(Đoạn thư thường dùng cho bài đọc Chúa Nhật XVII, Thường Niên, Năm C: Cl 2,12-14)
Bản văn này diễn ra trong phần thánh Phao-lô cảnh báo các tín hữu Cô-lô-xê không được để mình bị lạc lối bởi các giáo huấn vốn khuyến khích họ tiếp nhận một lối sống khổ hạnh nhằm thỏa hiệp, hoặc để có thị kiến về những hữu thể thần thiêng (2:4-23). Mặc dù cộng đoàn phụng vụ sẽ không để ý bối cảnh này, nhưng những ai chọn bản văn này để giảng thì nên lưu ý.
Thánh Phao-lô khởi sự bằng việc cảnh báo các tín hữu Cô-lô-xê đừng để mình đi lạc lối bởi các giáo huấn vốn đặt nền tảng nơi “các quyền lực của vũ trụ” (2:8) chứ không phải nơi Đức Ki-tô (1:4-8). Với cụm từ bí ẩn này, thánh Phao-lô có lẽ nói đến các hữu thể thần thiêng như các quyền lực thần thiêng được đề cập ở c. 15. Một giáo thuyết như thế sẽ đặt Đức Ki-tô vào vai phụ trước các quyền lực của vũ trụ.
Sau khi đã cảnh báo các tín hữu Cô-lô-xê đừng để bị dụ dỗ bởi giáo huấn như thế, thánh Phao-lô nhắc họ về con người và công trình của Đức Ki-tô (2:9-15). Ngài ghi chú rằng sự viên mãn của thần tính ngự trị nơi Đức Ki-tô, và người có quyền trên mọi hữu thể thần thiêng. Các tín hữu Cô-lô-xê đã được cắt bì với “phép cắt bì của Đức Ki-tô” (2:11) khi mà họ đã được chôn cất và trỗi dậy với người qua phép rửa. Trong phép rửa đó, họ đã chia sẻ chiến thắng của Đức Ki-tô trên thập giá nơi người đã chiến thắng “các quyền lực thần thiêng” (2:15), các hữu thể mà tín hữu Cô-lê-xê có lẽ đã đang bị cám dỗ thỏa hiệp.
Sau khi đã nhắc nhở các tín hữu Cô-lô-xê về công trình của Đức Ki-tô, thánh Phao-lô cảnh báo họ đừng tiếp nhận các thực hành khổ hạnh mà một số người đang khuyến khích (2:16-23). Không rõ thánh Phao-lô muốn nói đến thực hành nào. Có người cho rằng một số người đã thúc đẩy những thực hành như thế như một cách làm hài lòng các thế lực thần thiêng. Dù là thực hành nào đi nữa, cảnh báo của thánh Phao-lô rất rõ. Những thực hành ấy không cần thiết bởi vì các tín hữu Cô-lô-xê đã chết với Đức Ki-tô “và đã được giải thoát khỏi các thế lực thần thiêng” (2:20).
Tự giới hạn ở cc. 12-14, bài đọc muốn lôi kéo sự chú ý của độc giả vào chủ đề rửa tội như một tiến trình của việc được chôn cất và trỗi dậy với Đức Ki-tô. Tuy nhiên, bối cảnh của bài đọc này cho thấy quan niệm của thánh Phao-lô về phép rửa trong ánh sáng của công trình cứu chuộc của Đức Ki-tô. Phép rửa là một sự thông dự vào cái chết của Đức Ki-tô trên thập giá, một chiến thắng hoàn vũ trên mọi quyền lực, thiên đàng cũng như thiên nhiên. Những ai được dìm vào trong Đức Ki-tô sẽ thông dự vào chiến thắng hoàn vũ của sự hòa giải ấy.
(Nguồn ảnh: St.Từ Internet)
Bản văn này tạo cơ hội cho các nhà giảng thuyết trình bày phép rửa tội từ quan điểm hơi khác lạ: chiến thắng hoàn vũ của Đức Ki-tô. Nhìn từ quan điểm này, phép rửa không còn chỉ là nghi thức của sự khởi đầu. Nó là sự thông dự vào một chiến thắng trên mọi quyền lực chống lại Thiên Chúa. Nhờ phép rửa, các tín hữu được liên đới một cách hết sức gần gũi với chiến thắng của Đức Ki-tô khi họ được chôn cất và trỗi dậy với người. Kết cục, nếu họ neo chắc vào Đức Ki-tô, họ không cần phải làm những điều ở trên và vượt quá điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Ki-tô.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong, S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 146 – 147.