Bài đọc: (St 15,5-12.17-18)

15

5Rồi Người đưa ông ra ngoài và phán: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không.” Người lại phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó !” 6Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính.

7Người phán với ông: “Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi thành Ua của người Can-đê, để ban cho ngươi đất này làm sở hữu.” 8Ông thưa: “Lạy ĐỨC CHÚA, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu?” 9Người phán với ông: “Đi kiếm cho Ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu non.” 10Ông kiếm cho Người tất cả những con vật ấy, xẻ đôi ra, và đặt nửa này đối diện với nửa kia; còn chim thì ông không xẻ. 11Mãnh cầm sà xuống trên các con vật bị giết, nhưng ông Áp-ram đuổi chúng đi.

12Lúc mặt trời gần lặn, thì một giấc ngủ mê ập xuống trên ông Áp-ram; một nỗi kinh hoàng, một bóng tối dày đặc bỗng ập xuống trên ông.

17Khi mặt trời đã lặn và màn đêm bao phủ, thì bỗng có một lò nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi. 18Hôm đó, ĐỨC CHÚA lập giao ước với ông Áp-ram như sau :

“Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này,

từ sông Ai-cập đến Sông Cả, tức sông Êu-phơ-rát,

Tìm hiểu nội dung bản văn

Sáng Thế là cuốn sách đầu tiên trong bộ Kinh Thánh. Trong lăng kính đức tin, sách này trình bày những chủ đề về nguồn gốc vũ trụ, thế giới (các chương 1-11) và kể lại những câu chuyện xoay quanh các tổ phụ của dân tộc Ít-ra-en (các chương 12-50).

Ở chương 12, tổ phụ đầu tiên là ông Áp-ram được Đức Chúa ban lời. Đức Chúa hứa cho ông Áp-ram có một dòng dõi đông đảo và là dòng dõi được chúc phúc. Đối lại, Đức Chúa đòi hỏi ông Áp-ram tin tưởng Ngài và từ bỏ xứ sở, gia đình cha mình để đi đến vùng đất được chúc phúc nhưng chưa cụ thể. Thế rồi ông Áp-ram quyết định tin tưởng vào lời Chúa hứa. Khi ấy ông đã 75 tuổi. Ông cùng vợ và gia nhân lên đường. Đi đến đâu, ông lập bàn thờ kính Đức Chúa ở đó. Có lẽ, đó cũng là dấu chỉ lãnh thổ mà Đức Chúa sẽ ban cho ông.

Tới chương 15, Đức Chúa nhắc lại lời hứa của mình. Lần này, Đức Chúa hứa ban cho ông Áp-ram nhiều hơn những gì đã hứa lần trước. Ông tin và nhờ đó mà được kể là người công chính. Đức Chúa còn mở rộng những gì Ngài ban cho Áp-ram sang tới hậu duệ của ông; và đổi tên ông thành Áp-ra-ham ở chương 17. Đó là bối cảnh chung mà đoạn sách chúng ta đang tìm hiểu thuộc về.

Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như thế. Ở chương 15, sau khi trải qua nhiều vất vả trên hành trình đi về vùng đất xa xôi, chưa xác định, ông Áp-ram bắt đầu nản. Thật vậy, khi Đức Chúa bắt đầu nhắc lại lời hứa của mình, ông Áp-ram đã đặt vấn đề về thực tế khả dĩ lời Chúa hứa có thành tựu khi ông đã già và có lẽ sắp phải chọn một người nào đó không phải con ruột mình để thừa kế gia sản của ông. Chính lúc ấy, Đức Chúa mời gọi ông nhìn lên trời xem số các vì sao, rồi nhắc lại lời Ngài đã hứa, thậm chí còn hứa ban nhiều hơn nữa (c.5). Vì tin vào điều Chúa hứa nên ông được kể là người công chính (c.6). Hơn thế, Đức Chúa xác định cho Áp-ram nơi ông đang dừng chân chính là vùng đất Chúa hứa ban (c.7). Một phản ứng thường tình, ông Áp-ram xin Chúa một dấu và Ngài đã đồng ý (cc.8-9). Việc dùng những vật phẩm tế lễ được kể ở cc.9-10 là văn hóa phụng tự trong thờ kính các vị thần ở vùng Lưỡng Hà Địa. Thần linh nhận lời thì sẽ đi qua lễ phẩm, thường là hình ảnh lửa đi qua thiêu rụi lễ vật như được thấy ở c.17. Có thể hiểu lửa là do con người dùng để thiêu lễ vật và thần sẽ cho lửa ấy cháy lên. Ở đây, ông Áp-ram “bỗng” ngạc nhiên vì có lửa đi qua lễ vật trong khi ông chưa đụng tay vào ý muốn nhấn đến việc chính Đức Chúa chủ động ngỏ lời hứa và tự ràng buộc mình với lời hứa ấy. Điều này khác với giao ước Ngài ký kết với dân ở chân núi Si-nai (Xh 19,1-24,11). Cuối cùng, hôm ấy, Đức Chúa lập giao ước với Áp-ram, ban cho dòng dõi ông đất ông đang ở và rộng từ Ai-cập đến tận sông Êu-phơ-rát, tức là khoảng đất vùng duyên hải bao bọc Địa Trung Hải, về phía Đông (c.18). Trên thực tế, nước Do-thái chưa bao giờ được mở rộng đến vậy. Ở đây, chúng ta nên hiểu đó là cách nói cho thấy dòng dõi của ông là những con người tự do, không phải lệ thuộc vào Ai-cập (đất nước hùng mạnh về quân sự ở phía Nam Ít-ra-en trước năm 931 TCN) và Át-sua (vương quốc hùng cường phía Bắc trước năm 931 TCN, lãnh thổ có con sông Êu-phơ-rát).

Liên hệ bài đọc này đến Tin Mừng hôm nay (Lc 9,28b-36) nói về biến cố Đức Giê-su biến hình trên núi Ta-bo, chúng ta có thể thấy một số liên kết. Thứ nhất, nếu như Đức Chúa tỏ quyền năng của Ngài khi ban lời hứa cho Áp-ram thì trong bài Tin Mừng, Thiên Chúa tỏ cho con người thấy vinh quang của Đấng Phục Sinh tuyệt vời như thế nào. Thêm nữa, việc Đức Chúa tỏ vinh quang của Người cũng là cách Ngài khích lệ, nâng đỡ lòng tin cho Áp-ram. Cũng tương tự, trên hành trình tiến vào Giê-ru-sa-lem để bắt đầu Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su, việc Đức Giê-su biến hình nâng đỡ rất nhiều cho những môn đệ đi theo Ngài. Quan trọng hơn, lời hứa được Đức Chúa ban cho dòng dõi thừa tự của Áp-ram; và người con thừa tự hoàn hảo, trung tín trọn vẹn với Thiên Chúa không ai khác chính là Đức Giê-su Ki-tô. Theo đó, bất cứ ai tin Đức Giê-su là Chúa và sống theo lời Người dạy sẽ trở nên con người của tự do, không bị vướng lụy vào tội lỗi.

Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj

Tham Khảo

CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, 51-52.

John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.50-51.