Chúa Nhật XIX, Thường Niên, Năm C: Dt 11:1-2, 8-19

Đây là bài đọc Phụng vụ duy nhất lấy từ chương 11, và có lẽ nó là phần quan trọng nhất trong bốn bài đọc của thư Do Thái bởi vì nó cung cấp một định nghĩa đức tin vốn củng cố mọi sự theo sau. Vì thế, các nhà giảng thuyết tốt hơn nên suy tư về định nghĩa này trong ánh sáng của chương 11 bởi vì họ sẽ thấy chính họ quay trở lại khái niệm này hết lần này đến lần khác.

Như dàn bài cho thấy, cả chương và bài đọc này bắt đầu với một định nghĩa về đức tin mà bản New American Bible chuyển ngữ theo cách sau: “Đức tin là sự nhận thức những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (11:1). Định nghĩa này có hai phần. Thứ nhất, đức tin là sự hỗ trợ cho những điều ta hy vọng; thứ hai, nó cung cấp bằng chứng cho những điều người ta không thấy nhưng lại biết rằng chúng hiện hữu. Vì mọi bản dịch là một sự diễn giải, sẽ hữu ích nếu ta tham khảo những bản dịch khác:

Giờ đây đức tin là bản chất của những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy
(The King James Version)

Giờ đây đức tin là bản chất của những điều ta hy vọng, là bằng chứng của những điều mà không xuất hiện (The Rheims New Testament).

Đức tin là gì? Nó là điều mang lại bản chất cho hy vọng của chúng ta, vốn minh chứng cho chúng ta về những điều chúng ta không thể nhìn thấy (R.A. Knox Translation).

Đức tin là nền tảng của những phúc lành mà qua đó chúng ta hy vọng cho, là bằng chứng của những thực tại mà chúng ta không nhìn thấy (J.A. Kleist & J. Lilly Translation).

Giờ đây đức tin nghĩa là lấy hết lòng tin đặt vào những điều chúng ta hy vọng cho; nó có nghĩa là sự chắc chắn về những điều chúng ta không thể thấy (J.B. Phillips Translation).

Giờ đây đức tin là chắc chắn về điều chúng ta hy vọng cho và chắc chắn về điều chúng ta không thấy
(New International Version).

Giờ đây đức tin là sự đảm bảo cho những điều được hy vọng, là lòng tin vào những điều không được thấy (New Revised Standard Version).

Đức tin mang lại bản chất cho hy vọng của chúng ta và minh chứng cho chúng ta về các thực tại chúng ta không thấy (Revised New English Bible).

Những bản dịch này cho thấy rằng phần đầu mới là phần quan trọng nhất của bản văn, mà bản NAB dịch, “Đức tin là nhận thức những điều ta hy vọng.” Trong bản dịch này, NAB có vẻ đánh đồng đức tin với việc nhận thức về niềm hy vọng. Theo tôi, các bản dịch của NRSV và RNEB giúp ích hơn: Đức tin củng cố cho điều chúng ta hy vọng bởi vì nó cung cấp một sự đảm bảo hoặc mang lại bản chất cho điều chúng ta hy vọng. Ví dụ Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng gọi của Thiên Chúa và tá túc ở ngoại quốc bởi vì đức tin đã đảm bảo với ông rằng ông cuối cùng sẽ đến được thành phố “do Chúa vẽ mẫu và xây dựng” (11:10).
(Còn tiếp…)

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong, S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 152
155.