Bài đọc: (Xh 3,1-8a.13-15)

3

1Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp. 2Thiên sứ của ĐỨC CHÚA hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. 3Ông tự bảo: “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?” 4ĐỨC CHÚA thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: “Mô-sê! Mô-sê!” Ông thưa: “Dạ, tôi đây!” 5Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” 6Người lại phán: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.” Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.

7ĐỨC CHÚA phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. 8Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tuôn chảy sữa và mật.

13Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì ? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” 14Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: ‘Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.’” 15Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia.

Tìm hiểu nội dung bản văn

Xuất hành là cuốn sách thứ hai trong bộ Ngũ Thư (5 sách đầu của Kinh Thánh, gồm Sáng thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số, Đệ nhị luật). Sách này kể về lịch sử của dân Ít-ra-en từ lúc còn ở bên Ai-cập và bị bắt làm nô lệ cho tới thời điểm dân được giải thoát, ký giao ước với Đức Chúa và dựng Nhà Tạm ở chân núi Si-nai.

Sách này có thể được chia thành 3 chủ đề lớn:

            + Công cuộc Đức Chúa giải thoát dân khỏi Ai-cập (1,1-15,21)

            + Hành trình dân băng qua sa mạc (15,22-18,27)

            + Giao ước Si-nai (19,1-40,38)

Trong chủ đề đầu tiên, nội dung sách giới thiệu cho độc giả bối cảnh của dân Ít-ra-en khi còn ở Ai-cập (chương 1); rồi sau đó giới thiệu đến ơn gọi của ông Mô-sê  (2,1-7,7). Sau đó, độc giả còn gặp thấy những phép lạ Chúa làm để giải thoát dân (7,8-13,16) và đưa dân ra khỏi đất Ai-cập, băng qua biển Đỏ một cách vinh quang (13,17-15,21). Như thế, phần sách chúng ta tìm hiểu (3,1-8a.13-15) nằm trong phần trình thuật về ơn gọi của Mô-sê.

Ở trình thuật này, ông Mô-sê thấy một hiện tượng lạ, bụi cây cháy bừng nhưng không bị thiêu rụi (c.3). Ông tiến lại gần để tìm hiểu sự việc này và được Chúa tỏ cho thấy đất nơi ông đang đứng là đất thánh, đất có sự hiện diện của Thiên Chúa vĩnh hằng (cc.4-6). Thái độ của Mô-sê lúc này là phản ứng của một người kính sợ Thiên Chúa. Ông che mặt vì nhìn nhận mình là người tội lỗi, không dám cũng như không thể nhìn trực diện thánh nhan Thiên Chúa (c.6). Chính khi đó, Đức Chúa cho Mô-sê biết rằng Người là Vị Thiên Chúa luôn yêu thương, quan tâm và chăm sóc dân Người. Đồng thời, Đức Chúa cũng nói cho Mô-sê về kế hoạch giải thoát dân khỏi cảnh nô lệ bên Ai-cập để dẫn dân đến vùng đất “tràn trề sữa và mật” (cc.7-8). Cuối cùng, Đức Chúa muốn dùng Mô-sê làm đại diện của Người để lãnh đạo dân. Người cho Mô-sê tên của Người là “Đấng Hiện Hữu”, là Đấng đã chúc lành cho nhiều đời tổ phụ của dân Ít-ra-en (cc.13-15). Có thể thấy, với sự chân thành, Mô-sê khi tiến đến tìm hiểu một hiện tượng xảy ra trong cuộc sống và được Thiên Chúa đã tỏ cho thấy những kế hoạch thánh thiện và yêu thương của Người dành cho dân.

Hình ảnh ông Mô-sê chân thành tìm hiểu và được biết thánh ý Đức Chúa đối nghịch với thái độ của đám đông trong Tin Mừng hôm nay (Lc 13,1-9). Những người này cũng hiếu kỳ với những hiện tượng trong cuộc sống: tổng trấn Phi-la-tô giết những người đang tế lễ; tháp Si-lô-ác đổ sập và đè chết mười tám người. Tuy nhiên, họ không tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của những hiện tượng ấy mà chỉ hùa theo số đông, cho rằng những điều xấu xảy ra là do sự trừng phạt của Chúa dành cho tội lỗi của đương sự. Theo đó, họ rằng mình  không bị thiệt hại gì là dấu hiệu chứng tỏ họ sống thanh sạch. Vì thái độ kiêu ngạo, thiếu chân thành như thế, họ không gặp được Chúa và không thể nhận biết thánh ý của Người. Đồng thời, Đức Giê-su cũng cho những người này thấy rằng Thiên Chúa muốn giải thoát họ khỏi sự kiêu ngạo, tội lỗi để họ được sống; nhưng trước hết, họ cần sám hối. Hơn thế nữa, Đức Giê-su cho họ biết rằng sám hối là điều cấp bách vì Thiên Chúa, Đấng giàu lòng nhẫn nhịn và thương xót đang hết lòng mong đợi họ ăn năn, quay về với Người.

Như thế, những sự kiện xảy ra trong cuộc sống có thể là nơi Thiên Chúa tỏ mình ra cho mỗi người chúng ta và dạy cho mỗi người một bài học rất riêng tư về thánh ý của Người. Qua đó, Thiên Chúa cho ta thấy rằng Người là Đấng Thánh Hằng Hữu và luôn hết mực yêu thương, mong chờ sự ăn năn của ta để ban lại cho ta sự sống, sự giải thoát khỏi ách thống trị của tội lỗi.

Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj

Tham Khảo

CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, 124-125.

John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.70-71.