HỌC VIỆN THÁNH GIUSE – DÒNG TÊN VIỆT NAM

Tính Thuyết Phục Trong Tác Phẩm Proslogion Của Thánh Anselm

Luận văn tốt nghiệp
chương trình Dự Bị và Triết Học
tại Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

Học viên thực hiện
Micae Thân Trọng Hưng, M.F.

Giáo sư hướng dẫn
Giuse Vũ Uyên Thi, S.J.

Tháng 5 năm 2020

Mục Lục

Giới thiệu

Một trong những mối bận tâm lớn của triết học là đi tìm kiếm tri thức về lĩnh vực thần linh. Liệu có một Đấng Tạo Hóa hay một Thiên Chúa như nhiều người tin hay không? Và liệu người ta có thể chứng minh hay phủ nhận sự hiện hữu của Đấng ấy không? Trải qua rất nhiều thế kỷ, các triết gia đã tranh luận với nhau rất sôi nổi. Đặc biệt trong thời Trung Cổ, việc biện luận cho sự tồn tại của Thiên Chúa trong Ki-tô giáo trở nên một vấn đề nổi bật. Vào thời kỳ khởi đầu của triết học Kinh Viện, nền triết học nói chung, và triết học tôn giáo nói riêng bị ảnh hưởng lớn từ những cuộc chiến tranh giữa Ki-tô giáo và Hồi giáo. Việc đấu tranh không chỉ diễn ra trên chiến trường bởi các cuộc thánh chiến, nhưng cuộc chiến còn diễn ra nơi các triết gia và các giáo phụ. Các triết gia Ki-tô giáo phải ra sức để bảo về nền triết học và thần học Ki-tô giáo. Đồng thời, họ phải ra sức dung hòa giữa lý trí và đức tin. Sinh ra và thụ huấn trong thời kỳ này, thánh Anselm cũng không nằm ngoài xu hướng bảo vệ nền triết học Ki-tô giáo, cũng như phải chung tay vào việc bảo vệ tôn giáo của ngài. Trong số các tác phẩm ngài viết, có thể kể đến tác phẩm Proslogion như một nỗ lực của thánh Anselm trong việc tranh luận cho sự tồn tại của Thiên Chúa. Một cách hiển nhiên, tác phẩm của ngài được nhiều người ủng hộ, nhưng cũng không thiếu người phản đối. Với căn cớ đó, trong bài nghiên cứu này, học viên muốn tập trung nghiên cứu tính chất thuyết phục của tác phẩm Proslogion. Qua việc phân tích tính chất thuyết phục của tác phẩm, bài viết cố gắng đưa ra những điểm mạnh mà thánh Anselm đã sử dụng để lập luận trong tác phẩm của mình. Đồng thời, bài viết cũng muốn chỉ ra những điểm còn chưa vững trong lập luận của thánh Anselm. Từ đây, học viên mong muốn tìm ra mức độ nhất định của tính chất thuyết phục trong lập luận của thánh Anselm trong tác phẩm Proslogion. Ở chương 1, nội dung chương sẽ tập trung đi vào việc phân tích đôi nét về tác giả là thánh Anselm để có thể thấy được bối cảnh tôn giáo thời kỳ đó đã ảnh hưởng đến tư tưởng thế nào của thánh Anselm. Trong đó, thánh Anselm đã được thừa hưởng một nền giáo dục và văn chương Ki-tô giáo. Và từ nền giáo dục đó, thánh Anselm đã định hướng tư tưởng của ngài là ‘đức tin đi tìm kiếm tri thức’ trong các tác phẩm, cụ thể là tác phẩm Proslogion. Thêm vào đó, cũng cần thiết phải nhắc đến mối liên hệ giữa tác phẩm Proslogion và tác phẩm Monologion để thấy được ý hướng của thánh Anselm trong việc đi tìm một lý chứng nhất quán cho sự tồn tại của Thiên Chúa.

Tiếp theo, trong chương 2, nội dung dung chính của chương này sẽ tập trung vào việc phân tích tư tưởng của thánh Anselm về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Một cách chi tiết, nội dung của chương này sẽ bám sát vào bản văn Proslogion của thánh Anselm. Trong chương này, lập luận của thánh Anselm sẽ được chia làm ba giai đoạn chính tương ứng với ba bước lập luận.

Ở chương 3, trước lập luận của thánh Anselm về sự hiện hữu của Thiên Chúa, tư tưởng phản biện của một số triết gia sẽ được trình bày và phân tích. Có nhiều triết gia phản biện lại thánh Anselm. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài luận, các nhân vật chính được đem ra bàn luận sẽ là Gaunilo, Immanuel Kant, và thánh Thomas Aquinas. Gaunilo không đồng tình về sự tồn tại của ‘Hòn đảo thất lạc’. Immanuel Kant phản bác thánh Anselm với luận đề ‘tồn tại không phải là một thuộc tính’. Còn thánh Thomas Aquinas thì không đồng thuận với Anselm về cách thức chứng minh tiên thiên cho sự hiện hữu của Thiên Chúa. Sau mỗi phần phản bác sẽ là phần lập luận của học viên để chỉ ra điểm nào phản bác là hợp lý, đáng tri nhận. Cụ thể, hòn đảo bị thất lạc của Gaunilo sẽ không còn bị thất lạc. Còn đối với những phản bác thánh Thomas Aquinas, việc chứng minh cho sự tồn tại của Thiên Chúa theo hướng lý luận tiên thiên của thánh Anselm vẫn hợp lý và hữu dụng. Và lập luận ‘tồn tại không phải là một thuộc tính’ của Immanuel Kant, nếu đem áp dụng vào sự tồn tại của Thiên Chúa sẽ vướng phải một số khó khăn và đánh đồng Thiên Chúa với những hữu thể khác. Nói cách khác, Kant đang hạ phẩm giá của Thiên Chúa.

Chương 4 sẽ trình bày một số phản biện cá nhân về những điểm đáng tri nhận trong lập luận của thánh Anselm và những suy tư mở rộng của học viên trước vấn đề hiện hữu và chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Sau đây sẽ là chương 1.

Chương 1: Cuộc Đời Và Bối Cảnh Lịch Sử Thời Thánh Anselm

Cuộc đời và sự nghiệp của thánh Anselm

Thánh Anselm sinh năm 1033 tại Aosta, mất năm 1109. Ngay từ nhỏ, thánh Anselm đã là một người rất thông minh và nghịch ngợm. Từ nhỏ, thánh Anselm đã gắn bó rất thân thiết với mẹ của ngài, là bà Ermenberga. Mẹ của ông mất khi ông còn rất trẻ, vì mối tương quan không tốt đẹp với bố nên thánh Anselm đã rời bỏ nhà khi 23 tuổi.[1]

Thừa hưởng nền giáo dục và nghệ thuật văn chương từ dòng tu

Năm 1059, thánh Anselm đến tu viện Bec ở Normandy và bị hấp dẫn bởi đời sống tu trì và học vấn uyên thâm của các tu sĩ trong tu viện. Lúc bấy giờ, trường học trong tu viện đang nằm dưới sự quản thúc của Lanfranc, một bậc thầy nổi tiếng lừng day thời đó. Lanfranc giảng dạy những tác phẩm nổi tiếng về nghệ thuật tu từ và luận lý học. Có lẽ chính vì được thụ giáo với một bậc thầy về nghệ thuật tu từ và luận lý, nên thánh Anselm rất chú trọng và nổi bật về việc sử dụng nghệ thuật tu từ và luận lý trong các tác phẩm của ngài.[2]

Năm 1063, thánh Anselm đã miễn cưỡng nhận chức bề trên tu viện Bec. Ngài ghét chức bề trên vì ngài cho rằng một bề trên mà lại là một người làm triết học thì khó có thể chu toàn hay dấn thân cho cả hai lãnh vực. Dù vậy, thánh Anselm đã thực hiện tốt cả hai chức vụ cùng một lúc. Thế nên, vì đã thực hiện quá tốt cả hai nhiệm vụ, thánh Anselm lại tiếp tục được bầu chọn trở thành hiệu trưởng trường tại Bec. Khi trở thành hiệu trưởng, áp lực thêm đổ dồn trên vai thánh Anselm, tuy nhiên ngài vẫn luôn cố gắng thực hiện tốt cả hai và dành thời gian để viết sách, bao gồm cả triết học và thần học.[3]

Mối liên hệ giữa lập luận về sự tồn tại của Thiên Chúa trong tác phẩm Proslogion Monologion.

Hai tác phẩm chính và được nhiều đọc giả và học giả đánh giá cao là Monologion (1075-1076) và Proslogion (1077-1078). Một trong những lý do khiến thánh Anselm viết sách chính là để trả lời những thắc mắc và yêu cầu giãi trình, giải thích cho các học trò và những thầy tu trong tu viện. Điều này cho thấy, tác phẩm của thánh Anselm sẽ có tương tác giữa ngài và đọc giả. Đặc biệt, trong các tác phẩm của ngài sẽ thấy được tính chất tranh cãi hay đối chấp với những tư tưởng mà ngài cho là sai lạc hoặc chệch hướng. Cũng chính vì thế mà tác phẩm của thánh Anselm ít mang tính chất hệ thống giống như một quyển sách với các ý được trình bày một cách rõ ràng từng ý và từng đoạn cụ thể, mà tác phẩm của thánh Anselm chứa đựng ý muốn được thể hiện chỗ này chỗ khác trong tác phẩm mà người đọc cần phải tự tìm ra.[4]

Rồi khi ngài viết quyển Proslogion, thì đây cũng là sản phẩm nối tiếp của những tu sĩ đã đọc quyển Monogion và muốn ngài viết tiếp. Không phải vì thánh Anselm cảm thấy thất vọng về quyển Monogion và muốn viết quyển Proslogion, nhưng vì ngài thấy rằng quyển Monogion bao gồm nhiều những lập luận hướng về một kết luận. Lúc đó, ngài muốn viết một quyển sách để làm sao tập trung vào một lập luận duy nhất, mà lập luận ấy có thể thống nhất tất cả những gì ngài nói một cách chắc chắn và rõ ràng. Chính nhu cầu và ước muốn ấy đã lấn áp tâm trí thánh Anselm, khiến ngài thôi không thể không thao thức về tác phẩm mang tên Proslogion.[5]

Bối cảnh lịch sử và các thách thức đặt ra cho triết học tôn giáo thời thánh Anselm

Với vai trò và cương vị của vị hiệu trưởng tại trường Bec, thánh Anselm phải đứng đầu trong các cuộc tranh luận và đối thoại với các anh em tại đây. Và tất nhiên, một trong những chủ đề nổi cộm và diễn ra nhiều cuộc bàn cãi là vấn đề sự hiện hữu và yếu tính của Thiên Chúa. Thực vậy, những thầy tu dưới quyền phụ trách của thánh Anselm luôn khắc khoải với những câu hỏi và vấn đề về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Họ vẫn luôn mong muốn thánh Anselm, lúc bấy giờ, có thể viết một tác phẩm để hướng dẫn và soi sáng cho họ về những vấn đề liên quan. Do đó, thánh Anselm đã khởi động và bắt đầu viết tác phẩm Monologion. Sau đó một thời gian, thánh Anselm lại tiếp tục viết tác phẩm thứ hai mang tên Proslogion. Giữa hai tác phẩm có một mối dây liên kết, thậm chí có thể được coi như là một cặp đôi bổ sung cho nhau. Sau khi viết tác phẩm Monogion, thánh Anselm cảm thấy bản thân ngài chưa thỏa mãn với những gì được yêu cầu từ các học trò và các thầy tu. Cho nên, dựa trên những động lực và những nhu cầu lúc đó, thánh Anselm đã tiếp tục viết tác phẩm Proslogion với mong muốn và mục đích là đưa ra một lập luận nhất quán để có thể biện luận cho sự hiện hữu của Thiên Chúa một cách dứt khoát hơn và mạnh mẽ hơn.[6]

Đức tin dựa trên lý trí nơi tư tưởng của thánh Anselm

Trong phần Mở Đầu của tác phẩm Proslogion, thánh Anselm đã đưa ra mục đích và khởi điểm ban đầu của ngài là giúp những ai mong muốn nâng tâm hồn lên để chiêm ngắm Chúa và tìm kiếm sự hiểu biết về những điều mà họ tin. Dựa vào mục đích và ý hướng như thế, có thể thấy rằng phương pháp hay lối nhìn của thánh Anselm là đức tin đi tìm kiếm sự hiểu biết. Quả thật, nếu nhìn theo hướng đức tin đi tìm kiếm sự hiểu biết, thì phải làm rõ hơn nền tảng và bối cảnh sống của thánh Anselm, để có thể hiểu rõ hơn về lập luận của ngài về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Trong vai trò và với tư cách của một tu sĩ, hay cách cụ thể là một viện phụ, sau đó là tổng giám mục, thánh Anselm chịu ảnh hưởng nhiều và đồng thời phải đứng giữa đức tin và lý trí với vai trò biện hộ cho Giáo Hội lúc bấy giờ. Đối với thánh Anselm lúc bấy giờ, thần học không chỉ là thần học thuần túy, nhưng thần học cũng không phải hoàn toàn mang tính chất duy lý. Nhưng đối với thánh Anselm, thần học chính xác phải mang cả hai tính chất lý trí và đức tin. Đối với thánh Anselm, trước tiên phải tin rồi sau đó mới vận dụng hết tất cả lý trí có thể để suy lý và hiểu hơn về những gì đã tin. Làm thần học đối với thánh Anselm có nghĩa là đi tìm kiếm sự hiểu biết về những điều đã tin bằng tất cả khả năng lý trí, và đi đến sự hiểu biết toàn vẹn hơn và mạnh mẽ hơn. Đây cũng là điểm giúp thánh Anselm có thể đứng vững trước những chỉ trích chống đối mạnh mẽ từ nhiều phía.[7] Thậm chí, Karl Barth cũng đã biện luận và cho rằng chính đức tin là căn cớ vững chắc và là nền tảng cho toàn bộ lập luận về sự hiện hữu của Thiên Chúa theo sự biện luận của hữu thể học.

