Hạnh các thánh kể lại rằng, trong những ngày cuối đời, thánh Au-gus-ti-nô xin người ta trải lên giường ngài những giấy da, và viết trên đó những Thánh Vịnh thống hối; cho tới khi tắt thở, ngài đọc đi đọc lại những lời Thánh Vịnh. Vậy Thánh Vịnh là gì mà biết bao thánh nhân ngày xưa và cả giáo hội ngày nay vẫn luôn yêu mến và không ngừng dùng làm lời kinh nguyện của mình?

Trước hết, tên gọi của Thánh Vịnh cho thấy Thánh Vịnh, tự bản chất là  những lời chúc tụng, ngợi khen dâng lên Thiên Chúa. Trong phụng vụ cổ xưa cũng như ngày nay, các Thánh Vịnh thường được hát, hay ngâm nga cách có vần có điệu, có bổng có trầm.

Về tác giả, các Thánh Vịnh thường được qui về cho vua Đa-vít vì ông có tài chơi nhạc khí, có khiếu ca ngâm hát xướng, và yêu mến việc phụng tự. Ngoài ra, còn có những tác giả khác là các ca viên trong Đền Thờ, các tư tế, hay những nhà hiền triết. Như vậy, bộ thánh vịnh là công trình soạn thảo của nhiều người, qua nhiều giai đoạn. Đây là kết tinh của biết bao kinh nguyện, suy tư, tâm tình khởi đi từ các biến cố lịch sử và kinh nghiệm sống của các cá nhân cũng như tập thể, trong thời gian gần một thiên niên kỷ (khoảng thế kỷ thứ X tCN  đến thế kỷ thứ II tCN).

Sách Thánh Vịnh là tổng hợp của 150 lời cầu nguyện. Đó là những bài thơ thánh thiêng được chính Thiên Chúa linh hứng. Theo kiểu mẫu của Ngũ Thư, sách Thánh Vịnh được chia làm 5 tập với điểm mốc là một vinh tụng ca ở cuối mỗi tập. Thật vậy, lời vinh tụng ca “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en, từ muôn thuở cho đến muôn đời. A-men. A-men”  được tìm thấy trong Thánh Vịnh 41; 72; 89; 106. Thánh Vịnh 150 được xem là vinh tụng ca của toàn quyển Thánh Vịnh.

Trải qua nhiều giai đoạn, Phụng vụ Ki-tô giáo vẫn dùng rất nhiều Thánh vịnh. Có thể nói, Thánh Vịnh là sách Kinh Thánh được dùng nhiều nhất trong phụng vụ của Giáo hội, đặc biệt trong Thánh Lễ và các Giờ kinh Phụng vụ. Tại sao các Thánh Vịnh không phát sinh trong thời Tân Ước nhưng lại được Giáo Hội tiếp nhận và sử dụng cách rộng rãi như thế? Trước hết là vì, “Kinh Thánh là lời Thiên Chúa nói với loài người, còn thánh vịnh là lời con người đáp lại lời Thiên Chúa. Nhưng lời đáp lại ấy không phải do con người tự nghĩ ra, mà là do chính Thiên Chúa linh hứng, soi sáng cho con người nói lên” (Hoàng Đắc Ánh – Trần Phúc Nhân). Kế đến, Thánh Vịnh không chỉ phản ánh tâm nguyện của các tín hữu Do Thái giáo hay Kitô giáo, nhưng còn là tấm gương phản chiếu tâm tình của cả nhân loại. Thật vậy, Thánh Vịnh là bài ca đích thực về nhân loại tính của con người với tất cả các chiều kích tâm sinh lý, không loại trừ bất cứ điều gì: nước mắt, tiếng rên rỉ, lời thầm thì, tiếng thét gào, tiếng cười giòn giã, nỗi kinh ngạc, lòng tín nhiệm, tình yêu, niềm vui, cơn giận, nỗi buồn, sự bất hạnh, nỗi lo sợ, nỗi thất vọng lận niềm hy vọng.

Khi cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, ta sống sự hiệp thông với Đức Ki-tô vì ta cầu nguyện bằng những lời kinh nói về Ngài và lời kinh của chính Ngài. Kế đến, ta được hiệp thông với tất cả anh chị em sống trước và sống sau chúng ta trong cùng những tâm tình và cảnh huống của đời người. Không ai ‘đơn độc’ khi cầu nguyện bằng Thánh Vịnh! Hơn nữa, theo các múi giờ trên trái đất, cũng như xảy ra với việc cử hành thánh lễ, ta được sống trong sự liên kết và nối kết với những anh chị em cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Tất cả cùng nhau kết nên một lời ngợi khen liên lỉ dâng lên Thiên Chúa.

Nghĩ về Thánh Vịnh, thánh Am-brô-si-ô đã thốt lên: “Có gì đẹp hơn là Thánh Vịnh?… Thánh Vịnh vừa là lời cầu chúc cho dân, vừa là lời ngợi ca của toàn dân dâng lên Chúa; Thánh Vịnh là thi ca của đại chúng, là sự tán dương đồng loạt của vũ trụ, là tiếng nói của Giáo Hội; Thánh Vịnh mang chở tiếng thánh thót của đức tin, lòng tôn kính vương quyền, niềm vui giải phóng, tiếng thét của vui sướng; điệu nhảy của hân hoan. Thánh Vịnh làm dịu khổ đau, đẩy lùi khắc khoải, xua tan tiếng khóc. Thánh Vịnh là vũ khí trong đêm đen, giáo huấn của ngày dài, là khiên che trong sợ hãi, là lễ hội của sự linh thánh, là hình ảnh của sự tĩnh lặng, là bảo chứng của bình an và hiệp nhất. Thánh Vịnh tựa như một chiếc đàn nhiều dây với nhiều cung bậc khác nhau nhưng lại tấu vang một khúc ca duy nhất. Bình minh gảy khúc vịnh ca, hoàng hôn đáp lại cũng là vịnh ca”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *