(hình ảnh từ internet)

228. Đâu là những đóng góp của Francis Bacon cho cuộc cách mạng khoa học?

Francis Bacon (1561–1626) đã hệ thống hóa phương pháp luận của khoa học thực nghiệm và đề ra một chương trình về cách khoa học có thể cải thiện cuộc sống của con người. Ông nổi tiếng với tuyên bố “Tri thức là sức mạnh” và luôn tìm cách phát triển hơn nữa cũng như ứng dụng các khoa học mới vào đời sống con người một cách thiết thực. Ông tin rằng con người cần làm chủ thiên nhiên và tiến hành các thí nghiệm để khám phá những bí mật của “cô ấy”—các nhà nữ quyền ở thế kỷ XX buộc Bacon phải chịu trách nhiệm vì ông đã gán giới tính nữ cho tự nhiên, trong khi nam tính được gán cho những nhà khoa học- người được nhiệm vụ chế ngự tự nhiên.

229. Đâu là tính luận lý (logic) mới và bốn loại ngẫu tượng nổi tiếng trong tác phẩm Novum Organum của Francis Bacon?

Trong tác phẩm New Atlantis (1627), Francis Bacon (1561–1626) mô tả một tổ chức xã hội dành cho nghiên cứu khoa học. Tác phẩm Novum Organum (1620) của ông trình bày một logic mới của phương pháp quy nạp, điều sẽ thay thế cho cả logic của Aristotle hay một tập hợp các sự kiện đơn thuần. Mục đích của chúng là để khám phá các quy luật tự nhiên hoặc khái quát hóa các vấn đề của nó cách đáng tin cậy.

Hệ thống của Bacon trở nên nổi tiếng khi ông mô tả bốn loại ngẫu tượng, vốn là những loại cản trở con người thủ đắc tri thức. Đầu tiên là ngẫu tượng bộ lạc hay những khuynh hướng suy nghĩ tự nhiên, như sự tìm kiếm các mục đích trong tự nhiên hoặc việc đọc những mong muốn và nhu cầu của con người đối với các sự vật và sự kiện tự nhiên. Thứ hai là ngẫu tượng cái hang hay những đặc điểm riêng và thành kiến của các cá nhân do trình độ học vấn, nền tảng xã hội, đoàn thể và chính quyền mà họ ủng hộ. Loại thứ ba là ngẫu tượng cái chợ hay ý nghĩa của các từ được coi là mặc nhiên trong khi bản thân các từ đó không đại diện cho bất cứ điều gì tồn tại trong thực tế. Cuối cùng, ngẫu tượng sân khấu là ảnh hưởng của các lý thuyết đã được chấp nhận rộng rãi.

230. Theo Bacon, một khi các ngẫu tượng bị loại bỏ thì điều này cho phép chúng ta làm gì?

Một khi tâm trí không còn ngẫu tượng, nó sẽ có thể khám phá các nguyên nhân thông qua thực nghiệm. Francis Bacon (1561–1626) cho rằng tất cả tự nhiên được tạo thành từ các cơ thể hoặc các khách thể vật chất mà chúng hoạt động theo các định luật cố định. Những định luật này là “các hình thức” của các đối tượng vật chất. Khi tìm kiếm nguyên nhân, trước tiên chúng ta phải tìm kiếm những thứ mà từ đó một số thứ khác luôn luôn theo sau. (Ví dụ, chuyển động của các phân tử kéo theo nhiệt.) Tiếp theo, chúng ta tìm các trường hợp mà những tác động không xảy ra khi nguyên nhân vắng mặt. (Không có nhiệt, không có chuyển động của các hạt.) Khi những gì chúng ta đang nghiên cứu xảy ra ở mức độ lớn hơn hoặc thấp hơn, chúng ta phải có khả năng giải thích cho sự thay đổi này. Bất cứ khi nào có thể, chúng ta nên phát minh ra các công cụ để đo lường những gì đang nghiên cứu. (Trong trường hợp này, nhiệt kế và áp kế)

231. Những ảnh hưởng của Bacon là gì ?

Các yêu cầu của Francis Bacon (1561–1626) trong việc giải thích nguyên nhân được chấp nhận rộng rãi như là nguyên tắc cơ bản của phương pháp luận trong khoa học mới. Vào thế kỷ XIX, nhà triết học theo chủ nghĩa duy nghiệm John Stuart Mill (1806–1873) đã trình bày lại những điều trên như là cơ sở của nghiên cứu khoa học vào thời của ông. Nguyện vọng của Bacon về một hiệp hội các nhà khoa học cuối cùng đã được hiện thực hoá qua Hiệp hội Hoàng gia Anh. Các nguyên tắc phương pháp luận của Bacon, kết hợp với lý thuyết quỹ đạo elip của Kepler, đã được Isaac Newton (1643–1727) xây dựng cho hệ thống khoa học đỉnh cao của ông về cấu trúc cơ bản và các quy luật vận hành của vũ trụ. Và công trình của Newton đã tồn tại ít nhất cho đến khi có các lý thuyết của Albert Einstein (1879–1955) ra đời vào đầu thế kỷ XX.

