho thân xác và linh hồn. Cả thân xác và linh hồn cần phải phấn đấu và tôn vinh những giá trị cao đẹp trong con người. Người Kitô hữu thay vì phạt xác nặng nề, có thể hãm dẹp những tham lam và ham muốn của thể xác, nghĩa là không khước từ những nhu cầu căn bản nhưng không nuông chiều chúng thái quá.

Kế đến, trong Kinh Thánh có dạy rằng, cần xem thân xác là linh thánh: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?”[33] Vì vậy, thân xác không bao giờ là xấu xa, vì là tặng phẩm tốt đẹp của Thiên Chúa dành cho con người. Xúc phạm tới thân xác là xúc phạm tới chính Thiên Chúa. Hơn nữa, trong quan điểm của Giáo Hội, nhất là sau Công đồng Vaticanô II, thân xác được xem là thánh thiêng bởi vì chính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã xuống thế mang lấy thân xác yếu hèn của con người; và chính Ngài đã biến đổi thân xác ấy thành thân xác phục sinh.

Sau cùng, người ta cũng cần phân biệt giữa thân xác và tội lỗi. Tội lỗi không phải là của thân xác, nhưng là của con người. Con người phạm tội là cả xác và hồn đều tham dự. Cho nên, trong Linh Thao của Thánh I-nhã, để chừa tội lỗi (gây ra do dục vọng), ngài mời gọi thao viên không những chế ngự phần xác (tức là hãm dẹp những hành vi nào thái quá theo phương pháp làm ngược lại [agere contra]) mà còn tham dự cả phần tâm trí (tức là hướng tâm trí về lòng mến Thiên Chúa với quyết tâm chừa bỏ). Như vậy, thay vì khinh miệt thân xác, con người phải khinh miệt tội lỗi cùng như thói hư tật xấu mới đúng.

Rao giảng sự chết

Cũng giống như cõi-bên-kia khinh miệt thân xác, rao giảng sự chết là rao giảng về sự tuyệt vọng nơi những gì con người đang xây dựng trên trần gian này. Con người đối diện với một sự thật phũ phàng, cả đời vất vả ngược xuôi lo cho sự nghiệp công danh, vật lộn với thân phận khắc khổ, cuối cùng thì cũng phải chết. “Kẻ nào còn bám víu vào đời sống là một tên điên khùng.”[34] Đối với Kitô giáo, cái chết là một kết thúc bất công dành cho những kẻ bám lấy đời tạm, chỉ biết lo tìm kiếm vơ vét cho bản thân. Nietzsche cho rằng, những người Kitô hữu nhìn về cái chết cách bi quan như vậy, nhất là khi gặp người già hay xác chết, họ thường thốt lên: “đời sống bị khước từ.”[35] Con người thấm nhập lý thuyết về sự-chết là người ít ràng buộc với đời sống hơn, họ cho rằng “cuộc đời toàn là đau khổ”[36], thậm chí họ tránh xa cả những nhu cầu căn bản của con người như “sinh đẻ con cái”[37] vì coi đó là khoái lạc nhục thể. Ngay cả Phật giáo cũng chủ trương “đời là bể khổ, tất cả là hư vô trước sự chết”.

Đối với Nietzsche, rao giảng về sự chết hay rao giảng về đời sống vĩnh cửu chỉ là một. Nó xuất phát từ hiện tượng tâm lý của bản năng sinh tồn: “ham sống sợ chết”. Con người ngập tràn nỗi sợ hãi về sự chết nên phải ảo tưởng về sự sống vĩnh cửu để tự chữa lành mình. Kết quả cho thấy, họ trốn tránh trách nhiệm với cuộc sống của mình, sống thụ động, hay sống cho qua ngày đoạn tháng. Nietzsche gọi những người này là “những kẻ đã chết ngay khi còn đang sống”, “những quan tài biết đi.”[38]

Nhưng có khi nào sự chết lại trở nên ý nghĩa cho sự sống ? Con người được sinh ra, thì cũng báo hiệu họ sẽ phải chết đi. Sự chết có giá trị của nó. Sự chết biểu hiện tính giới hạn mong manh của kiếp sống người. Sự chết trở nên vô nghĩa nếu nó không phải là cánh cửa hi vọng bước vào một thế giới mới. Sự chết ngăn cách giữa thế giới hữu hạn (thế gian) và thế giới vô hạn (thực tại vĩnh cửu). Thế giới vô hạn trở nên ý nghĩa nhờ sự chết; đồng thời sự chết có ý nghĩa nhờ thế giới hữu hạn. Do vậy, bất kể đời sau hay sự chết sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu con người hiện sinh không thành-toại chính mình (nghĩa là sống kiếp người trọn vẹn với tự do và lý tưởng). Vì thế, người Kitô hữu đích thực nhìn vào sự chết bằng tinh thần lạc quan vì tin vào sự sống phục sinh. Hiện sinh là để người Kitô hữu thành-toại ơn gọi của mình trước giờ chết.

Luân lý Kitô giáo là “luân lý nô lệ”

Theo Nietzsche, tôn giáo không chỉ làm người ta thụ động và nhu nhược, nhưng tính giáo điều của nó còn bóp nghẹt đời sống của con người Siêu Nhân. Nietzsche cho rằng: “Kitô giáo trong tư cách giáo điều đã bị làm cho tàn lụi bởi chính nền luân lý của nó…”[39] Ông coi luân lý Kitô giáo là công cụ quyền lực trong tay những kẻ yếu đuối. Giáo sĩ là tác giả của các bộ luật luân lý, vì theo ông, các tôn giáo được thành lập bởi một “sự dối trá thánh thiện (holy lie)”, một sản phẩm của giáo sĩ (như sẽ trình bày ở phần sau). Họ điều kiện hóa tín hữu bằng các luật luân lý, thêm vào đó là gia tăng quyền lực của mình. Theo Nietzsche, “sự dối trá thánh thiện” của giáo sĩ sáng tạo: (1) một Thiên Chúa thưởng phạt, Đấng quan sát cẩn thận những cuốn sách luật của họ; (2) một đời sống bên kia có thưởng phạt; (3) một lương tâm; (4) một bộ luật luân lý; (5) và một đức tin bất-khả-ngộ của tín điều. Vì vậy, đối với Nietzsche, luân lý Kitô giáo không làm cho các cá nhân phát triển, thay vào đó là sự suy yếu và khước từ đời sống.

Trong cuốn Bên Kia Thiện Ác, Nietzsche nhận định có hai nền luân lý khác hẳn nhau: Luân lý ông chủ Luân lý nô lệ. Nietzsche coi Kitô giáo là luân lý nô lệ, trong khi luân lý ông chủ thuộc về Siêu Nhân. Luân lý ông chủ có nghĩa là “cao thượng”, hùng mạnh và tập trung quyền lực. Vì thuộc giai cấp thống trị nên là kẻ sáng tạo và quyết định các giá trị. Họ không cần tìm ở bên ngoài sự tán thành các hành vi của mình. Luân lý ông chủ tự phán đoán về chính họ. Ngược lại, luân lý nô lệ phát sinh với những yếu tố thấp kém nhất trong xã hội. Họ là tầng lớp bị lạm dụng, bị đàn áp, nô lệ, và là những kẻ không chắc chắn về bản thân mình. Đối với nô lệ, “tốt” là biểu tượng cho tất cả những đức tính giúp làm nhẹ đời sống đau khổ của con người, như “sự cảm thông, sẵn sàng giúp đỡ, sự nồng nhiệt, kiên nhẫn,…” Nietzsche xem luân lý nô lệ này chẳng khác nào chủ nghĩa vị lợi, tức là cái gì tốt và có lợi cho những kẻ yếu đuối. Vì thế, tất cả những gì gây ra sợ hãi đều là “xấu” với luân lý nô lệ. Ngược lại, luân lý ông chủ coi người “tốt” là người gây lên sự sợ hãi[40].

Nietzsche phản đối luân lý Kitô giáo vì nó chấp nhận giá trị thô thiển của “bầy đàn”. Ông tin Kitô giáo là “mưu đồ” ý thức và vô thức để tự bảo toàn chính mình của tầng lớp nô lệ. Tinh thần “yêu mến kẻ thù” chỉ là một chính sách giả tạo để tự duy trì sự nhu nhược của nô lệ. Nhưng thực ra, kẻ thù lớn nhất của Kitô giáo, tức là thứ luân lý nô lệ, chính là tầng lớp thống trị (luân lý chủ ông). Đơn cử như trường hợp của Luther (nhà cải cách Tin Lành) bị coi là kẻ tội lỗi xấu xa và lầm lạc khi đứng lên chống đối lại những tín điều của Giáo Hội. Sự phẫn hận trả thù ăn sâu vào tinh thần bầy đàn, cho những gì độc lập, cai trị và quyền lực đều là xấu xa.

Vì thế, Nietzsche chủ trương phải vượt lên thiện ác, tức là phải vượt lên thứ luân lý bầy đàn đang thống trị của Kitô giáo, phải đánh giá lại mọi thứ luân lý đã có. Đánh giá lại các giá trị không phải là đưa ra các giá trị mới, nhưng là sự đảo lộn các giá trị trở lại. Vì thế, Nietzsche cho thấy cái mà người ta gọi là “tốt” hoàn toàn không phải là đức hạnh, và cái người ta coi là chân lý chỉ là sự ngụy trang của tính ích kỷ và sự yếu đuối mà thôi. Cho nên, Kitô giáo là sự sáng tạo khéo léo của các vũ khí tâm lý để giúp người lùn thuần hóa các gã khổng lồ tự nhiên. Một khi sự ngụy trang này bị gỡ bỏ khỏi nền luân lý Kitô giáo, các giá trị đích thực sẽ xuất hiện.

“Thượng Đế đã chết”

Một vài phê bình chính yếu của Nietzsche trên đây, tuy chưa triệt để nhưng đã cho thấy ông muốn phá đổ Kitô giáo như thế nào? Tuy nhiên, cao trào của sự phá đổ ấy là lời tuyên bố: “Thượng Đế đã chết”. Cái chết của Thượng Đế có thực sự là lời khai tử của Kitô giáo hay không? Thực ra phải hiểu phá đổ Kitô giáo không phải “giải tán” một tôn giáo hữu hình, bởi vì Kitô giáo vẫn tồn tại đến ngày nay, nhưng là nhìn nhận một tôn giáo thực hành hư vô, không còn ý nghĩa hay giá trị nào cả. Vậy nên, “Thượng Đế đó là ai?” là vấn đề nhiều người lầm tưởng về câu nói của Nietzsche.

Thượng Đế chết là Thượng Đế nào?

Theo nghĩa đen, “Thượng Đế đã chết” có nghĩa là Thượng Đế đã từng sống và bây giờ Ngài đã chết. Đối với người hữu thần (theists), cách giải thích này là vô nghĩa, vì Thượng Đế của họ là tự hữu và vĩnh cửu. Đối với người vô thần (atheists), cách giải thích này cũng không phù hợp, vì làm gì có Thượng Đế – Thượng Đế chưa bao giờ sống và do đó cũng chưa bao giờ chết. Vậy phải hiểu câu nói “Thượng Đế đã chết” như thế nào cho đúng? Có lẽ phải hiểu rằng, “niềm tin vào Thượng Đế đã chết” – một niềm tin cao cả từng tạo nên nền tảng đạo lý cho xã hội Tây phương trong hàng ngàn năm, bây giờ đã lụi tàn. Do đó, lời xác nhận của Nietzsche chắc chắn không phải là lời xác nhận có tính thần học. “Tác phẩm dành cho tất cả và không dành cho một ai”[41], nghĩa là ai muốn tin thì tin. Ông cũng chẳng đưa ra một lập luận chặt chẽ và hệ thống nào để chứng minh Thượng Đế không hiện diện. Thượng Đế đã chết nghĩa là niềm tin vào Thượng Đế đã lụi tàn, và sau đó, con người tự tạo ra một Thượng Đế mới, xem nó như là một món đồ chơi để phục vụ những nhu cầu vị kỷ nơi mình. Như vậy, Nietzsche chủ trương “hai ý nghĩa” về cái chết của Thượng Đế: (1) niềm tin vào Thượng Đế (có thực) đã chết; (2) Thượng Đế mới (tự tạo) phải chết. Điều này sẽ được làm sáng tỏ trong phần kế tiếp.

Trong tác phẩm Kẻ phản Kitô của mình, Nietzsche cho thấy Thượng Đế không còn là Thượng Đế, nhưng bị sai lệch qua khái niệm và giải thích về Thượng Đế:

Khái niệm về Thượng Đế trở thành một công cụ trong tay của những kẻ kích động thuộc giới tăng lữ, bây giờ giải thích mọi hạnh phúc là một phần thưởng, mọi bất hạnh là sự trừng phạt vì không vâng lời Thượng Đế, là “tội lỗi”: cách thông giải cực kì gian dối đó, và cái gọi là “trật tự luân lý thế giới”, từ đó những khái niệm tự nhiên về nguyên nhân và hậu quả bị lật úp một lần và mãi mãi.[42]

Tuyên bố “Thượng Đế đã chết” cũng chẳng khác nào hồi chuông muốn thức tỉnh một nền văn hóa tôn giáo Tây phương thời đó, đang bị tha hóa và lún sâu dần vào chủ nghĩa Hư vô. Những cách giải thích niềm tin hay rao giảng của Kitô giáo, với Nietzsche, không phải đến từ mạc khải nhưng hoàn toàn là bịa đặt và dối trá. Vì thế mà lòng tin vào siêu hình hay Thượng Đế chân thực cũng vì thế mà mất đi. Ngay cả khi xây dựng Siêu Nhân của mình, Nietzsche cũng không đoái hoài gì đến vấn đề Thượng Đế hay siêu việt. Có lẽ không phải vì Nietzsche không tin có thực tại siêu việt, nhưng ông sợ đi lại “vết xe đổ” của Kitô giáo, để rồi vô tình giết chết Siêu Nhân. Mặt khác, lòng yêu mến các giá trị hiện sinh khiến cho Siêu Nhân không cần quan tâm đến những thực tại siêu việt.

Thượng Đế đã chết, nhưng ai là thủ phạm gây ra cái chết ấy? Thượng Đế có thực sự đáng chết hay không?

Nguyên nhân cái chết của Thượng Đế

Trong tác phẩm The Gay Science, Nietzsche tuyên bố rằng: “Thượng Đế đã chết, Thượng Đế đã thực sự chết, và chúng ta đã giết Ngài.”[43] Trước hết, Nietzsche cho rằng, con người là thủ phạm gây ra cái chết của Thượng Đế. Ông chỉ ra “lối sống mất niềm tin” của họ vào Thượng Đế đã giết chết Thượng Đế. Thượng Đế không còn là trung tâm của những thực hành nhân sinh quan của họ. Tiếng nói của Nietzsche, vào vai Gã Điên cầm đèn sáng ra giữa chợ ban ngày để tìm Thượng Đế trong The Gay Science là một tiếng nói thảm thương và tiếc nuối.

“Thượng Đế đâu rồi? Tôi nói cho các bạn hay, chúng ta đã giết Thượng Đế – tôi và bạn. Tất cả chúng ta là kẻ sát nhân. Nhưng chúng ta đã làm điều này như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể uống cạn biển cả?… Chúng ta đang làm gì khi tách trái đất ra khỏi mặt trời của nó?”[44]

Ông buồn rầu vì Thượng Đế bị giết dưới tay con người, nhưng ông cảm thấy thê thảm hơn khi không ai nhận ra cái chết của Thượng Đế. Ông đã tiên đoán trước lối “vô thần thực tiễn” của các Kitô hữu Tây phương ở thế kỷ 19. Cảnh chợ búa giữa ban ngày chính là đại diện cho bối cảnh trượt dốc, sa sút và mất định hướng của văn hóa tôn giáo Tây phương thời bấy giờ. Họ tuyên xưng niềm tin nhưng lệch lạc trong giáo huấn và thực hành.

Trong khi cái chết của Thượng Đế đầu tiên[45] là cái chết đáng thương và đầy tiếc nuối. Kẻ Xấu Xí Nhất Loài Người[46] đã giết chết Thượng Đế[47] vì không chịu được lòng thương xót bác ái của Thượng Đế. Nietzsche còn nói thêm trong Zarathustra rằng: “Chính lòng thương xót loài người của Thượng Đế đã giết chết Thượng Đế.”[48] Ông phê bình thậm tệ lòng thương xót của Kitô giáo vì nó chỉ là sự thương hại lẫn nhau, thậm chí làm cho người đối phương cảm thấy mình thấp kém, hèn yếu và nhu nhược. Dĩ nhiên Nietzsche không phê bình Thượng Đế cho bằng những kẻ lạm dùng lòng thương xót của Ngài. Như vậy, Thượng Đế đầu tiên đã chết bởi tay Kẻ Xấu Xí Nhất Loài Người. Và rồi chính y là người đã tấn phong một “Thượng Đế thứ hai” mà Nietzsche gọi là “con lừa” (hay con lạc đà). Nietzsche cho rằng các giáo sĩ Kitô giáo tự tạo nên một Thượng Đế mới (sự lừa dối thánh [holy lie]) để lừa gạt con người. Một mặt hắn tôn vinh và sùng bái con lừa, nhưng mặt khác y chất lên vai nó những gánh nặng để rồi bắt nó phải thốt lên tiếng “vâng” (I-A) giả tạo. Câu chuyện này cũng tương tự như câu chuyện dân Do Thái trong Kinh Thánh, sau khi mất niềm tin vào Thiên Chúa, đã tự đúc con bò vàng như một Thiên Chúa mới để sùng bái. Cũng giống như Môsê, Zarathustra của Nietzsche đã nổi giận và tìm cách phá vỡ lễ trọng dành cho con lừa[49]. Con lừa tượng trưng cho người Kitô hữu, sau cái chết của Thượng Đế, họ mang sức nặng của con người trần thế với một thái độ chấp nhận miễn cưỡng, một tiếng “vâng” giả trá. Lúc này, Nietzsche lại chủ trưởng “phải giết chết Thượng Đế thì con người hùng, tức con người Siêu Nhân mới có cơ xuất hiện.”[50] Nietzsche tìm mọi cách để vạch trần vị Thượng Đế giả ấy:

Vị Thượng Đế đó chỉ là con người, là mảnh vụn thảm thương của một con người và một “Ngã thể”: vị Thượng Đế hình ma bóng quế ấy xuất sinh từ mớ tro lạnh và từ lò than hồng của chính ta. Thực ra, vị Thượng Đế ấy không đến với ta từ cõi-bên-kia![51]

Như vậy, Nietzsche muốn nhắc đến hai lần chết của Thượng Đế. Lần đầu là cái chết đáng tiếc nuối (bị chết) của niềm tin vào một Thượng Đế chân thực. Lần hai là cái chết đáng đời (phải chết) của Thượng Đế giả tạo (con lừa). Nhưng nguyên nhân của cả hai cái chết đều do cách hiểu và lối sống niềm tin của người Kitô hữu. Các cuộc cách mạng khoa học, chủ nghĩa cá nhân, lối sống bầy đàn và thụ động từ lâu đã kéo não trạng của người Kitô hữu xuống thấp. Tự bản chất, đời sống như vậy đã dẫn đến thực hành hư vô, nhưng với Nietzsche, cả những người nhận ra cái chết Thượng Đế cũng vì thất vọng mà dẫn tới hư vô chủ nghĩa; đó là một thứ luân lý tiêu cực coi mọi sự là vô ích, vô giá trị.

Chủ nghĩa Hư vô

Với Nietzsche, thật trớ trêu cho người Kitô giáo khi họ đang thực hành chủ nghĩa Hư vô mà không hay biết. Hư vô chủ nghĩa dạy người ta rằng: “Đời không đáng sống. Tất cả mọi sự đều vô ích. Thôi, cứ sống cho qua ngày. Sống chờ đợi. Sống chờ chết”. Đó là hình ảnh của người nô lệ sống nơi lưu đày, sống thụ động, không ý vị vì không có chủ đích và dự phóng, họ sống như thể sống giúp ai. Nietzsche đã hét vào tai những kẻ trong tình trạng hư vô chủ nghĩa: “Thù địch của tôi là ai? Đó là bọn người muốn bỏ bê tất cả mọi sự và không muốn tự kiến tạo lấy mình. Chúng là những kẻ nói rằng: ‘Tất cả mọi sự đều là vô ích’ và chúng không biết tạo lấy những giá trị cho mình.”[52] Theo ông, tự tạo nên một Thượng Đế mới (con lừa) cho mình, một cách nào đó, người Kitô hữu cũng đang thực hành chủ nghĩa Hư vô. Riêng những người nhận ra cái chết của Thượng Đế là những người đáng thương nhất, vì khi nhận ra thế giới không có giá trị khách quan và vô nghĩa, họ sống với một nỗi tuyệt vọng thẳm sâu nhất. Hay nói cách khác, những gì mà Kitô giáo vẽ lên cho họ giờ đây bị dập tắt.

