Công đồng Vaticano II được xem là Công đồng của tự do, đối thoại và đại kết, vì có sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau. Ngoài 3.058 nghị phụ chính thức, còn có 460 chuyên gia là linh mục, tu sĩ và giáo dân tham dự. Đây cũng là lần đầu tiên giáo dân được tham dự Công đồng trong vai trò là quan sát viên hay người đóng góp ý kiến nhưng không có quyền bỏ phiếu. Trong tinh thần đại kết, một số tham dự viên được phép tham dự không chỉ các cuộc họp công khai mà ngay cả những hội nghị chung, dù các vị này không được bỏ phiếu.

Để giúp các học viên hiểu rõ hơn vai trò của những tham dự viên này, sáng ngày 12 tháng 01 năm 2024, Học viện Thánh Giuse Dòng Tên đã tổ chức buổi Hội thảo Thần học với đề tài: “The Role of Non-Voting Participants in the Preparation and Conduct of the Second Vatican Council” qua phần thuyết trình của Giáo sư Peter de Mey, chuyên viên về Giáo hội học, thuộc Đại học Leuven, Bỉ.

Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J. giới thiệu về Giáo sư Peter de Mey (thuyết trình viên của hội thảo)

Giáo sư Peter de Mey đang trình bày về đề tài thần học.

Lịch sử Công đồng cho thấy, các thần học gia tham gia Công đồng Vatican II thuộc hai nhóm: nhóm thứ nhất là các vị được chỉ định với tư cách là các chuyên viên thần học cho Công đồng, nhóm thứ hai bao gồm các thần học gia tư vấn cá nhân cho các giám mục và hồng y. Trong khi các chuyên viên thần học thuộc nhóm thứ nhất được quyền tham gia vào các buổi thảo luận chính thức của Công đồng, nhóm thứ hai không có quyền đó. Các vị ấy cũng không có quyền bỏ phiếu, hay phát biểu trong các cuộc họp chính thức.

Qua phần trình bày của Giáo sư Peter, tham dự viên nhận thấy rõ vai trò khiêm tốn của các chuyên viên thần học trong các Uỷ ban tiền Công đồng, mặc dầu những đóng góp của họ rất đáng trân trọng. Tiêu biểu trong các thần học gia này phải kể đến: nhóm thần học gia người Bỉ gồm Gerald Philip và Yves Congar; nhóm thần học gia người Đức gồm Rahner và Ratzinger, và nhóm thứ ba gồm Hans Küng và Edward Schillebeeckx.

Nhóm thần học gia người Bỉ

Khác với các tham dự viên người Pháp, nhóm thần học gia người Bỉ đã cộng tác một cách hữu hiệu với nhau, và với khả năng tri thức cũng như khả năng điều hợp, Gerald Philips được xem là kiến trúc sư của Lumen Gentium, Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội. Thực vậy, cùng với Congar, Rahner và Ratzinger, Philips đã soạn thảo bản phác thảo của hiến chế và đã được Uỷ ban Thần học của Công đồng thông qua. Vào tháng 6 năm 1964, Uỷ ban Thần học cũng chấp nhận bản phác thảo của Philips về Mẹ Của Thiên Chúa. Ngoài ra, ngài cũng là tác giả chính của chương bàn về phẩm trật của Giáo hội. Mặc dù cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng những đóng góp của Philips là không thể kể xiết.

Đóng góp của Yves Congar cho Công đồng cũng không có phần thua kém, chỉ khi so sánh với Philip, ngài mới ngần ngại mượn lời của Thánh Phao-lô: “Plus omnibus laboravi” – Tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác (1 Cr 15,10).

Nhóm thần học gia người Đức

Bên cạnh hai Thần học gia người Bỉ, hai thần học gia người Đức là Rahner và Ratzinger đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ra những phản biện trong tài liệu về Hiến chế về Giáo hội được soạn thảo trước Công đồng. Mặc dù Ủy ban Thần học dành cái nhìn thiện cảm hơn đối với Lược đồ được đề nghị bởi các tham dự viên đến từ Bỉ, họ vẫn vay mượn rất nhiều hình ảnh về Giáo hội có trong lược đồ của các tham dự viên đến từ Đức, đặc biệt là hình ảnh Giáo hội là bí tích. Thêm vào đó, Karl Rahner và Ratzinger cũng có những đóng góp quan trọng về việc phê chuẩn tính đồng đoàn của Giáo hội. Ngoài ra, cả hai thần học gia này cũng có những đóng góp quan trọng trong tiến trình soạn thảo Hiến Chế Mạc Khải.

Cuối cùng, Rahner và Ratzinger phê bình bản phác thảo của Hiến chế về Giáo hội trong Thế giới được trình bày ở Arricia vào tháng 1 năm 1965. Cả hai cho thấy rằng bản văn này thiếu cái nhìn thích đáng về thực tại của tội và cái nhìn về bản chất con người được trình bày trong bản văn này là quá lạc quan. Theo Ratzinger, vấn đề này có thể được giải quyết nếu chúng ta đảo ngược phương pháp quy nạp, khởi đi từ Đức Kitô trước khi bàn về con người. Trái lại, Karl Rahner muốn khởi đi từ nhân học nhưng nhấn mạnh chiều kích siêu việt của con người.

Nhóm thần học gia khác

Riêng Hans Küng và Edward Schillebeeckx, dù đã có những nỗ lực đóng góp cho Công đồng, nhưng kinh nghiệm Công đồng của các ngài có vẻ ít thành công hơn. Küng đã từ chối lời mời từ Đức Hồng Y König để phục vụ với tư cách là chuyên viên trong Ủy ban Thần học vì cảm thấy khó cộng tác với các chuyên viên khác. Ngài thích tác động gián tiếp đến Công đồng bằng cách viết các bài phát biểu cho các giám mục, xuất bản sách và thuyết trình trên toàn thế giới. Vào năm 1963, lấy cảm hứng từ Công đồng, Küng bắt đầu xuất bản một tạp chí thần học mới với sự cộng tác của Schillebeeckx, Rahner và Congar, tuy nhưng những bài báo của họ đã gặp không ít chỉ trích từ Văn phòng Tòa Thánh.

Những tham dự viên không bỏ phiếu khác

Mục đích đại kết của công đồng cũng được phản ánh bằng những lời mời được gửi tới những Giáo hội và cộng đoàn Kitô hữu lớn. Những đại diện của họ được phép tham dự không chỉ những khóa họp công khai mà trong cả những hội nghị chung (khoáng đại); tuy thế, họ không có quyền bỏ phiếu và phát biểu; dù vậy họ có thể đóng góp quan điểm cho các ủy ban qua Văn phòng về Hiệp Nhất Kitô hữu và qua những tiếp xúc cá nhân với các nghị phụ. Ngoài các khách mời đến từ các nhóm Kitô hữu khác, Công đồng cũng chứng kiến sự tham gia của một số giáo dân.

Tóm lại, các tham dự viên không có quyền bỏ phiếu đã đóng góp một phần khá quan trọng vào trong Công đồng II. Tuy vậy, những đóng góp này nhiều khi chưa được chân nhận và vẫn còn bị giới hạn bởi nhiều yếu tố, trong cũng như ngoài giáo hội.

Hình ảnh các tham dự viên lắng nghe và đặt câu hỏi.

Giáo sư Peter de Mey và Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J. (đại diện học viện Thánh Giuse Dòng Tên Việt Nam) cùng trao tặng những món quà ý nghĩa.

Ban Majorica

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *