(Hình ảnh từ internet)

232. Hiệp hội Hoàng gia Anh (British Royal Society) ra đời như thế nào?

Hiệp hội Hoàng gia Anh phát triển từ Học viện Ẩn danh (Invisible College), và Học viện Ẩn danh được lấy cảm hứng từ tác phẩm New Atlantis của Francis Bacon.

233. Tác phẩm New Atlantis của Francis Bacon nói về điều gì?

New Atlantis của Francis Bacon được xuất bản năm 1626 và đã trải qua 10 lần xuất bản đến năm 1670. Trong đó nó mô tả “Ngôi nhà của Solomon”, một viện nghiên cứu với các phòng thí nghiệm để thực nghiệm và quan sát về các lĩnh vực khoa học tự nhiên bao gồm: nhiệt, lạnh, ánh sáng, y học, khoáng sản, thời tiết, hàng hải, thiên văn học, động vật và nông nghiệp. Một đội gồm 36 nghiên cứu sinh và các trợ lý sẽ thực hiện các cuộc nghiên cứu khám phá. Còn các giáo sư thường trực sẽ đọc các tác phẩm về những khám phá trước đó. Ba “Nhà Diễn giải Tự nhiên” (“Interpreters of Nature”) sẽ đánh giá tất cả thông tin này để xây dựng lên các tiên đề và nguyên tắc.

234. Những nhân vật khác đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy ý tưởng của Francis Bacon?

Samuel Hartlib (khoảng 1600–1662), một thương gia giàu có quan tâm đến khoa học, đã viết tác phẩm Description of the Fameous Kingdom of Macaria, tác phẩm đề cập đến một trung tâm nghiên cứu mang tính thực hành, lấy cảm hứng từ New Atlantis của Bacon. Bạn của Hartlib, William Petty (1623–1687), người sáng lập ra kinh tế học hiện đại, đã hình dung ra một trung tâm giảng dạy về thực hành thương mại, điều mà ông đã đề xuất lần đầu tiên với Robert Boyle (1627–1691). Một dự án thực tế hơn cho các kế hoạch này đã tồn tại sẵn ở Học viện Gresham, nó được thành lập bởi cơ quan tài chính của Nữ hoàng Elizabeth I vào năm 1598. Các giáo sư ở đó giảng dạy về luật, vật lý, hùng biện, thần học, âm nhạc, hình học và thiên văn học cho các học giả, quý tộc, thương gia và những nhà chuyên môn.

235. Học viện n danh (Invisible College) là gì?

Năm 1645, Robert Boyle (1627–1691) và các nhà khoa học trẻ khác gặp nhau hàng tuần sau bữa trưa để thảo luận các tin tức khoa học thời đó về hoạt động nghiên cứu ở nước Anh và Châu Âu. Họ tự gọi mình là “Học viện Ẩn danh” (The Invisible College). Họ thảo luận về lý thuyết của Copernicus, bằng chứng của William Harvey về sự tuần hoàn kín của máu, các thí nghiệm khí áp với thủy ngân và các nghiên cứu về từ tính. Sau khi vua Charles I của nước Anh bị chém đầu, nhóm này và những người bạn của họ, những người đã có những bài báo học thuật tại Oxford, tổ chức Hiệp hội Triết học Oxford.

Sau một diễn thuyết về thiên văn học tại Học viện Gresham của Christopher Wren (1632–1723) vào năm 1660, các kế hoạch đã được thực hiện để thành lập một học viện “cung cấp việc học tập Vật lý và Toán học.” Vua Charles II đã chấp thuận kế hoạch của họ chỉ trong vòng một tuần. Ban đầu học viện có 115 thành viên, với một phần ba là các nhà khoa học và hiệu trưởng đầu tiên của học viện là ngài Lord Brouncker, nhà toán học hàng đầu thời đó. Đây là Hiệp hội Hoàng gia London về Nâng Tầm Kiến thức Tự nhiên (The Royal Society of London for Improving Natural Knowledge). Hiệp hội được trình diện với cây trượng bằng bạc bởi Charles II ký tại cuộc họp ra mắt ngày 15 tháng 07 năm 1662. Nó còn tồn tại đến ngày nay với tư cách là một viện học thuật độc lập về nghiên cứu khoa học tại Vương quốc Anh.

236. Những lý tưởng nào khiến các nhà khoa học thúc đẩy Hiệp hội Hoàng gia Anh thời kỳ đầu?

Sau khi bác bỏ những lý tưởng của Aristotle về sự chắc chắn trong kiến thức khoa học, các thành viên của Hiệp hội Hoàng gia đã tìm kiếm điều gì là “chắc chắn đúng”. Lý tưởng của họ bao gồm sự cởi mở, hợp tác và thiện chí với các đồng nghiệp. Biết điều mình không biết quan trọng bằng việc khẳng định điều mình đã làm. Đây là cách Thomas Sprat, trong cuốn Lịch sử Hiệp hội Hoàng gia năm 1667 của ông, đã mô tả những đức tính của một bậc thầy:

Nhà Triết học Tự nhiên sẽ bắt đầu ở nơi Đạo đức kết thúc. Điều bắt buộc là người thực hiện một công việc như vậy, trước tiên phải biết mình, phải thành thạo trong tất cả các đức tính giản dị, khiêm tốn, thân thiện. Họ nên sẵn sàng để được chỉ bảo, và bỏ đi sự phê bình của người khác. Như vậy, tôi dám mạnh dạn nói rằng, một người giản dị, siêng năng, ứng trực, có nhiều khả năng trở thành một Triết gia giỏi hơn tất cả những người có trí thông minh cao, nghiêm túc, hay gây hấn, những người không thể chịu đựng sự hợp tác cũng như chống đối.… Chắc chắn, những người có đầu óc quá mềm, quá nhường nhịn, quá tuân thủ, quá rộng lớn như vậy thì tốt hơn nhiều so với những Kẻ trơ trẽn và kiêu ngạo: họ sẽ không bỏ qua bất cứ điều gì, qua đó họ có thể học được: họ sẽ luôn sẵn sàng tiếp nhận, và truyền đạt các Quan sát: họ sẽ không khinh thường Thành quả siêng năng của người khác: họ sẽ vui mừng khi thấy nhân loại được lợi, dù là bởi chính họ hay bởi người khác.

Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book (Visible Ink Press, 2010), 104-105.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *