CHƯƠNG 10

GIÁO HỘI TRONG DÒNG LỊCH SỬ

 

Ảnh từ Internet

Trong chương này chúng ta sẽ đề cập đến Giáo Hội trong suốt chiều dài lịch sử, nhằm đưa ra một vài điểm mấu chốt trong lịch sử Giáo Hội. Mục đích của chúng ta không phải là để nghiên cứu về lịch sử (bởi vì chúng ta không có thời gian để trình bày nơi đây) nhưng để biết được Giáo Hội đã hình thành và phát triển trong thời gian như thế nào. Vì chúng ta quan tâm đến các sự kiện, nên việc suy niệm cá nhân và thảo luận sẽ được giảm đi, điều này khác với những chương trước và sau này.

 

  1. ĐỨC GIÊSU VÀ GIÁO HỘI

Đã có một thời gian dài chúng ta tin rằng Giáo Hội được chính Đức Giêsu thiết lập và tổ chức, như thể Ngài trao lại cho các môn đệ một kế hoạch mà Ngài muốn các ông phải làm sau khi Ngài chết:

Thôi được, này Phêrô, anh là giáo hoàng. Còn những môn đệ kia Thầy muốn họ là các giám mục. Phải xây các nhà thờ có bàn thờ và toà giải tội. Phải cử hành thánh lễ mỗi ngày. Mọi người phải đi tham dự thánh lễ vào các ngày Chúa Nhật. Phải có bảy bí tích và có giáo luật. Chúng ta phải có trường học Công Giáo và sách giáo lý. Phải bận rộn nhé các anh em!

           

Các học giả ngày nay nhận thấy rằng Đức Giêsu không trao lại cho các môn đệ của mình một bản thảo nào như thế. Điều Ngài trao cho họ còn quan trọng hơn gấp bội, đó là Thánh Thần của Ngài, cuộc đời và mẫu gương của Ngài. Giáo Hội mà chúng ta biết ngày nay là một cộng đoàn đức tin được lớn lên và phát triển qua dòng lịch sử. Giáo Hội có nhiều yếu tố thuộc về bản chất, nhưng chính yếu đó là một dân được xây dựng trên đức tin. Vì thế, Giáo Hội là một cộng đoàn đang trưởng thành và sống động. Một khi Giáo Hội không được lớn lên, Giáo Hội đang đánh mất mục đích của mình trên trần thế.

 

Phản tỉnh và thảo luận

 

Đức Thánh Cha xin bạn lời khuyên: Tôi có thể làm gì để giúp cho Giáo Hội lớn mạnh? Bạn có đề nghị gì không?

 

GIÁO HỘI THỜI TÂN ƯỚC: NGÀY QUANG LÂM, CÔNG ĐỒNG GIÊRUSALEM, THẨM QUYỀN TRONG GIÁO HỘI

           

Dường như sau cái chết của Đức Giêsu, điều các môn đệ quan tâm là cố gắng làm sao để tồn tại hơn là tổ chức một Giáo Hội. Các ngài lo lắng về sự sống của mình. Niềm hy vọng của các ngài đã bất ngờ sụp đổ. Nhưng kỳ diệu thay, các ngài đã tìm thấy được niềm hy vọng mới. Ngôi mộ đã không thể giam giữ Đức Giêsu. Sứ mạng và công việc của Đức Giêsu chưa kết thúc. Giờ đây sứ mạng đó được trao lại cho các ông.

Như chúng ta đã thấy, Giáo Hội được sinh ra vào ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Mặc dù Thiên Chúa phục sinh đã hiện ra với các môn đệ, nhưng chỉ đến khi Thánh Thần hiện xuống trên họ, họ mới thực sự được giải thoát khỏi nỗi lo sợ và trở nên chứng nhân can trường cho đức tin. Trong ngày Hiện Xuống, Thánh Thần của Thiên Chúa xuống trên họ với quyền năng:

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. (Cv 2, 1-4)

         

Như đã hứa, Đức Kitô đã không để các ông mồ côi. Ngài đã đến với các ông qua quyền năng của Chúa Thánh Thần. Trong trình thuật Hiện Xuống, các môn đệ có được khả năng nói tiếng lạ và họ được lắng nghe bởi nhiều người thuộc các dân tộc khác nhau bằng chính ngôn ngữ của mình. Đây là sự đảo ngược của câu chuyện về tháp Baben trong sách Sáng Thế (chương 11). Xưa kia, tội lỗi đã làm cho con người chia cắt bởi bất đồng ngôn ngữ, thì nay Thánh Thần đã nối kết lại.

Như thế, ngay từ khởi đầu đã có một sự nối kết sâu xa giữa Giáo Hội và Chúa Thánh Thần. Chúng ta là những người sống sau khi Đức Giêsu về trời và chúng ta không nhìn thấy được Đức Giêsu bằng xương bằng thịt nhưng chúng ta đến được với Ngài nhờ Thánh Thần. Giáo Hội bao gồm những ai được mời gọi sống trong Thánh Thần của Đức Kitô và của Chúa Cha.

Phản tỉnh và thảo luận

 

Bạn hiểu “sống trong Thánh Thần của Đức Kitô” nghĩa là gì?

         

Giáo Hội Quang Lâm. Giáo Hội sơ khai tin rằng ngày tận cùng của ơn cứu độ đã gần đến. Họ tin rằng Đức Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang để thiết lập vương quốc của mình. Sự trở lại này được hiểu là một cuộc quang lâm. Đó là ngày tận thế. Cách hiểu này được dựa trên thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi cho tín hữu Thêxalônica. Người dân thuộc thành phố Thêxalônica quan tâm đến số phận của những người chết trước khi ngày quang lâm đến.

Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này, là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu. (1 Tx 4, 15)

         

Vì Giáo Hội sơ khai quan niệm ngày tận thế đang đến gần, nên sứ mạng của Giáo Hội lúc bấy giờ là chú trọng làm sao để có thể loan báo tin mừng càng xa và càng rộng trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại. Họ rất ít chú tâm về cơ cấu của Giáo Hội. Về sau, khi Giáo Hội nhận ra rằng ngày quang lâm có thể không biết khi nào sẽ đến, việc thiêt lập cơ cấu Giáo Hội trở nên khẩn thiết cho sứ mạng tương lai trên trần thế này.

         

Ai có thể là một Kitô hữu? Thật dễ dàng để chúng ta quên đi ý nghĩ Giáo Hội sơ khai được dành riêng cho dân Do Thái. Đối với người Do Thái, Đức Giêsu không đến để bắt đầu một tôn giáo mới. Ngài đến để kiện toàn cái cũ. Phêrô, Maria và các tông đồ khác, sau khi Đức Giêsu chết và phục sinh, vẫn nghĩ mình là dân Do Thái. Họ vẫn cầu nguyện với lời kinh của Do Thái Giáo, đi viếng đền thờ, ăn thức ăn của người Do Thái. Điều này xảy ra vì họ mặc định rằng Đức Giêsu đã đến cho dân Do Thái vì Ngài là một người Do Thái.

Tuy nhiên, theo thời gian, người ngoài Do Thái (Dân Ngoại) cũng đã bắt đầu muốn đi theo Đức Giêsu. Giáo Hội sơ khai bắt đầu có những khủng hoảng đầu tiên: có nên đón nhận Dân Ngoại vào trong Giáo Hội hay không? Nếu được, họ có phải trở thành người Do Thái và tuân giữ luật Môsê hay không? Với câu hỏi thứ nhất có thể dễ dàng trả lời khi Phêrô rửa tội cho một người sĩ quan Rôma. Nhưng với câu hỏi thứ hai thì gặp khó khăn: người Dân Ngoại có buộc phải tuân giữ luật Môsê hay không? Đó thật sự là một câu hỏi cần thiết, bởi lẽ nếu như người Dân Ngoại buộc phải tuân giữ luật Môsê, họ sẽ phải kết hợp giữa Kitô giáo với Do Thái giáo mãi mãi. Ngoài ra những người đã được đón nhận vào trong Giáo Hội cũng sẽ bị giảm đi đáng kể.

Cuộc tranh luận tập trung chủ yếu vào một vài điểm đặc trưng trong luật: cắt bì, thức ăn cấm và luân lý tính dục. Trở ngại lớn nhất chính là cắt bì. Nghi lễ này của người Do Thái được xem như là một trở ngại làm cho Dân Ngoại không thể đến được với Giáo Hội. Cuối cùng trong một công đồng gọi là công đồng Giêrusalem (Cv 15) nơi những nhóm người chống đối gặp nhau và đã đưa ra quyết định rằng cắt bì hay không thì không quan trọng, và một đồng thuận đã được đưa ra liên quan đến thức ăn và những hành vi luân lý tính dục. Trên thực tế, công đồng Giêrusalem (như vẫn thường được gọi) đã mở toang cánh cửa Kitô giáo cho tất cả mọi người thuộc mọi quốc gia và mọi nền văn hoá. Nó đã giúp làm cho Kitô giáo trở thành một Giáo Hội “công giáo” phổ quát.

           

Thẩm quyền trong Giáo Hội sơ khai. Trong tin mừng, Đức Giêsu làm rõ rằng thẩm quyền của Kitô giáo không giống với quyền bính thế giới thường hiểu. Đối với Kitô hữu, thẩm quyền có nghĩa là phục vụ:

Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. (Mc 10, 42-44)

         

Trong Giáo Hội sơ khai, thẩm quyền phục vụ này có một cấu trúc rõ ràng. Trước hết, không có một cuộc truyền chức linh mục hay thừa tác viên nào là chính thức. Tuy nhiên, điều hiển nhiên là Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các tông đồ. Tin mừng mô tả Đức Giêsu đã tuyển chọn đặc biệt mười hai môn đệ thân tín nhất của mình và sai các ông ra đi rao giảng nhân danh Ngài. Điều đó nói lên rằng các môn đệ vào thời sơ khai không chỉ giới hạn ở con số mười hai, nhưng trong số các ông, Phêrô là người được trao cho quyền đặc biệt để là người “đứng đầu” các tông đồ. Trong tiếng Hy Lạp, Phêrô nghĩa là “đá” và trong tin mừng Mátthêu, Đức Giêsu đã sử dụng tên này như để diễn tả vai trò của Phêrô, Ngài nói:

Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (Mt 16, 18)

         

Giáo Hội Công Giáo Rôma hiểu đoạn văn này và giải thích rằng Đức Kitô mong ước Giáo Hội của Người phải được dẫn dắt bởi Phêrô và những người kế vị ông (các Đức Giáo Hoàng). Vì thế, trong Giáo Hội Công giáo, thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng, trong vai trò là đầu của Giáo Hội, là một phần trong những giáo huấn chính thức của Giáo Hội Công giáo. (Đây là một trong những điểm khác biệt với Tin Lành.)

Ngoài các tông đồ ra còn có những người khác cũng có thẩm quyền trong Giáo Hội. Các vai trò này không dựa trên một chương trình huấn luyện đặc biệt nhưng dựa trên ân sủng riêng của mỗi người (hay còn gọi là đặc sủng) trong cộng đoàn. Thánh Phaolô đã chỉ ra một số vai trò như sau:

Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ. (1 Cr 12, 28)

Tuy nhiên, theo thời gian, tất cả các tông đồ đã chết, và vì thế, cần có một cơ cấu tổ chức nhằm đáp ứng cho các nhu cầu của cộng đoàn và đưa Giáo Hội tiến bước trong tương lai. Có ba cấp độ lãnh đạo được đưa ra trong giai đoạn cuối của thế kỷ đầu tiên sau Chúa Giêsu. Các cấp độ này được gọi là giám mục, trưởng lão (hay linh mục) và phó tế. Trước đây, giữa giám mục và trưởng lão không có sự phân biệt. Họ là những người lãnh đạo một cộng đoàn cụ thể, và chủ sự các cử hành Thánh Thể. Ngoài ra, họ phải bảo vệ Giáo Hội chống lại các “giáo huấn sai lệch”. Phó tế được tuyển chọn như những người phụ giúp hoặc phục vụ cộng đoàn. Thừa tác vụ của họ thường là chăm sóc người nghèo và người thiếu thốn. Dần dà cả ba cấp độ này được phát triển thành những gì chúng ta vẫn gọi ngày nay là Giám mục, Linh mục và Phó tế.

 

 

  1. NHỮNG NĂM 67-312: VÀNG THỬ LỬA

         

Là một Kitô hữu trong xã hội Bắc Mỹ không phải là một mạo hiểm lớn. Đại đa số những người bước đi trên đường của các nước này đã được rửa tội trong Đức Kitô. Đây không phải là hoàn cảnh khi Kitô giáo bắt đầu. Trước khi người Rôma ra lệnh phải chú ý đến Kitô giáo thì trước đó rất lâu họ đã trở thành đích ngắm cho cuộc bách hại không thể tưởng tượng. Cuộc bách hại đó được khởi đầu bởi hoàng đế Nêrô vào năm 67. Người ta tin rằng, hai tông đồ Phêrô và Phaolô đã bị giết hại trong cuộc bách hại đạo của hoàng đế Nêrô. Từ thời điểm này trở đi, Rôma luôn giữ một vị thế trung tâm trong đức tin Công giáo xét như là ngai của Thánh Phêrô. Những người kế vị ngài là các giám mục Rôma, cũng được trao một vị thế đặc biệt trong việc điều hành và cai quản Giáo Hội.

Hơn hai trăm năm, người Kitô hữu là đối tượng bách hại hết lần này đến lần khác. Một trong những cuộc bách hại đạo tàn khốc nhất là của hoàng đế Diocletian. Khi ông rời bỏ ngai vàng, người Kitô hữu không thể ngờ rằng họ sẽ mau chóng trở thành tôn giáo thống trị toàn đế quốc rộng lớn và là nguồn lực chính yếu hình thành nên nền văn minh Tây Phương.

 

Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

Bạn có thể nghĩ trong hoàn cảnh nào, Giáo Hội ngày nay vẫn tiếp tục bị bách hại?

 

 

  1. CONSTANTINE VÀ SỰ LỚN MẠNH CỦA KITÔ GIÁO

Khi Constantine kế vị Diocletian, ông mang trên mình một yếu tố mới mẻ: mẹ ông là một Kitô hữu. Khi Constantine còn là một người ngoại giáo, ông đã có thị kiến về một trận chiến và ông tin rằng mình sẽ chiến thắng dưới cờ hiệu của Đức Kitô. Sau đó, cùng với đồng minh Licinius, ông đã chiến thắng cuộc chiến và truyền ban sắc chỉ Milan công nhận tự do tôn giáo cho Kitô giáo. Các hoàng đế Rôma thường đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề tín ngưỡng, và Constantine đã áp dụng điều này vào Kitô giáo. Chính ông là người đã qui tụ các giám mục khắp nơi để hình thành công đồng Nicea.

Trong những thế kỷ kế tiếp đã xuất hiện một vài Kitô hữu lỗi lạc. Các giáo phụ đã bắt đầu dấn thân vào những công trình kinh điển nhân danh Giáo Hội. Jerome (ca. 345-420) là một ẩn sĩ đã dịch Kinh Thánh từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ La-tinh. Bản dịch này được gọi là Vulgate và sau đó được công nhận là bản dịch chính thức của Giáo Hội Công giáo.

Giáo phụ có tầm ảnh hưởng nhất trong Giáo Hội là thánh Augustinô. Xuất thân từ Bắc Phi, Augustinô có cha là người ngoại giáo và mẹ là Mônica, một Kitô hữu. Ngài là một thanh niên thông minh xuất chúng, luôn bị cuốn hút bởi thú vui cuộc đời: cờ bạc, đàn điếm say sưa. Về sau trầm tĩnh lại, ngài ở với một cô nhân tình trẻ, có một người con trai và ngài dạy học tại Milan. Ở Milan, Augustinô gặp được một Kitô hữu vĩ đại là giám mục Ambrôsiô. Vượt qua những chần chừ cũng như chung sống với các tình nhân khác, năm 33 tuổi, Augustinô đã hoán cải và trở thành Kitô hữu dưới ảnh hưởng của người mẹ và giám mục Ambrôsiô. Ngài đã viết một cuốn sách nhằm diễn tả sự biến đổi của mình, được gọi là Tự thú (Confessions) và là một cuốn sách tuyệt vời miêu tả hành trình tâm linh. Augustinô mau chóng được thụ phong linh mục và chẳng mấy chốc ngài được xức dầu tấn phong giám mục thành Híppo. Ảnh hưởng cuối cùng của thánh nhân là trong lĩnh lực thần học. Nhằm tranh luận chống lại những người lạc giáo lúc bấy giờ, Augustinô hầu như đã viết về niềm tin của người Kitô hữu, và những tác phẩm đó vẫn còn ảnh hưởng rất lớn cho đến ngày nay.

Thế kỷ V cũng sản sinh ra một vĩ nhân khác, đó là Đức Giáo hoàng Lêô Cả. Ngài không những là vị lãnh đạo tinh thần nhưng còn là một người đầy quyền uy trong xã hội lúc bấy giờ ở Tây Phương. Ngài không chỉ chủ tọa Công Đồng Chalcedon, nhưng còn mặt đối mặt với Attila, vua của đế quốc Hun. Ngài đã lên tiếng về quyền bính của giáo hoàng, một quyền bính không chỉ liên quan mật thiết đến các vấn đề trong lòng Giáo Hội, nhưng còn đối với cả nhà nước nữa. Khi ngài qua đời, mối liên kết giữa Giáo Hội và nhà nước là không thể tách rời.

Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

 

Khi được chính quyền Rôma chấp nhận, Giáo Hội đã có được những thuận lợi và bất lợi nào?

 

  1. ĐỜI SỐNG ĐAN TU

Vào thời kỳ này, một người “hoán cải” trở lại Kitô giáo chính yếu không phải vì Đức Giêsu Kitô, nhưng phần lớn là do ảnh hưởng của vua hoặc các quan địa phương của họ. Khi Kitô giáo trở thành một tôn giáo được ưu ái, thì đám đông dân chúng hăm hở đến xin được rửa tội. Kitô giáo đã phần nào đánh mất đi ý nghĩa nguyên thuỷ của mình, đó là tình yêu Thiên Chúa và sức mạnh của Chúa Thánh Thần đối với thế giới. Các nhà nghiên cứu lịch sử tin rằng đời sống đan tu duy trì được hai giá trị: tinh thần Kitô giáo lẫn sự khôn ngoan của văn minh cổ đại. Mong muốn có được một niềm tin tinh tuyền, một số người đã gia nhập các đan viện để sống đời sống cầu nguyện và đời sống cộng đoàn. Thánh Antôn, người Ai Cập được xem là tổ phụ của đời sống đan tu trong Giáo Hội. Vào năm 285, ngài đã đi vào sa mạc trở thành một ẩn sĩ. Cùng thời gian đó, Pachomius cũng bắt đầu thử nghiệm kiểu sống này nhưng mang tính cộng đoàn hơn. Phong trào rút ra khỏi đời sống ồn ào của xã hội đã trở nên cực kỳ quan trọng cũng như sự kết thân giữa Giáo Hội và nhà nước. Nhân vật tiêu biểu cho phong trào này là thánh Biển Đức đã sáng lập đan viện ở Monte Cassino. Cộng đoàn này gồm những người bình dân sống với khẩu hiệu “ora et labora” (làm việc và cầu nguyện). Tu luật của thánh Biển Đức trở thành khuôn mẫu cho đời sống đan tu trong nhiều thế kỷ. Đan viện là một cộng đoàn tự cung tự cấp, do đó mọi nhu cầu vật chất cũng như tinh thần của các đan sĩ đều được cung cấp nơi chính đan viện. Bằng việc sao chép lại những công trình của các giáo phụ và các tác phẩm kinh điển của nền văn minh Châu Âu, các đan sĩ đã lưu giữ được truyền thống này khi đế quốc Rôma sụp đổ. Đến khoảng thế kỷ IX các đan viện trở thành trung tâm học vấn và các viện phụ là những người có tầm ảnh hưởng rất lớn.

