Ảnh từ Internet

 

Môn học: Triết học Trung Hoa
Giáo sư: Vũ Minh Trí, S.J.
Học viên: Phạm Quang Khanh, S.J.

 

Mỗi khi nhắc tới Khổng Tử, người ta thường hay nghĩ tới một bậc bậc thầy về giáo dục. Khổng Tử có những “công cụ” giáo dục rất hữu ích. Một trong số đó là “công cụ” mang tên chữ “chí”. Vậy “chí” là gì và “chí” được thể hiện cụ thể ra sao trong tác phẩm Luận ngữ? Bài viết là một nỗ lực làm sáng tỏ điều này.

 

Dẫn nhập

Trở thành người tốt và gặt hái thành công trong cuộc sống là điều bao người vẫn hằng mong ước. Tuy nhiên, hành trình tới đích điểm đó không hề đơn giản. Khó khăn trắc trở là điều không thể tránh khỏi. Dẫu vậy, ai có chí, người ấy hy vọng đi về tới đích. Thế nhưng, chí là gì? Chí thể hiện ra sao? Và chí có vai trò cụ thể thế nào trong cuộc sống của mỗi người? Bài viết là một nỗ lực tìm hiểu chữ chí trong tác phẩm Luận ngữ[1] nhằm trả lời cho những câu hỏi vừa nêu. Để làm được điều này, trước hết người viết sẽ chiết tự chữ chí, hầu thấy được ý nghĩa cơ bản hàm chứa trong nó. Kế đến, chữ chí sẽ được luận bàn dưới khía cạnh chí minh nhiên (tức là chí được trực tiếp đề cập trong sách Luận ngữ) và chí mặc nhiên (chí được hàm ý trong những câu chữ Luận ngữ). Đồng thời, với tinh thần đối thoại, người viết cố gắng nối kết chữ chí trong sách Luận ngữ với chữ chí trong cuốn Tự thuật[2] của thánh I-nha-xi-ô, Đấng sáng lập dòng Tên.

I. Chiết tự chữ chí

Chữ chí (志) thuộc bộ tâm, gồm có 7 nét, diễn tả điều mà tâm hướng đến. Nét nghĩa này thường xuất hiện trong các cụm từ như: chí hướng (志向: ý chí quyết theo đuổi một việc gì, hướng về một ngả nào đó); chí sĩ (志士: người có lý tưởng, chí hướng cao xa); lập chí (立志: thụ lập chí hướng, quyết tâm).[3] Nói chung, chí diễn tả quyết tâm theo đuổi một điều gì đó bền vững dài lâu. Khi bàn về chữ chí của Khổng Tử, Phan Bội Châu trưng dẫn ví dụ một người đi đường. Người ấy xác định phương hướng đi, có ước muốn đi và quyết đi đến cùng. Phan Bội Châu kết luận: “Cái lòng muốn đi và cái lòng quyết định muốn đi, đó tức là chí”[4]. Trái với chí, người ta thường hay nói về những kẻ nhụt chí. Khi gặp khó khăn gian khổ, người nhụt chí dễ dàng nản lòng thoái lui. Có khi, họ bỏ cuộc từ đầu; có khi rút lui giữa chừng. Nói chung, họ thiếu quyết tâm và lòng kiên trì để về tới đích.

II. Chữ chí trong tác phẩm Luận ngữ

1. Chí minh nhiên

1.1. Chí vu học

Trước hết phải thừa nhận rằng, trong tư tưởng của Khổng Tử, người quân tử chính là đích nhắm giúp cho mỗi người thực hiện quá trình tu thân. Dĩ nhiên, người quân tử ở đây không hề giống chuyện cha truyền con nối, nhưng là những người đức hạnh cao thượng. Người quân tử đối lập với kẻ tiểu nhân: “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi” (IV, 16)[5]. Đặc biệt hơn, Luận Ngữ tạo ra một bước đột phá mới mẻ. Mới mẻ ở chỗ, bất kỳ người nào cũng có thể đạt tới bậc quân tử nhờ vào quá trình tu thân tích đức, cho dù tiến trình ấy không hề dễ dàng. Muốn được như vậy, tất cả đều phải học. Chính bản thân Khổng Tử cũng là một người hiếu học.

“Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học” (II, 4). Mười lăm tuổi, Khổng Tử chuyên chú vào việc học tập. Học được nói đến ở đây không đơn thuần là chuyện thủ đắc kiến thức hay mở mang lĩnh vực hiểu biết. Nó cũng chẳng phải một nỗ lực chỉ để trau dồi kỹ năng hay phương pháp làm việc. Điều cần học trước nhất phải là đạo lý, một thứ đạo lý cao siêu để “trở thành bậc quân tử.”[6] Chính vì thế, chí cần được nêu lên như là yếu tố đầu tiên giúp cho việc học. Chí biểu lộ qua lòng khao khát, qua thái độ chăm chỉ chuyên tâm. Lòng khao khát và thái độ chuyên tâm trở thành nỗi bận tâm của người học đến độ phải khiến cho họ trăn trở, bực tức: “Bất phẫn bất khải, bất phỉ bất phát, cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã” (VII, 8). Nhờ bực tức muốn hiểu, họ sẽ học được; nhờ bực tức muốn nói, họ sẽ diễn đạt tốt. Bực tức biểu hiện thiện chí của người muốn học, và nhờ đó khiến thầy vui lòng.

Đồng thời, chí phải được tôi luyện để trở nên vững vàng như Khổng Tử miêu tả: “Tam quân khả đoạt súy dã; thất phu bất khả đoạt chí dã” (IX, 24). Dù ba quân, với những binh hùng tướng mạnh, có thể bị đánh bại, nhưng chí của người tầm thường không dễ cướp đoạt. Với một sức mạnh và sự kiên cường như vậy, chí sẽ dẫn người học đến chỗ thành công. Sở dĩ họ thành công là bởi vì họ không bỏ cuộc, không chùn bước trước những khó khăn gian khổ.

Nếu như người hữu chí hứa hẹn đón nhận thành công, thì kẻ vô chí cầm chắc thất bại trong tay. Với Khổng Tử, họ thuộc về những kẻ ăn không ngồi rồi. Họ chẳng để tâm vào bất kỳ việc gì: “bão thực chung nhật, vô sở dụng tâm” (XVII, 21). Đó là điều đáng buồn. Đáng buồn bởi vì Khổng Tử không chấp nhận để cho tâm thần ở trong tình trạng “ngồi chơi xơi nước.” Thà họ chơi bài chơi cờ còn hơn! Đáng buồn còn là bởi vì họ không thể học và cũng không thể làm được điều gì. Thậm chí, những kẻ như vậy có dạy cũng là “nước đổ đầu vịt” mà thôi. Vì thế, Khổng Tử đã phải thốt lên “nan hỹ tai.”[7]

Trong chữ chí của Khổng Tử, khía cạnh hy vọng được rực sáng lên. Dù tầm thường hay dù “chậm chạp,” mọi người vẫn về tới đích nhờ một ý chí kiên cường. Tựa như “kiến tha lâu có ngày đầy tổ,” mọi cản trở trên đường không phải vấn đề quá lớn với người hữu chí. Nói như Phan Bội Châu: “Đã có chí, tất nảy ra siêng học; đã siêng học, tất trí thức thêm nhiều, mà tài năng ngày càng tân tiến. Trí đủ, tài đủ, việc gì làm chẳng xong?”[8] Ở điểm này, có lẽ Khổng Tử muốn nói với các học trò của mình rằng ông không nhấn mạnh tới chuyện chí càng cao càng tốt, cho bằng nhấn mạnh tới sự kiên định và bền vững.[9] Nói theo ngôn ngữ âm nhạc, chí của Khổng Tử xem ra nghiêng về “trường độ” hơn là “cao độ.”

Vì nghiêng về “trường độ,” nghiêng về “dài hơi,” nên đạt được chữ chí không phải chuyện dễ. Khổng Tử thừa nhận: “Tam niên học bất chí ư cốc, bất di đắc dã” (VIII, 12). Suốt ba năm học mà không để tâm vào bổng lộc, không phải chuyện dễ. Trong câu này, chí không phải là vấn đề đặt hết tâm trí để “chủ động” làm việc gì, cho bằng để “không” làm điều gì, để chống lại điều gì. Nếu xét chí theo nghĩa này, thì quả là khó hơn bội phần. Khó là bởi vì theo khuynh hướng tự nhiên, con người thường ham bổng lộc. Mà bổng lộc, hay “cám dỗ” lợi danh, thì nhiều vô kể. Chúng biến hóa và luôn bủa vây người học bằng bao cách thế tinh vi. Để “lội ngược dòng,” tức là không để tâm sa vào bổng lộc, chí càng phải vững vàng kiên định. Sự kiên định và vững vàng không phải một sớm một chiều, nhưng là trong suốt ba năm, trong cả hành trình học đạo, hành đạo. Thế mới thấy, chí đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trên hành trình tầm đạo của người quân tử.

Dù chí vững vàng, dù chí kiên trung, nhưng vẫn luôn còn đó một mối nguy ngại tiềm ẩn: chí lầm lạc. Tựa như câu nói “nhiệt tình cộng với ngu dốt trở thành phá hoại”, chí sẽ trở nên vô dụng nếu đó chỉ là chí ư mưu cầu danh lợi, chí ư phú quý giàu sang, chí ư địa vị tiền tài…Tất cả những loại chí này sẽ kéo người học đi xuống và hạ thấp nhân phẩm con người. Chúng không giúp con người tiến bước trên đường tìm đạo. Điều này có nghĩa là, chí cần có điểm tựa, chí cần có nền tảng. Chí không thể đặt nền ở trên danh lợi tiền tài. Vậy, chí phải được xây dựng dựa trên điều gì?

1.2. Chí ư đạo

Dường như Khổng Tử đã lường trước được bản chất “nhân vô thập toàn” của con người, nên ông đưa ra cách thức lập chí: “chí ư đạo, cứ ư đức” (VII, 6). Đạo chính là chuẩn đích, là mẫu mực và là nền móng để mỗi người căn cứ vào đó lập chí. Bước theo đạo, chí không có nguy cơ sai lầm, không có nguy cơ lạc đường. Vì chưng, đạo đòi buộc người học phải sống một lòng một trí, thề nguyền chung thủy với đạo. Tâm trí người ấy phải đặt vào đạo. Nỗi bận tâm giờ đây không còn là những giá trị vật chất bên ngoài. Nếu không, người ấy chẳng còn xứng đáng bàn luận về đạo: “Sĩ chí ư đạo, nhi sỉ ác y, ác thực giả, vị túc dữ nghị dã” (IV, 9). Khi chí đặt nền trên đạo, người hữu chí sẽ cảm nhận được niềm vui. Niềm vui mạnh mẽ và lớn lao đến độ: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ” (IV, 8). Sỡ dĩ họ sẵn sàng chết mà cũng vui lòng là bởi vì họ nhận ra tính “đúng đắn” thể hiện nơi đạo. Đạo ấy vẫn luôn kín ẩn trong mỗi con người như sách Trung Dung đã từng diễn tả: “Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo” (Trung Dung, chương XIII).

Tựa nương vào đạo, chí cũng cần căn cứ nơi đức. Chính đức sẽ nâng nhân phẩm của con người lên, thay vì hạ xuống. Nhờ đạo và nhờ đức, chí biết phân định, biết phản tỉnh để làm chọn lựa sáng suốt. Chí trong Luận ngữ không phải thứ chí làm càn: “Cái hữu bất tri nhi tác chi giả, ngã vô thị dã” (VII, 27). Đồng thời, nhờ đạo và nhờ đức, chí cũng sớm nhận dạng những kẻ: “xảo ngôn, lệnh sắc tiển hỹ nhân” (I, 3). Những kẻ ấy quả là có ít đức nhân. Lời nói của họ chẳng đáng tin cậy. Những lời khôn khéo chỉ để lấp liếm cho một tâm địa dối trá mà thôi. Người hữu chí sẽ biết tránh xa những kẻ như vậy. Nói khác đi, thấy người tốt, thấy điều hay, người hữu chí nỗ lực noi theo; ngược lại, thấy người xấu, thấy điều dở, người hữu chí tìm cách lánh xa.

Nếu chí không được đặt nền trên đạo, hậu quả trở nên khó lường. Xã hội thời Khổng Tử, và nhất là thời nay, chứng kiến những điều như vậy. Biết bao người và bao quốc gia có những quyết tâm mạnh mẽ kiên cường. Ngặt một nỗi, cái quyết tâm mạnh mẽ và kiên cường ấy lại được xây dựng dựa trên tham vọng quyền lực. Thế là, ganh tị, chiến tranh, bạo lực và chém giết xảy ra như một hệ quả tất yếu.    

Tóm lại, đạo quả là cần thiết và đạo phải là nền móng vững chắc cho chí tiến bước. Vậy thì, khi đã đặt nền trên đạo, chí sẽ tiến bước về đâu và đích nhắm của chí là gì?

1.3. Chí ư nhân

Nếu như đạo được coi là nền móng để chí xây dựng trên đó, thì nhân như là mục đích để chí hướng về. Hướng về nhân tức là hướng về đức hạnh cao nhất, hướng về trung tâm của các đức tính. Nhân tổng hòa mọi nhân đức khác. Hướng về nhân, người hữu chí sẽ không chán nản và không bỏ cuộc trên đường tiến bước. Vì chưng, nhân là điều cao quý và là đích điểm mà người lý tưởng hướng tới. Còn gì đẹp hơn và quyết tâm hơn cho bằng biết mình đang tiến về điều cao quý nhất? Vì thế, khi hướng về nhân, người hữu chí một lòng tu tâm dưỡng tính. Họ sẵn sàng vượt qua khó khăn gian khổ. Hóa ra, đích điểm là nhân khơi dậy nơi người hữu chí một lòng khao khát lớn hơn và sự kiên định vững vàng. Như thế, chí vu học, chí ư đạo và chí ư nhân rủ nhau hướng về chữ nhân. Chí không tách rời đạo và chẳng lìa nhân.

Nếu chí hướng về đức nhân, người học đâu còn lo sợ trở thành mầm mống của những điều xấu: “Cẩu chí ư nhân hỹ, vô ác dã” (IV, 4). Vì chưng, những gì làm nên nhân toàn là ngay thẳng, thật thà, rộng lượng, khoan dung, nghĩa hiệp…Không ai có thể tìm được điều gì xấu xa nơi nhân. Như thế, khi mầm mống của những điều xấu xa nhơ bẩn đã bị tiêu diệt, thì mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của người học đạo chẳng thể xấu được. Người học cứ bon bon tiến bước trên đường nhân đức.

Hướng về nhân, chí được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực. Ấy là chữ nghệ: “du ư nghệ,” là lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số. Người hữu chí hướng về đức nhân thể hiện ở nơi tiếp ứng sự vật.[10] Đồng thời, khi hướng về nhân, chí còn mang thêm chiều kích kế thừa. Những người làm con luôn được ân cần khuyên nhủ “phụ tại, quan kỳ chí” (I, 11). Chí của cha trở thành gương mẫu giúp cho con cái noi theo. Dĩ nhiên, chí của cha ở đây phải là đại diện cho bậc tiền bối luôn sống trong đạo. Chí ấy không được ư danh ư lợi. Hơn nữa, trong chính sự kế thừa lại được kèm thêm yếu tố biện chứng. Khi noi gương bắt chước người cha, người con cũng phải biết sống thế nào để cho chí ấy tiếp tục được những thế hệ con cháu mai sau bắt chước noi theo. Cứ như thế, noi gương bắt chước chí của các bậc tiền bối trở nên hành động thực thi đạo hiếu của những người con.

Tóm lại, chữ chí ở trong Luận ngữ cũng là hướng đến chữ nhân. Người có chí đúng nghĩa phải là người nhân. Chí không tách rời nhân. Mục đích của chí không gì khác hơn là đạt được nhân. Người hữu chí ắt phải là người: “Chí sĩ nhân dân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân” (XV, 8). Họ sống là sống với nhân, mà chết là chết vì nhân. Chí ư nhân là như thế đó!

2. Chí mặc nhiên

Mặc nhiên tức là không được minh nhiên nói ra bằng chính mặt chữ ở trong Luận ngữ. Thế nhưng, không minh nhiên nói ra thì không có nghĩa là vô giá trị. Giá trị phải kể đến trước nhất khi nói tới chí mặc nhiên chính là “biết mình”. Chí tập trung vào bản thân, chí là chí cho mình, thay vì đua tranh ganh tị: “Bất hoạn vô vị, hoạn sở dĩ lập; bất hoạn mạc kỷ tri, cầu vi khả tri dã” (IV, 14). Chức vị không nên và cũng không được là nỗi bận tâm quá mức của người quân tử. Bởi thế, người quân tử chỉ nên đau đớn cho mình khi không có tài năng, chứ chuyện người đời không biết đến mình thì chẳng đáng buồn. Đúng là trên đời luôn xuất hiện những người có khả năng này hay tài cán nọ. Và, tâm lý con người cũng thường nghiêng về so sánh phân bì. Nếu phải đối diện với thực tế này, có lẽ Khổng Tử sẽ đồng ý rằng, so sánh không nhằm mục đích xếp hạng thấp cao, nhưng để biết mình và để cố gắng tu tập phát triển bản thân. So sánh không phải ghen tị cho bằng rút ra bài học rèn luyện chính mình: “Quân tử bệnh vô năng yên, bất bệnh nhân chi bất kỷ tri dã” (XV, 18). Người hữu chí sẽ trăn trở lo lắng và vun đắp cho khả năng của bản thân để có thể gánh vác việc đời. Họ chú tâm tới bổn phận, đặt hết khả năng để có thể hoàn tất nghĩa vụ mà không màng tới lời khen tiếng chê: “Bất hoạn nhân chi bất kỷ tri, hoàn kỳ bất năng dã” (XIV, 30). Và vì thế, người có chí thì học “vị kỷ,” tức là vì tài năng của mình còn kém nên phải trau dồi bồi đắp. Họ học không phải “vị nhân,” không phải vì yêu mến danh lợi ở nơi người khác: “Cổ chi học giả vị kỷ, kim chi học giả vị nhân” (XIV, 24).

Cũng vì “biết mình” mà chí ở trong Luận ngữ phải luôn sánh đôi cùng với khiêm nhượng. Trong cuộc đàm đạo giữa Khổng Tử và các học trò (XI, 25), sau khi được hỏi về chí của mình: “như hoặc tri nhĩ, tắc hà dĩ tai?”, Tử Lộ hấp tấp đáp lời: “Thiên thặng chi quốc, nhiếp hồ đại quốc chi gian, gia chi dĩ sư lữ nhân chi dĩ cơ cẩn; do dã vi chí, tí cập tam niên, khả sữ hữu dũng thả tri phương dã” (XI, 25). Thế là, Khổng Tử mỉm cười. Có lẽ, ông cười không phải vì chính chí hướng của Tử Lộ, cho bằng cười vì thái độ đi kèm của chí hướng ấy. Thái độ của Tử Lộ chẳng hề khiêm tốn, lời nói của Tử Lộ chẳng hề nhún nhường. Tử Lộ quả là đại ngôn. Mà đại ngôn thì đâu còn xứng với bậc quân tử: “Tiên hành kì ngôn, nhi hậu tùng chi” (II, 13). Vả lại, Khổng Tử cũng đâu ưa gì những kẻ khoe khoang bề ngoài mà lại rỗng tuếch bên trong: “Xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hỹ nhân” (I, 3).

Xem ra, nhờ “biết mình,” nhờ khiêm nhượng mà chí còn muốn nhắm đến khía cạnh nội tâm. Chí không đơn thuần theo đuổi thành tích bên ngoài. Sau khi nghe Tử Lộ, Tăng Tích, Nhiễm Hữu và Công Tây Hoa nói về chí hướng của từng người, Khổng Tử than rằng: “Ngô dữ Điểm dã.” Vậy, thích như Điểm là thích thế nào? Không giống như Tử Lộ, Nhiễm Hữu và Công Tây Hoa, Tăng Tích (Điểm) bày tỏ ý chí của ông một cách “nghệ sĩ”: “mộ Xuân giả, xuân phục ký thành, quán giả ngũ lục nhân, đồng tử lục thất nhân, dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi quy” (XI, 25). Qua lời nói này, dường như Tăng Tích chẳng màng tới chuyện chính trị như ba người kia. Nói theo Chu Hy, chí của Tăng Tích không khác gì hơn là “hài lòng với vị trí mà tôi đang ở lúc này, tìm niềm vui trong những công việc hàng ngày.”[11] Vậy là, Khổng Tử cũng thích cái chí mang tính nghệ sĩ, tức là một sự hài lòng sâu thẳm ở trong tâm hồn, tâm hồn “an nhiên tự tại của người đắc đạo”[12]. Nếu phải so sánh với chí của Tử Lộ – người muốn cầm đầu một nước có ngàn cỗ xe – hay chí của Nhiễm Hữu và Công Tây Hoa – những người đều muốn làm tướng và làm lãnh đạo – thì mục tiêu của Tăng Tích quả là “nhỏ bé”. Thế nhưng, nền tảng của cái “nhỏ bé” ấy vô cùng ý nghĩa. Đó là niềm vui tìm thấy ở nơi tâm hồn. Nói như Yu Dan: “Dù các mục tiêu của bạn vĩ đại hay nhỏ bé thì cơ sở để hiện thực hóa chúng vẫn nằm ở việc tìm ra những điều gần gũi nhất với tâm hồn bạn. Việc để tâm hồn bạn dẫn đường quan trọng hơn việc theo đuổi những thành tích bên ngoài”[13]. Hóa ra, sự hòa điệu giữa tâm hồn và chí là điều cần thiết. Khi chí điềm tĩnh và kiên định, con người có khả năng lắng nghe được những khao khát sâu thẳm ở trong tâm hồn, để từ đó vững bước tiến tới thành công.

III. Chí trong Luận ngữ và chí trong Tự thuật của thánh I-nha-xi-ô

Trong cuốn Tự thuật của thánh I-nha-xi-ô, người ta có thể tìm thấy rất nhiều chi tiết liên quan tới chí của thánh I-nha-xi-ô thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Thú vị thay, chí trong cuốn Tự thuật có một “sự đồng điệu” với chí trong sách Luận ngữ. Sự đồng điệu ở đây được thể hiện qua một lược đồ song song đến độ có thể gọi tên ở nơi Tự thuật những cụm từ như: “chí vu học,”  “chí ư đạo,” và “chí ư nhân”.

1. Chí vu học trong Tự thuật

Nếu như việc học (I, 1) và chí vu học (II, 4) xuất hiện ngay ở phần đầu của sách Luận ngữ, thì hình ảnh I-nha-xi-ô với chí ham học cũng được trình bày ngay ở số 1 của cuốn Tự thuật (TT, 1).[14] I-nha-xi-ô dồn hết tâm trí vào việc học giống như đức Khổng. Ở đây, chí của I-nha-xi-ô thể hiện bằng một quyết tâm đạt được mục tiêu đề ra. Ông ham thích võ nghệ và luôn say mê luyện tập. Khi bị thương tại pháo đài Pamplona và phải phẫu thuật cẳng chân, I-nha-xi-ô chủ động nén chịu đau đớn chỉ với mục đích giữ lại vẻ đẹp vốn có, tức là cái chân không bị ngắn đi (TT, 4). Nằm trên giường bệnh, I-nha-xi-ô ao ước và quyết chí làm cho được những điều mà thánh Phan-xi-cô và thánh Đa-minh đã làm (TT, 7). Qua tất cả những chi tiết trên, I-nha-xi-ô quả là có chí.

Tuy nhiên, chí của I-nha-xi-ô trong những sự kiện vừa nêu vẫn còn thiếu vắng nền tảng vững chắc. I-nha-xi-ô cũng học, nhưng nội dung của việc học chưa giống như học ở trong Luận ngữ. Chí của I-nha-xi-ô đang được đặt trên nền ư danh ư lợi: quan tâm tới vẻ đẹp chân cẳng bề ngoài, luyện tập võ nghệ khoe khoang tài năng…Thậm chí, những hư danh không chỉ dừng lại ở mức trần thế mà còn biến thành hư danh thiêng liêng. Nói theo chí vu học ở trong Luận ngữ, chí của I-nha-xi-ô chưa được đặt trên nền “đạo”. Vì thế, nó cần một nền “đạo” mới.

2. Chí ư đạo trong Tự Thuật

Sau cuộc “linh thao” ở Manresa, I-nha-xi-ô hoàn toàn biến đổi và chí cũng biến đổi theo. Giờ đây, chí mang một nền móng mới là thánh ý Chúa. Mọi quyết tâm của I-nha-xi-ô đều được suy xét phản tỉnh dựa trên ý Chúa, thay vì ý mình. I-nha-xi-ô ao ước hành hương Đất Thánh, sống khó nghèo, dự định giúp đỡ các linh hồn và làm tất cả mọi việc với niềm xác tín “chỉ đặt vào một mình Thiên Chúa mà thôi.”[15] Đồng thời, chí trở nên linh hoạt, biết thay đổi sao cho phù hợp ý Chúa. Còn nhớ, khi hành hương Giê-ru-sa-lem, I-nha-xi-ô có sẵn dự định ở lại Đất Thánh để giúp đỡ các linh hồn (TT, 45). Thế nhưng, khi giáo quyền tại Giê-ru-sa-lem không đồng ý, I-nha-xi-ô hiểu rằng Thiên Chúa không muốn I-nha-xi-ô ở lại Đất Thánh. Và, ngài đã tự hỏi “Quid Agendum?” dựa trên “đạo,” tức là ý Chúa. Lúc này, nội dung của việc học không còn là những thứ phù phiếm trần gian, nhưng là học biết ý Chúa. Quả đúng như thứ “đạo lý cao siêu” mà Khổng Tử nói đến để trở thành “người quân tử”! Vậy, khi đã đặt nền trên thánh ý Chúa, chí trong Tự Thuật sẽ hướng tới đâu và hướng về đâu?

3. Chí ư nhân trong Tự Thuật

Nếu như chí trong Luận ngữ hướng về đức nhân, thì chí trong Tự Thuật hướng về con người cụ thể là Đức Ki-tô. Đức Ki-tô chính là đích ngắm và là điểm tới. Hướng về Đức Ki-tô, I-nha-xi-ô một lòng muốn làm “vinh danh Chúa hơn”. Nếu như bậc chí sĩ trong Luận ngữ sẵn sàng chết vì nhân, thì người lính mới[16] của Đức Ki-tô cũng ao ước trở nên đồng hình đồng dạng với Đấng mà ngài khao khát đi theo. I-nha-xi-ô sẵn sàng xin “Mẹ thương đặt mình với Con của Ngài,”[17] sẵn lòng vác thập giá và chết vì Đức Ki-tô, trở nên giống Đức Ki-tô. Đúng là “hữu sát thân dĩ thành nhân”!    

Như thế, chí trong Luận ngữ và chí trong Tự Thuật có một lược đồ song đối hết sức thú vị. Một cách nào đó, chí vu học, chí ư đạo, chí ư nhân trong Luận ngữ có thể được xem là tương ứng với ý mình, ý Chúa, và Đức Ki-tô ở trong Tự Thuật. Điều khác biệt nằm ở chỗ, điểm tới của chí ở trong Tự Thuật là Đức Ki-tô, một ngôi vị, một con người cụ thể và là Thiên Chúa thật, là Đấng ban ân sủng để con người thay đổi ý mình hầu tìm ý Chúa. Còn điểm tới của chí ở trong Luận ngữ mới chỉ dừng lại ở cấp độ nhân đức, tức là đức nhân.

Kết luận

Khổng Tử quả là bậc thầy về giáo dục với một “công cụ” mang tên chữ “chí”. Chí vu học cụ thể hóa mọi quyết tâm, nỗ lực và sự kiên định cá nhân. Vững vàng hơn, chí vu học lại được đặt nền trên đạo, một thứ đạo lý cao siêu giúp thành quân tử. Theo hướng ấy, chí nhắm tới nhân là điều cao nhất Khổng Tử mong đợi. Đó cũng chính là trình tự xuất hiện của chí trong sách Luận ngữ. Khi nhìn ngược lại, tức là từ nhân xuống chí, người học sẽ thấy ngay được điểm khởi cần làm, ấy là lập chí. Cứ như thế, chí trong Luận ngữ sẽ dẫn người học đi tới thành công. Lý thuyết là như vậy! Thế nhưng, thực tế đôi khi có phần hơi khác, như thánh Phao-lô đề cập trong thư Roma: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.”[18] Tự sức mình, con người không đủ khả năng hiện thực hóa chí của bản thân. Vì thế, chí trong Luận ngữ sẽ trở nên “hoàn hảo” và đầy đủ hơn khi điểm tới của chí không dừng lại ở đức nhân, nhưng tiến tới Đức Ki-tô là Đấng ban cho con người ân sủng để có thể hoàn thành chữ chí.

[1] Trong bài viết này, Khổng Tử được xem như là tác giả của sách Luận Ngữ.

[2] Trong bài viết này, người viết sử dụng bản dịch của cha: Giuse Lê Quang Chủng, Quid Agendum – Tự thuật của khách hành hương Inigo (Tập Viện thánh Tâm Dòng Tên: lưu hành nội bộ, 2012).

[3] Bửu Kế, Từ Điển Hán Việt Từ Nguyên (HCM: NXB Thuận Hóa, 1999), 2398.

[4] Sào Nam Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng (Hồ Chí Minh:  NXB Văn Hóa Thông Tin, 1998), 34.

[5] Trong bài viết này, người viết sử dụng bản dịch Luận Ngữ của tác giả: Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2011). Với kí hiệu (IV, 16): “IV” có nghĩa là chương IV của sách Luận Ngữ, “16” là tiết 16 của chương.

[6] Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải ((Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2011), 11.

[7] Sào Nam Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, 40.

[8] Sào Nam Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, 35.

[9] Yu Dan, Khổng Tử Tinh hoa, Hoàng Phú Phương &  Mai Sơn trans (HCM: NXB Trẻ, 2010), 118.

[10] Sào Nam Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, 36.

[11] Yu Dan, Khổng Tử Tinh hoa, 124.

[12] Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, 278.

[13] Yu Dan, Khổng Tử Tinh hoa, 118.

[14] (TT, 1): Tự thuật số 1, được đánh số theo bản dịch của cha Giu-se Lê Quang Chủng.

[15] Thánh I-Nhã, Quid Agendum – Tự thuật của khách hành hương Inigo, Lê Quang Chủng trans (Tập Viện Thánh Tâm: Lưu hành nội bộ, 2012), 35.

[16] Tên mà thánh I-nha-xi-ô tự xưng.

[17] Thánh I-Nhã, Quid Agendum – Tự thuật của khách hành hương Inigo, 73.

[18] Rm 7,19.