Ảnh từ Internet

Môn học: Ki-tô học
Giáo sư:  Nguyễn Hai Tính, S.J.
Học viên: Nguyễn Huy Hoàng, S.J.

 

“Con Thiên Chúa” (Son of God)[1] là thuật ngữ được dùng khá nhiều trong Tin Mừng Mac-cô, cũng là tên gọi phổ biến về Đức Giê-su Ki-tô mà chúng ta dễ tìm thấy trong Tân Ước. Tuy nhiên, tước hiệu này giúp hiểu gì về căn tính của Đức Giê-su? “Con Thiên Chúa” có hàm ý Đức Giê-su Ki-tô có đầy đủ thiên tính như Chúa Cha, hay đơn thuần đây chỉ là một lối nói diễn tả sự trổi vượt của Đức Giê-su xét như là một con người đặc biệt – một tạo vật ưu tú của Thiên Chúa? Lại nữa, khi nghiên cứu Tin Mừng Mac-cô có quan điểm cho rằng Đức Giê-su chỉ nhận ra căn tính thật sự của mình (là Người Con/Người Tôi Tớ) nơi biến cố thập giá[2], điều này có nghĩa ngài chưa hiểu hết căn tính của mình trước đó, hay nói khác đi, ngài vẫn sống trong sự mù mờ về căn tính trong hầu hết khoảng thời gian thi hành sứ mạng. Luận điểm này có khả tín? Bài viết nhỏ này sẽ đi tìm ý nghĩa của thuật ngữ “Con Thiên Chúa” trong Tin Mừng Mac-cô để hiểu hơn về Ki-tô học ẩn chứa trong Tin Mừng này (hiểu hơn về căn tính của Đức Giê-su Ki-tô).

“Con Thiên Chúa” và “Đức Ki-tô”

“Con Thiên Chúa” hay những thuật ngữ tương đương (người con yêu, con của Đấng Thánh, Con của Thiên Chúa Tối Cao) xuất hiện khoảng 10 lần trong Tin Mừng Mac-cô và đến từ môi miệng của ma quỷ (1:24; 5:7), từ lời thuật truyện (1:1; 3:11), từ Cha (1:11; 9:7), từ viên binh sĩ Rô-ma dưới chân thập giá (15:39). Điểm chung có thể nhận thấy là thuật ngữ này cho ta hình ảnh một Đức Giê-su vinh quang, thân thiết với Cha, đầy uy quyền đến độ ma quỷ cũng phải run sợ. Nói cách khác thuật ngữ này cho ta một ấn tượng khá mạnh về thiên tính của Đức Giê-su, và có lẽ cũng chỉ dừng lại ở mức độ như thế. Cho nên, để hiểu hơn về Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta cần hiểu danh xưng này trong mối tương quan với các danh xưng khác.

Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, “Con Thiên Chúa”” (Mc 1:1), thuật ngữ “Con Thiên Chúa” xuất hiện ngay đầu Tin Mừng qua lời thuật truyện. Điều thú vị nhận ra là “Con Thiên Chúa” đồng nghĩa với “Ki-tô”. Theo Bultman, khái niệm “Con Thiên Chúa” phát xuất từ truyền thống Do Thái vốn đồng nghĩa với cụm từ “Ki-tô” vốn dành cho một vị vua thuộc Dòng dõi Đa-vit theo nghĩa thể lý (2Sm 7:12-14:). Nếu chỉ lập luận đến đây, ta thấy Bultman có lý bởi tại phiên tòa, chính vị thượng tế đã hỏi Đức Giê-su: “Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không” (Mc 14:61), điều này hàm ý trong tâm thức của người Do Thái, Đấng Ki-tô phải là con của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Bultman lập luận tiếp: Cách dùng này được chuyển tải vào nền văn hóa Hy lạp và người ta hiểu “Con Thiên Chúa” là một hữu thể thần linh (divine being) để rồi cuối cùng thích ứng cho Đức Giê-su. Giải thích này thoạt tiên nghe hợp quy nhưng thật ra không ổn bởi nó không xuất phát từ bối cảnh thuật truyện của Mác-cô mà chỉ là sự suy xét về thuật từ vốn nằm bên ngoài bản văn[3], tức Bultman đã dùng một thuật ngữ Do Thái, mặc cho nó một ý nghĩa Hy Lạp rồi áp đặt cách hiểu Hy Lạp này cho Mac-cô, việc làm này xem ra có phần cưỡng gán.

Như thế, tuy danh xưng “Con Thiên Chúa” đã được đồng nhất và hiểu là Đấng Ki-tô nhưng vì mối liên kết có phần cưỡng gán này (nếu ta chấp nhận lập luận của tác giả Eugene Boring như trên) mà danh xưng Ki-tô cũng ít giúp ta hiểu về “Con Thiên Chúa”[4]. May thay, một lần danh xưng này được nói ra từ miệng Đức Giê-su dưới dạng thừa nhận một chất vấn tại phiên tòa (14:60-62): “Vị thượng tế lại hỏi Người: “Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?  Đức Giê-su trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy “Con Người” ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.” (Mc 14:61-62). Điều đặc biệt trong câu trả lời này là Đức Giê-su không chỉ xác quyết mình là “Con Thiên Chúa” nhưng cũng đồng thời cho biết mình chính là “Con Người”. Khảo sát Tin Mừng Mac-cô, ta lại thấy một điều đặc biệt nữa: danh xưng “Con Người” thậm chí còn được đề cập nhiều hơn danh xưng “Con Thiên Chúa” và trong đa số trường hợp đến trực tiếp từ miệng Đức Giê-su (có khoảng 14 lần danh xưng này được đề cập) và mô tả những đặc tính, việc làm của “Con Người”. Vậy Mac-cô muốn nói gì về “Con Người”?

Từ “Con Thiên Chúa” đến “Con Người”

Đầu tiên, trong hành trình sứ mạng công khai, Đức Giê-su đã cho thấy rằng ngài có quyền tha tội. “Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giê-su bảo người bại liệt, Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà! (2:10-11). Người Do Thái thường đồng nhất bệnh tật với sự dữ, và cũng xem bệnh tật như hậu quả của tội, ở đây, Đức Giê-su đã đồng thời chữa lành một lúc cả hai loại bệnh tật. Bên cạnh đó, “Con Người” sống trong luật nhưng không chịu sự chi phối của luật một khi luật ấy đi ngược lại với lợi ích chính đáng của con người. Chính vì thế, “Con Người” vừa ở trong luật nhưng cũng “ở trên luật”, trình thuật về việc các môn đệ bứt lúa ăn ở trên cánh đồng, vào ngày Sabath là một ví dụ điển hình: “Người nói tiếp: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát” (2:27-28). Hai hình ảnh này cho ta thấy “Con Người” dần tỏ lộ đặc tính “hành động” của mình, nếu như tước hiệu “Con Thiên Chúa” chỉ cho ta một ấn tượng chung chung về căn tính của Đức Giê-su thì ở đây, “Con Người” dần tỏ lộ những điều mà “Con Thiên Chúa” đang làm, hay nói cách khác, hành động cứu độ của “Con Thiên Chúa” được thể hiện cách cụ thể, sinh động nơi “Con Người”.

Chữa bệnh, trừ quỷ, và thậm chí làm chủ luật cho ta thấy hình ảnh “Con Người” thật mạnh mẽ, tuy nhiên đó không là tất cả hình ảnh của “Con Người”. Ngài cao đó, uy quyền đó, nhưng cũng tự hạ đến mức “thấp hèn” trong một cuộc đời mang ơn cứu độ: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (10:45). Điều này vừa như tự nhắc mình, nhưng cũng là một bài học mà “Con Người” dành cho những môn đệ, trực tiếp ở đây là Gio-an và Gia-cô-bê khi hai ông xin cho được ngồi bên tả, bên hữu ngài.

Không chỉ nhận lấy thân phận thấp hèn làm người tôi tớ phục vụ, “Con Người” cũng chấp nhận mình bị lôi cuốn đi trong vòng xoay lịch sử với những âm mưu, toan tính, bội phản. Trong Tin Mừng Mac-cô, rất nhiều lần Đức Giê-su cho biết “Con Người” sẽ lâm vào cảnh ấy: “Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (8:31. Xem thêm 9:12; 9:31; 10:33-34; 14:21; 14:41). Những lời loan báo này đều được hiện thực hóa trong chính cuộc khổ nạn của ngài. Như thế, “Con Người” chấp nhận “cuộc chơi làm người”, chấp nhận bị cuốn vào vòng bánh xe lịch sử với tất cả thị phi của nó, và điều đó thật đúng với lời ngài khẳng định: “Con Người đến không để người ta phục vụ…”. Ngài không đi tìm cho mình một đặc ân.

Nhưng nếu chỉ đơn thuần để bánh xe lịch sử lôi đi thì “Con Người” cũng chẳng có ý nghĩa gì so với bao người trong dương thế. Vấn đề hệ ở chỗ “Con Người” ấy sau khi chấp nhận bị nghiền nát bởi bánh xe lịch sử thì ngài đã trổi dậy và vận hành bánh xe ấy. “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (13:26). Đến để làm gì? Để thăm lại chốn cũ cho vui? Không, ngài đến cho một cuộc phán xét: “Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người (8:38). Đó là cách tương giao giữa “Con Người” với bánh xe lịch sử, một tương giao thuộc về nhưng siêu vượt lên, chịu gò bó bởi những vòng quay và rồi trở thành người khiến cho những vòng quay lịch sử tiếp tục được vận hành theo đúng trật tự mà lẽ ra nó phải là.

Chân dung “Con Người” trong Tin Mừng Mac-cô hẳn là câu trả lời cho ý nghĩa khái niệm “Con Thiên Chúa” mà Tin Mừng này sử dụng. “Con Thiên Chúa” ấy đã đi vào lịch sử với tư thế của một con người mạnh mẽ, quyền năng, nhưng cũng chấp nhận những giới hạn của kiếp người và chấp nhận bị lịch sử “xoay vần”, để đến một lúc ngài vượt trên nó và mang nó về viên thành. Nếu có thể hình dung, khái niệm “Con Thiên Chúa” và “Con Người” trong Tin Mừng Mac-cô giống như hai mặt của một đồng tiền, không thể tách rời nhau, hay một cách hình tượng khác, khái niệm “Con Thiên Chúa” như thể cái “form” và khái niệm “Con Người” như thể “material”, cả hai nhằm diễn tả một thực tại duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô: căn tính và sứ mạng của ngài.

Một nhận định về Ki-tô học trong Mac-cô

Thần học gia Raymond Brown cho rằng Đức Giê-su trong Tin Mừng Mac-cô có vẻ ít ý thức về căn tính thần linh của mình. Ngài chỉ thực sự nhận thức được căn tính thần linh của mình cách đầy đủ qua biến cố thập giá[5]. Do thế, đặt trong tương quan so sánh với các Tin Mừng khác (đi từ thấp đến cao trong việc Đức Giê-su nhận ra căn tính thần linh của mình), Mac-cô đứng ở vị trí thấp nhất (đầu tiên)[6], tức Đức Giê-su của Mac-cô “ít thần linh” nhất. Có lẽ đặt trong tương quan so sánh với các Tin Mừng khác thì Brown phần nào có lý, nhưng để khẳng định Đức Giê-su Ki-tô trong Mac-cô không ý thức trọn vẹn về căn tính thần linh của mình với những bằng chứng về việc Đức Giê-su còn giới hạn về tri thức và quyền năng[7] thì có lẽ không hợp quy.

Có lẽ ta nên hiểu thế này, không phải Đức Giê-su Ki-tô không hiểu hết căn tính thần linh của mình cho bằng Mác-cô đã trình bày một Đức Giê-su Ki-tô khá cân bằng giữa hai khía cạnh nhân tính và thiên tính. Những việc “Con Thiên Chúa” và “Con Người” thực hiện, hiểu về mình cho thấy Ngài ý thức trọn vẹn căn tính thần linh của mình: tương quan mật thiết với Cha bởi vì là Con Yêu của Người, có quyền năng trên sự dữ, trên lề luật và ý thức tình trạng vinh hiển của mình. Tuy nhiên, những điều này không lấn át mất hình ảnh một Đức Giê-su cũng đang bước những bước đi trên trần gian, chịu đau bởi những đòn roi và cả sự bội phản, chịu cái nhục thập giá của người đời. Có lẽ cái vinh quang, cao cả của Thiên Chúa càng được thể hiện nơi cái thấp hèn của cảnh sống nhập thể. Nếu ta đặt vấn đề rằng ngài phải ý thức căn tính thần linh của mình cách trọn vẹn ngay từ đầu và điều này phải được mình chứng qua quyền năng, dấu lạ, tri thức toàn diện, vậy có lẽ ngài cứ là Thiên Chúa trên cao, viếng thăm trần gian trong một hình hài (như thể một ông thần, cô tiên trong cổ tích) và ban phát ân thiêng là đủ rồi, đâu cần nhập thể. Sống hòa hợp giữa cái vô biên, cao cả của bản tính Thiên Chúa với cái thấp hèn của bản tính con người nơi một bản vị chính là ý thức trọn vẹn căn tính của Thiên Chúa Nhập Thể rồi; sự hòa hợp tự nó là câu trả lời cho vấn đề căn tính.

[1] Bao hàm cả những thuật ngữ tương đương: ngời con yêu (the beloved), con của Đấng Thánh (the Son of the Blessed One), Con của Thiên Chúa Tối Cao (Son of the Most High God)

[2][2] Raymond E. Brown, An introduction to New Testement Christology (New York: Paulist Press, 1999), tr. 118.

[3] M. Eugene Boring, “The Christology of Mark: Hermeneutical Issues for Systematic Theology, II in Vol. 30: Semeia –  Christology and Exegesis: New Approaches, eds. Robert Jewett (Decatur, GA: Society of Biblical Literature, 1984).

[4] Khảo sát Tin Mừng Mác-cô, ta thấy danh xưng Ki-tô xuất hiện 7 lần (1:1; 8:29; 9:41, 12:34; 13:21-22; 14:61; 15:32). Điểm đáng lưu ý là danh xưng này xuất hiện như một tuyên bố chứ không đi kèm những lời nói hay việc làm gắn với danh xưng ấy, nên chúng ta không rõ nội hàm của danh xưng ấy.

[5] Raymond E. Brown, An introduction to New Testement, tr. 117-118.

[6] Raymond E. Brown, An introduction to New Testement, tr. 121-121.

[7] Brown đưa ra một số ví dụ: Mc 5:30-21 ngài không biết ai đã đụng vào mình (phép lạ chữa lành người phụ nữ băng huyết); Mc 11:20-21 ngài nguyền rủa cây vả và nó không chết tức khắc nhưng phải hôm sau mới chết, Mc 8:22-26 ngài không thể chữa dứt cho người mù ngay nhưng phải qua hai ba công đoạn.