Giáo sư: Barnabas Vũ Minh Trí, S.J

   Học viên: Phêrô Lê Hoàng Nam, S.J

                                                                           Môn học: Triết học Trung Quốc

Xét cả về diện tích lẫn dân số, Trung Quốc là một trong những quốc gia được xếp hàng đầu của thế giới. Từ thuở xa xưa, những chuyển biến phức tạp về chính trị và xã hội đã luôn không ngừng tiếp diễn trên mảnh đất này. Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ nổi tiếng nhờ những sự kiện ấy, nhưng còn bởi những tư tưởng kiệt xuất của các bậc hiền sĩ, võ văn song toàn, không ngừng cống hiến cho nhân loại những tư tưởng thâm thúy trong nhiều lĩnh vực. Trong số đó, Vương Dương Minh (1472-1528) cũng là một bộ mặt sáng giá, lôi kéo sự chú ý của bao người trong mọi thời đại.

Vương Dương Minh tên thật là Vương Thụ Nhân, tự Bá An, người đất Dư Diêu, Chiết Giang. Gọi ông là Vương Dương Minh là vì ông làm nhà ở Dương Minh động, cách thành Hàng Châu hai mươi dặm.[1] Các học giả xếp ông vào trường phái Tâm học. Tư tưởng của ông khá nhiều nhưng tựu trung chỉ quy về điểm mấu chốt: trí lương tri, được ông đánh giá là “chính pháp nhỡn tàng của thánh môn”.[2] Vậy “trí lương tri” là gì? Tư tưởng này đóng góp thế nào cho triết học đạo đức của ông?

Người viết xin trình bày dưới đây quan điểm của Vương Dương Minh về “trí lương tri” trước khi nói về giá trị của nó trong việc lý giải một số vấn đề của triết học đạo đức. Sau đó sẽ là đôi dòng suy nghĩ của người viết về tư tưởng này của ông.

I. “Trí lương tri” trong quan niệm của Vương Dương Minh

1. Tìm hiểu “lương tri”

Trong việc cắt nghĩa “lương tri”, Vương Dương Minh đã mang đến cho sách Đại Học của Nho gia một lối nhìn siêu hình mới. Sách Đại Học có câu: “minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện”.[3] Theo Vương, “chí thiện” là điểm dừng và là tiêu chuẩn cao nhất của đức sáng và thân dân. Đó là cái Trời ban cho mỗi con người.[4] Cũng giống như Mạnh Tử, họ Vương cho rằng mỗi con người đều có một cái tâm căn bản, là mầm mống sự thiện, thúc đẩy ta làm điều tốt. Chẳng hạn, khi thấy một em bé sắp rơi xuống giếng, ta đều thấy được thúc đẩy chạy ngay đến cứu đứa bé mà không cần nghĩ ngợi đến lợi ích vật chất nào.[5] Hoặc không cần ai dạy bảo, tự nhiên trong ta cảm thấy cần phải hiếu với cha mẹ, kính trọng người lớn tuổi. Vương gọi cái tâm thiện căn bản ấy là lương tri.

Vương cho rằng lương tri là bản thể của tâm ta. Nó tự nhiên sáng láng, linh diệu và minh giác. Khi có ý niệm nào phát sinh ra, lương tri sẽ cho ta biết ngay đó là thiện hay ác, nên theo hay không nên theo.[6] Lương tri, nếu hiểu như thế, cũng có nghĩa là lý, là đạo. Tự nó sáng suốt, lưu hành khắp vũ trụ mà không bao giờ biến đổi.[7] Ông còn cho rằng lương tri chỉ là một, và luôn luôn là thế, cứ tự nhiên như vậy mà chiếu tỏa ra. Nó vô hình, vô ảnh, vô phương, nhưng không đâu là không có nó.[8] Tự bản chất, lương tri sinh sinh bất tức, dù có bị che lấp bởi tư dục nhưng nó cũng không thể bị xóa bỏ được.[9] Lương tri là tiếng nói khơi gợi lên trong ta biết đâu là điều lành phải làm và đâu là điều xấu cần tránh. Nơi lương tri ấy, không cần suy nghĩ, không cần học hành, ta cũng có thể biết, bởi nó được Trời phú bẩm và đặt để trong ta.[10]

Vương cho rằng, dù là hạng tiểu nhân hay bậc quân tử đều được phú ban cho lương tri. Nhưng hai loại người này khác nhau ở chỗ: quân tử thì để lương tri soi dẫn và làm theo những gì lương tri mách bảo, tiểu nhân thì để tư ý phủ lấp lương tri mình. Thế nên, sự học cốt là quay về với cái tâm, làm cho tâm sáng tỏ, hay nói cách khác, là trí cái lương tri của mình, bởi nếu ta chú tâm vào việc phát triển tối đa lương tri, các chướng ngại sẽ bị gỡ bỏ, bản thể được phục hồi và nhân tâm trở lại thiên uyên.[11] Bởi đó, Vương Dương Minh rất đề cao “trí lương tri”.

2. “Trí lương tri” theo cái nhìn của Vương Dương Minh

“Trí lương tri” của họ Vương có gốc từ “trí tri” của Khổng Tử và “lương tri lương năng” của Mạnh Tử.[12] Sách Đại Học có nhắc đến “bát điều mục”[13]. Trong đó, hai điều đầu là cách vật, trí tri được nhiều người để ý và đưa ra các cách chú giải khác nhau. Theo cách hiểu thông thường, trí tri là có được tri thức thấu đáo; muốn vậy, phải cách vật, nghĩa là phải nghiên cứu sự vật.[14] Một cách hiểu khác, trí tri là biết hết tất cả mọi vật trong thiên hạ, “nào là vật tình, nào là vật lý, nào là vật thể, nào là vật dụng, nhất nhất thu thập vào trong óc mình…”[15] Còn theo Chu Hy[16], “cách” nghĩa là “tới”, “vật” là sự vật. Cách vật là tìm tới cái Lý của sự vật, là khám phá tới chỗ tối cao nhất của nó. Có như thế, ta mới hiểu thấu sự vật, mở mang tri thức hay nói cách khác, mới trí tri được. Trình Di[17] cũng có lối hiểu tương tự. Theo ông này, “cách” có nghĩa là “đến”, như chữ cách trong câu “tổ khảo lai cách” (tổ tiên đến) [trong Kinh Thư]; theo đó, mỗi vật có một Lý mà ta phải xét tới cùng cái Lý ấy của nó; cách vật như thế, mới có thể trí tri.[18]

Khác với tất cả các cách hiểu trên, theo Vương, “cách” có nghĩa là “chính”, “vật” là “việc”. “Cách vật” không có nghĩa là “tìm hiểu vật” nhưng là “kiểu chính việc”, là sửa lại cho đúng, là làm theo những gì tiếng lương tri mách bảo: bỏ điều ác, làm điều thiện; và như thế, ta trí lương tri.[19] Vương Dương Minh cho rằng: “trí tri cách vật là trí cái lương tri của tâm ta ở sự sự vật vật. Lương tri của tâm ta tức là thiên lý. Trí cái thiên lý trong lương tri của tâm ta ở sự sự vật vật thì sự sự vật vật đều được cái lý, đó là cách vật”[20] Nơi khác, họ Vương cho biết “trí tri không phải là mở rộng cái tri thức ra, nhưng là trí cái lương tri của tâm ta”[21] Như thế, trí lương tri là đi vào lòng mình, không hướng ra ngoài nhưng quy vào tâm, để nhìn thấy cái ánh sáng linh diệu mà lương tri tỏ bày, để nghe được lời chỉ bảo đúng sai của lương tri mà noi theo. Tự nơi lương tri đã chứa đủ tất cả những gì cần biết. Tìm về lương tri hay trí lương tri thì không cần nhớ nhiều nhưng không có gì không biết, bởi nó là đầu mối của sự học.[22]

Vương Dương Minh đã có cái nhìn khá mới so với các tác giả trước ông liên quan đến “trí tri”. Liệu quan điểm này có là một nét đột phá trong triết học đạo đức của ông không?

II. Áp dụng vào triết học đạo đức

1. Một số vấn đề trong triết học đạo đức nói chung

Có một số vấn đề vẫn luôn làm các triết gia suy tư về đạo đức tốn biết bao giấy mực. Trong đó, điều làm họ băn khoăn nhiều nhất chính là làm sao xóa bỏ được khoảng cách giữa tri và hành. Có khi ta biết làm điều này là xấu, ta được mách bảo đừng làm, ta vẫn cứ làm; hay ngược lại, dù được thúc đẩy làm điều tốt kia, ta vẫn không làm. Đâu là nhịp cầu nối kết hành với tri? Một vấn đề khác trong triết học đạo đức là xác định đâu là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy người ta đi từ chỗ tri đến hành: lý trí hay cảm xúc? Một yếu tố nữa cũng không kém quan trọng chính là ý chí tự do của chủ thể trong việc thực thi hành vi luân lý. Con người có thực sự tự do hoàn toàn trong những hành vi của mình không?

Trước Vương, anh em họ Trình và Chu Hy đã chủ trương rằng Trời phú bẩm cho mỗi con người một tri thức bẩm sinh (liangzhi). Tri thức này là thiên lý mà con người phải nỗ lực nắm bắt. Nắm bắt thiên lý cũng là nắm bắt tất cả các lý nơi vạn vật. Biết lý rồi, tự khắc con người sẽ làm lành lánh dữ. Cái lý ấy tựa như thiên ý, cho ta biết điều gì tốt, và con người phải làm theo như thể ấy là một mệnh lệnh từ Trời, từ bên trên, từ một thế lực ngoại tại với mình.[23]

Vương Dương Minh có vẻ không đồng ý với quan điểm này. Đối với Vương, tương quan giữa tri và hành phức tạp hơn rất nhiều so với cách nghĩ của phái Lý học. Biết theo kiểu tri thức trí tuệ chưa hẳn đã kéo theo việc làm. Đi tìm cái thiên lý xa vời và trừu tượng có phần vô ích. Hơn nữa, hành động theo hướng dẫn của một thiên lý ngoại tại sẽ đánh mất đi tính tự trị (autonomy) trong đời sống đạo đức của con người. Với cách hiểu về “trí lương tri”, Vương Dương Minh dường như khá tự tin để đối diện với tất cả những vấn nạn nêu trên.

2. Kiến giải của Vương Dương Minh

Giải quyết vấn đề tương quan giữa tri và hành, họ Vương mời gọi ta hãy đi vào cái tâm, cái đức, đồng thời cũng là cái lương tri, thay vì đi tìm cái lý ở sự vật bên ngoài. Bởi tâm là nguồn cội của sự học nên mục đích của sự học hệ ở việc để cho tâm được sáng tỏ như đúng bản chất của nó[24]. Nói cách khác, biết những gì do lương tri mách bảo mới là điều cốt yếu. Tuy nhiên, nếu phái Lý học chủ trương rằng biết trước làm sau, thì Vương quan niệm biết và làm là hai việc đồng thời xảy ra, giữa chúng không có sự tách biệt tự bản chất. Theo ông, tri là nói cái minh giác của tâm, hành là nói đến sự phát động của tâm.[25] Chẳng có cái gì là cái tri mà không hành. Tri mà không hành thì chưa là tri thực sự. Thấy cái sắc đẹp là thuộc về tri, muốn cái sắc đẹp thì thuộc về hành. Thấy cái sắc đẹp là đã thích rồi chứ không phải thấy rồi sau đó mới lập tâm thích.[26]

Liên quan đến vấn đề đạo đức, Vương khuyên người đời hãy trí lương tri. Bởi lương tri là tiếng nói của tâm, là ánh sáng minh linh giúp phân định điều tốt – xấu. Một người khi đã thực sự trí được lương tri là đã phải hành động rồi. Ông lấy ví dụ: chỉ người nào phải thực hành hiếu với cha, đễ với anh chị, người ấy mới thực biết thế nào là hiếu, là đễ.[27] Như thế, tri là chủ ý, là khởi đầu của hành; hành là công phu, là kết quả của tri.[28] Sở dĩ có chuyện tri không đi với hành là do lương tri ta bị che khuất và ta không thể tri nó được. Khi đã trí lương tri đồng thời gạt bỏ hết những tư dục, hai yếu tố ấy tức khắc trở nên một.

Đến đây, một vấn đề có thể được đặt ra là bởi đâu lương tri có thể thúc đẩy chủ thể đến việc làm theo tiếng mách bảo của nó?

Như đã nói, lương tri là cái gốc sâu thẳm của con người. Nó cũng là cái đức, là bản thể bẩm sinh Trời phú cho con người. Chính nó làm nên cái tôi chân thực (authentic self), hoạt động như một tiêu chí nội tâm (internal criterion), thực hiện cuộc lượng định giá trị (value estimation), xác định đâu là điều đúng, đâu là điều sai, để hướng dẫn hành động con người.[29] Cái đúng và cái sai mà lương tri xác định được thể hiện dưới một dạng xúc cảm (emotion): thích và không thích. Cảm xúc ở đây không được hiểu theo nghĩa tình cảm chóng qua hay ủy mị, nhưng là một sự lôi kéo tự sâu thẳm của tâm. Lương tri sẽ gợi lên trong ta cảm giác thích điều tốt và không thích điều xấu. Điều này diễn ra cách tự nhiên như khi ta tự nhiên yêu thích mùi hương hoa thơm, muốn đến gần và ghét mùi hôi thối, muốn tránh xa.[30] Bên cạnh cái tri, cảm xúc cũng đóng vai trò như một “chất xúc tác”, đẩy con người đến chỗ thực hiện điều tốt mà lương tri mách bảo.

Ngoài hai yếu tố này, Vương Dương Minh còn đề cập đến một yếu tố khác mà ông đánh giá rất cao: ý chí (ý muốn / will). Ông cho rằng ý chí rất quan trọng vì nếu không có nó, đời sống con người sẽ trở nên lạc lõng, không đích nhắm.[31] Nếu lương tri giúp ta nhận ra đâu là điều tốt, cảm xúc lôi kéo ta hướng về thì ý chí đóng vai trò thúc đẩy ta đến chỗ thực hành điều tốt ấy. Như vậy, chỉ trong quan điểm của Vương, cả ba yếu tố – lý trí, cảm xúc và ý chí – hòa làm một và đều đóng vai trò trong các hành vi luân lý của chủ thể. Nếu Immanuel Kant (1724 – 1804) gặp rắc rối khi đề cao vai trò của lý trí trong “mệnh lệnh tuyệt đối” của mình, David Hume (1711 – 1776) cũng thế khi chú trọng hơn đến cảm xúc, thì ba thế kỷ trước, Vương Dương Minh ở phương Đông đã giải quyết được vấn nạn này.

Họ Vương cũng phê bình quan điểm của phái Lý học rằng nếu ta đi tìm cái lý ngoại tại và làm theo cái lý ấy, dường như ta đã bị nó điều khiển. Ta phải thuận theo “mệnh lệnh” mà lý ấy đặt ra; thế là ta đã mất đi tính tự trị của mình. Trái lại, “lương tri” trong cách nghĩ của Vương là cái làm nên chính tôi. Nó nằm tại nơi căn cốt nhất của tôi. Nó gắn bó mật thiết với tôi đến độ tiếng nói của nó thúc bách của tôi. Như thế, khi tôi làm theo tiếng lương tri chỉ bảo, tôi đang làm điều phát sinh ra từ tôi. Tôi làm chủ chính tôi, chứ không lệ thuộc ai cả.

Với phát kiến về “trí lương tri”, Vương Dương Minh dường như đã giải quyết được ba vấn nạn cơ bản của đạo đức học: tương quan tri – hành, kết hợp giữa lý trí – cảm xúc – ý chí, và tính tự trị trong hành vi. Mọi sự đều hệ ở “trí lương tri”. Chỉ cần trí lương tri, ta đã làm những gì cần làm để trở nên đạo đức.

III. Đôi dòng suy nghĩ

Suy nghĩ về “trí lương tri” của Vương Dương Minh, người viết được gợi nhớ về hai chữ “lương tâm” mà người thời nay, đặc biệt là giới Công Giáo vẫn hay sử dụng. Chân lý đã ở ngay trong lòng mình rồi, chẳng cần đi kiếm đâu xa. Chân lý này không làm cho ta thêm giàu tri thức, nhưng dường như sẽ chẳng thể nào là người trọn vẹn khi không nghe theo nó. Tự thâm tâm, con người được phú bẩm một tiếng nói giúp phân biệt điều thiện – ác. Những người theo thuyết tương đối, dù có chối bỏ hết mọi chân lý, cũng không thể không chân nhận một chân lý là phải làm theo những gì lương tâm họ mách bảo. Bên cạnh đó, nếu Công Giáo có khái niệm “huấn luyện lương tâm”, thì Vương cũng cảnh giác con người phải biết gạt bỏ tư dục để lương tri được tinh tuyền. Quan điểm của Vương thật gần với Công Giáo.

Tuy nhiên, những người theo trường phái chủ quan có thể lợi dụng quan điểm này để chống chế cho chủ thuyết của họ. Vương bảo lương tri chỉ có một và ai cũng như ai, nhưng thực tế, có rất nhiều trường hợp người ta lợi dụng lương tri để biện minh cho những hành vi của họ. Tiêu chuẩn tốt – xấu có khi lại trở nên chủ quan, tùy từng người. Đi vào cái sâu thẳm nhất để tìm đến cái một của lương tri không phải là chuyện dễ và không phải ai cũng làm được. Chân lý của lương tri hệt như Luật tự nhiên (natural law) của Toma Aquino, chỉ là hướng dẫn chung chứ không dạy cho biết chủ thể phải hành xử thế nào trong thực tế. Chẳng ai thấy lương tri bao giờ nên việc chủ thể có thành thực với lương tri hay không chẳng thể nào dễ dàng xét đoán. Đây có thể là một điểm yếu trong suy tư của Vương Dương Minh.

Tuy nhiên, đứng dưới góc nhìn của Vương, sẽ có thể có trường hợp người ta chỉ đang cố che đậy lòng mình bằng những tư lợi cá nhân. Họ đang né tránh chính mình khi không làm theo những gì lương tri bảo là đúng. Thử lấy ví dụ: liệu có ai trên đời này không tin có sự sống sau cái chết? Những anh em vô thần, dù có chối bỏ bằng ngôn từ hay học thuyết, vẫn thừa nhận nó cách nào đó trong lối sống của mình. Nhưng nếu như họ có cố gắng che đậy thì cũng chỉ vì họ sợ việc thừa nhận có sự sống đời sau sẽ ảnh hưởng không tốt đến những khoảng lợi ích vật chất mà họ đang hưởng dùng. Học thuyết của Vương nhắc nhở mọi người hãy về với lương tri của mình và sống thành thực với nó. Đó là con đường đắc đạo, trở thành thánh nhân.

Tạm kết

Triết học Tây Phương hay dựa trên những lý lẽ và lập luận trừu tượng cao xa, trong khi triết học Đông Phương thường là những minh triết ngắn gọn mà thâm thúy, gần gũi nhưng cũng thẳm sâu vô cùng, chủ yếu dạy người ta lối sống sao cho được thanh thoát. Cùng biết bao hiền tài nhân sĩ khác, Vương Dương Minh đã cống hiến cho nhân loại một lối đi trong hành trình làm người để tìm minh đức và thủ đắc chí thiện: đi vào lòng mình. Chắc có lẽ nhiều người cũng có một trực giác như ông nhưng hiếm người nào lại có một sáng kiến tế vi và lối biểu đạt rõ ràng đến vậy. Trí lương tri, ấy mới thực là cái cần làm, để có thể trở nên bậc quân tử. Quan niệm của Vương đã mở một cánh cửa rộng lớn cho tất cả mọi người: ai cũng có thể được lương tri soi dẫn, ai cũng có thể trở thành thánh nhân.

Đi vào lòng mình để lắng nghe một tiếng nói vô hình nào đó vẫn luôn vang vọng trong tim, ấy chẳng phải là thanh âm của lời mời gọi có từ vĩnh cửu sao? Tôi về với lương tri, không phải là đi đến một nơi lạ lẫm nào, nhưng chính là đi về nhà tôi, nơi tôi xuất phát, nơi làm nên con người tôi thực sự. Sống thành thật với bản chân là hiệp nhất con người mình, là trở nên đúng khuôn mẫu mà Tạo Hóa đã muốn khi dựng nên tôi. Đó không hẳn là nghĩa vụ đạo đức. Nó đích thị là một lời gọi mời đầy tràn phúc ân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

ĐOÀN TRUNG CÒN, Tứ Thơ Đại Học Trung Dung, NXB Thuận Hóa Huế, 1996

LÝ MINH TUẤN, Mạnh Tử Thuyết Minh, 2008

PHÙNG HỮU LAN, Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc, do Nguyễn Văn Dương chuyển dịch, TP HCM, NXB Thanh Niên, 1999

PHÙNG HỮU LAN, Lịch Sử Triết Học Trung Quốc, Tập II Thời Đại Kinh Học, do Lê Anh Minh chuyển dịch, Hà Nội, NXB Khoa Học Xã Hội, 2006

SÀO NAM PHAN BỘI CHÂU, Khổng Học Đăng, Hà Nội, NXB Văn Hóa Thông Tin, 1998

TRẦN TRỌNG KIM, Nho Giáo (trọn bộ), Hà Nội, NXB Văn Học, 2003

YANG GOURONG, Wang Yangming’s Moral Philosophy: Innate Consciousness and Virtue, trích từ Journal of Chinese Philosophy, 37:1 (March 2012).

http://www.iep.utm.edu/wangyang/                                                                                 

 

[1] x. TRẦN TRỌNG KIM, Nho Giáo (trọn bộ), Hà Nội, NXB Văn Học, 2003, tr 511

[2] Sđd, tr 541

[3] x. ĐOÀN TRUNG CÒN, Tứ Thơ Đại Học Trung Dung, NXB Thuận Hóa Huế, 1996, tr 4

[4] PHÙNG HỮU LAN, Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc, do Nguyễn Văn Dương chuyển dịch, TP HCM, NXB Thanh Niên, 1999, tr 306

[5] Sđd, tr 307 và x. LÝ MINH TUẤN, Mạnh Tử Thuyết Minh, 2008, tr 148

[6] PHÙNG HỮU LAN, Lịch Sử Triết Học Trung Quốc, Tập II Thời Đại Kinh Học, do Lê Anh Minh chuyển dịch, Hà Nội, NXB Khoa Học Xã Hội, 2006, tr 661

[7] x. Ngữ Lục II và TRẦN TRỌNG KIM, Sđd, tr 542

[8] Sđd, tr 543

[9] Sđd, tr 544

[10] Sđd, tr 557

[11]x. PHÙNG HỮU LAN, Lịch Sử Triết Học Trung Quốc, tr 663. Xem thêm: Vương Văn Thành Công toàn thư (Truyền Tập Lục): Nhân tâm thị thiên uyên, vô sở bất cai. Nguyên thị nhất cá thiên, chỉ vi tư dục chướng ngại, tắc thiên chi bản thể thất liễu. […] Như kim niệm niệm trí lương tri, tương thử chướng ngại trất tắc nhất tề khử tận, tắc bản thể dĩ phục, tiện thị thiên uyên liễu.

[12] x. TRẦN TRỌNG KIM, Sđd,  tr 542

[13] Cách vật, trí tri, thành ý, thành tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. X. ĐOÀN TRUNG CÒN, Sđd, tr 6.

[14] x. ĐOÀN TRUNG CÒN, Sđd, tr 7

[15] x. SÀO NAM PHAN BỘI CHÂU, Khổng Học Đăng, Hà Nội, NXB Văn Hóa Thông Tin, 1998, tr 340

[16] Chu Hy ( Chu Hsi) ( 1130 – 1200), tự Nguyên Hối, hiệu là Hối Am, sinh ra ở Vưu Khê, Phúc Kiến, Trung Quốc.

[17] Trình Di (1033 – 1108), người Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Ông cùng với người anh là Trình Hạo (1032 – 1085) lập ra phái Lý học.

[18] x. PHÙNG HỮU LAN, Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc tr 309

[19] x. PHÙNG HỮU LAN, Lịch Sử Triết Học Trung Quốc, tr 663

[20] x. Ngữ Lục II. Xem thêm ở TRẦN TRỌNG KIM, Sđd,  tr 546

[21] x. TRẦN TRỌNG KIM, Sđd,  tr 557

[22] x. Sđd, tr 457

[23] x. YANG GOURONG, Wang Yangming’s Moral Philosophy: Innate Consciousness and Virtue, trích từ Journal of Chinese Philosophy, 37:1 (March 2012), tr 62

[24] Sđd, tr 63

[25] x. TRẦN TRỌNG KIM, Sđd,  tr 537

[26] Sđd, tr 539

[27] Sđd, tr 537

[28] x. Vương Văn Thành Toàn Thư (Truyền Tập Lục): Tri thị hành đích chủ ý; hành thị tri đích công phu. Tri thị hành chi thủy; hành thị tri chi thành. Nhược hội đắc thời, chỉ thuyết nhất cá tri, dị tự hữu hành tại. Chỉ thuyết nhất cá hành, dĩ tự hữu tri tại. (PHÙNG HỮU LAN, Lịch Sử Triết Học Trung Quốc, Sđd, tr 664)

[29] x. YANG GOURONG, Sđd, tr 65

[30] Sđd, tr 64

[31] Sđd, tr 66