232. Cuộc sống của Bacon có ngay thẳng và rõ ràng như những ý tưởng của ông không?

Cuộc sống của Francis Bacon (1561–1626) khá phức tạp khi ông tích cực tham gia hoạt động chính trị với tham vọng lớn và nhiều mưu mẹo. Ông sinh ra ở London và được nuôi dạy như một quý ông. Cha của ông, Nicholas, phục vụ Nữ hoàng Elizabeth I với tư cách là Đại Chưởng Ấn. Năm 12 tuổi, Francis vào Học viện Trinity ở Cambridge, và sớm gặp Nữ hoàng. Ở tuổi 15, Bacon biết rằng ông là con trai ngoài giá thú của Nữ hoàng Elizabeth sau cuộc hôn nhân bí mật của bà với Robert Dudley, mà Nicholas Bacon là nhân chứng.

Cha ông đột ngột qua đời năm 1579, và điều đó đã làm xáo trộn một tài sản kế thừa đáng kể của Francis. Một đời sống nợ nần của ông cũng bắt đầu từ đây. Ông học luật và có một ghế trong Quốc Hội vào năm 1584 và một lần nữa vào năm 1586. Ông thúc giục việc hành quyết Nữ hoàng Mary của xứ Scotland, một đối thủ Công Giáo đối với ngai vàng của Nữ hoàng Elizabeth. Sau đó, ông gặp Robert Devereux, Bá tước Nhị phẩm của Essex, người thân cận của Nữ hoàng Elizabeth, và là vị bảo trợ hữu ích cho ông trong một thời gian.

Bacon đã nộp đơn xin vào các chức vụ cao nhưng không thành công, mặc dù Essex đã giúp ông về mặt tài chính. Ông đã nhận được chức vụ Cố vấn của Nữ hoàng vào năm 1596, nhưng ông không được trả lương. Năm 1586, ông bị bắt một thời gian ngắn vì nợ nần. Ông đã đóng một vai trò tích cực trong việc điều tra vụ mưu phản đối với người bạn và người bảo trợ của ông, Essex, người đã bị hành quyết vào năm 1601. Ở tuổi 45, Bacon kết hôn với Alice Barnham, cô con gái 14 tuổi của một ủy viên hội đồng thành phố, người có mối quan hệ thân thiết với ông.

Sau khi vua James I lên ngôi, Bacon được phong tước Hiệp sĩ. Ông đã phục vụ nhà vua đắc lực và được khen thưởng với vị trí cố vấn pháp luật, sau đó là Tổng chưởng lý, và cuối cùng là Thủ Tướng vào năm 1618. Tuy nhiên, ông lại lâm vào cảnh nợ nần. Trong thời gian này, ông bị buộc tội và bị kết tội hối lộ. Bản án của ông là một sự trừng phạt và ô nhục. Bacon tiếp tục công việc nghiên cứu của mình khi đã nghỉ hưu và được vinh danh ở tuổi 60 với một bữa tiệc do những người bạn của ông là Rosicrucian và Masonic tổ chức. Nhà thơ nổi tiếng Ben Jonson đã đến dự và nói về ông, “Tôi yêu mến người đàn ông này, và ngưỡng mộ trí nhớ của ông trên tất cả những người khác.”

Năm 1626, đang khi di chuyển dưới tuyết ở London cùng với vị bác sĩ của nhà vua, Bacon bỗng nghĩ ra cách bảo quản thịt bằng tuyết. Ngay lập tức, họ mua một con gà và nhồi tuyết vào trong. Cũng trong thời gian này, ông bị viêm phổi nặng; ông đã ăn thịt chim vì hy vọng sẽ hồi phục sức khoẻ nhờ việc đó, nhưng cuối cùng ông đã qua đời.

Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book (Visible Ink Press, 2010), 101-103.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *