HỌC VIỆN THÁNH GIUSE – DÒNG TÊN VIỆT NAM

Trở về “grunt” xét là căn nguyên nền tảng của dòng chảy thần hóa con người theo quan điểm của Meister Eckhart.

Luận văn tốt nghiệp

Chương trình Triết học

tại Học viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

Học viên thực hiện:

Giuse Bùi Anh Tuấn, O.Carm.

Giáo sư hướng dẫn:

Antôn Phạm Trung Hưng, S.J.

Tháng 05 năm 2022

Tóm tắt

Nghiên cứu học thuyết thần bí của Meister Eckhart là nghiên cứu về tính siêu hình của grunt, xét như là căn nguyên nền tảng trong sự kết hiệp nên một với Đấng tuyệt đối, và tính siêu hình của dòng chảy thần hóa con người. Học thuyết thần bí của Eckhart được gọi là “thần bí Giáng sinh”, nghĩa là trung tâm của học thuyết hoàn toàn được xây dựng trên biến cố Ngôi Lời hạ sinh trong nơi sâu thẳm nhất của linh hồn, grunt. Theo Eckhart, grunt là nơi thẳm sâu nhất của bản ngã và là nơi Thiên Chúa hiện diện với cả Thiên tính. Grunt được xem như là căn nguyên nền tảng của sự thần hóa. Con người phải trở về với grunt để được thần hóa trở nên Thiên Chúa. Meister Eckhart đã khai mở một lối đi tiên phong trong việc thần hóa con người, nghĩa là nâng yếu tính của con người lên ngang bằng với Thiên Chúa để con người được chung chia Thiên tính với Ngài. Thiên Chúa thì thầm với linh hồn trong chốn thẳm sâu nhất của nó. Để lắng nghe được tiếng thì thầm ấy, linh hồn phải vượt lên trên mọi yếu tố tự nhiên và khả giác của ngoại tại, thậm chí bằng sự siêu thoát nơi linh hồn, nhằm chuẩn bị một khung cảnh xứng hợp cho Ngôi Lời hạ sinh nơi chốn thâm sâu của linh hồn.

Luận văn được chia làm ba chương chính. Chương đầu tiên trình bày tổng lược về tác giả Meister Eckhart cùng với các tác phẩm của ông. Tiếp đó, bối cảnh lịch sử các tư tưởng thời Trung Cổ ảnh hưởng đến Eckhart, mối tương quan triết-thần đương thời và chủ thuyết thần bí suy lý cũng được trình bày trong chương này nhằm mục đích trợ giúp cho việc tri hiểu nội dung chính của luận văn mang tính “cận thần” sẽ được phân tích ở hai chương sau.

Chương thứ hai khái niệm hóa và mô tả các đặc tính của grunt, yếu tố nền tảng của toàn thể dòng chảy thần hóa. Sau đó, người viết trình bày sơ lược về ý niệm thần hóa trong nhãn quan Kitô giáo. Kế đến, người viết trình bày các quan điểm và lập luận về Thiên Chúa, thụ tạo và linh hồn trong dòng chảy siêu hình của Eckhart.

Chương thứ ba trình bày ba điều kiện cần phải có để linh hồn trở về với grunt, hay ba điều kiện để sự thần hóa diễn ra: sự siêu thoát, biến cố Ngôi Lời Nhập Thể, và sự thấu-nhập vượt trên mọi thụ tạo của linh hồn. Sau cùng là đôi lời nhận định của người viết.

Từ khóa: grunt, thần hóa, dòng chảy, đơn nhất, hiện hữu, siêu thoát, hạ sinh, thấu-nhập.

Dẫn nhập

Giữa một xã hội đang bị cho là suy thoái về đời sống tinh thần, mọi lối giải thích các biến cố xảy đến trong thế giới này đều cậy dựa bằng các minh chứng thực nghiệm nhờ lý trí mà không cần đến một sức mạnh nào khác bên ngoài thế giới ấy. Nghiên cứu về thần bí là cơ hội để hiểu rằng vẫn hằng có một Đấng tuyệt đối, thánh thiêng, siêu việt và huyền nhiệm vô biên. Ngài là Đấng “ẩn mình” mà con người không thể dò thấu tỏ tường được, bởi Ngài vượt trên mọi trí hiểu và mọi yếu tố khả giác của con người. Con người vẫn hằng khao khát được chạm đến và kết hiệp để trở nên một với Ngài. Với việc nghiên cứu chủ thuyết thần bí duy lý của Meister Eckhart, đặc biệt là nghiên cứu về grunt, xét như là căn nguyên nền tảng của dòng chảy thần hóa, cùng với hành động trở về grunt của con người, người viết trong giới hạn của tri thức, trước là ước mong tri hiểu phần nào bản chất Thiên Chúa và linh hồn, sau là tích lũy thêm tri thức và sinh thêm nhiều ích lợi thiêng liêng cho đời sống tinh thần.

Bên cạnh những khám phá thú vị và sự hấp dẫn của đề tài trong quá trình nghiên cứu về Meister Eckhart, người viết cũng gặp phải những khó khăn và thách đố. Trước là, triết thuyết thần bí mang tính mông lung và khó hiểu. Sự nhập nhằng phân biệt không rạch ròi giữa triết học và thần học trong việc giải thích học thuyết thần bí của Meister Eckhart. Sau là, việc tiếp cận và đọc hiểu các bản văn gốc còn gặp nhiều hạn chế, do các bản văn gốc được viết bằng tiếng Latin và tiếng Đức cổ mà người viết lại chưa thành thạo trong việc sử dụng các cổ ngữ ấy. Vì thế, các nguồn tham khảo hiện tại của người viết chủ yếu là các bản dịch Anh ngữ. Tuy rằng, một số bản dịch Việt ngữ đã được ra đời nhưng hiện tại chúng chưa được phổ biến và sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu học thuật.

Chương I

Tổng lược về Meister Eckhart

 

1. Cuộc đời của Meister Eckhart

Eckhart von Hochheim sinh năm 1260 trong một gia đình danh giá Von Hochheim tại Thuringen, vùng Tambach, gần Gotha. Sử liệu không ghi chép cụ thể về thời thơ ấu và những năm đầu học tập của Eckhart thời niên thiếu, tuy nhiên ông được cho là đã gia nhập Dòng Giảng thuyết tại Erfurt, Đức. Năm ba mươi tuổi, Eckhart được nhiều người biết đến bởi ông thường giải thích thần học tại Paris, tiêu biểu là bài thuyết trình Collatio in libros sententiarum vào năm 1293 và bài giảng trong Đại lễ Phục sinh năm 1294. Trong khoảng năm 1294 đến năm 1298, Eckhart được chọn làm tu viện trưởng tại Erfurt. Không lâu sau đó, năm 1302, tu sĩ Eckhart trở thành giáo sư thần học tại phân khoa thần học của Đại học Paris. Đây là thời điểm mà người ta bắt đầu gọi ngài là “giáo sư Eckhart” (meister, master). Từ năm 1303 đến 1311, do nhu cầu quản trị của Dòng, Meister Eckhart trở về Erfurt và được bầu vào vị trí giám tỉnh của Tỉnh dòng Saxony (tách từ Teutonia), đồng thời kiêm trọng trách Tổng đại diện của Tỉnh dòng Bohemia. Năm 1310, Eckhart được bầu làm giám tỉnh của Teutonia nhưng kết quả bầu cử không được phê chuẩn. Sau đó, Eckhart được sai đi giảng dạy tại Đại học Paris lần thứ hai (Magister actu regens) trong khoảng 1311 đến 1313. Sau khi rời Paris năm 1313, Eckhart được chỉ định sang Strasbourg giữ chức vụ Tổng đại diện và phụ trách linh hướng cho các nữ đan sĩ và các cộng đoàn nữ tu khác tại thung lũng vùng Rhine cho đến khoảng năm 1324. Khoảng từ năm 1324 đến 1326, Eckhart được phái đến Studium Generale tại Cologne để dạy học.

Đầu năm 1326, vị Tổng giám mục Cologne đã khởi xướng một cuộc điều tra tố cáo các sai lạc của Eckhart. Một ủy ban điều tra đã công bố hai danh sách: danh sách thứ nhất gồm bốn mươi chín (49) mục được trích từ nội dung các tác phẩm của Eckhart. Danh sách thứ hai gồm năm mươi chín (59) mục từ các bài giảng bằng tiếng Đức. Tất cả các mục trong hai danh sách trên được các sử gia xem như một “Bản biện hộ” (Rechtfertigungsschrift), chứa đựng các nội dung “lạc giáo hoặc sai lạc và trái nghịch với đức tin chân thật gây ảnh hưởng đến người nghe.”[1] Không chỉ bị tố cáo bởi giáo quyền sở tại, Eckhart còn bị chống đối bởi anh em tu sĩ trong nội bộ tu viện và bề trên tổng quyền dòng Đa Minh đương thời. Vào tháng giêng năm 1327, Eckhart đã tự biện hộ tại Nhà thờ Chính tòa Cologne. Sau đó, trước sự đông đảo của cộng đoàn tín hữu tại nhà thờ của Dòng Đa Minh Cologne, ngài đã thề rằng mình vô tội. Không lâu sau, Eckhart rời Cologne đi Avignon để trình bày sự việc với Đức Giáo Hoàng Gioan XXII. Một Ủy ban Giáo hoàng đã lắng nghe Eckhart trình bày và thâu gom hai danh sách của tiến trình điều tra trước đó tại Cologne thành một bộ hồ sơ gồm hai mươi tám (28) mệnh đề được chuyển dịch sang tiếng Latin, bị tách biệt khỏi văn cảnh của chúng. Eckhart qua đời năm 1328 trước khi quyết định của Đức Giáo Hoàng được ban hành. Ngày 27 tháng 3 năm 1329, trong Sắc chỉ In argo dominico do Đức Giáo Hoàng Gioan XXII ban hành, 17 mệnh đề của Meister Eckhart bị kết án sai lạc, 11 mệnh đề còn lại bị cảnh cáo.

2. Các tác phẩm của Meister Eckhart

Meister Eckhart, một nhà thần bí, triết gia, được mệnh danh là người cha của lối chiêm niệm Đức, đã để lại những áng văn đậm tính thiêng liêng cùng với cách thức diễn tả cao quý và trỗi vượt về một nền thần học bán chiêm niệm, mang tên “thần bí Rhine”[2], với các thuật ngữ “thần hóa” và “tự hủy” như những ý niệm đóng vai trò chủ chốt nhất. Ảnh hưởng bởi các triết gia và các Giáo phụ trước đó, Eckhart đã đổi mới cách thức suy tưởng và thực hành Kitô giáo, gây tiếng vang lớn trong lịch sử linh đạo Kitô giáo thời hậu Trung cổ bằng cách áp dụng một số phương pháp triết học đương thời. Các tác phẩm thần bí của Eckhart bao gồm các khảo luận về Sự Tự hủy (On the Detachment) Con người cao quý (the Nobleman) cùng với khối lượng lớn các Bài giảng bằng tiếng Latin (Lateinische Werke – LW) và tiếng Đức cổ (Deutsche Werke – DW). Một số tác phẩm khác, viết bằng tiếng Latin như Collatio in libros sententiarum, Chú giải cuốn Sentences của Peter Lombard, Huấn Đức (Talk Instructions) dành cho các tập sinh và một số Bài giảng được viết vào thời điểm Eckhart làm tu viện trưởng tại Erfurt (1293). Các chú giải Thánh KinhQuestio Parisiensis được sử liệu cho rằng Eckhart viết khi ông là giáo sư của Đại học Paris, Parisian Magisterium (1302-1303 và 1311-1313). Trong thời gian làm giám tỉnh tại Erfurt, Eckhart soạn thảo Liber benedictus Opus tripartium (bao gồm các tác phẩm chú giải Sách Sáng thế, Chú giải Sách Xuất hành, Sách Khôn ngoan và Tin Mừng Gioan). Eckhart tiếp tục chú giải Thánh Kinh và viết quyển An ủi thiêng liêng khi làm mục vụ tuyên úy cho các nữ đan sĩ và các cộng đoàn Beguines[3] tại Strasbourg (1313 – 1323). Khối lượng các bài giảng được một trong số các nhà nghiên cứu chuyên sâu về Eckhart, Joseph Quint, thu gom được khoảng 160 bài, tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau quy chiếu về Eckhart. Tuy nhiên, chỉ có 90 bài giảng đã được in ra; số còn lại còn bị bỏ ngỏ. Văn phong của các Bài giảng mang tính thần bí với khuynh hướng thần học phủ định. Cách thức giảng thuyết của Eckhart có phần mang tính nghịch lý và kích động, cũng như gây sốc không chỉ cho tầng lớp thính giả bình dân, mà còn cho các nhà thần học. Đó là một trong những lý do gây nên cáo buộc sai lạc đối với Eckhart bởi giáo quyền thời bấy giờ. Tuy rằng quan điểm của Meister Eckhart bị tố cáo là lạc giáo, nhưng con đường thiêng liêng của ông có tầm ảnh hưởng lớn trong nền linh đạo không chỉ đối với Giáo hội Công giáo Tây phương và còn rất gần gũi với một số quan điểm tôn giáo khác tại Đông phương ngày hôm nay.

3. Bối cảnh lịch sử tư tưởng

Các triết gia Trung cổ phần lớn bị ảnh hưởng bởi học thuyết của Platô và Plotinus, tiêu biểu là Augustinô thành Hippo. Augustinô nhận ra sự tương thích hữu ích trong việc vận dụng triết học để giải thích đức tin Kitô giáo. Ông đã khoác một “lớp áo mới” cho học thuyết Tân Platon. Augustinô cho rằng các “triết gia thuộc trường phái Tân Platon đã tiếp cận gần nhất trong việc nhìn nhận chân lý Kitô giáo.”[4] Mãi cho đến thế kỷ XIII, Albertus Magnus (Albertô Cả) có cơ hội được tiếp cận với các thủ bản học thuyết Aristotle được chuyển ngữ từ tiếng Hy Lạp và Ả Rập, cùng các chú thích của Averoes. Học thuyết Aristotle được Albertô đón nhận và được học trò của ông – Tôma Aquinô vận dụng chuyên biệt dưới nhãn quan Kitô giáo.

Trong vai trò là một tu sĩ linh mục của dòng Giảng thuyết và là một Parisian Magisterium, Meister Eckhart chắc hẳn bị ảnh hưởng và kế nghiệp phần lớn tư tưởng của Aristotle nhờ bậc thầy của mình – Albertô Cả và Tôma Aquinô. Eckhart cũng vay mượn hệ thống quan điểm triết học của trường phái Tân Platon, phần lớn được Origen, Augustinô, Pseudo-Dionysus, Don Scotus Erigena sử dụng, để giải thích các mầu nhiệm và chân lý đức tin qua con đường giảng thuyết.

4. Tương quan triết – thần thời Trung Cổ

Biên giới giữa triết học và thần học trong thời Trung cổ tự bản chất đã không được phân biệt rạch ròi. Khái niệm triết học ở thế kỷ V, thời các Giáo phụ, được hiểu hoàn toàn khác biệt với khái niệm mà các triết gia thời cận đại triết học nắm bắt. Trong bối cảnh của thần học thời Trung cổ, triết học được xem như là công cụ để giải thích các chân lý đức tin, bản chất của Thiên Chúa và linh hồn. Do đó, Tôma Aquinô đã cho rằng triết học được xem như “nữ tì” của thần học. Các quan điểm thần học có thể được củng cố nhờ vào các phương pháp của triết học cậy dựa đến lý trí con người. Như thế, triết học mang một vị trí cần thiết và một vai trò đúng đắn trong ngôn ngữ diễn đạt của thần học.

Đứng ở vị trí của triết học, thần học được xem là một ngành chuyên biệt không tách rời trong toàn bộ hệ thống triết học.[5] Hệ thống triết học chủ yếu luận bàn về trí năng, cách thức thực hành và hướng đến các quy tắc đạo đức với mục đích đưa đời sống con người tiến đến hạnh phúc đích thực. Nói cách khác, triết học là cách thức hướng dẫn cho cuộc sống.[6] Trong việc nghiên cứu mang tính siêu hình về bản chất của Thiên Chúa và linh hồn, triết học cố gắng đưa con người chạm đến sự tri hiểu về bản chất của Thiên Chúa, dựa trên sự khai sáng của trí năng, cũng như mối liên hệ giữa sự sáng tạo và Thiên Chúa. Tuy nhiên, triết học lại không chung chia học thuyết Nhập thể hay các chứng cứ mạc khải mang tính lịch sử của thần học.[7] Meister Eckhart là con người của thời Trung cổ, được thừa hưởng các tinh hoa và sự giàu có của mối giao thoa triết-thần. Do đó, các phương thức và tư tưởng triết học mà Eckhart vận dụng nhiều quan điểm khác biệt trong việc giải thích học thuyết thần bí “Giáng sinh”, từ các các triết gia cổ đại như Platô và Aristotle, cộng thêm tầm ảnh hưởng của các danh triết cổ đại kinh điển đó trên các Giáo phụ tên tuổi và các nhà tư tưởng lớn khác như Origen, Augustinô, Pseudo-Dionysus, Don Scotus Erigena và Tôma Aquinô, Eckhart đã mang lại một sắc thái vừa truyền thống, vừa mới mẻ cho một nền linh đạo Kitô giáo độc đáo.[8]

5. Chủ thuyết thần bí duy lý

Thần bí, hay Mystique (tính từ và danh từ) có gốc Latin là mystica, nguyên nghĩa Hy Lạp là mystikos, một tính từ gắn liền với danh từ mysterion (mầu nhiệm), gợi lên một điều gì đó thiêng liêng, sâu xa bí ẩn, thường được dùng để nói về thần linh cùng với những điều không thể trông thấy và giải thích được. Trong Hán Việt, “Thần” có nghĩa là thiêng liêng, lạ lùng. “Bí” có nghĩa là sâu kín, ẩn giấu hay giấu kín. Thần bí gợi lên một điều gì đó về thần linh cách sâu xa và bí ẩn, khiến tâm hồn sững sờ thán phục, nhưng thần bí cũng có thể gợi lên những điều không thực. Do đó, thần bí cũng được gán cho những môn học như ảo thuật, chiêu hồn, chiêm tinh hay lên đồng. Ngày nay, khái niệm “thần bí” chưa được hiểu cách rốt ráo giữa các tôn giáo, thậm chí trong cùng một tôn giáo, khái niệm “thần bí” còn bị hiểu nhầm và gây nhiều tranh luận. Trong phạm vi của bài viết này, “thần bí” được hiểu là cảm nghiệm về sự hiệp nhất với Đấng Đơn Nhất (the One), Đấng Tuyệt đối (the Absolute), Thiên Chúa, Thượng Đế, Thực tại tuyệt đối, Thực tại siêu việt, Hiện Hữu… Thiên Chúa được khái niệm hóa là Đấng Đơn Nhất, tuy nhiên mỗi tôn giáo, mỗi con người, mỗi triết gia vẫn có nhiều cách thế và ý niệm khác nhau để thấu hiểu và diễn tả về Ngài. Kinh Veda của Ấn giáo hoàn toàn hữu lý khi nói rằng: “Thực tại là Đấng Đơn Nhất, nhưng các nhà trí giả diễn tả Ngài bằng nhiều tên gọi khác nhau.”

Thần bí Kitô giáo thời các Giáo phụ được sử dụng phổ biến trong việc giải thích Kinh Thánh, trong phụng vụ và trong cảm nghiệm gần gũi với Thiên Chúa nhờ tri thức và việc chiêm niệm. Tuy nhiên, thần bí Kitô giáo ở thời Trung cổ được dùng trong ba lĩnh vực chính: thần học, đời sống tâm linh và hiện tượng. Nhìn chung, thần bí được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng lại có mối liên hệ mật thiết với nhau, vì chưng tất cả đều quy về Đức Kitô. Các nội dung tiếp theo của bài viết sẽ nhắc đến những lĩnh vực này, hiểu như là bối cảnh tổng quát trong việc trình bày quan điểm của Meister Eckhart.

Thần bí được phân loại thành ba (3) loại sau. Thần bí hôn lễ (hay thần bí kết duyên) được định hình từ thời các Giáo phụ, đạt đến đỉnh điểm ở thế kỷ thứ XII cho rằng linh hồn có thể kết hiệp ý chí với Thiên Chúa (wills), unitas spiritus. Loại thứ hai là thần bí bất khả tri. Loại này phát triển trên nền tảng của thần học phủ định, truy tìm chân lý nơi Thiên Chúa bằng phương pháp phủ định, loại bỏ các hình thức diễn đạt, không cậy dựa vào bất kỳ các ý niệm nào. Vào thế kỷ XIII, các nữ thần học gia đầu tiên tại vùng thung lũng Rhine đã phát triển một dạng thức thứ ba của thần bí nhấn mạnh đến sự kết hiệp hữu thể: unitas indistinctionis, “kết hiệp nên một” (không tách biệt), gọi là thần bí kết hợp hữu thể. Sự kết hiệp này diễn ra nơi “bản chất của thực tại”, grunt, nơi sâu thẳm nhất của linh hồn, nơi Thiên Chúa và linh hồn hoàn toàn đồng nhất với nhau.[9] Khi con người khi trở về với “hiện hữu”, hay nói cách khác, trở về với “bản chất của thực tại”, con người được tham dự vào bản tính thần linh của Chúa Ba Ngôi.

Meister Eckhart cho rằng bản chất của việc “luyện tập” thần bí diễn ra ngay trong việc giảng thuyết. nghĩa là làm sao để Lời được “sinh ra” trong người nghe: người giảng thuyết truyền tải Lời, người nghe đón nhận Lời và cưu mang Lời để Lời được sinh ra trong nơi sâu thẳm nhất của linh hồn. Eckhart đã trau dồi và thực hành việc thuyết giảng như một tố chất cần phải có của một tu sĩ Đa Minh: lắng nghe, tiếp xúc, đón nhận và đồng hành với người nghe cho đến cùng. Ông đã sử dụng ngôn ngữ bình dân trong việc giảng thuyết, cũng như làm giảm sự chuyên nghiệp hóa trong lối trình bày minh triết và đức tin để tầng lớp bình dân có thể tiếp cận dễ dàng. Cách thức giảng thuyết của Eckhart đề cao nhận thức của con người, tức là nghiêng về lý trí hơn là ý chí, nghĩa là “chú trọng vào vai trò của trí năng trong việc trở về với Thiên Chúa bằng cách sử dụng ngôn ngữ triết học.”[10] Vì thế, phong thái của các Bài giảng của Eckhart hầu hết mang đậm sắc thái “duy lý”.

Chương II

“Grunt” xét như là căn nguyên nền tảng của dòng chảy thần hóa con người 

1. Khái quát về “grunt”

Có thể nói, trung tâm của toàn bộ học thuyết thần bí của Meister Eckhart đều nhấn mạnh và quy hướng về grunt (grund), một yếu tố đặc trưng gây ảnh hưởng lớn đến các nhà tư tưởng, không chỉ trong nội bộ dòng Giảng thuyết mà còn nhiều nhà tư tưởng khác trong thời Trung Cổ và các thời kỳ về sau. Grunt/grund, hay ground trong tiếng Anh, được hiểu là nền, móng, đáy hay là bản chất, yếu tính, bản tính của một cái gì đó.[11] Theo các học giả tiếng Đức cổ, grunt được hiểu theo nhiều cách thức khác nhau. Trước hết, grunt được hiểu như là nền móng theo nghĩa vật chất, đó là trái đất. Grunt còn được hiểu là phần bên dưới hay mặt thấp nhất của một cơ thể, một bề mặt hay một cấu trúc (abgrunt), ở ngữ nghĩa này, grunt thường được gán cho hỏa ngục, đáy sâu của vũ trụ. Một cách trừu tượng, grunt được dùng để biểu thị nguồn gốc, nguyên nhân, sự khởi đầu, lý do hay bằng chứng về một điều gì đó.[12] Cuối cùng, grunt được hiểu như yếu tính, bản chất của một hữu thể, nghĩa là grunt được hiểu như là “cái gì đó tận cùng, ẩn giấu, riêng biệt nhất của một hữu thể.”[13]

Grunt là một hạn từ đơn giản nhưng dễ gây ngộ nhận. Tuy nhiên, Eckhart đã vận dụng hạn từ này cùng với sự phức tạp, độc sáng và giàu có về mặt ngữ nghĩa của nó để phát triển học thuyết thần bí của ông. Trong bài viết này, người viết giữ nguyên mà không chuyển dịch hạn từ grunt, bởi ngữ nghĩa của grunt vượt trên mọi cách chuyển ngữ nhằm mục đích giữ nguyên ngữ nghĩa thuần túy của hạn từ này. Grunt là một hình ảnh ẩn dụ độc đáo khai mở một cách thức mới trong việc mô tả tương quan mật thiết và sự gặp gỡ trực tiếp giữa con người và Đấng Siêu việt. Eckhart cho rằng con người và Đấng Siêu việt có cùng một grunt, “grunt của Thiên Chúa là grunt của tôi và grunt của tôi là grunt của Thiên Chúa.”[14]

Grunt là nơi trong cùng nhất, nơi sâu thẳm nhất của linh hồn, cũng là chiều sâu tiềm ẩn và là bản chất tận cùng của Thiên Chúa. Grunt là cái phi-tạo-dựng. Bản chất của grunt là nơi diễn ra sự kết hiệp nên một giữa con người và Thiên Chúa để con người được thần hóa trở nên Thiên Chúa, nghĩa là, con người được chung chia cùng một Thiên tính của Thiên Chúa. Eckhart diễn tả điều đó trong Bài giảng 14b như sau: “Anh chị em nên vượt qua và vượt trên mọi đức tính và nên giữ lấy đức tính trong đáy sâu, nơi mà bản tính con người và bản tính Thiên Chúa là một.”[15] Grunt được Eckhart và các hậu duệ của ông[16] mô tả cách trừu tượng thông qua các hình ảnh ẩn dụ trong một số bài giảng như: “đốm sáng nhỏ” (vünkelîn), “lâu đài nhỏ” (bürgelîn), “con người cao quý”, “ánh sáng”, “hạt giống”, “chiếc bình vàng” …[17]

Bản chất của grunt được xem là cái bất di bất dịch. Tuy nhiên, grunt không phải là một tình trạng hay điều kiện, nhưng “diễn tả mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa.”[18] Tuy grunt là bất biến, nhưng grunt lại là “căn nguyên của mọi biến dịch khác”.[19] Ngay tại “nơi” bất di bất dịch này, các nhà thần bí phải sống, phải hành động và phải nhận thức. Tại “nơi” bất di bất dịch này, hoàn toàn “không xảy ra sự phân biệt giữa nhận thức và hành động, giữa các lý thuyết và thực hành.” Tuy nhiên, khi bất kỳ hành động của một người xuất phát từ nơi sâu thẳm của linh hồn (grunt) ra bên ngoài thế giới mà bản chất của thế giới là phân tách và biến dịch, thì người đó phải diễn tả bằng một ngôn ngữ tri thức sao cho tương thích với thế giới để hiểu mọi sự trong thế giới hơn.[20] Eckhart đã diễn tả điều này như sau: “Người nào càng hiểu rằng: nguồn cội và bản chất của linh hồn mình và bản chất của Thiên Chúa là một, thì người ấy càng biết tỏ tường mọi sự.”[21]

Eckhart phát triển grunt lên trên một mức độ mới, “đáy-không-đáy” (groundless ground) hay “Thiên-tính-không-đáy” (groundless Godhead) nhằm nhấn mạnh ý niệm thực hành việc giải cấu của bản ngã, làm cho bản ngã được tự do trước những ràng buộc của thế-giới thụ tạo.[22] Như thế, Meister Eckhart đã sử dụng grunt như một yếu tố chủ chốt trong việc thần hóa con người. Nơi grunt, con người trở về và hạnh kiến Thiên Chúa, được nên một với Thiên Chúa và được là Thiên Chúa.

2. Khái niệm về thần hóa

Thần hóa là một trong những chủ đề nổi bật được bàn đến nhiều bởi các tư tưởng thời Trung cổ. Có lẽ, ý niệm thần hóa được lần đầu nhắc đến bởi Athanasius trong quyển Khảo luận Nhập thể: “Con Thiên Chúa xuống thế làm người để con người được là Thiên Chúa.”[23] Sau đó, ý niệm này trở nên phổ biến và được các nhà thần học Origen, Augustinô, John Dun Scotus, cũng như được Meister Eckhart và các hậu duệ của ông sử dụng và phát triển theo nhiều phương cách khác nhau.

Thần hóa, hay thiên chúa hóa, là kết quả của sự công chính hóa nhờ việc tự hủy của bản ngã và biến cố Ngôi Lời hạ sinh nơi grunt của linh hồn. Thần hóa bảo đảm việc “thấu-nhập” (durchbrechen) của linh hồn trong Thiên Chúa để linh hồn được kết hiệp nên một với Thiên Chúa. Eckhart giảng về sự thần hóa như việc “chúng ta hoàn toàn được biến thể và thay đổi thành Thiên Chúa cùng một cách thức như trong bí tích, bánh biến thành thân mình Chúa chúng ta… Người làm cho chúng ta nên một và giống Người.”[24] Eckhart cho rằng việc thần hóa này không dành riêng cho những kẻ ưu tú được tuyển chọn nhưng dành cho tất cả mọi cá vị. Trọng tâm việc thần hóa của nền thần bí Rhine là quy hướng về Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể. Việc thần hóa trước là “nối kết nhân tính và thần tính nơi Đức Kitô,” sau là, “móc nối giữa chuyện thực hành và tri thức, nhu cầu thiêng liêng và nỗ lực trí thức, đam mê và lý thuyết,” đồng thời cũng là “sự trỗi dậy của cá vị con người nơi tình trạng và địa vị xã hội hiện tại, nơi hình thức sống đạo: vừa yêu mến vừa suy tư, vừa hoạt động vừa chiêm niệm, vừa đạo đức vừa tự do.”[25]

Để đạt đến sự thần hóa này, con người, đối tượng của sự thần hóa, phải trải qua một “dòng chảy” hay một tiến trình. Trong tiến trình đó, linh hồn phải “ra khỏi mình”, “siêu thoát” khỏi mọi quyến luyến liên quan với thụ tạo nhằm đưa linh hồn tiến đến một trạng thái buông bỏ để trở nên “trống rỗng” mà đón nhận Ngôi Lời được hạ sinh trong grunt của linh hồn. Eckhart nhấn mạnh đến chức năng của linh hồn như sau: “Không ở đâu để Thiên Chúa cư ngụ đúng nghĩa cho bằng nơi linh hồn. Mọi tạo vật đều có chút gì đó là của Thiên Chúa, nhưng linh hồn sở hữu hoàn toàn sự thánh thiêng của Thiên Chúa, vì linh hồn là chốn an nghỉ của Ngài.”[26]

Trong việc thần hóa, Eckhart suy tư chủ yếu hai hành động, trước là việc hạ mình của Ngôi Lời Thiên Chúa nơi biến cố Giáng sinh, sau là việc Thiên Chúa nâng cao bản tính con người nhờ mầu nhiệm Nhập Thể của Ngài.[27] Có thể nói, các hạn từ “siêu thoát”, “tự hủy”, “trống rỗng”, “hư vô” và cách thức để Ngôi Lời được hạ sinh trong grunt là những ý niệm nền tảng mô tả rõ nét và sinh động về bức tranh “thần hóa” của Meister Eckhart. Việc thần hóa trong thần bí Rhine được hiểu như một “dòng chảy”, “dòng chảy” được khởi phát từ một nguồn cội thánh thiêng, và chảy ngược về với căn nguyên ấy. Căn nguyên ấy là grunt.

3. “Grunt” là khởi nguyên và tận cùng của dòng chảy thần hóa

Dòng chảy thần hóa của Meister Eckhart mang một ý nghĩa tổng quát như các triết gia Kitô giáo khác nhưng lại mang một bản sắc rất riêng và đậm nét siêu hình. Ý niệm về mô hình “sự khởi phát”, exitus – emanation (ûzganc – uzfliessen) và “sự trở về”, reditus – restoration (inganc – durchbrechen) được Eckhart mượn lại theo học thuyết của trường phái Tân Platon. Tuy nhiên, dưới góc độ là một nhà triết học – thần học Kitô giáo, Eckhart sử dụng mô hình này như là quy luật nền tảng của thực tại dựa trên nền tảng Thánh Kinh. “Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục” (cf. Sách Giảng viên 1: 7). Eckhart viết trong Bài giảng 22: “Tôi vẫn thường nói, khi Thiên Chúa đi ra, cũng là lúc Người trở về.”[28]

Việc thần hóa là một dòng chảy mang động năng liên tục, hoạt động qua lại không ngừng nghỉ. Dòng chảy này được cấu thành theo hai chiều hướng song song. Trong đó, grunt là nguồn cội, là bất biến, là “đáy-sâu-bí-ẩn” (hidden ground) hay là bản chất thần linh của Thiên Chúa. Mọi loài được hiện hữu nhờ sự phát tỏa và tuôn trào ra từ “đáy-sâu-bí-ẩn” của Thiên Chúa. “Đáy-sâu-bí-ẩn” thần linh ấy là bản chất Thiên Chúa, Thiên Chúa được xem là Hiện hữu (esse), là “cái đơn nhất” (unum) và là căn nguyên (principium) của mọi hiện hữu được tạo dựng (creatio) hay tác thành (factio). Mọi loài trong vũ trụ cũng phải “chảy ngược về” trong căn tính bản thể (essential identity) với căn nguyên thần linh này.

Trong sự tuôn trào ra từ grunt – sự khởi phát (exitus), Meister Eckhart phân biệt ba cấp độ của việc phát tỏa (emanatio). Trước hết là “sự-sôi-bên-trong” (bullitio), đây là quá trình phát tỏa mô thức sản sinh ra “bản chất nguyên tuyền” nội tại, trong cách thức Thiên Chúa tự khuếch tán chính mình. “Bản chất nguyên tuyền” được sản sinh nhờ “sự-sôi-bên-trong” ngang bằng với bản chất của grunt, căn nguyên của chính nó. Cấp độ thứ hai là “sự-sôi-tràn-ra-ngoài” (ebullitio). Nơi cấp độ thứ hai này, grunt đóng vai trò là nguyên nhân tác thành và là nguyên nhân cứu cánh, bởi đó mà thụ tạo và con người được tạo ra. “Sự-sôi-tràn-ra-bên-ngoài” này diễn ra theo hai cách thức: một là “làm nên” một cái gì đó từ những cái đã có (factio), hai là “tạo ra” một cái gì đó từ hư vô (creatio).[29] Trong ebullitio, cùng với con người và thụ tạo, Ngôi Hai Thiên Chúa cũng được Chúa Cha sinh ra trong thế giới (Nhập thể). Thiên Chúa Ba Ngôi là căn nguyên cốt lõi (Principium) của ba cấp độ phát tỏa này.

Thực chất, hình ảnh “tự-sôi” và “sôi-tràn” mà Meister Eckhart sử dụng, tái hiện lại quan điểm của trường phái Đa Minh. Hình ảnh dòng chảy và yếu tố siêu hình của nó có nguồn gốc từ Albertô Cả, tuy nhiên Eckhart khai triển hình ảnh dòng chảy để làm giàu cho việc phát triển học thuyết Ba Ngôi. Albertô Cả là người đã gọi “sự-sôi-tràn” là cách thức để Đấng-chuyển-động-đơn-nhất chảy tràn trong mọi thụ tạo. Tôma Aquinô đã dùng lại ý niệm này dựa trên quan điểm của thầy mình, Albertô Cả, và của Dionysius trong quyển Celestial Hierachy: “Bởi vì nó bừng cháy, nó sôi tràn, và phát trào ra bên ngoài chính nó.”[30]

Sự trở về với grunt được hiểu như sự thần hóa khi Eckhart cho rằng con người và mọi thụ tạo phải trở về với bản tính thần linh của Thiên Chúa dựa trên nền tảng của việc Thiên Chúa Ba Ngôi “tự-sôi-sục-bên-trong” (bullitio). Con người và tất cả các thụ tạo phải trở về với Thiên tính của Thiên Chúa, Đấng Siêu việt, là căn nguyên của mọi phát tỏa, là Đấng-không-thể-gọi-tên, Đấng là Hằng hữu, Đơn nhất, Chân lý và Thiện hảo.

4. Sự phát tỏa bullitio trong Thiên tính và Thiên Chúa luận

Meister Eckhart cho rằng không thể khẳng định danh xưng của Thiên Chúa. Để có thể để định danh Thiên Chúa, con đường duy nhất là cậy nhờ vào phương pháp phủ định. Phương pháp phủ định là chìa khóa khai mở giúp nắm bắt toàn bộ hiện tượng thần bí. Eckhart bị ảnh hưởng phương pháp này bởi Augustinô, Pseudo-Dionysus, Tôma Aquinô và Môsê Maimonides.

Eckhart nhấn mạnh rằng Thiên Chúa hoàn toàn không bị ràng buộc bởi các đặc tính trong giới hạn ngữ nghĩa mà con người có thể chạm tới. Con người không thể nói gì hơn là khẳng định “Thiên Chúa Hằng hữu”, hay cũng có thể nói “Thiên Chúa không hằng hữu” vì Thiên Chúa khôngcái này hay là cái kia. Eckhart kết luận rằng tất cả những thứ bên ngoài diễn tả về Thiên Chúa đều là hư vô. Tất cả các mệnh đề khẳng định về Thiên Chúa đều không tránh khỏi tính đặc thù và xác định. Cùng với những hạn chế và giới hạn nhất định của các mệnh đề, các mệnh đề khẳng định không thể định danh Thiên Chúa, bởi “Thiên Chúa vượt trên mọi danh xưng và bản chất”[31], Thiên Chúa vượt trên mọi sự tri hiểu của con người. Như thế, các mệnh đề phủ định để tri biết Thiên Chúa hoàn toàn cần thiết để nhận thức của con người phần nào có thể chạm đến Thiên Chúa.

Eckhart dựa trên quan điểm học thuyết loại suy của Tôma Aquinô để lập luận và đúc kết sự liên kết giữa Thiên Chúa và thụ tạo, qua đó phát triển học thuyết Ba Ngôi theo cách thức đặc trưng của riêng ông. Học thuyết loại suy là học thuyết so sánh giữa các đối tượng nhờ những đặc tính tương đồng để đưa ra một kết luận nhằm giải thích một nguyên lý hay ý niệm nào đó. Tôma Aquinô chủ trương rằng con người không thể biết được bản tính của Thiên Chúa, nhưng con người có thể nhận biết Người nhờ vào thụ tạo hay các sự vật được tạo thành khác. Do đó, việc gọi tên Thiên Chúa dựa trên mối tương quan nhân quả giữa Thiên Chúa và các thụ tạo của Người. Tôma cho rằng các thụ tạo luôn luôn giống với nguyên nhân tác thành, vì thế, các thụ tạo tương đồng với Đấng Tạo Dựng.[32] Tuy nhiên, sự tương đồng còn bị lệ thuộc vào đặc tính hoàn bị giữa hai đối tượng. Các đặc tính hoàn bị của Thiên Chúa thì được xếp ở cấp độ cao hơn so với thụ tạo. Như thế, cấp độ hoàn bị của thụ tạo thì thấp hơn cấp độ hoàn bị của Thiên Chúa.[33]

Trong tác phẩm Opus tripartium[34] mang đậm sắc thái duy lý, Eckhart chủ yếu xem xét siêu hình học, thần học và giải thích Thánh Kinh như một phần của công trình khải nghĩa luận. Eckhart nhấn mạnh tầm quan trọng của hiện hữu (esse), xét như là đối tượng của hành vi khải nghĩa, nhằm làm nổi bật sự hài hòa giữa lý trí (ratio) mang tính minh triết và sự mạc khải của Thánh Kinh. Eckhart vừa là một triết gia và là một thần học gia. Điều này diễn tả trong siêu hình học của Eckhart, “sự kết hiệp của minh triết và thần học”, nghĩa là triết học đệ nhất (môn học về hữu thể) và thần học (môn học về hữu thể nền tảng và tối thượng) không tách biệt nhau.[35] Eckhart chứng minh được rằng triết học không phá hủy nội dung Thánh Kinh, nhưng triết học nắm bắt lấy các nội dung Thánh Kinh và truy xuất nó.

Meister Eckhart đồng quan điểm với Tôma Aquinô trong việc công nhận nền tảng của việc định danh Thiên Chúa dựa trên mối quan hệ nhân quả được kết luận từ phép loại suy từ các đặc tính chung giữa Thiên Chúa và thụ tạo. Tuy nhiên, Eckhart nhấn mạnh vai trò của phép loại suy trên phương diện hữu thể học. Từ đó, Eckhart phát triển học thuyết Ba Ngôi dựa trên các đặc tính siêu nghiệm: hiện hữu (esse), đơn nhất (unum), chân lý (verum) và thiện hảo (bonum) xét như những danh xưng để giải thích về sự vận động nội tại thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa trên bình diện triết học. Các đặc tính siêu nghiệm giống với chủ thể, tương đồng với chủ thể nhưng lại khác biệt tùy theo các ý niệm của chúng. Học thuyết các siêu nghiệm được xem như điểm trung tâm của học thuyết siêu hình về Thiên Chúa theo Meister Eckhart. Nói ngắn gọn hơn, học thuyết Ba Ngôi của Eckhart là học thuyết các siêu nghiệm.

Học thuyết các siêu nghiệm của Meister Eckhart không áp dụng cho các hữu thể thông thường, nhưng áp dụng cho Thiên Chúa trong sự hoạt động nội tại của Người. Tác phẩm Opus tripartium chủ yếu trả lời các câu hỏi về các đặc tính siêu nghiệm như: hiện hữu, đơn nhất, chân lý và thiện hảo, cũng như các ý niệm khác đối lập với các đặc tính siêu nghiệm này. Eckhart dựa trên quan điểm của Tôma, khi nói về một đặc tính của Thiên Chúa. Đặc tính đó không phải là một bản chất của Thiên Chúa nhưng đặc tính đó là chính Thiên Chúa. Chẳng hạn, khi nói rằng: “Thiên Chúa thì tốt lành”, thì người nói đang nói đến “tốt lành” là một đặc tính của “sự thiện hảo” và cũng là đặc tính của Thiên Chúa. Thiên Chúa không có đặc tính “thiện hảo”, nhưng Thiên Chúa là “thiện hảo” tự bản chất của Người.[36] Như thế, các đặc tính siêu nghiệm được gán cho Thiên Chúa. Eckhart thể hiện tính duy lý của học thuyết khi đánh đồng Ba Ngôi với từng đặc tính siêu nghiệm trong Expositio sancti evangelii secundum Iohannem. Eckhart cho rằng không có gì phát sinh ra từ sự vô định và phiếm định. Ông cho rằng các đặc tính siêu nghiệm kể trên thích hợp cho sự hiện hữu (esse), bởi hiện hữu được gắn cho những gì thuộc về nội tại và bản chất. Do đó, hiện hữu được đánh đồng với bản chất.[37]

Vận dụng phép loại suy trong học thuyết siêu nghiệm để sự phân biệt giữa hai ý niệm hữu thể (ens) và hiện hữu (esse), Eckhart cho rằng ens thì không là esse, nhưng giữa esseens có một mối tương quan mới tương tự như bonitasbonum, unitasunum, veritasverum. Eckhart ngụ ý về sự đồng nghĩa giữa ensesse. Esse không tự diễn tả chính mình, nhưng chính nhờ ensesse được diễn tả. Trong khi đó, Tôma phân biệt giữa hữu thể (ens) và yếu tính (essentia). Hữu thể (ens) là cái mang lấy nghĩa chủ động của động từ sum, trong khi đó yếu tính (essentia) lại thể hiện nghĩa thứ cấp của hiện tại phân từ của động từ sum. Nói cách khác, hữu thể là cái mang lấy yếu tính; vì thế, sự thiếu hụt thì không là hữu thể.[38] Không hoàn toàn đi chung một hướng với Tôma, Eckhart tạo một khoảng cách lớn giữa Thiên Chúa và các hữu thể được tạo thành. Eckhart cho rằng các phụ thể thì không hiện hữu trong chính nó.[39] Eckhart đưa ra một sự phân biệt căn bản rõ rệt giữa Thiên Chúa như là esse absolutum và các hữu thể được tạo ra như là esse hoc et hoc. Thiên Chúa là nguyên nhân đồng nghĩa đầu tiên, nguyên nhân thiết yếu (principium). Bởi Thiên Chúa là một nguyên nhân, vì thế Người không thể là một hữu thể đặc thù xác định nào đó được. Như vậy, các hữu thể khác tách biệt khỏi Thiên Chúa và chỉ mang tính tương tự như Thiên Chúa để tôn kính Người.[40]

Eckhart phân biệt sự khác biệt giữa hai ý niệm “Thiên tính” như là bản chất của Thiên Chúa và “Thiên Chúa” như là sự hoạt động Ba Ngôi trong Thiên tính được diễn tả nơi sự sáng tạo. “Thiên tính” là bản chất đơn nhất của Thần trí, và “Thiên Chúa” được gán cho cấp độ tự nhận biết của tri thức và của hiện hữu của Ba Ngôi trong trí năng tối thượng này. Trong cảnh huống của sự sáng tạo, “Thiên tính” trở thành Thiên Chúa trong cấp độ Ba Ngôi hiện hữu nơi thụ tạo. Nói cách khác, “Thiên tính” là bản tính bị ẩn giấu của “Thiên Chúa”, bản tính ấy phải nhờ “Thiên Chúa” diễn đạt nơi thụ tạo thì “Thiên tính” mới tỏ hiện được. Eckhart nói thêm rằng: “Thiên tính của Thiên Chúa tùy thuộc vào chuyện Ngài có thể chung chia cho tất cả những thứ gì đón nhận được Ngài và, nếu Ngài không tự thông chia, thì Ngài chẳng còn là Thiên Chúa nữa.”[41] Ông phân biệt sự khác biệt giữa “Thiên Chúa” và “Thiên tính” như “sự khác biệt giữa trời và đất, giữa con người ngoại giới và con người nội tâm. Thiên Chúa ở trên cao muôn ngàn. Nhưng chính Thiên Chúa vừa biến dịch lại vừa bất biến.”[42] Eckhart khuyên tín hữu của ông hãy thể hiện lòng yêu mến Thiên Chúa “trong tư cách Ngài là Phi-Thiên-Chúa, ‘Đấng Đơn Nhất’, phân cách khỏi mọi tính nhị nguyên.”[43], nghĩa là trở về với Thiên Chúa Thiên tính, là Đấng Đơn Nhất, Đấng không bị phân tách theo ý niệm các ngôi vị, Đấng hoàn toàn không bị lệ thuộc vào các cấp độ xác định của hiện hữu thần linh, Đấng vượt trên mọi khái niệm diễn tả về Người. Thiên Chúa chỉ là Đấng Đơn Nhất trong bản tính của Người. Eckhart lập luận rằng nếu Ba Ngôi có sự tách biệt trong các ý niệm, thì sự tách biệt ấy do trí năng con người làm ra. Do Ba Ngôi bị tách biệt nên Ba Ngôi là cái đa nguyên, mà cái đa nguyên thì đối nghịch với cái đơn nhất. Eckhart khuyên con người phải vượt lên trên trí năng để nhận thức Thiên Chúa, khi đó linh hồn mới được an nghỉ nơi sâu thẳm nhất của linh hồn và Thiên Chúa, ông viết trong Bài giảng 45 như sau:

Linh hồn tìm cách an nghỉ nơi Thiên Chúa, bằng cách để cho Thiên Chúa an nghỉ nơi linh hồn, và Thiên Chúa đi tìm nơi linh hồn sự an nghỉ mà Thiên Chúa đi tìm nơi chính mình, Cha, Con và Thánh Thần. Khi an nghỉ nơi Thiên Chúa, linh hồn được nâng lên cao khỏi chính mình, của linh hồn được ẩn giấu nơi Thiên Chúa. Để được nâng cao khỏi chính mình, linh hồn phải đưa lên cao khỏi trí tuệ và đi vào chốn sâu thẳm nhất.[44]

Trong Prologus generalis, Meister Eckhart tóm lược vắn tắt siêu hình học siêu nghiệm của mình bằng một luận điểm chính xuyên suốt các chú thích Thánh Kinh, cũng như điểm căn bản để tri hiểu thụ tạo như một ân sủng hay một sự thông đạt của hiện hữu, Deus est esse. Chỉ hiện hữu mới có thể thông đạt, hay sáng tạo hiện hữu. Xét như là một hiện hữu tự thân, Thiên Chúa luôn thông đạt và sáng tạo không ngừng nghỉ; Người sáng tạo mọi loài “ngay từ lúc khởi đầu” trong chính Người. Hiện hữu là bản chất của Thiên Chúa. Vì hiện hữu là bản chất của Thiên Chúa nên hiện hữu là chân lý vĩnh cửu. Hiện hữu là thực tại hay là hành động và sự hoàn bị của mọi thụ tạo, kể cả các hình thái. Hiện hữu của Thiên Chúa là hiện hữu trong trí năng. Eckhart đưa ra sự phân biệt căn bản giữa Hiện hữu thần linh tuyệt đối và hiện hữu được tạo dựng“này hay kia”.

Hiện hữu chứa đựng nơi mình mọi sự, tuy nhiên nó lại quá cao vời đến độ không một thụ tạo nào chạm đến nó được. Tất cả những ai tưởng rằng mình biết tất cả mọi thứ ở đời này thì thực sự chẳng biết gì cả. Thánh Denys nói: trong những gì mà chúng ta nhận biết, hiểu thấu và có thể phân biệt, chẳng có điều nào là Thiên Chúa, bởi trong Thiên Chúa chẳng có điều nào là khả dĩ nhờ phân biệt hay suy luận ra để nắm bắt được. Nơi Ngài chỉ có Đơn Nhất, là chính Ngài.[45]

Eckhart dựa trên quan điểm siêu hình học của Aristotle mà cho rằng hiện hữu (esse) tương đương với cái đơn nhất (unum). Eckhart cho rằng cái đơn nhất được xác định nhờ vào sự tự hữu của chính nó. Cái đơn nhất hoàn toàn có thể được phân biệt từ sự đa nguyên. Cái đơn nhất là nguồn cội của cái đa nguyên, của tất cả sự thiêng liêng và của tất cả thụ tạo.[46] Trong Bài giảng Latin số 29, Eckhart nói rằng cái đơn nhất là grunt, là nguồn cội sinh ra cái đa nguyên trong khi cái đơn nhất vẫn bất biến trong chính nó và cái đơn nhất dẫn đưa mọi thứ trở về với chính nó theo bộ ba chuyển động của Tinh thần tuyệt đối – giữ nguyên trong chính nó, ra đi và trở về.[47] Eckhart sử dụng khái niệm của Môsê Maimonides về “cái thần linh đơn nhất tuyệt đối” loại bỏ mọi mô thức đa nguyên. Eckhart đánh đồng cái đơn nhất với Chúa Cha, là căn nguyên đầu tiên, là khởi nguyên của cả Thiên tính và của tất cả thụ tạo, là căn nguyên của sự đơn nhất trong Thiên tính, là nguồn cội của toàn thể sinh linh. “Chúa Cha là Đấng Đơn Nhất, là Sự đơn nhất mà tự Người là bản chất, bản chất đơn nhất. Hiện hữu trong cái đơn nhất không phải là một hiện hữu đơn thuần thông thường, nhưng tự hiện hữu đó là cái đơn nhất.” Vì cái đơn nhất được cho là căn nguyên của mọi sinh linh, do đó cái đơn nhất tác tạo mọi loài theo một trật tự nhất định, theo cái đơn nhất.[48]

Meister Eckhart tiếp tục giải thích đặc tính siêu nghiệm thứ ba, chân lý (verum), được phát tỏa từ Đấng Đơn Nhất (Unum). Như vậy, chân lý (verum) được đánh đồng với Chúa Con. Chúa Con nhiệm xuất bởi Chúa Cha. Chúa Cha (Unum) và Chúa Con (Verum) đồng nhất, trong phạm vi bản tính thần linh Chúa Cha và Chúa Con. Kết quả của sự hiệp nhất giữa Đấng Đơn Nhất (Unum) và Đấng Chân Lý (Verum) là Đấng Thiện Hảo (Bonum). Đấng Thiện Hảo là Ngôi Ba Thiên Chúa, là tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con. Eckhart đánh đồng bốn đặc tính siêu nghiệm trong việc giải thích về các Ngôi vị Thiên Chúa.

Trong Thiên Chúa, con người hiện hữu và mang lấy bản tính Thiên Chúa (Thiên tính). Thiên tính không được tạo nên và cũng không tự nó được dựng nên. Đấng Đơn Nhất hay Chúa Cha tác tạo nên nó, nhưng tự bản chất nó là cái không được tạo thành. Đấng Chân Lý là Đấng duy nhất nhiệm xuất bởi Đấng Đơn Nhất, Đấng Thiện Hảo được nhiệm xuất bởi Đấng Đơn Nhất và Đấng Chân Lý cùng nhau. Eckhart viết như sau:

Và vì thế, trong vấn đề Thiên tính, Hữu thể và bản chất không nhiệm xuất và cũng không bị nhiệm xuất, Chúa Cha – Đấng không bị nhiệm xuất, nhiệm xuất. Cái chân lý nhiệm xuất duy nhất bởi cái đơn nhất, và cái thiện hảo nhiệm xuất bởi cái đơn nhất và cái chân lý mà ra. Cái đơn nhất và cái chân lý là một. Vì lý do đó, nó cũng là một chính nó. Và chúng ta nói rằng trong một Thiên tính nhưng có ba ngôi vị: Cha, Con, và Thánh Thần. “Và họ là một.” (1 Ga 5): một bản chất, một hữu thể.[49]

5. Sự sáng tạo và con người được tạo dựng trong sự phát tỏa ebullitio từ “grunt”

Meister Eckhart tiếp tục truyền thống của Môsê Maimonides và Tôma Aquinô mà cho rằng sự sáng tạo là quá trình sản sinh ra mọi thụ tạo từ hư vô. Sự sáng tạo là hành động vĩnh cửu tuôn chảy không ngừng nghỉ từ bản chất thần linh của Thiên Chúa đổ tràn ra trong thụ tạo. Trung tâm của sự sáng tạo được cấu thành dựa trên hiện hữu, esse. Hiện hữu là nguyên lý thứ yếu đứng sau Đấng Đơn Nhất. Từ Đấng Đơn Nhất, vũ trụ và con người được tạo thành cùng với toàn thể hiện hữu khác. Vì thế, hiện hữu là Đấng Đơn Nhất, là principium. Tôma cho rằng Thiên Chúa đóng vai trò là nguyên nhân tác thành thì Eckhart lại cho rằng Thiên Chúa là nguyên nhân mô thức của mọi thụ tạo. Eckhart lập luận rằng các nguyên nhân tác thành và cứu cánh chỉ diễn tả các yếu tính bên ngoài, chỉ có nguyên nhân mô thức là diễn tả cả yếu tính bên trong. Eckhart cho rằng lý trí hoàn bị (ideal reason) là nguyên lý mà Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Ông đánh đồng lý trí hoàn bị với khái niệm của trường phái Tân Platon, causa essentialis, một khái niệm được Proclus và Dionysius sử dụng, sau này khái niệm này cũng được phát triển bởi Alberto Cả. Eckhart định nghĩa causa essentialis là Ngôi Lời, Logos, bản chất của causa essentialis lý trí.[50] Eckhart chủ trương rằng “Thiên Chúa tạo dựng vạn vật nhờ Người và trong Người.” Không có thụ tạo nào bị phân tách hay ở ngoài Thiên Chúa là hiện hữu. “Thiên Chúa luôn luôn sáng tạo.” Tất cả thụ tạo đều được Thiên Chúa “sáng tạo liên tục, không ngừng.”[51] Thiên Chúa và các thụ tạo thì khác biệt nhau. Eckhart cho rằng: “Các mô thức của thụ tạo thì không ở trong Thiên Chúa, nhưng ý niệm của thụ tạo và ý niệm mô thức của thụ tạo thì tồn tại tiềm tính trong Thiên Chúa… như thế, thụ tạo và mô thức nhờ ý niệm mà có danh xưng, nên thụ tạo và mô thức tồn tại nơi chính nó chứ không tồn tại trong Thiên Chúa.”[52] Eckhart trình bày thụ tạo là thứ trống rỗng. Tự thân thụ tạo hoàn toàn không chung chia bất kỳ đặc tính nào với Thiên Chúa. Cùng quan điểm với trường phái Kinh viện, thụ tạo thì tự thân chúng trống rỗng. “Mọi hữu thể được tạo ra đều phát xuất bởi Thiên Chúa và bám rễ trong Người, chúng không hiện hữu, sinh sống, tri hiểu trong bản thân chúng là hữu thể được tạo thành. Như thế, thụ tạo không có hiện hữu, đơn nhất, chân lý hay thiện hảo tự thân chúng. Thiên Chúa mới là hiện hữu, đơn nhất, chân lý và thiện hảo của chúng.”[53]

Eckhart cho rằng có hai cấp độ hiện hữu của thụ tạo: esse formaleesse virtuale. Mỗi thụ tạo đều có “hiện hữu tiềm năng” trong nguyên lý nền tảng và “hiện hữu mô thể” trong thế giới tự nhiên. Đối ngược với Tôma trong việc cho rằng “hiện hữu mô thể” là bản chất để thụ tạo được hiện hữu bởi chính nó, Eckhart từ chối giá trị của “hiện hữu mô thể”, mà tập trung vào “hiện hữu tiềm năng” như là nguyên lý của thụ tạo hiện hữu trong Thiên Chúa. Eckhart cho rằng “hiện hữu mô thể” chỉ mang tính tạm thời; “hiện hữu tiềm năng” mới là vĩnh cửu. Do đó, Eckhart cho rằng thụ tạo là trống rỗng, hư vô vì esse formale của chúng trong thế giới tự nhiên. Có hai dạng thức của hư vô: hư vô theo sự cao cả của Thiên Chúa và hư vô theo sự khử trừ thụ tạo. Quan điểm thần bí của Eckhart là mời gọi linh hồn từ bỏ cái hư vô nơi bản ngã được tạo dựng mà trở thành hư vô thần linh là đại ngã, bao trùm mọi sự.[54]

Sự sáng tạo, xét trong một mức độ nào đó, diễn tả sự thiện hảo thần linh và vẻ đẹp thần hiển. Tuy nhiên, Eckhart cho rằng, trong sự sáng tạo vẫn có len lỏi của “sa ngã”, là nguồn gốc của cái ác trong thế giới. Eckhart dạy rằng Thiên Chúa chủ ý tạo dựng trực tiếp toàn thể vũ trụ, “cái vũ trụ toàn thể được sinh ra từ Thiên Chúa như là một thể thống nhất, mặc dù có nhiều bộ phận khác nhau.” Tuy nhiên, nhiều thụ tạo được tạo dựng trong vũ trụ có khuynh hướng tách biệt. Do đó, vũ trụ hình thành nên cái đa nguyên, Eckhart gọi cái đa nguyên này là sự “sa ngã”, sự sa đọa, hay sự bất toàn. Eckhart giữ quan điểm giống Augustinô, cho rằng “cái ác không chỉ là một sự trái ngược, nhưng là một sự thiếu hụt cái thiện.” Eckhart nói thêm rằng cái ác chỉ là một ảo giác mà con người có thể nhìn thấy từ các mệnh đề khẳng định hoặc phủ định trong nỗ lực đụng chạm đến Thiên Chúa.[55]

Eckhart trình bày con người giống hình ảnh Thiên Chúa và con người hình ảnh của Thiên Chúa, Imago Dei. “Con người được tạo nên hoàn toàn theo hình ảnh của bản thể thần linh, và như thế, con người được tạo nên không theo những gì tương tự, nhưng được tạo nên là một với bản thể thần linh…”[56] Ông cho rằng con người là hữu thể có trí khôn. Trí năng là “đầu” của linh hồn và là “hình ảnh của Thiên Chúa”.[57] Theo Eckhart, trí năng là hình ảnh của toàn thể Thiên tính, là bản chất và nguồn cội của sự khởi phát và trở về trong siêu hình học dòng chảy thần hóa. Trí năng là một quan năng của linh hồn. Duy nhất quan năng này cung cấp cách thức để tiến vào vào bản chất của linh hồn, điều mà Eckhart gọi là grunt.

Trí năng đi vào bên trong và xuyên qua mọi ngõ ngách của Thiên tính. Trí năng giữ lấy Ngôi Con trong trái tim của Chúa Cha và trong grunt, và đặt Chúa Con vào grunt, nơi bản chất là của Người. Trí năng thâm nhập vào bên trong. Trí năng không thỏa mãn với sự thiện hảo hay khôn ngoan, hay chân lý, hay tự thân Thiên Chúa. Trí năng nghỉ ngơi, đi vào grunt, nhờ đó mà thiện hảo và chân lý sinh ra, và giữ lấy nó như principio, nơi đó là khởi nguồn của thiện hảo và chân lý sinh ra…[58]

Trí năng được đặt trong linh hồn là “thứ không do tạo thành” và không chứa đựng thụ tạo. Thiên Chúa đặt trí năng – “thứ không do tạo thành” vào bên trong con người – “hữu thể được tạo thành” theo hình ảnh Người. Trí năng thì “đơn nhất”[59], là hiện hữu tiềm tàng trong thế giới, được Eckhart dùng bằng các hình ảnh ẩn dụ như đốm sáng, pháo đài nhỏ, con người cao quý, hạt giống, đỉnh cao, vệ sĩ. Trí năng – “thứ không do tạo thành” không thể là một bộ phận của bất kỳ điều gì. Trí năng là một mầu nhiệm và hiện hữu trong Chúa. Do đó, trí năng không thể được định danh rõ ràng.[60] Ngôi Lời là hình ảnh thật và con người được dựng nên theo hình ảnh của Ngôi Lời. Trí năng của con người như là hình ảnh tuyệt hảo của Ngôi Lời, Đấng được phát tỏa trong Ba Ngôi. Tuy nhiên, trí năng vẫn là thứ được dựng nên, là thực tại được tạo thành. Con người trở nên một với Thiên Chúa và là Thiên Chúa trong sự đơn nhất theo hình ảnh của Người. Như thế, linh hồn mang lấy hình ảnh Thiên Chúa và linh hồn giống Thiên Chúa. Ngắn gọn hơn, con người là hình ảnh của Thiên Chúa khi không xét con người ở phương hiện hữu thể là một thụ tạo.[61]

6. Trí năng là động năng trong linh hồn

Meister Eckhart hiểu rằng quá trình phát tỏa của Ngôi Lời từ Chúa Cha như một quy trình vận hành của trí năng trong chính Thiên Chúa. Eckhart chuyển dời ý niệm trí năng của Aristotle để hiểu trí năng như là Đấng Đơn Nhất theo Dionysius và Proclus đánh dấu một bước ngoặt của nền thần bí Rhine. Eckhart viết rằng: “Trong linh hồn có một tiềm năng, không bị ảnh hưởng bởi thời gian và xác thịt, nhưng phát xuất từ tinh thần, ở lại trong tinh thần và tuyệt đối thiêng liêng. Thiên Chúa hoàn toàn ngự trị trong tiềm năng này (tức là trí năng)… như một khoảnh khắc vĩnh cửu.”[62] Eckhart tiếp tục mô tả về trí năng như sau:

Tiềm năng này [trí năng] là duy nhất tự do, là một hộ thủ tinh thần, đôi khi là ánh sáng tinh thần, đôi khi là một đốm sáng… Tiềm năng này trỗi vượt hơn mọi thứ này hay thứ kia… Nó thong dong khỏi mọi danh xưng, khỏi mọi hình thức, tuyệt đối trống rỗng và tự do hoàn toàn giống như Thiên Chúa cũng trống rỗng và tự do nơi Ngài…

Trí năng là cái-thuần-nhất và đơn thuần hoàn toàn như Thiên Chúa là Đấng Đơn Nhất và đơn thuần. Con người không thể thấy được điều gì ở nơi trí năng. Thiên Chúa làm cho trí năng nở hoa và xanh tươi với tất cả Thiên tính của Ngài và ở đó tinh thần [nở hoa] trong Thiên Chúa. Trong Quyền Năng [Trí năng] ấy, Chúa Cha sinh Chúa Con duy nhất cách thực sự nơi ở chính Ngài, bởi Ngài sống trong Quyền Năng đó, và tinh thần cùng với Chúa Cha sinh ra cũng một Người Con duy nhất và chính mình cũng được sinh ra như chính Người Con, và tinh thần là chính Người Con trong ánh sáng đó và tinh thần là Chân Lý.[63]

Eckhart đánh đồng trí năng với đốm sáng của linh hồn (vünkelîn). Trí năng là “đầu của linh hồn”, đối lập với ý chí (wills). Trái với ý chí, trí năng không nắm bắt Thiên Chúa dưới cái nhìn thiện hảo nhưng “thấu nhập” đến tận cốt lõi yếu tính Thiên Chúa, Đấng Đơn Nhất, cái Một.” Trí năng thể hiện quyền năng tối cao của con đường phủ định.[64] Đốm sáng của linh hồn là “ánh sáng bất thụ tạo và không thể là thụ tạo”. Đốm sáng là điều hướng về Hư vô và Thiên tính. Không điều gì có thể ngăn cản ước muốn hướng về Hư Vô và Thiên tính, mặc dù các Ngôi vị Thiên Chúa được xét cách tách biệt, dù là sự đơn nhất của yếu tính trong sự đa nguyên. Đốm sáng tìm sự thản nhiên, nơi đó Thiên Chúa ngự trị nơi chính Ngài, không được biết đến, không được gọi tên, thinh lặng vĩnh cửu, thân mật với linh hồn hơn cả nội tâm của linh hồn thân mật với linh hồn.[65]

Dựa trên học thuyết của Tôma và một số ảnh hưởng từ Albertô Cả và phái Tân Platon, Meister Eckhart cho rằng linh hồn là một dạng thức phi vật chất và đơn thuần của thân xác, linh hồn hoàn toàn không bị phân tách. Do đó, linh hồn hiện hữu toàn thể nơi các bộ phận cơ thể con người. Các chức năng cao nhất của linh hồn là tri hiểu và suy tư. Ba loại tri hiểu là giác tính, lý tính, siêu lý tính. Chân lý tuyệt đối chỉ có thể được tìm thấy ở loại siêu lý tính.

Eckhart luận về hiện hữu và trí năng tương đương với nhau trong Thiên Chúa, cả hai được xem là một. Thiên Chúa làm cho linh hồn và trí năng hiện hữu cùng lúc. Tuy nhiên, Eckhart lập luận thêm rằng trí năng có phẩm tính quan trọng hơn hiện hữu. Trái ngược với Tôma trong cách thức định nghĩa Thiên Chúa và nền tảng của tất cả các đặc tính thần linh như một Hiện hữu thuần túy tự thân, Eckhart đưa ra mối liên hệ nền tảng giữa sự tri hiểu và Thiên Chúa. Tri hiểu là khái niệm riêng biệt và cao nhất dành cho Thiên Chúa và vì thế, tri hiểu là nền tảng của Thiên Chúa hiện hữu. Thiên Chúa hiện hữu nhờ trí năng trong cách thức Người là trí năng và sự tri hiểu. Tự bản chất việc tri hiểu đã là nguyên lý của hiện hữu. Eckhart đặt tầm quan trọng của trí năng (intelligere) lên trên cả hiện hữu (esse). Ông cho rằng trí năng thì không thể được tạo thành, còn hiện hữu thì là thụ tạo đầu tiên. Vì thế, Thiên Chúa vừa là trí năng, vừa là sự tri hiểu, Người không là một hữu thể hay hiện hữu.[66]

Meister Eckhart đề cao trí năng. Vì thế, ông tạm gọi trí năng như là động năng thứ nhất trong linh hồn, bởi nó không thể được gọi tên. Eckhart cho rằng ý chí, đứng sau trí năng, được xem như là động năng thứ hai của linh hồn. Cả hai động năng này không liên quan đến thân xác. Hai động năng này hoạt động vượt trên thời gian.[67] Ông ví von động năng thứ nhất này như “pháo đài nhỏ” (bürgelîn). “Pháo đài nhỏ” này được xếp bên trên những tiềm năng mà các quan năng không thể chạm đến được. Nơi “pháo đài nhỏ” này, Thiên Chúa sẽ hạ sinh, ngự trị và tự ban mình theo cách thức khôn thấu. “Pháo đài nhỏ” này cũng được xem là grunt, nơi chốn của Đấng Đơn Nhất.[68] Trí năng không thể bị đụng chạm được bởi thời tính thông thường, bởi động năng này đụng chạm đến khoảnh khắc vĩnh cửu. “Pháo đài nhỏ” trong linh hồn không là thứ này hay thứ kia, nhưng nó là ‘cái gì đó’ trỗi vượt hơn thứ này hay thứ kia. “Pháo đài nhỏ” như là thứ không bị đóng khung ràng buộc bởi các danh xưng, thứ này lột bỏ mọi mô thức và hoàn toàn trống rỗng như Thiên Chúa trống rỗng trong chính Người. Nó được hiểu như là thứ đơn nhất như Thiên Chúa. Động năng này không thể được gọi tên trong linh hồn, nó vượt trên mọi động năng và vượt trên các Ngôi vị trong Ba Ngôi. Tuy nhiên, Eckhart dẫn dắt người nghe đến một mức độ cao hơn. Ông cho rằng cả hai trí năng và ý chí cũng không thể thấy được “pháo đài nhỏ” này. Eckhart không thể gọi tên cho động năng này. Tuy nhiên, ông cho rằng chỉ duy một mình Thiên Chúa mới xâm nhập được vào linh hồn trong động năng này ở phạm vi Người là Đấng Đơn Nhất, không mang bất kỳ các đặc tính và mô thức nào, có nghĩa là “Người không là Cha, Con và Thánh Thần, và Người không là một thứ này hay thứ khác.”[69]

Meister Eckhart cho rằng trí năng của linh hồn có ba hình thái cơ bản: trí năng chủ động, trí năng thụ động và trí năng tiềm tàng. Trí năng chủ động là loại trí năng sẵn sàng hành động, cho dù trí năng ở trong Thiên Chúa hay trong các thụ tạo, nghĩa là tự lý trí hoạt động. Khi trí năng chủ động, lý trí tự điều khiển, chủ động ra lệnh các thụ tạo và đưa chúng trở về với nguồn cội của chúng; hay lý trí tự nâng mình lên để làm vinh danh và ngợi khen Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa hoạt động nơi linh hồn, lý trí phải ở trạng thái thụ động và để Thiên Chúa làm việc. Trí năng tiềm tàng liên quan đến cả hai trí năng chủ động và trí năng thụ động của linh hồn, do vậy mà trí năng tiềm tàng có thể được tiến xa hơn. Trí năng được bắt đầu bởi lý trí và được hoàn thành bởi Thiên Chúa, lý trí chuẩn bị một sự tiên liệu, một tri thức tiềm tàng, mà nó có thể trở thành. Điều này gọi là trí năng tiềm tàng, mặc dù nó thường bị bỏ mặc và không bao giờ có kết quả. Tuy nhiên, khi lý trí nỗ lực với tất cả sức lực và với sự chân thành thực sự trong nó thì Thiên Chúa sẽ ra tay hỗ trợ cho lý trí và các hoạt động của lý trí. Như thế, lý trí nhận thấy và kinh nghiệm được Thiên Chúa.[70]

Chương III

Ba điều kiện để trở về với “grunt” trong dòng chảy thần hóa con người

 

Trọng tâm của toàn bộ học thuyết thần bí của Meister Eckhart là đưa con người đến với cảnh giới của ý thức, ý thức về sự hiện diện luôn luôn của Thiên Chúa, ngay cả lúc Thiên Chúa vắng mặt, nghĩa là sự hiện diện của Thiên Chúa được tìm thấy cách nghịch lý trong thinh lặng và “đêm tối” như “không-là-Người, không-là-tinh-thần, không-ngôi-vị, không-hình-ảnh.”[71]

Trong cảnh giới của ý thức, con người được dẫn đường để đăng trình về với bản tính thần linh của Thiên Chúa ẩn mình. Cả hai quá trình khởi phát exitus và trở về reditus của dòng chảy thần hóa con người của Eckhart không thể tách biệt, nhưng là một dòng chảy song song cùng nhau. Meister Eckhart viết trong Bải giảng 22 như sau: “Sự khởi phát của Thiên Chúa cũng là sự trở về của Người.”[72] Để trở về với bản tính thần linh của Thiên Chúa, linh hồn con người phải “đi trên con đường không-lối”, bởi vì “những ai tìm kiếm Thiên Chúa qua cách thức thì chỉ tìm thấy cách thức mà không tìm thấy Thiên Chúa, Đấng ẩn mình trong mọi cách thức tìm kiếm.”[73] Eckhart cho rằng hành trình linh hồn đăng trình trở về với bản tính thần linh của Thiên Chúa được diễn tả qua ba động năng: sự siêu thoát (abescheiden), sự hạ sinh của Ngôi Lời trong grunt (gebern) và sự “thấu-nhập” (durchbrechen).

Học thuyết thần hóa, hay là sự trở về với bản tính thần linh của Meister Eckhart, khởi đầu với việc Thiên Chúa làm người. Tương tự như sáng tạo, việc Con Thiên Chúa làm người là quá trình liên tục và vĩnh cửu (creatio continua). Theo Eckhart, việc Con Thiên Chúa hạ sinh làm người không chỉ là biến cố đã xảy ra trong quá khứ, nhưng là biến cố luôn diễn ra trong thời khắc hiện tại và trên nơi vĩnh cửu để tôn vinh Thiên Chúa và để thần hóa con người và vũ trụ.[74]

Eckhart cho rằng Thiên Chúa hiện diện trong mọi loài thụ tạo, đặc biệt là sự hiện diện tức thời như là hiện hữu không phân tách, esse indistinctum.[75] Tuy nhiên, Eckhart lại cho rằng tất cả thụ tạo không hiện hữu, bởi sự hiện hữu của thụ tạo bị “gián đoạn” (swebet) trong sự hiện hữu của Thiên Chúa (gegenwerticheit).[76] Eckhart không mong muốn người nghe dừng lại ở việc tri hiểu việc Thiên Chúa hiện diện trong mọi loài cách trừu tượng, nhưng là việc luôn ý thức sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa.[77]

1. Sự siêu thoát của linh hồn

 Thần bí của Meister Eckhart luôn đi cùng với ý niệm “siêu thoát” (abescheiden/ abgescheiden), nghĩa là “sự cắt bỏ” để diễn tả sự chấm dứt của việc chiếm hữu. Eckhart vận dụng nhiều danh từ đồng nghĩa khác, chẳng hạn như “rời đi, buông bỏ” (leaving/ letting go/ lâzen/ gelâzen); “giải-cấu” (unforming/ entbilden) để diễn tả việc buông bỏ các chiếm hữu nhằm mục đích làm cho linh hồn trở nên không còn chiếm hữu, được tự do, trống rỗng, trần trụi.[78] Ý niệm siêu thoát được nhắc đến nhiều lần trong các bài giảng tiếng Đức.[79] Mục đích của siêu thoát là giúp linh hồn đạt đến sự hư vô thuần túy để chuẩn bị cho một điều tuyệt đối – Thiên Chúa ngự trị và lấp đầy linh hồn.

Eckhart cho rằng một động năng mang tính tiếp nhận thì không thể đón nhận một mô thức nếu như động năng đó không trống rỗng và khử trừ mọi mô thức khác. Trí năng có thể tri hiểu mọi thứ bởi vì nó không-là-một-thứ (no-thing) trong chính nó. Trí năng phải trống rỗng và khử trừ mọi mô thức được tạo thành và mọi quyến luyến với các mô thức khác để tiếp nhận Thiên Chúa. Eckhart viết trong Khảo luận về sự siêu thoát như sau: “Chúng ta hãy nhớ rằng khi chúng ta làm cho bản thân chúng ta trở nên trống rỗng các thụ tạo, thì lúc ấy chúng ta được đầy tràn Thiên Chúa và nếu chúng ta đầy tràn các thụ tạo thì Thiên Chúa không có chỗ ở trong chúng ta.”[80] Eckhart nói rằng khi linh hồn tự từ bỏ các quyến luyến của trần gian thì linh hồn đạt đến hình thái chân thật nhất của việc tự thức. Khi con người đón nhận Ngôi Lời hạ sinh mang bản tính nhân loại, con người tri hiểu căn tính của mình cách trực tiếp nhất. Trong sự tự khuất phục hoàn toàn, Thiên Chúa tự thức (Thần trí) hóa thành con người tự thức, cả hai không bị phân tách trong cùng một bản chất, ở đó chỉ có một ý thức chung tự bản chất. Chỉ duy nhất trạng thái nội tại “Thần trí” chấp nhận cho con người biết rằng Thiên Chúa hiện hữu với con người ở mọi nơi.[81]

Thiên Chúa thì vượt trên mọi hình ảnh và ý niệm, vì thế, con người chỉ có thể tìm thấy Thiên Chúa bằng việc “thấu-nhập” và chạm đến “hoang mạc của nội tại”. Con người luôn mong muốn tìm thấy Thiên Chúa, điều này như “cơn khát” không ngừng nghỉ. Trong quyển Huấn đức dành cho các tập sinh, Eckhart diễn tả “cơn khát” không ngừng nghỉ như “sự siêng năng”. Trí năng và ý chí con người phải học cách khử trừ mọi công việc bận rộn, phải tự do với các hình ảnh nội tâm và bên ngoài để Thiên Chúa có thể luôn hiện diện.[82] Như nhận thức của trí năng và ý chí cá nhân tan biến trong Thiên Chúa là Đấng nhận thức thật, thì các thụ tạo cũng phải “tự hủy” mình. Khi trí năng và ý chí con người tan biến, con người đạt đến sự khó nghèo tận căn nơi tinh thần: không muốn bất kỳ cái gì, không biết bất kỳ điều gì và không sở hữu bất kỳ thứ gì.[83] Tuy nhiên, cả ba điều trên chẳng là gì so với sự tự do tuyệt đối, điều mà Eckhart cho rằng là điều kiện tiên quyết để nhận thức Thiên Chúa vượt trên mọi ý niệm “Thiên Chúa”. Theo Eckhart, tất cả các hình thái của siêu thoát, các việc tốt lành hay ý chí đang hướng về Chúa phải bị loại bỏ, nghĩa là con người phải khử trừ mọi ý chí, tự hủy để trở nên trống rỗng, để trở về trạng thái trước khi con người được tạo thành “hiện hữu trống rỗng” (ledïc sïn), kể cả việc con người phải từ bỏ cả tính chủ thể “tôi” của mình. Eckhart nói trong Bài giảng 96 như sau:

Bạn phải hoàn toàn thoát khỏi chính hữu-thể-bạn và hòa tan trong hữu-thể-Ngài. Hữu-thể-bạn và hữu-thể-Ngài phải hoàn toàn trở nên “của tôi” cho đến độ từ đời đời, bạn cùng với Ngài bao gồm hữu thể nguyên thủy bất thụ tạo của Ngài, cũng như tính hư-vô-không-tên của Ngài.

Thiên Chúa phải tuyệt đối trở nên tôi, và tôi tuyệt đối trở nên Thiên Chúa, hoàn toàn đến mức “Ngài” và “Tôi” trở thành một “hiện hữu”, và vĩnh viễn thực hiện một công trình duy nhất trong hữu-thể-Ngài.[84]

Quá trình trở về với bản tính thần linh của Thiên Chúa khử trừ “Thiên Chúa” theo ý niệm Đấng Tạo dựng trong linh hồn, nghĩa là khử trừ hoàn toàn các công việc của con người và các nhân đức, để đưa linh hồn trở về sự diễm phúc vượt trên cả tình yêu và sự hiểu biết. Nơi sự diễm phúc ấy, “Thiên Chúa tự do trước mọi loài và vì thế, Người là tất cả mọi loài.” Khi ấy, ý niệm Thiên Chúa Đấng tạo dựng không còn nghĩa lý gì nữa trong “tôi”. Eckhart cho rằng điều này nằm sâu thẳm trong trái tim Thiên Chúa và nó vượt trên mọi lý trí hiểu biết của con người.[85]

Không may thay! Luận điệu khử trừ và bác bỏ hoàn toàn các việc làm và thực hành các nhân đức của thần bí Rhine gần giống với khía cạnh thần học chủ lực của nhóm lạc giáo Tinh thần Tự do cùng thời với Meister Eckhart. Nhóm này chủ trương loại bỏ tất cả việc thực hành tôn giáo, từ khước các luyện tập nhân đức, chối bỏ các sự trung gian của hàng giáo phẩm nhằm chiến đấu và cổ súy cho sự tự do thiêng liêng. Điều này đã gây ra những ngộ nhận và hiểu lầm không đáng có đối với Eckhart và Marguerite Porete (1310), một nữ thần bí cùng thời đã ảnh hưởng phần nào đến quan điểm thần bí của Eckhart, trong việc lầm tưởng họ có dính dáng đến nhóm lạc giáo này. Trái ngược với tinh thần mà nhóm lạc giáo Tinh thần Tự do chủ trương, Eckhart và các nhà thần bí Rhine khẳng định giá trị của cầu nguyện và các bí tích hơn là chối bỏ các thực hành và các giá trị thiêng liêng của nó đem lại.  Các thực hành tôn giáo, đặc biệt là cầu nguyện, sẽ trở nên trọn vẹn nếu chúng được xây dựng trên nền tảng của sự siêu thoát, nghĩa là cầu nguyện theo kiểu không xin một điều gì đó, nhưng là kiểu cầu nguyện bắt nguồn trong “tinh thần tự do” (ein ledic gemüete), nghĩa là tinh thần trống rỗng, sẵn sàng, quy phục và cởi mở trước một sự hiện diện bao trùm hữu thể đang khát khao hướng về Thiên Chúa. “Linh hồn khi đạt đến ‘ein ledic gemüete’ thì không bất cứ điều gì khuấy động, không gắn bó vào điều gì, không trói buộc điều tốt nhất của chính mình vào bất kỳ một cách thức nào, chẳng hề nghĩ đến điều gì là của mình; hoàn toàn chìm ngập trong ý muốn quý báu của Thiên Chúa, tinh thần ra khỏi chính mình.”[86]

Trong tập Huấn đức dành cho các tập sinh trẻ, Eckhart nói rằng việc buông bỏ để trở nên hư vô (trọng tâm của việc siêu thoát) như một điều kiện để đạt tới hữu thể đích thực của con người.[87] Các nhân đức được sinh ra từ việc siêu thoát. Hiệu quả của siêu thoát là tạo nên sự tương đồng lớn nhất mà con người có thể có với Thiên Chúa, nghĩa là đưa con người đến một mức độ trống rỗng nơi linh hồn.[88] Trong Bài giảng 60, Eckhart viết như sau: “Khi linh hồn càng trống rỗng, Thiên Chúa buộc phải lấp đầy chỗ trống trong linh hồn, bởi vì sự trống rỗng không là điều gì khác, nhưng là chính Người. Một người tự hủy bản thân trong người ấy, trong Chúa và trong mọi loài, Thiên Chúa phải hoàn toàn đổ đầy Người vào trong người ấy, nếu không, Người không còn là Thiên Chúa nữa.”[89]

Linh hồn phải đạt đến sự trống rỗng này để thấu-nhập và vượt trên mọi thụ tạo bằng “việc bỏ mặc” và cậy nhờ vào ân sủng. Thiên Chúa cư ngụ trong sự siêu thoát bất biến. Mục đích của siêu thoát là: trở nên “hư vô thuần túy”. Cách thức trực tiếp nhất của siêu thoát là đau khổ và sự khiêm nhường đích thực.[90] Siêu thoát không là một đức tính, nhưng là một kinh nghiệm gặp gỡ, kinh nghiệm khổ hạnh. Siêu thoát vượt trên sự khiêm nhường, quan trọng hơn cả đức ái và lòng thương xót. Siêu thoát là đặc tính nền tảng của căn tính thần linh. Siêu thoát là một tình trạng linh hồn “tự ý” trống rỗng, “buông bỏ” chính mình bằng cách “tự ra khỏi chính mình” để Thiên Chúa “đi vào”.  Khi Thiên Chúa “đi vào” linh hồn thì tự trong grunt của linh hồn đã được siêu thoát mọi sự.[91] Siêu thoát là điều kiện tối thượng trong đời sống thiêng liêng, là dứt mình ra khỏi những lệ thuộc thân xác và trần gian, làm cho mình trở nên đơn nhất bằng cách vượt trên chính mình và vượt trên mọi sự. Nói cách khác, đó là sự vượt lên mọi sự phân tách và đa nguyên của linh hồn để linh hồn được tự do, được giải phóng. Siêu thoát cũng mang nghĩa “trở lại” và “hoán cải” theo cách mà Augustinô đã nói. Đối với Eckhart, linh hồn càng siêu thoát thì linh hồn càng có thể tiếp nhận Thiên Chúa.[92]

Eckhart khuyên người nghe phải đạt đến mức độ hoàn toàn trống rỗng để nhận ra chính mình, để thực thi với chính con mắt của Thiên Chúa: “Con mắt trong đó tôi nhìn thấy Thiên Chúa cũng chính là con mắt trong đó Thiên Chúa nhìn thấy tôi.” Con người phải như thể “không sinh ra”, phải là chính mình và để như thể “ở trong lòng Chúa Cha.” Buông bỏ chính mình không chỉ buông bỏ điều mình , mà còn buông bỏ cái mình .[93]

Buông bỏ cũng có nghĩa là dửng dưng, là “vô cảm”, nghĩa là hủy bỏ cả niềm vui và nỗi khổ tâm, buông bỏ hoàn toàn trước thánh ý Thiên Chúa để tìm được sự tự do và bình an nội tâm. Tự do và bình an nội tâm thì ưu thắng trên mọi hành động, cũng như mọi thụ động. Eckhart khuyên con người đừng nên gắn bó với các cảm xúc do giác quan và thụ tạo này hoặc thụ tạo kia mang lại, bởi chúng chỉ mang tính trung gian qua các cách thức, vì chưng:

Thiên Chúa chẳng ở trong cách này hay cách kia. Những ai muốn có Thiên Chúa theo cách thức của mình thì đã có lỗi với Ngài. Họ chỉ có được cách thức, chứ không có Ngài. Vậy, hãy kiếm tìm duy một mình Thiên Chúa, dù có gặp cách thức nào cũng nên để mặc… hãy ở bình yên… hãy luôn ở trong một tình trạng buông bỏ, khiêm hạ và cô tịch… trong mọi lúc hãy nghĩ rằng bạn chẳng xứng đáng với một chút thiện hảo nhỏ nhặt mà Thiên Chúa có thể ban cho bạn nếu như Ngài muốn.[94]

Vì thế, Eckhart hướng con người đến “đêm tối”. Ông gọi “đêm tối” là “đám mây thần linh”, hay còn gọi là “đám mây vô tri” – sự hư vô của Thiên Chúa. Hư vô không có nghĩa là hoàn toàn không có gì, nhưng là tình trạng giữa Thiên Chúa và con người không còn bất kỳ vách ngăn và sự trung gian nào nữa. Hư vô là sự thân mật giữa Thiên Chúa với con người. Thiên Chúa vượt trên hữu thể, vượt ngoài sự sống, vượt ngoài ánh sáng. Ngài là điều mà ta chẳng thể biết. Hư vô là Thiên Chúa. Mọi thụ tạo ở trong Thiên Chúa như là hư vô, vì Người mang nơi mình hiện hữu của mọi thụ tạo. Người là hiện hữu chứa đựng các hiện hữu khác. Khi con người nhìn thấy hư vô, thì con người nhìn thấy Thiên Chúa bởi ánh sáng của Ngài. Ánh sáng của Ngài có mọi ánh sáng, hữu thể của Ngài có mọi hữu thể.[95]

2. Sự hạ sinh của Ngôi Lời trong linh hồn

Mục đích của siêu thoát là để linh hồn trở nên đơn nhất và thuần khiết nhằm chuẩn bị cho cuộc hạ sinh của Ngôi Lời nơi grunt trong linh hồn. Meister Eckhart sử dụng lại hình ảnh cổ kính Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Hình ảnh thiêng liêng này có nguồn gốc từ Thánh Kinh và từ Origen đã được một số tác giả thần bí theo truyền thống Latin sử dụng như John Don Scotus và một số tu sĩ Dòng Xitô.[96] Eckhart nhấn mạnh việc giảng thuyết nên tập trung vào Chúa Giêsu, không phải hình ảnh của một trẻ thơ nằm trong máng cỏ, một Giêsu chịu nạn hay một con người xả thân chịu chết cho người mình yêu, nhưng tập trung vào hình ảnh Thiên-Chúa-làm-người đón nhận bản tính nhân loại, nhằm mục đích giúp con người ý thức biến cố Thiên Chúa đang hạ sinh ngay lúc này và tại chốn vĩnh cửu – sự hạ sinh của Ngôi Lời từ Chúa Cha (bullitio) và Ngôi Lời nhập thể nơi thế giới, trong nơi sâu thẳm bí ẩn nhất của linh hồn, grunt, (ebullitio). Trong các Bài giảng 01 đến 04, Meister Eckhart trình bày và diễn tả toàn bộ biến cố Ngôi Lời Nhập Thể với các cách thức Nhập thể và nơi chốn xảy ra. Sau đó, Eckhart trình bày về hành động của con người trước biến cố cao trọng ấy, cũng như các ân huệ mà con người được lãnh nhận.

Eckhart trình bày ba cách thức hạ sinh của Con Thiên Chúa làm người: Con Thiên Chúa luôn được sinh ra từ Chúa Cha nơi vĩnh cửu; Con Thiên Chúa đã hạ sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria trong thời gian, và Con Thiên Chúa hằng sinh ra trong mọi tâm hồn tín hữu. Eckhart nói thêm rằng sự hạ sinh từ Chúa Cha trong nơi vĩnh cửu “nay thực sự diễn ra trong thời gian, trong bản tính nhân loại.” Tuy rằng Eckhart trình bày ba cách thức hạ sinh, nhưng Eckhart tuyên bố rằng chỉ có một sự hạ sinh duy nhất mà thôi: “Sự hạ sinh từ nơi vĩnh cửu diễn ra trong linh hồn thế nào thì cũng diễn ra ở chốn vĩnh cửu như vậy, không hơn không kém. Chỉ có một sự sinh hạ và sự sinh hạ này diễn ra ở grunt, nơi căn tính sâu thẳm nhất của linh hồn.”[97]

Eckhart trình bày nơi chốn hạ sinh của Ngôi Lời bằng học thuyết thần bí grunt. Ông cho rằng Ngôi Lời phải được hạ sinh ở một nơi cao trọng và thuần khiết nhất, nơi bản tính thần linh của Thiên Chúa, nơi tôn quý nhất của linh hồn. Eckhart gọi nơi chốn ấy là grunt, nơi tinh túy và bí ẩn nhất của Thiên Chúa và của linh hồn: “grunt của Thiên Chúa và grunt của linh hồn là một.”[98] Nơi đó không bất kỳ hình ảnh hay mô thức bên ngoài nào có thể xâm nhập. Grunt tự bản chất không đón nhận bất kỳ điều gì trung gian để bảo đảm giữ gìn bản chất thần linh thuần khiết của nó. Thiên Chúa đi vào grunt với cả Thiên tính. Thiên Chúa chạm đến linh hồn với bản tính của Người và không thông qua bất kỳ một trung gian nào. Người chỉ có thể chạm đến grunt, khi linh hồn hoàn toàn tĩnh lặng và bị để mặc. Eckhart giải thích rằng linh hồn con người là chốn phù hợp để Thiên Chúa hạ sinh, vì chỉ một mình linh hồn con người được tạo nên theo hình ảnh tự nhiên của Thiên Chúa (cf. Sáng thế 1, 26) và cũng là hữu thể duy nhất được sinh ra và sinh ra trong Thiên Chúa.[99] Eckhart cho rằng nơi chốn này chính là tâm trí, hay trí năng của con người, là “quả tim của linh hồn”.[100]

