HỌC VIỆN THÁNH GIUSE – DÒNG TÊN VIỆT NAM

Quan Điểm Của Hannah Arendt Về Giáo Dục Trong Tác Phẩm Crisis In Education

Luận văn tốt nghiệp
chương trình Dự Bị và Triết Học
tại Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

Học viên thực hiện
Nguyễn Văn Đức, S.J.

Giáo sư hướng dẫn
Bùi Quang Minh, S.J.

Tháng 5 năm 2017

Nhìn vào một đất nước phát triển phồn thịnh như Hoa Kỳ, hẳn là không nhiều người cho rằng nước này đã từng trải qua một cuộc khủng hoảng lớn trong lĩnh vực giáo dục. Hannah Arendt (1906 – 1975) tuy không phải là một triết gia giáo dục nhưng bà đã dành một chương trong tác phẩm Between Past and Future để nói về Cuộc Khủng Hoảng Trong Giáo Dục (The Crisis in Education). Dựa trên lối tiếp cận hiện sinh về con người và trực giác sắc bén trong lĩnh vực chính trị, Hannah Arendt đã cố gắng làm sáng tỏ mối quan hệ giữa giáo dục và chính trị. Bài viết này là một nỗ lực nhỏ nhoi của người viết, trình bày những suy tư độc đáo của Hannah Arendt về giáo dục liên quan đến những vấn đề của thẩm quyền và chính trị vốn là những yếu tố đã có những tác động đến cuộc khủng hoảng trong giáo dục. Trước hết, bài viết sẽ trình bày sơ lược về cuộc khủng hoảng trong giáo dục ở Mỹ. Tiếp đến sẽ là những suy tư về giáo dục liên quan đến “sự sinh hạ” và chính trị. Cuối cùng là những nhận định cá nhân về triết lý giáo dục của Hannah Arendt.

Dẫn Nhập

Nhìn vào một đất nước phát triển phồn thịnh như Hoa Kỳ, hẳn là không nhiều người cho rằng nước này đã từng trải qua một cuộc khủng hoảng lớn trong lĩnh vực giáo dục. Cuộc khủng hoảng này đã tác động đến toàn bộ đời sống đất nước và gây ra một cuộc tranh cãi giữa các nhà tư tưởng giáo dục. Hannah Arendt (1906 – 1975) tuy không phải là một triết gia giáo dục nhưng bà đã dành một chương trong tác phẩm Between Past and Future để nói về Cuộc Khủng Hoảng Trong Giáo Dục (The Crisis in Education).

Trong suy tư của mình, Arendt cho rằng giáo dục đã bị biến thành một công cụ của chính trị và cuộc khủng hoảng chính trị thời hiện đại cũng đã kéo theo cuộc khủng hoảng trong giáo dục. Trong tác phẩm này, bà không đề nghị bất kỳ một giải pháp cụ thể nào giúp giáo dục thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Nhưng thay vào đó, bà đã mời gọi tất cả mọi người có một cái nhìn đúng đắn hơn liên quan đến bản chất của giáo dục. Bà cho rằng: “Giáo dục là nơi mà ở đó chúng ta quyết định liệu chúng ta có yêu mến thế giới đủ để đảm nhận những trách nhiệm vì thế giới và nhờ đó cứu nó khỏi sự phá hủy.”[1] Đây không phải là một phát biểu hàm hồ đầy cảm tính, nhưng là một khẳng quyết bắt nguồn từ những nền tảng triết học khá vững chắc mà Hannha Arendt đã kế thừa từ Augustine. Dựa trên lối tiếp cận hiện sinh về con người và trực giác sắc bén trong lĩnh vực chính trị, Hannah Arendt đã cố gắng làm sáng tỏ mối quan hệ giữa giáo dục và chính trị.

Bài viết này là một nỗ lực nhỏ nhoi của người viết, trình bày những suy tư độc đáo của Hannah Arendt về giáo dục liên quan đến những vấn đề của thẩm quyền và chính trị vốn là những yếu tố đã có những tác động đến cuộc khủng hoảng trong giáo dục. Trước hết, bài viết sẽ trình bày sơ lược về cuộc khủng hoảng trong giáo dục ở Mỹ. Tiếp đến sẽ là những suy tư về giáo dục liên quan đến “sự sinh hạ” và chính trị. Cuối cùng là những nhận định cá nhân về triết lý giáo dục của Hannah Arendt.

Cuộc Khủng Hoảng Trong Giáo Dục ở Mỹ

Khi một phương diện nào đó của đời sống con người bị xuống cấp và rơi vào khủng hoảng liền có ngay những người dấn thân vào nỗ lực cải cách để cứu vớt tình hình. Những nỗ lực canh tân có thể sẽ đi theo hai hướng: một là phá đổ những gì đã có và xây lại điều gì đó hoàn toàn mới, hai là gia cố lại nền móng cũ vốn đang bị lung lay bởi những tác động từ những thay đổi của hoàn cảnh lịch sử. Trong tác phẩm của mình, Hannah Arendt đã nói đến một cuộc khủng hoảng nói chung đang bao trùm mọi nơi trong thế giới hiện đại và liên quan hầu hết tới mọi lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có giáo dục, trong đó Mỹ là nơi tình trạng khủng hoảng này được biểu hiện rõ ràng nhất.[2] Để hiểu những nguyên do của cuộc khủng hoảng này, chúng ta cần trở lại với bối cảnh của nước Mỹ được Hannah đề cập trong tác phẩm của mình.

Hoàn cảnh lịch sử

Mỹ lâu nay vẫn luôn được xem là một vùng đất hứa của dân nhập cư. Điều đó buộc đất nước này phải có một chính thể đặc biệt để có thể duy trì sự hài hòa giữa những con người thuộc nhiều chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Trong đó, Mỹ đã ưu tiên chọn phát triển lĩnh vực giáo dục như là chìa khóa cho sự hòa bình và thịnh vượng. Thông quan việc được dạy dỗ ở trường học, mọi đứa trẻ nhập cư được “Mỹ hóa” và trở thành công dân của nước Mỹ.[3] Các gia đình nhập cư cũng coi giáo dục như một nấc thang quan trọng để đạt tới Giấc mơ Mỹ (America Dream). Đối với Arendt, điều này đã biến giáo dục ở Mỹ rơi vào một sự ảo tưởng khi quốc gia này tự coi mình là một miền đất hứa cho nhân loại. Điều đó được thể hiện qua “khẩu hiểu được in trên mỗi tờ mỹ kim: Novus Ordo Seclorum, nghĩa là một trật tự mới của Thế Giới.”[4] Khác với luồng suy nghĩ thời đó, Arendt lại cho rằng chính những người nhập cư – những người vừa đến – mới là những người bảo đảm cho đất nước này có trật tự Thế Giới mới. Quả thế, những người rời bỏ quê hương để tìm đến với Mỹ là những người đang đi tìm kiếm một nơi có tự do và an toàn, một nơi loại trừ sự nghèo đói và áp bức của thế giới cũ. Arendt chỉ ra rằng, đằng sau sự hứa hẹn về một thế giới mới chính là việc mong ước thiết lập nhà nước không tưởng (utopia) có thể “xóa bỏ sự nghèo đói và nô lệ, thì chào đón tất cả người nghèo và nô lệ ở khắp nơi.”[5] Tư tưởng này có nguồn gốc từ chủ nghĩa tiến bộ và ngày càng nhận được sự ủng hộ của nhiều người thuộc tầng lớp nghèo khổ.

Vào những năm 90 của thế kỷ 19, những phong trào của chủ nghĩa tiến bộ vốn hoạt động trong lĩnh vực chính trị cũng đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực giáo dục. Chủ nghĩa tiến bộ tập trung vào cải cách giáo dục vì cho rằng giáo dục là chìa khoá cho những hành động và thay đổi xã hội.[6] Các nhà giáo dục tiến bộ tin rằng cuộc cải cách toàn bộ hệ thống giáo dục sẽ là một cuộc cách mạng ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội. Cuộc cách mạng trở nên lý tưởng vì nó không gây đổ máu như các cuộc chiến tranh đã từng xảy ra để thay đổi thể chế chính trị. Đồng thời, đây cũng là một niềm hy vọng về một nhà nước lý tưởng được xây dựng trong hòa bình. Một trong những nhà giáo dục tiến bộ là John Dewey (1859-1952) đã cho rằng giáo dục phải là nơi giúp phát triển những thực hành dân chủ.[7] Dĩ nhiên, lúc này những lớp học không còn là những lớp học truyền thống, nhưng trở thành những lớp học có tính xã hội, dân chủ.[8]

Nói tóm lại, bối cảnh giáo dục của nước Mỹ đã trải qua những tác động của hoàn cảnh lịch sử. Đặc biệt, nền giáo dục thời đó đã chịu sự chi phối bởi chủ nghĩa tiến bộ để phục vụ cho những mục tiêu chính trị. Theo Arendt, chủ nghĩa tiến bộ này đã gây nên tình trạng khủng hoảng trong giáo dục.

Biểu hiện của cuộc khủng hoảng trong giáo dục

Thật khó để có thể mô tả hết những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng giáo dục ở nước Mỹ bởi vì nó đã lan rộng và ăn sâu vào mọi chi tiết của đời sống giáo dục. Tuy nhiên, Hannah Arendt cũng đã giúp độc giả hiểu được cuộc khủng hoảng này ngang qua những biểu hiện đặc trưng của nó. Những biểu hiện này đã cho thấy sự bất cập trong toàn bộ hệ thống giáo dục bao gồm cả lý thuyết và phương pháp sư phạm. Chúng cũng nói lên những sai lầm của triết lý giáo dục vốn đề cao chủ nghĩa thực dụng và những cải cách của chủ nghĩa tiến bộ. Hệ quả của cuộc khủng hoảng để lại thật sự nghiêm trọng và lâu dài cho toàn bộ nền giáo dục mà những học sinh – sinh viên sẽ là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Một thí dụ điển hình mà Arendt có nhắc đến trong tiểu luận của mình là vấn đề “tại sao Johnny không thể đọc.”[9] Đây là tựa đề của tác phẩm của một nhà giáo dục Mỹ, Rudolf Flesch (1911-1986) công khai chống lại các phương pháp và lý thuyết dạy học của giáo dục tiến bộ. Theo ông, sai lầm của các nhà giáo dục tiến bộ là loại bỏ hoàn toàn những phương pháp giáo dục truyền thống và làm cho học sinh gặp rất nhiều khó khăn trong phương pháp mới.[10] Đằng sau hiện tượng này, Arendt cho rằng chỉ có ở Mỹ “những lý thuyết hiện đại nhất trong lĩnh vực sư phạm đã được chấp nhận một cách mù quáng và thiếu sự phê bình.”[11] Theo Arendt, đây chính là biểu hiện rõ ràng nhất của cuộc khủng hoảng, khi mà những người có trách nhiệm đã gạt bỏ qua một bên những gì được gọi là nhận thức chung (common sense).[12]

Nhận thức chung vốn khởi phát từ năm giác quan của mỗi người để nhận thức về thế giới và để chúng lần lượt góp phần xây dựng nên những giá trị truyền thống chung cho toàn nhân loại. Nói cách khác, cuộc khủng hoảng chính là sự đứt đoạn giữa thế giới cũ và thế giới mới, là sự chối bỏ những tư tưởng của một bộ phận những người đã và đang sống trong thế giới. Theo ngôn ngữ chính trị của Arendt, đó cũng chính là biểu hiện của chủ nghĩa toàn trị hiện đại.[13] Những biểu hiện này cho thấy, cuộc khủng hoảng trong giáo dục liên hệ rất khăng khít với cuộc khủng hoảng chính trị mà Hannah Arendt đã đề cập ở một vài nơi khác nhau trong các tác phẩm của bà.

Điều tạo nên cuộc khủng hoảng quá sâu sắc trong nền giáo dục ở Mỹ chính là quan niệm chính trị của quốc gia, đấu tranh để bình đẳng hóa hay xóa bỏ sự khác biệt giữa trẻ và già, giữa tài năng và không tài năng, rốt cuộc cũng là giữa trẻ em và người lớn, cụ thể giữa học sinh và thầy cô càng tận căn càng tốt.[14]

Nói tóm lại, những hệ quả của cuộc khủng hoảng trong giáo dục cũng chỉ là những biểu hiện bên ngoài mà tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, các nhà giáo dục sẽ không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng nếu không tìm thấy được nguyên nhân đích thực của nó. Vì thế, Arendt đã cố gắng làm việc này.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng

Arendt đã chỉ ra một cách tiên thiên khi cho rằng nguyên nhân của cuộc khủng hoảng trong giáo dục là do sai lầm của các triết gia muốn chính trị hóa lĩnh vực giáo dục. Từ thời Hy-Lạp cổ đại, Plato đã đặt giáo dục trong mối tương quan không thể tách rời với chính trị. Những trẻ em được sinh ra đến một độ tuổi thích hợp sẽ được đem đi khỏi gia đình để đến một nơi có thể dạy dỗ nó trở thành những người phục vụ cho thành bang.[15] Tuy nhiên, đây chỉ là một nền giáo dục cho một thế chế chính trị lý tưởng thời xưa. Đến cuối thế kỷ 18, J.J. Rousseau (1712-1718) đã hiện thực hóa mục đích chính trị vào trong lĩnh vực giáo dục. Ông đã biến “giáo dục trở thành một khí cụ của chính trị, và hoạt động chính trị tự nó được nhận thức như là một hình thức của giáo dục.”[16] Từ quan niệm này, Arendt đã truy nguyên ba giả định mà nền giáo dục tiến bộ đã đưa ra, đồng thời chỉ ra những sai lầm trong những giả định này.

Giả thuyết cơ bản thứ nhất là tồn tại một thế giới trẻ thơ và một xã hội có tính tự trị và tự quản của những đứa trẻ. Hầu như người lớn không tiếp xúc với trẻ em và họ không có trách nhiệm gì với chúng. Họ chỉ đứng đó để giúp đỡ và tư vấn cho những đứa trẻ những gì nên làm và những gì không nên làm. Arendt cho rằng chính giả thiết này phá vỡ tương quan giữa người lớn và trẻ em. Nó không giúp ta hiểu được rằng con người ở mọi độ tuổi đang cùng chung sống với nhau. Hơn nữa, nếu giáo dục thực hiện theo giả thuyết này nhằm tạo ra một môi trường dân chủ giữa các trẻ thì lại gặp phải một trở ngại là trẻ em chưa thể nhận thức được như thế nào là dân chủ, thế nào là quyền bình đẳng, thế nào là sự tự do phát biểu ý kiến. Arendt cho rằng, khi một đứa trẻ đứng trước một nhóm trẻ đông hơn, nó sẽ không bao giờ chống lại quyền lực của số đông. Vì thế, Arendt kết luận rằng giả thiết này có thể giúp trẻ em thoát khỏi thẩm quyền của người lớn nhưng vẫn không được tự do hoàn toàn vì một đứa trẻ có thể vẫn bị đặt dưới sự áp đặt của số đông như là một thẩm quyền chuyên chế.

Giả thuyết cơ bản thứ hai, từ ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dụng và tâm lý học hiện đại, khoa sư phạm trở thành một khoa học giảng dạy giải phóng hoàn toàn khỏi những chất liệu hiện tại. Nghĩa là một giáo viên có thể dạy bất cứ điều gì mà không cần tinh thông bất kỳ chuyên môn nào. Điều này dẫn đến hệ quả, giáo viên giỏi không được đào tạo và sinh viên không được hưởng lợi từ thẩm quyền của giáo viên về một nguồn tri thức hợp pháp nhất. Mất đi nguồn tri thức hợp pháp này thì sinh viên cũng không thể tin tưởng vào những gì mình được truyền thụ. Đây sẽ là một sai lầm nghiêm trọng trong quan niệm dạy học.

Giả thuyết cơ bản thứ ba được đặt trong bối cảnh thế giới hiện đại, một xu hướng chạy theo chính chủ nghĩa thực dụng để đáp ứng những nhu cầu của xã hội. Việc chạy theo những nhu cầu của xã hội khiến cho những lý thuyết và phương pháp giáo dục càng ngày càng trở nên phức tạp và ở trong vòng luẩn quẩn. Đối với chủ nghĩa thực dụng, quan niệm về việc dạy học không còn là việc truyền tải kiến thức thuần tuý nữa, nhưng là một việc làm. Một người học được điều gì đó thông qua việc anh ta đã làm được, để chứng minh làm thế nào kiến thức được tạo nên, và kiến thức đó không phải là “kiến thức chết”. Hay nói cách khác, việc dạy học bây giờ không phải là việc dạy tri thức nữa nhưng là một xu thế rèn luyện kỹ năng. Hệ quả là của việc thay đổi này khiến cho cơ chế của việc học trở thành cơ chế của nghề nghiệp và công việc. Điều này cũng dẫn đến hệ lụy là việc vui chơi của trẻ cũng bị thay thế bằng công việc. Đây là một phương pháp giáo dục luẩn quẩn, bởi vì chính quan điểm của nền giáo dục tiến bộ cho rằng trẻ em học hỏi qua sự vui chơi tự nhiên: học mà chơi, chơi mà học. Thế nhưng, chủ nghĩa thực dụng lại thu hẹp thời gian chơi, ép giờ chơi của các em thành giờ làm việc. Như thế, theo Arendt, chính giả thuyết này tỏ rõ sự thất bại của giả thuyết thứ nhất khi giả thuyết này cho rằng tồn tại một thế giới tự trị của trẻ thơ.

Nói tóm lại, Arendt đã chứng minh rằng cả ba giả thuyết cơ bản của giáo dục tiến bộ đều mâu thuẫn và sai lầm. Những giả thuyết sai lầm này cho thấy các nhà giáo dục cần phải đặt lại vấn đề tương quan giữa giáo dục và chính trị. Liệu rằng giáo dục có thể được coi như là công cụ của chính trị hay không? Để trả lời được câu hỏi này, Arendt buộc phải suy tư về bản chất và vai trò đích thực của giáo dục.

Giáo dục và sự sinh hạ

Đứng trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, Arendt đã không nhìn nó như là một sự thất bại đầy bi quan. Trái lại, bà coi đây là cơ hội để suy tư giúp vén lên bức màn che khuất những vấn đề ở phía sau. Trong những nỗ lực đó, Arendt đã cố gắng khám phá ra bản chất cũng như vai trò đích thực của giáo dục.

Bản chất của giáo dục

Ngay từ đầu tác phẩm, Arendt đã khẳng định “…bản chất của giáo dục là sự sinh hạ (natality) con người đi vào trong thế giới.[17] Đây là một tuyên bố rất ngắn gọn nhưng nó cho thấy quan điểm về giáo dục của Arendt khởi đi từ cái nhìn nền tảng về con người. Thật lý thú khi bà đã gắn triết lý giáo dục của mình với một biến cố về sự sinh hạ. Dĩ nhiên, các triết gia không thể xây dựng triết lý giáo dục mà không dựa cái nhìn nào đó về con người nhưng đây là lần đầu tiên biến cố sinh nở lại được xét trong tương quan với giáo dục. Nhiều người cảm thấy mối liên hệ giữa giáo dục và sự sinh hạ là một mối liên hệ rời rạc, tuy nhiên, với Arendt nó lại là bản chất của giáo dục.

Sự sinh hạ xét như là một biến cố đặc biệt của con người lần đầu tiên xuất hiện trong thế giới, liệu có liên hệ gì đến bản chất giáo dục hay không?

Sự sinh hạ

Phạm trù về sự sinh hạ không được Arendt khai triển nhiều với góc độ của hữu thể luận, nhưng được bà xếp vào một trong những điều kiện của con người. Trong tác phẩm Điều Kiện Con Người, Arendt viết: “… điều kiện cho sự hiện hữu của con người là – sự sống, sự sinh hạ (natality) và cái chết, thế giới (the world), tính đa nguyên và trái đất…[18] Arendt quả thật nhìn sự hiện hữu của con người bằng cái nhìn của hiện tượng học hiện sinh, chứ không phải bằng một cái nhìn của một triết gia siêu hình học.[19] Chính vì vậy, bà đặt con người vào trong không gian và thời gian cũng như sự biến dịch của lịch sử tính luôn luôn diễn ra trong thế giới của con người.

Arendt là học trò của Heidegger, nên những lối suy tư của bà cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng từ thầy mình, đặc biệt khi Arendt bàn về sự sinh hạ trong tác phẩm Điều Kiện Con Người cũng như trong tiểu luận Cuộc khủng hoảng trong Giáo dục. Khi bàn về hữu thể và thời gian, Heidegger đã cho rằng cái chết là ranh giới giúp xác định tình trạng hiện hữu của hữu thể. Ông xác định sự hiện hữu của hữu thể bằng một khái niệm “một hiện hữu hướng về cái chết (Sein zum Tode).” Dĩ nhiên, đây không phải lần đầu tiên triết học gắn sự hiện hữu của con người với cái chết. Từ thời xa xưa, Socrate, Plato và truyền thống triết học Tây Phương đã bận tâm nhiều đến hữu thể vượt qua ranh giới của đời sống con người. Điểm đặc biệt đối với Heidegger so với các triết gia thời trước chính là chiều kích hiện sinh và hiện tượng luận được làm nổi bật trong khái niệm của ông về con người, một hữu thể sinh ra được xem như một Dazein bị quăng ném (Geworfenheit) vào trong thế giới. Trái ngược với Heidegger, Arendt khẳng định khởi điểm sự hiện hữu của con người cần được xác định lại bằng sự sinh hạ (natality): con người sinh vào trong thế giới. Quan điểm này dường như cho thấy cái nhìn về con người của Arendt tích cực hơn so với Heidegger. Theo Bowen-Moore, điểm tích cực này đã được Arendt diễn giải trong tác phẩm “The Origins of Totalitarianism” mà bà cho rằng mỗi cuộc sinh nở loan báo hiện tượng huyền nhiệm về sự sinh hạ của con người và năng lực cho sự khởi đầu (tự khởi) của nó. Arendt đã viết: “…sự khởi đầu trước khi trở thành một sự kiện lịch sử, chính là năng lực tối thượng của con người; nói một cách chính trị, nó đồng nhất với sự tự do của con người.[20]

Tuy nhiên, không phải Heidegger, nhưng là Augustine – một triết gia thời trung cổ – mới là người đã truyền cảm hứng cho bà suy tư về sự sinh hạ. Arendt đã chịu ảnh hưởng nhiều từ “triết học về sự sinh hạ” của Augustine, khi bà viết bài luận án tiến sĩ của mình với đề tài “Khái niệm về tình yêu của thánh Augustine.[21] Khái niệm về sự sinh hạ được Arendt nhấn mạnh với hai tính chất “nguồn gốc” và “sự khởi đầu” của con người. “Thực tế quyết định xác định con người như là hữu thể có ý thức và trí nhớ là sự sinh nở (birth) hay ‘sự sinh hạ’ (natality), đó là, thực tế mà chúng ta đã đi vào thế giới ngang qua sự sinh nở (birth).”[22]

Nói tóm lại, Arendt xác định sự hiện hữu của con người ở trong thế giới chính là khoảng thời gian giữa sự sinh ra và chết đi (birth and death).[23] Tuy nhiên, sự sinh hạ mới thực sự là điều quan trọng nhất để nói đến sự hiện hữu của con người trong thế giới.

Con người đi vào trong thế giới

Ngay từ đầu bài tiểu luận “Khủng hoảng trong Giáo dục,” Hannah Arendt nói rõ khái niệm về sự sinh hạ là con người đi vào trong thế giới. Ở đoạn cuối của bài tiểu luận này, Arendt nhắc lại một cách rõ ràng hơn về sự sinh hạ là “thực tế là tất cả chúng ta đã đến trong thế giới ngang qua việc sinh nở và thế giới này không ngừng được làm mới ngang qua việc sinh ra.[24] Arendt mượn lại hình ảnh những cuộc nhập cư vào nước Mỹ để mô tả những con người mới đi vào trong thế giới. Như thế, sự sinh hạ này không chỉ gắn liền với một biến cố một con người xuất hiện ngang qua sinh nở có tính sinh học (biology), mà còn nói lên một sự khởi đầu của cuộc hiện hữu trong một mối tương quan không thể tách rời của nó với thế giới. Sự sinh hạ diễn ra hằng ngày đến nỗi nó trở thành điều bình thường đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên nó lại rất quan trọng và cần thiết bởi vì sự sinh hạ có những đặc tính liên hệ đến phẩm giá của con người và trao ban sự hiện hữu của con người cho thế giới.

Đặc tính về sự khởi đầu

Con người luôn ở trong một tiến trình trở thành (becoming), mà sự sinh hạ chính là điểm khởi của tiến trình này. Nếu không có nó, cũng sẽ không thể tiếp tục nói về một điều gì khác liên quan đến sự hiện hữu của con người. Ngay khi một con người bắt đầu xuất hiện, có mặt và hiện diện trong thế giới, người đó đã bắt đầu một tiến trình tháp nhập của hữu thể vào thế giới này. Cho dù điểm khởi đầu đó chỉ là một hài nhi bé nhỏ, yếu ớt và dễ bị tổn thương, nó vẫn là một con người trọn vẹn. Quả thế, Arendt nhấn mạnh đến sự khởi đầu rằng: “Sự khởi đầu mới…là khả năng cao nhất của con người…[25] Như vậy, những khả năng chưa được lộ diện, những tiềm năng còn chưa được khám phá nơi con người lúc khởi đầu, đã quyết định cho sinh thể mới đó được hiện hữu trọn vẹn như là con người. Ngoài ra sự khởi đầu này “…vốn có trong sự sinh nở có thể làm cho bản thân nó gắn kết với thế giới …”[26] Nghĩa là một sự khởi đầu cho một mối tương quan với thế giới mà sau này nó sẽ trở thành một mối tương quan chính trị có tính phức đa.

Hơn nữa, trong cái nhìn của hiện tượng học hiện sinh, sự khởi đầu của một con người trong thế giới còn gắn liền với sự khởi đầu lặp đi lặp lại của cả thế giới. Sự hiện hữu của con người trong thế giới bắt đầu từ sự kiện sinh nở, khởi điểm hiện hữu của con người trong thời gian và không gian. Một cách cụ thể, con người được sinh ra trong một mái nhà của một gia đình, mà gia đình đó lại là một phần của thế giới. Sự sinh nở không chỉ giúp con người và thế giới này tồn tại theo sự biến đổi của thời gian và không gian mà nó còn không ngừng làm cho thế giới có những khởi đầu liên tục cho sự hiện hữu của chính nó. Như vậy, bản chất của sự khởi đầu này không chỉ nói lên sự bắt đầu hiện hữu của một hữu thể, mà còn nói lên một sự bắt đầu trong mối tương quan của hữu thể đó với thế giới.

Tính độc nhất và mới lạ

Nếu như sự sinh hạ của con người được xem như là một chu trình sinh học được lặp đi lặp lại của con người trong việc duy trì nòi giống, thì sự tồn tại của toàn nhân loại trên mặt đất hoàn toàn phụ thuộc một cách tất yếu vào điều kiện này. Sự lặp lại của những con người được sinh vào trong thế giới nối tiếp nhau, lần lượt thay thế cho nhau, nhưng lại không tạo nên những hữu thể giống nhau, mỗi hữu thể luôn có một sự khác biệt với những hữu thể khác. Mỗi người đều là một sự độc nhất, vì trước khi có người đó và ngay cả sau khi người đó chết thì không có ai khác giống như người đó. “Từ quan điểm chung và cần thiết này, điều có tính độc nhất phân biệt với mỗi người khỏi những người khác, phẩm tính vì đó mà đứa bé không chỉ là một người xa lạ trong thế giới nhưng là một điều gì đó đã không bao giờ ở đây trước kia.”[27] Cũng vì thế, chính nhờ sự độc nhất này mà con người có phẩm giá và được trân trọng như nhau. “Và điều này là có thể chỉ vì mỗi người là độc nhất, nên mỗi lần sinh nở thì một điều gì đó mới cách độc nhất đi vào trong thế giới. Với sự tôn trọng dành cho con người này có tính độc nhất, vì thực sự để nói rằng không ai đã ở đó trước đây…[28] Như thế việc con người đi vào thế giới cũng là một tiến trình độc nhất, là một điều gì đó mới và xa lạ. Mầu nhiệm của sự sinh hạ được bộc lộ bằng sự sống mới phát sinh qua sự kiện sinh nở. Do đó, thế giới này đã liên tục được duy trì và làm mới lại nhờ sự sinh nở.[29]

Nói tóm lại, tính độc nhất và mới lạ của hữu thể được sinh vào trong thế giới chính là đặc tính nổi bật của sự sinh hạ. Đặc tính độc nhất và mới lạ này giúp xác định căn tính và nguồn gốc của hữu thể con người, và để có thể trả lời cho thế giới biết “Bạn là ai?”[30]

Thế giới được tái tạo nhờ sự sinh hạ

Arendt đưa ra khái niệm về sự sinh hạ không chỉ dựa trên biến cố hạ sinh của con người mà thôi nhưng bà còn dựa trên khái niệm về thế giới. Sự sinh hạ nói rõ tương quan của con người với thế giới không thể bị bỏ qua. Nó đòi hỏi và thúc bách con người thực hiện cuộc hành trình “đi vào” trong thế giới. Chính khái niệm về thế giới sau sẽ làm rõ hơn cho quan điểm của Arendt về sự sinh hạ.

Khái niệm của Arendt về thế giới bắt nguồn từ cuộc đối thoại suốt đời của bà với thánh Augustine và với Heidegger về hữu thể ở nhà trong thế giới (being at home in the world). Khái niệm này cũng chịu ảnh hưởng từ F. Nietzsche, I. Kant, K. Jaspers và đặc biệt là kinh nghiệm của một người nữ Do thái phải đi tị nạn ở Đức, Pháp, Mỹ như một người không quốc tịch trong và sau thế chiến thứ 2.[31] Trả lời của bà về thế giới có nguồn gốc nảy lên từ câu hỏi: làm thế nào một người có thể yêu cả Thiên Chúa và lẫn yêu người thân cận của mình? Bà trích câu nói của Augustine để trả lời rằng: “Vì chúng ta gọi ‘thế giới’ không chỉ là công trình Thiên Chúa tạo nên, trời và đất… nhưng những dân cư của thế giới cũng được gọi là ‘thế giới’… Đặc biệt tất cả những người yêu thế giới được gọi là thế giới.”[32] Theo Arendt, tương quan giữa con người với thế giới chỉ tồn tại khi nói đến tình yêu đối với tha nhân. Khi nói việc yêu thế giới (amor mundi) cũng có nghĩa là yêu những người xung quanh mình (neighbour). Arendt phê bình quan điểm của Heidegger, khi bà cho rằng quan điểm của Heidegger về hữu thể-trong-thế giới (being-in-the-world) luôn có hàm ý của sự tha hoá, ghét bỏ, xa lánh. Điều đó sẽ dẫn hữu thể rơi vào tình trạng vô gia cư và lo lắng. Arendt đã đi một bước xa hơn khi bà cho rằng hữu thể trong thế giới luôn là hữu thể với những hữu thể khác.[33] Trong Điều Kiện Con Người, Arendt tuyên bố nhiệm vụ của bà là “truy nguyên sự tha hoá của thế giới hiện đại, sự rút chạy khỏi thế giới để đi vào không gian vũ trụ và sự rút chạy khỏi thế giới vào trong chính bản thân nó.”[34] Ngoài ra, Arendt còn phân biệt trái đất (the earth) và thế giới (the world) rằng: “Con người (human beings) sống trong trái đất, nhưng cư ngụ trong thế giới.”[35] Đối với Arendt, thế giới được nói đến còn bao gồm cả những sản phẩm, vật dụng do con người làm ra, tuy nhiên tự những đồ vật này không phải là thế giới. Đúng hơn, những gì xảy đến ở giữa những con người với nhau thiết lập nên thế giới này. Đặc biệt, Arendt nói đến một địa hạt công cộng là thế giới được con người chia sẻ cho nhau. Nói tóm lại, đối với Arendt, thế giới là không gian ở giữa mọi người với nhau.[36]

Tương quan hiện hữu giữa con người và thế giới

Trong tác phẩm cuộc Khủng hoảng trong Giáo dục, Arendt cho thấy thế giới này còn là một thế giới xa lạ đối với những người mới đến. Người mới đến cũng là những con người hoàn toàn xa lạ đối với thế giới bởi tính mới mẻ và độc nhất của nó. Vì thế, trên bình diện của cuộc hiện hữu, con người tương quan với thế giới như là tương quan giữa tính hữu hạn với tính vô hạn. Con người khởi đầu sự hiện hữu của mình trong một thế giới đã có trước nó và thế giới đó lại tiếp tục tồn tại sau khi nó chết.[37] Vì thế, để hài hòa sự khác biệt này, giáo dục phải hội tủ cả ba chiều kích của thời gian là quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự hiện hữu khởi đầu của một hữu thể không thể và không được phép làm gián đoạn, đứt đoạn sự hiện hữu của thế giới.

