213. Cuộc cách mạng khoa học bắt đầu khi nào và diễn ra như thế nào?
Cuộc cách mạng khoa học bắt đầu với thuyết nhật tâm của Nicolaus Copernicus (1473–1543) và việc tái khám phá thuyết nguyên tử của Hy Lạp cổ đại vào thế kỷ XV và XVI. Nhưng mãi đến cuối thế kỷ XVII, sau công trình của Isaac Newton (1643–1727), những người có học thức ở Châu Âu mới nhận ra rằng một cuộc cách mạng khoa học toàn diện đã diễn ra.

214. Những ý tưởng chính của cuộc cách mạng khoa học là gì?
Một số ý tưởng và lý thuyết cốt yếu xuất phát từ cuộc cách mạng khoa học là Trái đất quay xung quanh Mặt trời, vật chất bao gồm các hạt nhỏ, mọi thứ xảy ra đều có thể được giải thích một cách logic với sự trợ giúp của toán học, các nguyên tắc tổng quát hoặc quy luật tự nhiên phải được hỗ trợ bởi dữ liệu có thể quan sát được và có lẽ quan trọng nhất, chính khoa học là một hoạt động thú vị sẽ mang lại lợi ích cho nhân loại.

215. Những nhân vật chủ chốt của cuộc cách mạng khoa học?
Một số nhân vật chủ chốt của cuộc cách mạng khoa học là Nicolaus Copernicus (1473–1543), Claudius Ptolemy (90–168, không thuộc thời kỳ này, nhưng rất có ảnh hưởng), Galileo Galilei (1564–1642), Johannes Kepler (1571–1630), Francis Bacon (1561–1626), Robert Boyle (1627–1691), và Isaac Newton (1643–1727).

216. Những khía cạnh triết học chính của cuộc cách mạng khoa học là gì?
Từ góc độ triết học thuần túy, do ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng Tân Platon trong công việc của hầu hết các nhà triết học tự nhiên (bắt đầu với các nhà tư tưởng chủ chốt người Ý của thời Phục Hưng, cho tới Copernicus, và có thể lên đến đỉnh điểm nơi Newton), cuộc cách mạng khoa học có thể được coi là một cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa Aristotle để trở lại với chủ nghĩa Platon.
Nhưng nó phức tạp hơn thế. Chủ nghĩa Aristotle gắn liền và trực tiếp với quyền lực của Giáo Hội Công Giáo. Quyền lực này đã suy giảm nhiều vì những lý do chính trị và giáo thuyết trong thời kỳ Cải Cách và Phản Cải Cách cũng như trong giới triết học. Như vậy, về mặt lịch sử, trong cả khoa học lẫn triết học khoa học, ảnh hưởng hồi sinh của siêu hình học Tân Platon tương đối ngắn ngủi. Vào Thời đại của Lý Trí, hay Thời kỳ Khai Sáng của thế kỷ XVIII, tính hợp lý dựa trên thực nghiệm và lý trí thế tục đã hình thành nên thế giới quan có học thức ở Phương Tây.

217. Đâu là điều mang tính cách mạng nơi cuộc cách mạng khoa học?
Điều mang tính cách mạng nơi cuộc cách mạng khoa học là cách nó nhấn mạnh tính khách quan và nhu cầu tìm kiếm các nguyên nhân tự nhiên cho các sự kiện có thể quan sát được. Nhiều phát minh mới, như kính thiên văn, kính hiển vi, nhiệt kế, áp kế, máy bơm không khí và máy dò điện tích, đã hỗ trợ cho nỗ lực mới này. Nguyên lý của tính khách quan thể hiện trong sự khám phá, quan sát và thử nghiệm công khai mà có thể được sao chép để xác minh. (Tuy nhiên, để được chấp nhận, những thí nghiệm quan trọng cần có các nhân chứng đáng tin cậy – thường là những người có địa vị xã hội đáng kể.)
Mục tiêu đo lường và mô tả chính xác có thể định lượng được đã khiến toán học trở thành một phần thường trực trong khoa học. Nhưng nhiều người trước thời Socrates đã tìm kiếm những lời giải thích tự nhiên cho các sự kiện tự nhiên và nhấn mạnh tầm quan trọng của con số, vì vậy những khía cạnh đó của cuộc cách mạng khoa học không phải là mới. Tuy nhiên, các phương pháp hiện đại về tính khách quan là mới mẻ. Như nhà sử học và triết gia khoa học thế kỷ XX Thomas Kuhn (1922–1996) đã chỉ ra, các ngành khoa học cổ điển thời Cổ đại là thiên văn học, tĩnh học (các vật thể đứng yên hoặc các lực ở trạng thái cân bằng) và quang học, tất cả đều gắn liền với toán học và hoà âm học, do đó, những tiến bộ trong một ngành dẫn đến tiến bộ trong những ngành khác. Vào thế kỷ XVI, chuyển động cục bộ (như một cái gì đó khác với ý tưởng của Aristotle về chuyển động như sự thay đổi về chất) đã được thêm vào khoa học toán học.
Vào thế kỷ XVII, khoa học toán học đã được sửa đổi bằng cách bổ sung hình học giải tích và đại số, các định luật định lượng mới về chuyển động, các lý thuyết mới về thị giác, khúc xạ và màu sắc, và mở rộng tĩnh học sang khí nén (nghiên cứu về không khí, chất lỏng và chất khí). Tuy nhiên, Kuhn lập luận rằng Aristotle và những người thời Trung Cổ cũng hiểu về tầm quan trọng của việc quan sát và thử nghiệm. Cái mới không phải là việc bổ sung thêm các lĩnh vực mới hay những khám phá mới nổi bật, mà là sự thay đổi trong quan điểm – những cách nhìn mới về những điều cũ.

Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book (Visible Ink Press, 2010), 92-94.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *