Litany là một từ gốc Hy Lạp. Đó là một lời cầu nguyện bao gồm một loạt các lời khẩn cầu và các lời đáp lại được xướng luân phiên nhau bởi một ca trưởng và ca đoàn. Kể từ Công đồng Vaticanô II vào năm 1965, các kinh cầu đã được giảm xuống như sau: Kinh cầu Danh Thánh Chúa Giêsu, Bửu Huyết Chúa Kitô, Thánh Giuse, Thánh Tâm Chúa, Đức Trinh Nữ Maria và Các Thánh.

Một số kinh cầu đến từ Sách Thánh, ví dụ, một số Thánh Vịnh trong Cựu Ước. Thánh Vịnh 135 có một câu lặp đi lặp lại trong kinh cầu: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Trong Thánh Lễ, có nhiều loại kinh cầu được sử dụng. Ví dụ, trong nghi thức sám hối, câu “Xin Chúa Thương Xót Chúng Con” được hát nhiều lần; tại phần Lời Nguyện Giáo Dân, có sự lặp đi lặp lại của những lời thỉnh cầu và lời đáp. Cuối cùng, sau khi Truyền Phép (trước Hiệp Lễ), “Chiên Thiên Chúa” được hát ít nhất ba lần.

Kinh Cầu Các Thánh là lâu đời nhất, có từ thế kỷ IV. Việc công nhận các thánh, đặc biệt là các thánh tử đạo, đã bắt đầu từ rất sớm trong đời sống phụng vụ của Giáo hội. Kinh này đã được hợp nhất vào Phụng vụ của Giáo hội, đặc biệt là lúc Rửa Tội và Xức Dầu Bệnh Nhân. Kinh Cầu Các Thánh cũng được cầu nguyện trong Phụng vụ, khi bí tích Truyền Chức Thánh được ban cho các phó tế, linh mục và Giám mục. Trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh, nếu có Rửa Tội, sẽ hát Kinh Cầu Các Thánh. Cuối cùng, khi kết thúc trọng thể việc Chầu Thánh Thể được gọi là Chầu Lượt 40 giờ, Kinh Cầu Các Thánh cũng được hát hoặc đọc.

Kinh Cầu Danh Thánh Chúa Giêsu được cho là của Thánh Bernardine thành Siena vào thế kỷ XV. Kinh Cầu Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII cho phép sử dụng trang trọng và công khai vào thế kỷ XIX. Thánh Margaret Mary, người đã được Thánh Tâm Chúa Giêsu hiện ra, đã có nhiều ảnh hưởng trong việc truyền bá lòng sùng kính này. Kinh Cầu Thánh Giuse được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII phê chuẩn vào năm 1960.

Kinh Cầu Đức Bà Loreto được dùng để tôn kính các tước hiệu khác nhau của Đức Maria có nguồn gốc từ thời các Tông Đồ và được Đức Giáo Hoàng Sixtô V chính thức phê chuẩn vào thế kỷ XVI. Kinh cầu này thường được sử dụng trong các buổi lễ sùng kính Đức Mẹ Maria, đặc biệt là vào tháng Năm, Tháng Đức Mẹ, và tháng Mười dành riêng cho Đức Mẹ Mân Côi. Thường thì kinh này được đọc cuối cùng để kết thúc việc lần chuỗi Mân Côi.

Xin Chúa thương xót chúng con. – Xin Chúa thương xót chúng con.

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con. – Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con. – Xin Chúa thương xót chúng con.

Chúa Kitô nghe cho chúng con. – Chúa Kitô nhận lời chúng con.

Đức Chúa Cha ngự trên trời là Thiên Chúa thật. – Thương Xót Chúng Con.

Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Thiên Chúa thật. – Thương Xót Chúng Con.

Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa thật. – Thương Xót Chúng Con.

Ba Ngôi cũng là một Thiên Chúa. – Thương Xót Chúng Con.

Rất Thánh Đức Bà Maria. – Cầu cho Chúng Con.

Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời. – Cầu cho Chúng Con.

Rất Thánh Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Mẹ Chúa Kitô. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Mẹ cực thanh cực tịnh. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Mẹ cực tinh cực sạch. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Mẹ tuyền vẹn mọi đàng. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Mẹ chẳng vướng bợn nhơ. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Mẹ rất đáng yêu mến. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Mẹ cực mầu cực nhiệm. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Mẹ sinh Chúa tạo thiên lập địa. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Nữ cực khôn cực ngoan. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Nữ rất đáng kính chuộng. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Nữ rất đáng ngợi khen. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Nữ có tài có phép. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Nữ có lòng khoan nhân. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Nữ trung tín thật thà. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà là gương nhân đức. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà là tòa đấng khôn ngoan. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà làm cho chúng con vui mừng. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà là Đấng trọng thiêng. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà là Đấng đáng tôn trọng. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà là Đấng sốt mến lạ lùng. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà như hoa hường mầu nhiệm vậy. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà như lầu đài Đavit vậy. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà như tháp ngà báu vậy. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà như đền vàng vậy. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà là cửa Thiên Đàng. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà như sao mai sáng vậy. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà bào chữa kẻ có tội. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà nâng đỡ dân di cư. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà yên ủi kẻ âu lo. – Cầu cho Chúng Con.

Đức Bà phù hộ các giáo hữu. – Cầu cho Chúng Con.

Nữ Vương các Thánh Thiên Thần. – Cầu cho Chúng Con.

Nữ Vương các Thánh Tổ Tông. – Cầu cho Chúng Con.

Nữ Vương các Thánh Tiên Tri. – Cầu cho Chúng Con.

Nữ Vương các Thánh Tông Đồ. – Cầu cho Chúng Con.

Nữ Vương các Thánh Tử Vì Đạo. – Cầu cho Chúng Con.

Nữ Vương các Thánh Hiển Tu. – Cầu cho Chúng Con.

Nữ Vương các Thánh Đồng Trinh. – Cầu cho Chúng Con.

Nữ Vương các Thánh Nam cùng các Thánh Nữ. – Cầu cho Chúng Con.

Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông. – Cầu cho Chúng Con.

Nữ Vương hồn xác lên trời. – Cầu cho Chúng Con.

Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi. – Cầu cho Chúng Con.

Nữ Vương ban sự Bình An. – Cầu cho Chúng Con.

Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế. – Chúa tha tội chúng con.

Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế. – Chúa nhậm lời chúng con.

Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế. – Chúa thương xót chúng con.

Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con. – Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.

Chúng ta cùng cầu nguyện:

Lạy Thiên Chúa, bằng chính sự sống, cái chết và sự phục sinh, Con Một Chúa đã chuộc lại cho chúng con phần thưởng là sự sống đời đời. Chúng con nài xin Chúa ban cho chúng con khi biết suy gẫm về các mầu nhiệm trong kinh rất thánh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria, để chúng con có thể noi gương bắt chước những gì kinh dạy và chịu lấy những gì Chúa Kitô đã hứa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *