Ảnh từ Internet

Môn học: Luân lý Công giáo
Giáo sư: Phạm Văn Ái, S.J.
Học viên: Trương Minh Cao, S.J.

Bài viết trình bày lương tâm trưởng thành và quyền tối thượng của lương tâm theo tinh thần của hiến chế Gaudium et Spes (số 16). Tác giả viết nó như một bài giáo lý dành cho bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên. Bài viết đặt ra những vấn nạn liên quan đến lương tâm trưởng thành, đồng thời cho thấy một lương tâm trưởng thành phải được khuôn đúc bởi cả lý trí đúng đắn lẫn đức tin chân thực, nhờ đó, lương tâm mới có thể thực thi quyền tối thượng của mình trong những phán đoán luân lý.

 

Xã hội ngày này có nhiều thứ luật khác nhau để giúp con người được sống đúng và sống tốt, như: luật tự nhiên, luật luân lý, luật chính trị, luật kinh tế… Tuy nhiên có một thứ “luật” mà con người nhận thấy nó hiện diện nơi thâm cung sâu kín nhất của lòng mình. Nó luôn vang lên trong tâm hồn mỗi khi con người đứng trước một phán đoán và chọn lựa. Không gì có thể ngăn cản được âm giọng của nó để làm lành lánh dữ. Người ta gọi đó là lương tâm. Ngoài việc nhận biết lương tâm là gì, ta cần xem làm thế nào để có một lương tâm trưởng thành và cách thực thi quyền tối thượng của lương tâm?

Lương tâm luân lý là gì theo giáo huấn của Giáo hội?

Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ.” Lương tâm là một thứ ‘luật’ vang vọng trong tâm hồn mỗi người, nhưng không phải do con người đặt ra cho mình. Qua những tiếng nói đúng lúc, thôi thúc con người phải yêu mến điều thiện và tránh điều ác, Thiên Chúa đã nói trong tâm khảm con người. Nếu con người tuân giữ lương tâm thì đó là phẩm giá của họ; còn nếu con người không tuân giữ thì họ sẽ bị chính lương tâm phán xét. Lương tâm có thể giúp con người nhận trách nhiệm về hành vi đã thực hiện. Nếu ta thi hành tốt theo lương tâm, ta sẽ giúp làm chứng cho chân lý phổ quát và đón nhận ơn bình an. Nó sẽ tố cáo những lựa chọn sai trái, nhưng đồng thời cũng hướng dẫn con người tìm đến niềm hy vọng vào lòng thương xót và tha thứ của Chúa, xây dựng nhân đức. Con người có quyền và tự do hành động theo lương tâm, để tự mình có những quyết định luân lý. Không được cưỡng bức ai hành động trái với lương tâm của họ và cũng không được ngăn cản họ hành động theo lương tâm.

Lương tâm khác gì với Siêu ngã?

Lương tâm không phải là Siêu ngã, nhưng có liên quan đến Siêu ngã trong quá trình trưởng thành của con người. Người ta thường gọi Siêu ngã là mệnh lệnh của thời thơ ấu, là những mệnh lệnh đến từ bên ngoài. Việc làm điều này hay điều kia, tránh điều này hay điều kia được đặt nền trên sự sợ hãi bị trừng phạt và mong muốn được nhận thưởng. Ví dụ: con cái nghe lời cha mẹ dạy rằng, khi ăn cơm mà xem ti vi là không tốt. Con giữ lời cha mẹ như thế chỉ vì cha mẹ nói và sợ cha mẹ mắng chứ không phải vì biết được cái giá trị không tốt thật của nó. Thực thi theo Siêu ngã thường bao trùm bởi một bầu khí tiêu cực nhiều hơn. Còn lương tâm thì khác. Đó là thực hiện theo mệnh lệnh nội tâm, có nền tảng là lòng yêu mến. Sau khi tôi đã suy xét, cân nhắc và hiểu rõ giá trị, tôi quyết định thực hiện một hành vi. Hành vi này hoàn toàn là xác tín của tôi và thực hiện nó trong tự do. Ví dụ: tôi không xem ti vi lúc ăn cơm không phải chỉ do cha mẹ nói thế, nhưng tôi còn nhận thấy điều ấy là đúng đắn và xác tín nó nên tôi làm. Thực thi theo lương tâm là cả một bầu khí tích cực, năng động và sáng tạo.

Lương tâm có những chiều kích nào?

Lương tâm có ba chiều kích. Thứ nhất, lương tâm như một khả năng của con người. Đó là khuynh hướng hay khả năng bên trong để nhận biết và làm điều thiện. Nó cũng bao hàm cả cảm thức chung về giá trị và trách nhiệm để giúp đi đến xác quyết về điều tốt luân lý cụ thể. Thứ hai, lương tâm như là một tiến trình. Đó là tiến trình nhận định liên tục về điều tốt cụ thể nên làm hay nên tránh. Nó luôn tìm kiếm để hiểu biết những quy luật luân lý, những trường hợp cụ thể. Nó cũng là quá trình khám phá liên tục, sáng kiến luân lý và đáp lại những tình huống ngoại thường. Nhờ tiến trình mà lương tâm dần hình thành và được khuôn đúc qua kinh nghiệm, và nắm bắt được những nguồn cội của nền khôn ngoan luân lý. Chiều kích thứ ba, lương tâm như một phán quyết. Đây là một chọn lựa điều tốt cụ thể của chính tôi trong một hoàn cảnh cụ thể đòi buộc tôi phải làm. Xác quyết này sẽ diễn tả sự thật về tôi và làm cho tôi trở nên như tôi ‘là’. Nơi đấy chính là cung thánh của tôi, chỉ còn một mình tôi với sự hiện diện của Chúa và không gì có thể phả bỏ được. Một phán quyết hoàn toàn được nội tâm hóa cách cá vị sau khi đã trải qua một quá trình tri nhận.

Lương tâm có sai lầm chăng?

Lương tâm cũng có sai lầm do những lệch lạc trong phán đoán luân lý, có thể xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về Đức Ki-tô và Tin Mừng; từ gương xấu của người khác; nô lệ các đam mê; nghĩ sai lạc về tự do lương tâm; khước từ quyền bính và giáo huấn của Hội thành; thiếu hoán cải và bác ái. Con người phải chịu trách nhiệm luân lý về sự thiếu hiểu biết này, khi họ không mấy lo lắng tìm kiếm chân lý và điều thiện; khi vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần trở nên mù quáng. Còn nếu do giới hạn của bản thân thì họ không chịu trách nhiệm luân lý.

Thế nào là lương tâm trưởng thành?

Lương tâm trưởng thành là một lương tâm phải được rèn luyện và phán đoán luân lý phải được soi sáng. Một lương tâm được rèn luyện tốt sẽ phán đoán ngay thẳng và chân thật. Một lương tâm trưởng thành sẽ đưa ra những phán quyết hợp lý trí và am hợp với ý muốn của Đấng Sáng Tạo đầy khôn ngoan. Một lương tâm phải được rèn luyện là một lương tâm phải trải qua tiến trình nhận định liên tục về điều tốt cụ thể và có nền tảng. Phán đoán phải được học hỏi, được hướng dẫn và được soi sáng liên tục qua: những truyền thống luân lý Ki-tô giáo, Huấn Quyền, chân lý đức tin, Chúa Thánh Thần… Con người sống trong một xã hội có nhiều giá trị quy chiếu khác nhau. Một người chọn dựa trên những gì họ thấy [là một phần những xác tín và giá trị được nội tâm hóa], và cái họ thấy lại tùy thuộc vào tính cách của họ. Cho nên, một lương tâm được huấn luyện sẽ phản chiếu nhiều hệ thống giá trị và xác tín khác nhau; một lương tâm được huấn luyện và trưởng thành [được khuôn đúc bởi đức tin và lý trí] là điều nhất thiết.