NIETZSCHE XÂY DỰNG MỘT “TÔN GIÁO MỚI”

Rõ ràng, cái chết của Thượng Đế và Chủ nghĩa Hư vô là dấu hiệu của một Kitô giáo lụi tàn, hay nói theo ngôn ngữ của Nietzsche, chỉ là một bãi tha ma toàn những xác người. Một tôn giáo chỉ còn là hình thức, riêng tinh thần đã chết từ lâu. Như vậy, phải nói rằng Nietzsche không phải là người chủ động phá đổ Kitô giáo, nhưng là người chỉ ra “một tôn giáo đã sụp đổ” ngang qua cái chết của Thượng Đế. Tuy nhiên, cùng lúc thấy một Kitô giáo sụp đổ, thì đồng thời Nietzsche cũng xây dựng “một tôn giáo mới”, tôn giáo nhân loại; và nơi đó con người là Thượng Đế của chính mình với những chuẩn mực giá trị do mình tự quy định. Tôn giáo mới này mang ba đặc điểm chính: (1) xây dựng Siêu Nhân với (2) Ý Chí Quyền Lực trong một lý tưởng (3) Quy Hồi Vĩnh Cửu. Tuy vậy, Ý Chí Quyền Lực (The power of will) và Siêu Nhân (Super Man) của Nietzsche có thực sự giải quyết được những vấn đề nhức nhối của Kitô giáo hay không?

Ý Chí Quyền Lực

Nếu Kitô giáo lấy Thiên Chúa làm trung tâm đánh giá chuẩn mực đạo đức và ý nghĩa của đời sống, thì Nietzsche cho rằng Ý Chí Quyền Lực mới là ý chí cương quyết, đặt mình làm trung tâm và làm quan điểm nhìn xã hội. Ý Chí Quyền Lực là ý chí thống trị, không phải bằng võ lực hay mưu mô, nhưng bằng cách đặt cho vạn vật những giá trị mới. Hay nói cách khác, con người phải tự cậy dựa vào chính mình, qua Ý Chí Quyền Lực, bước đi trên đôi chân của mình thay vì phó thác cho Thiên Chúa. Ý Chí Quyền Lực mang tính nội tại, đến từ bên trong chủ thể chứ không có bất kì tác động nào của tha lực (trợ giúp, ơn sủng). Ý Chí Quyền Lực khác với sức mạnh, bởi vì sức mạnh là cái có khả năng, còn ý chí quyền lực là cái muốn. Ý chí mạnh hơn sức mạnh vì nó là tổng hợp của tất cả sức mạnh.[53] Nhưng bởi đâu mà ý chí này được sản sinh? Nó là sản phẩm của ước muốn và đam mê nơi chủ thể. Đúng như tâm lý học cho rằng: không có đam mê, không thể đạt tới việc chi vĩ đại. Tình yêu và đam mê cuộc sống hiện sinh nơi Siêu Nhân đã phát sinh Ý Chí Quyền Lực. Tình yêu sự sống, theo Nietzsche, không phải là thái độ ham sống sợ chết, hay nô lệ cho sự sống, nhưng là dám sống một cách anh hùng, ngang tàng và nguy hiểm. “Các bạn hãy tin tôi: chỉ có một bí quyết để thu hoạch một mùa sống phong phú nhất và giá trị nhất, đó là sống cách nguy hiểm[54]. Nguy hiểm không chỉ là dám đương đầu với đau khổ trong cuộc sống, mà còn dám tách mình khỏi đám đông, dám lật đổ mọi giá trị. Tức là, theo Nietzsche: “Hãy luôn luôn trở nên chính mình anh, hãy là chủ ông và là nhà điêu khắc để tạc nên chính mình anh.”[55] Theo Nietzsche, có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa Nietzsche và Kitô giáo. Trong khi Kitô giáo khiến người ta bị nhu nhược, nô lệ và thụ động, Ý Chí Quyền Lực muốn kiến tạo sự chủ động, tự do và tận dụng tối đa sức mạnh con người mình. Tuy nhiên, đức tin Kitô giáo cũng đề cao một lối sống kiên cường và “nguy hiểm”. Trong Kinh Thánh xuất hiện nhiều câu chuyện về đức tin anh hùng: Abraham luôn sẵn sàng lên đường; Mẹ Maria đón nhận Ý Chúa và lên đường theo Chúa Giêsu đến chân thập giá; Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ từ bỏ tất cả (kể cả mạng sống để theo Ngài); và biết bao gương hi sinh của các vị thánh hiển tu cũng như tử đạo. Chọn lựa của Đức Tin là chọn lựa “nguy hiểm”. Nhưng điểm khác biệt ý chí của thánh nhân so với siêu nhân là tình yêu dành cho Thiên Chúa, còn Siêu Nhân là đam mê cuộc sống. Đời sống của Siêu Nhân được Nietzsche quan niệm là đời sống bi tráng. Tức là, dù cuộc sống đầy bi quan và đau khổ, con người vẫn phải sống một cách anh hùng, đối diện và không chịu khuất phục trước khó khăn bởi vì đó là cuộc sống và đam mê của tôi.

Thế nhưng, liệu rằng Ý Chí Quyền Lực có thể đương đầu với tất cả mọi vấn đề của cuộc sống? Ý Chí có thực sự không cần bất kỳ nguồn trợ lực nào khác bởi tự nhiên hay siêu nhiên?

Ý Chí Quyền Lực là ý chí tự quyết.

Theo Nietzsche, Kitô giáo khiến cho ý chí của con người trở nên ý chí non nớt bị lệ thuộc. Kitô giáo đại diện cho đám đông trong Zarathustra, đó là lũ đông chê ghét kẻ đơn nhất, dập tắt kẻ anh hùng bằng cách đặt ra một trật tự luân lý mới để dạy người ta chống lại những con người độc lập. Trong lịch sử của mình, Giáo Hội đã từng chống lại những tư tưởng thần học cấp tiến, ngăn cấm các lối giải thích Kinh Thánh khác, hay dựa vào đức tin để kìm kẹp những phát kiến mới của khoa học. Điển hình là phong trào hộ giáo chống lại các công kích từ phía Tin Lành. Vì thế, mọi tư tưởng quá khác biệt với tín điều đều bị lên án ngay khi còn trong trứng nước. Ngược lại, với Nietzsche, người mang Ý Chí Quyền Lực không nên quan tâm đến những đánh giá và phê bình của đám đông, không tái bản cuộc đời theo mẫu người thông thường của họ. Tách mình ra khỏi đám dông, người tự chủ phải là tự tìm ra lối đi, và dấn thân vào lối đi đầy nguy hiểm và đầy vinh quang đó:

Người cao thượng là người đã ý thức và tin tưởng đinh ninh rằng mình có quyền nhận định, có quyền đặt ra những giá trị mà không cần được ai chấp nhận hết. Cái gì họ nghĩ là có hại, thì đó là cái hại, cái gì họ nghĩ là danh dự, thì đó là danh dự: Người tự chủ là kẻ sáng tạo ra những giá trị (créateur de valeurs). Đó là luân lý của người tự chủ, một luân lý nêu cao vinh dự của con người.[56]

Ý Chí Quyền Lực trước hết là một ý chí độc lập và tự quyết. Nghĩa là, Siêu Nhân phải có khả năng nhận định về tất cả mọi thứ theo cái nhìn của riêng mình. Họ tự đặt mình lên làm kẻ sáng tạo cuộc đời mình, sáng tạo ra các giá trị cho riêng mình. Như vậy, Siêu Nhân là người có nét riêng và nhận ra mình không thuộc về đám đông.

Người hùng không lấy làm vinh dự khi thấy người ta cũng nghĩ như mình; trái lại ông thấy mất thể diện vì người khác cũng đồng ý với mình, vì như thế là mình chẳng hơn họ chi. Người hùng phải nói: ‘ý kiến của tôi là ý nghĩ của tôi; người khác không có quyền nghĩ như thế.’ Phải giữ mình đừng chia sẻ những ý nghĩ của quần chúng.[57]

Kierkegard chủ trương ra khỏi đám đông, xây dựng cá vị là dám sống đức tin, tức là vươn tới đời sống tôn giáo – đó là hiện sinh trung thực nhất. Bởi vì theo ông, nếu con người sống trong vòng đạo hạnh nghĩa là còn sống trong phổ thông, sống như mọi người mà thôi. Chính đời sống tôn giáo sẽ đưa con người lên tới sinh hoạt độc đáo của nhân vị.[58] Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ “coi chừng men Pharisêu”, “đừng rập theo thói đời này”, và chỉ ra rằng, “Ta đến để cho chiên ta được sống và được sống dồi dào.” Sống dồi dào không chỉ là lối sống bất khuất của Siêu Nhân nhưng còn là một đời sống kết hợp với Thiên Chúa.

Cũng như Schopenhauer, Nietzsche cho rằng: “vũ trụ chỉ là cái nhìn của ta; giá trị của vũ trụ ở cách ta nhìn và giải nghĩa nó.”[59] Nietzsche đã sử dụng Ý Chí Quyền Lực để khai mở con người ra khỏi mọi đóng khung của thần học hay một khuôn phép nào. Nhờ đó mà con người có thể phóng tầm nhìn của mình tới những chân trời mới mẻ và vinh quang hơn. Một mặt, cần ghi nhận tinh thần cá vị, tự chủ và dám tách mình ra khỏi tính bầy đàn của Ý Chí Quyền Lực. Nhưng mặt khác, có khi nào Ý Chí Quyền Lực sẽ rơi vào sự chủ quan và độc tài? Ý chí ấy có thực sự không cần soi sáng bởi chân lý khách quan và phổ quát? Ý chí ấy có dễ bị chính các đam mê xấu lôi kéo không?

Dẫu cho Nietzsche không quan niệm Siêu Nhân của mình là kẻ độc tài, bởi vì “các đam mê của họ sẽ được kiểm soát và bản chất động vật của họ được hòa hợp với trí khôn của họ”.[60] Về tính phổ quát, Nietzsche không chấp nhận những gì là phổ quát hay tuyệt đối, không thể có “cái tốt chung”, nên ông cho rằng con người luôn cần thẩm định lại cái có trước, đánh giá và lật đổ mọi giá trị truyền thống và sẵn sàng từ bỏ cả những ý kiến trước đây của mình. Đối với Nietzche, đồng ý với các phạm trù phổ quát cũng đồng nghĩa chỉ có một loại bản chất con người mà thôi (tức là ai cũng giống như ai)[61]. Tuy nhiên, không vì thế mà ông từ chối thâu lượm những lời dạy và giáo huấn từ những người thầy. Nietzsche cho rằng Ý Chí Quyền Lực là khả năng đánh giá mọi tư tưởng, và khả năng độc lập khỏi mọi tư tưởng. Trong Zarathustra, ông nói với học trò: “Ta báo đền ơn thầy mình một cách tệ hại nếu ta cứ mãi mãi làm học trò[62]. Sau một thời gian tầm sư học đạo, người học trò phải tự tìm một con đường khác thầy, có khi phải “phản bội” thầy. Dù sao đi nữa, Nietzsche cũng không đồng tình với cái chung, cái phổ quát hay bình đẳng. Ngay cả trong những điều tưởng chừng là “chung” nhưng thực ra nó là “riêng” đối với mỗi người. Rõ ràng, tư tưởng về thế giới của Schopenhauer đã ảnh hưởng nhiều trên Nietzsche. Schopenhauer cho rằng, “thế giới là biểu tượng của tôi”, và “biểu tượng của tôi” sẽ không giống “biểu tượng của bạn”[63]. Cũng tượng tự như quan điểm của Aristotle khi bàn về đức hạnh : mặc dù đức hạnh là trung dung nhưng sự trung dung của đức hạnh nơi mỗi người khác nhau, cũng không có sự trung dung chung cho mọi hành vi nhưng thay đổi tùy người và tùy hoàn cảnh[64]. Theo tôi, vẫn có thể tồn tại cái chung nhưng mọi thứ chỉ khác nhau trong mức độ áp dụng mà thôi. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định thái độ cân bằng đối với tư tưởng cổ truyền: cần xem lại cái trước, tránh gạt bỏ nhưng cũng tránh nhắm mắt làm theo.

Như vậy, tự quyết về đời mình, Ý Chí Quyền Lực đang khẳng định tính cá vị và độc đáo của mình thay vì phải bám chặt vào thứ luân lý cựu truyền.

Ý Chí Quyền Lực là ý chí độc đáo

Dù sao đi nữa thì dưới ngòi bút của Nietzsche, tất cả những gì có tính cách đại chúng đều tầm thường và đáng khinh bỉ. Trong lịch sử, Kitô giáo với những “tòa án dị giáo” hay những “tòa giảng quyền lực” đã kìm hãm những người hùng, chống lại tính sáng tạo của họ. Cho đến thế kỷ 19, Kitô giáo không phổ biến Kinh Thánh (nghĩa là dịch ra nhiều thứ tiếng), cả phụng vụ và giáo huấn đều bằng tiếng cổ ngữ Latinh, bởi lẽ sợ giáo hữu hiểu sai hoặc có những giải thích cấp tiến. Vì thế, hầu hết các Kitô hữu bị nhào nắn bởi các tòa giảng của giáo sĩ. Nếu ai có hướng đi sai lạc giáo huấn của Giáo Hội thì có thể bị tòa án dị giáo đưa lên giàn thiêu, bởi chưng từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 cũng là giai đoạn hộ giáo rất mạnh. Chính thần quyền Kitô giáo làm nên khái niệm “đại chúng” nhu nhược và thiếu sáng tạo. Với Nietzsche, đó là sinh hoạt của loài vật, đề cao sự bình đẳng và chống lại người hùng.

Ngày nay, nhân loại là một đoàn vật, mỗi con vật đó đều có quyền lãnh lấy những chức vụ và ban phát những danh dự: Sự bình quyền này chẳng qua chỉ là một thứ bình đẳng để chống lại tất cả những người hùng và những tâm hồn cao thượng. Người hùng phải hiểu rằng: Ngày nay, muốn làm người cao thượng phải dám tự chủ, sống độc đáo; người hùng tự nhủ: “Người anh hùng nhất là người dám sống cô độc, tự chủ, ý chí mãnh liệt”.[65]

Như vậy, Ý Chí Quyền Lực là ý chí độc đáo, bởi lẽ dám suy nghĩ theo những đường lối mới. Chọn lựa như vậy là một chọn lựa đi vào nỗi cô đơn và đau khổ vì bị chỉ trích. Tính khắc nghiệt ấy làm cho “ơn gọi Siêu Nhân” thật khan hiếm giữa loài người. Nhưng chỉ khi nhận ra sự hèn mạt và nô lệ của đám quần chúng kia, Siêu Nhân mới có thể trung thành với lý tưởng của mình.

Lần đầu tiên khi đến với loài người, ta đã phạm phải cơn điên của kẻ cô đơn, cơn điên rồ vĩ đại: ta đã đứng ở chốn công trường. Và vì ngỏ lời với tất cả mọi người, cho nên ta chẳng nói với một ai. Song vào buổi tối, những người đi dây làm trò xiếc và những xác chết đã là bạn đồng hành của ta; và ngay chính ta, ta cũng gần giống như một xác chết.[66]

Dù sao đi nữa, Siêu Nhân không bạn bè với quần chúng, không cần đếm xỉa lời khen chê của quần chúng. Người đó chỉ vui thích với ý chí sáng tạo, những giá trị mới mẻ của mình. Cuộc sống như vậy mới đích thực là phong phú, tự do và nhân vị. Trong lịch sử, “tuyên truyền” là công cụ mà các nhà lãnh đạo tôn giáo hay chế độ cộng sản sử dụng để điều khiển đám đông. Những câu tuyên ngôn thời danh đã nói lên điều này: “Cách duy nhất để tránh sai lầm là đừng có ý tưởng mới”; “Bất kể điều gì sai, nhưng nói miết sẽ trở thành đúng”. Cái sai lầm của cả tôn giáo và cộng sản là không để cho người dân có khả năng suy nghĩ, phản tỉnh và đánh giá vấn đề. Giới lãnh đạo biến họ thành “những con lừa” chỉ biết “vâng” trong khi chất lên vai những gánh nặng nề. Vì không nhận ra điều ấy nên đám đông luôn ở trong tình trạng bảo thủ với những thứ cổ hủ của mình. Thêm vào đó là những hình phạt như hỏa ngục, mặc cảm tội lỗi… khiến giáo dân sợ hãi khi phải mở ra với điều mới mẻ. Cho nên, người giáo hữu dễ thực hành đạo một cách rập khuôn và bầy đàn. Có lẽ, Nietzsche đã đúng khi phê bình lối đón nhận tư tưởng “quá dễ dãi” của đám đông.

Tuy nhiên, con người có thể tìm kiếm những điều mới mẻ trong những gì là truyền thống không? Cũng như Đức Giêsu đã từng nói: “Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn lề luật.[67] Người ta có thể làm cho một điều ra mới nhờ chắp vá và điểm tô từ những cái cũ. Ý Chí Quyền Lực là một ý chí độc đáo nhưng cũng là một Ý Chí có khả năng đánh giá một cách rốt ráo. Vậy nếu nói như Nietzsche: “ý kiến của tôi là ý nghĩ của tôi; người khác không có quyền nghĩ như thế,[68] thì những khả năng học hỏi, đánh giá, tư biện sẽ thực sự trở nên bế tắc. Như vậy, đề cao tính độc đáo của Ý Chí Quyền Lực không có nghĩa là sáng tạo cái hoàn toàn mới.

Kế đến, không chỉ việc từ chối đón nhận ý kiến người khác, nhưng cả việc khước từ một tha lực trợ giúp không là điều không thể xảy ra. Như Nietzsche vẫn thường nói, tôn giáo là ảo tưởng tạo ra bởi các nhu cầu đời sống con người. Nhưng đáng ra phải nói, lịch sử con người sau hàng ngàn năm sống kiếp hiện sinh mới rút ra được chân lý : “con người là giới hạn”. Con người chỉ là hữu thể giới hạn trong vũ trụ bao la này. Càng tìm tòi phát triển, con người càng cho thấy sự giới hạn của mình. Karl Jaspers chỉ ra giới hạn của con người trong ba điểm: đau khổ, sự chết và sa ngã. Dù với Ý Chí Quyền Lực, con người có nỗ lực tới đâu đi nữa, thì vẫn phải kinh nghiệm về sự giới hạn của mình. Con người chấp nhận bị nhốt trong không gian và thời gian; giữa sự sống và cái chết; giữa tự nhiên và siêu việt… Ý Chí Quyền Lực không ngừng vượt qua chính mình để vươn lên trong đời sống, thì cũng phải vươn tới một thực-tại hoàn-thiện nào đó phía trước. Đức Giêsu cũng khuyên người môn đệ vươn tới tính-hoàn-thiện ấy: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”[69] Vì vậy, kinh nghiệm của tôn giáo là kinh nghiệm thấy mình không thể làm được gì, bất lực hoàn toàn trước bi kịch hiện sinh. Cũng như Phật giáo Tiểu thừa khi chuyển sang nhánh Đại thừa cũng kinh nghiệm được rằng, để tự giải thoát mình nhờ sống theo những giới luật của Phật Tổ quả là khó khăn, cho nên trong tương lai, cần phải có một Đấng nào đó đến khổ độ chúng sanh. Nghĩa là, Phật giáo Đại thừa từ quan niệm “tự độ” chuyển sang “tha độ”. Bởi lẽ, câu niệm chú “Nam Mô A Di Đà Phật” của Đại Thừa có nghĩa là cầu xin Đức Phật A Di Đà trong tương lai đến giải thoát chúng sanh. Riêng Kitô giáo tin rằng, tự bản chất con người không thể đạt đến ơn cứu độ, dù lịch sử cứu độ ghi nhận biết bao lời sấm của các ngôn sứ tiên tri kêu gọi hoán cải. Chỉ mãi tới khi Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa làm người thì con người mới tìm thấy ơn cứu độ. Tuy nhiên, ơn cứu độ không đến như một phép màu nhưng là một sự nỗ lực cộng tác giữa tự nhiên (sự cộng tác của con người) và ơn sủng (sự trợ giúp của Thiên Chúa).

Tóm lại, Ý Chí Quyền Lực không thể là một ý chí độc lập, tách mình hoàn toàn khỏi tha thể. Có lẽ nên chủ trương một Ý Chí Quyền Lực “khôn ngoan” hơn là “bất chấp”, một “đam mê sáng suốt” hơn là “đam mê mù quáng” bởi vì mục đích chính yếu của Siêu Nhân là vượt qua con người chứ không “tàn sát lẫn nhau”.