Sự hiện hữu của con người là một phần không thể loại bỏ trong sự hiện hữu liên tục của thế giới. Hay nói cách khác, thế giới bao gồm những con người liên tục đi vào và đi ra khỏi nó. Sẽ không có điều gì đáng nói về tính ngắn ngủi và hữu hạn của con người trước một thế giới vô hạn và trường tồn, nếu như ta không xét đến những tác động và ảnh hưởng của những con người đó lên toàn bộ lịch sử của thế giới.[38] Xét một cách nào đó, trong thái độ của chủ nghĩa cá nhân và tiêu thụ thì con người không phải chịu trách nhiệm gì đối với thế giới mà mình không tiếp tục tồn tại và gắn bó. Quả thế, con người đang sống ở hiện tại sẽ không phải chịu nhiều hậu quả bởi những tác động của mình lên thế giới cho bằng những con người tương lai sẽ đi vào trong thế giới. Nói như thế để cho thấy rằng, Arendt không bao giờ chấp nhận một quan niệm tách rời sự hiện hữu của con người với sự hiện hữu của thế giới, cũng như sự tách rời trong tầm nhìn của giáo dục về quá khứ, hiện tại và tương lai. Đáp lại với quan niệm của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tiêu thụ, Arendt cho rằng sự khởi đầu của con người cũng cho thế giới cơ hội tái tạo và làm mới lại chính mình.

Arendt vẫn nuôi một hy vọng về một thế giới không bị tha hóa (world-alienation) và già đi theo con người, bởi vì nó luôn luôn được làm mới lại với những con người mới đi vào trong thế giới với những khả năng kiến tạo và khởi đầu lại điều gì đó mới mẻ.

<em”>Hành Động nối kết con người với thế giới

Đối với Arendt, thế giới này có xu hướng tha hóa, và để cứu thế giới này thì cần đến một phép màu. Phép màu đó không là gì khác ngoài sự sinh hạ, vì “… thế giới này liên tục được làm mới lại ngang qua sự sinh nở.”[39] Để có thể khẳng quyết điều này, Arendt đã tận dụng quan niệm của mình về khả năng hành động của con người. Chính quan niệm về hành động này đã từng giúp bà làm nổi bật quan niệm về nhân học của mình trong tác phẩm Điều Kiện Con Người.[40]

Arendt khẳng định cách chắc chắn rằng, khả năng của hành động bắt nguồn từ hữu thể tính (ontologically). “… đó chính là sự ra đời của những con người mới và những sự khởi đầu mới, là hành động có khả năng nhờ hữu thể đó được sinh ra.”[41] Sự sinh hạ chính là hành động đầu tiên của con người dành cho thế giới, một hành động giúp con người đi vào trong thế giới. Chính vì thế, “một yếu tố của hành động, cũng chính là của sự sinh hạ, vốn có sẵn trong tất cả những hành động của con người.” [42] Hành động luôn gắn liền với một hành vi khởi phát của con người, do đó một hành động mới lạ cũng đến từ đặc tính độc nhất và mới lạ của sự sinh hạ.[43] Vì thế, hành động của con người còn có một vai trò hết sức đặc biệt, có khả năng nối kết con người với thế giới. Khả năng cao nhất của sự sinh hạ chính là hành động, nhờ đó con người trở thành một phần của thế giới.

Bên cạnh đó, theo Arendt, hành động đầu tiên luôn tương ứng với thực tế của việc sinh nở, là hiện tại hoá điều kiện con người về sự sinh hạ.[44] Như thế, hành động còn được nói đến như là một sự tham gia của con người vào thế giới chính trị. Hành động của một cá thể đối với thế giới được xét như là một trong những hoạt động có tính chính trị của nhân loại. Chính nhờ đặc tính của sự sinh hạ, ta hiểu được khả năng của những hành động mới lạ của những người có thể tác động vào trong thế giới. Nói cách khác, hành động của con người khi mang những đặc tính của sự sinh hạ mới có thể nối kết giữa con người và thế giới, đồng thời giúp con người tái tạo lại thế giới. Hành động dành cho thế giới có thể gọi là sự sinh hạ chính trị,[45] bởi vì một người đã trưởng thành phải có khả năng chịu mọi trách nhiệm với thế giới trong mọi hành động của mình.

Chỉ khi con người trưởng thành có những hành động tích cực thế giới mới hy vọng phục hồi và thoát khỉ xu hướng bị tha hóa. Chính nhờ những hành động đó những cuộc cách mạng thay đổi xã hội và thế giới sẽ diễn ra như lý tưởng của chủ nghĩa tiến bộ, chứ không phải là giáo dục. Hơn nữa, “giáo dục thuộc về trong số những hoạt động cơ bản và cần thiết nhất của xã hội con người.”[46] Giáo dục không thể tự mình thay đổi chính mình và thay đổi xã hội nếu không có những sự sinh hạ.

Nói tóm lại sự sinh hạ và hành động đã tạo nên mối dây liên hệ khăng khít giúp con người nối kết với thế giới. Tuy nhiên, Arendt không cho rằng mối liên hệ này có thể dùng để biện minh cho việc biến giáo dục trở thành công cụ phục vụ cho những mục đích chính trị. Vì thế, một lần nữa ta cần xác định lại vai trò đích thực của giáo dục.

Vai trò của giáo dục

Từ những gì đã trình bày ở trên, ta thấy rằng bản chất giáo dục mới chỉ nói lên được phần nào mối liên hệ giữa giáo dục và sự sinh hạ. Để làm rõ hơn mối liên hệ này, Arendt đã phân tích khá kỹ lưỡng vai trò của giáo dục. Bản chất của giáo dục chính là tiền đề để có thể nói đến vai trò của giáo dục. Vì thế, vai trò của giáo dục sẽ là yếu tố bổ túc cho quan điểm của Arend về giáo dục.

Chủ thể của giáo dục

Nếu Hannah Arendt cho rằng bản chất của giáo dục là sự sinh hạ – con người đi vào trong thế giới, thì một câu hỏi được đặt ra là: ai mới là chủ thể của giáo dục, con người hay thế giới? Arendt phê bình kịch liệt quan điểm của J.J. Rousseau về giáo dục khi ông cho rằng Giáo dục là công cụ của chính trị. Nếu như giáo dục là công cụ của chính trị thì chủ thể của giáo dục sẽ là chính trị, tức là những người lớn, người trưởng thành trong xã hội. Trong khi đó, Arendt cho rằng chính những đứa trẻ mới là chủ thể của giáo dục bởi vì “…đứa trẻ là người mới trong một thế giới xa lạ, nó đang ở trong tiến trình của sự trở thành (becoming), nó là một con người mới (a new human being) và nó là một con người đang trở thành.”[47] Vì thế, những đứa trẻ đi vào thế giới cần đến sự dẫn dắt của một người thầy, những người trưởng thành đã trải qua những giai đoạn như chúng. Bên cạnh đó, về cơ bản, giáo dục chỉ bao gồm hai hoạt động dạy và học. Đó chính là công việc của việc truyền đạt kiến thức của thầy cô cho học sinh. Do đó, những trẻ em chính là những đối tượng chủ yếu của hai hoạt động này. Trong khi đó, những người lớn thì được Arendt xếp vào những người trưởng thành, là những người đã được giáo dục.[48] Tuy nhiên, để làm rõ hơn cho điều này là “tại sao vẫn có người lớn đi học hoặc dạy học?” Arendt đã cố gắng phân biệt việc giáo dục một trẻ em với việc học và dạy học mà ở người lớn cũng có thể thực hiện trong suốt cuộc đời của họ.

Người ta không thể giáo dục mà không cùng lúc dạy dỗ; một sự giáo dục mà không học hỏi thì trống rỗng và vì thế nó dễ dàng chuyển hóa sang thuật hùng biện mang tính cảm xúc luân lý. Nhưng một người có thể dạy học khá dễ dàng mà không giáo dục, và một người có thể tiếp tục việc học cho đến những ngày cuối cùng của mình mà lý do không phải là để được giáo dục.[49]

Như thế, Arendt khẳng định lại một lần nữa rằng phạm trù giáo dục chỉ phù hợp với trẻ em, những người đi vào trong thế giới ngang qua sự sinh hạ. Những người lớn có khả năng tự học, tự nghiên cứu, hoặc thậm chí hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đi nữa, thì giáo dục không phải là để phục vụ cho họ. Nhờ sự phân biệt này, Arendt tiếp tục giúp giáo dục nhận ra chính vai trò của nó là gì và với ai. Bởi vì trẻ em là chủ thể của giáo dục, nên vai trò của giáo dục là giúp trẻ em dần dần hòa nhập vào thế giới. Giáo dục giới thiệu chủ thể của mình vào trong thế giới. Giáo dục cũng không phải là thế giới nhưng là đại diện của thế giới để giới thiệu những đứa trẻ với thế giới.

Giáo dục là trung gian giữa môi trường tư và môi trường công

Ngoài việc nói nói đến sự sinh hạ như một bước khởi đầu cho một người mới đi vào trong thế giới ngang qua việc sinh nở, Arendt còn nhắm đến một sự sinh hạ khác gắn liền với giáo dục. Giáo dục thực hiện vai trò giới thiệu người mới vào trong thế giới, nên nó cũng là một sự sinh hạ hiểu theo cách con người được hoà nhập vào thế giới. Đây chính là giai đoạn trung gian và chuyển tiếp từ môi trường tư của gia đình sang môi trường công của xã hội. Tuy nhiên, để bàn về chính điều vừa được nói, trước hết chúng ta hãy cùng tìm hiểu quan điểm của Arendt về môi trường công và môi trường tư.

Môi trường tư (private realm) và môi trường công (public realm) đã được Arendt nói đến nhiều trong tác phẩm Điều Kiện Con Người. Cả hai cặp phạm trù này được Arendt làm nổi bật hơn trong hoàn cảnh của giáo dục. Trước hết, Arendt cho rằng môi trường tư là môi trường của cá nhân bị giới hạn bởi chính gia đình, nơi mà đứa trẻ được sinh ra và lớn lên cho tới lúc trưởng thành. Môi trường này cần thiết vì nó đảm bảo cho sự phát triển tự nhiên của trẻ trong một sự kín đáo và an toàn. Chỉ trong không gian riêng tư của gia đình mới có đầy đủ những sự quan tâm, chăm sóc cần thiết của cha mẹ và các thành viên khác dành cho trẻ. Sự phát triển của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào tình yêu giữa các thành viên trưởng thành trong gia đình dành cho nó. Trong khi đó, môi trường công là một môi trường của xã hội gồm những con người tự do và bình đẳng trong việc thể hiện quan điểm riêng của mình. Môi trường này chỉ dành cho những người trưởng thành có khả năng đảm nhận những công việc chung của cộng đồng. Sự khác biệt giữa hai môi trường này đã tạo nên một ranh giới bất khả xâm phạm.

Theo Arendt, sự xung đột giữa những người mới và thế giới có thể xảy ra, bởi vì chính khả năng có tính cách mạng của những người mới có thể phá hủy thế giới và ngược lại, tính dân chủ và bình đẳng của thế giới có thể làm tổn thương đến những đứa trẻ. Sự xung đột này phải được ngăn chặn nhờ một lá chắn bảo vệ là gia đình.

Bốn bức tường này, nơi mà cuộc sống gia đình riêng của mỗi người thì sống động, tạo nên một cái lá chắn chống lại thế giới và đặc biệt chống lại phương diện công cộng của thế giới. Chúng bao gồm một nơi an toàn kiên cố, mà không có nó thì không một sinh thể sống nào có thể phát triển được.[50]

Như thế, gia đình là vỏ bọc để bảo vệ đứa trẻ trước những tác động có thể có từ thế giới và ngược lại, gia đình ngăn cản đứa trẻ phá hoại trật tự có sẵn của thế giới. Trong khi đó, giáo dục được Arendt định rõ vị trí như là một giai đoạn quá độ trong sự phát triển của đứa trẻ được chuyển tiếp từ môi trường tư sang môi trường công.

Thường thì đứa trẻ được giới thiệu lần đầu vào thế giới ở trường học. Bấy giờ trường học không có nghĩa là thế giới… đúng hơn nó là thể chế mà chúng ta đặt vào chính giữa phạm vi riêng tư của gia đình và thế giới để tạo nên một sự chuyển tiếp từ gia đình ra thế giới một cách khả thi.[51]

Nói tóm lại, vai trò của giáo dục là trở thành một trung gian cho sự chuyển tiếp từ môi trường tư sang môi trường công. Ở vị trí trung gian này, giáo dục cần phải đảm bảo những điều kiện cần thiết cho sự phát triển bình thường của trẻ. Đó cũng chính là việc gìn giữ tính mới mẻ của những người mới đi vào trong thế giới. Tuy nhiên, những điều kiện cần thiết cho một môi trường trung gian đã bị giáo dục hiện đại thay đổi.

Giáo dục hiện đại biến đổi vai trò của giáo dục

Theo Arendt, giáo dục hiện đại đã thay đổi vai trò của giáo dục khi nó cố thiết lập một thế giới riêng cho những đứa trẻ, nghĩa là đưa môi trường công vào môi trường tư. Chính sự xóa bỏ ranh giới này đã phá vỡ môi trường tư vốn an toàn và kín đáo cho sự phát triển tự nhiên của mỗi đứa trẻ. Cũng vì thế, hệ quả của việc xóa bỏ ranh giới này của giáo dục hiện đại khiến cho phẩm chất cốt yếu của trẻ bị phá hủy. “Bất cứ nơi nào đứa trẻ được đặt vào trong thế giới mà không có sự đảm bảo về tính riêng tư và an toàn thì phẩm chất cốt yếu của nó sẽ bị phá hủy.”[52] Nếu một xã hội hiện đại cố vứt bỏ một cách triệt để sự phân biệt giữa điều riêng tư cá nhân (quyền con người) và điều chung công cộng (trách nhiệm chính trị), thì nó sẽ làm tăng thêm những khó khăn rất lớn cho những đứa trẻ. Dường như Arendt đồng quan điểm với J.J. Rousseau về điểm này: trẻ em là những người cần được để cho phát triển một cách tự nhiên, được bảo đảm cho một sự ẩn náu không bị phá rối.

Sự vứt bỏ ranh giới giữa môi trường công và môi trường tư của xã hội hiện đại nhằm mục đích giải phóng trẻ em khỏi những áp đặt của người lớn lên bản thân chúng. Giáo dục hiện đại bảo đảm rằng: “Mục đích duy nhất của nó chính là phục vụ trẻ em và chống lại những phương pháp trong quá khứ bởi vì những điều này đã không đem đến lợi ích đủ cho bản chất nội tâm và những nhu cầu của trẻ.”[53] Arendt cho rằng, sự giải phóng này giống với việc giải phóng lao động và giải phóng phụ nữ khỏi những phân biệt đối xử, những người cần có tiếng nói và cần được lắng nghe trong xã hội. Tuy nhiên, việc giải phóng này một khi được áp dụng cho trẻ em là một việc chống lại chính trẻ em, “…là một sự bỏ rơi và phản bội trong trường hợp của những đứa trẻ.[54] Trong khi đó, giáo dục hiện đại lại nhân danh việc chuẩn bị tương lai cho những người trẻ, giúp người trẻ tự mình khám phá và phát huy những khả năng của mình đặc biệt là khả năng sống độc lập và tự trị ngay từ ban đầu. Điều mà họ không ngờ được là đây cũng là cơ hội cho những mầm mống của chủ nghĩa cá nhân lớn lên trong ý thức của người trẻ và nó sẽ trở thành căn bệnh trầm kha của cộng đồng. Những người trẻ ở đây được Arendt nói đến là những người đang được dẫn vào thế giới ngang qua những việc học tập và giảng dạy ở các nhà trường. Như thế, giáo dục hiện đại đã làm xáo trộn trật tự giữa địa hạt công và tư, và sự xâm lấn giữa hai địa hạt này sẽ để lại hậu quả khó lường trong thế giới ngày nay.

Quay trở lại với vai trò đích thực của giáo dục, Arendt cho rằng trường học không phải là thế giới nhưng là một đại diện của thế giới. Những nhà giáo dục là những người trưởng thành có trách nhiệm dẫn dắt những đứa trẻ đi vào thế giới. Trách nhiệm của nhà giáo dục có một tầm quan trọng rất lớn, bởi vì nó bao gồm trách nhiệm với thế giới và trách nhiệm đối với sự phát triển của trẻ. Theo Arendt, khi xét đến trách nhiệm với thế giới, các nhà giáo dục cần phải có thẩm quyền (authority) mà nhờ đó, giáo dục có thể thực hiện nhiệm vụ mà thế giới trao cho. Chúng ta sẽ cùng phân tích hai phạm trù này dưới góc độ của lĩnh vực chính trị ở phần tiếp theo.

Nói tóm lại, Arendt tiếp tục xác định lại vai trò của giáo dục một cách rõ ràng hơn, bao gồm trách nhiệm hướng dẫn trẻ em đi vào thế giới đang biến đổi không ngừng và trách nhiệm bảo đảm sự tồn tại liên tục của thế giới. Giáo dục đứng ở giữa và cần phải dung hòa cũng như giải quyết những xung đột có thể xảy ra giữa hai trọng trách này.

Giáo dục và chính trị

Trong mục đầu tiên, chúng ta đã thấy những phê bình của Arendt dành cho những nhà tư tưởng giáo dục tiến bộ khi họ biến giáo dục trở thành một công cụ của chính trị. Chúng ta cũng đã tìm hiểu yếu tố “sự sinh hạ” giúp xác định vai trò của giáo dục như thế nào trong phần hai. Tiếp tục với những phân tích của Arendt trong tác phẩm Cuộc khủng hoảng trong Giáo dục chúng ta sẽ thấy rõ hơn tương quan giữa giáo dục và chính trị. Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu khái niệm chính trị của Arendt.

Arendt không nhận mình là một triết gia chính trị bởi vì bà cho rằng các triết gia chính trị từ thời Plato cho đến nay đều mắc phải một sai lầm đó là “… đã bỏ qua điều kiện nền tảng của chính trị: mỗi một người có thể hành động và bắt đầu một điều gì đó mới, nó vẫn tiếp tục tồn tại giữa phần lớn những con người nhân loại (plural human being).”[55] Vì thế, trong những tác phẩm giữa những năm 50, Arendt đã cố gắng tái định hướng nguyên tắc cơ bản của lý thuyết chính trị. Bà đã cố gắng phê bình và tháo gỡ cấu trúc những tác phẩm kinh điển từ Plato đến Marx. Những suy tư chính trị của bà thách thức lại hầu hết những quan niệm triết học chính trị truyền thống của phương Tây phát triển trong thế giới hiện đại, bao gồm chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa tự do hay chủ nghĩa xã hội. Dù vậy, Arendt đã kế thừa quan điểm “con người là một sinh vật chính trị,” vốn bắt nguồn từ Aristotle và được Augustine gìn giữ và phát triển trong thời trung cổ, để đưa triết học chính trị hiện đại trở về với bản chất ban đầu của nó.

Arendt cho rằng “chính trị là một vấn đề của con người trong việc chia sẻ một thế giới chung và một không gian chung của hiện tượng để những những lợi ích chung có thể xuất hiện và được ăn khớp với nhau từ những quan điểm khác biệt.”[56] Khái niệm này có thể khiến nhiều người nhầm tưởng rằng bà thuộc chủ nghĩa cộng đồng (communitarianism) nhưng thực sự bà đã không đồng hóa tư tưởng chính trị của mình với chủ nghĩa này.[57] Quả vậy, khái niệm của bà về chính trị được dựa trên ý tưởng về bổn phận tích cực của công dân (active citizenship), đó là giá trị và tầm quan trọng của cuộc bàn cãi có tính tập thể và tính cam kết đối với tất cả những vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng chính trị chung. Những công dân cần phải có một không gian công cộng để trao đổi và quyết định những vấn đề về lợi ích chung. Vì thế, Arendt đề cao hành động và diễn ngôn trong mọi hoạt động của con người, bà cho rằng trung tâm của mọi hoạt động chính trị là hành động.[58] Khái niệm của Arendt về hành động và diễn ngôn chính trị trong thực tế có mục đích tái kích hoạt tác nhân và hiệu quả chính trị, và khớp nối những điều kiện này cho việc thực hành quyền công dân cách tích cực và quyền dân chủ tự quyết.[59] Căn cứ vào những điều này, Arendt đã chỉ ra sai lầm trọng yếu của J.J Rousseau và các nhà giáo dục tiến bộ.

Địa hạt tiền-chính trị hay chính trị

Nếu “giáo dục được coi như là công cụ của chính trị và hoạt động chính trị là hình thức của giáo dục[60] thì địa hạt giáo dục đang bị lôi kéo vào trong địa hạt của chính trị. Sự trộn lẫn này sẽ gây ra những hệ quả tiêu cực cho giáo dục mà tôi đã đề cập trong phần về ba giả thuyết cơ bản của giáo dục tiến bộ. Trong tác phẩm Cuộc khủng hoảng trong Giáo dục, điều mà Arendt cố gắng làm là phân biệt giữa địa hạt giáo dục với địa hạt chính trị. Cho dù cả hai địa hạt có tương quan nội tại với nhau[61] nhưng đối với Arendt chúng thực sự khác biệt nhau.

Theo Arendt, môi trường riêng tư của gia đình và nhà trường chưa thể coi là môi trường chính trị, bởi vì nơi gia đình và nhà trường, thực sự chỉ tồn tại những mối tương quan cha mẹ và con cái, thầy cô và học sinh. Đây cũng chính là mối tương quan giữa những người trưởng thành với những người chưa trưởng thành, những người đã được giáo dục và những người chưa được giáo dục, những người đang tham gia chính trị và những người có tiềm năng tham gia vào chính trị. Arendt đã xếp môi trường gia đình và nhà trường thuộc về địa hạt tiền-chính trị (the pre-political realms).[62]

Trong việc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em, tương quan tiền-chính trị không thể thiếu thẩm quyền (authority) của người lớn đặt lên trẻ em, tức là cha mẹ hay thầy cô là người có thẩm quyền dạy dỗ và hướng dẫn con cái hay học sinh của họ. Đây không phải là một tương quan bình đẳng hay ngang hàng, nó càng không hạ thấp vai trò của cha mẹ và thầy cô đối với con cái và học sinh. Bên cạnh đó, những học sinh là những người đang trong tiến trình “trở thành” (becoming) những công dân sẽ có những đóng góp chính trị trong tương lai. Do đó, trong môi trường nhà trường, chúng ta không thể chấp nhận sự tồn tại của những hoạt động liên quan đến chính trị. Tuy nhiên, theo Arendt trong thực tế điều này đã xảy ra khiến cho nền giáo dục rơi vào cuộc khủng hoảng. Chính trị hóa nền giáo dục đã tước đi thẩm quyền của người giáo viên trong việc dạy dỗ các học sinh. Arendt đấu tranh để đòi hại thẩm quyền cho giáo dục, bà khẳng định rằng “…chính bản chất của nền giáo dục hiện đại cũng không thể gạt bỏ thẩm quyền của giáo dục…”[63] bởi vì các trẻ em không thể ở trong tình trạng tự trị như những người lớn trong tiến trình phát triển của chúng. Trẻ em luôn phải lệ thuộc vào người lớn trong quá trình phát triển của mình.

Như thế, đối với Arendt, thẩm quyền là điều thiết yếu không thể không có trong địa hạt tiền-chính trị của lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, phải chăng Arendt tự mâu thuẫn với chính mình khi đưa yếu tố thẩm quyền vốn thuộc về địa hạt của chính trị vào trong địa hạt của tiền-chính trị? Bởi vì khi nói đến thẩm quyền, người ta vẫn thường hiểu đây là mối tương quan chính trị giữa kẻ thống trị và người bị trị. Phân tích sau đây cho thấy, trong việc đòi lại thẩm quyền cho giáo dục Arendt đã trả khái niệm thẩm quyền về đúng bản chất ban đầu của nó.

Phân biệt chính trị với thẩm quyền

Thẩm quyền (authority) là khái niệm bổ trợ rất quan trọng trong quan niệm chính trị của Arendt. [64] Trong khái niệm về thẩm quyền, Arendt nói đến một thứ “thẩm quyền luôn đòi hỏi sự vâng phục, cách chung nó không được lẫn lộn với hình thức sức mạnh và bạo lực.”[65]

Khái niệm này đã được bà thừa hưởng từ quan niệm chính trị của Plato và Aristotle. Đối với Plato, “…thẩm quyền ngụ ý một sự vâng phục mà trong đó con người vẫn có sự tự do của họ…[66] Còn trong khái niệm thẩm quyền của Arendt, bà nhấn mạnh đến tính thực thi của thẩm quyền mà không có sự thuyết phục bằng lý trí cũng như cưỡng bách bằng áp bức hay bạo lực. Tính thực thi của thẩm quyền dựa trên sự tôn trọng đối với người có chức vụ và sự thi hành của cấp dưới. Ngoài ra, khái niệm này còn cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ có thứ bậc của thẩm quyền có bổn phận cho sự bàn hỏi. Trong đó, khả năng của thẩm quyền bị giới hạn bởi lời khuyên, thụ giáo, đề xuất hay đưa ra hướng dẫn hơn là mệnh lệnh hay chỉ thị.[67] Nói tóm lại, Hannah muốn đưa ra khái niệm thẩm quyền trở về tình trạng đích thực ban đầu của nó, tức là thẩm quyền không bị chi phối bởi sức mạnh và bạo lực. “Quyền lực loại trừ việc sử dụng những khí cụ bên ngoài của sự ép buộc; vì thế một khi sức mạnh được sử dụng, quyền lực tự nó đã thất bại.”[68] Thẩm quyền này được trao cho một người nào đó bởi một tập thể, thông qua những cam kết và thoả thuận giữa mọi người trong tập thể đó.[69] Như vậy, Arendt giúp triết học chính trị phân biệt thẩm quyền với sự cưỡng bách, sức mạnh và bạo lực.

Quan niệm của Arendt về thẩm quyền còn thể hiện một cách hiểu tách biệt với chính trị. Bởi vì đối với Arendt, tính hành động trong chính trị đòi hỏi sự bình đẳng trong việc đưa ra các ý kiến, còn thẩm quyền thì nhắm đến sự vâng phục và thi hành theo sự hướng dẫn của người khác. Trong những phản tỉnh về cuộc khủng hoảng trong giáo dục, Arendt tiếp tục chỉ ra tầm quan trọng của thẩm quyền trong lĩnh vực giáo dục, trong khi đó chính trị lại không được phép can dự vào địa hạt của giáo dục. Khi áp dụng khái niệm thẩm quyền cho giáo dục, bà cho rằng thẩm quyền hợp pháp của giáo viên không thể bị tước đoạt, cũng như không thể có sự bình đẳng giữa thầy cô và học trò. Bởi vì, thẩm quyền của giáo viên đem lại tính chính thống và hợp pháp cho những tri thức mà họ truyền đạt cho học sinh. Tuy nhiên, thẩm quyền trong giáo dục không phải đến từ phẩm chất của giáo viên, nhưng đến từ trách nhiệm mà họ phải đảm nhận đối với thế giới và đối với trẻ em. Như vậy, thẩm quyền không đến từ chính trị nhưng đến từ trách nhiệm được trao phó.[70]

Nói tóm lại, Arendt đã đưa thẩm quyền trong giáo dục về với bản chất nguyên tuyền của nó. Bản chất này không chịu bất kỳ sự nhầm lẫn nào với những công cụ của địa hạt chính trị. Như thế, để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, giáo dục cần lấy lại thẩm quyền của mình. Giáo dục có thể bỏ qua chính trị nhưng không thể bỏ thẩm quyền của nó. Bởi vì nếu giáo dục từ bỏ thẩm quyền mà nó phải có thì cũng đồng nghĩa với việc những nhà giáo dục, các giáo viên và cả những người lớn từ chối đảm nhận trách nhiệm đối với thế giới, từ chối việc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em. Dù giáo dục hướng học sinh đến một sự tham gia tích cực vào môi trường chính trị trong tương lai, nó cũng không đảm nhận những hoạt động thuộc chính trị.

Đến đây, ta có thể khẳng định cuộc khủng hoảng của giáo dục chính là vấn đề của thẩm quyền hơn là vấn đề của chính trị. Chính trị càng không phải là giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng trong giáo dục, bởi vì nó không được phép can thiệp vào giáo dục dù dưới bất kỳ hình thức nào. Nhưng để đẩy vấn đề này cho đến tận cùng của nó, Arendt đặt lại vấn trách nhiệm của các nhà giáo dục dựa trên tình yêu của những người lớn không chỉ đối với trẻ em mà còn với cả thế giới.

Tình Yêu dành cho Thế Giới (Amor mundi)

Dành lại thẩm quyền cho giáo dục, Arendt tiếp tục cho thấy quan điểm của bà về thế giới rằng việc từ bỏ thẩm quyền là từ bỏ đảm nhận trách nhiệm đối với thế giới. Đây chính là biểu hiện rõ ràng của việc con người chính trị ngày nay đang ghét bỏ, xa lánh và muốn thoát khỏi thế giới. Do đó, theo Arendt, giáo dục không nên tạo ra sự chia cắt giữa con người với thế giới nhưng trái lại giáo dục cần phải giúp con người nối kết lại và đến gần với thế giới hơn. Chính tình yêu là mối dây liên kết bền chặt con người với thế giới.

Arendt cho rằng: Giáo dục là nơi mà ở đó chúng ta quyết định liệu chúng ta có yêu mến thế giới đủ để đảm nhận những trách nhiệm vì nó và nhờ đó cứu nó khỏi sự phá hủy.[71] Như thế giáo dục của Arendt không phải là để giải quyết các mâu thuẫn cho bằng nhắm đến tình yêu đi kèm với trách nhiệm của con người dành thế giới. Thứ tình yêu này phát sinh từ sự sinh hạ, bởi vì sự sinh hạ chính là kinh nghiệm của con người hướng về thế giới và những lợi ích chung của nó.[72] Những kinh nghiệm từ thực tế của sự sinh hạ: những người mới đi vào trong thế giới, trở thành một điều đáng cho giáo dục phải quan tâm và lo lắng cho tương lai của thế giới.[73]

Trong suy tư triết học, dường như chúng ta ít nhìn thấy các triết gia vận dụng những cảm xúc, hay còn gọi là lý lẽ của con tim để củng cố và giải quyết cho những vấn đề của mình. Nhưng trong những suy tư rất hiện sinh này, Arendt đã không bỏ quên thứ lý lẽ này. Đó là việc bà cho rằng “tình yêu dành cho thế giới” (Amor mundi) là điều kiện tất yếu của mối tương quan giữa con người và thế giới. Do đó, những phản tỉnh về lĩnh vực chính trị và giáo dục của Arendt không phải là những suy tư khô khan. Arendt cho phép tình yêu, vốn là một phạm trù chỉ có thể nói trong tâm lý học, trở thành mối dây liên kết duy nhất có thể cứu vãn sự chia lìa của con người với thế giới. Nói tóm lại, đối với Arendt giáo dục phải là một nơi dạy cho trẻ em biết yêu thế giới, vì chỉ có tình yêu mới giúp tạo nên sự sống mới, những sự khởi đầu mới cho con người và cho thế giới.

Nhận Định Triết Lý Giáo Dục Của Hannah Arendt

Trong bài tiểu luận Cuộc khủng hoảng trong Giáo dục, Hannah Arendt không chỉ có những phê bình nhưng bà có những đóng góp khá quan trọng cho triết lý giáo dục của thế kỷ XX. Sau đây là những đóng góp của bà và một vài nhận định của người viết đối với những suy tư độc sáng của bà.

Những đóng góp của Hannah Arendt cho lĩnh vực giáo dục

Thứ nhất, phản tỉnh của Arendt dựa trên cái nhìn hiện sinh về con người giúp giáo dục xác định lại bản chất của mình là sự sinh hạ. Nó khiến cho giáo dục phải nhìn lại sứ mạng trở thành môi trường trung gian giữa trẻ em và thế giới. Nhờ đó, giáo dục lãnh nhận thẩm quyền thực sự của mình tương ứng với trách nhiệm của nó. Giáo dục không thể cho phép quan niệm dân chủ bình đẳng giữa giáo viên và học sinh vốn lấy đi thẩm quyền truyền dạy kiến thức của nó. Thẩm quyền này bảo đảm kiến thức được truyền thụ từ giáo viên cho học sinh có tính hợp pháp. Học sinh đồng thời phải tuân theo thẩm quyền chính đáng này để rèn luyện và trau dồi kiến thức, để có được sự hiểu biết về thế giới và được tháp nhập hoàn toàn vào thế giới người lớn.

Thứ hai, Arendt rõ ràng muốn địa hạt của giáo dục phải được tách biệt và độc lập khỏi địa hạt chính trị. Nó thiết lập nên một ranh giới giữa không gian riêng tư của những đứa trẻ với không gian công cộng của người lớn. Tuy nhiên, ranh giới này tuyệt đối không phải là một bức tường ngăn cách giữa trẻ em và người lớn, hay giữa trẻ em với thế giới, mà là sự tôn trọng quyền riêng tư thiết yếu của con người. Sự tôn trọng dành cho đứa trẻ chính là việc tôn trọng không gian riêng tư và an toàn của nó. Như thế, giáo dục phải bảo đảm chính trị không can thiệp vào trong nhà trường và gia đình.

Thứ ba, giáo dục không những không xây dựng một bức tường giữa người lớn và trẻ em mà trái lại, nó phải xây dựng mối tương quan tình yêu đi kèm với trách nhiệm. Thế giới bị phá hủy vì lối sống vô trách nhiệm, thiếu tình yêu chứ không phải sự tận diệt của thời gian. Thái độ xa lánh thế giới không chỉ phá hủy tương quan giữa con người trong môi trường chính trị mà còn phá hủy tương quan của trẻ em với thế giới. Do đó, giáo dục phải nhắm đến tình yêu dành cho thế giới, bởi vì tất cả các biến cố của sự sinh hạ được sinh ra trong tình yêu và hướng đến tình yêu dành cho thế giới chung. Tình yêu dành cho thế giới vốn bắt nguồn từ tình yêu dành cho tha nhân. Vì thế, giáo dục không phải là một mối tương quan chính trị nhưng là một mối tương quan tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với thế giới. Những con người được sinh ra nhờ tình yêu thì cũng cần phải được bao bọc và nuôi dưỡng bằng tình yêu. Chính vì thế, giáo dục không là gì khác hơn việc dạy cho trẻ em biết yêu Thế giới, trong đó có những người xung quanh.

Nhận định về quan điểm giáo dục của Hannah Arendt

Xem ra, Hannah Arendt chối bỏ cách đánh giá về giáo dục liên quan đến chính trị của J.J. Rousseau cho dù cả hai đều đưa ra một số nguyên tắc giáo dục khá giống nhau. Nếu như những nhà giáo dục tiến bộ lấy cảm hứng từ quan điểm giáo dục “Thành Nhân” của J.J. Rousseau để giải quyết những vấn đề chính trị bằng giáo dục, thì Arendt làm công việc ngược lại là trả mỗi lĩnh vực về với đúng vị trí ban đầu của chúng.

Các nhà giáo dục tiến bộ xây dựng hệ thống giáo dục, bao gồm những khoa sư phạm giáo dục hiện đại thích hợp với trẻ em. Tuy nhiên, đối với Arendt, chúng không đáp ứng được nhu cầu thực tế và bản chất của giáo dục. Vậy phải chăng, Arendt ủng hộ một nền giáo dục truyền thống và bảo thủ với những phương pháp học trong quá khứ, vốn không đề cao những khả năng của trẻ em, bao gồm những gì mà J.J. Rousseau mô tả trong tác phẩm “Emile hay là về Giáo dục”? Quả thực, trong những phê bình giáo dục tiến bộ, Arendt chấp nhận một lối giáo dục bảo thủ và tôn trọng truyền thống. Arendt cũng không đề xuất một khoa sư phạm mới, nhưng chỉ muốn thay đổi cái nhìn của tất cả mọi người về giáo dục. Bởi vì chính bản chất cốt lõi của giáo dục đặt nền tảng trên tình yêu sẽ là điều quyết định những lý thuyết và phương pháp trong thực tế.

Hơn nữa, những quan điểm của giáo dục tiến bộ quả là hấp dẫn những con người sống theo chủ nghĩa duy lý ở Châu Âu và thực dụng ở Châu Mỹ, tuy nhiên, đó không phải là tất cả những gì con người có thể theo đuổi cho chính bản thân và cho thế giới. Bởi vì, cho dù giáo dục có áp dụng triệt để những triết lý và khoa sư phạm này thì bản thân chúng vẫn còn chứa đầy những sự ảo tưởng và những điều không chắc chắn. Nói cách khác, Arendt chú trọng đến con người được nhìn một cách tổng thể trong thế giới quan, bao gồm cả không gian và thời gian. Con người hiện sinh trong thế giới hiện tại không chỉ được xem xét như là một sinh vật có khả năng của trí óc, mà còn là khả năng tương quan, bao gồm những cảm xúc và những yếu tố khác cấu thành nên con người. Do đó, Arendt thực sự không đưa ra thêm bất kỳ một triết lý hay phương pháp mới nào cho giáo dục, nhưng bà đã cố gắng làm cho giáo dục phản tỉnh về chính mình.

Ở trong một khía cạnh khác, con người cần giải quyết những vấn đề của mình trong địa hạt chính trị, chứ không phải là chạy trốn sang một địa hạt khác. Sự trốn chạy khỏi thế giới chung đồng nghĩa với việc con người từ bỏ những cuộc đàm phán giúp tìm lợi ích cho ngôi nhà chung của nhân loại. Đưa những vấn đề chính trị vào trong nhà trường chẳng khác nào một sự áp đặt hệ tư tưởng, như đã từng xảy ra ở Đức Quốc xã, hay tại các nhà nước cộng sản. Đồng hóa những con người trong cùng một ý thức hệ để không ai có thể phát biểu hay đưa ra các định kiến trái chiều về những chính sách của chính quyền. Đó là một hình thức cai trị rất tinh vi mà không phải người dân nào cũng nhận ra. Arendt cho rằng một xã hội được tổ chức như thế chẳng khác nào sự diệt chủng của Hitler, một hình thức toàn trị mang lại sự hủy hoại và tàn phá xã hội trong thế giới chính trị. Do đó, không cho phép chính trị hóa giáo dục cũng là nỗ lực ngăn cản một lối sống độc tài có thể xảy ra trong xã hội.

Tuy nhiên, trong tác phẩm Điều Kiện Con Người, Arendt đã cho rằng hành động vốn thuộc lĩnh vực chính trị, và sự sinh hạ cũng là phạm trù trung tâm của lĩnh vực chính trị.[74] Do đó, cả hai phạm trù: hành động và sự sinh hạ đều thuộc về lĩnh vực chính trị. Vậy liệu Arendt có tự mâu thuẫn với chính mình khi bà vừa cho rằng bản chất của giáo dục là sự sinh hạ, trong khi đó bà lại muốn tách địa hạt của giáo dục ra khỏi địa hạt của chính trị? Theo tôi, cho dù Arendt có hợp lý khi muốn tách môi trường giáo dục ra khỏi môi trường chính trị thì hẳn bà không muốn làm đứt đi mối liên hệ giữa gia đình, nhà trường và thế giới. Chính vì sự sinh hạ là nền tảng cho cả hai lĩnh vực này, nên Hannah Arendt không thể tách rời một cách dứt khoát hai lĩnh vực này.

Nói tóm lại, những đóng góp của Arendt thực sự đã giúp làm rõ và phân biệt rạch ròi các yếu tố cần thiết trong lĩnh vực giáo dục nhờ những cái nhìn nhân học và chính trị. Bản thân con người và những điều kiện con người sẽ làm nên những chân giá trị và ý nghĩa không chỉ cho giáo dục mà cho mọi hoạt động khác của con người trong thế giới.

Kết luận

Trong tác phẩm Cuộc khủng hoảng trong Giáo dục, Hannah Arendt đã cho thấy một hướng đi để giúp giáo dục thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của cuộc khủng hoảng là:

Chúng ta phải tách rời cách dứt khoát địa hạt của giáo dục ra khỏi những điều khác, hầu hết từ địa hạt công và đời sống chính trị, để áp dụng cho riêng giáo dục khái niệm về thẩm quyền và một thái độ hướng về quá khứ phù hợp với nó, nhưng việc áp dụng này không có giá trị chung và không được đòi hỏi tính hợp lệ chung trong thế giới của người lớn.[75]

Trong hướng đi này, những mâu thuẫn giữa thực tại và lý thuyết trong vấn đề về thẩm quyền và chính trị sẽ được giải quyết. Tuy nhiên để thực sự làm được công việc tách rời này, Arendt đã phải nại đến Tình Yêu Dành Cho Thế Giới. Quả thế, dường như đối với Arendt Tình Yêu chính là giải pháp tuyệt hảo nhất để giải quyết mọi mâu thuẫn trong thế giới và giúp con người hướng đến một lối sống tích cực đối với con người và thế giới.

Người ta có thể nói rằng mọi tư tưởng của Arendt đều được nhìn dưới góc cạnh chính trị, thế nhưng qua tác phẩm Cuộc khủng hoảng trong Giáo dục ta nhận thấy chính những suy tư chính trị đó lại giúp cho các vấn đề được bộc lộ bản chất cách rõ ràng. Như những gì đã được bàn đến trong bài viết ngắn này, Arendt đã cho thấy rằng không phải lúc nào chính trị cũng có thể áp đặt quyền hạn của mình lên trên các lĩnh vực khác. Trái lại, bà đã trả mỗi lĩnh vực về đúng vị trí và vai trò của nó. Ngoài ra, bà cũng cho thấy một triết gia không chỉ có những suy tư trên cái đầu khô khan, nhưng còn có những lập luận dựa trên một mối bận tâm lớn lao dành cho con người và cho thế giới. Điều đó thể hiện tình yêu của Arendt đối với con người và thế giới mà bà đang sống. Cụ thể hơn, bà đòi hỏi giáo dục phải phản tỉnh về chính mình. Giáo dục phải có một tình yêu đối với trẻ em và đối với thế giới, và tình yêu đó thật cụ thể khi nó gắn liền với trách nhiệm. Quả thế, sứ mạng của giáo dục là gì nếu không phải là dạy cho trẻ em đừng sống vô cảm.

