Môn hoc: Triết học Tôn giáo
Giáo sư: Nguyễn Ngọc Hải, C.Ss.R.
Học viên: Nguyễn Văn Đức, S.J.

Ảnh của Gettyimages

Tôn giáo luôn là vấn đề thu hút sự chú ý của các triết gia từ cổ chí kim. Dựa trên quan điểm tâm lý học nhân văn, triết gia người Đức Ludwid Andreas Feuerbach đã đưa ra những lý luận khá sắc bén để phủ nhận Thiên Chúa và tôn giáo. Dù những lý luận mang tính nhân văn ấy không phản ánh chính xác về bản chất của tôn giáo, nhưng nó cũng là  một phản tỉnh cho đời sống đức tin của người Kitô hữu trong Giáo Hội và thế giới ngày nay.

Dẫn Nhập

Ludwig Feuerbach (1804-1872) là triết gia người Đức. Ban đầu ông là học trò của Hegel, nhưng sau này ông đã quay sang phản bác triết học duy tâm của thầy mình, từ đó ông cũng phê phán luôn cả thần học Kitô giáo và tôn giáo mà lúc nhỏ ông khá mộ mến[i]. Năm 1839, ông xuất bản cuốn sách “Suy nghĩ về cái chết và sự bất tử”, và nó đã gây nhiều tranh cãi cho sự châm biếm chống tôn giáo thời đó. Năm 1841, ông xuất bản tác phẩm ‘Bản chất của Kitô giáo’ mà có lẽ đó là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông về phê bình Ki-tô giáo.[ii]

Feuerbach phê phán tôn giáo như thế nào? Khởi đi từ tư tưởng của Hegel coi con người qua tư duy trở thành tuyệt đối, Feuerbach đã biến tinh thần tuyệt đối của Hegel thành lý thuyết phóng chiếu của mình. Cụ thể, trong sách sáng thế nói về trình thuật tạo dựng có chép rằng: “Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh của Thiên Chúa”. Từ những tư tưởng này, ông đảo lộn tất cả khi cho rằng “con người dựng nên Thiên Chúa theo hình ảnh của con người” [iii]. Trong lý thuyết của mình, ông sử dụng khá triệt để những phạm trù như “phóng tỏa”, “phóng thể” và “phân đôi” để phê bình tôn giáo.

  1. Sự phóng tỏa của con người

Trong cuốn “Bản chất Ki-tô Giáo”, Feuerbach coi Thiên Chúa như là một sự phóng tỏa của con người. Nghĩa là ông coi Thiên Chúa duy nhất của con người chính là con người”[iv]. Mọi cố gắng để diễn tả về Thiên Chúa đều khởi đi từ con người, chính họ đã nghĩ ra và tưởng tượng về một Đấng Siêu Việt đáp ứng những khát vọng của họ.

Feuerbach cho rằng, những ý tưởng và phẩm chất đạo đức chính xác là  những thứ đã được làm  nên bởi những đối tượng trong những ý tưởng con người thuần túy được phóng chiếu lên Thiên Chúa.[v]

Quả thực, con người có thừa khả năng mơ tưởng và sáng tạo ra một hình ảnh lớn và vĩ đại vượt xa mọi khả năng hữu hạn của chính họ. Con người phóng tỏa về một Thiên Chúa đầy quyền năng và nhân hậu vì họ tin vào bản chất vô biên của mình. Chính Feuerbach đã  coi Thiên Chúa là bản chất vô biên của con người. Ngoài ra, con người luôn luôn khát vọng về một sự bất tử hay về một cõi vĩnh hằng bởi vì họ bị giới hạn và lệ thuộc vào thiên nhiên. Con người không chấp nhận một sự hữu hạn nhưng mong muốn vươn tới tình trạng vô hạn của thần thánh. Feuerbach coi Thiên Chúa là sản phẩm của tinh thần con người, và mọi hoạt động tôn giáo chỉ là để giải quyết vấn đề về tâm lý. “Ý thức về Thiên Chúa là ý thức tự quy của con người, tri thức về Thiên Chúa là tri thức về chính minh của con người”[vi]. Chính vì vậy, đối với ông không có Thiên Chúa nào khác ngoài Thiên Chúa tồn tại trong trí tưởng tượng của con người. Thiên Chúa trong các tôn giáo chỉ là những câu chuyện hão huyền, bịa đặt và hư cấu của con người mà thôi.[vii] Do đó, theo ông một khi văn hóa và khoa học tiến triển thì tôn giao sẽ không còn có thể lừa gạt được con người nữa.[viii]

