Môn học: Ba Ngôi

Học viên: Nguyễn Khánh Duy, S.J.

Vấn đề Filioque được người viết làm rõ về nguồn gốc, nội dung cùng với hệ quả kéo theo là cuộc đại ly giáo Đông-Tây năm 1054. Filioque được Giáo Hội Công Giáo thêm vào kinh tin kính không nhằm phát biểu một tín điều nào khác về Chúa Ba Ngôi nhưng để nhấn mạnh tới sự “hiệp thông bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con”, trong khi truyền thống Đông Phương muốn nhấn mạnh đến tư cách “Khởi Nguyên số một của Chúa Cha.” Do đó, không có sự sai khác trầm trọng trong niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Vậy nên, việc nối lại đối thoại hướng đến đại kết giữa hai giáo hội là hoàn toàn khả thi.

 

Dẫn nhập.

Một trong những lý do của cuộc đại ly giáo Đông -Tây năm 1054 là lý do về thần học: vấn đề Filioque – “và bởi Chúa Con.” Filioque là cụm từ được Giáo Hội Công giáo thêm vào trong kinh tin kính Nicea-Constantinope khi nói đến nguồn gốc của Chúa Thánh Thần. Qua Filioque, Giáo Hội khẳng định sự hiệp thông đồng bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con, và từ mối hiệp thông này mà Chúa Thánh Thần xuất phát ra, nói khác đi, Thánh Thần nhiệm xuất từ Cha và Con. Trong khi đó, Chính thống giáo vẫn xác quyết rằng Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha qua Chúa Con. Bài viết này, trước hết sẽ bàn đến cách sơ lược về lịch sử của giáo lý Filioque,  khởi đi từ một suy tư thần học của các giáo phụ La-tinh đã trở nên tín điều được tuyên xưng trong kinh tin kính. Phần tiếp theo sẽ đưa ra những nền tảng thần học cho thấy tại sao Giáo Hội Công giáo lại xem đây như một chân lý đức tin cần được bảo vệ. Nhưng liệu Filioque còn tiếp tục là một trở ngại cho tiến trình đại kết giữa Đông và Tây trong bối cảnh hôm nay. Phần này sẽ được bàn đến trong phần thứ ba cũng là phần cuối cùng của bài viết.

1. Sơ lược lịch sử về Filioque.

Ngày từ đầu, thời trước công đồng Chacedon, truyền thống cổ xưa của La-tinh và Alexandria, với các giáo phụ như Tertulian, Hillary, Marius Victorius, và Leo cả đã đề cập đến Filioque trong các suy tư và giáo huấn của mình[1], và tư tưởng này đã dần trở nên phổ biến tại phương Tây. Từ cuối thế kỷ thứ 6, ở Tây Ban Nha tái xuất hiện lạc thuyết Arius, lạc thuyết này từ chối Chúa Con là Thiên Chúa. Để khẳng định Chúa Con là Thiên Chúa thật, một số giáo phận đã thêm “Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha và Chúa Con mà ra.” Công đồng địa phương Toledo họp năm 589 đã bổ sung Filioque vào kinh tin kính và còn ra vạ tuyệt thông cho những ai từ chối lời dạy này. Giáo hội Đông phương cho rằng công đồng Toledo đã vi phạm quyết định của các công đồng chung Constantinope (381), Ephesus (431), và Chalcedon (451).

Lịch sử ghi lại hoàng đế Charlemagne đọc kinh tin kính có thêm Filioque trong các buổi cử hành phụng vụ trong toàn đế quốc. Lúc đó các giáo hoàng dù không phản đối những cũng chưa thêm cụm từ này vào trong kinh tin kính ở Roma vì cho rằng có sự thay đổi với kinh tin kính ban đầu. Thực ra, Kitô giáo phương Tây đều đã coi Filioque như là một cấu tố cơ bản trong đức tin của mình. Sau đó, năm 1014 dưới thời Đức Giáo hoàng Benedicto VIII, Filioque mới được thêm vào kinh tin kính trong nghi lễ trao vương miện cho vua Henry II tại Roma. Các giáo phụ phương Đông dù ý thức về Filioque trong thần học của phương Tây nhưng cách chung không xem đó là lạc giáo[2], nhưng việc Đấng kế vị thánh Phêrô ở Roma chấp thuận và thêm Filioque vào kinh tin kính là điều rất trầm trọng[3], điều đó làm cho tương quan giữa giáo hội Đông và Tây trở nên căng thẳng, mà cao điểm là biến cố ra vạ tuyệt thông lẫn nhau giữa đức thượng phụ Michael Cearularius và hồng y đại diện đức giáo hoàng Humbert of Silva Candida năm 1054.

Giáo Hội Công giáo cũng tái khẳng định Filioque tại các công đồng Lateran năm 1215, Lyons II năm 1274 với giải thích thêm rằng Thánh Thần đến từ Cha và Con không phải từ hai nhưng là một nguyên lý duy nhất, và tại công đồng Florentia năm 1439. Thời gian dài sau đó là thời kỳ của ly khai, mỗi bên Đông và Tây đều khai triển cho mình một thể dạng thần học nhằm vào việc phi bác đối phương.[4] Đến thế kỷ 20, Đức giáo hoàng Phaolo VI trong tuyên xưng đức tin năm 1968 một lần nữa khẳng định rằng: “Chúng tôi tin vào Chúa Thánh Thần, ngôi vị không được tạo ra nhưng xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con như là một tình yêu vĩnh cửu giữa cả Hai Ngôi.” Năm 1979, việc nối lại đối thoại giữa Công giáo và Chính thống giáo đã được bắt đầu. Theo chiều hướng này, Tòa thánh Vatican có ngưng dùng cụm từ Filioque trong một ít văn kiện cũng như trong một vài nghi thức phụng vụ, tất nhiên là không chối bỏ giáo lý[5] về nguồn gốc Chúa Thánh Thần đã được định tín ở các công đồng Lateran, Lyons II, và Florence. Có thể nói, qua suốt dòng lịch sử, Filioque trở nên một yếu tố cơ bản trong đức tin Công giáo[6].  

2. Nền tảng thần học của Filioque.

Các giáo phụ Latinh như Augustine, Alsem, Victor và đặc biệt là Thomas Aquinas đã nói đến Filioque trong hệ thống thần học của mình khi suy tư về sự hiện diện của Ba Ngôi Vị trong một Thiên Chúa duy nhất. Theo học thuyết của Thomas, nguyên lý tuyệt đối là Chúa Cha (Ngôi Cha) mà từ đó hai Ngôi Vị còn lại được phát xuất ra. Tiến trình này được gọi là nhiệm xuất, tức Ngôi này có nguồn gốc từ Ngôi kia. Ngôi Con phát xuất qua hành động gọi là nhiệm sinh (generation), còn Thánh Thần gọi là nhiệm xuy (spiration). Các Ngôi vị phân biệt với nhau ở chính tương quan của mình với nguồn mà mình được phát sinh. Có bốn loại tương quan, tương quan Cha và Con (Phụ hệ – nhiệm sinh chủ động), Con với Cha (Tử hệ – nhiệm sinh thụ động), tương quan của Cha và Con với Thánh Thần (nhiệm xuy chủ động), và tương quan giữa Thánh Thần với Cha và Con (nhiệm xuy thụ động).[7] Trong đó Chúa Con phát xuất từ cặp tương quan đầu, còn Thánh Thần từ cặp tương quan thứ hai. Các Ngôi Vị dù đồng nhất với nhau nhưng căn tính của mỗi Ngôi có phân biệt và được xác định rõ qua “các tương quan đối cách”, tức mối tương quan xác định lẫn nhau dựa theo nguồn gốc[8] như giữa tử hệ và phụ hệ hay nhiệm xuy chủ động và nhiệm xuy thụ động.

