Ảnh từ Internet

Môn học: Thần học nền tảng
Giáo sư: Nguyễn Hai Tính, S.J.
Học viên: Nguyễn Hải Đăng, S.J.

Đức tin và mặc khải, hai phạm trù nghe có vẻ quen thuộc đối với nhiều tín hữu Công giáo, thế nhưng, không phải ai cũng hiểu rõ về ý nghĩa của từng từ và mối tương quan của chúng. Việc không hiểu này đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống đức tin của người tín hữu cách tiêu cực. Vì thế, thiết nghĩa việc hiểu tương quan giữa đức tin với mặc khải như một cuộc gặp gỡ với một Thiên Chúa sống động sẽ giúp người dân Việt Nam sống đức tin tích cực hơn.

Bài viết này nêu lên một số vấn đề trong đời sống đức tin của người dân Việt Nam; và dựa vào lý thuyết về đức tin và mặc khải, tác giả đề nghị một vài giải pháp khả dĩ và tích cực hơn cho đời sống đức tin của người tín hữu Việt Nam.

I. Vấn đề

  1. Bối cảnh

Những xứ đạo truyền thống ở Việt Nam vẫn giữ được nét đẹp của một đời sống đức tin mang tính cộng đồng. Chúng ta dễ gặp thấy hình ảnh của những ngôi nhà thờ đông đúc người vào mỗi chiều thứ Bảy và Chúa nhật; những buổi sám hối Mùa Vọng, Mùa Chay được tổ chức khắp nơi. Và người ta vẫn duy trì những giờ đọc kinh liên gia vào những buổi tối trong tuần. Nhà thờ là trung tâm của mọi sinh hoạt chung. Lớn lên trong bầu khí sống đạo như thế, hẳn ai cũng dần có thói quen của một đời sống đạo đức mang tính cộng đồng. Nhưng liệu đó có phải là đức tin của người tín hữu Công giáo không?

Để trả lời cho câu hỏi này, cần phải đặt mỗi cá nhân ra ngoài môi trường giáo xứ. Thực tế cho thấy, vì học tập, vì công ăn việc làm, nhiều người, đa số là giới trẻ bị bứng ra khỏi môi trường giáo xứ quen thuộc đến một nơi khác. Và ở những nơi này, theo đa số các bạn trẻ cho biết, họ đã không còn giữ đạo theo như thói quen ở quê nhà. Cụ thể là, không đọc kinh sáng tối, không đi lễ ngày Chúa nhật, không xưng tội rước lễ, hơn thế còn vướng vào nhiều tệ nạn khác. Tại sao vậy? Đa số các bạn trả lời: thứ nhất, trong dãy nhà trọ chẳng thấy ai đi lễ. Một mình đi, thấy lạc lõng, ngại ngùng và cũng không muốn bị khen là “con chiên ngoan đạo”. Thứ hai, đi học, đi làm cả tuần, nên ngày Chúa nhật muốn ở nhà nghỉ ngơi, giải trí.

  1. Nguyên nhân

Vấn đề nằm ở chỗ nào? Lý do thứ nhất cho thấy họ thiếu tính cá vị trong đời sống đức tin. Vì việc giữ đạo theo tập thể, theo số đông làm cho một sinh viên, một công nhân không thể giữ đạo được khi không có sự hỗ trợ của đám đông, của cộng đồng. Lý do thứ hai sâu xa hơn. Có thể giải thích rằng: đi lễ Chúa nhật thì không quan trọng; hoặc đi lễ thì mất sức và mệt mỏi thêm. Điều này thật trái ngược với lời mời gọi của Chúa: Hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,28-30). Đâu là nguyên do?  Nguyên do dễ nhận ra là họ không thấy niềm vui, ích lợi khi đến nhà thờ. Họ chưa cảm nhận được rằng: Ngày Sabat làm ra vì con người chứ không phải con người vì ngày Sabat (x. Mc 2,27).  Cũng có thể nói đây là do hậu quả của một thói quen đi lễ theo đám đông mà không biết đi lễ là để làm gì, và tại sao phải đi; hay đi lễ cũng chỉ vì luật buộc, vì sức ép của số đông, của gia đình. Tóm lại, vấn đề của lý do thứ hai là đối tượng của đức tin không rõ ràng: tin vào ai hay tin cái gì.

Hai vấn đề các bạn trẻ gặp phải là tính cá vị trong đức tin, tức là chủ thể của đức tin và đối tượng của đức tin. Chủ thể là “tôi tin” chứ không phải người khác; đối tượng của “tôi tin” là Thiên Chúa thật, Thiên Chúa mặc khải chứ không phải do con người nghĩ ra. Vì thế, vấn đề của các bạn trẻ chính là vấn đề liên quan đến đức tin và mặc khải. Giải quyết vấn đề này là việc hiểu đúng về đức tin và mặc khải trong mối tương quan của chúng.

II. Giải quyết vấn đề

Đức tin không phải là tham dự các nghi lễ theo cộng đồng, cũng chẳng phải là giữ các luật lệ, điều răn một cách cứng nhắc; nhưng đức tin là việc đáp lại mặc khải của Thiên Chúa một cách tự do, tự nguyện với trọn cả con người. Thánh Công Đồng Vatican II viết: “đối với Thiên Chúa, Đấng mặc khải, con người phải tỏ bày sự vâng phục bằng đức tin, qua đó con người tự do phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa bằng việc dâng lên Thiên Chúa, Đấng mặc khải, sự quy phục trọn vẹn của lý trí và ý chí, và tự nguyện ưng thuận mặc khải Ngài đã ban.[1]

Về mặc khải, chính Thiên Chúa là Đấng mặc khải; Ngài mặc khải chính Ngài và ý định của Ngài vì con người và cho con người. Thật vậy, thánh công đồng viết: “Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho biết thiên ý nhiệm mầu, và nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa”[2]. Như thế, mặc khải và đức tin có liên hệ chặt chẽ với nhau, đến nỗi, đức tin được coi là bản chất của mặc khải và mặc khải được gọi là mặc khải khi có sự đáp lại của đức tin.[3] Sự liên hệ đó có thể được coi như cuộc gặp gỡ của Thiên Chúa với con người.

Quả vậy, đối với người tín hữu, sống đức tin là sự gặp gỡ Thiên Chúa sống động. Thiên Chúa đó là ai? Thiên Chúa là Đấng đã mặc khải chính mình qua Kinh Thánh bằng lời nói và hành động của Ngài. Theo phái Tin Lành bảo thủ, nổi bật nhất là ông Benjamin B. Warfield, vì Thiên Chúa siêu việt, và con người, do ảnh hưởng của tội nguyên tổ nên không thể hiểu biết về Thiên Chúa bằng mặc khải tự nhiên dù Thiên Chúa tỏ lộ Ngài qua thiên nhiên. Cho nên, cần có mặc khải siêu nhiên để có thể biết được về Thiên Chúa. Mà mặc khải siêu nhiên là những gì đã viết trong Kinh Thánh, là những gì được nói dưới dạng mệnh đề, lời nói.[4] Vì vậy, Kinh Thánh là Lời Chúa theo mặt chữ. Đức Giêsu Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể là Lời trọn vẹn nhất của Thiên Chúa.

Còn theo phái tân Kinh viện, Hội Thánh có quyền giải thích Kinh Thánh và công bố những điều nào là mặc khải vốn không được viết trong Kinh Thánh cách minh nhiên nhưng được tìm thấy trong truyền thống của các Tông đồ. Vì thế, hành vi của đức tin là đón nhận các chân lý được mặc khải trong Kinh Thánh và truyền thống các Tông đồ.[5]

Bên cạnh đó, Thiên Chúa không chỉ mặc khải bằng lời của Ngài mà còn bằng những hành động Ngài đã làm trong lịch sử nhằm tỏ lộ chính Ngài là Chúa và là cùng đích của lịch sử. Biến cố quan trọng nhất đó là cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể. Vì thế, thái độ đáp lại của đức tin là hy vọng và tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đấng tốt lành, yêu thương và thành tín trong mọi việc Chúa làm.[6]

Thiên Chúa mặc khải qua Kinh Thánh, nên đọc Kinh Thánh là cách để gặp gỡ Thiên Chúa. Tuy nhiên, ở đây có thể gây ra một thắc mắc là đối với những người không biết Kinh Thánh thì họ không gặp được Thiên Chúa sao? Theo những nhà thần học quan niệm về mặc khải như kinh nghiệm nội tâm, thì Thiên Chúa, Đấng siêu việt và nội tại tác động trực tiếp vào tâm hồn tạo nên một cảm nghiệm nội tâm hướng về Thiên Chúa.[7] Nên họ có thể gặp gỡ Chúa cách nào đó. Kinh nghiệm nội tâm này có thể được gọi là tiếng lương tâm hay là luật tự nhiên Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Nhưng lương tâm, hay luật tự nhiên đó có thể bị sai lầm, chủ quan, nên để có được lương tâm ngay thẳng và trong sáng, con người cần phải lắng nghe Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh. Vì thế, qua Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh, con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa ngay trong tâm hồn của mình.

Gặp gỡ một Thiên Chúa sống động nơi tâm hồn con người phải là cuộc gặp gỡ cá vị. Quả vậy, Thiên Chúa hôm qua, hôm nay, cũng như ngày mai. Thiên  Chúa trong Cựu ước, cũng là Thiên Chúa trong Tân ước và cũng là Thiên Chúa đang hiện diện với tôi lúc này. Ngài là Thiên Chúa sống động. Bởi thế, gặp gỡ với Thiên Chúa là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa đang nói với tôi, đang tương quan với tôi, và đang cùng tôi hành động ở đây và lúc này. Đó là cuộc gặp gỡ cá vị.

Có một cuộc gặp gỡ cá vị đích thực với Thiên Chúa không những giúp người gặp gỡ sống đức tin của mình cách tích cực mà còn làm phát sinh tinh thần truyền giáo. Quả vậy, người gặp gỡ sẽ sống đức tin của mình mà không sợ hãi đơn độc nơi nhà trọ, nơi quán ăn, chỗ đông người không cùng tôn giáo. Hơn thế, họ còn làm cho Đức Giêsu được biết đến nơi những người chưa gặp Ngài. Câu chuyện người phụ nữ Samari cho thấy điều đó. Sau khi gặp Chúa Giêsu bên bờ giếng, người phụ nữ đã không ngần ngại đi vào giữa làng vốn mà trước đây chị cố lẩn tránh để kể cho người ta về Đức Giêsu và mời gọi họ đến gặp Ngài. Còn những người dân làng, sau khi gặp Chúa đã nói họ đã tin vào Đức Giêsu là Đấng cứu độ trần gian, không phải vì lời nói của người phụ nữ, nhưng vì họ đã gặp gỡ (x. Ga 4,1-42).

Kết luận

Cộng đoàn đức tin rất quan trọng đối với mỗi người tín hữu vì đức tin của mỗi cá nhân cần được nâng đỡ bởi cộng đoàn. Thế nhưng, trước sự mặc khải của Thiên Chúa, mỗi cá nhân cần phải có được đức tin của riêng mình, một đức tin mang tính cá vị nhờ việc khám phá ra tình yêu mặc khải mang tính cứu độ của Thiên Chúa mỗi ngày. Đó là cuộc gặp gỡ mang tính cứu độ.

[1] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Mặc khải Thiên Chúa – Dei Verbum, ch. 1 về chính việc mặc khải: số 5.

[2] Ibid., Số 2.

[3] X. Avery Dulles, Models of Revelation, Doubleday & Company, Inc. Garden City, New York, 1983, tr. 93.

[4] X. Avery Dulles, Models of Revelation, Doubleday & Company, Inc. Garden City, New York, 1983, tr. 37-38.

[5] Ibid., tr. 45-46.

[6] X. Ibid., tr. 60-61.

[7] X. Ibid., tr. 71-72.