Có thể nói, những phản tỉnh này của Arendt tuy chỉ là những cái nhìn đơn sơ về con người và thế giới nhưng cũng đã tạo nên một sự chú ý lớn, và ảnh hưởng không nhỏ đến những nhà giáo dục hiện nay. Hy vọng rằng, quan niệm về giáo dục của Hannah giúp mở lối khắc phục khủng hoảng trong giáo dục không chỉ ở Mỹ mà còn các cuộc khủng hoảng tương tự của các nước khác trên thế giới trong đó có Việt Nam. Qua đó, giáo dục cũng sẽ thực hiện được đúng chức năng của mình để trở thành một môi trường hữu ích cho sự phát triển của con người, giúp con người có khả năng tái tạo thế giới trở thành một nơi đáng sống.

 


[1] H. Arendt, Between Past and Future, (NewYork: The Viking Press, 1961), 196.

[2] H. Arendt, Between Past and Future, 173.

[3] H. Arendt, Between Past and Future, 175.

[4] H. Arendt, Between Past and Future, 175.

[5] H. Arendt, Between Past and Future, 176.

[6] D. Ravitch, Left Back: A Century of Failed School Reforms, (NewYork: Simon & Schuster, 2000), tr. 53.

[7] D. Ravitch, Left Back: A Century of Failed School Reforms, 203.

[8] Các nhà giáo dục tiến bộ rất khôn ngoan khi cam kết ‘trường học như là một mô hình cộng đồng dân chủ’. Trường học sẽ làm nên cuộc cải cách giáo dục và trở thành một khí cụ cho cuộc cải cách xã hội. Cuộc cải cách xã hội nhờ giáo dục mang tính tổng thể xoay quanh những nguyên lý của công bằng xã hội và bình đẳng dân chủ. Xem thêm tại A. Schutz, Social Class, Social Action, and Education – The Failure of Progressive Democracy, (New York: Palgrave Macmillan, 2010), 10-11.

[9] H. Arendt, Between Past and Future, 174.

[10] Một thí dụ điển hình cho những cải cách của các nhà giáo dục tiến bộ đưa ra là dạy trẻ em đọc chữ. Thay vì dạy các trẻ em học phát âm cơ bản theo mẫu tự abc truyền thống, các nhà giáo dục tiến bộ dạy các học sinh của mình học thuộc từng từ vựng. Rudolf Flesch cho rằng điều này chẳng khác gì cho các em học chữ Trung Quốc, vốn hoàn toàn xa lạ. Ông cũng chỉ ra phương pháp này đã gây khó khăn cho các học sinh như thế nào. Hệ quả của phương pháp này là có rất nhiều trẻ em “mù chữ” (chậm chạp hoặc thiếu khả năng trong việc đọc). Cuộc bút chiến giữa các nhà giáo dục đã gây một sự chú ý của toàn xã hội, và một ủy ban khoa học đã nghiên cứu và giải quyết vấn đề này. Kết quả cho thấy rằng, các nhà giáo dục tiến bộ đã đi sai về mặt phương pháp. Vì thế các gia đình cũng mất niềm tin vào các trường công lập vốn áp dụng triệt để khoa sư phạm của các nhà giáo dục tiến bộ cho con cái của họ. Xem thêm tại Sam Blumenfeld, Why Johnny Still Can’t Read, thenewamerican.com, http://www.thenewamerican.com/reviews/opinion/item/10752-why-johnny-still-cant-read (accessed 5th August 2016).

[11] H. Arendt, Between Past and Future, 179.

[12] H. Arendt, Between Past and Future, 178.

[13] Chủ nghĩa toàn trị “tước bỏ năng lực phán đoán và khả năng hành động chung. Thay cho tính đa dạng của những hành động khác nhau là sự tập thể hoá và đồng dạng hoá. Nó phân hoá nhân cách. Như tôi sẽ phân tích khi nhìn vào trại tập trung của chế độ quốc xã, nó muốn làm cho con người trở nên thừa thãi.” B.V.N.Sơn, “Chat” với Hannah Arendt, (Tp. HCM: nxb Trẻ, 2016), 26.

[14] H. Arendt, Between Past and Future, 180.

[15]Sau khi các đứa trẻ được sinh ra, chúng sẽ được giao cho những người chuyên môn trông coi,… Con cái của các cha mẹ giống tốt sẽ được đưa tới nơi tập thể ở một khu vực riêng biệt trong thành phố, ở đó chúng được chăm sóc bởi các bảo mẫu. Còn con cái của ác cha mẹ giống xấu sẽ được đưa đi một nơi kín đáo không cho biết…” B. Jowett & M.J. Knight, Plato Chuyên Khảo, Biên dịch Lưu Văn Hy & Trí Tri, (Tp HCM: Nxb Văn Hoá Thông Tin, 2008), 140-141.

[16] H. Arendt, Between Past and Future, 176.

[17]H. Arendt, Between Past and Future, 74.

[18] H. Arendt, The Human Condition, (Chicago: The University of Chicago Press, 1958), 11.

[19] Bà đã tự nguyện phân biệt và phủ nhận cách tiếp cận của mình như là cách tiếp cận của Siêu hình học, hơn nữa chính nhờ cách tiếp cận hiện tượng học hiện sinh, Arendt mới có thể đi vào trong địa hạt của chính trị. Xem thêm tại Hannah Arendt, The Human Condition, 9

[20] P. Bowen-Moore, Hannah Arendt’s Philosophy of Natality, (London: The Macmillan Press, 1989), 5.

[21] P. Bowen-Moore, Hannah Arendt’s Philosophy of Natality, tr. 2-5.

[22] P. Hayden, Hannah Arendt Key Concepts, (New York: Routledge, 2014), 26.

[23] H. Arendt, The Human Condition, 97.

[24] H. Arendt, Between Past and Future, 195.

[25] H. Arendt, The Origins of Totalitarianism, (New York: Harcourt Brace Jovanovich, Inc., 1973), 479.

[26] H. Arendt, The Human Condition, 9.

[27] H. Arendt, Between Past and Future, 189.

[28] H. Arendt, The Human Condition, 178.

[29] H. Arendt, Between Past and Future, 196.

[30] H. Arendt, The Human Condition, 178.

[31] P. Hayden, Hannah Arendt Key Concepts, 52.

[32] P. Hayden, Hannah Arendt Key Concepts, 54.

[33] P. Hayden, Hannah Arendt Key Concepts, 57.

[34] P. Hayden, Hannah Arendt Key Concepts, 57.

[35] P. Hayden, Hannah Arendt Key Concepts, 59.

[36] P. Hayden, Hannah Arendt Key Concepts, 59.

[37] H. Arendt, Between Past and Future, 185.

[38] H. Arendt, Between Past and Future, 192

[39] H. Arendt, Between Past and Future, 196.

[40] Trong giới hạn của cuộc hiện hữu của con người, giữa điểm khởi đầu là sự sinh hạ và điểm kết là sự lìa bỏ thể giới, con người sống dựa trên ba loại hành vi: lao động (labour) tạo tác (work) và hành động (action). Trong đó, Arendt phân biệt ba loại hành vi này khi cho rằng: lao động giúp con người duy trì sự sống, tạo tác khắc phục tính chóng qua của con người còn hành động thì liên quan đến thân thể chính trị. Cả ba hành vi này đều tác động đến thế giới và tạo cho thế giới một sản phẩm hay một môi trường sống cho con người. Lao động có thể lấy những chất liệu từ thế giới để tạo nên những sản phẩm mới giúp con người sinh tồn, còn tạo tác giúp con người sáng tạo các sản phẩm bằng chính lý trí của mình. Đối với “hành động”, con người lấy chất liệu từ khả năng của chính mình để trao ban cho thế giới. Như là những món quà, những khả năng này góp phần làm biến đổi thế giới. Xem thêm tại H. Arendt, The Human Condition, 9.

[41] H. Arendt, The Human Condition, 247.

[42] H. Arendt, The Human Condition, 9.

[43] H. Arendt, The Human Condition, 178.

[44] H. Arendt, The Human Condition, 178.

[45] P. Bowen-Moore, Hannah Arendt’s Philosophy of Natality, 42.

[46] H. Arendt, Between Past and Future, 185.

[47] H. Arendt, Between Past and Future, 185.

[48] H. Arendt, The Human Condition, 196.

[49] H. Arendt, The Human Condition, 196.

[50] H. Arendt, Between Past and Future, 186.

[51] H. Arendt, The Human Condition, 188.

[52] H. Arendt, The Human Condition, 186.

[53] H. Arendt, The Human Condition, 187.

[54] H. Arendt, The Human Condition, 187.

[55] H. Arendt, The Human Condition, viii.

[56] M. Passerin d’Entrèves, The Political Philosophy of Hannah Arendt, (London: Routledge, 1994), 17.

[57] M. Passerin d’Entrèves, The Political Philosophy of Hannah Arendt, 1.

[58] H. Arendt, The Human Condition, ix.

[59] H. Arendt, The Human Condition, 2

[60] H. Arendt, Between Past and Future, tr.176

[61] Bởi vì, cả hai đều có chung một nguồn gốc từ những khả năng hành động của sự sinh hạ, nhưng khác nhau giữa một bên là tiềm năng và một bên là hiện thể. Vì thế, những hành động có tính chính trị của những người mới đi vào thế giới chỉ ở dạng tiềm năng, chúng chỉ có tính chính trị khi chúng có khả năng đảm nhận những trách nhiệm cách thực sự trong thế giới của người lớn.

[62] H. Arendt, Between Past and Future, 190.

[63] H. Arendt, Between Past and Future,195

[64] Nghĩa của từ ngữ Thẩm quyền (Authority) khác với Quyền lực (Power) hiểu theo nghĩa sức mạnh, Quyền (Rights).

[65] H. Arendt, Between Past and Future, 92-93.

[66] H. Arendt, Between Past and Future,106.

[67] P. Hayden, Hannah Arendt Key Concepts, 140-141.

[68] H. Arendt, Between Past and Future, 93.

[69] B. V. N. Sơn, “Chat” với Hannah Arendt, 124.

[70] H. Arendt, Between Past and Future, 190.

[71] H. Arendt, Between Past and Future, 196.

[72] P. Bowen-Moore, Hannah Arendt’s Philosophy of Natality, 2.

[73] P. Bowen-Moore, Hannah Arendt’s Philosophy of Natality, 6.

[74] H. Arendt, The Human Conditon, p. ix

[75] H. Arendt, Between Past and Future, 195.