Tác phẩm “The creation of the Sun, Moon and Planets” của Michelangelo

 

Môn học: Triết học Tôn giáo
Giáo sư: Vũ Uyên Thi, S.J.
Học viên: Nguyễn Văn Đương, S.J.

Có nhiều cách thức khác nhau để các triết gia bàn về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Một trong những cách thức đó được dựa trên các lập luận luân lý. Vậy, những lập luận luân lý nói như thế nào về sự hiện hữu của Thiên Chúa? Liệu các lập luận đó có khả dĩ thỏa đáng hay không?

Từ thời cổ đại, các triết gia Hy Lạp đã đề cập đến các thần. Trải qua thời trung cổ, các triết gia tôn giáo tiếp tục làm nổi bật và đào sâu hơn đề tài sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đến thời hiện đại, những tư tưởng vô thần xuất hiện, nhiều triết gia phản bác sự hiện hữu của Thiên Chúa. Liệu Thiên Chúa có hiện hữu? Đây là một câu hỏi được nhiều triết gia và nhiều người quan tâm vì sự đa dạng của các tôn giáo và tín ngưỡng. Để tìm hiểu vấn nạn sự hiện hữu của Thiên Chúa, trước hết người viết thử tìm hiểu khái niệm về Thiên Chúa theo Dothái-Kitô Giáo, sau đó, dựa vào luận chứng luân lý để tìm hiểu sự hiện hữu của Thiên Chúa ấy, và cuối cùng, đưa ra một vài kết luận mang tính cá nhân về sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Theo đức tin Dothái-Kitô Giáo, Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa vô hạn, tự hữu, toàn năng, có ngôi vị, yêu thương, tốt lành, và thánh thiện.[1] Ngài là Đấng luôn quan phòng, yêu thương, chăm sóc mọi loài thọ tạo. Để đáp lại tình yêu ấy, Thiên Chúa mời gọi mỗi tín hữu yêu mến Ngài với trọn cả con người và mời gọi tất cả mọi người sống yêu thương nhau (Mt 22, 38-40). Liệu Thiên Chúa như thế hiện hữu?

Để chứng minh Thiên Chúa của Dothái-Kitô Giáo hiện hữu, nhiều triết gia đã dựa vào luận chứng luân lý. Có lẽ, triết gia đầu tiên đã sử dụng luận chứng này là Thánh Toma Aquinô ở con đường thứ bốn trong Ngũ Đạo khi ngài phân hạng các phẩm chất theo cấp độ cao thấp – điều thiện, điều thật, điều cao thượng… Sự hơn kém này được gán cho các sự vật tùy theo cách tiếp cận của chúng với hữu thể tuyệt đỉnh. Hữu thể tuyệt đỉnh này tất yếu phải hiện hữu và phải có sự chân thật nhất, thiện hảo hất và cao thượng nhất (vì “một vật không thể cho cái nó không có”). Hơn nữa, hữu thể tuyệt đỉnh này là nguyên nhân của sự hiện hữu, sự thiện hảo và mọi sự hoàn bị của tất cả các hữu thể vì “điều gì là tuyệt đỉnh trong một giống loại thì cũng là nguyên nhân của mọi vật thuộc giống loại ấy”; hữu thể đó là Thiên Chúa.[2]

Những luận chứng luân lý thật quan trọng và đáng được quan tâm. Chúng đáng được quan tâm bởi vì tính hữu lý và lành mạnh của chúng yêu cầu tập trung vào việc thực hành những vấn đề triết học quan trọng liên quan đến siêu đạo đức (metaethics); đồng thời, chúng quan trọng bởi vì sự xác đáng trong những luận lý hộ giáo khá phổ biến trong niềm tin tôn giáo[3]. Luận chứng luân lý được trình bày theo hai hình thức chính.

Hình thức thứ nhất

Luận chứng này được rút ra một cách logic từ những quy luật luân lý mang tính khách quan để đi tới một Đấng Lập Luật, hoặc từ tính khách quan của những giá trị luân lý, đạo đức nói chung để đi tới một Nền Tảng Các Giá Trị siêu việt.[4] Nói cách khác, luận lý này có thể được trình bày theo một tam đoạn luận:

  1. Có những sự thật (facts) luân lý khách quan.
  2. Thiên Chúa cung cấp lời giải thích tốt nhất cho sự tồn tại của những sự thật luân lý khách quan.
  3. Do đó, Thiên Chúa hiện hữu.[5]

Luận chứng này được Hồng y Newman bảo vệ và lấy ví dụ cụ thể. Bất cứ khi nào chúng ta phạm lỗi nghịch với lương tâm, hoặc không làm điều tốt, chúng ta sẽ cảm thấy mình bị trách cứ, thấy xấu hổ, lo lắng… Nếu như nguyên nhân của những cảm tính này không thuộc về thế giới hữu hình, thì Đối Tượng mà cảm thức của một người có lương tâm đó huớng đến phải là Đấng Siêu Nhiên và Thần Linh.[6]

Thực tế, hai tiền đề (1 và 2) đã bị những người phi bác sự hiện hữu của Thiên Chúa phản đối. Làm thế nào có thể khẳng định những sự thật luân lý là khách quan mà không phải là chủ quan? Có nhất thiết phải nại đến Thiên Chúa để giải thích cho tiền đề thứ hai? Để chống lại sự phản đối ấy, các triết gia không những phải bảo vệ sự thật luân lý là khách quan và sự thật luân lý ấy chỉ được giải thích tốt nhất bởi Thiên Chúa, mà còn phải chỉ ra những giới hạn trong cách đặt vấn đề của đối thủ. Thật khó nếu không nói là không thể hoàn thành nhiệm vụ kép này. Như thế, hình thức lập luận luân lý thứ nhất này chưa vững.

Hình thức thứ hai

Hình thức thứ hai không hẳn là một luận chứng theo nghĩa đen. Luận chứng này nói rằng hễ ai nghiêm túc tôn trọng các giá trị đạo đức, coi những giá trị đó có tính cách bó buộc, thì phải ngầm tin rằng có một cội nguồn và nền tảng cho những giá trị này, mà các tôn giáo gọi đó là Thiên Chúa.[7] Immanuel Kant đã bảo vệ hình thức này khi ông cho rằng tất cả mọi hành động, kể cả những hành động luân lý, tất yếu phải nhắm đến những mục đích nào đó; mục đích mà những hành động luân lý tốt thường nhắm đến là sự thiện tối cao (the highest good), sự thiện này bao gồm một thế giới mà con người vừa tốt lành vừa hạnh phúc, và những nhân đức luân lý là điều kiện để đạt được hạnh phúc. Sự thiện tối cao là định đề cho sự hiện hữu của Thiên Chúa đối với những ai sống đời đạo đức.[8] Luận điểm tương tự cũng được truyền thống của Dothái-Kitô giáo áp dụng. Bất kỳ ai coi những đòi buộc đạo đức là có thẩm quyền trên những tư lợi cá nhân và việc sống tốt đòi buộc đạo đức ấy, thì họ đang sống thực tại đạo đức tối hậu – bước đầu để đi tới niềm tin vào Thiên Chúa.

 Khi suy gẫm những lập luận của hình thứ thứ hai này và suy gẫm lập luận của Kant, mỗi người có thể đặt vấn đề: phải chăng hành động luân lý sẽ thúc đẩy con người tìm kiếm sự thiện tối cao, hoặc tìm kiếm Thiên Chúa? Liệu có thực sự cần thiết để mỗi người phải đạt cho được sự thiện tối cao ấy? Trong đời sống, sự thiện tối cao thường rất khó để đạt được, bởi những nỗ lực nơi ý chí thật khó thắng vượt những yếu đuối nơi nhân cách. Thánh Phaolô đã từng nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Như vậy, dựa vào các giá trị luân lý và đạo đức, ta chưa thể kết luận rằng chúng nhất định phải quy chiếu về và quy chiếu một cách chính xác về một Đấng Tạo Hóa vô hạn như trong Kinh Thánh.

Nhận xét, đánh giá và kết luận cá nhân

Hai hình thức lập luận dựa trên luân lý chưa khẳng định chắc chắn Thiên Chúa hiện hữu theo nghĩa đen. Tuy nhiên, những luận chứng luân lý, một cách nào đó, đã đặt nền tảng quan trọng để suy tư về đạo đức. Một khi đã có nền tảng, mỗi người sẽ suy xét những gì là hữu thể chân thực nhất, tốt nhất và tối thượng nhất. Dựa vào những hữu thể như vậy, mỗi người có thể tìm hiểu nguyên nhân hay nguồn gốc tận cùng của những phẩm chất tốt lành này.

Là những người có trí khôn, có lẽ ai cũng có khả năng nhận thức được những hành động nào là đúng, là sai, là bắt buộc, là bị cấm. Lương tâm của họ sẽ “nói” cho họ biết đâu là những điều lành cần làm và đâu là những điều dữ phải tránh. Những “tiếng nói” của lương tâm như thế, và tính phổ quát luân lý mà mọi người đều chân nhận tiếp tục là những sự gợi mở cho những ai muốn tìm kiếm nguồn gốc tối hậu của chúng.

Trong lịch sử Triết học, nhiều triết gia đã nỗ lực chứng minh Thiên Chúa có hiện hữu hay không. Dường như, người ta không thể chắc chắn chứng minh sự hiện diện của Thiên Chúa hoặc phi bác sự hiện hữu của Đấng ấy. Phải chăng, việc Thiên Chúa tồn tại hay không vượt xa khả năng lý trí của con người? Có chăng việc Thiên Chúa tồn tại hay không phụ thuộc vào sự chứng nghiệm nơi mỗi cá nhân mà thôi.

Cuối cùng, dù những lập luận luân lý chưa thực sự chứng minh chính xác sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng nhiều người sẵn sàng sống tốt những giá trị luân lý, dù họ phải “trả giá”. Khi “trả giá” như thế họ đã làm cho tình người với người được xích lại gần nhau hơn.

[1] John H. Hick, Philosophy of Religion, Prentice Hall, p.5-13.

[2] Thánh Thomas, Tổng Luận Thần Học – I, vđ 1-26, phiên dịch và dẫn nhập: Nguyễn Văn Liêm, O.P., Nxb tp Hồ Chí Minh, 2002, Tr. 141-143.

[3] C. Stephen Evans, “Moral Arguments for the Existence of God”, đăng ngày thứ Năm, 12/06/2014, URL = https://plato.stanford.edu/entries/moral-arguments-god/.

[4] John H.Hick, p.28.

[5] C. Stephen Evans.

[6] John H.Hick, P.28.

[7] John H.Hick, P.29.

[8] C. Stephen Evans.