Tổng quan về tác phẩm Proslogion, kết cấu tác phẩm, các chương và bố cục tác phẩm

Tác phẩm Proslogion bao gồm một chuỗi lập luận được liên kết với nhau tạo thành một lập luận thống nhất về việc chứng minh cho sự tồn tại của Thiên Chúa. Tác phẩm có thể được chia thành hai phần chính. Phần thứ nhất có thể được tính từ chương số 2 cho đến hết chương số 4. Phần này nhằm đi tìm một sự khẳng định chắc chắn về sự tồn tại của Thiên Chúa là ‘điều nào đó mà không có điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’. Phần này sẽ là phần chính trong toàn bộ lập luận mà thánh Anselm đưa ra. Phần thứ hai có thể được tính từ chương số 5 đến hết chương số 23. Phần này nhằm khám phá và bàn về những tính chất của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều tác giả khác ít quan tâm đến phần này trong lĩnh vực triết học, có thể là do phần này mang tính chất thần học nhiều hơn. Ngoài hai phần chính này, vì là một Ki-tô hữu, hơn nữa là một tu viện trưởng và một giám mục thành Canterbury, thánh Anselm không quên đặt vào bản thân một tâm tình người Ki-tô hữu, đó là việc ngài mở đầu tác phẩm bằng một phần cầu nguyện (từ đầu cho đến hết chương số 1), và kết thúc tác phẩm bằng một phần của lời tạ ơn Thiên Chúa và cảm nhận niềm vui lãnh nhận được từ Thiên Chúa (từ chương số 24 đến chương số 26). Điều này khá phù hợp với con người và địa vị của thánh Anselm, dẫu rằng ngài đang làm triết học. Thế nên, trong tiểu luận này, học viên sẽ chủ yếu tập trung vào phần thứ nhất, phần được xem là mang tính chất triết học nhiều hơn.

Chương 2 : Lập luận về sự tồn tại của Thiên Chúa

Giới thiệu tổng quát về lập luận của thánh Anselm

Trước khi đi vào phân tích chi tiết lập luận của thánh Anselm, thật là cần thiết phải đưa ra một tiến trình tổng quát và rõ ràng.

(1) Mọi người, cụ thể ở đây là kẻ khở, ai nghe về ‘điều nào đó mà không có điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ thì họ hiểu. Đây là bước thứ nhất, đặt nền chung cho cả hai. Đồng thời đây cũng là lúc thánh Anselm đi xác lập sự tồn tại của ‘điều nào đó mà không có điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ trong tâm trí.

(2) Vậy, ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ có thể được xem là tồn tại trong tâm trí. Đây là bước thứ hai, thánh Anselm đưa sự tồn tại trong tâm trí của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ vào trong bàn luận và tương ứng với việc xác lập sự tồn tại của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ trong tâm trí.

(3) Điều nào có thể được hiểu là tồn tại trong tâm trí thì có thể được cho là tồn tại trong thực tế. Đây là vùng chuyển trước khi đến bước thứ ba, thánh Anselm nối kết giữa bản chất của việc tồn tại trong tâm trí với việc suy tưởng có thể tồn tại trong thực tế. Nghĩa là, điều nào đó nếu được suy tưởng trong tâm trí thì nó cũng có khả thể tồn tại trong thực tế.

(4) Tồn tại trong thực tế thì lớn lao và cao cả hơn chỉ tồn tại trong tâm trí. Đây là mấu chốt quan trọng trong lập luận của thánh Anselm. Điểm này nối kết giữa suy tưởng về ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ trong tâm trí vươn ra một ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ tồn tại trong thực tế. Có thể coi đây như chiếc cầu nối kết giữa hai bên bờ. Một bên bờ là tâm trí còn bên kia là thực tế.

(5) Nếu ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi, thì ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ sẽ kém hơn ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ vừa tồn tại trong tâm trí và trong thực tế, vậy thì ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ không còn là ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’. Nếu như thế thì thật là vô lý và mâu thuẫn khi ‘x’ không phải là ‘x’ nữa. Đây là lý luận của thánh Anselm khi so sánh về khả thể của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ trong tâm trí và khả thể của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ trong thực tế.

(6) Do đó, ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ phải tồn tại cả trong tâm trí lẫn trong thực tế. Đây chính là giai đoạn thứ ba, giai đoạn khẳng định sự tồn tại của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’. Đồng thời, đây cũng như là lời khẳng định về sự tồn tại trong thực tế của Thiên Chúa.

(7) Cuối cùng, thánh Anselm cho rằng Thiên Chúa là ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’, và Thiên Chúa phải tồn tại cả trong tâm trí lẫn trong thực tế.

Bước khởi đầu: Đặt nền chung cho cả hai – Sự tồn tại trong thực tế của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’

Trong bước đầu gồm hai phần nhỏ. Ở đây thánh Anselm đang hình dung và mời gọi người đọc cùng hình dung rằng có ít nhất một người đang lắng nghe những lời của thánh Anselm. Cách cụ thể, đối tượng mà thánh Anselm muốn nhắc đến là ‘kẻ khờ’ trong Thánh Vịnh số 14,1 và Thánh Vịnh 53,1. Thánh Anselm giả định rằng: “Chắc chắn rằng kẻ khờ này khi nghe tôi nói rằng ‘điều nào đó mà không có điều gì có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ thì kẻ khờ đó hoàn toàn hiểu, và điều mà kẻ khờ đó hiểu là có trong tâm trí của hắn, thậm chí là chẳng cần hắn phải hiểu rằng điều đó phải thực tồn tại trong thực tế.”

“But surely, when this same Fool hears what I am speaking about, namely, ‘something-than-which-nothing-greater-can-be-thought’, he understands what he hears, and what he understands is in his mind, even if he does not understand that it actually exists.”[8]

Từ đây, lập luận trên có thể được gom thành hai mệnh đề chính là:

  • Khi kẻ khờ nghe về ‘điều nào đó mà không có điều gì có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’, thì kẻ khờ đó hiểu những gì hắn đang nghe.
  • Điều mà kẻ khờ đó hiểu thì tồn tại trong tâm trí của kẻ khờ đó.

Từ bối cảnh trên, có thể giả định rằng có một sự kiện đã xảy ra. Thánh Anselm đã tuyên bố cách thẳng thừng về chính đức tin của mình và vô tình hay hữu ý, kẻ khờ đã nghe thấy những gì thánh Anselm tuyên bố, hắn dừng lại suy nghĩ về những gì nghe từ nơi thánh Anselm. Và hẳn nhiên là khi nghe tới đây, kẻ khờ đó đã vạch ra trong đầu mình hai loại tồn tại về Đấng đó, đó là tồn tại trong tâm trí và tồn tại trong thực tế. Cho nên, thánh Anselm mới khẳng định rằng chính kẻ khờ cũng đồng ý rằng điều nào đó mà không có điều gì có thể được suy tưởng hẳn phải tồn tại trong tâm trí.

Bằng cách xác lập bước đầu tiên về điều đang diễn ra trong tâm trí kẻ khờ, thánh Anselm tiếp sau đó đưa ra những lập luận của ngài. Bằng cách xác lập bước đầu như thế, thánh Anselm tiếp tục đưa ra hai mục tiêu cần đạt được. Đầu tiên, thánh Anselm muốn có được một điểm chung để hai bên cùng có thể nói chuyện với nhau. Nói cách khác, thánh Anselm muốn hai bên trước khi tranh luận với nhau thì cần phải có khởi đầu hay ít nhất là có một nền chung để bước tiếp. Và mục tiêu thứ hai mà thánh Anselm muốn đưa ra bằng cách xác lập trong tâm trí của kẻ khờ sự hiện hữu về một ‘điều nào đó mà không có điều gì có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ chính là để cho lập luận của thánh nhân được khởi đi một cách có luận lý, chứ không phải là độc đoán hay giáo điều. Tuy nhiên, với bước đầu tiên này, thánh Anselm vẫn chưa hề khẳng định về việc điều nào đó mà không có điều gì có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn có tồn tại trong thực tế hay không.

Trong phần đầu của lập luận, thánh Anselm đã tin vào Thiên Chúa như một ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’. Tuy nhiên, thay vì đi chứng minh trực tiếp về sự hiện hữu của Thiên Chúa, thánh Anselm đã chọn cách đi chứng minh cho sự hiện hữu của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’. Thánh Anselm để dành sự chứng minh về sự hiện hữu của Thiên Chúa ở phần Proslogion 3.

Thứ đến, thánh Anselm chuyển đổi câu hỏi mà kẻ khờ đặt ra về sự hiện hữu thành sự tồn tại trong thực tế. Nếu câu trả lời cho câu hỏi “có thứ nào như thế hay không?” là ‘không’, thì đưa đến hệ quả là hoặc là Thiên Chúa không có tính chất như thế hoặc là không có Thiên Chúa. Tuy nhiên, để có thể trả lời câu hỏi này, thánh Anselm không thể cứ chìm đắm trong lời cầu nguyện mở đầu, mà thánh Anselm phải tỉnh thức và phân tích câu hỏi hay vấn đề mà kẻ khờ đặt ra.

Nếu cho rằng ‘thứ như thế chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi’, và đồng thời thứ đó vẫn có thể tồn tại trong thực tế thì điều này diễn tả sự tương phản trái ngược mà kẻ khờ đặt ra. Vì chính kẻ khờ trong bản văn của thánh Anselm đã cho rằng chẳng có Thiên Chúa trong khi hắn hiểu điều hắn nói.

Thánh Anselm nói rằng: “Chính kẻ khờ đó khi nghe những điều tôi nói về ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ thì hắn hiểu, và dĩ nhiên điều hắn hiểu tồn tại trong tâm trí của hắn.”[9]

Trước cả khi thánh Anselm đưa kẻ khờ vào trong lập luận của ngài, thánh Anselm đã xác tín về dữ kiện thứ nhất: “Chúng con tin rằng Ngài là ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’.”[10]

Sau đó, thánh Anselm không còn tiếp tục đề cập đến chủ thể ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ với tư cách là một Thiên Chúa, mãi cho đến giữa Proslogion chương 3, thì thánh Anselm mới nhắc lại ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ là Thiên Chúa.

Ở đây, thánh Anselm muốn tập trung vào sự hiểu của kẻ khờ và sự tồn tại của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ trong tâm trí của kẻ khờ. Ngài đưa ra dữ kiện thứ hai: “Kẻ khờ nghe về ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’.”[11]

Cả hai dữ kiện thứ nhất và thứ hai đã cung cấp cho thánh Anselm một nền tảng để tiếp tục lập luận. Đến đây, hai dữ kiện tiếp theo sẽ giúp cho lập luận của thánh Anselm đi xa hơn. Đó là: “Khi kẻ khờ nghe về ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ thì hắn hiểu điều hắn nghe.”[12]

Vậy rõ ràng là thánh Anselm muốn đưa đến một kết luận nhỏ rằng: Chính kẻ khờ khi nghe ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ thì hắn hiểu về ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’.

Một cách chắc chắn, những điều mà thánh Anselm nói ra bằng lời, bằng ngôn ngữ thì kẻ khờ hiểu. Nhưng sự hiểu ở đây không phải là cái hiểu về mặt ngôn từ, về cấu trúc của câu từ, vì trong thực tế, một người có thể hiểu các từ riêng rẽ và rời rạc nhưng không hiểu nổi ý nghĩa toàn thể của câu, hay cảm thấy khó hiểu. Ở đây, sự hiểu mà thánh Anselm đề cập đến trong tâm trí của kẻ khờ, chính là sự hiểu một cách hoàn toàn cả về mặt ngôn từ và ý nghĩa hơn là chỉ hiểu từng từ một. Sự hiểu mà thánh Anselm muốn đề cập trong tâm trí của kẻ khờ, chính là sự hiểu về một thứ gì đó được diễn tả dẫu rằng chưa biết thứ đó có tồn tại hay không.

Thánh Anselm sau đó lại viết tiếp: “… điều hắn hiểu tồn tại trong tâm trí của hắn.”[13]

Ở đây, thánh Anselm cho rằng vì kẻ khờ hiểu điều mà thánh Anselm muốn diễn tả qua ngôn từ và ý nghĩa, nên điều mà thánh Anselm đang diễn đạt tồn tại trong tâm trí của kẻ khờ này. Cho nên thánh Anselm đưa đến một kết luận: “Điều gì hiểu được thì tồn tại trong tâm trí.”[14]

Vậy, thánh Anselm đã cho rằng ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ tồn tại trong tâm trí của kẻ khờ.

Không dừng ở đó, thánh Anselm còn tiếp tục cho rằng: “… cho dù hắn chẳng cần phải hiểu rằng điều đó thực tồn tại trong thực tế.”[15]

Rõ ràng, thánh Anselm đã dự liệu được kết luận mà ngài muốn đưa ra rằng điều ngài đang nói đến thực tồn tại trong thực tế. Nhưng ngài còn có ý cho rằng, kẻ khờ chẳng cần phải hiểu về sự tồn tại trong thực tế của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ thì ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ vẫn tồn tại trong tâm trí của kẻ khờ đó.

Vậy, thánh Anselm có ý cho rằng, có thể suy tưởng một điều nào đó mà chẳng cần phải đề cập đến việc nó có thực tồn tại trong thực tế hay không. Và cho dù nó có tồn tại trong thực tế hay không thì nó cũng chẳng quy định việc tồn tại trong tâm trí suy tưởng. Điều này thể hiện rõ nét hơn nơi ví dụ về bức tranh và người họa sĩ:

Vì hiểu về một điều là một chuyện, và sẽ là một chuyện khác nếu hiểu rằng điều đó tồn tại trong thực tế. Chẳng hạn như người họa sĩ nghĩ tưởng trong đầu mình về những gì anh ta muốn vẽ thì trong tâm trí anh ta ít ra đã tồn tại điều mà chưa tồn tại trong thực tế. Rồi một khi anh ta đã vẽ ra bức tranh mà anh ta hình dung trong tâm trí thì anh ta hiểu rằng quả thực bức tranh đó có tồn tại trong thực tế. Đơn giản là vì anh ta đã vẽ ra nó.

For it is one thing for an object to exist in the mind, and another thing to understand that an object actually exists. Thus, when a painter plans beforehand what he is going to execute he has the picture in his mind, but he does not yet think that it actually exists because he has not yet executed it. However, when he has actually painted it, the he both has it in his mind and understands that it exists because he has now made it.[16]

Thế nên, thánh Anselm mới cho rằng kẻ khờ chẳng cần phải hiểu về sự tồn tại trong thực tế của một điều nhưng vẫn hiểu được sự tồn tại của nó trong tâm trí của hắn. “Do đó, ngay cả kẻ khờ cũng chấp nhận rằng ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ có tồn tại trong tâm trí, bởi vì khi hắn nghe và hiểu về điều đó, và điều gì hiểu thì tồn tại trong tâm trí.”[17]

Vậy thì nếu kẻ khờ đó có chấp nhận rằng điều gì hiểu được thì tồn tại trong tâm trí hay không? Dự liệu được điều này, thánh Anselm đã trả lời rằng: “Còn gì rõ ràng hơn rằng điều gì tồn tại trong tâm trí thì điều đó phải được hiểu.”

“What is understood by the mind is thus, as understood, in the mind. What could be more obvious than this?” [18]

Đó là lời khẳng định mà thánh Anselm muốn trình bày theo một logic, một nguyên tắc của lý trí từ việc hiểu ra việc tồn tại trong tâm trí. Nhờ thế mà kẻ khờ sẽ không còn phản bác lập luận của thánh Anselm. “Vì điều gì được suy tưởng thì được suy tưởng bằng suy nghĩ, và điều gì được suy tưởng bằng suy nghĩ thì nằm trong suy nghĩ. Cho nên, điều gì hiểu được thì được hiểu bằng việc suy hiểu. Điều này không rõ ràng hay sao?”[19]

Vậy là đến lúc này, thánh Anselm đã hoàn thành bước đầu tiên trong lập luận bằng việc xác lập sự tồn tại của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ trong tâm trí của kẻ khờ. Và kẻ khờ cũng phải chấp nhận lý lẽ này của thánh Anselm.

Theo thánh Anselm, vì kẻ khờ đã chấp nhận những gì ngài lập luận, nên giờ đây, trong những phần tiếp sau đó, thánh Anselm tạm không còn nhắc đến kẻ khờ trong lập luận của ngài nữa. Thánh Anselm sẽ chuyển sang vấn đề của việc ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ có thể trở thành đối tượng của tranh luận mà không cần thiết phải quan tâm liệu ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ có tồn tại trong thực tế hay không. Đây là điểm kết của phần này và cũng là điểm khởi của phần tiếp theo.

Bước thứ hai: Sự tồn tại trong thực tế của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’

Sau khi đã xác lập sự hiện hữu trong tâm trí của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’, thánh Anselm tiếp tục đưa vào lập luận tiếp theo về việc suy tưởng về ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’. Ở phần này, thánh Anselm cho rằng ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ không thể chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi. Trong bước trước, thánh Anselm đã đề cập đến sự hiện hữu của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ tồn tại trong tâm trí của kẻ khờ. Tuy nhiên, ở phần này, thánh Anselm đã chuyển sang chính sự tồn tại của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ trong chính tâm trí của thánh Anselm. Ở đây, thánh Anselm dường như đã bỏ kẻ khờ qua một bên, và không còn đi tìm lý chứng cho sự tồn tại trong thực tế của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ trong tâm trí kẻ khờ, nhưng giờ đây, thánh Anselm muốn đi tìm sự hiện hữu trong thực tế của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ trong chính tâm trí của thánh nhân. Điều này hoàn toàn phù hợp và trùng khớp với mục tiêu ban đầu của thánh nhân là đi tìm sự hiện hữu của Thiên Chúa cho chính niềm tin của ngài.[20]

Tiếp đến, để khẳng định rằng ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ không thể chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi, thánh Anselm đã vận dụng đến phép phản chứng của mệnh đề ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ không tồn tại trong thực tế, và sau đó đưa ra kết luận về sự tồn tại trong thực tế của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’. Tuy nhiên, ở bước này, thánh Anselm vẫn chưa hề khẳng định ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ là Thiên Chúa.

Do đó, lập luận trong Proslogion chương 2 được thánh Anselm dùng để trả lời cho câu hỏi về vấn đề có hay không một sự hiện hữu của một ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’. Và thánh Anselm đã khẳng định trong phần này rằng ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ thực phải tồn tại trong thực tế. Tuy nhiên, cho đến đây, lập luận của thánh Anselm vẫn chưa dừng lại, hay nói cách khác, thánh Anselm vẫn chưa thỏa mãn với những gì ngài lập luận. Do đó, trước khi tiến tới lập luận về sự hiện hữu của Thiên Chúa, thánh Anselm muốn đưa thêm vào một kết luận phụ về ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’. Đây chính là vai trò chính của giai đoạn thứ hai trong lập luận của thánh Anselm trong tác phẩm Proslogion, cách cụ thể là trong phần đầu của Proslogion chương 3. “Certainly, this being so truly exists that it cannot be even thought not to exist”. “Thực thì thứ đó không thể được suy tưởng là không tồn tại”[21]

Sự nối tiếp chương 2 được tiếp tục bằng chương 3, cách cụ thể:

Thực thì thứ đó không thể được suy tưởng là không tồn tại. Bởi vì một thứ được cho là điều nào đó thì không thể được suy tưởng là không phải thứ đó, thứ mà lớn lao và cao cả hơn những gì có thể được suy tưởng là không phải là. Do đó, nếu ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ có thể được suy tưởng là không tồn tại thì ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ không còn là ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’, nói như thế là không thống nhất.

And certainly this being so truly exists that it cannot be even thought not to exist. For something can be thought to exist that cannot be thought not to exist. Hence, if that-than-which-nothing-greater-can-be-thought can be thought not to exist, then that-than-which-nothing-greater-be-thought is not the same as that-than-which-nothing-greater-can-be-thought, which is absurd.

Từ đây, thánh Anselm tiếp tục suy ra kết luận chung: ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ không thể được suy tưởng là không tồn tại. Ở đây, thánh Anselm đã nối kết phần 1 và phần 2 với nhau. Tuy nhiên, nếu xét bản văn, thì rõ ràng là thánh Anselm vẫn chưa nhắc đến ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ với bất kì sự đề cập nào đến Thiên Chúa. Thánh Anselm vẫn chưa đưa Thiên Chúa vào lập luận cho sự hiện hữu của Ngài ở đây.

Rõ ràng, thánh Anselm đã đưa ra một tiến trình ba giai đoạn để lập luận về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, một cách rất rõ ràng, thánh Anselm đã không đề cập trực tiếp đến sự hiện hữu của Thiên Chúa trong giai đoạn một và hai, mà thánh Anselm sẽ để dành sự hiện hữu ấy vào giai đoạn 3.

Sau khi đã xác lập khởi điểm cho lập luận như phần trên đã trình bày, thánh Anselm tiếp tục đưa ra một tranh luận mới cho lập luận của ngài. Hay nói cách khác hơn, thánh Anselm muốn bảo vệ: “Chắc chắn rằng điều nào đó mà không có điều gì cao cả hơn lại được suy tưởng không thể chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi.”[22]

Rõ ràng có một mối liên hệ giữa mệnh đề ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ tồn tại trong tâm trí và điều mà thánh Anselm vừa đưa ra ở trên ‘điều nào đó mà không có điều gì cao cả hơn lại được suy tưởng không thể chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi.’ Cả hai mệnh đề này đều khẳng định chung một điều, đó là chủ ngữ của chúng đều tồn tại trong tâm trí.

Trong phần này, thánh Anselm đã không còn nhắc đến sự hiện hữu hay vai trò của kẻ khờ nữa. Thánh Anselm giờ đang tập trung đi sâu hơn vào lập luận. Tuy nhiên, nếu cứ nằm mãi trong lời cầu nguyện thì không thể nào đi tiếp, và cũng thật là vô duyên nếu thánh Anselm đặt câu hỏi trong lời cầu nguyện của mình rằng “lạy Chúa, Ngài có thực sự tồn tại trong thực tế hay không?” Cho nên, để tránh trường hợp như thế, thánh Anselm sẽ đi chứng minh vấn đề xem có một thứ nào đó như thế không? Có ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ thực tồn tại không? Từ đó ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ trở thành lời giải đáp cho vấn đề tồn tại trong thực tế của Thiên Chúa. Để chứng minh cho sự hiện hữu của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ thì thánh Anselm đặt vấn đề về việc chứng minh tính chất đúng sai của mệnh đề ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi. Nếu chứng minh được mệnh đề này là sai thì thánh Anselm sẽ chứng minh được ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ có tồn tại trong thực tế. Cho nên, thánh Anselm mới cho rằng: “‘Điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ tồn tại trong tâm trí.”[23]

Tới đây, mệnh đề trên cũng vẫn chưa khẳng định gì thêm ngoài việc cho rằng ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ được suy tưởng. Nhưng sau đó, thánh Anselm viết tiếp: “Vì nếu điều đó chỉ nằm trong suy tưởng, thì nó cũng có thể được suy tưởng là tồn tại trong thực tế.”[24]

Cho nên, ở đoạn sau, thánh Anselm đã phủ quyết mệnh đề: “‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ không tồn tại trong thực tế.”[25]

Tới đây, thánh Anselm bắt đầu bước vào một cuộc tranh luận gay gắt với nhiều triết gia khi thánh Anselm cho rằng ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ không còn là ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ vì có thể suy tưởng đến ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ tồn tại trong thực tế. Điều gây tranh cãi chính là việc thánh Anselm cho rằng ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ tồn tại trong thực tế thì lớn lao hơn ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi.

Sau khi đã tuyên bố rằng có một thứ là ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ tồn tại trong tâm trí, thánh Anselm cho rằng: “Và chắc chắn rằng ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ không thể được suy tưởng là chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi.”[26]

Lớn lao và cao cả hơn

Trong câu tiếp theo sau đây, thánh Anselm đưa ra lý do để chứng minh cho ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ không thể được suy tưởng là chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi.

“Điều gì lớn lao và cao cả hơn thì có thể được suy tưởng là tồn tại trong thực tế.”[27]

Trước đó, thánh Anselm đã lập luận: “‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ tồn tại trong tâm trí.”[28]

Và ngài muốn phủ định ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ không tồn tại trong thực tế.

Trước đó thì thánh Anselm cũng phản bác rằng ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ không chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi. Vậy có thể gộp lại hay viết lại lập luận mà thánh Anselm muốn bác bỏ: ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ tồn tại trong tâm trí, và không tồn tại trong thực tế.

Hay nguyên văn của thánh Anselm là: “‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ chỉ tồn tại trong tâm trí.”[29]

Mệnh đề trên là mệnh đề mà thánh Anselm muốn phủ định; vì một cách căn bản, thánh Anselm cho rằng tồn tại trong thực tế thì lớn lao và cao cả hơn là không tồn tại trong thực tế hay chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi. Mà nếu ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ chỉ tồn tại trong tâm trí thì điều đó sẽ không cao cả và lớn lao bằng ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ vừa tồn tại trong tâm trí và vừa tồn tại trong thực tế.

Từ đây suy ra ý muốn mà thánh Anselm muốn thể hiện. Thánh Anselm cho rằng ‘tồn tại trong thực tế’ thì cao cả và lớn lao hơn ‘chỉ tồn tại trong tâm trí’. Vậy theo lối của thánh Anselm, có thể nói rằng bất kỳ điều gì tồn tại trong thực tế thì lớn lao và cao cả hơn những gì chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi. Vấn đề này sẽ được bàn chi tiết hơn ở phần phản bác của Immanuel Kant về việc tồn tại có phải là một thuộc tính hay không. Tuy nhiên, trong suốt tác phẩm Proslogion, đọc giả khó có thể tìm thấy bất kỳ phần nào mà thánh Anselm trình bày lý do tại sao điều nào đó sẽ lớn lao và cao cả hơn nếu nó tồn tại trong thực tế hơn chỉ là tồn tại trong tâm trí.

Bước thứ ba: Sự tồn tại trong thực tế của Thiên Chúa

Khi bước vào giai đoạn 3, sau khi đã dành cả giai đoạn 1 và 2 để nói về sự hiện hữu của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’, thì thánh Anselm đã thẳng thừng khẳng định về sự hiện hữu của Thiên Chúa, chủ yếu nằm trong nửa phần cuối của Proslogion, chương 3. Ở đây, thánh Anselm đã trực tiếp dùng danh xưng của ngài ở ngôi thứ nhất, cách rõ ràng là khẳng định của ngài đang thổ lộ như một lời cầu nguyện của một kẻ tin. Tuy nhiên, trong mạch văn, thì đây vẫn là sự tiếp nối trong lập luận của ngài. “Đây chính là Ngài, Thiên Chúa của con. Do đó, lạy Thiên Chúa của con, Ngài thực là Đấng mà không thể được suy tưởng là không phải như thế. Và Ngài đúng là như thế.”

“And You, Lord our God, are this being. You exist so truly, Lord my God, that You cannot even be thought not to exist.”[30]

Trong phần này, thánh Anselm đã đưa ra hai kết luận. Hai kết luận này hoàn toàn có thể được nhận ra trong lời nguyện mở đầu của Proslogion chương 2. “Đây chính là Ngài”. Ở đây, “đây” có nghĩa là ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’. Chỗ này đã được nhắc đến ở niềm tin ban đầu của thánh Anselm: “Quả thực, chúng con tin Ngài là điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn.”[31]

Hay

“Bởi đó, lạy Chúa, Đấng ban cho con sự hiểu biết về đức tin, trong sự hiểu biết có giới hạn của chúng con, để chúng con hiểu rằng Ngài là Đấng mà chúng con tin, và Ngài là điều mà chúng con tin.”[32]

Lập luận của thánh Anselm trong tác phẩm Proslogion giống như một ngôi nhà được xây nền, đắp móng chặt chẽ, từng phần một ăn khớp với nhau và đảm bảo cho kết cấu vững chắc của nó. Đầu tiên, thánh Anselm đi tìm cách để thiết lập rằng ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ tồn tại trong tâm trí. Sau đó, thánh Anselm tiếp tục cho rằng ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ thì không chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi, nhưng ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ còn tồn tại cả trong thực tế nữa. Nhưng nếu ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ có trong thực tế, thì nó phải tồn tại cách tất yếu. Và dựa vào sự tồn tại tất yếu ấy mà thánh Anselm cho rằng Thiên Chúa tồn tại tất yếu vì ngài là Đấng đặc biệt và tồn tại ở thể tối cao nhất.

Đây là cấu trúc ba giai đoạn mà thánh Anselm đã sử dụng để lập luận về sự tồn tại của Thiên Chúa trong tác phẩm Proslogion của ngài.

Chương 3: Những lập luận và phản bác chống lại thánh Anselm

Sau khi chương 2 đã trình bày về lập luận của thánh Anselm về sự tồn tại của Thiên Chúa. Chương 3 này sẽ tiếp tục mở ra những phản bác và phê bình của các tác giả khác trước những lập luận của thánh Anselm.

Đầu tiên, ngay trong chính tác phẩm Proslogion, một tác giả đã phê bình hữu thể ‘điều nào đó mà không có bất kì điều gì có thể được suy tưởng mà lại lớn lao và cao cả hơn’. Tác giả đó chính là Gaunilo. Gaunilo cho rằng hữu thể Thiên Chúa mà thánh Anselm đề cập đến không thể được lập luận theo hạn từ ‘điều nào đó mà không có bất kì điều gì có thể được suy tưởng mà lại lớn lao và cao cả hơn’, bởi vì Gaunilo cho rằng nếu thay đổi ‘điều nào đó’ bằng ‘hòn đảo’ hay bất cứ thứ gì, thì điều đó sẽ tồn tại trong thực tế. Gaunilo đã phản bác như thế. Và thánh Anselm cũng sẽ phản bác lại chính lập luận của Gaunilo. Thánh Anselm cho rằng Gaunilo đã đánh đồng Thiên Chúa với ‘hòn đảo thất lạc’.

Tiếp đến, Immanuel Kant sẽ không đồng ý với thánh Anselm và cho rằng ‘tồn tại không phải là một thuộc tính’ và nó chẳng mang lại gì lớn lao và cao cả hơn cho hữu thể mà thánh Anselm muốn chứng minh.

Cuối cùng, thánh Thomas Aquinas phản đối vì thánh Anselm đã lập luận về sự tồn tại của Thiên Chúa theo hướng tiên thiên thuần lý.

Trước những phản đối của ba tác giả này, lập luận của thánh Anselm sẽ vẫn trụ vững dựa vào những điểm sau.

Thứ nhất, hòn đảo mà Gaunilo ví dụ hay bất cứ điều gì mà Gaunilo áp dụng vào lập luận của thánh Anselm thì không phù hợp. Vì đối với thánh Anselm hay với kẻ khờ, hữu thể Thiên Chúa không được đem ra đánh đồng với hòn đảo đó.

Thứ hai, nếu Kant cho rằng ‘tồn tại không phải là một thuộc tính’ và nó chẳng mang lại điều gì lớn lao và cao cả hơn như thánh Anselm nói, thì chính Kant đã tự mang vào mình khó khăn. Vì ‘tồn tại’ vẫn có thể đem lại giá trị lớn lao và cao cả hơn dù nó có là thuộc tính hay không.

Thứ ba, thánh Thomas Aquinas nếu không đồng ý chứng minh sự tồn tại của Thiên Chúa theo hướng tiên thiên thuần lý như thánh Anselm thì thánh Thomas Aquinas sẽ khó có thể đi tìm một Thiên Chúa siêu vượt và đặc biệt hơn với các hữu thể khác. Và nếu không đi theo con đường tiên thiên lý luận thì thánh Thomas Aquinas sẽ dễ bị sa vào con đường bế tắc khi cố chứng minh cho sự tồn tại của Thiên Chúa như cách chứng minh cho bao hữu thể khác. Sau đây, từng lập luận phản bác cũng như lập luận bảo vệ thánh Anselm sẽ được trình bày cách cụ thể trong từng đề mục.

Phản bác của kẻ khờ

Trước khi đi sâu vào tìm hiểu vấn đề của kẻ khờ đã đặt ra trước lập luận của thánh Anselm, đầu tiên, cần tìm hiểu kẻ khờ mà thánh Anselm muốn đề cập đến trong lập luận của ngài là ai. Thánh Anselm hai lần nhắc đến kẻ khờ trong tác phẩm của ngài. Lần đầu thánh Anselm nhắc đến kẻ khờ như một nguyên cớ để tìm hiểu về sự tồn tại của Thiên Chúa. Ngay sau khi ngài tuyên xưng niềm tin của ngài vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, thì kẻ khờ xuất hiện như một kẻ đối chất lại niềm tin của ngài, ngài viết: “Quả thật, chúng con tin Ngài là ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’. Vậy liệu có bất kì điều gì như thế hay không? Bởi vì kẻ khờ đã nói trong tâm trí hắn rằng ‘làm chi có Chúa?’”[33]

Lần thứ hai thánh Anselm nhắc đến kẻ khờ là khi Ngài đã đưa ra những lập luận mà theo ngài là hợp lý và đủ mạnh để phản bác lại kẻ khờ, ngài viết: “Tại sao kẻ khờ lại nói trong tâm trí hắn rằng ‘làm chi có Chúa’, khi mà mọi sự quá rõ ràng với hắn rằng Ngài là Đấng siêu vượt trên tất cả? Phải chăng kẻ khờ này quá khờ khạo và ngu ngốc?”[34]

Trước những lập luận của thánh Anselm về sự tồn tại của Thiên Chúa như đã phân tích ở trên, Gaunilo, trên danh nghĩa là kẻ khờ khạo, có ý hạ bệ thánh Anselm bằng việc chỉ ra lỗi trong lập luận của thánh Anselm khi đem áp dụng lập luận đó vào trong vấn đề hiện hữu của các hữu thể khác. Gaunilo viết:

Ví dụ, rằng ở đâu đó nơi đại dương mênh mông, có một hòn đảo, vì lý do khó khăn nào đó, hay do bất lực, mà người ta không thể tìm thấy nó, tạm gọi nó là hòn đảo bị thất lạc. Hòn đảo này được trù phú hơn cả những Hòn Đảo Thiêng (the Happy Isles) với sự phong phú và màu mỡ. Và vì hòn đảo này không có người cũng như không có cư dân, về mọi mặt, nó hơn tất cả những hòn đảo mà con người biết đến.

There is in the ocean somewhere an island which, because of the difficulty (or rather the impossibility) of finding that which does not exist, some have called the ‘Lost Island’. And the story goes that it is blessed with all manner of priceless riches and delights in abundance, much more even than the Happy Isles, and, having no owner or inhabitant, it is superior everywhere in abundance of riches to all those other lands that men inhabit.[35]

Lấy ví dụ là hòn đảo, Gaunilo thay hạn từ Thiên Chúa bằng hòn đảo mà không có hòn đảo nào cao cả, lớn lao hơn, hoàn hảo hơn. Và hòn đảo như thế thì không tồn tại. Theo Gaunilo, nếu áp dụng lập luận của thánh Anselm vào đối tượng là một hòn đảo như thế thì kết luận rằng hòn đảo như thế phải tồn tại. Vì nếu hòn đảo như thế mà không hiện hữu thì nó không phải là hòn đảo mà không có hòn đảo nào có thể lớn lao và cao cả hơn. Cho nên, hòn đảo này phải nhất thiết tồn tại.[36]

Gaunilo đáp lại rằng:

Nếu một người cố gắng chứng minh với tôi rằng kiểu lập luận như thế, kiểu lập luận rằng hòn đảo đó thực sự có tồn tại, và không còn nghi ngờ gì về sự tồn tại của hòn đảo đó nữa, thì tôi sẽ cho rằng anh ta đang nói đùa hoặc nếu không như thế thì tôi biết tôi phải cho rằng ai đó phải là một kẻ khờ dại hơn: đó chính bản thân tôi nếu tôi chấp nhận lý chứng này; hay đó là anh ta, nếu anh ta cho rằng anh ta đã thiết lập cách chắc chắn về sự hiện hữu, tồn tại của hòn đảo đó.

If, I say, someone wishes thus to persuade me that this island really exists beyond all doubt, I should either think that he was joking, or I should find it hard to decide which of us I ought to judge the bigger fool – I, if I agreed with him, or he, if he thought that he had proved the existence of this island with any certainty, unless he had first convinced me that its very excellence exists in my mind precisely as a thing existing truly and indubitably and not just as something unreal or doubtfully real.[37]

Để hiểu rõ hơn, xin ráp phần lập luận của Gaunilo vào trong lập luận của thánh Anselm như sau:

Mọi người, ai cũng đều có thể hiểu được cụm từ “hòn đảo hoàn hảo nhất”, đó là hòn đảo mà không có hòn đảo nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn. Do đó, hòn đảo như thế có thể được hiểu trong tâm trí, tồn tại trong tâm trí khi người ta nghe về nó (giống như nghe về Thiên Chúa là điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn). Mọi người có thể hiểu được về một hòn đảo như thế, và nó có thể vừa tồn tại trong tâm trí, vừa tồn tại trong thực tế. Tiếp theo, lấy lại lập luận của thánh Anselm: ‘Tồn tại trong thực tế thì lớn lao hơn chỉ tồn tại trong tâm trí.’ Do đó, nếu một ‘hòn đảo hoàn hảo nhất mà không có hòn đảo nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ chỉ tồn tại trong tâm trí thì nó không còn là ‘hòn đảo hoàn hảo nhất mà không có hòn đảo nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn.’ Vì thế, ‘hòn đảo hoàn hảo nhất mà không có hòn đảo nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ buộc phải tồn tại trong thực tế.[38]

Lập luận của Gaunilo đã quá rõ ràng. Bằng việc sử dụng chính những lập luận của thánh Anselm để phản bác lại thánh Anselm, qua đó Gaunilo đưa đến kết luận nghịch lý là mọi người sẽ chứng minh được sự hiện hữu của những thứ mà họ biết là không hiện hữu. Và kết luận nghịch lý của Gaunilo cũng cho thấy nghịch lý trong lập luận của thánh Anselm, qua đó, Gaunilo muốn lật đổ lập luận của thánh Anselm.

Quả thật, trong lập luận của thánh Anselm để đối chứng lại với lời bác bỏ của Gaunilo, có thể thấy rằng, hòn đảo mà Gaunilo đưa ra làm ví dụ là thứ khả dĩ. Tuy nhiên, vì đã là hòn đảo, thì theo lẽ thường, nó chắc chắn phải có những giới hạn về mặt không gian địa lý cũng như các yếu tố bị giới hạn như bao vật chất hữu hình khác. Vậy thì làm sao một người có thể nghĩ đến một hòn đảo luôn lớn hơn tất cả những hòn đảo khác trong trí tưởng tượng. Vì nếu ai đó nghĩ ra một thuộc tính, chẳng hạn như về kích thước của hòn đảo đó, thì người ấy nhất định cũng sẽ nghĩ được một kích thước lớn hơn nữa, và cứ như thế, vậy chẳng thể nào có được một hòn đảo lý tưởng như Gaunilo đã lấy làm ví dụ. Cho nên, vẫn còn đó những thiếu sót trong lập luận của Gaunilo. Thánh Anselm đáp trả lại như sau:

Tuy nhiên, nếu anh cho rằng ai đó không còn nghi ngờ gì khi khẳng định rằng hòn đảo (trù phú hơn tất cả những hòn đảo khác nhưng vì khó khăn hay bất lực mà không thể phát hiện được nó, được gọi là ‘Hòn đảo bị thất lạc’) thực sự có tồn tại trong thực tế vì bất kì ai cũng có thể dễ dàng hiểu khi nghe về nó. Thì tôi hứa rằng, nếu ai đó tìm cho tôi thứ như thế trong thực tế hay chỉ trong tâm trí mà thôi, ngoại trừ ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ mà lập luận của tôi áp dụng, thì tôi sẽ tìm ra ‘Hòn đảo thất lạc’ và nó sẽ không còn bị thất lạc nữa.

You claim, however, that this is as though someone asserted that it cannot be doubted that a certain island in the ocean (which is more fertile than all other lands and which, because of the difficulty or even the impossibility of discovering what does not exist, is called the ‘Lost Island’) truly exists in reality since anyone easily understands it when it is described in words. Now, I truly promise that if anyone should discover for me something existing either in reality or in the mind alone – except ‘that-than-which-nothing-greater-can-be-thought’ – to which the logic of my argument would apply, then I shall find that Lost Island and give it, never more to be lost, to that person.[39]

Nếu thánh Anselm trả lời cho lập luận của Gaunilo, thì có lẽ thánh Anselm sẽ hỏi lại Gaunilo rằng dù là hòn đảo hoàn hảo nhất mà không có hòn đảo nào hoàn hảo hơn thì hòn đảo đó có thể được đo lường và định lượng theo những yếu tố vật lý hay không? Câu trả lời chắc chắn là có, vậy thì khi đã có hòn đảo đó đồng nghĩa là có thể có những giới hạn vật lý đối với hòn đảo đó, và như thế là ta hoàn toàn có thể suy tưởng đến một hòn đảo khác hơn hòn đảo này. Vậy thì đó không phải là hòn đảo hoàn hảo nữa. Do đó, không có hòn đảo nào như vậy cả.

Lập luận của thánh Anselm chỉ có thể áp dụng cho điều hoàn hảo nhất có thể được suy tưởng, mà sự tồn tại thực tế của nó không phụ thuộc vào cái khác nó. Còn đối với ví dụ hòn đảo của Gaunilo thì không bao giờ ta có được một hòn đảo hoàn hảo nhất có thể được suy tưởng. Và như thế không thể áp dụng lập luận của thánh Anselm vào ví dụ hòn đảo của Gaunilo. Do vậy, thánh Anselm cho rằng lập luận của ngài vẫn có thể trụ vững trước luận điệu bác bỏ của Gaunilo. Và ngài còn cảm ơn Gaunilo về những phản biện: “Tôi thực sự cảm kích lòng tốt của anh về cả những chỉ trích và sự đánh giá cao tác phẩm của tôi. Vì anh đã hết sức ca ngợi những điều mà anh cảm thấy chấp nhận được, và cũng đã phê bình những điều mà anh dường như thấy chưa đủ vững trong tinh thần bằng hữu.”[40]

Tuy nhiên, trong lập luận của thánh Anselm cũng tồn tại một điểm yếu nữa. Đó là, thánh Anselm cho rằng Thiên Chúa là ‘cái gì đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ Vậy thì làm sao mà biết được Thiên Chúa là cái gì? Cũng giống như khi nói rằng “có một con số mà không có một con số nào có thể được nghĩ ra mà lại lớn hơn”. Khi nói như thế, thì chẳng bao giờ có thể tìm ra con số đó. Như thế chẳng biết con số đó là gì cả.[41]

Cho nên thánh Anselm mới ngụ ý rằng Thiên Chúa không phải là cái gì đó hoàn hảo nhất, lớn lao nhất có thể hiểu được; mà Thiên Chúa là cái lớn lao và hoàn hảo hơn tất cả mọi cái có thể hiểu được. Vậy thì không thể hiểu được Thiên Chúa sao?

Cũng giống như khi nói rằng ‘một chiếc máy bay Boeing 747 là một cái gì đó mà tất cả những cái khác lớn hơn nó không thể lọt vào trong nhà xe của tôi’ thì có thể đặt câu hỏi rằng: Vậy thì chiếc Boeing 747 có thể lọt vào trong nhà xe của tôi không? Câu trả lời là không biết được.[42]

Cho nên, nếu Thiên Chúa là ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ thì cũng không biết được là Thiên Chúa có suy tưởng được hay không. Vậy cũng không mâu thuẫn khi có thể nói là không thể suy tưởng được Thiên Chúa.

Đến đây, vấn đề lại được đặt ra là: làm sao mà một điều nào đó không thể được suy tưởng lại có thể nằm trong sự hiểu biết?

Thánh Anselm dành một phần trong chương 4 trong tác phẩm Proslogion để giúp làm rõ vấn đề này.

Thánh Anselm cho rằng, khi một người suy tưởng về điều nào đó, người đó suy tưởng theo nhiều cách khác nhau. Thánh Anselm ám chỉ rằng, kẻ khờ thì chỉ suy tưởng theo bề mặt ngôn từ; còn người tin vào Thiên Chúa thì suy tưởng về Chúa trong chính Chúa. Tuy nhiên, thánh Anselm không chỉ nói rằng kẻ khờ mới suy tưởng như vậy, mà hầu hết mọi người đều có xu hướng suy tưởng như thế, cho nên nhiều người không thể hiểu được hết thực tại nằm sau câu ‘điều nào đó, mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’[43]

Lập luận của Kant đối với thánh Anselm: Tồn tại không phải là một thuộc tính

Kant chỉ ra lỗi trong lập luận của thánh Anselm. Như trong lập luận của thánh Anselm, thánh Anselm cho rằng, điều gì tồn tại trong thực tế thì lớn lao và cao cả hơn điều đó nếu chỉ tồn tại trong tâm trí. Khi nói như vậy, Kant cho rằng thánh Anselm đã qui gán sự hiện hữu thành một thuộc tính của sự vật. Vì sự vật lớn lao và cao cả hơn nếu nó có sự hiện hữu, vậy thì chính nhờ sự hiện hữu mà làm cho nó trở nên cao cả hơn, lớn lao hơn, muốn như vậy thì hiện hữu phải là một thuộc tính. Vì chỉ thuộc tính mới có thể đem ra để so sánh cái gì hơn cái gì. Tuy nhiên, Kant cho rằng, hiện hữu không phải là một thuộc tính của sự vật. Và khi thánh Anselm cho rằng hiện hữu làm cho sự vật lớn lao và cao cả hơn thì thánh Anselm đã mắc lỗi nghiêm trọng. Vậy thì điều gì đã khiến Kant cho rằng hiện hữu không phải là một thuộc tính?[44]

Điểm mấu chốt trong lập luận của Kant nằm ở việc thánh Anselm đã cho rằng tồn tại là một thuộc tính cần thiết của khái niệm Thiên Chúa. Và do đó, Thiên Chúa phải tồn tại trong thực tế. Còn đối với Kant, ông cho rằng tồn tại không phải là một thuộc tính thực sự. Theo Kant, những phán đoán về sự tồn tại của điều nào đó không phải là phán đoán phân tích, bởi vì sự tồn tại chỉ được qui định và lệ thuộc vào kinh nghiệm trực quan chứ không phải chỉ bằng khái niệm. Kant đã nói rõ trong tác phẩm Phê bình lý trí thuần túy:

Trong ý thức của chúng ta về mọi sự tồn tại (dù trực tiếp thông qua tri giác, hay gián tiếp thông qua các suy luận có nối kết một cái gì với tri giác) đều hoàn toàn chỉ thuộc về sự thống nhất của kinh nghiệm; và một sự tồn tại ở ngoài lãnh vực này tuy không được khẳng định rằng tuyệt đối không thể có được, nhưng nó là một tiền đề mà không có gì để chúng ta có thể biện minh được cả.[45]

Từ đây, Kant cho rằng sự tồn tại không thể được qui định bởi khái niệm; có nghĩa là sự tồn tại không thể bị quyết định bởi một phán đoán tiên nghiệm, bởi vì khái niệm phải kết nối với tri giác để có thể trở thành một sự tồn tại đích thực trong kinh nghiệm. Do đó, khả thể duy nhất mà Kant nói về sự tồn tại phải là một phán đoán hậu nghiệm tổng hợp. Phán đoán về sự tồn tại mang tính chất tổng hợp do sự tồn tại của một vật thì không phụ thuộc vào khái niệm mà nó được gọi. Và muốn cho một vật được thực sự tồn tại thì khái niệm đó phải đi đôi với kinh nghiệm tri giác và được xác định bởi kinh nghiệm tri giác. Tuy nhiên, rõ ràng rằng khái niệm chẳng thêm gì vào sự tồn tại của một sự vật.

Kant cho rằng ý niệm về sự hiện hữu trong thực tế không thêm gì vào khái niệm về một điều cụ thể hay một sự vật. Một trăm đô-la trong trí tưởng tượng có cùng một con số với một trăm đô-la trong thực tế. Khi khẳng định rằng một trăm đô-la trong thực tế, hay tồn tại, thì điều đó chỉ cho biết rằng có một mẫu vật như thế trong thực tế mà thôi. Và do đó, khi nói rằng có điều ‘x’ tồn tại trong thực tế thì không phải là người nói đang thêm bất kì một thuộc tính nào vào đối tượng hay khái niệm, mà người đó chỉ đang cho thấy có một điều như thế, một mẫu vật như thế tồn tại trong thực tế.[46]

Theo Kant, khái niệm Thiên Chúa của thánh Anselm đã bao hàm ngay chính sự tồn tại của Đấng là Thiên Chúa một cách mặc định mà chẳng chịu tuân theo quy tắc của kinh nghiệm tổng hợp. Theo đó, chính khái niệm ‘Thiên Chúa’ đã nảy sinh ra sự tồn tại của Thiên Chúa theo lối tư duy phân tích, thay vì phải là tổng hợp. Và theo Kant, vì khái niệm thì không thể thêm gì hay quyết định cho sự tồn tại của điều gì, cho nên, Kant phủ quyết sự khẳng định về sự tồn tại của Thiên Chúa theo lối của thánh Anselm. Kant cho rằng thánh Anselm đang nói luẩn quẩn.

Trong khi đó Rene Descartes cho rằng tồn tại phải là một thuộc tính giữa những thuộc tính của Thiên Chúa. Điều này giống như việc tổng ba góc trong của một tam giác (1800) luôn bằng tổng hai góc vuông là một đặc tính tất yếu của tam giác. Và Descartes cho rằng một tam giác mà không có đặc tính này thì không phải là tam giác. Và Thiên Chúa nếu không có thuộc tính tồn tại thì không phải là Thiên Chúa. Tuy nhiên, đối với trường hợp của tam giác thì không thể suy ra sự tồn tại của bất kì hình tam giác nào từ lập luận như trên. Nhưng đối với Đấng tối hảo (supremely perfect being) thì một người có thể suy ra được thuộc tính tồn tại, vì tồn tại là điều thiết yếu đối với hữu thể hoàn hảo vô hạn (unlimitedly perfect).[47]

Kant lập luận rằng: phải thừa nhận rằng ở một mức độ nào đó, có thể nói rằng sự hiện hữu có thuộc về khái niệm Đấng hoàn hảo vô hạn; giống như nói rằng ba góc trong của một tam giác nhất thiết phải thuộc về một tam giác. Trong mỗi trường hợp, sự hiện hữu của chủ thể tất yếu sẽ dẫn đến sự hiện hữu của các thuộc tính. Như có hình tam giác thì có ba góc, có Đấng tối hảo vô hạn thì có thuộc tính hiện hữu của Đấng ấy.

Thiết định một hình tam giác rồi thủ tiêu ba góc của nó, là mâu thuẫn; nhưng thủ tiêu cả hình tam giác cùng với ba góc của nó thì không có mâu thuẫn nào. Tình hình cũng giống hệt như vậy với khái niệm về một Hữu thể tất yếu tuyệt đối. Nếu các bạn thủ tiêu sự tồn tại của Hữu thể ấy, các bạn vừa thủ tiêu bản thân sự vật cùng với tất cả những thuộc tính của nó, trong trường hợp đó, mâu thuẫn từ đâu mà đến được.[48]

Bertrand Russell cũng đồng quan điểm với Immanuel Kant khi cho rằng: Mặc dù về mặt ngữ pháp khi nói cái gì đó tồn tại trong thực tế, thì rõ ràng là đang thêm một điều nào đó cho cái được nói tới. Xét theo ngữ pháp thì là đang thêm vào đó một thuộc tính, nhưng thực tế thì thuộc từ ‘tồn tại trong thực tế’ mang một chức năng khác. Chẳng hạn, khi nói ‘Những con bò tồn tại’ thì ta đang hàm ý muốn nói rằng có những đối tượng trong thực tế là những con bò như thế. Tương tự như thế, khi nói ‘Những con kì lân không tồn tại trong thực tế’ thì nghĩa là ta đang hàm ý ‘không có cái nào, cái gì như con kì lân như thế tồn tại trong thực tế’. Không có mẫu vật nào trong thực tế giống như con kì lân trong trí tưởng tượng, trong khái niệm. Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể nói về con kì lân, hiểu về con kì lân, nhưng không vì thế mà ta có thể khẳng định rằng con kì lân có tồn tại trong thực tế. Cho nên, nếu tồn tại là một thuộc tính, thì lập luận của thánh Anselm hợp qui, vì tồn tại là một thuộc tính thì tất nhiên là Đấng hoàn hảo vô hạn phải có thuộc tính này; như thế sự tồn tại của Đấng ấy là tất yếu. Còn nếu tồn tại không phải là một thuộc tính như Kant hay Russell lập luận, thì lập luận của thánh Anselm bị gãy gánh giữa đường.[49]

Tuy nhiên, khi Kant cho rằng tồn tại không phải là một thuộc tính và nó chẳng thêm gì vào cho khái niệm, thì Kant đã đưa ông vào một khó khăn. Ngay ví dụ của Kant, Kant cho rằng khái niệm 100 đô-la và sự tồn tại của 100 đô-la chẳng thêm gì cho nó. Tuy nhiên, rõ ràng là một trăm đô-la trong khái niệm thì ít giá trị hơn một trăm đô-la cầm trên tay. Trong thế giới của thương mại, một trăm đô-la đem lại quyền lực của sự mua bán. Rõ ràng, tồn tại đã thêm vào cho một trăm đô-la cầm trên tay một giá trị lớn hơn là một trăm đô-la trong khái niệm. Cho nên, Kant sẽ phải đồng ý với thánh Anselm rằng tồn tại dù có là một thuộc tính hay không thì tồn tại đem lại giá trị lớn lao hơn, ít nhất là trong ngay ví dụ về một trăm đô-la mà Kant đưa ra. Vậy, lý luận về Đấng mà thánh Anselm đưa ra hoàn toàn có thể trở nên lớn lao và cao cả hơn khi Đấng ấy tồn tại trong thực tế.

Đồng thời, khi Kant cho rằng tồn tại là một thuộc tính và đem lý luận ấy vào áp dụng với hữu thể là Thiên Chúa, thì thánh Anselm sẽ phản biện lại rằng chính Kant đã hạ phẩm giá của Thiên Chúa khi đánh đồng Ngài với những vật khác. Nếu hỏi Kant rằng Kant quan niệm Thiên Chúa như thế nào? Phải chăng, đối với Kant, Thiên Chúa của thánh Anselm cũng chỉ giống như bao sự vật trên đời này sao? Còn đối với thánh Anselm, Thiên Chúa của ngài là duy nhất, khác biệt với những hữu thể khác. Cho nên, những lý luận của thánh Anselm nhằm hướng đến hữu thể là Thiên Chúa, chứ không hoàn toàn qui Thiên Chúa vào sự tồn tại của những hữu thể vật chất.

Biện luận không đồng tình của thánh Thomas Aquinas

Trong tác phẩm Summa Contra Gentiles, thánh tiến sĩ Thomas Aquinas đã thẳng thắn không đồng quan điểm với thánh Anselm. Mặc dầu thánh Thomas Aquinas đồng ý rằng Thiên Chúa tồn tại, tuy nhiên, cách biện luận cho sự hiện hữu của Thiên Chúa theo thánh Anselm thì chưa thuyết phục và tác phẩm Proslogion chưa thể đưa ra một bằng chứng dứt khoát cho sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thánh Thomas Aquinas cho rằng ‘thứ hiển nhiên như chính nó là’ thì khác với ‘thứ hiển nhiên như là với con người’, nhưng đối với con người, họ chẳng thể phân biệt được hai thứ đó, trong khuôn khổ trí óc hữu hạn của họ.[50] Theo thánh Thomas Aquinas, quả thật Thiên Chúa có tồn tại, và bản chất của Ngài là tồn tại. Tuy nhiên, trí hiểu của mọi người không thể nào hiểu được Ngài là thứ gì, như thế nào. Cho nên, Thiên Chúa có tồn tại, nhưng con người không biết được Ngài là như thế nào. Nói gọn, thánh Thomas Aquinas cho rằng có đấy một Thiên Chúa mà con người không biết. Vậy một người có thể hiểu điều này giống như việc có đầy dẫy những điều mà bản thân chúng đã có tồn tại, nhưng con người chưa biết được đấy thôi.[51]

Thêm vào đó, thánh Thomas Aquinas cũng chỉ ra rằng nếu thuộc từ ‘Thiên Chúa’ trong lập luận của thánh Anselm lại là ‘Đấng mà không có điều gì có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’, thì cũng chẳng có nghĩa lý hay bắt buộc nào để Đấng ấy phải tồn tại trong thực tế. Thậm chí, nếu theo lối hiểu này, thánh Thomas Aquinas còn cho thấy rằng chẳng có gì là không hợp lý nếu ai đó chối bỏ cả sự hiện hữu của Thiên Chúa. Điều khiến thánh Thomas Aquinas từ chối hay không chấp nhận một bằng chứng tiên thiên về sự hiện hữu của Thiên Chúa là việc trí hiểu của con người không thể tri nhận Thiên Chúa một cách đầy đủ và trực tiếp nhưng chỉ có thể tri nhận những tác động của Ngài mà thôi.[52]

Việc thánh Thomas Aquinas không đồng tình với thánh Anselm đôi khi lại bị hiểu sai đi và có khi bị lạm dụng. Có khi người ta còn đánh đồng việc thánh Thomas Aquinas không đồng ý về cách lập luận về sự hiện hữu của Thiên Chúa với việc Thiên Chúa không tồn tại. Tuy nhiên, thánh Thomas Aquinas không có ý như thế. Mặc dù không đồng ý với cách lập luận của thánh Anselm, nhưng trong tác phẩm của ngài, thánh Thomas Aquinas đã đồng quan điểm với thánh Anselm về vấn đề sự tồn tại tất yếu của Thiên Chúa. Cách cụ thể là qua ngũ đạo của thánh Thomas Aquinas, rõ hơn là con đường thứ ba, con đường hữu thể tất yếu. Thánh Thomas cho rằng sự tồn tại của Thiên Chúa phải là sự tồn tại tất yếu, còn những sự còn lại là bất tất.

Con đường thứ ba căn cứ trên vật khả hữu và vật tất hữu… Cho nên phải công nhận có chi đó tất yếu tự thân, không do nguyên nhân nào khác, trái lại còn là nguyên nhân phát sinh sự tất yếu nơi các vật khác. Điều tất hữu tự thân này được gọi là Thiên Chúa.[53]

Trong lập luận của thánh Thomas Aquinas, ngài đồng ý với thánh Anselm rằng có Thiên Chúa nhưng lại không đồng tình với cách biện luận của thánh Anselm. Nếu thánh Thomas Aquinas cho rằng có hai loại hiển nhiên là ‘hiển nhiên như chính nó là’ và ‘hiển nhiên như là với con người’ thì rõ ràng là thánh Anselm cũng nói đến vấn đề này. Không phải thánh Anselm cho rằng con người hoàn toàn biết được Thiên Chúa như chính Chúa là. Nhưng ngay từ đầu của tác phẩm, thánh Anselm đã cho rằng chính ngài đi tìm Thiên Chúa và ngài còn xin cả ơn Thiên Chúa để giúp ngài tìm biết Thiên Chúa. Đồng thời, thánh Anselm cũng cho rằng hữu thể Thiên Chúa không phải là hữu thể như bao hữu thể khác, nhưng hữu thể Thiên Chúa là duy nhất, là đặc biệt. Và thánh Anselm muốn đi tìm tri thức về Thiên Chúa theo chính trí hiểu của con người, chứ không phải là hoàn toàn thuần túy như chính Chúa là. Thế nên, tác phẩm Proslogion của thánh Anselm được coi như một minh chứng cho việc ‘đức tin đi tìm sự hiểu biết’. Có nghĩa là đối với thánh Anselm, ngài đang cố gắng dùng tất cả lý trí để tìm cho hiểu được sự tồn tại của Thiên Chúa một cách hợp lý nhất, đó là lý do ngài muốn viết tác phẩm Proslogion.

Còn đối với vấn đề thánh Anselm cho Thiên Chúa là ‘điều mà không có gì có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ thì không có gì mâu thuẫn với điều thánh Thomas Aquinas lập luận. Thánh Thomas nói rằng không có gì bắt buộc một Thiên Chúa như thế phải tồn tại. Có lẽ, thánh Thomas Aquinas không đồng ý với thánh Anselm vì thánh Thomas Aquinas cho rằng bằng chứng tiên thiên mà thánh Anselm đưa ra không phù hợp với sự tồn tại của Thiên Chúa. Mà đối với thánh Thomas Aquinas, sự tồn tại của Thiên Chúa chỉ được chứng minh thông qua bằng chứng lý luận hậu nghiệm, thông qua ngũ đạo. Rõ ràng là thánh Thomas Aquinas khi không chấp nhận kiểu lý luận tiên thiên về sự hiện hữu của Thiên Chúa như thánh Anselm, và dùng đến lý luận hậu nghiệm thông qua ngũ đạo, thì thánh Thomas đã dần giản lược Thiên Chúa về một thứ hữu thể vật chất và chịu nhiều qui luật của con người chi phối. Nếu thánh Thomas Aquinas đã chấp nhận rằng Thiên Chúa là một hữu thể đặc biệt, và con người chỉ có thể hiểu được Thiên Chúa một cách như con người hiểu, thì việc nại đến một bằng chứng tiên thiên không có gì là không thể. Vì nếu dùng đến hậu nghiệm như ngũ đạo thì Thiên Chúa chẳng khác nào những thứ vật chất khác. Thậm chí, người ta còn chất vấn Thiên Chúa dựa vào chính ngũ đạo. Còn nếu chấp nhận Thiên Chúa là một hữu thể đặc biệt, thì Thiên Chúa có thể được giải thích và lý luận theo một hướng tiên thiên. Qua đó, lập luận của thánh Anselm càng làm cho hữu thể Thiên Chúa được nổi bật hơn như một hữu thể đặc biệt và duy nhất. Và việc chứng minh cho sự tồn tại của Thiên Chúa sẽ vượt ra khỏi giới hạn của con người khi họ dám chấp nhận một Thiên Chúa theo lối hiểu tiên thiên, thay vì hậu nghiệm.

Một số phản bác khác

Một hướng lập luận chống lại lập luận của thánh Anselm, nói thực ra, đây có lẽ không phải là hướng lập luận bác bỏ quan điểm của thánh Anselm nhưng chỉ là nêu ra những vấn đề chưa được giải quyết, hay những vấn đề phức tạp, khó hiểu nảy sinh từ lập luận của thánh Anselm.

Thánh Anselm cho rằng Thiên Chúa là ‘một điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn.’

Một số triết gia đã đặt câu hỏi cho khẳng định trên rằng liệu nó có thể như thế không? Liệu có một thứ gì đó mà không có điều gì có thể suy tưởng mà lại lớn lao hơn? Chẳng hạn, khi xem xét dãy số nguyên dương tăng dần, ta thấy rằng không thể nào có một số mà không có số nào có thể suy tưởng mà lại không lớn lao hơn. Tuy nhiên, con người cũng sẽ không bao giờ tìm thấy số đó vì luôn có số lớn hơn số đó. Vậy nếu Thiên Chúa được đưa vào trong trường hợp này, thì cũng không bao giờ có được một Thiên Chúa mà không điều gì có thể suy tưởng mà lại lớn lao hơn. Và để có được một Thiên Chúa như thế là điều không tưởng.

Để trả lời cho câu hỏi liệu có một thứ gì đó mà không có điều gì có thể suy tưởng mà lại lớn lao hơn thì cần đặt lại vấn đề thứ đó thuộc phạm vi nào? Nếu xét về phạm vi toán học, thì qui luật số nguyên dương tăng dần sẽ là một chuỗi qui luật cộng dồn, vậy nếu nói rằng Thiên Chúa tồn tại cũng giống như một thứ vật chất hay công thức nào đó mà con người nắm bắt được hoàn toàn, và hiểu được một cách hoàn toàn thì Thiên Chúa cũng chỉ nằm trong sự hiểu biết của con người mà thôi. Vì khi nói rằng dãy số nguyên dương tăng dần thì cho dù Thiên Chúa là điều nào đó tuân theo một qui luật tăng dần thì Thiên Chúa ấy lại có một Thiên Chúa khác lớn hơn và cao cả hơn. Cứ như thế, chẳng ai sẽ có thể tìm thấy một Thiên Chúa lớn lao và cao cả nhất mà họ muốn tìm. Hóa ra, như vậy chẳng có một Thiên Chúa theo kiểu hiểu tăng tiến của con người. Nghĩa là chẳng có một điều gì lớn lao và cao cả nhất. Vì dù rằng tìm thấy gì thì theo nguyên tắc cũng sẽ có cái lớn hơn. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc không có một Thiên Chúa lớn lao và cao cả nhất có thể hiểu theo lối tư duy logic của con người. Vậy, vấn đề một Thiên Chúa lớn lao và cao cả nhất như thế có phải là một Thiên Chúa mà thánh Anselm đang đề cập đến không. Rõ ràng không phải là như thế. Thánh Anselm đang đi tìm một tri thức về sự tồn tại của Thiên Chúa, nhưng ngài chấp nhận giới hạn của con người và biết rằng ngài đang đi tìm một Thiên Chúa duy nhất, một hữu thể đặc biệt. Và ngài cố gắng tìm sao cho hợp lý nhất chứ không phải là tìm sao cho ra được một Thiên Chúa ấy theo cách tìm kiếm vật chất. Ngài không đi tìm một cái thùng giấy to nhất mà không có cái thùng nào có thể được suy tưởng mà lại to hơn. Và ngài cũng không đi tìm con số lớn nhất trong các con số. Đi tìm Thiên Chúa đối với thánh Anselm không phải là loại khoa học phát minh. Đối với thánh Anselm, ngài không đi phát minh ra một Thiên Chúa phù hợp với những định luật toán học hay lý học, nhưng ngài đi khám phá Thiên Chúa. Giống như trong thế giới, có những cái con người đi phát kiến, sáng tạo ra dựa trên những suy tưởng của con người. Tuy nhiên, đầy dẫy những điều con người không phát minh nhưng phải đi khám phá, tìm tòi cho biết, chẳng hạn như đi khám phá các châu lục, đi thám hiểm đại dương, khu rừng bí ẩn… Nếu khăng khăng áp dụng những qui luật thì cũng chỉ tạo ra những qui luật mà thôi. Còn giả như biết mở ra với thế giới, dám để cho thế giới có những điều mới, điều khác lạ thì sự hiểu biết ngày càng được mở rộng thêm. Thế nên, thánh Anselm đi tìm kiếm tri thức về sự tồn tại của Thiên Chúa chứ không phải là đi phát minh ra sự tồn tại của Thiên Chúa.

Cùng trên một bình diện này, một số triết gia lại có quan điểm và cho rằng, Thiên Chúa vẫn có thể là ‘một điều nào đó mà không có bất kì điều gì có thể được suy tưởng mà lớn lao hơn’. Chẳng hạn, xét theo các góc trong hình học, thì các góc sẽ không bao giờ lớn hơn tổng bốn góc vuông. Cho dù góc đó có lớn bao nhiêu, và có những góc khác lớn hơn nó, nhưng tất cả các góc được nghĩ ra hay suy tưởng đều không thể lớn hơn tổng bốn góc vuông. Điều này nếu được áp dụng vào mức độ khả dĩ về đối tượng Thiên Chúa, theo như lập luận, Ngài là ‘thứ gì đó mà không có điều gì có thể suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ là hoàn toàn được chấp nhận.[54]

Chương 4: Một vài nhận xét và kết luận

Khái niệm về tồn tại trong tâm trí

Thánh Anselm đã có điểm mạnh trong việc xác lập sự tồn tại của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ trong tâm trí để làm nền chung cho những lập luận và những tranh luận tiếp sau đó. Ngay từ khởi đầu của lập luận, thánh Anselm đã đưa ra khái niệm ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ để hướng đến sự tồn tại của Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì vấn đề tồn tại là vấn đề cần phải tranh luận, nên ngài chưa đem Thiên Chúa vào trong bước đầu. Đây là một chiến thuật khởi đầu của thánh Anselm, nó cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ngài để có thể đi tiếp những bước sau.

Với ý hướng như thế, đầu tiên, thánh Anselm chỉ ra điểm chung giữa ngài và kẻ khờ rằng cả hai đều nghe và hiểu về ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ mà không cần phải cân nhắc đến sự tồn tại trong thực tế của nó.

Không phải ngẫu nhiên mà thánh Anselm giả thiết về sự hiểu và sau đó dẫn đến sự tồn tại trong thực tế của một khái niệm về ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’. Nhìn lại lịch sử và nhìn vào thực tế, có thể dễ dàng thấy rằng, để khẳng định điều nào đó tồn tại, không phải lúc nào cũng đi từ sự tồn tại trong thực tế trước, nhưng rất nhiều điều phải đi từ sự tồn tại trong tâm trí để hướng đến sự tồn tại trong thực tế.

Các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, khi nghiên cứu về niềm tin tín ngưỡng của các nền văn hóa đều phải đi từ sự xác tín trong tâm trí của các đối tượng về một niềm tin nào đó mà không phải lúc nào cũng có thể diễn tả và xác minh sự tồn tại trong thực tế của những niềm tin đó theo kinh nghiệm thực nghiệm khoa học.

Ngay cả nền khoa học hiện đại cũng phải đi từ những giả thuyết về sự tồn tại trong tâm trí, trước cả khi đi xác minh cách chắc chắn về sự tồn tại ấy trong hiện thực. Không thiếu khi, những kiểm tra và xác minh về sự tồn tại trong thực tế được kiểm chứng bằng kinh nghiệm thực nghiệm khoa học, và cũng rất nhiều khi không thể kiểm chứng được bằng khoa học thực nghiệm. Tuy nhiên, dù kiểm chứng được hay không cũng đều phải có một điểm chung là phải hiểu trong tâm trí trước, phải xác lập điều muốn kiểm chứng trước rồi mới đi đến kiểm chứng trong thực tại. Rõ ràng, những điều này không đi ngoài con đường mà thánh Anselm cũng đang thực hiện trong lập luận của ngài.

Gần đây, Albert Einstein đã khám phá và đưa ra lý thuyết định luật tương đối về sự tồn tại trong thực tế của các sóng hấp dẫn (gravitational waves). Albert Einstein đã dự đoán rằng khi hai ngôi sao xoay quanh quỹ đạo của nhau sẽ tạo ra những sóng hấp dẫn trước khi chúng va chạm vào nhau. Lý thuyết này đã được Albert Einstein đưa ra vào năm 1905. Tuy nhiên, mãi đến năm 2015 thì các nhà khoa học mới chính thức công nhận sự tồn tại trong thực tế của sóng hấp dẫn mà Albert Einstein đã đưa ra trong giả thuyết của ông.[55] Cho nên, từ ví dụ của Albert Einstein, có thể thấy rằng thánh Anselm cũng đang đưa ra những lý thuyết trước nhất phải tồn tại trong tâm trí rồi sau đó sẽ được kiểm chứng trong thực tế. Đây có thể được xem là một trong những điểm đáng khen ngợi nơi những nỗ lực của thánh Anselm.

Tại sao tồn tại trong thực tế thì tốt hơn?

Có thể thấy rằng, trong lập luận của thánh Anselm, ngài cho rằng tồn tại là một điều tốt hơn là không tồn tại. Ngài cho rằng nếu ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ chỉ tồn tại trong tâm trí thì ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ cũng có thể được suy tưởng là tồn tại trong thực tế. Và có thể hiểu rằng thánh Anselm khẳng định rằng ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ tồn tại trong thực tế thì lớn lao và cao cả hơn là ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi. Từ đây, có thể hiểu rằng tồn tại là một điều tốt. Có thể nhận thấy điều này khi thánh Anselm nói về sự tồn tại của Thiên Chúa: “Dù Thiên Chúa là gì thì Thiên Chúa tồn tại vẫn tốt hơn là không tồn tại.” “God is whatever it is better to be than not to be.”[56]

Sự khẳng định này có thể sẽ dẫn đến nhiều lối hiểu khác nhau và gây ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, ở đây, thánh Anselm không có ý cho rằng ‘tồn tại phải là một thuộc tính hoàn hảo nhất’. Điều này có nghĩa là cái gì hoàn hảo nhất thì phải tồn tại trong thực tế. Thánh Anselm cũng không có ý cho rằng ‘tồn tại là điều làm cho mọi thứ trở nên tốt nhất’. Hay thánh Anselm cũng không có ý cho rằng ‘bất cứ điều gì mà tồn tại trong thực tế thì hẳn tốt hơn những gì không tồn tại trong thực tế’. Nhưng ở đây, thánh Anselm có ý cho rằng và đi chỉ ra rằng ‘tồn tại trong thực tế thì lớn lao và cao cả hơn là tồn tại chỉ trong tâm trí’. Có nghĩa rằng cùng một điều nào đó mà một điều thì chỉ tồn tại trong tâm trí, và một điều vừa trong tâm trí vừa trong thực tế, thì điều vừa tồn tại trong thực tế và trong tâm trí thì lớn lao và cao cả hơn điều còn lại.

Nếu liên hệ với thế giới ngày nay, trong một thời đại con người ta chuộng những gì ‘mắt thấy tai nghe’, thì liệu đối với thánh Anselm, việc tồn tại thì có còn lớn lao và cao cả hơn là không tồn tại quả là một vấn đề đáng bàn cãi. Người ta thường vui mừng và hân hoan khi một đứa trẻ chào đời, một người mới được sinh ra trên cõi đời này. Nhưng liệu có phải ai sinh ra và tồn tại trên cõi đời này cũng được xem là điều tốt lành trong quan điểm của tất cả mọi người không? Các chuyên gia y tế, nền y tế chăm sóc cộng đồng đều mong muốn cho con người ta sống được lâu hơn, tồn tại lâu hơn trên cõi đời này. Tuy nhiên, lại thiếu gì những người phá thai, giết chết nhau vì họ cho rằng sự tồn tại trong trường hợp của họ thì không lớn lao và cao cả hơn là không tồn tại. Ngay thậm chí, chính các loài động thực vật cũng mong muốn và có bản năng muốn được tồn tại. Ngay cả các loài vật cũng muốn cho con cái mình sống lâu dài hơn. Rồi con người thường than khóc và đau buồn trước sự ra đi của người thân, người họ yêu quý. Và thậm chí, những người Ki-tô hữu còn mong mỏi về một sự phục sinh ở đời sau, một sự tồn tại vĩnh cửu ở đời sau. Thế nên, có thể thấy rằng không phải điều gì cũng có thể hiểu một cách xác tín như thánh Anselm đã cho rằng tồn tại thì tốt hơn là không tồn tại.

Một cách chắc chắn rằng, có rất nhiều điều nếu hiểu theo như con người, và đành chấp nhận rằng con người phải nghĩ như thế, rằng thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tội ác… những thứ mà nhiều người nghĩ là tồi tệ đang xảy ra thì làm sao mà sự hiện hữu trong thực tế của chúng lại tốt hơn là nếu chúng không hiện hữu. Tuy nhiên, nếu xét sâu hơn, một cách tích cực hơn, thì làm sao mà con người có thể cho rằng tất cả những điều đó không tồn tại thì tốt hơn là tồn tại. Và dẫu rằng nếu con người cho rằng những điều đó là xấu thì điều đó có thực sự dẫn họ đến kết luận rằng tồn tại không phải là một điều tốt chăng? Quả thật, vấn đề này không chỉ đơn giản mà có thể trả lời một cách nhất quán cho tất cả mọi người và mọi trường hợp. Và dẫu có trả lời đi nữa thì rồi cũng không thể nào dám hoàn toàn chắc chắn về câu trả lời đó. Cho nên, để nói rằng Thiên Chúa có tồn tại thì tốt hơn là không tồn tại theo như thánh Anselm thì có thể được chấp nhận. Và điều này cũng trở thành một điểm thú vị và góp phần làm cho lập luận của thánh Anselm trở nên vững chắc hơn.

Khái niệm tồn tại trong thực tế ở hai mức độ khác nhau

Trong qui luật luận lý hình thức, khi nói điều nào đó tồn tại thì có nghĩa là nó tồn tại hoặc không tồn tại. Đó là qui luật của luật bài trung.[57]

Bởi vì kẻ khờ đã nói rằng “Thiên Chúa không tồn tại” nên thánh Anselm có thể hiểu rằng kẻ khờ đang ngầm ý rằng ‘sự tồn tại’ mà kẻ khờ đang đề cập đến cũng nằm trong qui luật này. Cho nên, kẻ khờ cũng có ý cho rằng Thiên Chúa có thể được nghĩ là không tồn tại. Như thế, thánh Anselm đã rất tinh vi khi triển khai ý của ngài theo hướng rằng ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ không thể chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi, hay xa hơn, ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ không thể được cho là chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi. Và nếu đúng là ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ không chỉ tồn tại trong tâm trí thì theo qui luật bài trung, nó buộc phải tồn tại cả trong thực tế. Đây là hướng đi đáng khen của thánh Anselm.

Tuy nhiên, dù theo ý hướng như thế, thánh Anselm cũng chưa vội vàng khẳng định rằng Thiên Chúa không được nghĩ là không tồn tại, mà thánh Anselm từ từ đi xác lập sự bất khả dĩ của việc nghĩ rằng ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ chỉ tồn tại trong tâm trí mà thôi. Sau đó, thánh Anselm đi tìm kiếm sự tồn tại trong thực tế của ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’. Ngài đặt vấn đề rằng có điều nào như thế không?

Một cách rất rõ ràng và hiển nhiên khi xem xét bản văn, có thể thấy rằng không một chỗ nào trong những phần đầu trong Proslogion, thánh Anselm viết rằng Thiên Chúa thực tồn tại trong thực tế. Nhưng thánh Anselm chỉ khẳng định rằng có ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ thật tồn tại trong thực tế. Rồi qua một bước chuyển tiếp, thánh Anselm cho rằng Thiên Chúa chính là ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’. Sở dĩ thánh Anselm không muốn khẳng định một cách trực tiếp rằng Thiên Chúa thực tồn tại trong thực tế là vì ngài sợ rằng nếu khẳng định như thế thì người đọc sẽ hiểu lầm và cho rằng thánh Anselm cho rằng sự tồn tại của Thiên Chúa cũng giống như sự tồn tại của bao vật khác, một sự tồn tại theo qui luật bài trung, có hoặc không. Có thể thấy chiều hướng này nơi thánh Augustine và trường phái Tân Plato, họ cho rằng tồn tại có hai loại là tồn tại giống như bao sự vật đời thường chẳng hạn sự tồn tại của một cái cây, một con chó, một dòng sông… và thứ còn lại là thứ tồn tại có phân cấp mức độ. Theo loại tồn tại thứ hai, sự vật sẽ tồn tại theo mức gọi là tồn tại ít và tồn tại nhiều, hay đạt tới mức tồn tại tối đa. Chính với những quan niệm về tồn tại như thế, thánh Anselm muốn đề cập đến sự hiện hữu của Thiên Chúa qua loại tồn tại thứ hai; cụ thể, ở Proslogion chương 4.[58] Sở dĩ thánh Anselm chỉ ra rằng Thiên Chúa phải tồn tại theo thể thức thứ hai là vì ngay trong chính niềm tin của ngài, và trong truyền thống Do Thái Giáo đã xác tín rằng Thiên Chúa chính là Đấng Tạo Hóa ra mọi loài. Nếu nói là Đấng Tạo Hóa ấy tồn tại theo thể thứ nhất, tồn tại giống như các loài được tạo ra, thì liệu Đấng ấy có khác gì với điều mà Đấng ấy tạo ra. Và như thế là đã đánh đồng Thiên Chúa với loài được Ngài tạo dựng. Với điểm này, có lẽ kẻ khờ không thể nào đối chấp với thánh Anselm vì một khi hiểu ‘điều nào đó mà không có bất cứ điều nào có thể được suy tưởng mà lại lớn lao hơn’ thì cũng hiểu là điều ấy phải hơn những điều còn lại.

Tầm mức quan trọng trong thách thức mà thánh Anselm đặt ra cho triết học ngày nay

Một trong những thách thức mà thánh Anselm đã đặt ra cho nền triết học ngày nay chính là vấn đề loại bỏ Thiên Chúa, hay vấn đề phủ nhận Thiên Chúa trong những bàn cãi triết học. Tác phẩm Proslogion của thánh Anselm không những dùng để giúp những người tin thêm hiểu mà còn dùng để thách thức những kẻ không tin trong vấn đề phủ nhận. Ai muốn phủ nhận những gì thánh Anselm nói thì phải đi chứng minh những sự không hợp lý của thánh nhân. Và nếu không thể chỉ ra một cách trọn vẹn thì lại càng củng cố cái nhìn rằng Thiên Chúa không thể bị loại bỏ ra khỏi vấn đề triết học, và như thế càng làm cho khả thể Thiên Chúa trở nên vững mạnh hơn. Điều này làm giảm tham vọng của những ai muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ và của người khác. Và chính như thế, thánh Anselm đã góp phần lan truyền những tri thức về Thiên Chúa trong xã hội ngày nay.

Vấn đề kiểm chứng sự tồn tại của Thiên Chúa: Liệu có thể có cách nào kiểm chứng một cách xác đáng về sự tồn tại của Thiên Chúa hay không?

Vấn đề chứng minh Thiên Chúa, hay nói khác là Thượng Đế là một vấn đề không phải dễ dàng. Mỗi kiểu chứng minh đều đưa ra những lý lẽ khá thuyết phục nhưng đồng thời cũng sẽ có những phản bác chống lại. Tuy nhiên, để chứng minh Thiên Chúa có hiện hữu hay Thiên Chúa không hiện hữu thì ngay trong câu hỏi hay vấn đề đặt ra cũng đang chứa đựng những vấn đề cần được làm rõ. Chẳng hạn như để chứng minh Thiên Chúa tồn tại thì phải đặt câu hỏi về sự tồn tại của Ngài. Có thể nói rằng điều này điều kia tồn tại. Chẳng hạn, Lầu Năm Góc tồn tại. Tuy nhiên, khi nói như thế thì đang nói về sự tồn tại theo nghĩa vật chất, có một thứ như thế, một thứ có thể sờ được, cầm được, nắm được… có một thứ vật chất sờ sờ ở đó mà các giác quan có thể cảm nhận được. Tuy nhiên, nghĩa của vấn đề tồn tại không chỉ dừng lại ở vấn đề vật chất vì có nhiều điều không chỉ thuộc về phạm trù của vật chất. Chẳng hạn, tình yêu có tồn tại hay không? Dĩ nhiên là mọi người sẽ khẳng định là tình yêu có tồn tại. Vấn đề tồn tại của tình yêu ở đây lại không còn nằm trong phạm vi của vật chất nữa. Sự tồn tại của tình yêu rõ ràng là khác với sự tồn tại của Lầu Năm Góc. Nếu nói rằng vì không thể đếm được tình yêu, không ngửi thấy tình yêu, và không đụng chạm được tình yêu mà nói rằng tình yêu không tồn tại thì quả thật là ngớ ngẩn. Quả thật, việc khẳng định điều nào đó tồn tại hay không tồn tại không chỉ dựa trên một hay một số bằng chứng nhất định. Mà điều quan trọng hàng đầu chính là những điều kiện hay phép thử nào để có thể đưa ra kết luận về sự tồn tại của sự vật.

Nếu phép thử đối với sự tồn tại của những vấn đề vật chất thì có thể dựa vào những điều kiện vật chất có thể đem ra cân đo đong đếm. Xét cho cùng, thì phép thử này dựa trên những điểm chung thống nhất giữa cộng đồng có những đặc tính chung. Đây có thể được cho là phép thử của khoa học về kinh nghiệm. Sự tồn tại của điều nào đó được đánh giá dựa vào sự đáp ứng thỏa mãn những điều kiện được đưa ra. Đây là phương pháp phổ biến mà khoa học sử dụng. Vậy, vấn đề đặt ra là liệu có thể sử dụng phép thử này để đánh giá về sự tồn tại của Thiên Chúa hay không? Có lẽ là không. Vấn đề phép thử theo những tiêu chí của khoa học kinh nghiệm bản thân có vấn đề ở chỗ, khoa học kinh nghiệm chỉ đưa ra kết luận dựa trên những tiêu chí, mà những tiêu chí này lại là kết quả rút ra từ nhiều những thực nghiệm chung ở nhiều đối tượng. Tuy nhiên, đó không phải là chung cho tất cả mọi thứ. Bản thân khoa học không thể đi kiểm nghiệm tất cả mọi điều, mà khoa học chỉ đưa ra những mô thức chung cho những sự kiện tương tự. Đối với những trường hợp tương tự sẽ cho ra những kết quả tương tự. Việc này giống như nói rằng các nhà khoa học đã đi tìm kiếm rất nhiều hành tinh mà không thấy nơi nào có sự hiện diện của con người, và các nhà khoa học kết luận rằng chỉ ở Trái Đất mới có sự hiện diện của con người. Điều này nghe thì có vẻ hợp lý phần nào, nhưng xét cho sâu thì điều này là vô lý. Vì các nhà khoa học đã đi khảo sát hết tất cả các hành tinh đâu mà nói rằng chỉ Trái Đất mới có con người. Cũng giống như nói rằng các nhà khoa học đã đi tìm ở rất nhiều nơi trong vũ trụ, lên rừng xuống biển, hàng trăm năm rồi mà có thấy Thiên Chúa đâu, cho nên Thiên Chúa chẳng tồn tại. Những điều lý luận kiểu này rõ ràng dựa trên sự vô lý và thiếu căn cớ. Nếu xét trong tác phẩm Proslogion, có thể thấy rằng, trong phản biện của Gaunilo về sự tồn tại của Thiên Chúa, Gaunilo đã đem sự tồn tại của Thiên Chúa ra so sánh với sự tồn tại của Thiên Chúa. Gaunilo đã dùng phép thử của thứ vật chất hữu hình là hòn đảo để kiểm chứng sự tồn tại của Thiên Chúa. Gaunilo đã đánh tráo khái niệm ‘tồn tại’ của một điều vượt ra khỏi thế giới hữu hình với khái niệm ‘tồn tại’ của thế giới vật chất.

Trong chính tác phẩm Proslogion, thánh Anselm cũng đã ngụ ý đề cập đến phép thử về sự tồn tại của Thiên Chúa không thể nào là phép thử như Gaunilo muốn dùng, hay cũng không phải là phép thử mà khoa học thực nghiệm đem ra cân đo đong đếm. Bởi theo thánh Anselm, sự tồn tại của Thiên Chúa không đồng nhất với sự tồn tại vật chất theo tri giác cảm quan của con người.[59]

Sự thiếu căn cớ của khoa học kinh nghiệm trong vấn đề chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa cho thấy khoa học không thể nào đưa đến kết luận về sự tồn tại của Thiên Chúa. Cho nên, cần phải xét đến sự tồn tại của Thiên Chúa theo một con đường khác. Đó chính là con đường của lý luận. Vấn đề đặt ra là liệu sự tồn tại của Thiên Chúa có thể được chứng minh một cách thuần lý hay không? Có nghĩa rằng, liệu có thể đi chứng cho sự tồn tại của Thiên Chúa mà không cần phải dựa vào những thí nghiệm khoa học chăng? Chứng cứ hữu thể học về sự tồn tại của Thiên Chúa trong tác phẩm Proslogion là một trong những con đường đi tìm kiếm chứng cứ cho sự hiện hữu của Thiên Chúa theo thể thức thuần lý. Việc chứng minh sự tồn tại của Thiên Chúa thuần lý bản thân cũng có những điểm sáng và điểm tối. Việc chứng minh thuần lý như thế phải dựa trên những chứng cứ tiên thiên hoặc hậu nghiệm. Chứng cứ tiên thiên là đi tìm những lý lẽ khởi đi từ bản chất sự vật. Còn chứng cứ hậu nghiệm thì đi từ những hiệu ứng để tìm ra bản chất. Có thể thấy rằng chứng cứ về sự tồn tại của Thiên Chúa theo thánh Anselm là chứng cứ tiên thiên. Còn đối với thánh Thomas Aquinas, ngài dùng chứng cứ hậu nghiệm về ngũ đạo. Có thể thấy rằng, dù là thuần lý tiên thiên hay hậu nghiệm, dù có thuyết phục đến mức nào thì phải khẳng định rằng đối với rất nhiều người, Thiên Chúa vẫn không tồn tại. Vấn đề này là như thế nào? Câu hỏi này cho thấy rằng chứng minh về sự tồn tại của Thiên Chúa theo hướng thuần lý vẫn không thể nào đủ để người ta tin vào sự tồn tại của Thiên Chúa. Dĩ nhiên là những lập luận thuần lý của thánh Anselm cũng không nằm ngoài câu hỏi này. Lập luận của thánh Anselm vẫn không thể nào thuyết phục hết tất cả mọi người. Vì nếu lập luận ấy mà thành công mỹ mãn thì giờ mọi người không cần phải mệt công đi tìm Thiên Chúa nữa, và hết thảy mọi người trên thế giới sẽ là người hữu thần. Nhưng không vì thế mà cho rằng lập luận của thánh Anselm không hợp lý hay hoàn toàn sai lầm. Vấn đề sự hợp lý của lý trí trong vấn đề chứng minh sự tồn tại của Thiên Chúa còn phải đi kèm với tâm tình của người đối chất. Quả thật, con người không chỉ bao gồm một thân thể và một khối óc. Có nghĩa là con người không chỉ tin vào khoa học thực nghiệm, tin vào lý trí thuần túy, mà trong con người còn có cả một miền rộng lớn bao la của niềm tin, tâm tư và tình cảm. Con người không chỉ phán quyết mọi sự dựa vào mỗi khoa học và lý trí nhưng còn dựa vào những sự vô lý, sự khó giải thích, yếu tố tự do lựa chọn, xã hội… Người vô thần hay hữu thần, xét chung thì cũng cùng một vấn đề nhưng xét theo hai cách khác nhau. Người vô thần hay hữu thần dù đi chung trên một con đường, người vô thần thì cho rằng cuối đoạn đường kia chẳng có gì, còn người hữu thần thì cho rằng cuối đoạn đường kia có một Đấng mà họ đang tìm kiếm. Người vô thần thì cố gắng giải thích mọi sự dọc đường theo hướng của khoa học và lý trí, có hoa cỏ, chim thú, sông suối, hay qui luật vận hành của chúng đều là do tự nhiên, do nhân quả… và chẳng có Đấng nào can thiệp vào cả. Còn người hữu thần thì cũng từng vậy sự vật, cũng xét mọi sự theo như bản chất của chúng, cũng dùng đến khoa học và lý trí, nhưng họ không hoàn toàn chỉ dựa trên lý trí và khoa học, nhưng họ còn dựa trên niềm tin để thấy Đấng mà họ mong đợi nơi cuối con đường. Dù là vô thần hay hữu thần, dù là chứng minh thuần khoa học hay thuần lý thì vẫn không thể cho thấy chân lý một cách rõ ràng. Nhưng không thể nói là thuần khoa học sai hay thuần lý sai mà là cách giải thích của họ khác nhau mà thôi. Chính từ cách giải thích khác nhau dẫn đến những niềm tin ngày càng khác nhau hơn. Người tin thì càng thêm tin, còn người không tin thì càng thêm không tin. Người tin vào khoa học lý chứng thì sẽ cố gắng sống theo những lý luận khoa học, còn người tin vào cả khoa học và luận lý thì sẽ cố gắng sống theo cả khoa học và luận lý. Đồng thời, người tin theo cả khoa học và luận lý thì khoa học còn giúp họ thêm vững mạnh trong niềm tin vào một Đấng nơi cuối con đường. Cho nên, có thể thấy rằng lập luận của thánh Anselm cũng là lập luận giúp củng cố đức tin cho những người Ki-tô hữu, cách cụ thể là những thầy tu và những người Ki-tô hữu đang mong muốn được thêm niềm tin vào một Thiên Chúa mà họ tin. Lý luận của thánh Anselm có thể được xem như một thêm một lý lẽ biện minh cho sự tồn tại của Thiên Chúa nơi cuối con đường mà các Ki-tô hữu đang hướng đến. Lý luận của thánh Anselm như thêm một bông hoa điểm tô trên con đường mà các tín hữu đang đi, giúp họ thêm động lực và niềm tin vào nơi cuối con đường mà đồng thời biết cách tận hưởng cuộc sống, biết thưởng thức những thực tại trên hành trình mà họ đi.

Đến đây, tranh cãi về vấn đề có hay không có về một Đấng nào đó mà họ tin hay không tin là tồn tại không còn thực sự là vấn đề quan trọng nữa. Bởi vì một khi đã xác tín thì người ta sẽ đi tìm cách giải thích cho niềm xác tín ấy. Vậy thì ai cũng có niềm xác tín. Người tin vào Thiên Chúa thì đức tin của họ là Thiên Chúa. Còn người không tin vào Thiên Chúa thì họ cũng có niềm tin chẳng qua là họ tin khác với những tín hữu mà thôi.

Dù là chứng minh sự tồn hữu của Thiên Chúa theo hướng thuần khoa học hay thuần lý thì cũng đến lúc phải vận dụng đến niềm tin. Và rõ ràng là đối tượng mà thánh Anselm hướng đến bao gồm cả phần đông những người tín hữu, họ là những người có niềm tin vào Thiên Chúa, và dĩ nhiên là họ sẽ được củng cố và niềm tin của họ ngày càng thêm mạnh mẽ. Còn đối với những người không tin vào Thiên Chúa, lý chứng của thánh Anselm mở ra với họ một thách thức mới để phải đi tìm cách phủ nhận, hoặc là họ có thể chọn cách im lặng hay lờ đi trước những lập luận của thánh Anselm.

Thế nên, kẻ khờ mà thánh Anselm nhắc đến trong lập luận của ngài chỉ khác với các tín hữu ở điểm, kẻ khờ tin vào sự không hiện hữu còn tín hữu thì tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Dù là thánh Anselm hay kẻ khờ thì ai cũng có cái lý của họ. Thánh Anselm cũng chẳng có ý phải buộc kẻ khờ phải tin vào Thiên Chúa nhưng ngài lập luận và đối chất với kẻ khờ chẳng qua cũng là để kiểm chứng niềm tin của ngài và thêm phần sức mạnh cho các tín hữu, giúp họ thêm soi sáng trong hành trình hướng về một Thiên Chúa mà họ tin. Đồng thời, lập luận của thánh Anselm cũng mở ra những lối nẻo bàn luận sâu xa hơn, dẫn đến những tranh luận gay gắt hơn về sự hiện diện của Thiên Chúa. Lập luận của thánh Anselm có công mở ra những cuộc bàn luận tìm kiếm tri thức về Thiên Chúa một cách luận lý tiên thiên. Điều này giúp cho Giáo hội Ki-tô giáo mở cửa hơn và dám đương đầu với những chất vấn của thời đại về vấn đề chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa mà không thuần túy một cách giáo điều và huyền bí.

Thư mục tham khảo

Anselm, Brian Davies, và G. R. Evans. 1998. The Major Works (Oxford worlds classics). Oxford: Oxford University Press.

Aquinas, Thomas. 1955. On the Truth of the Catholic Faith, Summa Contra Gentiles, Book One: God. New York: Image Books.

Aquinas, Thomas. 2015. Tổng Luận Thần Học, Trần Ngọc Châu dịch. HCM: Trung Tâm Học Vấn Đa Minh.

Barnes, Jonathan. 2014. Ontological Argument. London: Palgrave Macmillan.

Đậu Văn Hồng. 2018. Giáo Trình Triết Trung Cổ, dựa trên giáo trình của Emmanuel Falque. Thủ Đức: Học Viện Dòng Tên (lưu hành nội bộ).

Davies, Brian, và Leftow. 2006. The Cambridge Companion to Anselm. Cambridge: Cambridge University Press.

Dombrowski, A. Daniel. 2006. Rethinking the Ontological Argument: A Neo-classical Theistic Response. New York: Cambridge University Press.

Hick, John. 2005. Philosophy of Religion. Upper Saddle River, NJ: Prentice-Hall.

Kant, Immanuel. 2014. Phê Phán Lý Tính Thuần Túy, Bùi Văn Nam Sơn dịch. HCM: Nhà Xuất Bản Văn Học.

Logan, Ian, và Anselm. 2009. Reading Anselm’s Proslogion: The History of Anselm’s Argument and Its Significance Today. Farnham: Ashgate.

McPherson, Thomas. 1965. The Philosophy of Religion. New York: D. Van Nostrand Company Ltd.

Meister, Chad. 2010. Introducing Philosophy of Religion. London: Routledge.

Rowe, L. William. 2007. Philosophy of Religion, An Introduction. CA: Wadsworth Cengage Learning.

Taliaferro, Charles. 2010. A Companion to Philosophy of Religion. West Sussex: Wiley-Blackwell.

Visser, Sandra và Williams, Thomas. 2009. Great Medieval Thinkers: Anselm. Oxford: Oxford University Press.

“An introduction to Philosophy”, Stanford University, truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2020, https://web.stanford.edu/~bobonich/glances%20ahead/IV.excluded.middle.html.

“What are gravitational Waves?”, LIGO, truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2020, https://www.ligo.caltech.edu/page/what-are-gw.

 


[1] Cf. Sandra Visser, Anselm (New York: Oxford University Press, 2009), 3.

[2] Cf. Ibid., 4.

[3] Cf. Ibid.

[4] Cf. Ibid., 5-6.

[5] Cf. Ibid.

[6] Cf. Brian Davies, The Cambridge companion to Anselm (Cambridge: Cambridge University Press, 2006), 8-14.

[7] Cf. William Rowe, Philosophy of religion: an introduction (Belmont: Wadsworth, 2007), 25-30.

[8] Anselm, Brian Davies, Major Works (Oxford worlds classics), (New York: Oxford University Press, 1998), 87.

[9] Ibid.

[10] Ibid.

[11] Ibid.

[12] Ibid.

[13] Ibid.

[14] Ibid.

[15] Ibid.

[16] Ibid., 87-88.

[17] Ibid., 87.

[18] Ibid., 113.

[19] Ibid.

[20] Cf. Anselm, Brian Davies, Major Works (Oxford worlds classics), 87-89.

[21] Ibid., 88.

[22] Ibid., 87.

[23] Ibid.

[24] Ibid.

[25] Ibid., 88.

[26] Ibid., 87.

[27] Ibid.

[28] Ibid.

[29] Ibid.

[30] Ibid.

[31] Ibid., 87.

[32] Ibid.

[33] Ibid., 87.

[34] Ibid., 88.

[35] Ibid., 109.

[36] Cf. William Rowe, Philosophy of Religion, An Introduction, (Belmont, CA: Wadsworth Cengage Learning, 2007), 43.

[37] Anselm, Brian Davies, Major Works (Oxford worlds classics), 109.

[38] Cf. Meister, Introducing Philosophy of Religion, 116.

[39] Anselm, Brian Davies, Major Works (Oxford worlds classics), 114.

[40] Anselm, Brian Davies, Major Works (Oxford worlds classics), 122.

[41] Cf. Anthony Kenny, A New History of Western Philosophy, Volume 2, Medieval Philosophy, (Oxford: Oxford University Press, 2005), 294.

[42] Cf. Kenny, A New History of Western Philosophy, Volume 2, Medieval Philosophy, 293-294.

[43] Cf. Anselm, Brian Davies, Major Works (Oxford worlds classics), 88-89.

[44] Cf. Rowe, Philosophy of Religion, An Introduction, 44-45.

[45] Immanuel Kant, Phê Phán Lý Tính Thuần Túy, Bùi Văn Nam Sơn dịch, (thành phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Văn Học, 2014), 946.

[46] Cf. John Hick, Philosophy of Religion, (Upper Saddle River, NJ: Prentice-Hall, 2005), 18.

[47] Cf. John Hick, Philosophy of Religion, 18.

[48] Kant, Phê Phán Lý Tính Thuần Túy, 940.

[49] Cf. John Hick, Philosophy of Religion, 19.

[50] Cf. Saint Thomas Aquinas, On the Truth of the Catholic Faith, Summa Contra Gentiles, Book One: God (New York: Image Books, 1955), 81.

[51] Cf. Ibid.

[52] Cf. Ibid., 82.

[53] Thomas Aquinas, Tổng Luận Thần Học, Trần Ngọc Châu dịch (HCM: Trung Tâm Học Vấn Đa Minh), 2015), 27.

[54] Cf. Rowe, Philosophy of Religion, An Introduction, 46.

[55] Cf. “What are gravitational Waves?”, LIGO, truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2020, https://www.ligo.caltech.edu/page/what-are-gw.

[56] Anselm, Brian Davies, Major Works (Oxford worlds classics), 89.

[57] “An introduction to Philosophy”, Stanford University, truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2020, https://web.stanford.edu/~bobonich/glances%20ahead/IV.excluded.middle.html.

[58] Anselm, Brian Davies, Major Works (Oxford worlds classics), 89.

[59] Anselm, Brian Davies, Major Works (Oxford worlds classics), 89.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *