Môn học: Ba Ngôi

Học viên: Trần Vinh Danh, S.J.

Mầu nhiệm Ba Ngôi được tìm hiểu qua những suy tư của các công đồng và của các thánh giáo phụ. Từ đó, người viết cho thấy biến cố thánh giá là một cao điểm của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa khi Ngài tỏ lộ chính mình trong sự cúi xuống phục vụ và hy sinh vì con người. Theo đó, rung cảm sâu xa trước tình yêu và nghĩa cử này, mỗi người vừa đón nhận tình yêu ấy vừa để tình yêu ấy biến đổi tâm hồn để cung cách sống của mình trở nên giống với Cội Nguồn Tình Yêu mà mình được sinh ra: Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương, phục vụ và hy sinh.

 

Nguyện xin ân sủng Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta và tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em (2Cr 13,13). Mỗi lần đọc về công thức Chúa Ba Ngôi, hay nghe lời chào này trong Thánh lễ, tôi cảm thấy một chiều kích siêu việt nhưng gần gũi của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với con người, biểu lộ tình yêu của Ngài. Trong bài viết ngắn này, tôi tìm hiểu vài nét căn bản về mối tương quan tình yêu tuyệt đỉnh của Ba Ngôi Thiên Chúa và con người cũng hưởng tình yêu này để sống trong sự hiệp thông với Ngài muôn đời như thế nào.

1. Tương quan Tình Yêu: Cha – Con – Thánh Thần

Trong giáo huấn về Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo hội Công giáo dạy rằng Chúa Cha và Chúa Con có sự hiệp thông đồng bản thể và từ sự hiệp thông này mà Chúa Thánh Thần xuất phát ra. Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con (filioque). (Đây là một điều khác với Chính Thống giáo vì họ xác quyết rằng Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha qua Chúa Con).

Thật vậy, Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là con người thật. Vì Ngài là Thiên Chúa, đồng bản thể với Thiên Chúa Cha, cho nên “Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha và Chúa Con mà ra.”

Thánh Tô-ma dạy Chúa Cha là nguyên lý tuyệt đối và từ Chúa Cha phát xuất Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đây là một tiến trình nhiệm xuất: Ngôi này có từ Ngôi kia. Ngôi Con nhiệm sinh (generation) từ Ngôi Cha. Thánh Thần nhiệm suy (spiration) từ Chúa Cha và Chúa Con. [1]

Chúa Con giống Chúa Cha mọi sự, chỉ khác là Chúa Cha được gọi là Cha, còn Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha. Cho nên Chúa Cha là nguồn phát sinh ra Thánh Thần thì Chúa Con cũng như Cha, Chúa Con từ đời đời cũng là nguồn phát sinh ra Chúa Thánh Thần.

Vậy, Cha và Con là một nguyên lý duy nhất phát sinh ra Chúa Thánh Thần.

Sau này, để diễn tả hoạt động nội tại trong Ba Ngôi Thiên Chúa, thần học Công Giáo Latinh dùng từ ‘phát xuất’ (procedere): Chúa Cha là nguồn phát xuất ra Chúa Con và Thánh Thần[2]. Hoạt động nội tại này ảnh hưởng, có liên quan đến hoạt động nhiệm cục của Ba Ngôi đối với loài người (econnomy Trinity). Chúa Cha ‘phát xuất’ các Ngôi vị khác trong chương trình cứu độ nhân loại. Ngài chủ động sai đi hai Ngôi vị còn lại. Ngài là nguồn phát xuất của Chúa Con, thì Ngài Sai Chúa Con, đồng thời cũng tương tự như vậy với Chúa Thánh Thần. Chúa Con cũng là nguồn phát xuất Chúa Thánh Thần, nên Chúa Con cũng sai Ngôi vị Thánh Thần đến với nhân loại.[3] Điều này Kinh Thánh nói rõ: Cha là “Đấng đã sai người Con.” Và Người con đến không làm theo ý của riêng mình mà là làm theo ý của Đấng đã sai Người (x. Ga 6,38-39). Chúa Cha cũng sai Chúa Thánh Thần đến trần gian. “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy” (Ga 14,26). Vì Chúa Thánh Thần cũng “phát xuất” từ Chúa Con, nên Chúa Con cũng sai Thánh Thần: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha” (Ga 15,26 và xem Ga 16,7).

Theo Cha Filipe Gomez, S.J., trong đoạn Kinh Thánh nói về con sông mang nước trường sinh trong sách Khải Huyền (Kh 22,1) và hình ảnh người phụ nữ Samaria được Chúa Giê-su ban cho nguồn nước hằng sống (x. Ga 4), hai hình ảnh đó nói lên việc Chúa Thánh Thần, Nguồn Sống “phát xuất” từ Chúa Giê-su. Và trong Ga 15,26 cũng nói lên việc Chúa Thánh Thần “phát xuất” từ Chúa Cha. Qua các hình ảnh này, ta thấy mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Nguồn Nước chảy ra từ Ngai Thiên Chúa và Con Chiên là hình ảnh Thánh Thần xuất phát từ Cha và Con (filioque).[4]

Đến năm 1274, Công đồng Lyons II giải thích rằng Chúa Thánh Thần đến từ Cha và Con không phải từ hai nhưng là một nguyên lý duy nhất.[5] Và gần đây hơn, vào năm 1968, Á Thánh giáo hoàng Phao-lô VI đã tuyên xưng đức tin và khẳng định: “Chúng tôi tin vào Chúa Thánh Thần, ngôi vị không được tạo ra nhưng xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con như là một tình yêu vĩnh cửu giữa cả Hai Ngôi.”[6]

Mối tương quan giữa Thần Khí với Chúa Cha và Chúa Con được Kinh Thánh khẳng định. “Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô” (Rm 8,9). Hoặc “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Ápba, Cha ơi!” (Gl 4,6). Ngôi Ba được gọi là Thần Khí của Đức Giê-su Ki-tô (x. Pl 1,19; Cv 16,7). Về điều này, thánh Cyrilô thành Alexandria viết: “Bởi vì Thánh Thần – Đấng được sai đến với chúng ta và làm cho chúng ta nên giống Thiên Chúa – Phát xuất từ Cha và Con, nên hiển nhiên là Người mang lấy bản tính thần linh…”[7]

Vậy qua nguồn suy tư của các công đồng, của các thánh Giáo Phụ, ta hiểu hơn về sự hiệp nhất nên một của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự hiệp nhất trong yêu thương này không chỉ nằm trong nội tại của Ba Ngôi, nhưng còn thể hiện nơi mầu nhiệm Ba Ngôi cứu chuộc nhân loại trong tình yêu cao độ – tình yêu tự hủy của Ngài.

2. Ba Ngôi Thiên Chúa trong mầu nhiệm phục vụ và cứu chuộc – Tình yêu cao điểm.

Viết như vậy, có vẻ như là hạ thấp Ba Ngôi Thiên Chúa xuống thành một “nhân vật” phục vụ. Ngài phục vụ cao điểm nơi tình yêu Thập Giá. Nhưng đúng là vậy. Theo cách nhìn của thánh I-nhã, Ba Ngôi Thiên Chúa nhìn nhân loại tội lỗi phải đau khổ, phải chết và phải vào hỏa ngục, nên từ thuở đời đời, Ba Ngôi quyết định: “Chúng ta hãy cứu chuộc nhân loại” (Linh thao 102. 107). Sự cứu chuộc này là một mầu nhiệm, mầu nhiệm của tự hủy để phục vụ.

Vinh quang của Thiên Chúa thể hiện nơi sự khiêm nhường phục vụ. Thật vậy, “dầu là Con Thiên Chúa, nhưng Chúa Giê-su không nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). “Ngài làm tất cả những điều đó vì tôi” (Linh Thao 104).

Chúa Ngôi Hai làm người, sống vâng phục dù có chịu nhiều khổ cực. “Dù là Con Thiên Chúa, Người đã trải qua nhiều đau khổ để học biết thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Đức Ki-tô là “tôi trung của Đức Chúa” sống giữa chúng ta như một người phục vụ, như người mục tử tốt lành hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Qua sự tự hủy phục vụ này mà vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện (Pl 2,9). Vậy, Ngôi Hai Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su là Đấng phục vụ.

Chúa Cha cũng là Đấng khiêm nhường và yêu thương con người hết tình. Thật vậy, Chúa Ki-tô là hình ảnh trọn vẹn của Chúa Cha, nên những gì Con làm thì Cha cũng làm. Nhờ sự hy sinh của Chúa Giê-su trên thập giá, trong sự thông phần của Cha và Chúa Thánh Thần, chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm của Tình Yêu tuyệt đỉnh. Và qua đó, Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang của Ngài. Vinh quang này cao cả hơn tất cả mọi vinh quang. Đây là Vinh quang của Thiên Chúa cúi mình phục vụ và phục vụ cho đến chết trên thập giá. Nơi Chúa Giê-su Ki-tô trên thánh giá, ta thấy Chúa Cha khiêm nhường, bỏ mình vì nhân loại.

Thật vậy, trong mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, ta thấy Chúa Cha không duy trì địa vị duy nhất cho chính mình, nhưng đã tự hủy mình mà sinh ra Chúa Con và trao ban cho Con mình những gì Cha có. Đây là hành vi tác sinh của Cha. Ngài là Cha trong tương quan với Con và chỉ hai ngôi vị này biết nhau rõ ràng: “không ai biết Con trừ Chúa Cha, và cũng như không ai biết rõ Chúa Cha trừ Con” (Mt 11,27).

Ngài dựng nên Chúa Con và qua Chúa Con dựng nên muôn loài muôn vật.

Chúa Con cũng vậy, Ngài hy sinh trao ban lại cho Cha tất cả, để Cha dùng Con vì hạnh phúc của con người. Nhưng dù gì đi nữa Ngài vẫn luôn thuộc về Cha: “Con xin phó linh hồn Con trong tay Cha” (Lc 23,46). Trên thập giá, Chúa Con biểu lộ sự vâng phục và thuộc về Cha trọn vẹn. Ngài cũng hiến dâng trọn vẹn vì con người. Không ai ép Ngài làm điều đó, nhưng tự ý Ngài hiến dâng mạng sống (x. Ga 10,17-18) để con người được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).

Hai Cha Con trong chương trình tạo dựng và cứu độ đều liên kết với nhau trong Chúa Thánh Thần. Thần Khí Tình Yêu là mối liên kết tuyệt hảo Chúa Cha và Chúa Con nên một. Cha Con yêu nhau và tùy thuộc vào trong nhau trong Thần Khí.

Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa thật, Ngài là Đấng mạc khải cho nhân loại biết về Chúa Cha và Chúa Con. Ngài cùng với “các tiên tri mà phán dạy” và tiếp tục công việc giáo huấn các môn đệ và Hội Thánh Chúa đi đến “Chân Lý toàn vẹn” (Ga 16,13). Chúa Thánh Thần là mối dây Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, đồng thời Ngài cũng trao ban tình yêu đó cho nhân loại.

Vậy, trên thánh giá, nơi cao điểm của tình yêu, mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa được tỏ lộ trong sự phục vụ, hy sinh, trong sự nên một trọn hảo. Mỗi Ngôi vị là một Thiên Chúa, và Ba Ngôi vị cũng là Một Thiên Chúa tình yêu.

3. Con người sống thế nào trước tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi ?

Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn sống, là nguyên ủy và nền tảng của mọi sự, là khởi nguyên và vĩnh cửu, nên con người chỉ tìm thấy sự sống, sự hạnh phúc đích thực khi và chỉ khi họ liên kết với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Kế hoạch “yêu thương” (Ep 1,9) của Thiên Chúa đã “tiền định cho ta làm nghĩa tử” (Ep 1,5), tức là trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Con” (Rm 8,29) nhờ Thánh Thần, vì “Ngài làm cho anh em trở nên nghĩa tử” (Rm 8,25). Đây là kế hoạch đời đời mà Thiên Chúa ban tặng cho con người (x. 2 Tm 1,9) xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa thực hiện tình yêu này bằng cách tự hủy. Tức là Ngôi này từ bỏ chính mình để Ngôi kia được sống. Ba Ngôi Thiên Chúa không tự cô lập, nhưng sống lệ thuộc và tùy thuộc vào nhau, hiệp nhất với nhau trong tình yêu và trong sự hy sinh.

Trước tình yêu cao cả này, con người cũng đáp lại tình yêu với Ba Ngôi Thiên Chúa. Con người là hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27) nên con người cũng cần phải từ bỏ chính mình như là điều kiện tiên quyết để trở thành con cái Thiên Chúa. “Ai muốn theo Ta phải từ bỏ chính mình” (Mt 16,25).

Con người chỉ sống hạnh phúc dồi dào khi sống liên kết với Thiên Chúa. Tức là sống trong ân sủng của Ngài, để sống phục vụ yêu thương và tha thứ, thậm chí tha thứ cho kẻ thù (x. Lc 6,27-35). Vì, từ bỏ mình là tìm lại chính mình, tìm lại giá trị nòng cốt, yếu tính, bản chất thật của con người là con cái Thiên Chúa.

Bên cạnh đó, con người cũng cần noi gương Chúa Giê-su mà sống phó mình trong tay Thiên Chúa Cha, sống phó thác trọn vẹn trong tình yêu của Ngài. Con người được mời gọi gia nhập vào gia đình mới của Thiên Chúa khi nghe và sống lời Chúa dạy, khi đó họ được sống trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì yêu mến tha nhân và kính mến Thiên Chúa là lời mời gọi từ Thiên Chúa và giúp con người mở lòng ra với Ngài. Như cha Karl Rahner nhận xét: “bản tính của con người là mở lòng vô hạn cho Đấng Tuyệt Đối” để tiếp nhận lấy sự sống của Ngài và sống hạnh phúc khi trao ban sự sống và sự phục vụ cho tha nhân. Thực sự con người chỉ sống hạnh phúc khi biết rằng Thiên Chúa yêu con người trước.

Khi đã khám phá, cảm nếm Thiên Chúa yêu mình vô hạn, con người sẽ sống tự do và hòa thuận với Thiên Chúa và với anh chị em đồng loại. Con người sống sự thật về chính mình khi chấp nhận những giới hạn của mình, đồng thời tin rằng, mình nằm trong kế hoạch trở nên hoàn thiện trong chương trình của Thiên Chúa. Từ đó, khi từ bỏ thái độ tự lập, để noi gương Đức Giê-su con người sống theo ý của Chúa Cha. Chỉ có Chúa là nguồn của sự tự do, sự thật, thì tôi phải khiêm tốn từ bỏ mình để đón nhận ý Chúa cho đời của tôi. Con người tự do nhất khi dâng tự do của mình vào ý của Thiên Chúa. Nhờ Thần Khí của Thiên Chúa, con người từ bỏ mà sống theo Thần Khí. “Cái gì bởi xác thịt sinh ra chỉ là xác thịt, cái gì bởi Thần Khí sinh ra là thần khí” (Ga 3,6). Xin Chúa Thánh Thần đến để canh tân bộ mặt trái đất và canh tân lòng của mỗi con người, để dẫn đưa mọi người vào sự thật toàn vẹn. (x. Ga 16,13). Món quà cao cả mà tình yêu tự hiến của Chúa Ki-tô mang lại là món quà Phục sinh, nhờ Chúa Thánh Thần, mọi người được tái sinh, để sống trong Nước của Thiên Chúa. Con người cần nhờ Thần Khí biến đổi để trở nên một Ki-tô khác để được sống đời đời trong vinh quang của Thiên Chúa Cha.

4. Kết luận

Vậy, tương quan của Thiên Chúa Ba Ngôi là tương quan tình yêu. Tình yêu hiến dâng và phục vụ, tình yêu giúp Ba Ngôi nên một, tình yêu này đạt tới đỉnh điểm nơi mầu nhiệm thập giá của Ngôi Hai. Nơi thập giá, Tình Yêu hiến tế của Ba Ngôi trở nên trọn vẹn nhất. Tình Yêu này là mẫu gương cho con người, đồng thời cũng là kim chỉ nam để con người sống và trở về sống trong sự thông hiệp của Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi con người yêu thương, con người sống trong mái nhà của Thiên Chúa tình yêu.

[1] x. Suma Theologica, I.28.4.

[2] Felipe Gomez Ngô Minh, SJ, Chúa Thánh Thần – Một dạng tổng lược thần học về Chúa Thánh Thần, Antôn & Đuốc Sáng, 2009, p. 104.

[3] Felipe Gomez Ngô Minh, SJ, p. 104.

[4] Felipe Gomez Ngô Minh, SJ, Chúa Thánh Thần – Một dạng tổng lược thần học về Chúa Thánh Thần, Antôn & Đuốc Sáng, 2009, p. 107.

[5] Felipe Gomez Ngô Minh, SJ, op.cit., p. 102.

[6] Felipe Gomez Ngô Minh, SJ, op.cit., p. 102.

[7] Felipe Gomez Ngô Minh, SJ, op.cit., p. 108.