  1. Sự phóng thể của con người

Feuerbach từ bước vận dụng cái nhìn tâm lý nhân văn để đi vào phê phán một Thiên Chúa trong siêu hình học và thần học ngang qua việc ông cho rằng Thiên Chúa trong tôn giáo chẳng qua chỉ là phóng thể của con người[ix].

Đối với con người, Thiên Chúa chính là Thần trí của nó, là linh hồn của nó, và Thần trí của con người, linh hồn của nó, trái tim của nó, chính là Thiên Chúa: Thiên Chúa là cái bên trong hiện tỏ, là bản ngã được nói ra của con người.[x]

Nếu như những tín hữu trong các tôn giáo, cụ thể là Ki-tô giáo tôn thờ một Thiên Chúa có bản ngã siêu việt, thì đối với quan điểm của Feuerbach con người đang tôn thờ chính bản ngã của mình. Khi con người đi tìm Thiên Chúa thì họ thật sự đang tìm về chính con người của mình. Nếu như con người tin rằng “Thiên Chúa hiện hữu, rằng Người là chủ thể hay yếu tính…bởi vì chính anh cũng hiện hữu, chính anh cũng là yếu tính.[xi] Như vậy, hữu thể, yếu tính hay sự hiện hữu của Thiên Chúa chẳng qua là hữu thể, yếu tính và sự hiện hữu của con người mà thôi. Con người nhận ra chính mình như một hữu thể tồn tại trong thế giới với bản chất hữu hạn của nó, nhưng con người đã xây dựng nên một Hữu Thể tuyệt đối và vô hạn. Đối với Feuerbach, con người “hoàn toàn mù mờ về yếu tính các thần minh[xii] tức là con người không thể tri nhận được rõ ràng sự tồn tại của Thiên Chúa. Hữu thể toàn năng của Thiên Chúa mà con người tôn thờ cũng chỉ là một hữu thể siêu phàm do con người phóng chiếu lên nhằm phản ánh ước nguyện của con người. Do đó Hữu Thể của Thiên Chúa không tồn tại ngoài tư duy hay niềm tin của con người. Như thế, Feuerbach nhất quyết bác bỏ một Thiên Chúa hiện hữu độc lập với tư duy và niềm tin của con người.

  1. Sự phân đôi của con người

Đối với Feuerbach, “con người tự thân hóa bản tính vô biên của mình, đặt nó đối nghịch với mình[xiii]. Tôn giáo đã làm cho Thiên Chúa vốn là phóng thể của con người được hiểu một cách tách biệt đối với con người, nghĩa là “con người xẻ đôi với chính mình: con người đặt trước mặt mình Thiên Chúa như một hữu thể đối lập với chính mình. Thiên Chúa không phải là con người – con người không phải là Thiên Chúa”. Thiên Chúa nắm toàn bộ những ưu điểm vô hạn mà con người không có. Tôn giáo đã biến “Thiên Chúa và con người là hai thái cực: Thiên Chúa là cái Tích cực tuyệt đối, là tổng thể của mọi hiện thực, con người là cái Tiêu cực tuyệt đối, là tổng thể của mọi điều hư vô”[xiv]. Feuerbach đã nhìn tôn giáo như là một sự ràng buộc và kìm hãm con người trong đau khổ.

