(Chúa Nhật XV, Thường Niên, Năm C: Col 1:15-20)

Bản văn này cũng được sử dụng trong Lễ Ki-tô Vua. Tuy nhiên, vào dịp ấy, Bài Đọc bắt đầu ở 1:12 thay vì ở 1:15. Mục đích là làm nổi bật đặc tính của ngày Lễ Ki-tô Vua bởi vì các câu 13-14 nói đến vương quốc của Người Con, điểm chính của ngày lễ này: “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.” Ai chọn giảng từ 1:15-20 nên lưu tâm đến các câu 13-14 bởi vì chúng là đoạn giới thiệu trực tiếp cho bài đọc tuần này vốn ca tụng vai trò của Đức Ki-tô trong công trình tạo dựng và cứu độ. Các nhà giảng thuyết cũng phải để ý đến các câu kế sau đoạn văn này (1:21-23) bởi vì chúng gợi nhắc một câu chuyện về mối bất hòa quá khứ và sự giao hòa hiện tại mà đoạn văn này ám chỉ.

       Nhiều người đã cho rằng Col 1:15-20 là một bài thánh ca phụng vụ và được thánh Phao-lô ghép vào lá thư của ngài để nhắc các tín hữu Cô-lô-xê về phẩm giá siêu việt của Đức Ki-tô. Dù đúng hay sai, rõ ràng nó là một vầng thơ mà có thể được chia thành hai phần. Trong phần đầu (1:15-18a), thánh Phao-lô ca tụng vai trò của Đức Ki-tô trong trật tự của tạo dựng, và trong phần sau ngài nhắc nhớ lại về công trình của Đức Ki-tô trong trật tự cứu độ (1:18b-20).

       Liên quan đến vai trò của Đức Ki-tô trong công trình tạo dựng, thánh Phao-lô cho rằng mọi sự đã được tạo dựng trong, nhờ, cho Đức Ki-tô – Đấng là hình ảnh chân thật của Thiên Chúa vô hình và được sinh ra trước mọi loại thụ tạo. Mọi sự ở đây bao gồm những thứ ở trên trời cũng như ở dưới đất, có thể thấy cũng như không thể thấy. Mọi sự, thậm chí những hữu thể thiên thần mà các tín hữu Cô-lô-xê có lẽ đã bị cám dỗ thờ phượng, đã được tạo dựng trong, nhờ, và cho Đức Ki-tô. Lý do cho điều này liên quan đến căn tính của Đức Ki-tô: ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình; ngài được sinh ra trước mọi loài thụ tạo. Bằng cách xác định ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, thánh Phao-lô nói rằng Đức Ki-tô là sự mô tả hoàn hảo của Thiên Chúa. Ngài viết trong 2:9, “thật vậy, nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể.” Bằng cách gọi Đức Ki-tô là “đấng có trước mọi loài thụ tạo,” thánh Phao-lô xác định sự siêu việt của Đức Ki-tô bởi vì mọi sự đã được tạo dựng trong, nhờ, và cho người. Nghĩa là, thánh Phao-lô nói đến sự tiền hữu của Đức Ki-tô.

         Thánh Phao-lô kết phần đầu của đoạn văn này bằng cách xác định Đức Ki-tô là “đầu của thân thể, tức Giáo Hội.” Bằng cách xác định rằng Đức Ki-tô là đầu của thân thể và rằng thân thể là Giáo Hội, thư Cô-lô-xê và Ê-phê-sô phát triển ý niệm về Giáo Hội như thân thể của Đức Ki-tô với một chút khác biệt so với ý niệm trong Rm 12:3-8 và 1 Cr 12:12-31. Trong khi thư Rô-ma và 1 Cô-rin-tô sử dụng hình ảnh này theo một lối hiểu mang tính chức năng (thân thể có nhiều phần và mỗi phần đóng một vai trò), thư Cô-lô-xê và Ê-phê-sô lại sử dụng hình ảnh ấy theo một cách thức bóng bảy hơn: Đức Ki-tô là đầu của thân thể, tức Giáo Hội. Theo đó, thư Cô-lô-xê và Ê-phê-sô xem Giáo Hội như Giáo Hội hoàn vũ hơn là như cộng đoàn địa phương, giống như thư Rô-ma và 1 Cô-rin-tô quan niệm. Làm như thế, thư Cô-lô-xê và Ê-phê-sô mở ra cánh cửa  cho một nền ki-tô học mang tính hoàn vũ.

        Sau khi đã thiết lập tính siêu việt của Đức Ki-tô trong trật tự sáng tạo và tuyên bố rằng ngài là đầu của Giáo Hội, trong phần sau của đoạn văn này, thánh Phao-lô chuyển sang vai trò của Đức Ki-tô trong trật tự cứu độ. Làm vang vọng lại ngôn ngữ của phần đầu của bài thánh ca, nơi ngài xác định Đức Ki-tô là “đấng sinh trước mọi loài thụ tạo”, ngài gọi Đức Ki-tô là “trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại.” Ở đây, ngài rõ ràng nói đến sự phục sinh vốn thiết định nên sự ưu việt của Đức Ki-tô trong trật tự cứu độ. Sau đó, khẳng định rằng “sự viên mãn” hiện diện trong Đức Ki-tô, thánh Phao-lô nói rằng mọi sự đã được giao hòa nhờ người và cho người. Hệ quả, mọi sự, dẫu là thiên đàng hay hạ giới đã được giao hòa bằng máu của thập giá Đức Ki-tô.

        Như các chữ được in nghiêng cho thấy, có một sự song đối giữa vai trò của Đức Ki-tô trong trật tự sáng tạo và trong trật tự cứu độ. Giống như mọi sự trên trời dưới đất đã được tạo dựng trong, nhờ, và cho người, thì mọi sự trên trời và dưới đất đã được hòa giải nhờ và cho người để trong người “sự viên mãn đã vui lòng hiện diện.” Sự viên mãn này chính là hữu thể Thiên Chúa (xem 2:9).

        Đã có lúc khi tin tức truyền thông bị lấp đầy bởi những câu chuyện về ông Giê-su lịch sử, một vài trong chúng có tính chất rất giật gân, bản văn này thách thức các nhà giảng thuyết phải nói điều gì đó về Đức Ki-tô và công trình của người. Ai là đấng mà nhân danh đấng ấy chúng ta quy tụ nhau mỗi tuần để cử hành Lễ Tạ Ơn? Người đã làm gì để chúng ta vẫn còn nhớ đến người sau hơn 2000 năm? Chắc chắn, ngài là một vị ngôn sứ và một vị tôn sư phi thường. Tuy nhiên, còn hơn cả một nhân vật ngôn sứ và tôn giáo, người là đấng tiền hữu để trong người, nhờ người, và cho người Thiên Chúa đã sáng tạo mọi sự. Cái chết của người đã mang lại sự hòa giải mang tính hoàn vũ và cái chết ấy không thể được thực hiện mà không có sự đổ máu của người. Giáo Hội không quy tụ nhau tuần này sang tuần khác để tưởng nhớ một nhân vật của quá khứ nhưng để cử hành sự tạo thành và cứu độ của nó trong, nhờ, và bởi đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, đấng mà trong người sự viên mãn thần thánh hiện diện.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong, S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 142 – 144.