Chúa Nhật XVIII, Thường Niên, Năm C: Col 3:1-5, 9-11

        Trong khi ba bài đọc trước đây được rút từ phần mà thư Cô-lô-xê tập trung vào con người và công trình của Đức Ki-tô, bài đọc này lại đến từ phần kêu gọi các tín hữu Cô-lô-xê sống một đời sống phù hợp với điều Đức Ki-tô đã thực hiện cho họ (3:1-4:6). Về điểm này, thư Cô-lô-xê là một ví dụ tuyệt hảo về cách thức mà lời kêu gọi luân lý của thánh Phao-lô phụ thuộc vào sự trình bày học thuyết của ngài: các tín hữu phải sống một lối sống cụ thể bởi vì Đức Ki-tô đã hòa giải họ với Thiên Chúa thông qua cái chết cứu độ của người.

        Ở hai câu đầu, thánh Phao-lô trình bày nguyên tắc căn bản của đời sống luân lý cho những ai tin vào Đức Ki-tô: nếu họ đã được trỗi dậy với người, họ phải tìm kiếm những điều cao thượng. Họ không còn nghĩ về những sự thế gian bởi vì, trong phép rửa, họ đã chết với Đức Ki-tô. Vào thời điểm hiện tại cuộc sống của họ được ẩn giấu trong Đức Ki-tô, nhưng khi Đức Ki-tô đến trong vinh quang, vinh quang của họ sẽ được tỏ bày. Nguyên tắc căn bản là phải sống am hợp với hiện hữu mới của mình.

        Sau khi đã thiết lập nguyên tắc này, thánh Phao-lô kêu gọi các tín hữu Cô-lô-xê hãy chết đi đối với các hành vi không phù hợp, tức hành vi vô luân, để họ có thể mặc lấy con người mới vốn đang được đổi mới theo hình ảnh của Thiên Chúa. Nhớ rằng Đức Ki-tô là hình ảnh của Thiên Chúa (1:15), họ phải sống như những người đang được đổi mới theo hình ảnh của Thiên Chúa. Những ai đang được đổi mới theo hình ảnh này thuộc về một nhân loại mới trong đó những cản trở về chủng tộc hay tầng lớp xã hội đã bị bẻ gãy bởi vì “Đức Ki-tô là tất cả và trong tất cả” (3:11).

         Bản văn này là cơ hội để nói về đời sống luân lý. Tại sao chúng ta sống lối sống chúng ta đang sống? Đâu là mục đích và mục tiêu của đời sống chúng ta? Câu trả lời của thánh Phao-lô rất rõ: Các tín hữu sống một lối sống tương ứng với đời sống mới của họ trong Đức Ki-tô. Sau khi đã được trỗi dậy với Đức Ki-tô, họ tìm kiếm và nâng niu con người mới mà người đã đoạt lấy cho họ nhờ cái chết cứu độ và sự phục sinh của người. Thế nên, cấu trúc của đời sống luân lý bắt đầu với sự trình bày về ơn cứu độ trước khi đi vào mệnh lệnh luân lý. Thay vì bảo người ta phải làm gì, thánh Phao-lô nhắc họ về đời sống mới của họ trong Đức Ki-tô và kêu gọi họ cứ theo đó mà sống. Đây là kiểu mẫu thích hợp đối với chỉ dẫn luân lý.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong, S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 148
.