Tôi gọi là sự sầu khổ… tối tăm trong linh hồn, xao xuyến bề trong… sự lo lắng từ những xao động và cám dỗ khác nhau.

_ Linh Thao, Các quy tắc nhận định thần loại, tuần I, # 4 _

Thánh Inhã-Đấng sáng lập Dòng Tên
(1491-1556)

Thánh I-nhã chú ý đặc tính bất an do cơn sầu khổ và do những tác động đến từ thần dối trá (thần dữ). Ngài nói rằng nếu một người đang tiến “từ điều tốt đến điều tốt hơn” – nghĩa là đang cầu nguyện và đang thực sự tìm kiếm ý Thiên Chúa – lúc đó những tác động của thần dữ sẽ làm cho người đó cảm thấy băn khoăn, lo lắng và bối rối. Một sự thiếu bình an trong tâm hồn người đó có thể được thấy rõ. Những cảm giác tiêu cực về sự sợ hãi, tức giận, lười biếng… sẽ quấy rầy người đó và có vẻ sẽ tác động lớn hơn bản chất thực sự của chúng. Người đó sẽ tin một cách sai lầm rằng những cảm xúc mang tính tiêu cực này là tình trạng nội tâm của mình, và tin điều này là thật.

Sự xao động hoặc bồn chồn nội tâm – điều mà thánh I-nhã gọi là sự bất an – có thể là nét biểu lộ rõ ràng nhất của thần dữ bởi vì chính sự bất an về những đặc điểm khác biểu lộ nguồn gốc của nó. Hãy chú ý đoạn trích dẫn ở trên rằng thánh I-nhã đã không lo lắng nhiều về “các xao động và cám dỗ” nhưng đúng hơn là về “sự bất an do những bối rối và cám dỗ khác nhau”. Những sự bối rối, những cảm giác mang tính tiêu cực, những cám dỗ và những ý nghĩ khó chịu sẽ luôn luôn có. Điều người biết nhận định cần lưu ý là mức độ mà những tác động mang tính tiêu cực ở bên trong ta gây xao động cho sự bình an trong tâm trí của ta.

Nếu tôi nói không có những tâm trạng, những ý nghĩ hoặc những cảm nhận mang tính tiêu cực, tôi đang dối lòng. Các kinh nghiệm này chỉ là một phần của những điều thuộc về con người. Nhưng tôi có thể cầu nguyện và làm việc với các nhận thức và thái độ của tôi về những tâm trạng, những ý nghĩ và những cảm nhận mang tính tiêu cực đó. Thông thường, tôi không thể kiểm soát cách thức mà tôi cảm giác về một điều gì đó. Ví dụ, nếu bạn nói một điều gì đó gây tổn thương cho tôi, tôi sẽ cảm thấy đau đớn trong lòng. Sự phủ nhận tình trạng đau đớn này chỉ làm cho vấn đề thêm xấu thêm. Nhưng tôi có thể kiểm soát thái độ của tôi về những cảm giác đó. Nếu những cảm giác đau khổ trở nên một sức mạnh lèo lái thái độ và các hành động của tôi – nếu chúng dẫn tôi đến những quyết định mang tính bi quan về đời sống của tôi, và nếu chúng sai khiến cách thức tôi hành động – lúc đó tôi đang hành động dưới ảnh hưởng của thần dữ và đang ở trong cơn sầu khổ.

Một truyền thuyết của người Mỹ kể về chuyện một cụ ông đang giải thích cho cháu trai của mình rằng có hai con chó sói bên trong con người ông đang tranh nhau giành quyền kiểm soát các hành động của ông. Một con là thần lành, và con kia là thần dữ. Đứa cháu trai hỏi: “Vậy con nào thắng vậy ông?” Ông cụ trả lời: “Chính là cái con mà ông nuôi nấng.” Đây mới là điểm cốt yếu. Tôi không có chọn lựa về việc có hai con sói trong tôi. Tôi phải đối phó với sự tiêu cực bên trong để đứng về phía thiên đàng. Nhưng tôi có sự chọn lựa trong thái độ của tôi hướng về sự tiêu cực đó. Hai ví dụ dưới đây có thể giúp làm rõ điểm cốt yếu trên.

Một Hành Khách Không Dược Hoan Nghênh

Gần đây, tôi đã bắt chuyến xe buýt dài 26 giờ từ New Orleans đến St. Joseph, Missouri. Tôi đang trên chuyến đi và quyết định sử dụng chuyến đi này như một thời gian cầu nguyện và hồi tâm. Không lâu ở trong chuyến đi, giữa lúc tôi cầu nguyện, tôi nhận ra sự hiện diện của một cơn giận về một việc rắc rối ở quá khứ. Việc rắc rối mà đã gợi ra cơn tức giận thì không có đáng chú ý lắm, và khi nhìn lại sự việc đó một cách khách quan, tôi biết rằng cái đó không có gì quan trọng. Vì thế, tôi bắt đầu xua đuổi những cảm giác tức giận nhỏ nhen này. Nhưng khi chuyến xe buýt vẫn đang đi, mặc dù tôi nỗ lực hết sức nhưng cơn giận bên trong tôi vẫn tăng lên. Thực tế, có vẻ là tôi càng cố gắng tống khứ cơn giận đi thì tôi lại cảm nhận cơn giận tăng lên.

Thời gian trôi đi mà cơn giận vẫn còn. Trong khi đó, khi chiếc xe buýt của tôi cứ đi từ thành phố này đến thành phố khác, tôi để ý rằng khi tôi ngồi bên cửa sổ với một chỗ ngồi trống bên cạnh tôi, có một người đi lên xe buýt và ngồi chỗ trống đó một lát và sau đó rời khỏi xe ở trạm dừng kế tiếp, rồi sau đó có một người khác ngồi vào chỗ đó rồi lại rời khỏi, rồi lại có một người khác nữa ngồi chính chỗ đó, và cứ như vậy lặp lại. Tôi có thể trò chuyện thân thiện và kéo dài với người này, nhưng với người khác thì lại thinh lặng suốt thời gian. Với sự thích thú tôi đã nghĩ rằng mình giống như là một người đang có 50 cuộc hẹn hò đầu tiên, mỗi cuộc hẹn kéo dài khoảng 300 dặm!

Trong khi ấy, tôi đã bắt đầu nhận ra rằng cơn giận của tôi cũng còn đó. Tôi đã cầu nguyện thêm một vài lần về điều này và thình lình đang thấy mình nói chuyện trực tiếp với cơn giận: “Được rồi, cơn giận, mặc dù tao không thể đuổi mày ra khỏi xe được, nên tao đề nghị rằng mày sẽ là một trong số các cuộc hẹn của tao. Vì thế, tao đồng ý sự có mặt của mày ở đây. Mày có thể ở đây và ngồi bên cạnh tao một cách yên lặng trong khi tao cầu nguyện, bao lâu mày không gây ồn ào và bao lâu mày không cố ngồi ở ghế tài xế.” Quả thực, cũng giống như các cuộc hẹn khác của tôi, cơn giận ngồi bên cạnh tôi khoảng 300 dặm và sau đó tự nó xuống xe buýt.

——-

“Những bối rối” sẽ đến và đi vào đời sống. Tôi không thể ngăn chặn chúng đến. Thông thường, khi tôi nỗ lực đá chúng ra khỏi xe, chúng lại trở nên dai dẳng hơn. Bởi vì tôi dồn tất cả sự chú ý của tôi vào chúng, nên bây giờ chúng lại chiếm lấy ghế tài xế. Nhưng nếu tôi để cho thần lành, thần mang lại bình an và yên tĩnh, lái chiếc xe buýt, thì tôi sẽ không bị bối rối đến nỗi biến cơn giận thành bạn đồng hành trên xe.

Còn đây là một là một ví dụ khác về cách thức thần dữ đôi khi cố gắng dùng “các bối rối và các cơn cám dỗ” để điều khiển đời sống của một người và gây ra sự bất an cho người đó.

Một Trường Hợp Về Sự Tức Giận Mang Tính Ngay Thẳng/Chính Dáng

Có một lần tôi tư vấn cho một thanh niên trẻ đang gặp khó khăn, tên anh ấy là Frank. Frank hiếm khi cười và có rất ít bạn bè. Trong các cuộc gặp gỡ ban đầu về tư vấn mục vụ giữa tôi với Frank, anh ta luôn khởi đầu cuộc gặp bằng cách tuôn ra những cảm xúc bị dồn nén về việc anh bị đối xử bất công những năm trước đó. Trong các cuộc gặp gỡ ban đầu này, Frank đã có kinh nghiệm về việc thừa nhận những gì đã xảy ra cho anh cũng như những cảm xúc mà chúng gây ra cho anh. Anh ta đầy sự giận dữ mang tính chính đáng – nghĩa là anh ta nghĩ mình có quyền tức giận – và đang bộc lộ sự tức giận này một cách kịch liệt lần đầu tiên (trước đây anh ta luôn kiềm nén nó). Sự bộc lộ tức giận mang lại cho anh ta một chút bình an và thỏa mãn. Tôi hài lòng và biết rằng “những sự bùng nổ do bị kìm nén” này ở trong văn phòng của tôi là đến từ thần lành.

Nhưng sau một vài tuần gặp gỡ, tôi thấy rằng Frank không còn nói về cơn giận nữa. Thay vào đó, anh ta đang nuôi dưỡng cơn giận và chính anh ta cũng được cơn giận nuôi dưỡng. Chính cơn giận làm cho anh ta ra khỏi giường mỗi sáng và cũng chính nó làm cho anh ta lặng thinh khi gặp bạn bè ở trường.

Tôi bắt đầu nhận ra hai sự chuyển động trái ngược bên trong bên trong Frank. Việc Frank thừa nhận và bộc lộ cơn tức giận của mình trong một bối cảnh thiêng liêng là đến từ thần lành. Nhưng sự bất an về cơn tức giận đó lại đến từ thần dữ. Để cho Frank bước theo con đường của thần lành, anh ta sẽ phải tìm ra những cách thức để chấp nhận sự kiện quá khứ cũng như chấp nhận những cảm xúc hiện tại của mình về sự kiện đó. Nhưng anh ta vẫn sẽ phải có được sự bình an nội tâm về những cảm xúc hiện tại của anh ta. Anh ta sẽ phải bằng lòng coi sự tức giận như một vị hành khách trên xe buýt mà không cho phép cơn tức giận lèo lái chiếc xe.

Chuyển ngữ : Tấn Tài, S.J.