Vì khái niệm của chúng ta về Thiên Chúa được làm phong phú lên từ những khái niệm của chúng ta về con người bần cùng. Ở đây, chúng ta có một đám người bị buộc ở trong những xã hội áp bức bất công, một sự tất yếu của xã hội nhưng vẫn là một ý thức hệ sai lầm và méo mó. Tôn giáo lừa gạt họ trong việc chấp nhận một sự vô nhân đạo. Nó ca ngợi sự giải thoát cho con người trong khi nó lại hậu thuẫn việc giả mạo những xiềng xích trói buộc của mình. [xv]

Như vậy, Feuerbach phê bình tôn giáo vì đã tách biệt những phẩm tính tốt đẹp của con người ra mà gán vào cho Thiên Chúa. Ông coi tôn giáo như là giai đoạn ấu trĩ của con người[xvi]. Nghĩa là con người không tự ý thức về mình nhưng nó cần đến tôn giáo, khi ý thức về Thiên Chúa họ đang có ý thức tự quy về chính mình. Như thế, ông cũng đã hạ thấp những giá trị khách quan của tôn giáo.

  1. Những điểm tích cực và tiêu cực
  2. Điểm tích cực

Có thể nói rằng Ludwig Feuerbach đã đi đầu trong việc phê bình tôn giáo hiện đại một cách triệt để, nhưng ông cũng có một số điểm tích cực giúp cho các tôn giáo cũng như người tín hữu phản tỉnh.

Thứ nhất, ông đánh giá cao vị trí và vai trò của con người trong thế giới, lý thuyết của ông đều qui về con người. Ông đề cao tình yêu uyên nguyên giữa con người với nhau: “Hãy yêu mến con người vì con người”, “con người là Thiên Chúa đối với nhau[xvii]”. Điều này là một phản tỉnh tốt đến Giáo Hội Công Giáo, vì trong lịch sử Giáo Hội đã từng lãng quên hoặc thiếu quan tâm đến thực trạng của đời sống con người. Kitô hữu tôn thờ một Thiên Chúa quá cao xa mà quên mất một Thiên Chúa đã nhập thể làm người và ở với con người, cụ thể là những người nghèo khổ. Thứ hai, Feuerbach đã có những phân tích tâm lý mang tính nhân văn đối với đời sống sinh hoạt tôn giáo, điều này giúp người tín hữu tự phản tỉnh lại mình là “tôi đang đi theo một Thiên Chúa nào?, một Thiên Chúa do tôi tưởng tượng hay một Thiên Chúa Mạc Khải?”.

Cuối cùng, Feuerbach vô thần đến mức độ nào? Quả thực ông phê phán tôn giáo nhưng ông được coi là người vẫn còn chấp nhận sự tồn tại của Thiên Chúa nơi con người[xviii]. Chính vì thế mà “Ông bị đàn em phê phán thẳng thừng: ông không loại bỏ “tôn giáo”, nhưng biến nó thành tôn giáo riêng tư theo ý ông.”[xix]

  1. Điểm tiêu cực

Thứ nhất, Feuerbach có quan điểm duy con người nghĩa là ông lấy con người là tuyệt đối. Thực sự, những hiện tượng về mặt tâm lý chưa phản ánh hết mức những yếu tố thực tại đang xảy ra trong con người và xã hội. Nếu ông chỉ dựa trên những phân tích về tâm lý nhân văn thì hẳn là chưa đủ cơ sở để bác bỏ tôn giáo. Bởi vì trong tôn giáo mà cụ thể là Tin mừng rất mực đề cao nhân tính, và nhân tính được hoàn thiện nhờ ân sủng của Thiên Chúa.

Thứ hai, ông cho rằng tôn giáo là phóng thể của con người, tuy nhiên những gì mà ông phân tích thực sự chỉ là những mô tả về thế giới hiện tượng của tôn giáo. Nếu các hiện tượng không được nối kết với lịch sử tính của nó thì ta sẽ không đọc được ý nghĩa của tôn giáo. Do đó, nếu chỉ dựa trên những hiện tượng, ta càng không thể kết luận một cách chắc chắn rằng Thiên Chúa không tồn tại.

Thứ ba, ông cho rằng tôn giáo xét như tình trạng con người xẻ đôi với chính mình là không đúng. Bởi vì, con người tồn tại trọn vẹn trong một hữu thể thống nhất, và có thể nói yếu tố tâm linh cũng không bao giờ có thể tách rời khỏi con người họ, hay nói đúng hơn, cảm thức thuộc về Thiên Chúa luôn mời gọi con người tìm kiếm Đấng Tuyệt đối. Mặc dù con người không thể biết một cách trọn vẹn về hữu thể của Thiên Chúa, nhưng họ có thể kinh nghiệm được về sự hiện diện của Ngài. Do đó, ta không thể tuyệt đối hóa bản tính của con người.

  1. Kết luận

            Khi nghiên cứu Feuerbach, tôi thấy ông đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ lý thuyết phân đôi của thầy mình là Hegel, nhưng ông cố gắng hòa hợp sự phân đôi này bằng cách tuyệt đối hóa con người. Dựa trên những quan điểm tâm lý học nhân văn, ông đã có những lý luận khá sắc bén để phủ nhận Thiên Chúa và tôn giáo. Tuy nhiên, những lý luận mang tính nhân văn của ông không phản ánh chính xác về bản chất của tôn giáo. Mặc dù thế, Karl Marx đã biến lý thuyết của Feuerbach thành công cụ và khai thác nó một cách triệt để cho những phê phán tôn giáo của mình. Dù sao, lý thuyết của Feuerbach cũng có thể coi là một phản tỉnh cho đời sống đức tin của người Kitô hữu trong Giáo Hội và Thế Giới ngày nay.

[i] x. Weger. K., Phê bình tôn giáo qua các tác giả, (Verlag Styria, 1991), tr. 88.

[ii] http://www.philosopherkings.co.uk/Feuerbach.html (accessed September 24, 2015).

[iii] x. Nhiều tác giả, Triết hiện đại, (Lưu hành nội bộ, 2015), tr. 93.

[iv] Weger. K., Phê bình tôn giáo qua các tác giả, tr. 88.

[v] Kai Nielsen, Atheism and Philosophy, (Prometheus Books: New York, 2005), tr.91.

[vi] Ibid., tr. 90.

[vii] Vì Ludwig Andreas Feuerbach  đưa ra một giải thích về cho câu hỏi Thiên Chúa là cái gì. Ông không từ chối sự hiện diện của Ngài, đơn giản là ông mổ xẻ điều hão huyền. Thật không thể khẳng quyết được rằng Thiên chúa không tồn tại, nhưng một câu hỏi được đặt ra là: Thiên Chúa ở trong những người mà  đa số họ đều tin vào thật sự là ai? Câu trả lời của ông là: một chuyện bịa đặt, một sự sáng tạo bởi con người, một sự hư cấu mà họ vâng lời những lề luật cụ thể- trong hoàn cảnh của sự phóng chiếu và thần thoại. Con người tạo nên Thiên chúa trong sự tưởng tưởng ngược với chính mình. Cái chết, giới hạn, đau khổ từ tất cả những sự ràng buộc này, đã ám ảnh bởi lòng khao khát đối với sự hoàn thiện, sự tồn tại của con người được hư cấu thành một sức mạnh được phú cho những đặc điểm hoàn toàn đối lập. Trích Michel Onfray, In Defence of Atheism, (Penguin Group: Viking, 2007),  Tr. 31.

[viii] x. Weger. K., Phê bình tôn giáo qua các tác giả, tr. 89.

[ix] x. Ibid., tr. 88.

[x] Ibid.,tr. 90.

[xi] Ibid., tr. 93.

[xii] Ibid., tr. 103.

[xiii] Ibid., tr. 88

[xiv] Ibid., tr. 94.

[xv] Kai Nielsen, Atheism and Philosophy, tr.91

[xvi] x. ibid., tr.90.

[xvii] x. ibid., tr. 98.

[xviii] x. Michel Onfray, In Defence of Atheism, (Penguin Group: Viking, 2007),  Tr. 31.

[xix] Nhiều tác giả, Triết Hiện Đại, lưu hành nội bộ, tr. 94.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

http://www.philosopherkings.co.uk/Feuerbach.html (accessed September 24, 2015)

Kai Nielsen, Atheism and Philosophy, Prometheus Books: New York, 2005

Michel Onfray, In Defence of Atheism, Penguin Group: Viking, 2007

Nhiều tác giả, Triết hiện đại, Lưu hành nội bộ, 2015

Weger. K., Phê bình tôn giáo qua các tác giả, Verlag Styria, 1991