Giống như các nữ tu sĩ sống trong đan viện và sống một cuộc sống đan tu, cũng vậy, các đan sĩ (monk) sống trong đan viện của chính mình (đan viện nam và đan viện nữ riêng biệt) và sống một cuộc sống đan tu. Đời sống đan tu ở phương Tây dựa trên lối sống do Thánh Benêđictô (480-547 s.C.N) thiết lập, trong đó nhấn mạnh đến ora et labora (tiếng Latinh, có nghĩa là “cầu nguyện và làm việc”). Đời sống đan tu được thiết kế dựa trên việc phân chia một ngày sống thành những giờ cầu nguyện và làm việc. Các đan sĩ sống trong “phòng nhỏ” và có lời khấn định sở bên cạnh các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Khấn định sở đơn giản có nghĩa là đan sĩ phải gắn bó với cộng đoàn và nơi mình sống (đan viện) cho đến chết.

Các đan sĩ Đa-minh đi khất thực (hình lấy từ nguồn Internet)

Về mặt ngữ nghĩa, các tu sĩ dòng khất thực (friar) là thành viên của các dòng khất sĩ được thành lập vào thế kỷ XIII. Các dòng khất sĩ không phải là các cộng đoàn đan tu như được trình bày ở trên; đúng hơn, các dòng này làm việc giữa dân chúng, nhưng sống trong cộng đoàn nghiêm ngặt và tuyên khấn trọng thể. Hai ví dụ điển hình nhất là Dòng Phanxicô và Dòng Đa Minh. Thánh Phanxicô đã lập dòng để đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu khi Ngài hiện ra và nói với thánh nhân rằng: “Hãy xây dựng lại nhà thờ (Giáo hội) của Ta”. Sau đó, Thánh Phanxicô thành lập một nhóm bé nhỏ gồm các anh em để thực hiện mệnh lệnh này. Các ngài đã mang tôn giáo từ các đan viện đến với người dân. Họ đi từ thị trấn này sang thị trấn khác, rao giảng, giảng dạy và cử hành các bí tích. Các tu sĩ dòng khất thực xin ăn hàng ngày và có đời sống khá chật vật. Dòng Đa Minh do Thánh Đa Minh sáng lập vào thế kỷ XIII. Dòng được thành lập để rao giảng chống lại một số giáo lý sai lạc (lạc giáo) đang được phổ biến. Các tu sĩ Dòng Đa Minh thực hiện các sứ mạng thiêng liêng, giúp tĩnh tâm, hội thảo, đi từ nơi này đến nơi khác để rao truyền và giảng dạy. Các tu sĩ sống một đời sống cộng đoàn nghiêm ngặt với những lời khấn. Ngày nay, các tu sĩ Phanxicô và tu sĩ Đa Minh vẫn tiếp tục sống với nhau trong các nhà dòng (friary) và tu viện (priority). Tuy nhiên, họ cũng là giáo sư giảng dạy trong các trường và đại học quan trọng trên khắp thế giới. Họ là một trong những dòng tu tiên phong đến Thế Giới Mới để mở các cơ sở giáo dục đại học và cũng để truyền giáo cho người Mỹ bản địa giúp họ trở lại Công giáo.

Cũng có những đan viện mà đan sĩ sống đời đan tu. Rất nhiều trong số này có nguồn gốc từ lối sống đan tu phương Tây nguyên thủy, tức là Dòng Biển Đức. Vào thế kỷ VI, Thánh Bênêđictô đã thiết lập quy luật cho việc sống, cầu nguyện, học tập và làm việc của các đan sĩ. Hiện nay, các đan sĩ Biển Đức sống trong cộng đoàn nhưng không được coi là nội vi cấm. Hầu hết các đan sĩ đều có những hoạt động Tông Đồ bên ngoài, chẳng hạn như điều hành các trường học. Tu sĩ Dòng Xitô nhặt phép (Trappists) và Tu sĩ Dòng Xitô (Cistercians) sống một đời sống ẩn dật khỏi thế tục hơn. Họ được coi là các tu sĩ dòng chiêm niệm.

Trong thời kỳ Cải cách Công giáo, nhiều cộng đoàn tu trì mới dành cho nam giới được thành lập; mỗi cộng đoàn nhằm đáp ứng một nhu cầu cụ thể hoặc để diễn tả một đặc sủng của đấng sáng lập. Thánh Inhaxiô sáng lập Dòng Tên. Dòng Tên được coi là cộng đoàn truyền giáo thành công nhất trên thế giới, và đã chinh phục được nhiều linh hồn trở lại Công giáo ở những khu vực mà Tin Lành đang thống trị. Giống như Dòng Đa Minh, các Giêsu hữu thành lập các trung tâm giáo dục đại học và cũng có nhiều nhà giáo dục nổi tiếng nhất trong Giáo hội Công giáo. Thánh Gioan Bosco đã thành lập Dòng Salêdiêng vào thế kỷ XIX để giáo dục các trẻ em nghèo.

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *