Mặc Tử
(470 – 391BC)

 

Môn học: Triết học Trung Hoa
Giáo sư: Vũ Minh Trí, S.J.
Học viên: Nguyễn Đăng Trung, S.J.

 

Kiêm Ái của Mặc Tử là ‘yêu người như yêu chính bản thân mình,’ không phân biệt ranh giới. Liệu một tư tưởng như thế có khả thi hay không? Và tư tưởng Kiêm Ái giúp gì cho bối cảnh xã hội ngày nay? Tác giả bài viết nỗ lực giải đáp các vấn đề này qua việc làm sáng tỏ khái niệm Kiêm Ái, động lực của Kiêm Ái, cũng như đối chiếu khái niệm Kiêm Ái của Mặc Tử với Đức Nhân của Khổng Tử.

Dẫn nhập

Trong thời chiến quốc, một trong những nhà tư tưởng lớn ở Trung Hoa cổ đại là Mặc Tử, với tư tưởng chủ đạo là ‘Kiêm Ái’. Thuyết này vốn ảnh hưởng rộng khắp, nhưng bị chống đối vì nhiều lý do và được xem như đã chết một thời gian, nhưng dần được các học giả về sau nghiên cứu và phục hồi.[1] Lý do là vì thuyết Kiêm Ái dường như cho thấy nó là mầm mống của một tư tưởng đại đồng và đề cao các giá trị bác ái và bình đẳng xã hội rất đáng được trân trọng trong mọi thời. Vì thế, để tìm hiểu tư tưởng này, trước hết bài viết sẽ giới thiệu khái lược về thuyết Kiêm Ái của ông, kế đến sẽ đối chiếu nó với quan điểm Đức Nhân của Khổng Tử để giúp hiểu rõ hơn, và sau cùng thử đưa ra những phản tỉnh về giá trị áp dụng của thuyết Kiêm Ái cho những vấn đề ngày nay.

1.    Thuyết Kiêm Ái của Mặc Tử

a.    Khái niệm kiêm ái của Mặc Tử

Mặc Tử tên thật là Mặc Địch, là nhà tư tưởng nổi tiếng trong thời đầu chiến quốc, vốn là thời loạn lạc rối ren, chiến tranh liên miên. Ông sáng lập trường phái tư tưởng riêng Mặc học và tạo được sức ảnh hưởng lớn thời đó, sánh ngang với Nho học. Còn là nhà hoạt động xã hội, ông chủ trương bảo vệ quyền lợi của giới bình dân, công bằng xã hội. Phỏng đoán, ông sinh sau khi Khổng Tử mất mươi năm và mất cùng hoặc sớm hơn so với lúc Mạnh Tử sinh ra. [2] Tư tưởng Mặc tử chủ yếu nằm trong sách mang tên ông, gồm 71 chương nhưng nay còn lưu lại được 53 chương. Có thể nói thuyết Kiêm Ái được trình bày trong toàn bộ tác phẩm Mặc Tử nhưng rõ nhất trong thiên Kiêm Ái.

Nhìn từ góc độ tự vựng, ‘kiêm ái’ (兼愛), ‘kiêm’ (兼) tức là ‘gồm’, xem ai cũng như mình, trái với ‘biệt’ (別) là chia rẽ, xem mình phân biệt với người, chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến người, vị kỷ. ‘Ái’ (愛) tức là ‘yêu’, trái với ‘ố’ (恶) là ghét.[3] Do đó kiêm ái là yêu thương tất cả mọi người, không phân biệt địa vị cao thấp, thân sơ, giàu nghèo, và yêu mọi người như yêu mình.

Kiêm ái đem đến cái lợi cho thiên hạ, giúp nước được trị (治). Vì khi đó mọi người xem người khác như mình; xem nhà người khác như nhà mình; xem nước người khác như nước mình; nếu yêu thương nhau như thế thì không còn những điều loạn. Kiêm ái dấy lên điều lợi cho thiên hạ: mọi người lắng nghe và quan tâm lẫn nhau, “lấy cái tai tinh, lấy mắt sáng mà trông nghe cho nhau, lấy cái chân tay khỏe mạnh mà giúp đỡ nhau, kẻ không có vợ con có chỗ dưỡng nuôi cho trọn tuổi già, kẻ nhỏ yếu mồ côi không cha mẹ có chỗ nương tựa đến lúc lớn khôn” (Kiêm Ái Trung).

Ngược lại, nếu không kiêm ái thì cái họa loạn (乱) xảy đến cho thiên hạ. Vì mọi người chỉ làm lợi cho mình mà làm hại cho người. Trong các tương quan cha con, anh em, vua tôi, giặc cướp…, nếu không yêu nhau thì sẽ gây ra bất hòa, tranh dành, cướp bóc, bất trung, bất hiếu, dọa nạt kẻ yếu, lừa lọc (Thiên Chí Trung). Cái loạn từ đó mà ra, làm hại cho mọi người, cho quốc gia. Vì thế Mặc Tử nói, giống như người thầy thuốc cần phải biết bệnh từ đâu ra mới trị được, thánh nhân (圣 人) trị nước cũng phải biết họa loạn từ đâu mà ra, để rồi mới chữa được, và nguyên nhân loạn đó là do con người không yêu thương nhau mà ra (Kiêm Ái Thượng).

Tóm lại, kiêm ái là ‘yêu người như yêu chính bản thân mình’, không phân biệt ranh giới. Một thế giới mà ai nấy đều sống kiêm ái như thế sẽ không có tranh giành, xung đột, ích kỷ, ganh tỵ, hẹp hòi, không hại lẫn nhau, đó là một thế giới thái bình thịnh trị.

b.    Động lực của kiêm ái

Trước hết ta thấy theo cách trình bày của Mặc Tử, kiêm ái là vì để quốc được trị, để đem đến cái lợi (利) cho thiên hạ, vì cái lợi lớn nhất là kiêm ái. Tại sao kiêm ái là cái lợi lớn? Vì không kiêm ái sẽ sinh loạn, ngược lại sẽ trị. Kiêm ái như là cái đức căn bản, bao gồm tất cả các đức khác như huệ, trung, từ, hiếu, hữu, đễ (vua-quan-phụ mẫu-con cái- anh em-bằng hữu) để xã hội được trị (Kiêm Ái). Vì thế kiêm ái phải là đạo của thánh vương, để giúp cho thiên hạ được đại trị (Kiêm Ái Trung). Sống kiêm ái phổ quát sẽ mang đến lợi ích phổ quát, bình đẳng xã hội, thiên hạ đồng lợi, của cải ngang nhau.[4] Nhưng nếu chỉ như thế, động lực kiêm ái có vẻ như đến từ bên ngoài?

Không những thế, động lực kiêm ái còn phát xuất từ bên trong. Kiêm ái được Mặc Tử trình bày luôn đi với nhân (仁) và nghĩa (義), và nhân nghĩa luôn đi với lợi (利). “Người nhân sở dĩ làm việc là tất để hưng cái lợi của thiên hạ, trừ khử cái hại của thiên hạ, vì vậy mà làm việc” (Kiêm Ái Trung). Mặc tử coi trọng nghĩa, vạn sự không có gì quý bằng nghĩa, nội dung chính của nghĩa là kiêm ái.[5] Nghĩa cũng đi với lợi: “ngày nay dùng nghĩa làm chính trị ở quốc gia, thì nhân dân tất đông lên, hình chính tất được sửa trị, xã tắc được yên ổn. Người ta quý của báu tốt là vị nó có thể làm lợi cho dân. Mà nghĩa có thể làm lợi cho người, nên bảo rằng: nghĩa là vật tốt là của báu cho thiên hạ vậy” (Canh Trụ). Như ta thấy ở trên, kiêm ái là đức nhân nghĩa, nhưng nhân nghĩa của Mặc Tử có phần khác đức Nhân của Nho gia, vốn sẽ được phân tích rõ hơn ở phần II.

Kiêm ái còn là vì để thuận theo thiên ý (天 意). Với Mặc Tử, ‘trời’ được ông xem như là một ngôi vị. Trong sách Mặc Tử có 25 lần chữ “Thượng Đế” (上帝). Ông tin vào một Đấng Thượng Đế yêu thương, vì ông thấy rằng Trời soi chiếu, chứa đựng, nuôi dưỡng, và Trời trừng trị giáng họa ai nếu giết người…Trời muốn con người sống yêu thương như vậy, “Trời muốn nghĩa và ghét bất nghĩa… ta làm điều Trời muốn thì Trời cũng sẽ làm điều ta muốn…nghĩa là sinh tồn, là trị” vì “thuận theo ý Trời, yêu thương lẫn nhau, làm lợi cho nhau, thì sẽ được Trời ban thưởng; trái ý với Trời, phân biệt và thù ghét lẫn nhau, sát hại lẫn nhau, thì sẽ bị Trời trừng trị” (Thiên Chí Thượng). Xét về khía cạnh xem như là chế tài, bên cạnh Trời, Mặc Tử còn nói đến chế tài quỷ thần và nhà nước để khuyên mọi người nên sống yêu thương, “quỷ thần ban thưởng người hiền và trừng trị kẻ bạo” (Minh Quỷ), dân chúng bên dưới phải thống nhất với bên trên, cùng sống kiêm ái để xã hội được hòa bình ổn định (Thiên Thượng Đồng). Điều này khiến nhiều người phê bình tư tưởng của Mặc Tử có màu sắc tôn giáo tiêu cực, chế tài mang màu sắc cực đoan.

c.     Kiêm ái là nền tảng của tư tưởng Mặc Tử

Với Mặc Tử, kiêm ái như là lý thuyết nền tảng, là giá trị cốt lõi để phác thảo cái nhìn vũ trụ quan, nhân sinh quan, đạo đức và đường lối chính trị của ông. Kiêm ái là tôn chỉ và là nền tảng của học thuyết Mặc Tử.[6] Như đã nói, thuyết kiêm ái được phác họa trong toàn bộ tác phẩm và trong nhiều khía cạnh khác nhau.

Trong thiên Phi Công, Mặc Tử phản đối mạnh mẽ chiến tranh phi nghĩa, vì xem nó là điều bất nghĩa lớn nhất, đem lại thống khổ và tai ương cho dân, là không phân biệt điều nghĩa, gây tổn thất cho cả dân ta và dân người vô số kể. Phi công và kiêm ái tương quan chặt chẽ với nhau là vậy. Trong thiên Phi Nhạc, ông lên án hoạt động vui chơi vũ nhạc, lên án thực trạng vui thỏa cá nhân mà không quan tâm đến người khác, “người nhân là tấm gương của thiên hạ, không để mắt ngắm nhìn cài đẹp, không để tai nghe am nhạc, miệng thưởng thức vị ngon, thân thể được an nhàn…vì làm hao tổn và tước đoạt cái ăn mặc của dân”. Với mục đích để quốc gia được trị, đem đến cái lợi cho thiên hạ, ông chủ trương quý trọng hiền tài dù là bất cứ ai, biết lắng nghe tiếng nói của giai cấp bình dân, “dù là hạng người nông dân hay thương nhân, chỉ cần có năng lực là tiến cử họ, để họ đảm nhận chính sự” (Thượng Hiền). Ông còn phê phán thuyết ‘hữu mệnh’ vì làm cho người khác thờ ơ thay vì phải có trách nhiệm trước số mệnh của người khác, “người chấp vào hữu mệnh nói rằng: số giàu thì giàu, số nghèo thì nghèo…. số loạn thì loạn, số sống lâu thì sống lâu, số chết yểu thì chết yểu” (Phi Mệnh). Vì chấp hữu mệnh thì trên không lo việc chính, dưới không lo làm việc…nên có hại cho thiên hạ.

Mặc Tử ý thức kiêm ái là rất khó thực hiện, vì phải bỏ đi hỷ nộ ai lạc ái ố để theo nhân nghĩa, trở thành bậc thánh nhân (Quý Nghĩa). “Vu Mã Tử nói với Mặc Tử: tôi không thể kiêm ái như ngài, tôi yêu người Trâu hơn người Việt, yêu người Lỗ hơn người Trâu, yêu người nhà hơn yêu người trong làng, yêu cha mẹ hơn người nhà tôi, yêu bản thân hơn cha mẹ tôi, vì nó càng gần với tôi” (Canh Trụ). Kiêm ái là đi ngược lại chiều hướng quy kỷ, tư lợi, không thể lấy ‘lợi bản thân’ làm tiêu chuẩn. Tuy nhiên, kiêm ái khó nhưng có người làm được, như vua Vũ nhà Hạ…, Mặc Tử cho rằng càng ít người theo thì càng gắng sức làm. Nhiều người chống đối nó không phải nó không đúng không hay, nhưng chỉ là vì cho nó quá khó, nên cho là vô dụng.

Thực vậy, có những nhận định khác nhau về học thuyết kiêm ái là do cái ‘khó’ này của nó. Điều này được làm rõ khi so sánh thuyết Kiêm Ái của Mặc Tử với Đức Nhân của Khổng Tử.

2.    Đối chiếu Kiêm Ái với Đức Nhân của Khổng Tử

a.    Khái lược đức nhân của Khổng Tử

Trước hết, có người nhận xét Đức Kiêm Ái của Mặc gần với Đức Nhân của Nho-Khổng.[7] Vì tư tưởng Khổng Tử cũng hướng đến một tình yêu thương người như thế chăng?

Thực vậy, với Khổng Tử, sống Đức Nhân là sống yêu người, vị tha. Chiết tự chữ Nhân () cho thấy có sự nhấn mạnh yếu tố hòa hợp, tương quan người với người. Sách Luận Ngữ (LN) ghi, “nhân là yêu người (爱 人)”. Hay ở nơi khác Khổng Tử nói: “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (LN 12.2), “điều gì mình không muốn, đừng làm cho người”, hay “người nhân, hễ mình muốn lập dựng cho mình điều gì, thì cũng mong muốn cho người khác được lập dựng như vậy, muốn mình thành đạt thì cũng mong người khác được thành đạt như vậy, muốn xử với mình thế nào thì cũng xử với người khác như thế”.

Tình yêu thương vị tha đối với Khổng Tử còn được thể hiện ở Đạo ‘trung thứ’. Trung (忠) : lòng không thiên lệch, Thứ (恕) là tâm giữ mức bình đẳng, hai bên đều như nhau, mình cũng như người,điều gì thực hiện cho bản thân mình mà mình không muốn, chớ đem việc ấy làm cho người” (Trung Dung,13). Trung thứ chẳng cách xa Đạo (Trung Dung); Như vậy hai chữ Trung Thứ có nghĩa là hết lòng vì người như vì mình, không thiên lệch. Đây cũng chính là tâm không phân biệt.

Dó đó, giống như thuyết Kiêm Ái, sống đức nhân cũng là sống yêu người và mức tột cùng là  yêu người như chính bản thân mình. Tiếp nhận Khổng Giáo, quan niệm của người Việt xem lòng yêu thương người chính là lòng nhân là vì lý do này. Tuy nhiên, suy xét sâu hơn, giữa hai học thuyết Kiêm Ái và Đức Nhân có những điều được cho là khác nhau.

b.    Đối chiếu Kiêm Ái và Đức Nhân

Đầu tiên, hai học thuyết có cái nhìn khác nhau về lợi. Kiêm Ái chủ trương đem đến cái lợi cho thiên hạ. Mặc Tử coi trọng và hay nói về công (功) và lợi (利), và xem chúng như là tiêu chuẩn của hành vi hay lựa chọn. Mặc Tử đưa ra các yếu tố như là bản (本) – nền tảng, nguyên (原) – chứng thực, và dụng (用) – vận dụng (Phi Mệnh Hạ); hay phú (富) – giàu và thứ (庶) – đông đúc (Tiết Dụng Thượng) làm tiêu chuẩn của chọn lựa và hành vi. Ngược lại, Khổng Tử ít nói đến lợi (Luận Ngữ, Từ Hản, 1), hoặc chê trách ai vì lợi “quân tử hiểu rõ về nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ về lợi” (Luận Ngữ, Lý Nhân, 16). Với Khổng Tử, tình thương người có động lực nội tại, vì nghĩa phải làm. Do đó, bậc nhân của Nho gia chú trọng đến việc phát triển đạo đức của người khác còn kiêm giả chú trọng đến cái lợi, và thiên về vật chất nhiều hơn.[8]

Tiếp đến, tình thương người trong cả hai học thuyết đều đi với nhân nghĩa nhưng quan niệm về nhân nghĩa có sự khác nhau. Khổng tử bàn đến nhân nghĩa, vì hiểu rằng tự nó trong nhân nghĩa có cái lợi cho mình và cho người “người có đức nhân an ổn trong đức nhân, người trí vận dụng đức nhân để được lợi” (Luận Ngữ, Lý Nhân, 2), lý do có thể là vì ông nghĩ rằng nếu giảng đến lợi e rằng người ta nhầm lẫn rồi chỉ tìm cái lợi cho mình mà quên đi cái lợi của người khác. Còn Mặc Tử thì cho rằng nếu nói về nhân nghĩa thì sợ rằng người ta không hiểu thấu để đưa đến hành động đúng, nên ông nói đến cái lợi để dễ hiểu và dễ thực hành hơn, vì nhân nghĩa tất sẽ đưa đến lợi. Cho nên, hễ bàn đến nhân nghĩa là Mặc Tử bàn đến lợi, “người nhân sở dĩ làm việc là tất để hưng cái lợi của thiên hạ, trừ khử cái hại của thiên hạ, vì vậy mà làm việc” (Kiêm Ái). Nghĩa cũng đi đôi với lợi vậy (Canh Trụ).

Tuy nhiên, sự khác nhau rõ nhất là phạm vi của tình yêu thương người. Nho gia phân biệt nhân và ngã, khuếch xung từ chính mình rồi đến người khác, yêu theo cấp bậc. Khổng Tử nói: “người quân tử cư xử đồng đều mà không về hùa; kẻ tiểu nhân về hùa mà không cư xử đồng đều” (Luận Ngữ, Vi chính). Tuy nhiên như Mạnh Tử hiểu, tình yêu này thực tế mang tính giai cấp chứ không mang tính đồng đều, Mạnh Tử chủ trương yêu người theo thứ tự từ gần ra xa, từ cha mẹ, vợ con, anh em tới yêu bà con xóm làng, dần dần yêu tới đồng bào, yêu tới nhân loại,[9] vì thế ông chê Mặc Tử rằng “… là kẻ không cha, là loài cầm thú vậy” (Đằng Văn Công Hạ), nhưng quả thực Mặc Tử đâu có nói quan tâm đến người khác là bỏ rơi phụ mẫu. Quan điểm về “nhân” của Mặc học là “ái nhân nhược ái kỳ thân”, yêu người như yêu mình, không kỳ thị, không phân biệt giai cấp, không ranh giới. Kiêm Ái có phần giống ‘Bác Ái’ của Ki-tô giáo,[10] và thuyết Vị Lợi, khi xem “hạnh phúc không phải là hạnh phúc của riêng tôi, nhưng là của mọi người.[11]

Nhưng quan điểm về lòng yêu thương người trong hai học thuyết Kiêm ái – Đức Nhân có thực sự trái ngược nhau nhiều như thế không?

Theo tôi nó không hẳn như thế! Trước hết, khi bàn về cái lợi, Khổng Tử xem nghĩa hơn lợi vì ‘lợi’ ở đây là ‘tư lợi’[12]. Mặc Tử nói đến lợi vì nhân nghĩa và lợi là một, chữ ‘lợi’ của Mặc Tử là cái lợi chung phổ quát chứ không phải chữ lợi mà Khổng Mạnh nói đến. Vậy nên, nếu sống đức nhân nghĩa thì tất sẽ đưa đến công lợi. Tuy nhiên, chỉ có điều cái lợi của Kiêm Ái mang nặng tính vật chất hơn tinh thần, mà nguyên nhân một phần là do bối cảnh loạn lạc đói kém thời đó.

Do đó, cho rằng động cơ kiêm ái chỉ nằm bên ngoài, còn động cơ đức nhân của Khổng Tử nằm bên trong cũng không hẳn đúng. Theo tôi, sự khác nhau là do mỗi bên nhấn mạnh một khía cạnh khác nhau của cùng một điều, giữa một bên là ‘phương pháp, là kết quả’ và một bên là ‘giá trị cốt lõi’. Thiết nghĩ, chắc hẳn Mặc Tử có một cảm nghiệm nền tảng nào đó, một siêu hình học hay vũ trụ quan đằng sau, về tương quan giữa con người với Thiên, giữa người với người, và giữa người với tạo thành. Vì không chỉ trong giáo thuyết mà cả cuộc đời và đời sống của ông cho thấy cả tấm lòng và con người của ông, giống như thái độ sống ‘hòa’ (Thiên-Địa-Nhân) của Khổng Tử. Con người như là một phần tử trong tương quan với Trời là trung tâm. Khi đó, vị trí của tất cả, của tôi và của mọi người sẽ như nhau, tôi xem người khác như bản thân. Nghĩ như thế, tầm nhìn sẽ vươn cao và bao quát. Chỉ khi biết tôi là ai, tôi mới biết cần phải hành xử như thế nào. Hẳn thế khi Mặc Tử nói, người sống theo đức nhân là người biết sống sao để cả thiên hạ được lợi, đó là người thuận theo thiên ý vốn là nguyên lý hướng dẫn chung cho mọi người chứ không để tư lợi hay cái nhìn hẹp hòi ích kỷ chi phối. Người sống theo đức nhân đem lợi cho thiên hạ vì sống hài hòa với tất cả, với thiên, với quỷ thần, với con người. Do đó, nhân-nghĩa với lợi như là thể (体) và dụng (佣) của cùng một kinh nghiệm nền tảng đó. Nếu sống triệt để, thì cả hai đều có cùng một động lực và dẫn đến cái đích như nhau. Việc nhấn mạnh lợi thay nhân nghĩa, dụng hay thể là tùy thời. Trong thời loạn lạc, tranh dành, vua quan bỏ bê con dân và vui ca vũ nhạc thì việc Mặc Tử nhấn mạnh đến cái lợi vì thế có thể hiểu được.

3.    Thử phản tỉnh giá trị thuyết Kiêm Ái trong bối cảnh xã hội ngày nay

Có thể nói, thuyết Kiêm Ái bị chống đối mạnh nhất là do đòi hỏi mang phạm vi phổ quát của nó, mà nhiều người cho là không tưởng[13]. Kiêm ái là việc khó làm; không hợp đạo làm con; không hợp tình người. Dù ai cũng đồng thuận rằng thuyết này hay nhưng chỉ trích nó chỉ vì nó khó. Có thể nói lý do là vì kiêm ái đã nhấn mạnh chiều kích xã hội, mà không đề cập đến chiều kích cá nhân-tương quan thân cận, quá nhấn mạnh yếu tố phổ quát, vốn là tính chất của lý trí, mà bỏ quên chiều kích cảm xúc tình thân. Dù Mặc Tử không hề nói là sẽ bỏ rơi gia đình phụ mẫu, nhưng ông cũng không hướng dẫn như thế nào để biết sống hài hòa tất cả. Cần phải cân bằng cả hai bên như thuyết của Khổng Tử theo cách hiểu của Mạnh Tử.[14] Chắc hẳn, thực tế vẫn có nhiều người sống cho xã hội nhưng đâu mang tiếng là bỏ rơi gia đình. Vì thế, đặt mình trong hoàn cảnh của Mặc Tử, thuyết Kiêm Ái có lẽ nên được xem như là một sự nhấn mạnh đến thái cực phổ quát vốn bị lưu mờ của những ai theo Nho học thời đó nhưng lại không hiểu và sống vị kỷ, và trong cả thời đại hôm nay cũng vậy. Hiểu như thế, thuyết Kiêm Ái mang lại những giá trị tích cực của nó.

Thuyết Kiêm Ái cần cho một xã hội có chiều hướng sống quy kỷ cá nhân, cần cho một xã hội mà vấn đề tham nhũng là một vấn nạn khi người người chăm chăm vào tư lợi riêng, đánh mất chiều kích tương quan với đồng loại, chẳng màng đến hạnh phúc an bình cho mọi người. Như Gabriel Marcel nói, thay vì nhìn nhau như là những huyền nhiệm trong tương quan với mình thì lại nhìn như những vấn đề,[15] tương quan của con người với tự nhiên hiện tại cũng là kiểu tương quan tôi-nó (I-it) thay vì kiểu tôi-bạn (I-thou)[16], vốn là những thái độ ích kỷ quy tôi. Thuyết Kiêm Ái cũng giúp con người ngày nay chất vấn lại sự hội nhất giữa nói và làm, tình yêu đi đôi với hành động, phải đưa đến kết quả nào đó thay vì chỉ là lời nói suông xét về cả khía cạnh chính trị và nhân bản. Hơn nữa, thuyết Kiêm Ái khơi lên tiếng nói cho hòa bình dân chủ bình đẳng, tôn trọng và lắng nghe tiếng nói của dân nghèo, của mọi tầng lớp trong xã hội.[17]

Kết luận

Tóm lại, kiêm ái là yêu mọi người như yêu mình, không phân biệt ranh giới hay giai cấp; một tình yêu đòi buộc tính phổ quát hướng đến mọi người, và cả đến mọi loài, là một tiếng nói vang vọng trước thái độ sống vị kỷ cá nhân; kiêm ái đòi buộc không chỉ yêu trong tư tưởng giáo thuyết nhưng phải được thể hiện ra hành động và nơi kết quả cụ thể. Sống kiêm ái là sống đúng đức nhân nghĩa vốn là phẩm tính của con người vốn được đề cao trong mọi thời, khi ý thức rằng mình đang sống trong tương quan nối kết với tất cả thực tại; hòa với trời, với người, và với vật. Khoa tâm lý học ngày nay cũng cho rằng tình yêu được xem là một nhu cầu của con người, con người muốn yêu và được yêu, muốn được quan tâm và quan tâm đến người khác.[18] Vì thế, như Đức Đạt Lai Lạt Ma Matthieu Ricard nói rằng, nguyên nhân cốt lõi của những vấn đề hiện nay của nhân loại đến từ nhận thức và cách sống tương quan của con người với tất cả vốn bị tha hóa, và do đó chìa khóa để giải quyết tất cả các vấn đề như kinh tế, xã hội, ý tế, giáo dục, triết học, môi sinh… có điểm gặp gỡ là tình yêu, là sự quan tâm giữa người với người và môi trường xung quanh,[19] là trở về đúng phẩm tính như mình là. Điều này thôi thúc bạn và tôi điều gì trong cách sống và trong cách mà mỗi người góp cho đời để xã hội được công bình bác ái, con người được trở nên thành người hơn?

 

Thư mục tham khảo

Chi, Giản và Lê, Nguyễn Hiến. Đại Cương Triết Học Trung Quốc-Tập 1. NXB Thanh Niên, 2004.

Dân, Dương Nhất. Mặc Tử Tung Hoành. Dịch bởi Thánh Khang và Tiến Thành. NXB Thanh Hóa, 2014.

Kimball, Kasey. “Bonaventure on Creation”,  A Ressourcement  for the Modern World. tập 51, số 4, (2015).

Lan, Phùng Hữu. Lịch Sử Triết Học Trung Quốc-Tập 1. Dịch bởi Lê Anh Minh. NXB Khoa Học Xã Hội, 2006.

Stump, Samuel Enoche. Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề. Dịch bởi Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy. NXB Lao Động.

Tuấn, Lý Minh. Tứ Thư Bình Giải. NXB Tôn Giáo, 2010.

Tuệ, Trí. Mặc Tử Tinh Hoa. TP Hồ Chí Minh: NXB Phương Đông, 2005.

Ricard, Matthieu. “Để Lòng Vị Tha Dẫn Lối”. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2017.
https://thuvienhoasen.org/a25424/de-long-vi-tha-dan-loi.

Từ Điển Hán Nôm. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2017.
http://hvdic.thivien.net/hv/.

[1] Phùng Hữu Lan, Lịch Sử Triết Học Trung Quốc-Tập 1, dịch bởi Lê Anh Minh, NXB Khoa Học Xã Hội, 2006, 127.

[2] Trí Tuệ, Mặc Tử Tinh Hoa, NXB Phương Đông, 2005, 6-7.

[3] Xem Từ Điển Hán Nôm, truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2017, http://hvdic.thivien.net/hv/.

[4] Dương Nhất Dân, Mặc Tử Tung Hoành, dịch bởi Thánh Khang và Tiến Thành, NXB Thanh Hóa, 2014, 16.

[5] Trí Tuệ, Mặc Tử Tinh Hoa, 8.

[6] Trí Tuệ, Mặc Tử Tinh Hoa, 119.

[7] Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Triết Học Trung Quốc-Tập 1, NXB Thanh Niên, 2004, 420.

[8] Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Triết Học Trung Quốc-Tập 1, 440.

[9] Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, NXB Tôn Giáo, 2010, 1275.

[10] Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, 671.

[11] Samuel Enoche Stump, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, Dịch bởi  Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy, NXB Lao Động, 531.

[12] Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Triết Học Trung Quốc-Tập 1, 452.

[13] Dương Nhất Dân, Mặc Tử Tung Hoành, 7.

[14] Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, 1020.

[15] Samuel Enoche Stump, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, 340-341.

[16] Kasey Kimball, “Bonaventure on Creation”,  A Ressourcement  for the Modern World, tập 51, số 4 (2015): 15-17.

[17] Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Triết Học Trung Quốc-Tập 1, 421.

[18] Nhận định của Paul Kurtz, giáo sư đại  học New York;  trích trong Dương Nhất Dân, Mặc Tử Tung Hoành, dịch bởi Thánh Khang và Tiến Thành, NXB Thanh Hóa, 2014, 29.

[19] Matthieu Ricard, “Để Lòng Vị Tha Dẫn Lối”, truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2017,
 https://thuvienhoasen.org/a25424/de-long-vi-tha-dan-loi.