Minh họa: An tử vào tháng 7-1998 tại Pháp (Chụp bởi Francis DEMANGE/Gamma-Rapho via Getty Images)

Môn học: Luân lý Y-Sinh học Công giáo
Giáo sư: Trần Như Ý Lan, M.D.
Học viên: Nguyễn Khánh Duy, S.J.

Bài viết là một nỗ lực tìm hiểu vấn đề an tử và trợ tử theo giáo huấn Giáo Hội. Tác giả cố gắng làm sáng tỏ những khác biệt liên quan đến thuật ngữ, đồng thời phân tích những luận cứ khác nhau ủng hộ lập trường cho phép an tử và trợ tử, từ đó, chỉ ra những giới hạn của những luận lý này và trình bày quan điểm Giáo Hội về tính chất thánh thiêng của sự sống. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền trên sự sống. Sự sống là một quà tặng được uỷ thác cho con người chứ không như một thứ con người có quyền sở hữu tuyệt đối. Cuối cùng, tác giả đề nghị một vài hướng giải pháp cho vấn đề an tử và trợ tử theo niềm tin Ki-tô giáo.

Dẫn nhập.

An tử và trợ tử luôn là một vấn đề thách đố và nan giải trong thời đại hôm nay. Những cuộc tranh luận về an tử luôn là một chủ đề nóng được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn đạo đức sinh học. Nhưng phải nhìn nhận rằng, việc tranh luận về việc an tử đã và đang diễn ra trong bối cảnh mà chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa cá nhân, và trào lưu tục hóa đang bành trướng khắp nơi, đặc biệt ở Phương Tây. Do đó, các khái niệm như quyền tự quyết cá nhân, quyền được chết, hành vi giết người vì nhân đạo, tính chất luân lý của việc kết liễu mạng sống con người vô tội đang có nguy cơ gây ngộ nhận và làm lung lạc những nguyên tắc luân lý cơ bản cho con người ngày nay[1]. Trong số đó, đã có không ít người Công Giáo đã bị ảnh hưởng và bày tỏ những suy nghĩ tiêu cực đối với giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề an tử và trợ tử. Họ thường cho rằng: “Tại sao tôi phải chịu đau đớn trong nhiều ngày tháng để rồi cuối cùng cũng phải chết, ngay khi mà tôi có thể chọn cái chết thanh thản dễ chịu hơn, hầu chấm dứt sự đau đớn ấy?” Bài viết sau đây là một nỗ lực để trả lời cho vấn nạn ấy dựa trên những giáo huấn của Giáo Hội. Trước tiên, bài viết sẽ bàn đến khái niệm an tử, tiếp đến chúng ta cùng xem một vài lập luận của những người ủng hộ, và sau cùng là phần trả lời cho những lập luận ấy dựa trên những giáo huấn của Giáo Hội.

An tử là gì?

Thuật ngữ ‘an tử ‘hay còn gọi là euthanasia, có nguyên nghĩa trong tiếng Hy Lạp (eu nghĩa là tốt hoặc cao quý, còn thanatos nghĩa là chết), hiểu sát nghĩa là “cái chết êm ái”, nhằm nói đến một hành vi làm cho chết cách tự nguyện nơi những người đau bệnh hay già yếu  muốn được chết một cách êm ái bằng cách uống thuốc độc.[2] Còn trong luân lý ngày nay, an tử nghĩa là một hành động hay một sự bỏ qua mà tự nó và ý hướng gây ra cái chết, với mục đích xóa bỏ mọi đau khổ.[3] Đó là hành vi làm cho người nào đó chết một cách không đau đớn do những bệnh tật nan y vô phương cứu chữa. Những người ủng hộ thường cho đây là một hành vi “giết chết vì lòng thương xót” để cho có một “cái chết phẩm giá” tức là một cái chết không đau đớn. Nói đến an tử không chỉ là nói đến hành động, mà còn cả việc không hành động như được nói đến trong tuyên ngôn về an tử của Giáo Hội. Việc “không hành động” hay “không can thiệp” với ý hướng gây ra cái chết cho bệnh nhân để chấm dứt đau khổ của họ đang phải chịu thì cũng được kể là an tử. Theo nghĩa này thường được gọi là an tử thụ động hay “để cho chết.”

An tử khác với quyết định khước từ việc “bám riết điều trị”. Không phải là an tử khi từ chối các can thiệp của y khoa khi nhận thấy những can thiệp này không còn tương hợp với tình trạng thực tế của bệnh nhân, không cân xứng với bất cứ kết quả nào mà người ta có thể chờ mong, và tạo ra gánh nặng quá mức trên bệnh nhân và gia đình. Giáo hội dạy trong những trường hợp như thế, khi biết cái chết đang gần kề và rõ ràng không tránh khỏi, với lương tâm có thể khước từ những biện pháp điều trị vốn chỉ bảo đảm kéo dài đời sống nặng nhọc và mong manh, nhưng vấn phải tiếp tục những chăm sóc bình thường phải có cho bệnh nhân, phải cung cấp cho họ những những phương tiện điều trị thông thường. Thực vậy, bỏ qua các can thiệp hay điều trị ngoại thường thì không phải là an tử, đơn giản đây chính là cách diễn tả sự hữu hạn của phận người.[4]

An tử khác với trợ tử (physician-assisted suicide: tự tử với sự trợ giúp của bác sĩ). Cũng giống như an tử là sự trợ giúp của bác sĩ trong việc kết liễu mạng sống của người bệnh, nhưng khác biệt ở mức độ tham gia của bác sĩ. Với an tử, bác sĩ là người thực hiện “hành vi cuối cùng”, thường là một mũi tiêm. Các bác sĩ đóng vai trò chính yếu, là nguyên nhân gây ra cái chết cho bệnh nhân. Còn với trợ tử, bệnh nhân đóng vai trò chính yếu khi họ là người thực hiện việc tiêm thuốc hay uống thuốc để gây ra cái chết, vai trò của bác sĩ chỉ là phụ thuộc. Dù có khác biệt về chủ thể hành động, nhưng cả 2 trường hợp đều có sự yêu cầu trợ giúp của bệnh nhân và ý hướng nhắm đến là kết thúc mạng sống của người bệnh để loại bỏ đau khổ do bệnh tật gây ra.[5] Theo nghĩa này, an tử và trợ tự cũng không khác biệt nhau về bản chất.

An tử có thể được phân biệt như sau[6]. An tử tự nguyện (voluntary euthanasia) nghĩa là việc “giết chết vì thương xót“ được thực hiện theo yêu cầu của bệnh nhân, các bác sĩ trợ giúp họ việc kết liễu mạng sống của mình. An tử không tử nguyện(involuntary euthanasia) nghĩa là “giết chết vì thương xót” không có yêu cầu của bệnh nhân hay nằm ngoài ý muốn của bệnh nhân. Rõ ràng đây là một hành vi giết người dù có động lực là thương xót. An tử phi tự nguyện (non-voluntary euthanasia) là việc giết chết những bệnh nhân không có khả năng hiểu được những gì đang xảy ra cho mình, ví dụ trẻ em bị thiểu năng hay những người sống trong tình trạng thực vật vĩnh viễn.

Lập luận của trường phái ủng hộ an tử và trợ tử.

Một trong những luận cứ của trường phái ủng hộ chính là quyền tự quyết. Đây là một quyền cơ bản của con người. Với quyền này, họ có thể tự do quyết định cuộc sống của mình mà không bị can thiệp và chi phối của người khác. Quyền tự quyết không chỉ trong những phạm vi của cuộc sống, mà còn cả quyết định về định mệnh của mình. Nói khác đi là tự quyết trong việc kết thúc mạng sống của mình – có quyền được chết. Người ta cũng cho rằng, nếu đã có quyền sống thì tại sao không có quyền được chết. Trong những trường hợp phải chịu đựng những đau khổ tột cùng của bệnh tật vô phương cứu chữa, thì người ta có quyền chọn chết để “giải thoát” khỏi đau khổ.

Bên cạnh đó, một luận cứ khác là lòng thương xót. Sẽ là đầy tình thương nếu giúp cho người bệnh có một cái chết nhẹ nhàng, được thoát khỏi đau khổ và mất phẩm giá. Thật vậy, một cuộc sống đầy những đau khổ là một cuộc sống không có ý nghĩa. Trường hợp của những ai sống trong tình trạng “sống không ra sống”, tức tình trạng của những người sống đời thực vật, không có ý thức và hiểu biết, không có giao tiếp với thế giới xung quanh cũng vậy. Đó là một cuộc sống không có giá trị và không đáng để tiếp tục. Những lúc như thế, không chỉ có đương sự đau khổ mà cả những người xung quanh cũng đau khổ theo. Hơn nữa, nếu đàng nào cũng phải chết thì tại sao phải chịu đau đớn kéo dài mà không được chọn cái chết để bớt đau khổ và ra đi cách nhẹ nhàng êm ái hơn. Chết như thế xứng với phẩm giá con người hơn là chết tự nhiên với những đau khổ kéo dài. Theo nghĩa này, an tử và trợ tử được hiểu như một “hành vi của lòng thương xót.”

Trả lời cho những lập luận trên dựa trên giáo huấn của Giáo Hội.

Thứ nhất là quyền tự quyết. Đây là một trong những quyền quan trọng của con người cần được tôn trọng. Có quyền tự quyết, chúng ta được là người hơn. Thế nào là tự quyết? Đã có những người lầm tưởng quyền tự quyết có nghĩa là muốn làm gì thì làm, đặc biệt trong thời điểm mà trào lưu tục hóa, chủ thuyết tương đối và chủ nghĩa đang cá nhân đang bành trướng tai các nước Phương Tây. Quyền tự quyết có nghĩa là tự do cách tuyệt đối và được xem như nền tảng của quyền được chết. Thực vậy, quyền tự quyết (autonomy) có nghĩa nguyên gốc bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, auto (tự mình hay chính mình) và nomos (cai trị hay điều hành), và có ý nghĩa liên quan đến ý nghĩa tự trị hay tự cai quản của các đô thị gốc Hy Lạp. Ý nghĩa luân lý của từ này được Kant định nghĩa như một mệnh lệnh tuyệt đối, một đòi hỏi con người hành xử đúng với bản ngã của mình, theo phán đoán của lý trí chứ không phải theo bản năng, và có thể trở thành luật phổ quát cho mọi người. Sống tự quyết có nghĩa là không làm nô lệ bản năng, nhưng như một hữu thể có lý trí, hành xử theo bổn phận đòi hỏi[7].

Hơn nữa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải thích thêm: quyền tự quyết không phải là nguồn gốc của mọi giá trị. Nó không có nghĩa là tự do muốn làm gì thì làm. Quyền này chỉ cho thấy con người có tự do cách đích thực khi theo đuổi và chọn theo những chân lý phổ quát.[8] Quyền tự quyết chỉ thực sự khi được gắn liền những chân lý phổ quát. Và một trong những chân lý đó là không được giết người và làm tổn hại đến mạng sống người khác, một điều vốn là lẽ thường đối với lý trí tự nhiên và niềm tin của Kitô giáo.[9] Do đó, quyền tự quyết tự nó không thể làm nển tảng cho cái được gọi là ‘quyền được chết’ vì như thế là mâu thuẫn, là đi ngược lại chân lý phổ quát. Cũng vậy, không thể dựa vào quyền tự quyết của mình mà đòi người khác trợ giúp mình tự tử, vì như thế là áp đặt nghĩa vụ lên người khác, làm hạn chế quyền tự quyết của họ.[10]

Dù muốn dù không, ngày nay khi nói đến an tử là nói đến khái niệm quyền được chết. Có lẽ chúng ta đã nghe quá nhiều đến quyền này quyền kia như một cách nhìn nhận về phẩm giá con người. Khi nói có ‘quyền được chết’ tức là có quyền trên sự sống theo nghĩa nào đó, tức là mình có quyền phá hủy sự sống của mình. Thực vậy, không ai có thể tùy ý chọn cho mình sống hay chết; chỉ một mình Đấng Tạo Hóa là chủ tuyệt đối trên sự sống hay chết, chính nơi Người “mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu.” (Cv 17, 28)[11]. Cả thần học công giáo và tin lành đều xác tín rằng: chỉ có một mình Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo mới là chủ của sự sống. Nếu như con người không tạo ra sự sống thì họ cũng không có quyền chấm dứt sự sống của mình. Sự sống con người là thánh thiêng vì ngay từ khởi đầu nó liên quan đến hành động sáng tạo của Thiên Chúa[12]. Sự sống con người là quà tặng được trao ban, không phải như quà tặng cho quyền sở hữu tuyệt đối, nhưng như quà tặng được ủy thác cho con người gìn giữ và làm cho nó trở nên tốt hơn cho mình và cho người khác[13].

Thứ hai là lòng thương xót. Chắc chắn không ai muốn thấy chính mình hay người thân của mình bị dằn vặt trong những đau khổ thể xác lẫn tinh thần. Đức Gioan Phaolô II đã chỉ ra động lực thúc đẩy thường là do ích kỷ hay lòng thương xót, và ý hướng của an tử cũng như trợ tử là loại bỏ đau khổ và có một cái chết êm ái. Thật vậy, dù cho ý hướng cho tốt lành đến mấy đi nữa, là thể hiện lòng thương xót đối với người bệnh, không muốn họ phải đau khổ và trở nên gánh nặng cho gia đình và xã hội đi nữa, thì cũng không thể biện minh cho hành vi kết thúc mạng sống của người khác. Lòng thương xót trong hoàn cảnh ấy là giả tạo. Bởi lẽ, lòng thương xót chân thật khiến ta chia sẻ nỗi đau của người khác, chứ không giết chết người đang chịu sự đau khổ mà chúng ta không mang được nỗi đau ấy. Thế nên, hành vi làm chết êm dịu càng suy đồi hơn nếu nó được thực hành bởi những người, như là người thân thuộc, lẽ ra phải cư xử với người nhà với lòng kiên nhẫn và yêu thương, hay bởi những người như là thầy thuốc, vì nghề nghiệp đặc biệt lẽ ra phải chăm sóc cho người bệnh, cả trong những giai đoạn cuối cùng đau đớn nhất[14].

Nói đến an tử, cần để ý đến hai yếu tố: một là người kết liễu mạng sống của mình hay của người khác được thực hiện cách có chủ ý, nhắm đến cái chết như là mục tiêu của hành vi; hai là mạng sống của người bị kết liễu là mạng sống của người vô tội vì nếu có tội thì là một trường hợp khác như trường hợp của tử tội. Thật vậy, dù an tử được thực hiện do yêu cầu của bệnh nhân thì hành vi giết chết vì thương xót không thể thay đổi bản chất của nó. Cái được gọi là “lòng thương xót” không thể biện minh cho hành vi phá hủy điều tốt đẹp nơi mạng sống người vô tội. Rõ ràng, an tử trái với luân lý tự nhiên; cho nên không thể được coi như một giải pháp chấm dứt đau khổ của bệnh nhân nan y vô phương cứu chữa hay hấp hối.[15]

Động cơ lòng thương xót như là biện minh cho an tử và trợ tự không phải là một biện minh thích hợp bởi vì còn có những phương cách giải tỏa đau khổ mà không gây ra cái chết thể lý cho người đau khổ. Các bệnh nhân vô phương cứu chữa có thể được giảm đau rất nhiều vào những cách thức điều trị hiện nay.[16] Hơn nữa, cũng cần phân biệt giữa “đau” và “khổ”. Không phải lúc nào đau về thể lý thì cũng khổ về tinh thần và ngược lại. Có những nỗi đau đem lại niềm vui như nỗi đau của người mẹ khi sinh con. Và dù cho đau khổ thực sự đi nữa, thì đau khổ ấy cũng không phải hoàn toàn là vô nghĩa. Với những ai ngoài Kitô giáo, đau khổ cũng không phải hoàn toàn vô nghĩa, người ta vẫn có thể lớn lên, trưởng thành hơn, biết quý trọng cuộc sống hơn qua những kinh nghiệm khổ đau. Còn trong cái nhìn của đức tin Kitô giáo, đau khổ, nhất là đau khổ trong những giờ phút cuối của cuộc đời, có một vị trí đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa vì công cuộc cứu độ được thực hiện nhờ Thập Giá Đức Kitô, tức là nhờ sự đau khổ của Người. Do đó, khi người ta biết liên kết đau khổ của mình với cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, thông phần với Ngài trong những biến cố đau thương của đời mình, khi đó đau khổ của họ trở nên ý nghĩa và giá trị[17].

Cũng vậy, chúng ta cũng dễ lầm tưởng an tử và trợ tử mới giúp cho người ta sống đúng với phẩm giá như ai đó hay nói, an tử là “cái chết phẩm giá.” Thoạt nhìn đây là điều khá “thuyết phục” vì như thế con người mới có phẩm giá. Thực sự, an tử hay trợ tử luôn giả định một tiền đề: “một cuộc sống đau khổ bệnh tật.. thì không đáng sống. Giống như một thứ đồ đạc hay vật dụng, chúng chỉ có giá trị sử dụng khi còn tốt, còn khi đã trục trặc và hư hoại, chúng đáng bị bỏ đi. Cách nào đó cũng tương tự trong an tử và trợ tử, con người giống như những thứ “vật dụng”, đời sống con người chỉ có ý nghĩa và giá trị khi còn mạnh khỏe, không đau đớn hay bệnh tật[18]. Phẩm giá con người không hệ tại ở khỏe mạnh hay bệnh tật, đau khổ hay hạnh phúc nhưng cốt ở việc con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Khi không nhìn con người như thế, hậu quả sẽ giống như những chương trình thảm sát tập thể những người già yếu, thiểu năng tâm lý và khuyết tật thể lý, tức những người bị coi là không đáng sống nữa.

Kết luận.

Những phân tích trên đã phần nào trả lời cho câu hỏi: liệu có hợp luân lý không khi ta vì lòng thương xót mà làm cho bệnh nhân chết sớm hơn, nhằm chấm dứt mọi đau khổ họ phải chịu, khi biết trong trường hợp cái chết là không thể tránh khỏi và quá trình hấp hối quá đau đớn? Thật vậy, an tử và trợ tử trong hoàn cảnh nào đi nữa, dù ý hướng có “tốt lành” đến đâu đi nữa, thì cũng không thể biện mình cho hành vi cố ý giết người vô tội. Điều đó luôn trái với luân lý cũng như lương tri của con người. Hiện nay, quyền được chết với sự trợ giúp đã được chấp nhận ở các nước Hà Lan, Columbia, Thụy Sĩ, Nhật, Đức, Bỉ, Luxembourg, Estonia, Albania, các tiểu bang Washington, Oregon, Montana, Vermont ở Mỹ, và Quebec ở Canada[19]. Mới chỉ có một số ít quốc gia và tiểu bang chấp nhận quyền này, trong khi đại đa số vẫn còn tin rằng, sự sống con người là thánh thiêng, là “tài sản được ủy thác” chứ không có quyền sở hữu tuyệt đối. Không phải cứ có quyền sống thì cũng có quyền được chết. Quả vậy, làm sao quyền được chết có thể khả thi? Bởi lẽ có quyền được chết thì cũng giống như chúng ta có quyền trên sự chết, muốn chết lúc nào là chết. Không phải như vậy, sự chết mới “có quyền” trên chúng ta theo nghĩa cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, không ai có thể biết trước vì “sinh có hạn, tử bất kỳ”[20]. Chúng ta chỉ chiến thắng cái chết trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, Đấng là Chủ Tể của mọi sự, của sự sống cũng như sự chết.

Tài liệu tham khảo

  1. Thông điệp Veritatis Splendor.
  2. Thông điệp Evangelium Viate (bản dịch của Trần Như Ý Lan).
  3. Tông thư Salvifici Doloris.
  4. Lm Trần Mạnh Hùng, An tử và trợ tử dưới nhãn quan thần học luân lý, nxb Tôn Giáo, 2004.
  5. Baruch A. Brody, Suicide and Euthanasia: Historical and Contemporary Themes, Philosophy and Medicine vol 35, 1989.
  6. Lm Frank A. Pavone, A Brief Reflection on Euthanasia, từ trang web: http://www.priestsforlife.org/euthanasia/euthrefl.html
  7. Video: An tử và Trợ tử, từ trang web: http://vietcatholic.net/News/Html/95921.htm.
  8. Where is euthanasia legal? từ trang web: http://www.newhealthguide.org/Where-Is-Euthanasia-Legal.html.

[1] Video: An tử và Trợ tử, từ trang web: http://vietcatholic.net/News/Html/95921.htm.

[2] Baruch A. Brody, Suicide and Euthanasia: Historical and Contemporary Themes, Philosophy and Medicine 35, trang 9.

[3] Evangelium Viate, bản dịch của Trần Như Ý Lan, CND, số 65.           

[4] Idem.

[5] Lm Phero Trần Mạnh Hùng, An tử và trợ tử dưới nhãn quan thần học luân lý, nxb Tôn Giáo, trang 80.

[6] Ibid, trang 63.

[7] Ibid, trang 143-144.

[8] Veritatis Splendor, số 19.

[9] Ibid, 51-53; xem thêm Xh 20,13 và Mt 19,18.

[10] Lm Phero Trần Mạnh Hùng, trang 168

[11] Evangelium Viate, số 47.

[12] Ibid, số 53.

[13] Lm Phero Trần Mạnh Hùng, trang 115.

[14] Evangelium, số 66.

[15] Lm Phêro Trần Mạnh Hùng, trang 327. Trích dẫn này ở trong Tuyên Ngôn Về An Tử của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, được đưa vào sách “An tử và trợ tử dưới dãn quan thần học luân lý” như là phần phụ lục.

[16] Ibid, trang 195.

[17] Tông thư Salvifici Doloris, trang 3.

[18]  Lm Frank A. Pavone, A Brief Reflection on Euthanasia, từ trang web: http://www.priestsforlife.org/euthanasia/euthrefl.html.

[19] Where is euthanasia legal? Từ trang web: http://www.newhealthguide.org/Where-Is-Euthanasia-Legal.html.

[20] Lm Fran A. Pavone, A brief Reflection on Euthanasia, từ trang web: Euthanasia, từ trang web http://www.priestsforlife.org/euthanasia/euthrefl.html.