Môn học: Triết học tôn giáo
Giáo sư: Vũ Uyên Thi, S.J.
Học viên: Đỗ Mạnh Hùng, S.J.

Sự hiện hữu của Thiên Chúa là một đề tài lớn trong triết học. Theo dòng lịch sử, rất nhiều triết gia đã nỗ lực đưa ra câu trả lời cho vấn nạn này. Có người phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và cũng có người khẳng định sự hiện hữu của Ngài. William Paley thuộc nhóm triết gia khẳng định. Luận cứ mà ông sử dụng là thiết kế luận (design argument). Vậy, thiết kế luận là gì? Thiết kế luận có chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa một cách thỏa đáng hay không?

Dẫn nhập

Thiết kế luận (design argument) hay viễn đích luận (teleological argument) được xem là một trong những luận chứng chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa phổ biến nhất, được nhiều người chấp nhận nhất. Luận chứng này vốn đã xuất hiện ngay từ thời của Plato với tác phẩm Timaeus. Về sau, nó trở thành con đường thứ năm trong Ngũ Đạo, năm con đường chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, mà thánh Tôma Aquinnô đưa ra. Nhưng đến thời hiện đại, người trình bày luận chứng này tiêu biểu hơn cả chính là tác giả William Paley với sự loại suy về chiếc đồng hồ.[1] Vậy luận chứng này được trình bày thế nào? Những phê bình nào có thể được đưa ra cho luận chứng này? Liệu luận chứng có thể chứng minh được sự hiện hữu của Thiên Chúa một cách hoàn toàn thỏa đáng không? Bài viết này sẽ cố gắng lần lượt phần nào trả lời cho những câu hỏi ấy.

  1. Thiết kế luận nói gì?

Paley bắt đầu luận chứng của mình như sau: Khi đi giữa một khu rừng hoang, giả như tôi thấy một hòn đá, và nếu có ai hỏi tôi hòn đá ấy xuất hiện ở đó thế nào. Tôi sẽ trả lời rằng nó vốn nằm đó một cách tình cờ do những nhân tố tự nhiên như hoạt động của núi lửa, nắng, mưa, gió, bão… đưa tới. Nhưng nếu tôi thấy một chiếc đồng hồ, tôi sẽ không thể trả lời như vậy. Bởi lẽ tôi thấy nơi chiếc đồng hồ ấy một sự tổ chức sắp xếp hết sức phức tạp của các bộ phận như bánh răng, trục lăn, lò xo… Tất cả cùng làm việc trong một trật tự để nhắm tới một mục đích là đo lường thời gian. Điều này không thể đến từ tự nhiên nhưng nhất thiết phải do một trí tuệ thiết kế, chế tạo ra.

Từ đây, Paley lập luận theo kiểu loại suy rằng: Thế giới của chúng ta cũng giống như một cỗ máy khổng lồ với những bộ phận được sắp xếp hoạt động phức tạp mà khi nhìn vào đó ta phải thừa nhận sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. Từ sự chuyển động theo quỹ đạo của các hành tinh, sự xoay vần nhịp nhàng của thời tiết, mùa màng, ngày đêm, đến hệ thống cấu tạo vận hành nơi các bộ phận, tế bào trong cơ thể con người và những sinh vật, thực vật sống trên mặt đất…  Tất cả những điều đó không thể là một sự ngẫu nhiên nhưng cho thấy phải có một trí tuệ đằng sau thiết kế, sắp đặt và điều hành mọi sự, trí tuệ ấy chính là Thiên Chúa.

Paley còn thêm rằng: Ngay cả khi chúng ta chưa từng trực tiếp thấy một chiếc đồng hồ nào được chế tạo; hoặc khi chúng ta thấy một vài bộ phận trong chiếc đồng hồ đó làm việc không đúng chức năng; hoặc khi chúng ta chưa khám phá ra những chức năng của một vài bộ phận nào đó thì ta vẫn phải thừa nhận trí tuệ tạo ra nó. Như vậy, Paley cũng muốn nói rằng ngay cả khi ta không trực tiếp thấy Thiên Chúa tạo nên thế giới này; ngay cả khi ta thấy trong thế giới này còn có những điều “trục trặc”; và ngay cả khi còn có những điều trong thế giới ta chưa hiểu được chức năng ý nghĩa, vận hành của nó, thì ta vẫn phải thừa nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Tóm lại theo Paley, giống như chiếc đồng hồ có cơ cấu các bộ phận vận hành phức tạp đòi hỏi phải có một người thợ tạo ra nó thì thế giới với hệ thống trật tự và vận hành tinh vi phức tạp cũng đòi hỏi phải có một Đấng Tạo Hóa là Thiên Chúa.