 

  1. CUỘC LY KHAI GIỮA ĐÔNG VÀ TÂY

Vào thời này, có hai trung tâm Kitô giáo lớn là Rôma và Constantinople. Về mặt địa lý, hai trung tâm này không xa cách bao nhiêu, nhưng họ ngày càng tách biệt nhau về mặt thần học và chính trị. Các quốc gia thuộc phía Đông (Constantinople) thường bực bội khi Rôma công bố địa vị đứng đầu của mình. Sau khi đế quốc Rôma sụp đổ, chỉ còn lại một hoàng đế duy nhất (ở phía Đông). Vì không thể bảo vệ phía tây thoát khỏi sự xâm chiếm của các dân tộc khác, nên Đức Giáo Hoàng đã tấn phong Charlemagne làm hoàng đế vào năm 800. Điều này đã làm cho phía Đông vô cùng tức giận. Vào năm 858, hoàng đế phía Đông bãi bỏ chức vị Thượng phụ của Constantinople và thay vào đó là Photius, một thân tín của mình. Chính Photius đã khước từ công nhận thẩm quyền của Giáo hoàng. Những tranh luận về quyền tối cao của giáo hoàng đã tạm thời được giải quyết, tuy nhiên mối tương quan vẫn còn căng thẳng.

Khi Michael Cerularius trở thành Thượng phụ của Constantinople vào năm 1043, ông rất ít  tôn trọng quyền tối cao của Giáo hoàng. Khi Đức Giáo hoàng yêu cầu những người Đông phương đang sống ở phía Tây phải tuân theo các nghi lễ Tây Phương, Michael cũng đã làm tương tương tự như thế đối với những người Tây phương sống ở Đông phương. Một quyết định sai lầm nối tiếp sai lầm. Vào năm 1054,  tương quan ngoại giao bị phá vỡ, các Thượng phụ, hoàng đế và những người đi theo họ đều bị vạ tuyệt thông. Dù nỗ lực hòa giải được lặp đi lặp lại, tất cả mọi hy vọng đều tan biến sau cuộc càn quét thứ tư được cho là của Kitô giáo Tây Phương đã tàn phá thành phố Constantinople. Hậu quả là Giáo Hội Rôma và Giáo Hội Chính Thống Giáo vẫn ly khai cho đến ngày nay.

  1. QUYỀN BÍNH CỦA GIÁO HOÀNG

Mối liên hệ giữa Giáo Hội và nhà nước đã trở nên khăng khít đến nỗi Giáo Hội ngày càng bị xuống cấp bởi những thế lực thế tục. Các chức vị trong Giáo Hội được mua bán vì tiền bạc và quyền lực hơn là vì đức tin. Tài sản Giáo Hội được chuyển cho con cháu của các linh mục hoặc giám mục (sự độc thân của giám mục và linh mục chưa là luật buộc trong Giáo Hội), và các giám mục được chỉ định bởi những kẻ có chức quyền. Quyền bính của Giáo Hoàng hầu như không còn. Trong bối cảnh đó, Đức Grêgôriô VII (d. 1085) đã đi đến quyết định cải tổ Giáo Hội. Ngài đã cải tổ bằng cách củng cố cơ cấu phẩm trật và quyền bính của Giáo Hoàng. Dưới sự dẫn dắt của ngài, Giáo Hội đã xây dựng được một đội ngũ triều chính hùng hậu phụ giúp giáo hoàng (được gọi là Giáo triều). Đồng thời, chức vị Giáo Hoàng nắm quyền lớn nhất trong Giáo Hội, và điều này sẽ được Đức Innôcentê III đẩy mạnh và phát triển. Các cải cách này cũng trao cho giáo luật một địa vị hết sức quan trọng. Dựa theo giáo luật, những quy tắc của Giáo Hội được hệ thống hóa rất chi tiết. Điều này đã mang lại những thuận lợi thấy rõ, tuy nhiên điểm bất lợi là yếu tố thánh thiêng bị đánh mất nơi những điều khoản đó. Giáo Hội ngày càng được định nghĩa theo thuật ngữ cơ cấu tổ chức với Giáo Hoàng là thủ lãnh tối cao, còn giáo dân và các linh mục chỉ có vai trò tùng phục.

Đây thật sự là những ngày tháng tốt đẹp nhất và cũng là tồi tệ nhất trong lịch sử Giáo Hội. Dưới sự dẫn dắt của Đức Innôcentê III, Tòa Án Dị Giáo bắt đầu một thời kỳ tàn khốc của mình trong lịch sử Giáo Hội. Tuy nhiên, cùng thời gian này thánh Phanxicô (d. 1226) và thánh Đaminh (d. 1221) đã trở nên những dấu chỉ hết sức mạnh mẽ về đời sống đích thực của người Kitô hữu. Họ bắt đầu các dòng tu dấn thân sống Tin Mừng trong sự đơn sơ tinh tuyền: sống đời sống khó nghèo, cầu nguyện, rao giảng và phục vụ. Thêm vào đó, các dòng tu này đã giúp canh tân thần học trong Giáo Hội. Tiêu biểu là thánh Albetô Cả và thánh Tôma Aquinô, dòng Đa-minh cùng với thánh Bonaventura và Duns Scotus thuộc dòng Phanxicô.

 

  1. LƯU ĐÀY ĐẾN AVIGNON

Quyền bính của giáo hoàng đã bị tạm ngưng một thời gian vào tháng 9 năm 1303. Đức Giáo Hoàng Boniface VIII đã viết một sắc lệnh (được gọi là sắc lệnh Unam Sanctam) công bố quyền bính của mình trên chính quyền nước Pháp. Đây là biến cố khởi đầu cho một chuỗi các sự kiện kỳ lạ trong lịch sử Giáo Hội. Ngài sớm bị vua nước Pháp là Philip IV bắt giam. Sau khi Đức Boniface qua đời, một vị giám mục nước Pháp là bạn của nhà vua đã được tấn phong giáo hoàng. Ngài lấy tước hiệu Clêmentê V và cho dời dinh thự của mình từ Rôma đến miền nam nước Pháp trong một thị trấn có tên Avignon. Ngài đã xức dầu tấn phong nhiều hồng y người Pháp và họ là những người bầu chọn một vị giáo hoàng người Pháp khác, Gioan XXII. Vị này là người đã cho di dời toàn bộ giáo triều về Avignon. Trong thời gian từ 1309 đến 1377, có tất cả 7 vị Giáo Hoàng người Pháp đã sống tại Avignon. Đây thật sự không phải là giai đoạn tốt cho quyền tối cao của giáo hoàng, bởi vì thời kỳ này tập trung quá nhiều vào vấn đề tài chính và liên tục tăng thuế đối với giáo dân, trong khi một vài giáo hoàng Avignon lại sống trong cảnh hoang phí. Cuối cùng Đức Grêgôriô IX quyết định đưa giáo triều trở lại Rôma dưới ảnh hưởng của một phụ nữ vĩ đại, một nữ tu 30 tuổi, đó là thánh Catharina thành Siêna.

Ngay khi niềm hy vọng khôi phục quyền tối cao của Giáo Hoàng được nhen nhóm, thì mọi việc lại trở nên tồi tệ hơn. Khi Đức Grêgôriô VI qua đời, hoàng đế Rôma một mực đòi phải bầu chọn một Giáo hoàng người Ý. Các vị Hồng Y đã buộc lòng chọn Urban VI. Tuy nhiên, họ không hạnh phúc với chọn lựa này, và vì họ đã phải bầu Urban VI vì bị ép buộc, nên họ đã rời Rôma và bầu một người khác. Lần này họ chọn một người Pháp và đến sống tại Avignon. Như thế có hai vị Giáo hoàng. Một công đồng đã được nhóm họp tại Pisa nhằm chọn ra một vị Giáo hoàng duy nhất và hiệp nhất lại Giáo Hội. Tuy nhiên, cả hai vị giáo hoàng đều từ chối từ chức và vì thế, sau đó có đến ba giáo hoàng. Vào năm 1414, hoàng đế Sigismund đã triệu tập công đồng tại Constance. Giáo hoàng Rôma lúc bấy giờ xin từ chức, nhưng trước đó ngài đã công bố tính hiệu lực của công đồng. Cùng lúc đó Giáo hoàng được bầu ở Pisa qua đời, Giáo hoàng ở Avignon bị phế truất và Đức Martin V được tuyển chọn.

 

  1. PHONG TRÀO CẢI CÁCH CÔNG GIÁO

Khi Giáo Hội bước vào thế kỷ XVI, có một điều hết sức rõ ràng là nhu cầu cấp bách cần được cải tổ. Đáng tiếc là những người có thẩm quyền để thúc đẩy quá trình cải tổ lại ít quan tâm hoặc thiếu khả năng. Với những gì đã được lịch sử ghi lại, chúng ta có thể thấy một số cải cách hết sức cần thiết trong Giáo Hội:

  1. Cần trở về với sứ điệp tin mừng và con người Đức Giêsu. Rất nhiều mảng thần học đã đánh mất nền tảng Kinh Thánh.
  2. Cần cải cách về linh đạo. Thời điểm này rất chú trọng đến sự sống đời sau và đặc biệt là các linh hồn trong luyện ngục. Vì thế, trong Giáo Hội đã nổi lên thực hành buôn bán ân xá với mong muốn có thể giải thoát linh hồn khỏi luyện ngục.
  3. Cần cải cách về quyền Giáo hoàng. Các Giáo hoàng trong thời phục hưng là vấn đề gây nhiều gương xấu vì nhiều Giáo hoàng chỉ quan tâm đến khoái lạc và giàu sang hơn là những ích lợi thiêng liêng của Giáo Hội.
  4. Cần cải cách trong lòng Giáo Hội liên quan đến việc mua bán chức thánh, cũng như nhiều linh mục thiếu huấn luyện và đạo đức.
  5. Tương quan giữa thần quyền và thế quyền cũng cần được cải cách.

Mặc dù có một vài giám mục và linh mục tốt lành thực sự muốn cải cách Giáo Hội, nhưng thẩm quyền của họ không đủ. Giáo Hội thực sự bị khủng hoảng. Giữa khủng hoảng ấy, một nhân vật hết sức quan trọng trong văn hoá Tây phương và Kitô giáo xuất hiện: đó là Martin Luther. Luther là một linh mục công giáo Rôma và là một tu sĩ rất nhiệt thành, thậm chí chi li tỉ mỉ. Vào ngày 31 tháng 10 năm 1517, ông đã dán 95 mệnh đề nổi tiếng của mình lên cửa nhà thờ tại Wittenberg. Luther xem mình là một nhà cải cách, chứ không phải một người đang tìm cách bắt đầu một kiểu Kitô giáo mới. Nỗ lực đối thoại giữa Luther và Giáo Hội đã trở nên một tấm bi kịch. Càng ngày Luther càng xác quyết quan điểm của mình. Ông tin vào những điều sau:

  1. Ơn cứu độ chỉ đến từ đức tin. Con người không thể đạt được sự sống đời đời với Thiên Chúa nhờ các việc lành phúc đức. Duy chỉ có ân sủng của Thiên Chúa mới mang lại ơn cứu độ.
  2. Kinh Thánh có thẩm quyền độc tôn trên đời sống Kitô hữu. Truyền thống của Giáo Hội có thể giúp ích nhưng chỉ là thứ yếu sau Kinh Thánh.
  3. Luther chỉ chấp nhận hai bí tích có nền tảng Kinh Thánh. Đó là bí tích Rửa tội và Thánh Thể. Ông tin rằng, thánh lễ nên được cử hành trong ngôn ngữ địa phương. Ông không chấp nhận đời độc thân của các linh mục vì chúng không có nền tảng trong Kinh Thánh.
  4. Ông không tin bất cứ trung gian nào giữa Thiên Chúa với các tín hữu. Do đó không cần phải lần chuỗi mân côi, không cần cầu nguyện với các thánh, không cần tượng ảnh của các thánh, không có các ân xá…
  5. Ông nhấn mạnh đến vai trò của giáo dân trong Giáo Hội và tin rằng tất cả mọi người đều có tiếp cận Lời Chúa.
  6. Vì tin vào Kinh Thánh, nên ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảng lễ (là điều thường không được thực hành.)

Luther đã bị Giáo Hội Công Giáo ra vạ tuyệt thông vào ngày 3 tháng 1 năm 1520. Tuy nhiên, ông được nhà vua nước Đức bảo vệ, và danh tiếng cũng như quan điểm của ông được phổ biến rất nhanh chóng.

Luther không phải là người duy nhất mang sóng gió đến cho Giáo Hội. Ở Thuỵ Sỹ, Ulrich Zwingli cũng bắt đầu tiếp cận đức tin dưới cái nhìn dân chủ để tìm những nền tảng Kinh Thánh cho Giáo Hội và ông đã loại bỏ niềm tin nào không có nền tảng Kinh Thánh. Ở Pháp, John Calvin đã thuyết phục được rất nhiều người với lý thuyết tiền định của mình. Trong lúc đó ở Anh, nhà vua không giống như một nhà cải cách cho bằng ông chỉ muốn ly dị với vợ mình. Khi Đức Giáo Hoàng không cho phép điều này, vua Henry VIII đã tuyên bố ông là người đứng đầu Giáo Hội ở Anh quốc và cùng với hầu hết giám mục trong nước đã tự mình chống lại Rôma. Điều này đánh dấu sự hình thành Giáo Hội Anh giáo.

 

  1. CHỐNG LẠI PHONG TRÀO CẢI CÁCH

Phong trào cải cách đã tác động hết sức lớn lao đến mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo. Cả Giáo Hội và Châu Âu đều trong một giai đoạn có nhiều biến động chưa từng xảy ra. Giáo Hội Công Giáo cần phản ứng trước những thách đố của các nhà cải cách. Giáo Hội chỉ có thể làm được điều này với một vị giáo hoàng có năng lực, đó là Phaolô III. Ngài đã triệu tập công đồng Trentô, một công đồng có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Giáo Hội. Công đồng đã nhóm họp 25 lần trong ba giai đoạn (1545-1547, 1551-1552, 1562-1563.) Công đồng đã bị hoãn lại trong một thời gian dài và có khi vì có quá ít người tham dự. Tuy nhiên, Công đồng đã đưa ra các giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến những vấn đề quan trọng và đã giúp mở ra một cuộc cải cách mới trong lòng Giáo Hội. Để chống lại những người thuộc phong trào cải cách, Giáo Hội dạy rằng:

  1. Ơn cứu độ đến từ ân sủng của Thiên Chúa nhưng cũng đòi hỏi sự cộng tác của con người.
  2. Kinh Thánh không phải là nguồn duy nhất có thẩm quyền nhưng còn có cả Truyền thống của Giáo Hội.
  3. Đức Giáo Hoàng là lãnh đạo tối cao của Giáo Hội.
  4. Có Bảy Bí tích được Đức Kitô và Giáo Hội tuyển chọn. Đức Kitô hiện diện thật sự nơi bánh và rượu trong Bí tích Thánh Thể.
  5. Các Thánh Nhân có thể hành động như đấng trung gian chuyển cầu cho chúng ta.
  6. Đức Maria có một vai trò độc nhất khi vừa là Mẹ Thiên Chúa vừa là Mẹ Giáo Hội.

Công Đồng Trentô đã gợi hứng cho một thời kỳ cải cách trong Giáo Hội Công Giáo, và đây là điều hết sức cần thiết. Đáng tiếc là những cải cách này chỉ có thể đến sau khi Giáo Hội bị phong trào cải cách xâu xé tan tành. Tại Trentô, Giáo Hội đã có thể phòng thủ và theo một cách thức nào đó, tính phòng vệ này vẫn duy trì cho đến mãi Công Đồng Vaticano II được nhóm họp năm 1962. Công Đồng Trentô đã xác định đời sống của Giáo Hội trong suốt 300 năm sau.

  1. TRUYỀN GIÁO

Cùng lúc Giáo Hội ở Châu Âu đang trong thời kỳ cải cách Giáo Hội và chống lại phong trào cải cách, thì Giáo Hội Công Giáo đã mạnh mẽ bắt đầu thực hiện dự án truyền giáo loan báo tin mừng cho toàn thế giới.

Ở Trung Hoa, Matteo Ricci, một tu sĩ Dòng Tên đã quyết định truyền giáo bằng cách tiếp cận với các tầng lớp thượng lưu trong xã hội qua tri thức về các ngành khoa học. Ngài đã nghiên cứu văn hoá người Trung Hoa và sớm bắt đầu cải hoá họ trở về với tôn giáo của mình. Ngài đã thu được những thành quả đáng ngưỡng mộ, nhưng người Trung Hoa tiếp nhận văn hoá Tây Phương một cách rất cảnh giác vì họ đã có một nền văn minh khá cao. Các nhà truyền giáo đã nỗ lực thích nghi các thực hành Kitô giáo cho văn hoá Á Đông, nhưng rốt cuộc lại bị Rôma ngăn cấm và vì thế, công cuộc truyền giáo tại đây chỉ đạt được những thành tựu hết sức khiêm tốn.

Cùng thời gian ấy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang trong tiến trình thiết lập một thế giới thuộc địa mới. Khi Luther chỉ trích Giáo Hội, thì Cortez đưa quân đến Mêxicô, tàn sát người dân Aztec và lấy đi vô số vàng bạc quí giá của họ. Cũng trong khoảng thời gian đó, Francisco Pizarro cũng làm tương tự như thế ở Incas, Pêru. Người da đỏ cũng bị tàn sát vì tài sản của họ, và bị xem chưa phải là người. Các nhà truyền giáo khi đến Nam Mỹ đã làm việc với người thổ dân và đã hoán cải nhiều người gia nhập Kitô giáo. Tuy nhiên, không giống ở Á Đông, không có bất cứ nỗ lực nào trong việc hội nhập văn hóa địa phương vào niềm tin Kitô giáo. Để được chấp nhận vào Kitô giáo, người dân buộc phải chấp nhận văn hoá Tây Phương đi liền với nó. Thông thường, các nhà truyền giáo là những người đứng đầu chống lại các lạm dụng như tình trạng buôn bán nô lệ đối với thổ dân. Cuối cùng, dưới tác động của giám mục De Las Casas thành Chiapa, nhà vua Tây Ban Nha cũng ra lệnh ngăn cấm tình trạng buôn bán nô lệ. Tuy nhiên, ở Bồ Đào Nha vẫn còn tiếp tục cho phép tình trạng nô nệ trong khu vực của mình.

Vào thế kỷ XVII, các Giêsu hữu đã thực hiện những dự án lớn hình thành những đồn điền và người da đỏ có thể được hưởng hoa màu và quyền lợi. Điều này đã ảnh hưởng đến lợi ích của những nhà thực dân, và kết quả là các đồn điền này bị phá hủy vì những con người chỉ chú tâm tìm kiếm lợi lộc vật chất.

Vào thế kỷ XIX, phong trào truyền giáo bắt đầu tập trung vào các nước ở Châu Á và Châu Phi. Các phong trào này đã đạt được thành công to lớn tại Philippine, xâm nhập vào Trung Hoa, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ. Tương tự như thế, rất nhiều nơi ở Châu Phi cũng đã đáp lại lời mời gọi của Tin Mừng.

 

Suy tư cá nhân và Thảo luận

 

Giáo Hội Công Giáo đang ngày một trở nên Công giáo hơn khi được loan đi khắp hoàn cầu. Tuy nhiên, một cách nào đó, Giáo Hội vẫn là một Giáo Hội Âu Châu khi xóa bỏ các nền văn hóa khác, đồng thời áp đặt văn hóa của mình lên trên các dân tộc ấy. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng mà Giáo Hội ngày nay phải đối diện. Thường được gọi là “hội nhập văn hoá”. Như vậy, làm sao Giáo Hội có thể vẫn là một trong khi hội nhậpc với các nền văn hóa khác? Các nền văn hoá khác có thể làm phong phú Giáo Hội như thế nào?

Bạn nghĩ có cách nào đức tin Công Giáo có thể được cử hành khác đi trong các văn hóa địa phương?

  1. THỜI KỲ ÁNH SÁNG

Thế kỷ XV và XVI xuất hiện nhiều nhà trí thức và dòng tu trong thế giới Châu Âu (phong trào phục hưng, phong trào cải cách và chống cải cách) và đã sản sinh ra một thời kỳ mới, được gọi là thời kỳ ánh sáng. Các triết gia trong thời kỳ ánh sáng đề cao khả năng suy tư như một ngành khoa học. Theo đó, những gì chúng ta có thể nhận biết là những gì chúng ta có thể quan sát và nghiên cứu được. Lý trí con người không thể biết bất cứ điều gì thuộc về phạm vi “thiêng liêng”. Voltaire, một triết gia người Pháp đã đưa ra một tóm tắt về các hoạt động của trí năng: “những gì mắt chúng ta và toán học chứng minh được, chúng ta coi đó là thật. Còn tất cả những điều khác, chúng ta chỉ có thể nói rằng: chúng ta không biết”. Nhiều triết gia trong thời đại ánh sáng không thấy có vấn đề gì đối với Kitô giáo, nhưng những người khác lại thấy rằng, Kitô giáo phải bị khai trừ vì đó là một tôn giáo của mặc khải và quyền bính. Họ chỉ chấp nhận những mặc khải mà lý trí con người có thể chấp nhận. Tương tự như thế, lý trí có thẩm quyền tối cao. Những tư tưởng gia này cũng rất lạc quan về khả năng suy tư của con người và có thể làm cho thế giới này trở thành nơi tốt đẹp hơn. Các quan điểm này như thể không chỉ đe dọa Giáo Hội nhưng còn cả xã hội nữa. Điều này hiển nhiên đe dọa Giáo Hội. Nó còn làm cho quyền bính của Giáo Hội bị lu mờ. Nó hạ giá thẩm quyền của Giáo Hội cũng như nền tảng cho thẩm quyền đó, tức là mặc khải từ Thiên Chúa. Lối suy tư đó cũng đe dọa các nhà vua, những người được xem như do Thiên Chúa tuyển chọn để cai quản.

Cuộc cách mạng Pháp cũng theo đó mà diễn ra. Giáo Hội được xem là một nhân tố của giai cấp quyền lực cổ xưa và đã phải chịu bách hại hết sức khốc liệt trong thời gian cuộc cách mạng diễn ra. Giáo Hội đã hết sức khó khăn khi chống trả lại các cuộc bách hại này. Cuộc cách mạng này phá tan cơ cấu phẩm trật và quân chủ mà Giáo Hội đã dày công vun đắp, nhưng điều này đã phải trả một giá rất đắt. Nước Pháp đã phải trải qua một thời kỳ kinh hãi với chế độ độc tài của Napoleon. Trong lúc ấy, các phong trào duy quốc gia liên tiếp nổ ra tại Ý, Tây Ban Nha và Đức đã giới hạn rất nhiều quyền bính của Giáo Hội.

Điều kỳ lạ là Giáo Hội Công Giáo lại lớn mạnh tại Anh Giáo trong suốt thế kỷ XIX. Dưới sự dẫn dắt của John Newman và Henry Manning, “Phong Trào Oxford” đã mang nhiều tín hữu Anh Giáo trở về với Công Giáo.

 

  1. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ I

Đức Piô IX được bầu làm Giáo Hoàng từ năm 1846 đến 1878, một triều đại giáo hoàng lâu nhất. Vào thời gian này, ngài lên án mạnh mẽ những công kích của các tư tưởng triết học, xã hội và kinh tế hiện đại. Điều này được nói rõ trong Bản Cáo Trạng về Những Điểm Sai Lầm (Syllabus of Erros) của mình năm 1864, trong đó ngài tuyên bố truyền thống của Giáo Hội tin rằng chỉ duy nhất một tôn giáo được chính quyền bảo vệ và chấp nhận, đó là Kitô giáo. (Quan điểm này sẽ chính thức được chỉnh sửa trong công đồng Vatican II năm 1965.)

Ngài cũng triệu tập công đồng chung đầu tiên sau 300 năm: Vaticanô I. Mặc dù công đồng không chính thức đưa ra những quyết định cuối cùng, nhưng cũng đạt được mục đích chính của mình về việc bảo đảm quyền bính của Giáo Hoàng. Công đồng khẳng định tính bất khả ngộ của Giáo Hoàng khi ngài dạy về các vấn đề đức tin và phong hóa.

 

  1. CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP

Thế kỷ XIX được biết đến là thời đại của công nghiệp hoá. Với những đột phá của kỹ thuật công nghệ, thế giới đã bắt đầu làm việc trong những cách thức mới lạ và khác biệt. Tuy nhiên, người chịu thiệt thòi nhất lại là các công nhân. Tài sản rơi vào tay một nhóm người, còn các công nhân lại phải thường xuyên làm việc trong những điều kiện khó khăn với đồng lương ít ỏi. Giữa hoàn cảnh ấy, ông tổ của chế độ cộng sản xuất hiện: Karl Marx. Ông chỉ trích chủ nghĩa tư bản vì những lạm dụng và phân chia giai cấp của chủ nghĩa tư bản, đồng thời kêu gọi xây dựng một xã hội chủ nghĩa cho phép công nhân có thể làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu. Đối với Marx, tôn giáo như một cách thức trốn tránh thế giới thực tại. Vì thế, theo lời của ông, tôn giáo là “thuốc phiện của con người”. Nó làm cho con người sao nhãng với sứ mạng thực sự của họ nơi thế giới này, khi chỉ biết chăm chăm hướng về đời sống mai sau.

Tuy nhiên, Đức Lêô XIII là vị Giáo Hoàng lại rất chú trọng đến những thực tại trong thế giới này. Ngài đã viết một thông điệp gọi là Rerum Novarum cổ võ phát triển liên kết thương mại, cũng như lương bổng và điều kiện làm việc. Ngài cũng phê bình nghiêm chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội cực đoan. Đức Lêô đã khởi sự một nền tảng vững chắc để Giáo Hội có thể ngày một dấn thân hơn trong việc thực thi công bình xã hội.

 

  1. THẾ KỶ XX

Suốt thế kỷ XX, Giáo Hội đã dấn thân trong rất nhiều lãnh vựng. Giáo Hội bắt đầu kỷ nguyên này bằng việc kết án “chủ nghĩa hiện đại,” là một phong trào tri thức tìm cách đưa một số nguyên tắc của phong trào ánh sáng vào đức tin Kitô giáo. Tuy nhiên, vào thời gian này, Giáo Hội ngày một cởi mở hơn với những tư tưởng hiện đại. Đã có những tiến bộ vượt bậc trong lãnh vực phụng vụ, nghiên cứu Kinh Thánh, phong trào đại kết và công bình xã hội. Có lẽ trong nửa đầu thế kỷ này, không có sự kiện nào quan trọng hơn thông điệp Divino Afflante Spiritu của Đức Piô XII. Thông điệp đã mở toang cánh cửa cho việc nghiên cứu Kinh Thánh theo phương pháp hiện đại đối với các học giả Công Giáo. Ảnh hưởng của văn kiện này vẫn còn có thể cảm nhân được trong Giáo Hội hôm nay.

