(Ảnh từ website: hdgmvietnam.com)

Ngoài áo chùng thâm, áo ren vắn (rochet) hoặc áo các phép, áo khoác ngắn mozzetta, và thánh giá treo trên ngực bằng dây màu xanh lá cây và màu vàng, còn có nhiều phụ kiện trang trí khác. Trước hết, gậy Giám mục (crosier) là một cây gậy có móc ở đầu được Giám mục cầm khi đi trong đoàn rước và trong Thánh Lễ. Gậy tượng trưng việc chăm sóc mục vụ của Giám mục dành cho giáo dân trong giáo phận của mình. Giám mục là mục tử của giáo phận, và giống như một mục tử cầm gậy để chăn chiên, Giám mục cũng cầm gậy trong các nghi lễ để dẫn dắt đoàn chiên của mình – dân Chúa. Tài liệu dẫn chứng sớm nhất về gậy Giám mục xuất hiện vào thế kỷ VII. Kể từ Công đồng Vaticanô II, Đức Giáo Hoàng đã cầm gậy như một biểu tượng rằng ngài là Mục tử tối cao của Giáo hội. Kể từ thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, gậy Giáo Hoàng có hình dáng một cây thánh giá.

Mũ sọ (Zucchetto) là chiếc mũ tròn nhỏ ôm sát đầu được các giáo sĩ, đặc biệt là các Giám mục trong Giáo hội Công giáo, sử dụng. Màu sắc của mũ sọ tương ứng với chức vụ mà giáo sĩ nắm giữ. Mũ sọ có mục đích rất thực tế khi các nhà nhà thờ thường lạnh và ẩm ướt. Các giáo sĩ nhận chức cắt tóc theo hình thánh giá trên đỉnh đầu. Khi trời lạnh, mũ sọ giúp giữ ấm cho đầu rất tốt. Ngày nay, mũ sọ được sử dụng bởi các Giám mục và tạo nên trọn bộ phẩm phục của giáo sĩ gồm: áo chùng thâm, áo khoác ngắn mozzetta và áo ren vắn (là áo các phép màu trắng được mặc bên dưới áo mozzetta cùng với thánh giá ở ngực). Mũ sọ cũng được đội bên dưới mũ Mitra khi Giám mục mặc lễ phục để cử hành Thánh Lễ.

Mũ Mitra là một chiếc mũ được đội bên trên mũ sọ của của một Giám mục. Mũ này cũng có nhiều màu sắc khác nhau theo mùa phụng vụ hoặc chỉ có màu trắng. Mũ Mitra gồm hai vạt nhọn và cao (một ở phía trước, một ở phía sau) được ghép lại thành một chiếc băng đô, và hai mảnh vải có hình dạng một dây các phép nhỏ treo ở phía sau. Nguồn gốc của mũ Mitra có thể bắt nguồn từ thế kỷ X, và đến thế kỷ XII hầu hết các Giám mục đã sử dụng mũ này. Các Viện phụ, mặc dù không phải là Giám mục, nhưng có chức năng như Giám mục trong tu viện do ngài điều hành, và do đó cũng được phép đội mũ Mitra. Đức Giáo Hoàng cũng đội một mũ miện được gọi là mũ ba tầng (tiara) biểu thị tác vụ Vương đế của ngài – nhưng hiện nay không còn được sử dụng nhiều; trên thực tế, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI là người cuối cùng đội mũ ba tầng trong lễ đăng quang Giáo Hoàng của mình. Mũ ba tầng có ba bậc ám chỉ ba chức vụ của Giáo Hoàng: mục tử tối cao, người thánh hóa và thầy dạy.

Dây Pallium là một phù hiệu bằng dây len trắng hình tròn, đeo trên vai vòng quanh cổ, với hai dải, một dải thả xuống phía trước ngực, một dải ở sau lưng của một Tổng Giám mục hoặc Đức Giáo Hoàng. Trên dây Pallium có thêu 6 hình Thánh giá màu đen. Thánh giá trên ngực được làm bằng kim loại quý và thường được trang trí bằng các đồ trang sức quý hoặc khá quý hiếm. Dây Pallium được đeo vòng quanh cổ, và thường có một dải màu vàng thả xuống phía trước ngực (do đó có thuật ngữ trước ngực là vậy) khi mặc áo vest đen hoặc mặc bên trên áo chùng thâm hoặc lễ phục khi cử hành Thánh Lễ. Đức Giáo Hoàng, Hồng y, Tổng Giám mục và Giám mục, và các Viện phụ đeo Thánh giá trước ngực. Nhẫn Giám mục là một phần của phẩm phục chính thức của các Giám mục, cũng như của Viện phụ và Viện mẫu, và bắt đầu được sử dụng từ thế kỷ VII. Áo choàng đỏ Ferraiola là một chiếc áo choàng lớn bằng lụa được khoác bên trên áo chùng thâm. Khi các giáo sĩ mặc áo chùng thâm và tham dự các buổi lễ bên ngoài nhà thờ, phẩm phục chính thức thường phải có áo choàng ferraiola. Chỉ Giám mục mới có thể mặc một áo choàng đỏ ferraiola làm bằng tơ lụa tương ứng với cấp bậc của mình. Một linh mục có thể mặc áo choàng đen, nhưng không được làm bằng tơ lụa.

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007). 365-366

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *