Tác phẩm “Tiên tri Êlia” của Họa sĩ Daniele da Volterra

Môn học: Ngôn Sứ
Giáo sư: Cao Gia An, S.J.
Học viên: Đỗ Hùng Dinh, S.J.

Bài viết tìm hiểu nỗi khắc khoải của ngôn sứ Giê-rê-mi-a ẩn chứa trong Khúc Ai Ca (Gr 14:17-22). Tác giả phân tích cấu trúc biền ngẫu đặc trưng trong thơ Do Thái để làm nổi bật nỗi khắc khoải như là đặc tính của một ngôn sứ. Ngôn sứ vừa nên một với hoàn cảnh của dân để thấu cảm, vừa tách mình ra, đứng về phía Thiên Chúa, để ôm ấp và truyền thông sứ điệp của Ngài cho cộng đoàn. Khúc Ai Ca nổi lên như một diễn tả nội tâm đầy giằng co ấy.

Ơn gọi làm ngôn sứ chưa bao giờ tách biệt khỏi cộng đồng dân Thiên Chúa, nhưng đúng hơn, ngôn sứ được gọi từ chính bối cảnh của cộng đồng và cho cộng đồng. Thế nên, người ngôn sứ luôn canh cánh trong lòng một nỗi giằng co, một mặt, ông (/bà) vừa phải nên một để cảm thấu hoàn cảnh của cộng đồng, nhưng mặt khác ông lại vừa như phải tách ra khỏi cộng đồng để đứng về phía Thiên Chúa mà ôm ấp và thông truyền sứ điệp của Thiên Chúa cho cộng đồng[1]. Khúc ai ca trong Giê-rê-mi-a 14:17-22 phần nào cho thấy nỗi lòng khắc khoải của một vị ngôn sứ trước những giằng co ấy. Đó vừa như những lời được thốt lên từ những chuyển biến trong tâm hồn vị ngôn sứ, đồng thời vừa như phản ảnh chính những khủng hoảng trong cộng đồng[2] trước viễn cảnh sụp đổ tang thương của thành Giê-ru-sa-lem cùng với những đau khổ mà cộng đồng dân Chúa phải hứng chịu[3]. Đứng trước hoàn cảnh khốn cùng không thể tránh khỏi của dân tộc, tâm hồn người ngôn sứ như hòa chung với nỗi lòng của Thiên Chúa để thốt lên tiếng khóc thương cho sự cứng lòng của dân mình[4], nhưng đồng thời, tâm hồn ấy cũng nên một với dân để cảm thấu nỗi hoài nghi và khốn cùng của dân để rồi đã thay cho dân mà thú tội và khẩn nài lòng thương xót của Thiên Chúa cho dân với một niềm hi vọng.

Chúng ta có thể nhận thấy bài thơ này (Gr 14:17-22) là một đơn vị độc lập, tách biệt với phần trước và sau bởi hai lời dẫn: “Hãy nói với chúng lời này”[5] (14:17) và “Đức Chúa phán với tôi” (15:1)[6]. Lời thú tội (14:20), nằm ở vị trí trung tâm, vừa đóng vai trò như là câu trả lời cho phần thứ nhất vừa như yếu tố bản lề cho sự chuyển đổi cung giọng từ tiêu cực hoài nghi sang cung giọng tích cực hi vọng, được làm nổi bật nhờ các kỹ thuật thơ ca cùng với cấu trúc quy tâm tương phản:

A 17 Mắt tôi hãy tuôn trào suối lệ cả ngày đêm không ngớt,

vì trinh nữ cô gái dân tôi đã bị đánh nhừ đòn,

vết trọng thương hết đường cứu chữa.

18 Tôi bước ra đồng nội: này kẻ chết vì gươm,

quay trở lại đô thành: nọ bao người đói lả.

Cả ngôn sứ cùng là tư tế

Lang thang khắp xứ mà không hiểu biết gì

  B 19a Lạy Chúa, phải chăng Ngài đã quyết từ bỏ Giu-đa?

Phải chăng Xi-on khiến lòng Ngài ghê tởm?

19bVậy cớ sao Ngài đánh phạt chúng con

đến vô phương chữa chạy?

19cChúng con đợi hoà bình,

nhưng chẳng được may lành chi hết!

Mong đến thời bình phục,

mà chỉ thấy rùng rợn khiếp kinh!

    C 20 Lạy Chúa, chúng con nhận rằng mình gian ác

và cha ông sai lỗi đã nhiều.

Quả chúng con đều đắc tội với Chúa!

  B’ 21 Vì Danh Thánh, xin Chúa đừng chê bỏ chúng con,

đừng rẻ rúng toà vinh hiển của Ngài.

Dám xin Ngài nhớ lại,

đừng huỷ bỏ giao ước

giữa Ngài với chúng con.

A’ 22 Trong số chư thần của các dân tộc,

có thần nào làm được mưa chăng?

Có phải trời đổ được mưa rào,

hay chính Ngài, lạy Ðức Chúa, Thiên Chúa của chúng con?

Chúng con trông cậy nơi Ngài,

vì chính Ngài đã làm ra tất cả những điều đó![7]

Như vậy,  từ cấu trúc này, chúng ta sẽ tìm hiểu sự chuyển biến của các yếu tố tương phản trong những khổ thơ ở các cặp đối xứng từ ngoài vào trong; đồng thời cùng xem xét song song những chuyển động hoán đổi của các yếu tố tích cực thay cho các yếu tố tiêu cực trong cung giọng của bài thơ qua việc tìm hiểu các kỹ thuật biền ngẫu cũng như những hình ảnh biểu tượng; và cuối cùng sẽ lưu tâm đến một vài yếu tố được xem là khác thường trong mạch văn xét như những dấu hiệu của sự phát triển xuyên đại của bản văn.

Theo hướng tiếp cận đồng đại, trước hết, chúng ta nhận thấy ở cặp đối xứng ngoài cùng (A – A’) một sự tương phản mạnh mẽ nhất được thể hiện qua kỹ thuật ẩn dụ rất đặc trưng của Giê-rê-mi-a với việc sắp đặt những yếu tố của một khung cảnh yếu ớt, chết chóc và thất vọng (cc.17-18) đối diện với khung cảnh uy quyền, đầy sức sống và hi vọng (c.22). Hình ảnh suối lệ tuôn trào ngày đêm[8] biểu thị cho sự đau buồn thất vọng[9] được đặt đối lập với hình ảnh của những cơn mưa mang lại sự sống mới của niềm hi vọng[10]. Cũng vậy, tình cảnh khốn cùng của dân được nhân cách hóa nơi hình ảnh người trinh nữ[11] yếu ớt, mỏng manh lại mang nơi mình vết trọng thương là những đau khổ[12] do bị đánh nhừ đòn bởi quân thù và hạn hán được đặt tương phản với hình ảnh một Thiên Chúa quyền năng mạnh mẽ trổi vượt, Đấng có thể ban mưa xuống chứ không phải Ba-an (1V 18:45) hay các thần ngoại. Hơn nữa, sự chết chóc, đói khát bởi gươm giáo và hạn hán được đặt đối lập với hình ảnh mang đầy sức sống mới của những cơn mưa rào. Cái không hiểu biết gì về đường lối của Đức Chúa và về lý do cho hiện trạng đau khổ của dân tộc[13], mà các tư tế ngôn sứ là những người đúng ra phải là kẻ dẫn dắt dân tới Thiên Chúa, được đặt tương phản với cung giọng đã chân nhận quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đã làm ra những điều đó.

Mặt khác, cũng trong cặp đối xứng ngoài cùng này, chúng ta có thể nhận thấy một sự hoán chuyển mạnh mẽ nhất về cung giọng từ tiêu cực sang tích cực. Khởi đầu là cung giọng đau buồn thất vọng được làm nổi bật bằng kỹ thuật sóng đôi (trinh nữ – cô gái; nhừ đòn – trọng thương; bước ra – trở lại; kẻ – người) đậm chất thơ và càng thêm vẻ u ám hơn với những hình ảnh biểu trưng có tính bao hàm (cả về mức độ: trọng thương, nhừ đòn; về đối tượng: tư tế, ngôn sứ, dân đô thành, người đồng nội; về không gian: đô thành, đồng nội; và về thời gian: ngày đêm) trong khổ thơ thứ nhất. Nhưng ngược lại, kết thúc lại là cung giọng đầy an ủi cậy trông được làm nổi bật bởi các câu hỏi tu từ (phải chăng) và kỹ thật lặp ngữ (thần, mưa, chính Ngài, Thiên Chúa) cũng rất thi vị[14] ở khổ thơ cuối.

Kế tiếp, trong cặp đối xứng thứ hai (B – B’), sự hoài nghi bối rối của người đứng trước những đau thương thử thách thốt lên với Thiên Chúa như một lời chất vấn ở khổ thơ thứ hai (c.19) được đặt đối diện với lời cầu xin của người như thể đã bình tĩnh, đã chấp nhận thực tại và cậy trông hơn ở khổ thơ thứ tư (c.21). Nỗi hoài nghi có phải Chúa đã từ bỏ Giu-đa được thay thế bằng giọng cầu xin Chúa đừng từ bỏ chúng con. Lời than trách Chúa đã ghê tởm Xi-on được đổi mới bằng tiếng van nài xin Chúa đừng rẻ rúng chúng con là tòa vinh hiển của Ngài[15]. Cũng vậy, cung giọng hoài nghi trước thực tại rùng rợn khiếp kinh, không được may lành rằng cớ sao ngài đánh phạt chúng con được thay bằng lời cầu xin Chúa nhớ lại để đừng hủy bỏ giao ước về cảnh thịnh vượng, tràn trề sữa và mật (Gr 11:4) mà Chúa đã lập với cha ông (x. Xh 19:5.6; 24:8) Hơn nữa, chính bởi việc sử dụng các kỹ thuật phủ định (đừng) đã tạo nên một sự tương phản hết sức tinh tế trong các cặp yếu tố song đối được đề cập, nhờ thế càng thể hiện rõ nét sự chuyển đổi trong cung giọng của bài thơ.

Lời giải đáp cho sự chuyển đổi cung giọng ở các cặp đối xứng này được tìm thấy trong lời thú tội ở trung tâm – Lạy Chúa, chúng con nhận rằng mình gian ác, và cha ông sai lỗi đã nhiều. Quả chúng con đều đắc tội với Chúa! (c.20). Một mặt, các yếu tố của nửa trước (A, B) như là sự chuẩn bị cho yếu tố đỉnh cao này: Lời thú tội chính là câu trả lời cho những hoài nghi và vấn nạn của dân (B), đồng thời như là giải đáp cho thực trạng đau thương bi thảm dân phải chịu (A). Chính bởi tội lỗi của chúng ta và của cha ông[16] mà bây giờ chúng ta phải chịu cảnh gươm giáo đói khát như thế. Mặt khác, lời thú tội còn như là yếu tố bản lề khởi đầu cho cung giọng tích cực hi vọng của nửa sau (A’, B’): Chính bởi chúng con đã nhìn nhận tội lỗi của mình[17] thì khẩn xin Đức Chúa đừng ngoảnh mặt làm ngơ, đừng chê bỏ chúng con (B’), vì chính Ngài đã phán rằng sẽ không giận giữ mãi đâu và chúng con hi vọng vào Ngài là Đấng giàu lòng xót thương (Gr 3:12) và quyền năng (A’). Hơn nữa, lời thú tội này càng được nhấn mạnh nhờ kỹ thuật lặp từ (chúng con – cha ông – chúng con) có tính tăng cường (nhận – quả…đều) và ngày càng hướng đến tính tương quan đối với các từ biểu thị lỗi lầm (gian ác – sai lỗi – đắc tội).

Bên cạnh đó, chính sự hoán chuyển hết sức tinh tế của những yếu tố tích cực thay thế cho những yếu tố tiêu cực càng làm nổi bật tính bản lề của lời thú tội. Những yếu tố tiêu cực bắt đầu từ những điều cụ thể (suối lệ, kẻ chết, người đói lả) và mạnh mẽ (trọng thương, nhừ đòn) và dần trở nên trừu tượng (đợi hòa bình, mong thời bình phục) và mờ yếu (chẳng may lành, rùng rợn khiếp kinh) khi tới trung tâm; Ngược lại, những yếu tố tích cực bắt đầu từ trung tâm với tính chất yếu mờ trừu tượng (danh thánh, tòa vinh hiển, giao ước) nhưng ngày càng trở nên rõ ràng mạnh mẽ (mưa rào, cậy trông) về cuối.

Như thế, ngang qua việc phân tích các kỹ thuật thơ ca trong cấu trúc quy tâm tương phản, chúng ta có thể nhận thấy những nhịp chuyển vừa biểu thị những giằng co trong tâm hồn người ngôn sứ vừa phản ảnh khao khát tìm lời giải thích cho thực trạng đau buồn của dân. Một mặt, vị ngôn sứ như thể đóng vai của Thiên Chúa mà khóc thương cho dân của mình, bởi lẽ ông được nhìn thấy trước những tai họa sẽ giáng xuống trên dân bởi sự cứng lòng và lối sống tội lỗi của dân; Mặt khác, ông cũng như thể đặt mình trong tâm trạng của dân mà đau buồn thất vọng trước cảnh tang thương chết chóc dân mà dân phải chịu, để rồi như dấy lên một sự hoài nghi, một vấn nạn rằng đâu là lời giải thích cho hiện tại bi đát này, phải chăng Thiên Chúa đã nỡ từ bỏ dân. Tuy nhiên, nỗi hoài nghi ấy dần dần được thay thế bằng niềm hi vọng khi mà tội lỗi của dân từng bước được nhìn nhận như là lý do cho hoàn cảnh hiện tại. Thế nên, vị ngôn sứ vừa như phải đặt mình làm một để hiểu dân, ông cũng lại vừa như phải tách mình ra để thay cho dân mà thú tội cùng Đức Chúa và khẩn nài Người đừng chê bỏ dân. Cuối cùng, sự thổn thức trong tâm hồn vị ngôn sứ hay cũng chính là những khủng hoảng trong tâm thức của cộng đồng được kết thúc bằng cung giọng hy vọng tin tưởng, ca ngợi quyền năng của Thiên Chúa và trông cậy nơi bàn tay quyền năng của của Người.

Đến đây, sau khi đã tìm hiểu toàn thể bản văn dưới cái nhìn đồng đại, chúng ta sẽ tiếp tục xem xét những điểm ‘khác thường’ dưới ánh sáng của hướng tiếp cận xuyên đại. Trước hết, ta có thể nhận thấy bước chuyển đột ngột trong cách xưng hô từ câu 14:18 sang 14:19. Trong câu 18, ta có cảm tưởng như đó là một lời tự sự: tôi hãy (tôi muốn), nhưng từ câu 19, một cung giọng của cuộc hội thoại được nhận thấy rõ ràng: lạy Chúa, Ngài – chúng con. Hơn nữa, những yếu tố mà 17-18 đề cập lại là chiến tranh và đói kém trong thành, khác với sự liên tục của cung giọng về hạn hán mà Gr 14:1 đề cập như một dẫn nhập.
Kế đến, câu 19c có vẻ như một tổng hợp rất tốt về hiện trạng của dân, nhưng dường như vị trí lại khá lạc lõng, không mấy gắn kết với cả câu trước (19ab) và câu sau (20). Nếu như trong 19ab đang là cung giọng hoài nghi vấn nạn, thì đột ngột 19c lại là một tổng hợp miêu tả tình trạng (mà đúng ra đã kết thúc hoặc phải nối tiếp với 18). Hơn nữa, lời thú tội ở 20 như một lời giải đáp của câu hỏi ở 19ab thì hợp lý hơn là bị 19c xen vào giữa mà không thấy nối kết gì. Bên cạnh đó, có thể thấy 19c gần như tương đồng với Gr 8:15 trong bối cảnh lời sấm về sự trừng phạt Giu-đa. Thứ ba, dường như chính lời thú tội là thông điệp chính của cả đoạn cũng là một sự lạc lõng so với toàn bộ sách Giê-rê-mi-a. Trong số 5 lần từחָטָ֖אנוּ [18] (sinned against) xuất hiện trong sách Giê-rê-mi-a (3:25; 8:14; 14:7; 14:20 và 16:10) hay 3 lần của từ עֲוֹ֣ן (guilt – 14:20; 32:18; 50:20) hoặc 2 lần của từ יָדַ֧עְנוּ (make self known – 14:20; 17:19) thì chỉ có 14:20 là mang ý thú nhận tội lỗi. Hơn nữa, dường như khi việc đề cập đến tội lỗi ở các đoạn khác (đặc biệt ở 16:10) thì lại mang nghĩa khiển trách dân không biết hối lỗi.

Giải thích cho các vấn đề này, trước hết có thể nói nhiều tác giả đồng thuận rằng lời thú tội trong câu 20 chính là tâm tình của riêng vị ngôn sứ khi đặt mình đại diện cho dân. Bên cạnh đó, có tác giả cho rằng sở dĩ có sự chuyển giọng ở 18 và 19 hay việc thú tội ở 20 là vì đây là cung giọng của một bài ca than rất thường thấy trong phụng vụ cổ, và cũng giống hình thái của các thánh vịnh ca than, nơi đó Thiên Chúa, ngôn sứ, chư dân như những vai diễn trong một vở kịch. Như vậy 17-18 là vai diễn của vị ngôn sứ, còn giọng thú tội ở 20 như một sự mời gọi người tham dự nghi thức biết hối lỗi ăn năn[19].

Một giải thích khác cho rằng những lời trong 17-18 như thể là lời của chính Thiên Chúa. Bởi lẽ, hai cụm từ hãy nói với chúng dân ta như thể muốn diễn tả chủ từ của hành động khóc thương này chính là Thiên Chúa. Dù có cho phép những tai họa ập xuống trên dân, nhưng chính Thiên Chúa vẫn đau đớn xót thương cho dân của mình, chỉ vì họ cứng lòng[20]. Như vậy, có thể dịch lại câu 17-18 là: “Hãy nói với chúng lời này: “mắt ta muốn tuôn trào suối lệ… vì trinh nữ cô gái dân ta””

Riêng đối với vấn nạn ở câu 19c, dường như có được sự đồng thuận rằng có dấu hiệu của sự tổng hợp của một bàn tay biên soạn sau. Bên cạnh đó, cũng có tác giả cho rằng cả đoạn này (14:17-22) cùng với Gr 15:1-3 làm thành khúc ai ca thứ hai phản ảnh tình trạng hiện tại của dân sau cảnh đổ nát mà thành phải chịu. Hơn nữa, những hình ảnh đói kém và chém giết này rất tương đồng khi đối chiếu với 2V 25:1-3 về nạn đói hoành hành khắp xứ những ngày trước khi Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ, và vì thế đó có thể nói đó là cung giọng của thời lưu đày[21]. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu rằng, dưới ánh sáng của cung giọng về chiến tranh và gươm giáo trong Gr 9:17-18 thì 14:17-22 là lời của vị ngôn sứ thốt lên khi được ‘chứng kiến trước’ cảnh tang thương của thành[22].

Thế nhưng, những dấu hiệu của việc biên soạn sau, nếu có, thì cũng là để làm sáng tỏ thông điệp mà bản văn hiện tại muốn truyền đạt, đó chính là nỗi lòng khắc khoải của vị ngôn sứ vừa đứng vào vị thế của Đức Chúa mà mang lấy tâm tình của Người, lại vừa thuộc trọn về dân để ôm ấp những băn khoăn, hoài nghi của dân. Tâm hồn ấy có bị giằng co xâu xé, nhưng cuối cùng niềm cậy trông và hi vọng vẫn như ánh sáng lóe lên giữa bóng đêm u ám. Tuy nhiên, để có thể có được bước chuyển ấy, trong chính nội tâm của mình và trong tư cách đại diện của dân, người ngôn sứ đã phải thốt lên lời thú nhận tội lỗi của dân tộc mình. Chỉ khi ý thức về thực trạng yếu hèn tội lỗi của mình, con người mới biết nhìn lên và nài xin Thiên Chúa là Đấng quyền năng với một niềm hi vọng cậy trông.

Tắt một lời, mặc dù chúng ta có thể nhận thấy một chút bóng dáng của thần học nhân quả, khi mấu chốt của những đau khổ dân phải gánh chịu được giải thích bởi tội lỗi dân đã phạm chống lại Đức Chúa. Tuy nhiên, điểm nổi bật trong Gr 14:17-22 là hình ảnh một vị ngôn sứ vừa đặt mình trong vị thế của Thiên Chúa, lại vừa đồng cảm được với dân, làm một với cộng đồng và từ trong chính vị thế của một cá nhân trong cộng đồng ấy mà ông thốt lên lời thú nhận và nguyện cầu cho dân. Hình ảnh tiên trưng về một vị ngôn sứ là trung gian ấy sẽ được thể hiện rõ nét nơi dung mạo của Đức Giê-su, Đấng là trung gian trọn vẹn của Thiên Chúa và con người[23]. Chính nơi con người Đức Giê-su, chúng ta nhận thấy một Thiên Chúa bao lần đau đớn khóc thương cho sự cứng lòng của con người mà dân thành Giê-ru-sa-lem một lần nữa là đại diện (x. Lc 13:34), và Người không ngừng tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa mà giảng dạy, chữa bệnh, trừ quỷ… (Mt 10:16-17), và tha thứ nguyện cầu cho dân (Lc 23:34). Hơn cả, chính nơi cuộc khổ nạn và phục sinh, Đức Giê-su đã mang lấy trọn vẹn cái yếu đuối và thân phận phải chết của con người mà dâng lên Cha như một hi lễ trên thập giá để cứu độ chúng ta[24].

Là một Ki-tô hữu, ngay từ khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, chúng ta mang lấy sứ mạng trở thành ngôn sứ của Thiên Chúa cho thế giới hôm nay. Thế nên, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để tiếp bước Đức Ki-tô, theo cách mà Giê-rê-mi-a đã làm, đó là trở nên trung gian có được một tấm lòng biết mang lấy nỗi khắc khoải của Thiên Chúa và cũng ôm ấp được sự nghi nan ngờ vực của dân Chúa. Thế nhưng, để đồng thời đóng cả hai vai trò như vậy thì chưa bao giờ là dễ dàng cả, đặc biệt khi đứng trước những hoàn cảnh bi thương như thể không có lối thoát của cuộc vật lộn nhân sinh, khi mà con người như thể không tìm đâu được một chút ánh sáng của niềm hi vọng, khi mà một cuộc đời đang bị bao phủ bởi cả bầu trời tăm tối, phải quằn quại trong nỗi cùng cực của mình,… những lúc như thế, chỉ cần có được một tấm lòng cảm thông thôi thì người ngôn sứ đã có thể trở thành ngôn sứ đích thực theo nghĩa là đại diện của Thiên Chúa mà cảm thấu nỗi lòng của dân và để rồi từ đó mà cầu thay nguyện giúp cho những mảnh đời không còn có khả năng cầu nguyện cho chính mình.


THƯ MỤC SÁCH THAM KHẢO

_. Kinh Thánh: Việt ngữ. Dịch và chú giải bởi nhóm CGKPV. Nxb Tôn Giáo, 2011.

Blenkinsopp, Joseph. A History of Prophecy in Israel. Louisville, Kentucky: Westminster John Knox Press, 1996.

Clarke, A. (1999). Clarke’s – Commentary: Jeremiah (electronic ed.). Logos Library System; Clarke’s Commentaries (Je 14:1). Albany, OR: Ages Software.

Fitzgerald, Aloysius, F.S.C, “Hebrew Poetry” in The New Jerome Biblical Commentary, ed. Raymond E. Brown, S.S; Joseph A. Fitzmyer, S.J. and Roland E. Murphy, O.Carm. Englewood Cliffs, New Jersey: Prentice-Hall, Inc, 1968.

Lundbom, J. R. Jeremiah 1-20: A new translation with introduction and commentary. New Haven; London: Yale University Press, 2008.

Martens, E. A. Jeremiah: Believers church Bible commentary. Scottdale, Pa.: Herald Press, 1986.

O’ Connor, Kathleen M. “Jeremiah” in The Oxford Bible Commentary, ed. John Barton and John Muddiman. New York: Exford University Press, 2001.

Overholt, Thomas W. Jeremiah” in The Harpercollins Bible Commentary, Gen.ed. James L. Mays. New York: HarperCollins Publishers Inc., 1988.

Petersen, David L. The Prophetic Literature – An Introduction. Louisville, Kentucky: Westminster John Knox Press, 1989.

Wesley, J. (1999). Wesley’s Notes: Jeremiah (electronic ed.). Logos Library System; Wesley’s Notes (Je 14). Albany, OR: Ages Software.

[1] X. Joseph Blenkinsopp, A History of Prophecy in Israel (Louisville, Kentucky: Westminster John Knox Press, 1996): 34.

[2] X. David L. Petersen, The Prophetic Literature – An Introduction (Louisville, Kentucky: Westminster John Knox Press, 1989): 110.

[3] Giai đoạn trước khi Giê-ru-sa-lem bị tàn phá năm 586 a.C, nhưng được nhìn dưới lăng kính của nạn đói thảm khốc và cảnh huynh đệ tương tàn trong cộc chiến 597 a.C. Xem: E. A. Martens, Jeremiah. Believers church Bible commentary (Scottdale, Pa.: Herald Press, 1986): 107; và A. Clarke, (1999). Clarke’s – Commentary: Jeremiah (electronic ed.), (Logos Library System); Clarke’s Commentaries (Je 14:1). Albany, OR: Ages Software.