Từ những tiền đề này, chúng ta suy ra việc phát xuất của Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Và Chúa Thánh Thần nhất thiết phải xuất phát từ Chúa Con. Đó là vì Chúa Con đồng bản thể với Cha, giống Cha mọi đàng trừ việc “được gọi là Cha.” Vì vậy, nếu Chúa Cha là nguồn phát sinh ra Thánh Thần thì Chúa Con cũng như Cha, Chúa Con từ đời đời cũng có việc phát xuất đó, Chúa con cũng là nguồn phát xuất ra Thánh Thần, tức Chúa Con cùng Chúa Cha trong một nguyên lý duy nhất phát sinh ra Thánh Thần. Thánh Thần phân biệt với Chúa Con bởi “tương quan đối cách” như đã nêu trên, vì khác biệt trong tương quan với nguồn mà mình được phát xuất ra. Và nếu Thánh Thần không xuất phát từ Chúa Con thì không thể lý giải sự khác biệt giữa hai Ngôi Vị này. Đây là điều bế tắc của một số tư tưởng Đông phương, trung thành với kinh tin kính Constantinope 381, cho rằng Thánh Thần chỉ duy xuất phát từ Chúa Cha.

Bên cạnh đó, thần học La-tinh dùng từ phát xuất (procedere) để chỉ về hoạt động nội tại trong Ba Ngôi, Chúa Cha là nguồn phát xuất ra Chúa Con và Chúa Thánh Thần[9]. Nhưng hoạt động nội tại trong Ba Ngôi cũng có liên quan đến hoạt động của Ba Ngôi đối với thế giới và con người (econnomy Trinity). Nói khác đi “phát xuất” cũng chỉ đến sứ mạng của các Ngôi Vị trong công trình cứu chuộc.[10] Sứ mạng này giả thiết việc bao hàm một chủ thể của hành động sai đi.[11] Chủ thể hay nguồn xuất phát của Ngôi Vị nào thì cũng có thể sai gửi Ngôi Vị ấy. Tân ước thuật lại việc Chúa Con được Cha sai đi (x. Ga 5:23; 6:38-39) và Chúa Thánh Thần được Cha sai gửi đến với con người (x. Ga 14:26; Gl 4:6). Nhưng Thánh Thần không chỉ được Cha sai bởi Cha, nhưng còn bởi cả Chúa Con. Thánh Gioan cho thấy chính Đức Giêsu sẽ sai Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần đến với các môn đệ (x. Ga 15:26, 16:7). Trong sứ mạng của Thánh Thần, cả Chúa Cha và Chúa Con cùng hoạt động, “Đấng mà Thầy sai đến với anh em, Người là Thần khí sự thật xuất phát từ Cha.” Dù không được nói đến cách trực tiếp trong Kinh Thánh nhưng hiểu theo nghĩa loại suy, giải thích ở trên cho thấy nền tảng Kinh Thánh của Filioque. 

Một bằng chứng kinh thánh khác là ở trong sách Khải Huyền: “Rồi thiên thần chỉ cho tôi thấy một con sông có nước trường sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên” (Kh 22:1). Hình ảnh dòng sông nước trường sinh ở đây được hiểu trong sự nối kết với hình ảnh nước hằng sống Chúa Giêsu ban cho chị phụ nữ Samaria (Ga 4:10). Do đó, dòng sông nước trường sinh ám chỉ đến Chúa Thánh Thần, và sách giáo lý Giáo Hội Công Giáo còn cho đây là một biểu tượng đẹp nhất về Chúa Thánh Thần. (GLHTCG, số 1137). Từ “chảy ra” đoạn câu này trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “phát xuất ra”, và từ này cũng được dùng trong Ga 15:26 để nói đến nguồn gốc của Chúa Thánh Thần xuất phát từ Cha. Vì thế, dòng sông nước trường sinh chảy ra từ ngai Thiên Chúa và Con Chiên diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, mà trong đó Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con.

Một số thần học gia Đông phương tại công đồng Florence phản đối rằng việc thêm Filioque đã vi phạm sắc lệnh của công đồng Ephesus 431, không ai được tuyên xưng, viết hoặc soạn thảo khác với những gì khác với tuyên xưng của các giáo phụ tại công đồng Nicea 325.[12] Thực ra, việc thêm Filioque là để nhắm đến việc bảo vệ đức tin, và việc thêm này không có bất cứ thay đổi nào về những lời trong kinh tin kính tại Nicea. Thêm Filioque không vi phạm sắc lệnh của Nicea vì kinh tin kính Nicea thì chưa nói đến Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha, điều mà sau này mới được đề cập tại Constantinope và được định tín tại Chaceldon. Cũng giống như việc thêm homoousias tại công đồng Nicea hay việc thêm tuyên xưng về Chúa Thánh Thần tại Constantinope, thì việc các đức giáo hoàng và các công đồng sau nay thêm Filioque vào kinh tin kính để nói rõ tương quan giữa Chúa Con và Thánh Thần cũng là điều hợp lý.[13] Hơn nữa, Filioque không phải là điều gì mới do các đức giáo hoàng hay các công đồng tự nghĩ ra, nhưng đã là điều đã trở nên phổ biến và được chấp nhận như một yếu tố cơ bản của đức tin Công Giáo. Với những nền tảng từ Kinh Thánh và truyền thống của Giáo Hội, Filioque được xem là một chân lý đức tin cần được bảo tồn và lưu giữ. Nhưng liệu trong bối cảnh ngày nay, Filioque có còn bị xem một cản trở đối với tiến trình đại kết như nó từng là một nguyên nhân gây chia rẽ giữa Đông và Tây năm 1054?

3. Filioque có còn là một ngăn trở đối với đại kết? 

Ngày hôm nay, có lẽ người ta không còn nhìn Filioque như một vấn đề gây chia rẽ như trước kia. Dù nhiều người chính thống vẫn coi đây là một trở ngại, nhưng phần lớn các thần học gia hiện nay cho rằng vấn đề Filioque chỉ là một vấn đề không quan yếu, một thay đổi có thể ít nhiều chấp nhận được.[14] Ủy ban đối thoại thần học giữa chính thống và công giáo tại Bắc Mỹ nhóm họp năm 2003, đã cùng đưa ra tuyên bố rằng vấn đề Filioque không còn được xem như ngăn trở sự hòa giải và hiệp thông giữa Đông và Tây nữa.[15] Không những thế, một giám mục chính thống là Kallistos Ware, người từng kịch liệt chống đối giáo lý Filioque, nay đã thừa nhận rằng vấn đề chỉ là cách sử dụng từ ngữ và những điểm nhấn thần học khác nhau hơn là những khác biệt căn bản về giáo thuyết. Vì không phải khác biệt về giáo thuyết nên tranh cãi về Filioque, vốn đã tách biệt 2 giáo hội Đông và Tây trong nhiều thế kỷ, không phải là không thể giải quyết.[16] Do vậy, đại kết vẫn là khả thi vì Filioque không nói lên khác biệt căn bản về giáo thuyết cho bằng vấn đề từ ngữ và những điểm nhấn thần học khác nhau.  

Với mẫu thức “Thánh Thần bởi Cha ngang qua Con mà ra”, truyền thống Đông phương muốn nhấn mạnh tư cách “Khởi Nguyên số một của Chúa Cha”, còn mẫu thức “Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra”, truyền thống Tây phương (Công Giáo) nhấn mạnh tới sự “hiệp thông bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con.” Dù điểm nhấn có khác nhau nhưng hai truyền thống này không đối nghịch nhau, mà có thể bổ sung cho nhau một cách tốt đẹp. Sự bổ túc hợp pháp này, miễn không bị thổi phồng thì không tác động gì đến sự đồng nhất đức tin vào thực tại của cùng một mầu nhiệm được tuyên xưng (GLHTCG, số 248). Trong nỗ lực hướng đến đại kết, một giải pháp mà Giáo Hội Công Giáo đã thực hiện cần được tiếp tục, đó là trong khi bảo vệ giáo lý Filioque thì cũng chấp nhận cho các giáo hội Đông phương khi hiệp thông trở lại với giáo hội Công Giáo có thể tự do sử dụng kinh tin kính có Filioque hoặc không.[17] Thiết nghĩ đây là một trong những bước quan trọng trong tiến trình nỗ lực hiệp thông giữa hai giáo hội Đông và Tây.

Kết luận.

Tóm lại, suốt dọc dài lịch sử giáo hội, từ một suy tư thần học của các giáo phụ, Filioque đã dần trở nên phổ biến và được tuyên tín bởi các công đồng Lateran, Lyons II, và Florence. Cùng những nền tảng Kinh Thánh cũng như truyền thống của giáo hội, giáo lý về Filioque rõ ràng là được xem như một chân lý đức tin của Kitô giáo Tây Phương, cách riêng là giáo hội Công giáo. Dù Filioque đã từng là một trong nguyên nhân gây ra ra cuộc đại ly khai 1054. Mọi sử gia và thần học gia ngày nay đều hiểu rằng hoàn cảnh chính trị và xã hội thời đó là yếu tố chính đem đến chia rẽ 1054, nhưng căn bản thần học, dù tuyên xưng Thánh Thần “đến từ Cha ngang qua Con” hay “đến từ Cha và Con” thì tất cả đều chỉ là những cách diễn đạt khác nhau cho cùng một thực thể: một Thiên Chúa nhưng Ba Ngôi Vị đồng bản thể với nhau.[18] Filioque không diễn tả sự khác biệt căn bản về giáo thuyết nhưng chỉ là vấn đề từ ngữ và những điểm nhấn khác nhau. Thực tế là cả hai giáo hội Đông và Tây đều đang cố gắng hiệp nhất với nhau, nhất là Công Giáo, đang nỗ lữc khuyến khích tín hữu hai bên cùng làm việc với nhau để tái lập cho bằng được nền văn hóa Kitô Giáo trong một thế giới vốn càng ngày càng tục hóa này. Dù đại kết không phải là chuyện một sớm một chiều, nhưng biến cố Đức Giáo hoàng Phaolo VI và giáo chủ Athenagoras của Constantinopolis đã cũng một lúc xóa bỏ án “vạ tuyệt thông lẫn nhau” vào năm 1965, và gần đầy nhất là cuộc gặp gỡ giữa Đức Thượng phụ Bartholomaios và Đức giáo hoàng Phanxicô, đặc biệt là cả hai đã cùng thống nhất tổ chức công đồng chung tại Nicea năm 2025 kỷ niệm 1700 năm công đồng Nicea 325[19], là những tín hiệu đáng mừng của tiến trình hướng đến hợp nhất chung giữa hai giáo hội Đông và Tây như lời ước nguyện của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một.” (Ga 17:21)

 

[1] Avery Dulles, Filioque: What is at stake?, Concordia theological quarterly, vol 59, trang 31

[2] Avery Dulles, trang 32.

[3] Nguyễn Khắc Hỷ, SS., Lịch sử thần học Chúa Ba Ngôi, website: http://mehangcuugiup.net/index.php/toa-bao/thien-chua-va-giao-h-i/261-l-ch-s-th-n-h-c-chua-ba-ngoi.

[4] Philip Gomez, Chúa Thánh Thần, Antôn đuốc sáng, trang 102.

[5] Idem.

[6] Xem thêm thông điệp Dominum et Vivificantem của ĐGH Gioan Phaolo II năm 1986.

[7] Suma theologica, 1.28.4.

[8] Suma Theologica, 1.30.

[9] Philip Gomez, trang 104.

[10] Suma Theologica, 1.43.2.

[11] Philip Gomez, trang 105.

[12] Avery Dulles, trang 44, xem thêm tại Denzinger, 256.

[13] Avery Dulles, trang 44.

[14] Con đường hợp nhất đầy khó khăn, từ website: http://www.vietcatholic.com/News/Html/125477.htm

[15] Michael Gilligan, Filioque, website: http://www.americancatholicpress.org/Father_%20Gilligan_Filioque_clause_page2.html.

[16] Diakonia, trích từ Elias Zoghby’s A Voice from the Byzantine East, 43, được trích lại từ trên website: http://www.catholic.com/tracts/filioque.

[17] Avery Dulles, trang 42.

[18] Nguyễn Khắc Hỷ, SS., Lịch sử thần học Chúa Ba Ngôi, website: http://mehangcuugiup.net/index.php/toa-bao/thien-chua-va-giao-h-i/261-l-ch-s-th-n-h-c-chua-ba-ngoi.

[19] http://www.hdgmvietnam.org/huong-den-nicea-2025/6077.57.7.aspx