Để Thiên Chúa đi vào grunt của linh hồn, Eckhart trình bày con người phải để cho tâm trí, hay trí năng của linh hồn trở nên thuần khiết nơi nội tâm và tĩnh lặng tuyệt đối, nghĩa là con người phải siêu thoát, buông bỏ mọi thứ, làm cho nội tâm trống rỗng, đặt trí năng hoàn toàn ở trạng thái thụ động, khử trừ mọi kinh nghiệm của giác tính đem lại. Sự hạ sinh của Ngôi Lời được diễn ra theo thể thức: Thiên Chúa nói – con người nghe. Eckhart nhấn mạnh đến hành động “nghe” của con người hơn là hành động “nói”. Ông cho rằng “nghe” thì có tính thụ động, do đó, “nghe” đón nhận Ngôi Lời vào bên trong tâm hồn, còn “nói” thì mang tính chủ động, nên “nói” ít hoàn hảo hơn “nghe”. Eckhart cho rằng một linh hồn thánh thiện thì mang lấy các đặc tính đón nhận, thụ động, chịu đau khổ và thử thách. Đây cũng là cách thức để linh hồn ngang bằng với Thiên Chúa trong chốn vô biên. Eckhart kết hợp hành động vô biên của Thiên Chúa với sự thụ động và đón nhận của con người thành một.[101] Eckhart diễn tả “khi mọi thứ trung gian thinh lặng, Ngôi Lời bí ẩn từ ngai tòa vinh hiển giáng sinh trong tôi từ trời cao”. Eckhart phân tích ba từ khóa chính: trung gian, thinh lặng và Ngôi Lời bí ẩn. “Trung gian” là những điều ở giữa tiếp nối và giúp ích cho hai đối tượng, Eckhart cho rằng sự hạ sinh của Ngôi Lời thì không cần đến một điều gì trung gian hỗ trợ cho biến cố này. Trí năng, ký ức, ý chí, kể cả ân sủng được xem là những điều mang tính trung gian. Thiên Chúa tự thực hiện công việc của Người, theo cách thức của Người. Eckhart chú thích trạng thái “thinh lặng” là lúc con người lắng nghe, lãnh nhận, không thốt nên lời, chối bỏ mọi thứ bên ngoài, trở nên vô tri, buông bỏ mình. “Buông bỏ bản thân khỏi mọi hỗn loạn của thế giới bên ngoài! Ẩn nấp và lánh xa mọi suy tưởng nội tâm và các xung đột chúng mang lại.”[102] Khi ấy, Ngôi Lời bí ẩn, bất khả tri, không theo bị ràng buộc bởi các đặc tính về Người theo chủ nghĩa triết học giáo điều, cũng như các thành quả làm việc của trí năng và ngôn ngữ học thuật.[103]

Cuối cùng, Meister Eckhart trình bày hiệu quả dành cho linh hồn từ việc hạ sinh của Ngôi Lời. Kết quả của việc Ngôi Lời hạ sinh là làm cho linh hồn được kết hiệp và trở nên một với Thiên Chúa. Con người được chung chia Thiên tính với Đấng Tuyệt đối, con người được thần hóa để trở thành Thiên Chúa. Lúc ấy, “tôi” và Thiên Chúa là một, không còn phân tách. Eckhart đúc kết sâu sắc như sau: “Đôi mắt tôi thấy Thiên Chúa cũng là đôi mắt mà Thiên Chúa nhìn thấy tôi. Đôi mắt của Thiên Chúa và của tôi là một, chung một ánh mắt, chung một cái nhìn, chung một hiểu biết, chung một tình yêu.”[104]

3. Sự thấu-nhập và vượt trên mọi thụ tạo của linh hồn

Kinh nghiệm tôn giáo luôn gắn liền con người với các biểu tượng. Tuy nhiên, học thuyết thần bí của Meister Eckhart lại không nhắm con người quyến luyến và chiếm hữu các biểu tượng. Eckhart chỉ cho con người cách thức vượt trên các lề luật, hình ảnh và quy tắc để chạm đến Thiên Chúa. Kinh nghiệm gặp gỡ thần linh đưa con người vào một cõi mầu nhiệm. Ngôn ngữ chỉ là biểu tượng truyền đạt nhưng ngôn ngữ không thể diễn tả được chốn thần linh mầu nhiệm này. Thần bí của Eckhart là kinh nghiệm kiếm tìm một Thiên Chúa vượt trên cả Thiên Chúa, nghĩa là tri hiểu Thiên Chúa vượt trên mọi ý niệm, đặc tính, tư tưởng, cách thức, hình ảnh, các Ngôi vị diễn tả về Người do phương pháp của minh triết và sự mạc khải của thần học đem lại. Thiên Chúa là Đấng tinh tuyền tự bản chất, là hiện hữu tối hậu của mọi hiện hữu. Người là Hữu thể vô hạn, vì thế Người không thể bị giới hạn bởi các hữu thể hữu hạn. Mọi thụ tạo, hình ảnh, ý niệm, tư tưởng chỉ diễn tả Người theo cách thức chúng cung cấp cho trí năng con người ở một giới hạn mà thôi. Eckhart thuyết giảng về sự thấu-nhập như sau: “Khi tôi đạt đến mức độ khử trừ hoàn toàn ý chí của tôi, ý chí của Thiên Chúa và tất cả công trình của Người, cũng như chính Thiên Chúa, thì tôi vươn lên trên mọi thụ tạo, tôi không là Thiên Chúa hay thụ tạo, nhưng tôi là những gì tôi đã là và tôi sẽ ở lại ngay bây giờ và vĩnh cửu.”[105]

Sự thấu-nhập vào trong “Thiên Chúa vượt trên Thiên Chúa” là nơi con người giải phóng mình khỏi ý chí cá nhân và ý muốn của Thiên Chúa; nơi con người không còn quyến luyến các công việc của Chúa hay chính bản thân Người nữa. Trong sự thấu-nhập, con người chạm đến một chốn vượt trên mọi sự đa nguyên và tách biệt trong thời gian. Điều này tách con người ra khỏi chính họ, và ra khỏi Thiên Chúa. Eckhart nói rằng sự thấu-nhập này là một sự kết hợp, Thiên Chúa và tôi là một. Khi con người không còn lệ thuộc vào bản thân và không lệ thuộc vào Thiên Chúa nữa, con người trở nên tự do, trở về chốn mà con người đã được hiện hữu trước đó, trong hữu thể vĩnh cửu.[106]

Trong sự trở về cuối cùng này, trí năng là động năng của linh hồn gây ảnh hưởng đến việc thấu-nhập. Động năng này không bao giờ thỏa mãn với sự thiện hảo, khôn ngoan, chân lý, hay chính Thiên Chúa, nhưng “thâm nhập vào bên trong,” “đi vào grunt,” và “thấu-nhập đến tận nguồn cội.”[107] Eckhart cho rằng việc thấu-nhập lẫn nhau giữa Thiên Chúa và linh hồn đưa cả hai đến “hoang mạc” (einöde), chốn hoàn toàn trống rỗng thuần túy để cả hai nên một. “Cũng giống như Người thấu-nhập vào tôi, thì tôi cũng thấu-nhập vào Người. Thiên Chúa dẫn tinh thần này vào hoang mạc và vào sự hiệp nhất của Người, nơi đó, tự Người là đơn nhất và đầy tràn.”[108]

Sự thấu-nhập là sự “cùng-chết” của Thiên Chúa và linh hồn. Khi Thiên Chúa trở về với căn tính thần linh, Người đánh mất chính Người. Linh hồn cũng vậy, linh hồn thấu-nhập và đánh mất chính mình trong Hình ảnh vĩnh cửu của mình thì linh hồn chết trong Thiên Chúa. Linh hồn vượt trên căn tính mà linh hồn chung chia với Thiên Chúa trong Hình ảnh vĩnh cửu. Khi đó, hoàn toàn không còn bất kỳ hình ảnh nào nữa, cả hai trong cùng một căn tính thần linh cũng bị mất. Như thế, cả hai chỉ còn sự trống rỗng. [109]

Con đường siêu thoát của Meister Eckhart mang ý nghĩa tương đồng với ý niệm về sự tự hủy của nữ thần bí Beguine, Marguerite Porette, để đạt đến Hư vô tính. Có thể, Meister Eckhart đã vô tình tiếp cận quyển Gương các linh hồn đơn nhất (The Mirror of Simple Souls), ông đã lĩnh hội và áp dụng quan điểm của nữ thần bí này. Nơi Porette, Eckhart tìm thấy con đường để trở về với bản chất của hiện hữu, trở về với nguồn cội. Eckhart gọi bản chất của hiện hữu đó là Thiên tính; Porette gọi đó là Hư vô tính. Hai cách thức đặc trưng của Eckhart và Porette nhắm đến một mục đích tối hậu là trở về với nguồn cội, trở về với căn tính thần linh. Hai cách thức ấy, điều mà Eckhart gọi là “siêu thoát” và Porette gọi là “tự hủy”, là sự khử trừ mọi ý chí cá vị, khử trừ cả “Thiên Chúa”, sự thống hối và các cách thức sống đạo bên ngoài, loại bỏ mọi ràng buộc tương quan mang tính trung gian với Thiên Chúa để con người trở nên Hư vô thuần túy, nền tảng hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa. Khi ấy, con người không còn mong muốn gì, không còn biết gì và hoàn toàn không có gì nữa. Porette cho rằng một linh hồn tự hủy có thể làm đổi ngược thế giới, làm nên một “Hội Thánh cao trọng” và tìm thấy Thiên Chúa ở khắp nọi nơi. Eckhart cho rằng con người chạm đến chốn vượt trên mọi cách thức, con người thấu-nhận tận căn nguyên của Thiên tính. Khi ấy, con người được hiệp nhất với Thiên Chúa trong cùng một bản thể thần linh, con người không còn sống bởi bất cứ lý trí và ý chí nào nữa (living without a why).[110]

Nhận định cá nhân

 Người viết bỏ qua mọi xét đoán và truy cứu tiêu cực về Meister Eckhart trên phương diện như một kẻ lạc giáo, “phản động”, giảng dạy những tư tưởng “điên rồ”. Eckhart đọng lại trong cảm thức người viết sự nể phục và kính trọng, sự sâu sắc về một đời sống chiêm niệm thực tế, đi sâu vào cõi lòng, ý thức về thực tại đang chiêm ngắm để tìm kiếm một Thiên Chúa, Thực tại Siêu việt. Đối với người viết, Eckhart là “bậc thầy” hướng dẫn người khác đi trên nẻo đường hướng đến Thiên Chúa. Eckhart can đảm và bức phá, không nghi ngại trước những nguy nan mặc dù bị chống đối và cáo buộc. Eckhart đã khai mở một lối đi mới làm cho nền linh đạo Kitô giáo thêm phong nhiêu và giàu đẹp. Tuy nhiên, học thuyết thần bí của Eckhart vẫn gây ra sự khó hiểu, nhập nhằng và mâu thuẫn trong một số lập luận. Vì thế, một số luận điệu của ông khó tránh khỏi những hiểu nhầm và cáo buộc lạc giáo.

Meister Eckhart trình bày grunt là nơi sâu thẳm nhất trong linh hồn, là nơi Thiên Chúa và con người nên duy nhất với nhau trong cùng một căn tính thần linh. Người viết hiểu rằng grunt là cảnh giới thần linh, là giới hạn tuyệt đối của lý trí. Con người đang đi sâu vào trong những giới hạn của chính mình và tiến đến một “biên giới” mà con người không thể làm chủ, một phạm vi mới để con người chạm mặt Đấng Siêu Việt. Nơi phạm vi “biên giới” này, con người phải chấp nhận “nhường chỗ”, nghĩa là con người trở thành tác nhân thụ động: trí năng và ý chí tạm thời phải được nghỉ ngơi, để Thiên Chúa đi vào và hoạt động trong cảnh giới thần linh ấy.

Meister Eckhart chủ trương rằng Thiên Chúa Ba Ngôi là nguyên lý phát tỏa của mọi thụ tạo. Mọi loài nhờ Người mà có, mọi loài hiện diện trong Người, Như thế, mọi đặc tính của Thiên Chúa đều có nơi thụ tạo. Thụ tạo thể hiện sự thần hiển của Thiên Chúa. Thiên Chúa là hiện hữu. Thiên Chúa hiện hữu trong sự sáng tạo và mọi sinh linh Người tạo dựng. Thiên Chúa ở trong mọi sự. Tuy nhiên, điều này dễ đánh lừa người nghe khi họ cho rằng Eckhart chủ trương thuyết phiếm thần thần bí (pantheism). Eckhart cho rằng Thiên Chúa hiện hữu nơi thụ tạo và chung chia với các thụ tạo các đặc tính của Người. Tuy nhiên, các thụ tạo bị lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa lấy đi tất cả các đặc tính Người đang chung chia với thụ tạo, thì thụ tạo chẳng còn gì, thụ tạo chỉ là trống rỗng. Thụ tạo chỉ được hiện hữu do Người, nhờ Người và trong Người mà thôi. Thêm vào đó, Eckhart sử dụng luận điệu của Tôma Aquinô trong việc cho rằng cấp độ hoàn bị của thụ tạo thì thấp hơn Thiên Chúa. Như thế, Eckhart hoàn toàn tránh khỏi những cáo buộc về chủ trương phiếm thần.

Người viết hoàn toàn đồng ý với Meister Eckhart sử dụng lối nói phủ định để trình bày về Thiên Chúa, một Thiên Chúa vượt trên mọi ý niệm và suy tưởng, vượt trên mọi cách thức và mọi thứ có thể diễn tả về Người. Nếu con người chỉ đưa ra những khẳng định rành rọt chắc chắn về Thiên Chúa, thì Thiên Chúa chẳng phải là Thiên Chúa nữa. Thiên Chúa chỉ là một quan điểm hay một ý niệm bị đóng khung trong cách thức và tư tưởng của người nói. Tuy nhiên, lối phủ định dễ dàng hướng con người đến thái độ bất khả tri về một Đấng Siêu việt, Đấng không thể gọi tên. Con người không thể tri hiểu Thiên Chúa. Như thế, một khoảng cách lớn giữa Đấng Siêu việt và con người được hình thành. Tồi tệ hơn! Con người nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Học thuyết siêu nghiệm về Thiên Chúa là một điều mới mẻ trong cách thức vận dụng các đặc tính siêu nghiệm để luận bàn về Thiên Chúa. Với sự đánh đồng các đặc tính siêu nghiệm tương hợp với các Ngôi vị trong Ba Ngôi, Eckhart đã “làm mới” những suy tư cũ kỹ trước đó dựa trên nền tảng đức tin. Tuy nhiên, nỗ lực khai mở học thuyết siêu nghiệm vận dụng cho sự hoạt động của các Ngôi vị Thiên Chúa dường như đưa Eckhart đến sự mâu thuẫn với lối nói phủ định trong cách thức định danh Thiên Chúa mà ông đang sử dụng. Thiên Chúa phải bị xóa bỏ triệt để các đặc tính ngôi vị để Thiên Chúa trở nên Đấng không là gì, Đấng Hư Vô. Thiên Chúa hiện hữu như Đấng tự thân mà chúng ta không thể biết được. Sự xóa bỏ ấy là một quá trình siêu thoát. Siêu thoát được xem là chìa khóa khai mở học thuyết thần bí “Giáng sinh” của Eckhart. Siêu thoát là sự buông bỏ mọi cách thức, là “tự làm trống mình”, là xóa bỏ bản ngã để trở nên đại ngã, trở nên trống rỗng thuần túy để đón nhận Thiên Chúa Hư vô. Liệu trống rỗng hay hư vô có phải là hoàn toàn không có gì theo cách nói của Eckhart? Hư vô không có nghĩa là hoàn toàn không có Thiên Chúa, Người không hiện hữu, nhưng hư vô là sự xóa bỏ mọi giới hạn ngăn cách giữa con người với Thiên Chúa. Đích điểm của Eckhart về sự hư vô được chủ thuyết Marxism sử dụng trên ngữ nghĩa câu chữ về một cái gì không có, để biện luận về một Thiên Chúa hư vô – vô thần theo lối nói của các nhà tư tưởng Marxist.