[4] Phải chăng ở đây cũng tương tự như tâm trạng Đức Giê-su khi khóc thương cho thành Giê-ru-sa-lem (Lc 13:33).

[5] Cụm từ này bị khuyết trong bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt của nhóm CGKPV, trong khi lại có ở các bản dịch Anh ngữ (NAB, RSV, NJB) hay chính bản Do-thái (WTT).

[6] Có nhiều tác giả đặt 14:17-22 cùng với 15:1-3 để thành bài Ai ca thứ 2 của Giê-rê-mi-a (song song với bài thứ nhất 4:1-16). Xem: J. R. Lundbom, Jeremiah 1-20: A new translation with introduction and commentary (New Haven; London: Yale University Press, 2008): 691.

 

[7] Trích từ bản Kinh Thánh: Việt ngữ, Dịch và chú giải bởi nhóm CGKPV (Nxb Tôn Giáo, 2011).

[8] Phần in nghiêng trong bài viết là những trích dẫn trực tiếp từ bản dịch đã nêu.

[9] X. Gr 8:21; Ac 1:16; và cũng x. Lundbom, 691.

[10] X. St 2:5; Lv 26:4; Đnl 11:14.17.

[11] Hình ảnh dân tộc được nhân cách hóa nơi hình ảnh trinh nữ thì rất đặc trưng trong Giê-rê-mi-a (18:13;  31:4; 46:11) và cả trong các truyền thống khác, x. Lundbom, 691.

[12] X. Gr 8:21; 10:19; cũng có thể hiểu đây là vết thương luân lý, là sự sa đọa của đời sống luân lý, x. Lundbom, 691.

[13] Có tác giả cho rằng đây là sự không hiểu biết về nơi sẽ tới bởi sẽ bị lưu đày, hoặc một sự lạc lối vì tội lỗi của họ (Gr 8:10); và Lundbom, 691; hoặc cũng có thể là lang thang kiếm sống, x. Clarke, sdd.

[14] X. Aloysius Fitzgerald, F.S.C, “Hebrew Poetry” in The New Jerome Biblical Commentary, ed. Raymond E. Brown, S.S; Joseph A. Fitzmyer, S.J. and Roland E. Murphy, O.Carm. (Englewood Cliffs, New Jersey: Prentice-Hall, Inc, 1968): 202-5.

[15] Tòa vinh hiển có thể hiểu là Giê-ru-sa-lem (Gr 3:17) hay nhà Đa-vít như J. Wesley (1999). Wesley’s Notes: Jeremiah (electronic ed.). Logos Library System; Wesley’s Notes (Je 14). Albany, OR: Ages Software; hoặc có thể hiểu là dân Xi-on theo cấu trúc đối xứng, cũng như Giu-đa được đặt tương ứng với toàn dân (chúng con).

[16] X. Gr 32:18; Ở đây cũng cho thấy một sự mập mờ rất đặc trưng của Giê-rê-mi-a về việc nhận lỗi, x. Petersen, 105.

[17] Có lẽ trong chính thâm tâm mình, vị ngôn sứ thấu hiểu được tâm tình và niềm chờ mong của Đức Chúa đối với việc hoán cải của dân (x. Gr 3:12-13) nên ông như thể đại diện dân để nhận lỗi và cũng là diễn tả hi vọng của ông đối với dân.

[18] Theo bản Dothái WTT.

[19] X. Lundbom, 691 và Kathleen M. O’ Connor, “Jeremiah” in The Oxford Bible Commentary, ed. John Barton and John Muddiman (New York: Exford University Press, 2001): 501-2.

[20] X. Petersen, 108.

[21] X. O’ Connor, 501-2 và Thomas W. Overholt, Jeremiah” in The Harpercollins Bible Commentary, Gen.ed. James L. Mays (New York: HarperCollins Publishers Inc., 1988): 558.

[22] X. Lundbom, 691.

[23] X. Dt 4:14-15; 8:1-12; cũng xem Gaudium et Spes, 78.

[24] X. 1Cr 15:3; Gl 1:4; Dt 9:14; Pl 2:6-11