Môn học: Triết học Tôn giáo
Giáo sư: Vũ Uyên Thi, S.J.
Học viên: Nguyễn Đình Minh Trị, S.J.

 

Tôn giáo là một đề tài lớn đã được nhiều triết gia tìm hiểu nghiên cứu. Có nhiều tôn giáo và có nhiều cách thức thể hiện niềm tin tôn giáo. Vấn đề đặt ra là liệu các tôn giáo có điểm gì tương đồng với nhau hay là hoàn toàn khác biệt? Dựa trên quan điểm tri thức luận, William P. Alston đã cố gắng giải đáp vấn nạn này. Vậy, William P. Alston đã giải quyết thế nào?

Ảnh từ Internet

Trên thế giới ngày nay, có biết bao cuộc xung đột tôn giáo với nhiều hình thức: từ những chia rẽ, tranh chấp với nhau đến những cuộc chiến tranh nhân danh tôn giáo. Thu nhỏ hơn nơi bối cảnh đa tôn giáo tại Á châu và cách riêng tại Việt Nam, vấn đề ấy càng nổi bật và hiện sinh hơn. Tại Việt Nam, người thờ ông bà tổ tiên, người đạo Phật, người đạo Công giáo vẫn có những xung đột. Ví dụ, nhiều người Việt Nam vẫn nghĩ rằng người Công giáo không cho thờ ông bà tổ tiên. Điều này làm tôi liên tưởng đến dụ ngôn người mù xem voi. Làm sao biết được tôn giáo nào đúng tôn giáo nào sai? Hay các tôn giáo đang cùng góp phần cho cái nhìn toàn thể của Đấng Siêu Việt?

Dựa vào chương 7 trong tác phẩm Perceiving God của William P. Alston, bài viết này sẽ cố gắng giải quyết vấn đề đa nguyên trên qua các điểm sau đây: Điểm khác nhau thật sự giữa các tôn giáo, các tôn giáo có thể hòa hợp với nhau không và nếu có, thì đâu là hướng đi của sự hòa hợp này.

Có hai điểm cần lưu ý khi xem xét triết lý của Alston về kinh nghiệm thần bí. Trước hết, tôi sẽ giải thích một một vài khái niệm cơ bản (sẽ được viết ngay sau phần này). Thứ đến, vì ông dựa vào chính kinh nghiệm thần bí riêng của mỗi người nên ông sẽ áp dụng kinh nghiệm của chính ông như là một Kitô hữu để giải quyết vấn đề đa nguyên tôn giáo.

1. Một vài khái niệm cơ bản

Doxastic practices: Hình thành niềm tin. Khái niệm được hình thành bởi Thomas Reid và Ludwig Wittgenstein như là một cách hình thành niềm tin và lượng giá chúng qua tri thức luận (bao gồm độ khả tín của giác quan, nội quan, trí nhớ,…).[1] Practices ở đây không là một hành vi cố ý nhưng là nhấn mạnh đến tiến trình phân tâm như nhận thức, tư tưởng, tưởng tượng,… [2]

Interpracticeintrapractice: bên ngoài và bên trong (dịch thoáng). Ví dụ, cả Công giáo và Hồi giáo đều khác nhau về một vài điểm. Tuy nhiên, về cơ bản họ vẫn giống nhau về tạo dựng. Họ chỉ khác nhau về bên ngoài (interpractice), không thể xem xét về độ khả tín của sự khác nhau. Nói cách khác, không thể kết luận rằng cả Công giáo và Hồi giáo là thật sự khác nhau. Còn intrapractice thì có thể xem xét sự bất tương đồng của hai đối tượng nào đó.[3]

Overrider system: hệ thống chủ đạo. Một hệ thống bao gồm gia cảnh, tương quan, giáo dục,… ảnh hưởng lên niềm tin của một người.

Sense perceptionmysterious perception: tri nhận giác quan và tri nhận thần bí. Theo Alston, vì tương tự như đối với tri nhận giác quan (sense perception) việc đón nhận một cách xác thực chỉ trong chính thực hành ấy, kinh nghiệm thần bí cũng xác thực trong chính kinh nghiệm thần bí của mình.[4]

Prima facie: nguồn cội. Nguyên nghĩa là cuộc đối mặt đầu tiên.

Việc giải thích những thuật ngữ trên đây sẽ giúp ta dễ dàng hơn khi tìm hiểu vấn đề của bài viết. Trước tiên là vấn đề về sự bất tương của các tri nhận thần bí.

2. Các tri nhận thần bí bất tương hợp với nhau như thế nào?

2.1. Vấn đề chủ-vị

Nhiều người hay nghĩ rằng các tôn giáo là trái ngược với nhau vì các thực hành niềm tin (doxastic practices) bên ngoài khác nhau. Rõ ràng không thể lập luận như vậy, vì kinh nghiệm thần bí không sản sinh ra một thực hành đơn nhất của việc hình thành niềm tin tri nhận tôn giáo (religious perceptual beliefs), ngay cả trong cùng một tôn giáo. Tương tự như câu chuyện về các thầy bói xem voi. Giả sử có một nhóm thầy bói cùng được học như nhau, có cùng quan điểm với nhau và đụng chạm đến cùng một cái chân của con voi. Có thể người này sẽ nói nó giống như một cái cột nhà, người kia sẽ nói nó giống như một cái trụ cầu và người nọ sẽ nói khác nữa. “Các thực hành niềm tin là được cá nhân hóa bởi các hệ thống chủ đạo (overrider systems) và điều này gây ra sự khác nhau đáng kể giữa các tôn giáo.”[5] Tác giả gọi đây là khác nhau bên ngoài (interpractice) hơn là khác nhau bên trong (intrapractice).[6] Tiếp tục phân tích về ví dụ thầy bói xem voi, ta có thể thấy dù các thầy bói đồng môn trên có nói chân con voi là cái cột gì đi nữa thì họ đều dựa trên “hệ thống chủ đạo” của họ là kinh nghiệm mà họ có về việc tiếp xúc cùng một cái chân con voi.

Vấn đề đặt ra là các thầy bói bất tương hợp (incompatible) với nhau ở điểm nào, ở việc họ so sánh với cái cột hay ở điểm họ có đang sờ cùng một con voi? Để đơn giản vấn đề, tác giả đưa ra hai khía cạnh về vấn đề chủ-vị trong một lời phát biểu. Ví dụ về một lời phát biểu trực tiếp về Thiên Chúa: “Thiên Chúa có lòng xót thương”. Khía cạnh thứ nhất nhắm đến vị ngữ, “lòng thương xót”. Nghĩa là, có phải mọi người đang bất đồng về thuộc tính “lòng thương xót” thật sự là như thế nào là đúng hay không? Khía cạnh thứ hai nhắm đến chủ ngữ, “Thiên Chúa”. Nghĩa là mọi người có cùng nói về một Đấng Siêu Việt hay không?

2.2. Vị ngữ

Khi xét khía cạnh thứ nhất, có thể thấy sự khác nhau về vị ngữ nằm ở ngay những tôn giáo có cùng một nguồn gốc (như Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo).[7] Rõ ràng, dù tất cả các tôn giáo ấy đều nói rằng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, nhưng mỗi tôn giáo lại có một quan điểm khác nhau về Đấng xót thương ấy. Kitô giáo xem Chúa Giêsu như là hiện thân của lòng Chúa thương xót. Do Thái thấy lòng Chúa thương xót qua các cuộc giải phóng của Chúa cho dân tộc của họ, như tại Ai Cập, Babilon,… Điều đó càng khác biệt hơn nơi các tôn giáo khác nhau, như Phật giáo và Công giáo. Phật giáo chủ trương mọi sự (mọi người) đều Chân Không[8] (người đắc đạo là vô sinh, vô dục). Công giáo chủ trương mọi người đều được sinh ra để phụng sự Chúa (người “đắc đạo” là khi mọi sự – ước muốn, hành động – đều quy hướng về Chúa). Tuy nhiên, những sai biệt ấy không thể phủ nhận kết luận: các tôn giáo ấy đều tri nhận về một Đấng Siêu Việt. Sự khác nhau ấy có thể chỉ nằm ở góc nhìn (có thể là truyền thống tôn giáo, văn hóa, địa lý) khác nhau. Chẳng khác gì các thầy bói sờ vào các vị trí khác nhau của con voi. Nói cách khác, những dị biệt của họ chỉ nằm trên câu chữ họ nói, mặc dù họ cùng diễn tả về một đối tượng. Ví dụ, Vedanta có kinh nghiệm về một thượng đế như là một sự hiệp nhất vô dị biệt toàn thể thế giới, sẽ cho rằng mình bất tương hợp với quan điểm về Thượng Đế là một ngôi vị, nếu chỉ phân tích trên câu chữ. Thánh Tôma Aquinô và các thần học gia đã cố dung hòa hai lối nhìn này. Mặt khác, cũng có thể các tôn giáo ấy đang diễn tả những đối tượng khác nhau. Ví dụ, một người A nói rằng nhà của tôi màu trắng chẳng bất tương hợp với một người B nói rằng nhà của tôi màu đỏ. Như vậy, họ chẳng có gì xung đột với nhau.[9] Như vậy, dù có diễn tả cùng một đối tượng siêu việt hay không, khi xét khía cạnh vị ngữ của câu phát biểu, các thuộc tính của chủ thể siêu việt không mâu thuẫn với nhau.

2.3. Chủ ngữ

Xét ở khía cạnh thứ hai, Alston (đứng trên quan điểm tôn giáo của mình) thử tìm cách làm sao Kitô giáo có sự đồng nhất với các tôn giáo khác. Một điểm lưu ý là ở đây Alston chỉ dựa trên bình diện tri thức luận. Khi ấy, tri nhận thần bí Kitô giáo (Christian mysterious perception – CMP) chỉ là một dạng trong điều mà tác giả gọi là “tri nhận thần bí”. Như vậy, tri nhận thần bí được áp dụng cho cả các tôn giáo vô thần[10]. Đối tượng của tri nhận ấy cũng sẽ được mở rộng: là điều mà chủ thể ý thức trực tiếp về một Sự Tối Cao.[11]

Từ đó, nhận thức về Đấng Tuyệt Đối sẽ khác trong các tôn giáo khác nhau, ngay cả trong các tôn giáo có chung nguồn gốc (Kitô giáo, Do Thái giáo). Nguyên nhân là do những truyền thống khác nhau (hệ thống chủ đạo) của các tôn giáo (dù là những tôn giáo tương tự nhau). Ví dụ, chỉ vì tôi nghĩ một người lướt qua tôi là Vĩnh Tự, tôi liên tưởng đến anh ta là người sống chung học viện với tôi và cách tôi một lầu. Chính sự liên tưởng ấy làm cho các tôn giáo không tương hợp với nhau. Bởi vì sự liên tưởng của hệ thống chủ đạo này làm niềm tin tri nhận khác biệt giữa các tôn giáo khác nhau. Một ví dụ khác, tình yêu không khác nhau nhiều giữa các tôn giáo; nhưng trong cảm nghiệm của tôi, một Kitô hữu, tình yêu ấy gắn liền với một Đức Giêsu xuống thế làm người vì tôi. Còn Phật giáo quan niệm tình yêu là việc bố thí cho người khác để giải nghiệp cho mình.

Tóm lại, khi nói về Thiên Chúa có lòng thương xót thì vị Thiên Chúa ấy không bất tương hợp với các tôn giáo khác, nhưng những gì suy ra thêm hoặc những gì từ hệ thống chủ đạo của tôi mới sinh ra những bất tương hợp.

Mặc khác, nếu chúng ta bỏ đi việc thực hành niềm tin tri nhận khỏi hệ thống chủ đạo, chúng ta sẽ bị dưới quyền của những đòi buộc phải có những bằng chứng khách quan.[12] Điều đó là bất khả vì tương tự như đối với tri nhận giác quan (sense perception) việc đón nhận một cách xác thực chỉ trong chính thực hành ấy, kinh nghiệm thần bí cũng xác thực trong chính kinh nghiệm thần bí của mình, như đã nói ở phần đầu.[13] Khi đó, niềm tin của một người được hình thành bởi dòng suối niềm tin tôn giáo mà người đó được nuôi dưỡng. Và như vậy, những thực hành của việc hình thành niềm tin ấy sẽ vẫn là chủ đề cho sự xung đột nghiêm trọng bởi lối sống của các hệ thống niềm tin liên hệ (vì không có tiêu chuẩn ngoại tại).

Tóm lại, xét về vị ngữ trong các phát biểu về Thiên Chúa, thuộc tính về Thiên Chúa chắc chắn khác nhau nơi các tôn giáo. Còn xét về chủ ngữ trong các phát biểu ấy, thì chủ thể ấy vừa giống vừa khác. Giống nhau ở chỗ, đó là cùng một Đấng (hay Sự) Tối Cao; và khác nhau ở chỗ, tùy vào bối cảnh tôn giáo của tôi mà tôi nhận thức về Đấng ấy khác với những tôn giáo khác.

Tuy nhiên, một người nào đó có thể sẽ đặt vấn đề. Những kinh nghiệm của anh không có cơ sở hay nền tảng xã hội chung thì làm sao xác minh được. Hơn nữa, nếu chỉ nhắm đến những kinh nghiệm cá nhân hay được cá nhân hóa thì những kinh nghiệm của những kẻ khủng bố hay tự sát tập thể vì tôn giáo có phải là kinh nghiệm thật không? Và có phải tôn trọng những kinh nghiệm đó không? Trước hết, nếu chỉ dựa trên chuẩn mực xã hội thì sẽ có nguy cơ làm cho vị Thiên Chúa ấy chỉ là sản phẩm của xã hội. Ngược lại, như đã nói ở trên, kinh nghiệm về Thiên Chúa chỉ được xác minh nội tại, không thể đòi hỏi một xác minh ngoại tại được. Thứ đến, về vấn đề tôn trọng các kinh nghiệm cá nhân, tác giả đã phân biệt cách tinh tế về những bất tương hợp bên ngoài (interpractice) và bên trong (intrapractice). Nói cách khác, sự bất tương hợp trong các tôn giáo phải là sự bất tương bên ngoài, không thể có sự bất tương bên trong; vì các tôn giáo đều hướng về cùng một Đấng (hay Sự) Siêu Việt. Như vậy, những hành động giết người hay tự giết người hàng loạt ấy là sự xung đột nền tảng (intrapractice) hay có thể nói mạnh là phi tôn giáo. Mặt khác, một điểm lưu ý ở đây là cần tránh cái nhìn chụp mũ. Một vài phần tử hay một nhánh nào đó của cả một tôn giáo lớn đã gây nên những sự việc xấu như vậy không có nghĩa là cả tôn giáo ấy là xấu. Từ đây, tôi sẽ tiếp tục cùng với tác giả xem xét về vấn đề chính yếu.

3. Các tôn giáo lớn có tương hợp với nhau không?

3.1. Có tương hợp không?

Như đã nói, các hệ thống niềm tin nguồn cội (prima facie) của các tôn giáo lớn trên thế giới bất tương hợp với nhau. Về mặt luận lý học điều đó là dĩ nhiên vì không thể có hai mệnh đề cùng đúng được; và về mặt thực hành tôn giáo (giáo lý và hành vi thờ phượng) cũng có nhiều điểm khác nhau.[14] Nhưng ở đây tác giả chỉ nhắm đến khía cạnh hình thành niềm tin của các tôn giáo ấy. Ví dụ, như đã nói trên, về ngôi vị của Đấng Siêu Việt, có tôn giáo chấp nhận, có tôn giáo không. Nhưng thật ra vị Thượng Đế ấy có cả hai đặc tính trên. Thật ra, có những vấn đề đồng thuận rất chung và không đặc loại; mặc dù có nhiều điều rất khác nhau trong các tôn giáo hữu thần và vô thần, như ví dụ về việc yêu tha nhân trong Công giáo, Phật giáo ở trên.[15] Sau khi đặt nền tảng cho sự tương hợp giữa các tôn giáo, tác giả áp dụng cho kinh nghiệm tôn giáo của chính mình như là một Kitô hữu.

3.2. Đứng trên lập trường Kitô giáo

Xu hướng thường thấy giữa các tôn giáo là cố gắng chứng minh mình đúng hơn và là nguồn mạch so với các tôn giáo khác. Tuy nhiên, dù đứng trên lập trường là một Kitô hữu, Alston chỉ cố chứng minh mình đáng tin hơn thay vì nói rằng mình là nguồn của niềm tin về Đấng tuyệt đối. Điều này cũng áp dụng tương tự với các tôn giáo khác. Ở đây, tác giả cố gắng đứng ở thế trung dung với hoàn cảnh giả định mà ông gọi là “kịch bản xấu nhất”. Nghĩa là, tác giả xem xét trong trường hợp không có lý lẽ độc lập quan trọng nào cho tri thức luận để xem xét tri nhận thần bí Công giáo là hơn các tôn giáo khác.[16]

Có thể nói phần 2.2 này chỉ là cụ thể hóa và làm rõ hơn phần giải thích vì sao các kinh nghiệm thần bí không bất tương hợp với nhau. Một điều đáng chú ý là chính tác giả đã dùng kinh nghiệm riêng của mình, trên tư cách là một Kitô hữu, để nhìn vấn đề. Điều này tương hợp với triết lý của ông (triết lý nhấn mạnh về kinh nghiệm thần bí chỉ chân xác trong chính kinh nghiệm ấy). Điểm chính yếu của phần này là mỗi tôn giáo đều có một lý do đủ và độc lập để xác minh sự khả tín của tôn giáo mình.

Một vấn đề đặt ra là làm sao biết được khi mình biết được tôn giáo của mình là biết được Đấng Siêu Việt. Điều đó có khác gì quan điểm của Hick về nhận thức Thiên Chúa không? Hick quan niệm rằng các tôn giáo không biết Thiên Chúa thật sự là như thế nào, họ chỉ nói về hiện tượng của Thiên Chúa thôi. Với vấn đề đầu tiên, có lẽ có nhiều lý lẽ để khẳng định mình có thể động chạm ít nhiều về Thiên Chúa, dù cũng biết rằng mình bất khả nắm bắt trọn vẹn. Mỗi một tôn giáo sẽ có những lý lẽ khác nhau. Một trong những lý lẽ đó là Thiên Chúa muốn mọi người đều nhận biết chính Ngài. Nhưng trên hết đó là kinh nghiệm về việc gặp gỡ trực tiếp, như Alston đã đề cập. Thứ hai, sự khác nhau cơ bản giữa cái nhìn của Alston và Hick là sự cách biệt. Nơi triết lý của Alston không có sự cách biệt giữa Đấng Siêu Việt và con người. Còn triết lý của Hick (ông theo Kant) thì có sự cách biệt giữa Đấng Siêu Việt và con người. Tóm lại, triết lý của Alston gần gũi hơn triết lý của Hick trong kinh nghiệm con người có thể nhận biết trực tiếp được Thiên Chúa mặc dù không thể nắm bắt trọn vẹn về Ngài. Đến đây, tác giả kết luận bằng cách đưa ra những hệ quả của sự tương hợp ấy.

4. Hệ quả nhận thức chân xác của đa nguyên tôn giáo

Như Alston đã nói, sự đa dạng của các bất tương hợp bên ngoài (interpractice) không phá hủy sự khả tín của các tôn giáo, dù sự đa dạng ấy ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, việc không phá hủy thì không đồng nghĩa với việc không giảm độ khả tín của một tôn giáo nào đó, cách riêng là Kitô giáo. Rõ ràng, nếu không có sự đa dạng tôn giáo, Kitô giáo sẽ được xem trọng hơn. Nếu nhìn theo hướng này và đi xa hơn một chút khi cho rằng các cơ sở duy nhất để đánh giá mức độ khả tín do các thiết lập của xã hội, thì sẽ có nguy cơ giảm tri thức luận xuống mức độ nguy hiểm. Điều này làm xua tan đi bất cứ nỗ lực minh xác các thực hành này (vì chỉ còn là những sản phẩm của xã hội). Điều này cũng đi ngược với các hình thức tự minh chứng mình (self-support) của các tôn giáo, ví dụ hình thức tự minh chứng mình của Kitô giáo là bác ái, hoan lạc, bình an,…[17] Như vậy, yếu tố xã hội không phải là toàn bộ vấn đề. Bởi vì khi dựa vào điều kiện ấy thì thật khó để cho rằng tri nhận thần bí Kitô giáo là một việc đón nhận chân thật Đấng Tối Cao.

Nhìn ở khía cạnh Kitô giáo với đa nguyên (tất nhiên trong phần này Alston chỉ xét trên bình diện tri thức luận), dưới bình diện tri thức luận, sự đa nguyên giúp cho các tôn giáo tìm được điểm chung với các tôn giáo khác trong các tri nhận thần bí của mình. Bởi vì họ cùng điểm quy chiếu là tri thức luận. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của bức tranh. Niềm tin tôn giáo hay tri nhận về Thượng Đế còn phải dựa trên nhiều yếu tố khác như thần học, mặc khải,… Trong đó niềm tin là một yếu tố chính yếu. Niềm tin đó cũng đồng nghĩa với việc mỗi người không thể chắc chắn minh xác niềm tin của mình bằng những chứng cứ khách quan. Đồng thời, niềm tin ấy cũng dẫn đến việc mỗi người luôn lặp lại sự ngạc nhiên trước sự đa nguyên tôn giáo. Nghĩa là, luôn phải đặt lại vấn đề niềm tin của họ khi gặp gỡ các tôn giáo khác.[18]

Điều này không có nghĩa rằng sự đa nguyên tôn giáo đẩy Kitô giáo và cả các tôn giáo khác đóng kín trong chính mình. Ngược lại, người Kitô hữu phải cố gắng, ít nhất trên bình diện tri thức luận, tìm những nền tảng chung có thể hòa hợp những khác biệt quan trọng trong các tôn giáo trên thế giới.[19]

Ở điểm này, Hick phê phán Alston rằng ông đã không chú ý trong việc phê bình đủ lập luận của mình. Không đủ ở chỗ, nếu niềm tin Kitô giáo xác nhận tôi là đúng nhất thì giải thích làm sao vấn đề nhiều người phương Tây ngày nay[20] thay đổi sang đạo Phật vì họ muốn tìm một sự nội tâm đích thực. Alston trả lời rằng, những niềm tin đúng nhất của tôi chủ yếu do tôi phải bám chặt với những kinh nghiệm nội tại của mình; bởi vì, như đã nói, không có các lý do ngoại tại để chứng minh những thực hành kia là đúng hơn đối với tôi.[21] Ví dụ, ông thầy bói mù xem chân con voi thì không có lý do ngoại tại nào chứng minh con voi là cái quạt thì đúng hơn con voi mà ông thầy bói mù khác kinh nghiệm. Tất nhiên, ông cũng đánh giá cao những kinh nghiệm khác, những kinh nghiệm giúp cho con người có thể gặp gỡ được Đấng Tối Cao. Thêm nữa, người viết thấy rằng khi tiếp xúc với nhiều kinh nghiệm khác, như ví dụ trên, người phương Tây gặp gỡ nơi Phật giáo sự tự do nội tâm, họ sẽ kinh nghiệm được thực hành niềm tin đúng nhất cho họ.

Tóm lại, với cái nhìn dựa trên kinh nghiệm niềm tin của con người, Alston đã khai triển về đa nguyên tôn giáo. Ông cố gắng thực hiện ước mơ của mình là giảm bớt những bất tương hợp giữa các tôn giáo. Ông thực hiện bằng cách phân biệt bất tương hợp trong các tôn giáo lớn thật ra chỉ nằm bên ngoài. Đúng hơn, các tôn giáo đều có cùng một kinh nghiệm về một Thiên Chúa. Từ đây, ông khai triển trên kinh nghiệm của chính mình như là một người Kitô hữu về việc hòa hợp với các tôn giáo khác. Ông đã rất tinh tế khi giới hạn vấn đề trên bình diện tri thức luận. Điều đó vừa đi đến một cái nhìn tôn trọng các tôn giáo khác, vừa thách đố người Kitô hữu về niềm tin về Đấng duy nhất của mình. Tuy nhiên, điều này chỉ là một phần của niềm tin tôn giáo. Tổng thể của vấn đề niềm tin tôn giáo sẽ được ông trình bày rõ hơn ở phần sau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Alston, William P. Perceiving God. New York: Cornell University, 1991.

Hick, J. Dialogues in the Philosophy of Religion. London: Macmillan, 2010.

[1] William P. Alston, Perceiving God (New York: Cornell University, 1991), 6.

[2] Alston, 153.

[3] Alston 171-3, 234.

[4] Alston, 268.

[5] Alston, Chương 5.

[6] Xin xem giải thích các thuật ngữ ở phần 1.

[7] Alston, 256.

[8] Ở đây tác giả không đi sâu về định nghĩa tính không trong Phật giáo nghĩa là gì.

[9] Alston, 257.

[10] Ở đây, một lần nữa, người viết không đi sâu về định nghĩa thế nào là tôn giáo, cách riêng một giáo phái chủ trương vô thần có phải là tôn giáo không?

[11] Alston, 258.

[12] Alston, Chương 5, phần iii, 209-10. Người viết xin không giải thích sâu về nhận định của Martin vì nó nằm ngoài giới hạn của bài viết.

[13] Alston, 268.

[14] Alston, 262-263.

[15] Alston, 263.

[16] Alston, 270.

[17] Alston, Chương 5, phần vi.

[18] Alston, 276-7.

[19] Alston, 278.

[20] Ý của Hick là người Công giáo phương Tây.

[21] J. Hick, Dialogues in the Philosophy of Religion (London: Macmillan, 2010), 50-1.