Một nhu cầu cấp bách khác của Giáo Hội trong thế kỷ này là chống lại chủ nghĩa cộng sản. Vì cộng sản chủ trương vô thần và duy vật chủ nghĩa, nên Giáo Hội đã không ngừng kết án chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới.

Điểm nổi bật hiển nhiên ở thế kỷ này là công đồng Vaticanô II diễn ra ở Rôma từ năm 1962 đến 1965. Mặc dù ảnh hưởng của công đồng vẫn còn phải được cân nhắc, nhưng công đồng vẫn được các nhà lịch sử xem là biến cố quan trọng nhất trong lịch sử Giáo Hội kể từ thời cải cách. Vì tầm quan trọng và là công đồng gần nhất, nên chúng ta sẽ đề cập đến công đồng này ở một chương riêng biệt khác.

NHỮNG NGÀY ĐÁNG NHỚ TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI

Liệt kê những sự kiện đáng nhớ trong lịch sử Giáo Hội không có nghĩa là để kiểm tra lại kiến thức cơ bản và lược bỏ những sự kiện ít quan trọng hơn. Mỗi sự kiện đều có một ý nghĩa quan trọng và cũng là cách nhắc nhớ cho hiện tại

  1. 30 Đức Giêsu bị đóng đinh vài thập giá bởi người Rôma; Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ.
  2. 36 Thánh Phaolô thành Tácxô trở lại, là tư tưởng gia và nhà truyền giáo vĩ đại đầu tiên của Kitô giáo.
  3. 50 Công đồng Giêrusalem; các tông đồ nhóm họp đầu tiên ở Giêrusalem và không buộc Kitô hữu dân ngoại phải cắt bì.

67                      Hoàng đế Nerô bách hại Giáo Hội

70                      Đền thờ Giêrusalem bị Titus phá đổ

70-100               Viết các sách tin mừng

95-312               Những cuộc bách hại Giáo Hội khác bởi các hoàng đế Rôma

312/3                 Sự trở lại của hoàng đế Constantine: Đạo công giáo được chính thức công nhận hợp pháp với chỉ dụ Milan

325                    Công đồng Nicea: Công đồng chung đầu tiên của hội đồng Giám mục trên toàn thế giới định tín về căn tính của Đức Giêsu nhằm chống lại lạc giáo Ariô

400                    Thánh Jerome dịch Kinh Thánh sang tiếng Latin (được gọi là Vulgate)

431                    Thánh Augustinô thành Híppo qua đời, một trong những nhà thần học ảnh hưởng nhất trong lịch sử Giáo Hội

451                    Công đồng Chalcedon định tín Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật

529                    Thánh Biển Đức thành lập tu viện tại Monte Cassino và bắt đầu ảnh hưởng lên thế giới Tây Phương về đời sống đan tu

590-604             Đức Giáo hoàng Giêgôriô Cả thiết lập quyền bính của giáo hoàng như một khuôn mẫu cho 700 năm sau đó

800                    Đức Giáo hoàng Lêô III phong Charlemage là hoàng đế của đế chế La-Mã

1054                  Ly khai giữa Constantipole (Chính Thống giáo) và Rôma đạt đến đỉnh điểm

1231                  Đức Giáo Hoàng Giêgôriô IX cho phép tòa án dị giáo điều tra nhằm chống lại lạc giáo

1309-77             Các Đức Giáo Hoàng sống tại Avignon, nước Pháp

1517                  Martin Luther treo 95 mệnh đề trước cửa nhà thờ Witenberg, bắt đầu cuộc cải cách Tin Lành

1545-63             Công đồng Trentô bắt đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, được gọi là chống lại phong trào cải cách

1789                  Phong trào cách mạng Pháp đánh dấu sự kết thúc của Giáo Hội đặc quyền ở Châu Âu và bắt đầu cho thời đại ánh sáng

1869-70             Công đồng Vaticanô I định tín về tính bất khả ngộ của Giáo Hoàng

1891                  Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đưa ra thông điệp Rerum Novarum, đòi lại quyền cho người công nhân trong cuộc cách mạng công nghiệp

1962-1965         Công đồng Vaticanô II tìm cách đổi mới trong Giáo Hội

 

Câu hỏi ôn tập

 

  1. Sự kiện nào được xem là ngày khai sinh ra Giáo Hội? tại sao?
  2. Ngày quang lâm (parousia) là gì và đã ảnh hưởng đến việc Giáo Hội hiểu mình như thế nào?
  3. Công Đồng Giêrusalem tranh luận về điều gì? Điều gì đã được quyết định? những quyết định đó về sau đã ảnh hưởng đến Giáo Hội thế nào?
  4. Đức Giêsu đã diễn tả bản chất của quyền bính cho những người theo Ngài như thế nào?
  5. Đoạn văn nào trong tin mừng được Giáo Hội Công Giáo sử dụng và xem đó là dấu chỉ cho quyền bính của Giáo Hoàng?
  6. Các Giám mục (episkopos), linh mục (presbyters), và phó tế (deacons) nghĩa là gì?
  7. Tại sao thành phố của Rôma lại trở nên quan trọng cho Giáo Hội?
  8. Constantine ảnh hưởng đến tương quan giữa Giáo Hội và hoàng đế Rôma thế nào?
  9. Đóng góp của thánh Giêrôm, Augustinô và Đức Lêô Cả là gì?
  10. Đâu là những đóng góp to lớn của đời sống đan tu đối với Giáo Hội và xã hội?
  11. Điều gì làm cho Giáo Hội Đông Phương và Giáo Hội Tây Phương chia cắt?
  12. Thế kỷ XIII vừa là thời gian thịnh vượng lẫn tồi tệ đối với Giáo Hội như thế nào?
  13. Miêu tả thảm họa của các Giáo Hoàng ở
  14. Những nguyên nhân dẫn đến cải cách là gì?
  15. Những quan điểm và niềm tin chủ đạo của Martin Luther là gì?
  16. Zwingli, Calvin và vua Henry VIII đã góp phần chia cắt Giáo Hội như thế nào ?
  17. Những kết luận chính yếu của công đồng Trentô là gì?
  18. Những thành quả nhận được từ việc truyền giáo ở Nam Mỹ là gì? Những bi kịch khi người Châu Âu bành trướng thuộc địa đến Nam Mỹ là gì?
  19. Thời đại ánh sáng đã thách thức Giáo Hội như thế nào?
  20. Công Đồng Vaticano I đã cổ võ cho ý tưởng then chốt nào?
  21. Mục đích của thông điệp Rerum Novarum là gì?
  22. Thành quả chính yếu của thông điệp Divino Afflante Spiritu là gì?

Chuyển ngữ: Nhóm Học viên Dòng Tên

Nguồn: Anthony Marinelli, The Word Made Flesh: An Overview of the Catholic Faith, (Manila, Philippines: Saint Paulus, 1999), 151-172.