Siêu Nhân

Trong khi tuyên bố về cái chết của Thượng Đế, Nietzsche đồng thời rao giảng về Siêu Nhân. Thượng Đế đã chết và mặt đất chỉ còn lại con người, cho nên con người phải tìm đến tối thượng của mình là Siêu Nhân. Siêu Nhân là khả tính anh hùng tiềm ẩn bên trong con người, cho nên Siêu Nhân cần được hiện thể: Siêu Nhân phải sống. Siêu Nhân (Ũbermensch) là kẻ đã vượt thắng được (ũberwunden) con người, nghĩa là vượt thắng được chính mình. Trong Zarathustra, Siêu Nhân thành tựu mình ngang qua ba cuộc hóa thân: từ lạc đà thành sư tử, từ sư tử thành trẻ thơ.[70] Lạc đà biểu trưng cho thời kỳ tôn sùng, gởi gắm niềm tin vào các lý tưởng tôn giáo và các giá trị cựu truyền của nó. Lạc đà biểu trưng cho tinh thần nô lệ của Kitô hữu, nhiệt thành chất lên lưng mình tất cả “những gánh nặng”. Nhưng khi đi vào giữa lòng sa mạc của đời mình, tinh thần lạc đà muốn chinh phục tự do và làm chủ sa mạc riêng của nó, cho nên nó hóa thân thành sư tử. Sư tử tượng trưng cho sự đỗ vỡ niềm tin, và cho thời kỳ của tinh thần tự do. Sư tử vực dậy khao khát tự giải phóng mình để tiến tới những sáng tạo mới mẻ. Nhưng để tái khởi một công trình mới và một niềm tin mới, sư tử cần hóa thân thành trẻ thơ. Vậy ba cuộc hóa thân biểu trưng cho tiến trình từ tiếng “Vâng” giả trá (con lừa) đến tiếng “Không” linh thánh (sư tử), và sau cùng là tiếng “Vâng” linh thánh (trẻ thơ). Hay nói cách khác, Siêu Nhân tự thành tựu qua ba giai đoạn: nô lệ (lạc đà) – giải phóng (sư tử) – xây dựng (trẻ thơ).

Siêu Nhân là con người luôn vươn lên.

Con người là cái gì cần phải được vượt qua.[71] Đây được xem là định nghĩa của Nietzsche về Siêu Nhân. Con người là một nhịp bước, là quá trình đi lên, và không sống trong nhu nhược và chờ đợi. Đi lên không phải là ra khỏi mặt đất nhưng vẫn trung thành với trái đất, làm chủ trái đất bằng một con người cao thượng. Trong Zarathustra, Nietzsche gọi con người là một cái cầu chứ không phải mục tiêu. Con người là một sợi dây căng thẳng giữa con thú (animal) và Siêu Nhân (overman). Sợi dây căng ngang một hố sâu thẳm, mà dù bước tới, dừng lại, hay nhìn về phía sau thì đều thấy nguy hiểm. Vì chỉ là cầu nối nên con người là một sự chuyển tiếp và một sự suy tàn. Như vậy, Siêu Nhân là con người bất chấp, dám vươn lên chính mình trong sự hiểm nguy.

Con người là một sợi dây căng thẳng giữa con thú và Siêu Nhân – sợi dây căng ngang một hố thẳm.Vượt qua hố thẳm: nguy hiểm; cất bước giữa đường đi: nguy hiểm; nhìn lại đằng sau: nguy hiểm – rùng mình sởn ốc và đứng dừng: nguy hiểm. Điều cao đại nhất nơi con người nằm ở chỗ con người là một chiếc cầu chứ không phải một mục tiêu; điều mà ta có thể yêu thương nơi con người là: con người là một sự chuyển tiếp và một sự suy tàn.[72]

Siêu Nhân không vươn mình lên lý tưởng siêu việt như Kitô giáo đã làm với Thượng Đế. Siêu Nhân tuyệt đối trung thành với trái đất. “Siêu Nhân là chiều hướng, là ý nghĩa của trái đất.”[73] Tuy nhiên, sự trung thành này không phải là thái độ an hưởng hay buông thả, nhưng “ý nghĩa của trái đất” tức là ý nghĩa cuộc hiện sinh. Thay vì thái độ chờ chết của Kitô giáo, Nietzsche khuyên Siêu Nhân phải tái lập nền luân lý hiện sinh và lý tưởng sinh hoạt như vũ bão, lấy trần gian làm nơi phát triển những nghị lực và dự tính cao cả nhất của con người. Đối với Nietzsche, cuộc hiện sinh này là giá trị duy nhất của đời người: hỏng mất cuộc đời là hỏng tất cả. Vì vậy, với một chí khí dũng mãnh, con người tự giải phóng mình, tự vượt mệnh (self-transcending being) thay vì “thuận mệnh” để đạt tới Siêu Nhân.

Hỡi các anh em, hãy trung thành với mặt đất bằng tất cả sức mạnh của đức hạnh các anh em! Ước gì tình yêu ban phát quảng đại và tri thức của anh em sẽ dùng làm ý nghĩa cho mặt đất…

Hãy như ta, các anh em hãy đưa dẫn đức hạnh lạc lối trở về lại với mặt đất trần gian – vâng, hãy đưa dẫn đức hạnh đó về với thân xác và sự sống; để nó có thể ban cho mặt đất một ý nghĩa, một ý nghĩa nhân bản!…

Hỡi các anh em, ước sao tinh thần cùng đức hạnh các anh em dùng làm ý nghĩa cho mặt đất, và giá trị của mọi vật phải được canh tân lại do bàn tay các anh em! Chính vì thế các anh em phải chiến đấu, chính vì thế các anh em phải là những kẻ sáng tạo…

Ý chí sẽ giải thoát con người, bởi vì “muốn” chính là sáng tạo: đấy là điều ta rao giảng.[74]

Như vậy, Siêu Nhân cũng giống như tinh thần “magis”[75], không chấp nhận ù lì hay thỏa hiệp nhưng luôn thấy mình cần “hơn nữa” trong cuộc hiện sinh. Nghĩa là con người luôn luôn trên đường vươn tới hay vượt qua thay vì nghĩ rằng mình đã cán đích. Siêu Nhân là dự án đã khởi đầu và “chưa bao giờ” hoàn tất. Như vậy, cuộc sống phải trở nên nghịch lý với mẫu người Siêu Nhân. Càng bước trong hiện sinh, Siêu Nhân càng cảm thấy tính bấp bênh và chênh vênh, nhưng anh ta đối diện với nó bằng một tinh thần thép, bởi vì Siêu Nhân là kẻ đã được giác ngộ.

Siêu Nhân là con người được giác ngộ

Siêu Nhân là người từ trong quần chúng bước ra, nhưng phải giẫm lên quần chúng. Siêu Nhân không bị trói buộc vào một hạn chế nào, không nhắm mắt tin theo những lời truyền dạy của tôn giáo nữa. Theo Niezcshe, đó là con người đã giác ngộ. Rõ ràng, giác ngộ hiểu theo Nietzcshe không hề giống với Kitô giáo hay Phật giáo. Giác ngộ theo các tôn giáo là tìm ra chân lý (là Đấng Tối Cao, Tuyệt Đối) để phụng sự và bước theo ánh sáng. Nhưng giác ngộ, theo Nietzsche, là sự tỉnh thức khỏi mọi u mê và mọi giấc ngủ triền miên. Sự tỉnh thức là ý thức về cuộc hiện sinh này, không để mình bị nô lệ bất kì điều gì, nhưng thay vào đó là thái độ tự chủ và tự do đánh giá lại tất cả mọi giá trị. Giác ngộ là tự nhận trách nhiệm làm ánh sáng soi lấy đường mình đi, vâng theo Ý Chí Quyền Lực với một thái độ tự do.

Điều tai hại Nietzsche nhận ra là các Kitô hữu cứ muốn mãi làm học trò, muốn được linh mục hay Giáo Hội dạy dỗ, nhu nhược trong suy nghĩ. Nietzsche coi những ông thầy đó là một “tai hại cần thiết”. Đúng là con người cần phải có thầy dạy bảo, nhưng thầy giáo thường là một tai hại và trở ngại cho sự tiến bộ của người yêu thích tự do, bởi lẽ trò không dám vượt mặt thầy. Cũng vậy, trong Giáo Hội xuất hiện nhiều Kitô hữu có khả năng tài giỏi nhưng tinh thần vẫn yếu đuối, không dám có ý nghĩ riêng và khác với những điều Giáo Hội thường dạy. Họ mang một mặc cảm và sợ hãi khi “chống lại” Giáo Hội. Vì vậy, Nietzsche đưa ra những lời khuyên:

Thực ra, ta khuyên các ngươi điều này: hãy xa lánh ta và hãy coi chừng Zarathustra! Hơn nữa, các ngươi hãy hổ thẹn vì Zarathustra ! Có lẽ hắn đã lừa gạt các ngươi. Kẻ tìm kiếm tri thức thì không những phải biết yêu thương kẻ thù mà còn phải biết thù ghét những bạn hữu của mình. Ta báo đền ơn thầy mình một cách tệ hại nếu ta cứ mãi mãi làm học trò.[76]

Quả thực, nhiều tác giả đã đánh giá cao câu nói của Nietzsche, thầy dạy người ta làm người, chứ không dạy người ta làm học trò suốt đời. Học trò khôn ngoan phải biết tìm con đường của riêng mình. Tính giác ngộ của Siêu Nhiên cho thấy một thái độ không dựa dẫm, nhưng đầy can đảm bước đi bằng nét riêng của mình.