  1. Những phê bình dành cho thiết kế luận

Luận chứng thiết kế được trình bày như trên thật gần gũi với kinh nghiệm quan sát của con người. Nó mang tính thực tế, dễ hiểu và xem ra thật thuyết phục, chắc chắn. Có lẽ vì thế mà tác giả Emanuel Kant, trong tác phẩm Phê Bình Lý Trí Thuần Túy, dù phản bác nhưng vẫn đánh giá cao luận chứng này và xem đây là lý chứng xứng đáng để kính cẩn giới thiệu, là lý chứng xưa nhất, rõ ràng nhất, thích hợp nhất cho trí khôn con người.[2] Tuy nhiên, quả thực luận chứng này vẫn có thể bị phê bình và bẻ gãy bởi những điểm yếu của nó.

Trước hết, điểm yếu cơ bản trong luận chứng của Paley chính là tiền giả định thế giới này giống như một sản phẩm nhân tạo, chiếc đồng hồ, với những cấu tạo trật tự mục đích mà khi nhìn vào đó người ta buộc phải quy gán cho một trí tuệ tạo ra nó. Chúng ta đồng ý rằng khi nhìn thấy một sản phẩm nhân tạo như chiếc đồng hồ ta không thể cho rằng nó đến từ tự nhiên. Chúng ta cũng đồng ý rằng thế giới này có những trật tự vận hành nhất định. Nhưng điều đó đâu nhất thiết buộc ta phải hình dung thế giới như một sản phẩm nhân tạo. Nếu ta có thể loại suy thế giới từ trật tự của chiếc đồng hồ cớ sao ta không thể loại suy thế giới từ trật tự của một “sản phẩm” tự nhiên, một loại động vật hay thực vật nào đó, như trong phê bình của David Hume đưa ra chẳng hạn?[3] Nếu như việc loại suy thế giới từ một sản phẩm nhân tạo, như chiếc đồng hồ, khiến ta phải quy gán việc tạo thành thế giới cho một trí tuệ có ý thức thì việc loại suy thế giới từ một sản phẩm tự nhiên, như một con vật hay một cái cây, sẽ khiến ta phải quy gán trật tự thế giới này là do tự nhiên! Như vậy, về mặt luận lý, luận chứng của Paley đã bị bẻ gãy.

Về mặt thực tiễn ta cũng thấy, không phải hễ cứ thấy vẻ trật tự của một điều gì đó thì buộc ta phải suy ra điều đó là do sự sắp đặt của một trí tuệ có ý thức. Trong thực tế, có khi ta thấy một dãy núi, một khối trầm tích, một cánh hoa mà chúng có hình thù một con vật hay một khuôn mặt người như thể có người tạo ra, nhưng ta vẫn biết chúng là do tự nhiên hình thành. Rõ hơn, cấu tạo vận hành và sự sinh trưởng của một cái cây, một cơ thể sống không khiến ta suy ra có người tạo ra chúng. Do đó việc thấy những trật tự của vũ trụ thế giới không buộc phải đồng nhất với việc quy gán cho một trí tuệ tạo thành.[4]

Cũng theo hướng bác bỏ sự quy gán đó, trong những phê bình của mình dành cho thiết kế luận, Hume đã lấy luận thuyết của Epicurean để nói rằng cả vũ trụ này bao gồm vô vàn những mảnh nhỏ chuyển động cách ngẫu nhiên. Theo thời gian những mảnh này đi qua mọi sự phối kết có thể. Và nếu sự kết hợp nào hình thành ổn định sẽ có thể được nhận biết và tạo ra trật tự vũ trụ như ta thấy hiện nay.[5] Nếu ta dùng lập luận này của Hume  để hình dung việc hình thành trật tự vũ trụ thế giới giống như thể việc người ta không ngừng cầm một nắm những nốt nhạc và chữ cái ném vào không trung để những nốt nhạc và chữ cái ấy rơi xuống ngẫu nhiên cho tới khi hình thành ra một một bài hát thật hay; hoặc một  mớ những dây cót, bánh răng, trục lăn không ngừng được ném lên không trung cho tới khi chúng rơi xuống và ngẫu nhiên hình thành một chiếc đồng hồ hoạt động được, thì chuyện quả là khó “tin”! Nhưng nếu ta hiểu luận thuyết này muốn nói việc hình thành trật tự thế giới vạn vật là một quá trình vạn vật tự thân biến đổi, thích nghi như thuyết tiến hóa chọn lọc tự nhiên của Dawin đưa ra, thì đó là điều hoàn toàn hợp lý. Khi Hume cho rằng thế giới này nên được loại suy từ một sinh vật hay động vật, thì giống như Dawin, ông cũng muốn nói trong chính nội tại thế giới này vốn có một năng lực sinh trưởng, tiến hóa, thích nghi và đi vào trật tự hài hòa. Loài chim sống trên trời thì hình thành cánh, loài cá sống ở nước thì hình thành mang, xương rồng trong sa mạc thì hình thành gai v.v. Tất cả là tự nhiên chứ không cần sự tác thành của Thiên Chúa. Thực ra luận thuyết tiến hóa tự nhiên này sẽ không thể bác bỏ được sự hiện hữu của Thiên Chúa nếu đáp trả được đưa ra là: Chính Đấng Tạo Hóa đã “cài đặt” trong nội tại thế giới vạn vật quy luật tiến hóa chọn lọc và thích nghi ấy; và Ngài để chúng được tự do vận động theo năng lực nội tại ấy. Tuy nhiên ở đây, lập luận tiến hóa tự nhiên đã đủ để phê bình khẳng quyết của Paley cho rằng trật tự thế giới nhất thiết phải là sản phẩm được chế tạo sắp xếp trực tiếp bởi Tạo Hóa.

Một điểm yếu khác nữa trong luận chứng của Paley đó là việc ông suy ra một Thiên Chúa từ những điều giới hạn của thế giới.[6] Hume đã phản biện Paley với lập luận: từ một hệ quả ta chỉ có thể suy ra một nguyên nhân thích hợp tương ứng. Cũng như việc nhìn vào một đĩa cân 10 kg trên cán cân thăng bằng ta phải suy ra đĩa cân bên kia có vật nặng 10 kg mà thôi chứ không thể hơn. Vì thế, từ một thế giới hữu hạn ta không thể suy ra một Tạo Hóa vô hạn; từ một thế giới đa dạng ta không  thể suy ra một Thiên Chúa duy nhất; từ một thế giới đầy rẫy sự dữ ta không thể thừa nhận một Thiên Chúa tuyệt đối tốt lành, khôn ngoan và quyền năng.[7] Lập luận này của Hume cũng không xác đáng. Bởi chẳng lẽ khi nhìn một người mang chiếc giỏ 10 kg làm sao ta có thể dám chắc rằng người mang nó chỉ có thể mang được 10 kg mà không có khả năng mang được nhiều hơn! Việc người đó có thể mang được nhiều hơn 10 kg với việc người đó chỉ mang 10 kg không hề mâu thuẫn. Cũng vậy, những hữu hạn, khiếm khuyết hay sự dữ của thế giới này không thể trở thành căn cứ để bác bỏ sự hiện hữu của một Thiên Chúa toàn năng.[8] Tuy nhiên, ta cũng không thể dựa vào việc một người mang được 10 kg để khẳng quyết rằng người đó có khả năng mang vác vô hạn! Khẳng quyết về Thiên Chúa dựa vào những giới hạn của thế giới như lập luận của Paley là một sơ hở.

Kết luận

Như vậy, việc nỗ lực chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa với thiết kế luận của Paley tuy có vẻ thực tế dễ hiểu, thuyết phục và chắc chắn nhưng thực chất lại có những điểm yếu và không thể chứng minh Thiên Chúa hiện hữu cách thỏa đáng. Qua nhiều những nỗ lực luận chứng khác nữa, đến nay sự hiện hữu của Thiên Chúa vẫn là một vấn đề dang dở chưa có hồi kết và tiếng nói chung cuộc. Thiên Chúa có hiện hữu hay không hiện hữu vẫn là sự lựa chọn cá nhân của mỗi người.

[1] John Hick, Philosophy of religion, United States of America, 1990, 23

[2] Immanuel Kant, Critique of Pure Reason, translated and edited by Paul Guyer, Allen W. Wood, Cambridge University press, 1998, 579.

[3] Hume, Dialogues concerning Natural Religion and Other Writings, edited by Dorothy Coleman, Cambridge University Press, 2007, part 7.

[4] Thậm chí còn có những quan điểm cho rằng những gì ta thấy là trật tự không hẳn là trật tự. Nhưng vì nhiều giới hạn, bài viết không đề cập tới những phê bình này ở đây.

[5] Ibid, part VI, VII.

[6] Xem lại những điểm Paley bổ sung trong luận chứng của ông ở mục trước của bài viết.

[7] John Hick, Philosophy of religion, United States of America, 1990, 25.

[8] Sự dữ và sự hiện hữu của Thiên Chúa lại là một vấn nạn nan giải khác với nhiều những tranh luận không có hồi kết mà người viết thấy chúng vượt ra ngoài phạm vi của bài này.