Bài đọc: (Cv 2,1-11)

2

1Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

5Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. 7Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? 8Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? 9Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; 11nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa !”

Tìm hiểu nội dung bản văn

Sách Công vụ Tông đồ được cho là do thánh sử Luca viết lại. Sách này thuật lại hành trình rao giảng Tin Mừng của các Tông đồ, sau khi Chúa Giê-su Phục Sinh về Trời. Khung cảnh của bài đọc (Cv 2,1-11) diễn tả một cuộc thần hiển với những hệ quả kèm theo, nhằm cho thấy sự lớn mạnh dần của Giáo hội (như sẽ được nhắc ở cuối chương 2 của sách Công vụ Tông đồ).

Cũng như trình thuật về việc Chúa Giê-su về trời, việc Chúa Thánh Thần hiện xuống cũng được Luca diễn tả trong một bối cảnh không gian và thời gian xác định. Ở đây, khung cảnh là tại một căn nhà, nơi mà các Tông đồ đang tề tựu và vào chính ngày lễ Ngũ Tuần (cc.1-2). Đây là một trong ba dịp lễ lớn của người Do-thái, gồm lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều. Lễ Ngũ Tuần được tính là 50 ngày sau lễ Vượt Qua.

Lễ này ban đầu là dịp người Do-thái quy tụ nhau lại để dâng sản phẩm mùa màng sau kỳ thu hoạch lên Thiên Chúa (x. Xh 23,14-17). Rồi sau đó, lễ này được gán vào ý nghĩa tưởng nhớ dịp Thiên Chúa ký giao ước với dân Người tại núi Si-nai. Điều này cũng giải thích lý do mà chúng ta thấy ở cc.9-11, có rất nhiều người từ mọi miền tập trung về Giê-ru-sa-lem. Trong trình thuật về biến cố Si-nai (x. Xh 23,16 ; 34,22), trên trời cao có những tiếng sấm lớn. Ở trình thuật Chúa Thánh Thần hiện xuống, thánh sử Luca cũng diễn tả hiện tượng tiếng động lạ phát ra từ trời, tức là từ nơi của Thiên Chúa (c.2). Tiếng động ấy như tiếng gió mạnh. Điều đặc biệt ở đây là hạn từ “gió” (wind) trong tiếng Do-thái (ruah) và cả Hy-lạp (pneuma) đều có cách viết giống với hạn từ “thần khí” (spirit). Có thể thấy, tiếng động lạ từ trời mà Luca muốn nói chính là biểu lộ sự hiện diện của Thánh Thần (c.4).

Ngay sau khi nhận được Thánh Thần, các Tông đồ đã được ơn biến đổi. Kinh nghiệm biến đổi được nhận thấy cách rõ ràng từ co cụm với nhau trong một không gian giới hạn của căn nhà đến sự rao giảng công khai, từ cùng một ngôn ngữ đến sự phong phú, đa dạng hơn (cc.5-6). Chính sự biến đổi nhờ ơn Thánh Thần này đã khiến nhiều người khác tò mò, kéo tới để được nghe lời rao giảng Đức Ki-tô Phục Sinh bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của họ (cc.7-11). Đồng thời, Thánh Thần hình lưỡi lửa cũng cho chúng ta cảm nhận sức mạnh của ơn Chúa. Nếu lưỡi dùng để nói thì lưỡi lửa có thể hiểu như một khả năng dùng ngôn ngữ đi sâu vào tâm hồn người nghe. Nhờ ơn Chúa, lời rao giảng của các Tông đồ trở nên như ngọn lửa thiêu đốt tâm hồn người nghe để họ hiểu và thêm lòng yêu mến Chúa Ki-tô Phục Sinh.

Có thể thấy, ngoài việc Thánh Thần ban cho các Tông đồ hiểu được điều Đức Ki-tô từng dạy, dưới ánh sáng Phục Sinh, Ngài còn ban cho các ông ơn nói nhiều thứ ngôn ngữ. Tuy nhiên, Thánh Thần không phải ban cho các Tông đồ ơn nói tiếng lạ khiến chẳng ai hiểu, nhưng là ơn thông hiểu ngôn ngữ để các ngài rao giảng cho muôn dân về Đức Ki-tô Phục Sinh. Chính nhờ Thánh Thần mà dù đa ngôn ngữ nhưng các Tông đồ vẫn hiệp nhất và cùng rao giảng về Đức Ki-tô Phục Sinh mà không hề có sự chia rẽ nào, trái ngược với sự chia rẽ vì không hiểu ngôn ngữ của nhau trong câu chuyện tháp Ba-ben (x. St 11,1-9).

Ơn nói nhiều thứ tiếng này còn cho thấy tính phổ quát của Giáo hội. Thật ra, người Do-thái ngày xưa luôn cho rằng lãnh thổ lý tưởng chỉ nằm từ biên giới Ai-cập ngược lên phía Bắc, tới sông Êu-phơ-rát. Tuy nhiên, bản văn Cv2,1-11 có nhắc đến rất nhiều quốc gia khác nhau, thuộc nhiều vùng miền vượt khỏi biên giới lãnh thổ lý tưởng theo văn hóa Do-thái. Điều đó rõ ràng chứng tỏ rằng với sứ mạng loan báo Tin Mừng Đức Ki-tô Phục Sinh, Thánh Thần thúc đẩy các Tông đồ ra đi khắp nơi đến tận cùng trái đất. Theo đó, lễ Ngũ Tuần giờ đây là thời điểm mà muôn dân bắt đầu quy tụ nhau lại để cùng được hiểu về Đức Ki-tô Phục Sinh và lãnh nhận ơn cứu độ của Người. Trong đó, các Tông đồ của Chúa trở nên những người rao giảng và làm chứng về Đức Ki-tô Phục Sinh.

Có thể nói, biến cố thần hiển tại núi Sinai hoàn tất cuộc Vượt Qua của dân Do-thái và biến đổi con cái Ít-ra-en thành dân riêng của Thiên Chúa. Tương tự như thế, biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống đã hoàn tất cuộc Vượt Qua của Đức Ki-tô và hình thành nên Giáo hội mà trong đó, dân mới chính là các Ki-tô hữu, những người được Thiên Chúa quy tụ, ban đặc sủng để làm chứng về Đức Ki-tô Phục Sinh đem ơn cứu độ cho nhân loại.

Điều ấy cũng được thể hiện trong trình thuật Tin Mừng (Ga 20,19-23). Trong đó, Đức Ki-tô Phục Sinh thổi hơn ban Thánh Thần cho các Tông đồ. Tâm thế các ông khi nhận được Thánh Thần đã chuyển từ lo âu, sợ hãi, đóng kín cửa nhà sang mạnh dạn, tự tin, mở toang cửa vì niềm vui gặp Chúa Phục Sinh. Ngay khi ấy, Đức Ki-tô Phục Sinh đã sai các ông lên đường để chia sẻ niềm vui gặp Chúa. Đó cũng sẽ là sự biến đổi nơi các Ki-tô hữu đã nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần qua bí tích Thánh Tẩy. Người Ki-tô hữu với ơn Thánh Thần thúc đẩy, trở nên sứ giả của niềm vui Phục Sinh, loan báo về một Đức Ki-tô đã chiến thắng tử thần và phục sinh vinh hiển.

Hv. Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj

Tham Khảo

CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.2412-2413.

John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.1031-1032.

David A.J. Clines et al., The Dictionary of Classical Hebrew, vol. VII, Sheffield Phoenix, 2011, tr.427-429.

Barclay M.Newman, Greek-English Dictionary on the New Testament, United Bible Societies, 1971, tr.145.