Quy Hồi Vĩnh Cửu

Siêu Nhân mang Ý Chí Quyền Lực, nói theo Felicien Challaye[77], như là nền tảng cho một tôn giáo mới, một tôn giáo không dối trá của Nietzsche[78]. Mỗi tôn giáo thường có một nơi an tại vĩnh hằng, như Kitô giáo có Nước Trời, Phật giáo có Niết Bàn, vậy đâu là niềm hi vọng nơi tôn giáo mới của Nietzcshe? Thưa, đó là lý tưởng “Quy Hồi Vĩnh Cửu” của Siêu Nhân. Nietzsche đã suy xét và tìm hiểu ngọn nguồn từ triết học đến khoa học để tìm hiểu “Quy Hồi Vĩnh Cửu”. Trong tác phẩm Ý Chí Quyền Lực (The Power to Will), Nietzcshe khẳng định cuộc trở về Vĩnh cửu là “giả thiết khoa học nhất trong những giả thiết” vì nó bao hàm trong thuyết bất biến về năng lượng.[79] Quy Hồi Vĩnh Cửu được hiểu là thế gian diễn qua diễn lại cùng một khung cảnh, vô hạn và vĩnh cửu, và mỗi lần như vậy con người bắt đầu sống lại cuộc đời của mình.[80] Đó là lời rao giảng của Zarathustra: “Vạn sự đều vĩnh viễn trở về và chúng ta, chúng ta cũng trở về cùng vạn sự, chúng ta đã từng có mặt hằng hà sa số lần và vạn vật đã có mặt ở đó cùng với chúng ta.”[81] Quy Hồi Vĩnh Cửu cũng giống như Luân hồi của Phật giáo khi cho rằng cuộc sống là sự tái diễn kiếp này qua kiếp khác. Tuy nhiên, Phật giáo chủ trương luân hồi như là một sự thanh luyện để vào trong cõi niết bàn. Còn Quy Hồi Vĩnh Cửu của Nietzsche mang ý nghĩa của niềm vui và hạnh phúc khi được gắn liền với trái đất. Dĩ nhiên, ý tưởng này sẽ trở thành đau khổ và phiền muội cho những kẻ mơ tưởng cõi-bên-kia, kẻ rao giảng sự chết và kinh miệt thân xác. Cho nên, hiện sinh nào cũng là giằng co giữa thân phận con người và cái chết. Kitô giáo cho rằng cái chết là một sự giải thoát, còn Nietzcshe bảo rằng sự chết là một cuộc tái sinh. Vậy nên Quy Hồi Vĩnh Cửu là liều thuốc hóa giải cho trăn trở của Siêu Nhân khi đối diện với sự chết và ý nghĩa đời mình bởi lẽ – một mặt, Siêu Nhân yêu mến trái đất và cuộc hiện sinh – mặt khác, Siêu Nhân sẽ trở nên vô nghĩa với cái chết.

Tuy nhiên, tại sao mọi cố gắng phi thường để sáng tạo Siêu Nhân cuối cùng lại trở về bọn người nhỏ bé? Chẳng lẽ Siêu Nhân mãi là một nỗ lực triền miên? Quả đúng như vậy, Quy Hồi Vĩnh Cửu là niềm hi vọng lớn lao cho sự xuất hiện của Siêu Nhân. Vì thế, Siêu Nhân hoàn toàn lạc quan đón nhận cuộc trở về Vĩnh cửu.

Mọi hoan lạc đều khát khao ước muốn chính mình, chính vì thế hoan lạc khát khao sự thống khổ! Hỡi hạnh phúc! Hỡi khổ đau! Ồ, trái tim, hãy vỡ tan ra từng mảnh! Vậy thì, hỡi những con người thượng đẳng, hãy học biết điều này: hoan lạc khát khao ước muốn thiên thu vĩnh cửu.

– hoan lạc khát khao ước muốn thiên thu của vạn sự, khát khao thiên thu thăm thẳm, tuyệt mù.[82]

Như vậy, Quy Hồi Vĩnh Cửu là một món quà đối với Siêu Nhân không phải vì nó đạt được thành quả nào, nhưng bởi lẽ còn được thấy chính mình trong hiện sinh. Nếu sự trở về vĩnh cửu của con người và sự vật diễn ra trên trái đất này; và chính trái đất cũng là một vật có khả thể biến mất (một sự va chạm vũ trụ có thể làm nên điều đó). Vậy Quy Hồi Vĩnh Cửu sẽ trở nên vô nghĩa nếu trái đất không còn nữa chăng? Có lẽ, dù Quy Hồi Vĩnh Cửu có giới hạn thì Siêu Nhân vẫn được Nietzsche xem là “trang vàng” của bộ lịch sử nhân loại.

MỘT VÀI NHẬN XÉT

Đến đây mục tiêu và kế hoạch của Nietzsche dành cho Kitô giáo thực đã phần nào lộ rõ. Đầu tiên, Nietzcsche chỉ ra một tôn giáo đã sụp đổ và tha thiết cho mọi người nhận ra điều ấy ngang qua lời rao giảng: “Thượng Đế đã chết.” Kế đến, Nietzsche chủ trương xây dựng một tôn giáo mới, tôn giáo của loài người, để khắc phục tất cả những tiêu cực của tôn giáo hữu-thần, đồng thời phụng sự cho lý tưởng siêu-nhân-hóa loài người của mình. Sau cùng, Nietzsche kể ra tính vĩnh cửu của tôn giáo của mình như là một niềm hi vọng vô cùng tận. Tuy nhiên, theo thiển ý, người viết nhìn nhận Nietzsche như là một nhà cải cách tôn giáo, tư tưởng của ông như là một hồi chuông. Nghĩa là, bản chất Kitô giáo không bao giờ bị sụp đổ, nhưng được củng cố thêm nhờ Nietzsche.

Để nói đến những tích cực, đầu tiên, Nietzsche đã có công chỉ ra thái độ nhu nhược và yếu kém trong niềm tin tôn giáo của các Kitô hữu. Dù với giọng điệu mạnh bạo và ngạo mạn, Nietzsche dễ bị coi là kẻ phá hoại tôn giáo. Tuy nhiên, trước một đám đông mà phần lớn đang bị ru ngủ, Nietzsche phải dùng đến một tiếng la hét thật lớn, một gáo nước thật lạnh hầu mong thức tỉnh được họ. Người ta phải công nhận sự chân thành của Nietzsche, cũng như thao thức của Nietzsche dành cho cuộc sống và cho con người. Vì vậy, xét cách chung, tư tưởng của Nietzsche hay các nhà hiện sinh khác đều tranh đấu cho con người, thế nhưng ở Nietzsche người ta thấy một sự bùng nổ lớn và một tầm ảnh hưởng rộng tới mọi người. Không chỉ bởi vì cách nói như búa nện nhưng còn vì tư tưởng của Nietzcshe chỉ là những cách ngôn (cả dụ ngôn) lý thú, dễ đọc và dễ nắm bắt.

Kế đến, phê bình của Nietzsche là một phản tỉnh rõ nét cho người Kitô hữu khi nhìn về lối sống đạo của mình. Trong tâm lý học, để biết mình luôn có bốn yếu tố quan trọng: tôi biết (tôi) – người khác biết (tôi), tôi biết – người khác không biết, tôi không biết – người khác biết, tôi không biết – người khác không biết. Vì nhận ra một Kitô giáo mà tính bảo thủ đã ăn sâu trong thần quyền, một cách khách quan, Nietzsche đã chỉ ra những căn bệnh mà người trong cuộc không thấy. Ông không những chỉ ra những chỗ tối, nhưng còn cho biết những hệ quả khôn lường của nó, tức là đi vào chủ nghĩa Hư vô. Không dừng lại ở phản tỉnh, tư tưởng Siêu Nhân của Nietzsche là một liều thuốc bổ cho những tâm hồn muốn vươn lên khỏi thói ưu hèn và nô lệ. Một linh mục Kitô giáo tên là Yves de Montcheuil, S.J., trong vai trò mục vụ sinh viên, cũng đưa ra nhận định của mình về Nietzsche như sau:

Đối với một tín đồ Ki-tô giáo đã vững tâm không sợ bị lôi cuốn, chúng tôi có thể quyết rằng ít có chi bổ ích cho tinh thần bằng sự suy nghĩ những trang Nietzsche đã viết. Bổ ích vì những trang đó bắt ta suy nghĩ và phản ứng. Nietzsche răn chúng ta đừng theo chước cám dỗ tai hại thường làm chúng ta muốn biện hộ và thần thánh hóa những yếu hèn của chúng ta và những nhu nhược của chúng ta nấp sau những mặt nạ nhân đức để yên thân trong cảnh nhu nhược.[83]

Sau cùng, mặc dù xem Kitô giáo như là kẻ thù nhưng qua nhiều tác phẩm của mình, Nietzsche không ngừng yêu mến con người lý tưởng của Giêsu.[84] Ông xem Đức Giêsu như là một nhà cải cách tôn giáo, một người dám đứng lên “chống lại” những thực hành bề ngoài của người Do Thái. Ông nhìn nhận Đức Giêsu là người Kitô hữu đầu tiên – và cũng là người Kitô hữu cuối cùng. Ngài cũng mang nhiều nét trong mẫu người Siêu Nhân của Nietzsche. Hơn nữa, ngay sau khi đã phê bình nghiêm khắc Kitô giáo, năm 1881, ông viết cho Peter Gast như sau: “Dù đã phá đạo Ki-tô, tôi vẫn không quên rằng đời sống tinh thần của mình đã rút được ở đó nhiều kinh nghiệm quý giá. Tự thâm tâm tôi hy vọng chẳng bao giờ phải khó chịu khi đối mặt với nó.”[85] Dù rằng Nietzsche nhìn Đức Giêsu hay Kitô giáo bằng một đôi mắt đã “nhuốm màu” Siêu Nhân của mình, nhưng vẫn lộ rõ một cốt tủy của Kitô giáo mà Nietzsche không thể phủ nhận. Chính Đức Giêsu Kitô là con đường, sự thật và là sự sống của đức tin Kitô giáo.

Thực vậy, điều đầu tiên có thể phê bình Nietzsche là thái độ “đánh đồng” giữa thành phần và tổng thể, giữa cốt tủy và tùy phụ. Kitô giáo không phải tôn giáo của con người lập lên, nhưng do chính Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa thiết lập và trao cho các môn đệ cùng cộng tác. Vì thế Đức Kitô phải là cốt tủy và tinh thần của Kitô giáo. Hơn nữa, Giáo Hội là tập hợp những con người tin và bước theo Đức Kitô. Có thể xuất hiện những cá nhân, tập thể trong Giáo Hội có cách hiểu sai về đức tin, có lối sống bừa bãi, thậm chí “tạo ra Chúa của riêng mình”, nếu nói như Nietzsche. Nhưng tuyệt nhiên Giáo Hội không vì thế mà bị dơ dáy hay ác liệt hơn là sụp đổ. Trong một ngôi nhà gồm nhiều người, mà giả như có một người phạm tội, thì không thể cho rằng đó là “một ngôi nhà tội lỗi” cần phải phá hủy. Do đó, Giáo Hội là bất tử vì là một hữu thể thiêng liêng và bất tận.

Hơn nữa, theo quan niệm của Kitô giáo, Giáo Hội trần gian đang trên đường lữ hành dưới sự soi sáng và đồng hành của Chúa Thánh Thần. Vì thế Kitô giáo và đức tin Kitô giáo là một hành trình chứ không là đích điểm. Nghĩa là qua năm tháng, Giáo Hội cũng có những thay đổi, những thích ứng, và cả những canh tân dành cho con cái mình để sống đức tin mỗi ngày một tốt hơn. Bối cảnh Giáo Hội trong thế kỷ của Nietzsche đang sống là thế, nhưng qua các công đồng, đặc biệt là Vaticanô II, Giáo Hội đã ghi nhận những thay đổi trong cả thần học lẫn quan điểm trong đời sống đức tin. Thay đổi ấy không có nghĩa là đức tin hay chân lý Kitô giáo bị thay đổi, nhưng là tìm kiếm cách giải nghĩa, cách thực hành đức tin sao cho phù hợp với thời đại. Tóm lại, có thể gọi Giáo Hội là cái đã hình thành nhưng chưa hoàn tất.

Lịch sử cho thấy rằng, mọi tư tưởng nhấn mạnh thái quá trong triết học đều dễ dẫn đến cực đoan. Một số triết gia có tham vọng tìm kiếm tính tuyệt đối và triệt để trong triết thuyết của mình, mặc dù chẳng bao giờ có “bến bờ tuyệt đối” trong biển cả mênh mông của triết học. Việc kế thừa và đả phá trong các hệ thống tư tưởng khác nhau là công việc thường hằng của triết học. Có nên chăng xem các tư tưởng như là các món ăn trong bữa tiệc triết học; người ta sẽ tự tìm thấy những món ăn hợp khẩu vị, hợp thời đại cho mình. Vì thế, tư tưởng của Nietzsche sẽ là thích hợp nếu đặt trong một tổng thể, cũng như món ăn trong bữa tiệc. Nhưng nếu đặt riêng lẻ, nó sẽ là một chất độc hại khôn cùng. Triết gia hiện sinh Karl Jaspers đã chống lại Nietzsche bằng cách vạch cho thấy “thuyết nhân bản của Nietzsche, cũng như tất cả các thuyết nhân bản khác, nhất định sẽ đem con người đến chỗ tự tôn mình làm Thượng Đế và do đấy sẽ đưa con người tới những điên rồ vô lý.”[86] Chắc hẳn, không ai quên được những tội ác ghê sợ của chế độ Quốc xã, trong đó chính quyền Hitler đã sát hại hàng triệu người vô tội Do Thái. Mặc dù không thể đổ lỗi hoàn toàn cho Nietzsche, nhưng ai cũng biết rằng quân đội Hitler đã trao tay nhau những trang sách của Nietzsche ca tụng Siêu Nhân; bằng chứng là sau khi quân Hitler đầu hàng, người ta tìm thấy nhiều tập sách của Nietzsche nhan nhản những câu như: “Người hùng phải tàn bạo. Anh em ơi, hãy nêu cao tôn chỉ này : Ta phải tàn bạo.”[87] Một thái độ quân bình là cần thiết trong triết học. Cũng như Kant dung hòa giữa duy lý và duy nghiệm. Cũng cần phải tìm kiếm sự quân bình cho tư tưởng của Nietzsche.

Dù cũng là hai triết gia hiện sinh, cùng muốn con người hiện sinh vượt lên cái tầm thường, nhưng Søren Kierkegaard có cách nhìn về tôn giáo hoàn toàn ngược lại với Nietzsche. Kierkegaard nhìn nhận sinh hoạt tôn giáo là hình thức hiện sinh cao quý nhất và trung thực nhất. Càng xây dựng tương quan với Thượng Đế, con người càng tìm thấy tự do. Đó cũng là vấn đề được đặt ra với Nietzsche. Làm thế nào để kết hợp giữa hiện sinh và siêu việt? Nietzsche từ chối thẳng thừng vấn đề này trong tư tưởng của mình. Về sau này, Karl Jaspers là người đã giải quyết vấn đề hiện sinh và siêu việt. Ông được xem như là kết tinh tuyệt mỹ của hai tư tưởng Kierkegaard và Nietzsche. Ông gọi con đường dẫn tới siêu việt là “con đường của những tượng số.” Theo nghĩa đen, tượng số là biểu tượng có khả năng vạch cho ta thấy một huyền nhiệm. Vũ trụ vạn vật là tượng số, và bất kì sự vật nào[88] đều là tượng số cho những ai chịu suy nghĩ. Mỗi khi “đọc” những tượng số trong vũ trụ, con người thấy hiện sinh bước vào một tương quan mới: tương quan với siêu việt. Nhưng để đạt được tương quan này, theo Jaspers, con người phải bước vào hiện sinh đích thực, tức là có ý thức và tự do. Con người có thể thấy siêu việt trong nhiều tượng số khác nhau, nhưng chỉ tương quan trực tiếp với siêu việt trong chính hiện sinh mà thôi. Như lời của Jaspers nói:

Hiện sinh không thể an nghỉ trong mình nó; nó chỉ được thỏa mãn trong hữu thể siêu việt bởi vì hiện sinh là chính tương quan với siêu việt. Không tương quan này, hiện sinh không còn xứng đáng là hiện sinh nữa.[89]

Tại sao hiện sinh không thể an nghỉ trong chính mình nó ? Lý do nào mà hiện sinh cần phải bám vào siêu việt, đến độ không có tương quan với siêu việt, con người không còn là con người nữa? Theo Jaspers, trước hết, hãy “soi vào” hiện sinh con người. Tự do, một trong những yếu tính của con người hiện sinh, là một tự do bị giới hạn (sức khỏe, sức chịu đựng, khả năng suy nghĩ, trí nhớ…) và bị điều kiện (tùy thuộc hoàn cảnh và giáo dục). Cả trong sinh hoạt thường nhật, trong tự do và tự quyết, con người vẫn cảm thấy bị bế tắc và gặp rào cản. Siêu việt hiện ra trong sinh hoạt thường ngày của hiện sinh dưới hình ảnh cái vượt quá những giới hạn của ý chí : theo Jaspers, người ta phải nhìn nhận giới hạn đó là siêu việt, nếu không là hư vô. Trong khi Nietzsche đề cao sức mạnh vô hạn của ý chí và tự do trong Siêu Nhân, Jaspers lại vạch ra những hoàn cảnh giới hạn như đau khổ, sự chết và tội lỗi như là điểm gặp gỡ của hiện sinh và siêu việt. Càng tìm cách vượt qua đau khổ, như Nietzsche chủ trương, con người càng cảm thấy đau khổ hơn vì những giới hạn. Nhưng đối diện với đau khổ không phải bằng thái độ cam chịu, nhưng là con người tự nhận ra mình là hữu thể bị giới hạn. Tuy nhiên, giới hạn này là giới hạn bởi siêu việt. Theo Jaspers, giới hạn này càng nâng cao giá trị của hiện sinh và nó đặt trong tương quan với siêu việt. Đỉnh cao của hiện sinh và siêu việt là sự chết. Vì sự chết tỏ cho thấy rõ ràng nhất về giới hạn của con người, cả Siêu Nhân của Nietzsche cũng không thể từ chối. Giải pháp của Nietzsche là Quy Hồi Vĩnh Cửu. Còn Jaspers thì khác, ông cho rằng nếu đã sống hiện sinh đích thực (làm người thực sự) thì phải tin rằng sự chết không chấm dứt hiện sinh, mà đưa tới tương quan với siêu việt (cũng như người Kitô giáo tin tưởng là sau khi chết sẽ về với Chúa), nếu không con người chọn làm “con vật xã hội.” Cả những người thực sự tuyên bố vô thần cũng không nghĩ rằng chết là hết, họ chỉ không có can đảm để hi vọng – vì nếu không có tương quan với siêu việt – con người không còn là người nữa. Cuối cùng, tội lỗi (sa ngã) là tượng số để hiện sinh gặp gỡ siêu việt. Cũng giống như Nietzsche, Jaspers cho thấy con người người luôn luôn hơn nữa (tiến thêm) và thể hiện cái định mệnh của mình một cách đầy đủ. Nhưng có một điểm khác biệt chính yếu, Siêu Nhân của Nietzsche tiến lên nhờ sức mạnh, còn hiện sinh vươn lên nhờ biết mình và nhận ra những sa ngã hằng ngày. Jaspers cho rằng: “Sa ngã là ý thức mường tưởng rằng mình đang rơi vào hư vô.”[90] Nếu con người xem sa ngã là tự nhiên, phí lý, chán nản…, nó sẽ đẩy ta vào hư vô. Tuy nhiên, khi coi sa ngã là tiếng nói của giới hạn, thì nó thực có giá trị, và khi ấy hiện sinh gặp gỡ siêu việt chứ không rơi vào hư vô.

Như vậy, hiện sinh và siêu việt vẫn tìm thấy sự gặp gỡ và tương quan trực tiếp ngang qua các tượng số của hiện sinh. Càng nhận thấy hiện sinh hữu hạn, con người càng có cơ hội gặp gỡ siêu việt vô hạn. Cũng vậy, Kitô giáo không chủ trương một thái độ cao ngạo như Siêu Nhân của Nietzsche, nhưng là thái độ dấn thân trong khiêm hạ vì luôn ý thức về giới hạn con người trước mặt Thiên Chúa, đồng thời luôn cần đến sự trợ giúp của Ngài để tiến tới.

KẾT LUẬN

Tóm lại, triết học Nietzsche là một nỗ lực chỉ ra “sự sụp đổ” của Kitô giáo ngang qua viễn tượng: Thượng Đế đã chết. Cái chết của Thượng Đế là cái chết của niềm tin vào thượng đế đã ăn sâu bao đời nay, hay Thượng Đế không còn chỗ đứng cho lối sống của Kitô hữu. Nietzsche đã đả phá mọi bịa đặt về cõi bên kia cũng những trừng phạt, mọi thái độ về sự chết, khinh miệt thân xác và đời tạm. Ông coi thường thái độ nhu nhược nô lệ của đời sống luân lý. Theo đó, Nietzsche nỗ lực xây dựng “một tôn giáo mới” với Ý Chí Quyền Lực, Siêu Nhân và Quy Hồi Vĩnh Cửu như khai phóng một lối nẻo mới cho vấn đề của hiện sinh.

Bài luận ghi nhận những phê bình “vẫn còn hữu ích” của Nietzsche, qua đó cũng mổ xẻ để thấy những phê bình đó có am hợp với cốt tủy của Kitô giáo hay chăng. Bởi vì, Nietzsche đã chỉ phê bình phần vỏ, tức lối sống đạo, chứ chưa đi sâu vào căn tính của đạo. Tuy không thể triển khai hết tư tưởng bao la và thâm thúy của Nietzsche, nhưng bài luận hi vọng cho thấy cái nhìn của Nietzsche về tôn giáo; những giá trị của tư tưởng Nietzsche dành cho tôn giáo. Có lẽ, những tư tưởng quý báu của Kierkegaard, một tác giả lớn bên hiện sinh hữu thần, sẽ là quý giá để trả về thế quân bình cho những phê bình của Nietzsche. Về sau, chính Karl Jaspers đã nỗ lực để dung hợp hai tác giả.

Sau cùng, theo thiển ý, nếu đặt tư tưởng của Nietzsche độc lập thì nó sẽ là một mối tai họa khôn lường, nhưng trong một tổng thể, nó vẫn có nhiều giá trị. Có lẽ cần phải xem Nietzsche như là một vị thuốc trong một thang thuốc; một chấm phá trong một bức tranh; một động tác trong một bài tập luyện. Bởi lẽ, những phê bình của Nietzsche vẫn còn đâu đó trong lối sống của nhiều Kitô hữu thời này. Như vậy, người Kitô giáo mới phát huy được tất cả sức mạnh tự nhiên của mình để hợp tác với ân sủng Thiên Chúa. Vậy nên Nietzsche phải được xem như một nhà cải cách tôn giáo hơn là một kẻ phá hoại. Dù sao đi nữa, nếu nói về gặp gỡ giữa siêu việt (tôn giáo) và hiện sinh thì chính Đức Giêsu đã khởi xướng điều này. Vì chính Ngài là người mang siêu việt (Thiên Chúa) xuống với hiện sinh. Tức là, ở giữa giới hạn của con người yếu đuối, lòng thương xót của Thiên Chúa đã bắt gặp, đã ôm ấp và chữa lành. Được như vậy, người Kitô hữu sẽ sống trách nhiệm hơn với hiện sinh, cũng như câu châm ngôn: “tay bới đất nhặt cỏ, lòng hướng về trời cao”.

THƯ MỤC THAM KHẢO

Nietzsche, F. Nazathustra đã nói như thế, Trần Xuân Kiêm chuyển ngữ. Sài Gòn: Nxb An Tiêm, 1971.

Nietzsche, Friedrich. Kẻ Phản Ki-tô. Hà Vũ Trọng chuyển ngữ. Hà Nội: Nxb Tri Thức, 2013.

Burnham, Douglas. The Nietzsche Dictionary. Bloomsbury.

Nietzsche, Friedrich. The Gay Science, Walter Kaufmann dịch anh ngữ. New York: Nxb Vintage Books.

Challaye, Felicien. Nietzsche Cuộc đời và Triết lý, Mạnh Tường chuyển ngữ. Tp.HCM: Nxb Văn Nghệ, 2007.

Sinh, Bùi Đức. Lịch sử Giáo hội Công Giáo. Canada: Veritas Edition Calgary, 1999.

Đỉnh, Trần Thái. Triết Học Hiện Sinh. Hà Nội: Nxb Văn Học, 2005.

Dũng, Nguyễn Tiến. Lịch sử triết học Phương Tây. Tp.HCM: Nxb Văn nghệ, 2009.

Dũng, Nguyễn Tiến & Bình, Hoàng Đức. Vấn Đề Tôn Giáo Trong Tác Phẩm “Zarathustra Đã Nói Như Thế” Của Friedrich Wilhelm Nietzsche. Tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo – số 01, 2014.

Deleuze, Gilles. Nietzsche và Triết học. Nguyễn Thị Từ Huy chuyển ngữ. Hà Nội: Nxb Tri Thức, 2010.

Stumpf, Samuel Enoch. Triết học và các luận đề, dịch bởi Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy. Hà Nội: Nxb Lao Động, 2004.

 


[1] Cf. Lm. Bùi Đức Sinh, O.P., Lịch sử Giáo hội Công Giáo (Canada: Veritas Edition Calgary, 1999), p. 213.

[2] Douglas Burnham, The Nietzsche Dictionary (Bloomsbury), p. 277.

[3] Người viết dùng từ Thượng Đế thay vì Thiên Chúa có ý rằng, Nietzsche không chỉ nhắm đến phê bình Thiên Chúa của Kitô giáo, nhưng còn là Đấng Duy Nhất, Thượng Đế, Ông Trời… của các tôn giáo khác, đặc biệt là những tôn giáo chủ trương Độc Thần.

[4] Cf. Friedrich Nietzsche, Kẻ Phản Ki-tô, Hà Vũ Trọng chuyển ngữ (Hà Nội: Nxb Tri Thức, 2013), p. 53.

[5] Cf. Douglas Burnham, The Nietzsche Dictionary, p. 153.

[6] Cf. Douglas Burnham, The Nietzsche Dictionary, p. 154.

[7] Chủ nghĩa Hư vô (nihilism) hay tư tưởng đoạn tuyệt cho rằng cuộc sống này không có mục tiêu nào có ý nghĩa, mục đích, hoặc giá trị nội tại. Nơi đó, mọi giá trị đạo đức chỉ là giả tạo, không tồn tại.

[8] Cf. Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh (Hà Nội: Nxb Văn Học, 2005), p. 130-131.

[9] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, Trần Xuân Kiêm chuyển ngữ (Sài Gòn: Nxb An Tiêm, 1971), p. 170.

[10] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 9.

[11] Cf. F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 60.

[12] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 184.

[13] Trích Tin Mừng Mát-thêu (Mt 5, 4)

[14] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 187.

[15] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 185.

[16] Trích Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu (Mt 6,3)

[17] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 186.

[18] Cf. F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 186.

[19] Cf. F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 186.

[20] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 186.

[21] Cf. F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 187.

[22] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 47.

[23] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 46.

[24] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 419-420.

[25] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 9.

[26] Nguyễn Tiến Dũng, Lịch sử triết học Phương Tây (Tp.HCM: Nxb Văn nghệ, 2009), p. 352.

[27] Nguyễn Tiến Dũng, Lịch sử triết học Phương Tây, p. 358.

[28] Nguyễn Tiến Dũng & Hoàng Đức Bình, Vấn Đề Tôn Giáo Trong Tác Phẩm “Zarathustra Đã Nói Như Thế” Của Friedrich Wilhelm Nietzsche (Tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo – số 01, 2014), p. 3-13.

[29] Điều này đã được các triết gia hiện sinh về sau sử dụng như Marcel và Merleau Ponty khi cũng phát biểu rằng: “Tôi là xác tôi.”.

[30] Cf. F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 53.

[31] Cf. F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 53-54.

[32] Tự ngã là một khái niệm bắt nguồn từ Phật giáo. Tự ngã là một cái ngã độc lập tồn tại bên cạnh một thân thể và “làm chủ” thân thể.

[33] Trích thư của Thánh Phao-lô gởi cho giáo đoàn Cô-rin-tô (1Cr 6,19)

[34] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 82.

[35] Cf. F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 81.

[36] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 82.

[37] Cf. F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 83.

[38] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 81.

[39] Gilles Deleuze, Nietzsche và Triết học, Nguyễn Thị Từ Huy chuyển ngữ (Hà Nội: Nxb Tri Thức, 2010), p. 135.

[40] Cf. Samuel Enoch Stumpf, Triết học và các luận đề, dịch bởi Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy (Hà Nội: Nxb Lao Động, 2004), p. 339.

[41] Đây là lời tựa đề mà Nietzsche dành cho tác phẩm Zarathustra.

[42] Friedrich Nietzsche, Kẻ Phản Ki-tô, p. 74-75.

[43] Cf. Friedrich Nietzsche, The Gay Science, Walter Kaufmann dịch anh ngữ (New York: Nxb Vintage Books), p. 181.

[44] Cf.Friedrich Nietzsche, The Gay Science, p.181.

[45] Ở đây ý muốn nói tới “niềm tin vào Thượng Đế (đích thực)” đã chết, chứ không phải chính Thượng Đế đã chết, bởi vì Ngài là bất tử.

[46] Kẻ Xấu Xí Nhất Loài Người là kẻ thấp kém, nhu nhược và không thể thành toàn chính mình trong ý nghĩa hiện sinh.

[47] Cf. F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 533.

[48] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 475.

[49] CF. F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. XXIII.

[50] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, p.134.

[51] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 46.

[52] Friedrich Nietzsche, La Volonté de puissance, t.II, Tr. 44. (Cf. Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, p. 135)

[53] Cf. Gilles Deleuze, Nietzsche và Triết học, p. 70.

[54] Par delà le Bien et le Mal, aphor. 212 (Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, p. 142)

[55] Volonté de puissance, t. II, p. 44 (Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, p. 136)

[56] Par delà le Bien et le Mal, aphor. 260, 42. (Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, p. 139.)

[57] Par delà le Bien et le Mal, aphor. 260, 42 (Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, p. 139.)

[58] Cf. Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, p. 95.

[59] Cf. Samuel Enoch Stumpf, Triết học và các luận đề, p. 280-281.

[60] Cf. Samuel Enoch Stumpf, Triết học và các luận đề, p. 341.

[61] Cf. Samuel Enoch Stumpf, Triết học và các luận đề, p.338.

[62] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 153.

[63] Cf. Samuel Enoch Stumpf, Triết học và các luận đề, p.281.

[64] Cf. Samuel Enoch Stumpf, Triết học và các luận đề, p. 87.

[65] Par delà le Bien et le Mal, aphor. 212 (Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, p. 142)

[66] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 581.

[67] Trích Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (Mt 5, 17)

[68] Par delà le Bien et le Mal, aphor. 260, 42 (Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, p. 140)

[69] Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (Mt 5, 48)

[70] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 33-37.

[71] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 8.

[72] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 13.

[73] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 9.

[74] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 5-16.

[75] Khái niệm “Magis” xuất hiện trong linh đạo Dòng Chúa Giêsu của thánh I-nhã.

[76] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 153.

[77] Felicien Challaye là một tác giả lớn trình bày về triết học của Nietzsche một cách đáng tin cậy.

[78] Cf. Felicien Challaye, Nietzsche Cuộc đời và Triết lý, Mạnh Tường chuyển ngữ (Tp.HCM: Nxb Văn Nghệ, 2007), p. 45.

[79] Cf. Felicien Challaye, Nietzsche Cuộc đời và Triết lý, p. 168.

[80] Felicien Challaye, Nietzsche Cuộc đời và Triết lý, p. 165.

[81] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 452.

[82] F.Nietzsche, Nazathustra đã nói như thế, p. 659-660.

[83] Y.de Montcheuil, Mélanges théologiques, Aubier 1951, p. 182-183 (CF. Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, p. 154)

[84] CF.FELICIEN CHALLAYE, sđd, Tr. 43.

[85] FELICIEN CHALLAYE, sđd, Tr. 43.

[86] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, p. 221.

[87] Cf. Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, p.153.

[88] Jaspers quả quyết bất cứ sự vật nào cũng có thể trở thành tượng số, và có bốn loại tượng số căn bản: vũ trụ, ý thức con người nói chung, lịch sử của tinh thần con người nói chung, và sau hết là hiện sinh của mỗi nhân vị.

[89] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, p.226.

[90] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, p. 232.