Hiểu như thế nào là quyền tối thượng của lương tâm?

Sau một tiến trình tham khảo các nền tảng khôn ngoan, được hướng dẫn và huấn luyện nghiêm túc, lương tâm đạt được một sự hiểu biết rõ về mặt lý trí các giá trị và được nội tâm hóa. Khi đó, nơi cung thánh sâu kín nhất của cõi lòng con người vang lên một tiếng cá vị để quyết định thực hiện một hành vi tốt lành và đúng đắn. Tiếng nói ấy không còn bị chi phối bởi bất kỳ tiếng nói uy quyền nào khác, nhưng ở nơi đó chỉ còn mình tôi trong tự do và một mình Chúa mà thôi. Không gì có thể cản trở được tiếng nói uy quyền ấy. Tiếng nói uy quyền ấy là lời chân lý.

Nhưng có sự mâu thuẫn giữa lương tâm luân lý và giáo huấn của Giáo hội không?

Thực ra lương tâm và Huấn quyền có một mối tương quan khăn khít. Tuy nhiên, đôi khi cũng có căng thẳng, đặc biệt là lúc Huấn quyền bó buộc mà không phải lúc nào cũng có sự đồng tình về phía lương tâm. Lương tâm có thể tìm thấy nơi Huấn quyền một sự hướng dẫn hữu ích, và mở ra cho lương tâm những kinh nghiệm và tầm nhìn rộng rãi hơn. Lương tâm có thể xem Huấn quyền như là tiêu chuẩn tiên quyết cho việc chọn lựa, nhưng đó không phải là yếu tố căn bản duy nhất quyết định việc chọn lựa. Đến lượt mình, Huấn quyền cũng đòi hỏi nơi lương tâm đáp trả lại cách quân bình và đúng đắn – tôn trọng, có hiểu biết, đầy trách nhiệm, trong sự quy chiếu có ưu tiên và rộng mở. Tương quan đúng đắn và thích hợp giữa lương tâm và Huấn quyền là một tương quan hỗ tương nhắm tìm kiếm sự chân thật, sự công chính và sự thiện luân lý. Một tín hữu Công Giáo thực hiện những phán đoán luân lý mà không hề quy chiếu với Huấn quyền sẽ đánh mất quyền hành động như một tín hữu Công Giáo có lương tâm được huấn luyện thích đáng. Một giáo huấn của Giáo hội mà không để ý đến lương tâm cá nhân thì sẽ trở nên độc đoán. Thái độ của Giáo hội là luôn phân định và đối thoại. Vì con người là một cá vị mang tính cách khác nhau và sống trong bối cảnh khác nhau. Giáo hội thì có những nguyên tắc chung, còn áp dụng thì vào những trường hợp cụ thể. Nên khi lương tâm trưởng thành mâu thuẫn với một giáo huấn của Giáo hội, thì lúc này quyền tối thượng của lương tâm ấy cần phải được quan tâm hơn.

Một lý trí được khuôn đúc bởi đức tin, mà đức tin được lý trí soi dẫn, thì lương tâm được khuôn đúc bởi cả lý trí lẫn đức tin như thế là một lương tâm trưởng thành. Lương tâm ấy mở đường cho những chọn lựa đúng và tốt, và trở nên người như chính mỗi cá vị là.

Tài Liệu Tham Khảo

  1. Richard M. Gula, S.S., Reason Informed by Faith, chapters 9-10.
  2. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1776 – 1802, 1998.
  3. Hiến Chế Gaudium Et Spes, số 16.
  4. Phạm Văn Ái, S.J., Bài giảng Huấn Quyền và Đào Tạo Lương Tâm.
  5. Bài đọc tham khảo, Conscience and its role in moral decision making? Should we always follow our conscience?