Meister Eckhart đã kiến tạo một nền tảng linh đạo, không chỉ ảnh hưởng đến những hậu duệ thân thuộc của ông như Henri Suso và Jean Tauler, hay những tên tuổi kinh điển sáng giá về sau như Gioan Thánh Giá và một số gương mặt triết gia hiện đại trường phái duy tâm Đức như Martin Heidegger, Schelling hay Hegel, mà còn mang lại một sự gần gũi với một số triết thuyết Đông phương như Ấn giáo với quan điểm về Brahman – Đấng Một trong Shankara, hay Thiền Phật giáo với các ý niệm từ bỏ và siêu thoát để đạt đến một đích điểm chung là trống rỗng thuần túy. Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu và thời gian cho phép của việc thực hiện bài viết này, người viết chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu và đào sâu các yếu tố nền tảng trong học thuyết thần bí của Eckhart mà thôi. Các nghiên cứu khác về quan điểm các giáo phái Đông phương và các triết gia khác bị ảnh hưởng bởi Eckhart xin được phép nhường lại cho một thời điểm thích hợp khác trong tương lai.

Kết luận

 Meister Eckhart đã tiếp nối và làm giàu thêm truyền thống thần hóa mà các bậc tiền bối đã khởi sự. Trong học thuyết thần bí của Eckhart, grunt được xem là điểm trọng tâm, là nơi sự thần hóa con người diễn ra; nơi Thiên Chúa và con người gặp nhau, cả hai “chạm mặt” và chung chia một bản tính; nơi Thiên Chúa được tôn vinh qua biến cố Con Thiên Chúa nhập thể, hạ mình mang lấy bản tính nhân loại trong thế giới; nơi bản tính con người được nâng lên ngang bằng Thiên Chúa để con người là Thiên Chúa.

Với phương thức loại suy, việc sử dụng mô hình dòng chảy, các phép ẩn dụ giàu hình ảnh và lối chơi chữ, cách truyền tải thông điệp đức tin của Meister Eckhart dường như gây sốc thính giả, đặc biệt là lối giải thích giản lược hóa các quan điểm tôn giáo bằng ngôn ngữ bình dân. Tâm điểm thông điệp của Eckhart đặt trên nền tảng mầu nhiệm đức tin Kitô giáo và thần học phủ định, hướng người nghe đến hư vô tính của Thiên Chúa và sự buông bỏ bản thân triệt để.

Eckhart tập trung vào sự hiện hữu và đơn nhất của Thiên Chúa mà ông cho là căn tính thần linh của Thiên Chúa, là nền tảng, căn nguyên và cốt lõi của việc Thiên Chúa sáng tạo thế giới và con người. Trong bản tính thần linh, Thiên Chúa tự làm cho Người phong nhiêu, và làm cho sự phong nhiêu ấy đong đầy và tuôn trào ra mọi sinh linh. Cao cả hơn, trong sự phong nhiêu ấy, Thiên Chúa “tuôn trào” Người Con cùng một bản tính cho thế giới, để Người Con cư ngụ trong thế giới và trong grunt, nơi sâu thẳm của linh hồn, đồng thời, thần hóa linh hồn người công chính.

Meister Eckhart đề cao nỗ lực và sự khắc khoải của con người mong muốn đụng chạm đến Thiên Chúa, đặc biệt là hạnh kiến Thiên Chúa qua biến cố Ngôi Lời giáng sinh trong grunt, nơi sâu thẳm của linh hồn con người. Eckhart đưa ra ba cách thức để con người có thể chạm đến đích để trở về với Thiên Chúa là trở nên trống rỗng nhờ siêu thoát, buông bỏ mọi quyến luyến, “tự hủy mình ra không” để sửa soạn một bối cảnh xứng hợp cho Con Thiên Chúa ngự đến.

Eckhart nhắc nhở con người luôn ý thức nhận biết Thiên Chúa hơn là cậy nhờ vào các phép thực hành. Cách thức của Eckhart để con người chạm đến Thiên Chúa được chia làm ba loại: cách thứ nhất là tìm kiếm Chúa trực tiếp nơi thụ tạo nhờ các hoạt động và khao khát; cách thức hai là con người phải ra khỏi chính mình và các thụ tạo trong bối cảnh sống, khử trừ ý chí, cảm xúc, buông bỏ mọi sở hữu và mọi hình ảnh. Khi ấy, Ngôi Lời nhập thể trong con người và con người yên nghỉ nơi Ngôi Lời. Cách thức thứ ba là nhìn thấy Chúa không qua bất kỳ một trung gian nào, khi đó con người trở về với bản tính thần linh của Thiên Chúa. Con người ý thức sự hiện diện của Chúa, con người nhìn mọi sự trong Chúa và nhìn thấy Chúa trong mọi sự. Eckhart trình bày cả ba con đường đều hữu dụng tùy thuộc vào cấp độ thiêng liêng của từng cá vị đang có. Ba cách thức được xem như ba cấp độ của việc luyện tập thiêng liêng. Eckhart cho rằng cách thức thứ ba là phương cách ưu việt nhất. Tuy nhiên, ông không bác bỏ hai cách thức đầu tiên nhưng hướng con người đến cách thức triệt để nhất để được thần hóa và trở nên Thiên Chúa.

Phụ lục

 LƯỢC ĐỒ CÁC TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC ẢNH HƯỞNG ĐẾN HỌC THUYẾT THẦN BÍ CỦA MEISTER ECKHART

Lược trích từ Dr. Joseph Rice (Giáo sư tại Seton Hall University, Hoa Kỳ, 2018)

Tài liệu tham chiếu

Nguồn chính

O’C Walshe, Maurice ed. and trans. The Complete Mystical Works of Meister Eckhart. New York: The Crossroad Publishing Company. 2009.

Các nguồn phụ

Aquinas, Thomas. Summa theologiae.

Athanasius. Khảo luận Nhập thể.

Augustine of Hippo. De Vera Religione.

Augustine of Hippo. On the Trinity.

De Libera, Alain. Trung tâm Học vấn Đa Minh dịch. Eckhart, Suso, Tauler hay là việc thần hóa con người. Saigon: Trung tâm Học vấn Đa Minh.

Evans, G.R. Philosophy and Theology in the Middle Ages. New York: Routledge. 1993.

Flasch, Kurt. Anne Schindel and Aaron Vanides trans. Meister Eckhart: Philosopher of Christianity. New Haven and London: Yale University. 2015.

Hackett, Jeremiah ed. Brill’s companions to the Christian Tradition: A companion to Meister Eckhart. Leiden: Brill. 2013.

McGinn, Bernard ed. Meister Eckhart and the Beguines Mystics: Hadewijch of Brabant, Mechthild of Magdeburg, and Marguerite Porete. New York: The Continuum Publishing Company. 1994.

McGinn, Bernard. The Mystical Thought of Meister Eckhart: The Man From Whom God Hid Nothing. New York: The Crossroad Publishing Company. 2001.

Saranyama, Joseph. History of Medieval Philosophy. Manila: Sinag-tala Publisher, Inc. 1985.

Thư mục tham khảo

Nguồn chính

O’C Walshe, Maurice ed. and trans. 2009. The Complete Mystical Works of Meister Eckhart. New York: The Crossroad Publishing Company.

Các nguồn phụ

Aquinas, Thomas. Summa theologiae.

Athanasius. Khảo luận Nhập thể.

Augustine of Hippo. Confession.

 Augustine of Hippo. De Vera Religione.

Augustine of Hippo. On the Trinity. 

Collura, Nicholas. 2013. “Seeing all things as nothing: Meister Eckhart and the Incarnation.” Lumen et Vita. MA: Boston College. PDF.

De Libera, Alain. Trung tâm Học vấn Đa Minh dịch. Eckhart, Suso, Tauler hay là việc thần hóa con người. Saigon: Trung tâm Học vấn Đa Minh.

Demkovich, Michael. 2012. “The Sound of Barking Dogs: Meister Eckhart and Saint Thomas Aquinas.” New Blackfriars. Oxford: The Dominican Council. PDF.

Demkovich, Michael. 2009. “Meister Eckhart and the controversial Corrections of Aquinas.” New Blackfriars. Oxford: The Dominican Council. PDF.

Dionysius-Pseudo. 1987. Colm Luibheid trans. Pseudo-Dionysius: The Complete Works. New York: Paulist Press.

Evans, G.R. 1993. Philosophy and Theology in the Middle Ages. New York: Routledge.

Flasch, Kurt. Anne Schindel and Aaron Vanides trans. 2015. Meister Eckhart: Philosopher of Christianity. New Haven and London: Yale University.

Hackett, Jeremiah ed. 2013. Brill’s companions to the Christian Tradition: A companion to Meister Eckhart. Leiden: Brill.

Hasselhoff, Gorge. 2013. “Purity of Thought in Meister Eckhart”. Leiden: Brill. PDF.

King, Ursula. 2001. Christian Mystics: Their lives and Legacies throughout the Ages. NJ: Paulist Press.

Maas, Frans. 2006. “Meister Eckhart: Man’s Divine Life.” Studies in Spirituality. PDF.

McGinn, Bernard ed. 1994. Meister Eckhart and the Beguines Mystics: Hadewijch of Brabant, Mechthild of Magdeburg, and Marguerite Porete. New York: The Continuum Publishing Company.

McGinn, Bernard. 2001. The Mystical Thought of Meister Eckhart: The Man From Whom God Hid Nothing. New York: The Crossroad Publishing Company.

Largier, Niklaus. 2016. “Recent Work on Meister Eckhart: Positions, Problems, New Perspectives.” Chicago: DePaul University. PDF.

Robert, William. 2012. “A Mystic Impulse: From Apophatic to Decreation in Pseudo-Dionysius, Meister Eckhart, and Simon Weil.” New York: Syracuse University. PDF.

Saranyama, Joseph. 1985. History of Medieval Philosophy. Manila: Sinag-tala Publisher, Inc.

Suzuki, D. Teitaro. 1957. Mysticism: Christian and Buddhist. New York: George Allen and Unwin Ltd.

Vinzent, Markus. 2012. “Questions on the Attributes (of God): Four rediscovered Parisian Questions of Meister Eckhart.” The Journal of Theological Studies. Vol. 63. England: King’s College London. PDF.

Young, Glenn. 2014. “Meister Eckhart and Fred Craddock: Preaching as Mystical Practice”. Missouri: Rockhurst University. PDF.

[1] Giáo Hoàng XXII, Sắc chỉ In Argo Dominico (Tòa Thánh Vatican: 1329).

[2] Rhine hay Rhenané: Tên một thung lũng bên bờ sông Rhine, từ Cologne đến Thụy Sĩ. Nơi đây nổi tiếng bởi trường phái các tác giả thần bí, hầu hết là các tu sĩ dòng Giảng thuyết.

[3] “Beguines”: tên gọi các phụ nữ không theo một nguyên tắc tu trì truyền thống nào. Họ sống quy tụ thành những nhóm nhỏ ở các vùng thành thị với mục đích khao khát sống lý tưởng khó nghèo, khiết tịnh, cầu nguyện và phục vụ theo mẫu gương Tin mừng. Họ không tuyên khấn vĩnh viễn. Các ‘beguines’ là những người đầu tiên sống theo kiểu mẫu đời hoạt động. Trong đó, phụ nữ đóng vai trò lãnh đạo. (x. Bernard McGinn ed., Meister Eckhart and the Beguine Mystics (New York: The Continum Publishing Company, 1994), 2-3.)

[4] G. R. Evans, Philosophy and Theology in the Middle Ages (New York: Routledge), 13.

[5] cf. Evans (1993), 10.

[6] cf. Evans (1993), 3-4.

[7] cf. Augustine, On the Trinity, IV.16.21 và De Vera Religione 7.13.

[8] cf. Phụ lục 1: “Lược đồ các tư tưởng triết học ảnh hưởng đến chủ thuyết thần bí của Meister Eckhart” của Joseph Rice (New Jersey: Seton Hall University, 2018).

[9] Bernard McGinn ed., (1994), 12.

[10] Bernard McGinn, The Mystical Thought of Meister Eckhart: The Man From Whom God Hid Nothing (New York: The Crossroad Publishing Company, 2001), 36.

[11] Tra cứu hạn từ “ground” từ Cambridge Dictionary, Merriam-Webster và Ngô Minh và Nguyễn Thế Minh, Từ vựng triết thần căn bản (Vietnam: Nhà xuất bản Phương Đông, 2008), 112.

[12] Xem định nghĩa “grunt” trong Wörterbuch, Deutsch-Vietnamesisch, 122.

[13] McGinn (2001), 39.

[14] Maurice O’C Walshe ed. and trans., The Complete Mystical Works of Meister Eckhart, Bài giảng 5b (New York: The Crossroad Publishing Company, 2009), 109. Đối với các cước chú về sau được trích từ nguồn chính yếu này, người viết chỉ trích dẫn vắn tắt: Tên họ của người chuyển dịch và hiệu đính (năm xuất bản), Meister Eckhart: số bài giảng, số trang trích dẫn.

[15] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 14b, 117.

[16] Henri Suso và Jean Tauler được xem là hai trong số các hậu duệ tiêu biểu của Meister Eckhart trong việc sử dụng tư tưởng thần bí grunt.

[17] cf. O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 80, 398 (đốm lửa); Bài giảng 42, 236 (ánh sáng); Bài giảng 59, 306 (con người cao quý); Bài giảng 14b, 114 (bình vàng); Bài giảng 08, 77 (pháo đài nhỏ).

[18] McGinn (2001), 38.

[19] cf. McGinn (2001), 42.

[20] cf. McGinn (2001), 49.

[21] McGinn (2001), 49.

[22] cf. McGinn (2001), 42.

[23] Athanasius, Khảo luận Nhập thể, n.54.

[24] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 65, 331.

[25] Alain De Libera, Trung tâm Học vấn Đa Minh dịch. Eckhart, Suso, Tauler hay là việc thần hóa con người. (Saigon: Trung tâm Học vấn Đa Minh), 45.

[26] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 73, 372.

[27] Libera, 45.

[28] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 22, 152.

[29] cf. Libera, 72-3.

[30] cf. McGinn (2001), 74.

[31] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 22, 153.

[32] St. Thomas Aquinas, Summa theologiae, Ia.12.8.

[33] St. Thomas Aquinas, Summa theologiae, Ia.6.3.

[34] cf. Jeremiah Hackett ed., Brill’s companions to the Christian Tradition: A companion to Meister Eckhart. (Leiden: Brill, 2013), 186. Opus tripartium là một trong số các tác phẩm bằng La ngữ của Meister Eckhart. Tác phẩm này bao gồm ba phần: Opus propositionum (ghi lại các quan điểm chính của Eckhart, với hơn 1,000 luận điểm); Opus quaestionum (dựa trên các câu hỏi trong quyển Summa theologiae của Tôma Aquinô); và phần Opus expositionum (chủ yếu các chú thích Thánh Kinh và các bài giảng, Opus sermonum).

[35] cf. Hackett (2013), 187.

[36] cf. St. Thomas Aquinas, Summa theologiae, III.3-4.

[37] cf. Meister Eckhart, Expositio sancti evangelii secundum Iohannem, n.97, (LW III), 83, 13-84.

[38] cf. Joseph Saranyama,  History of Medieval Philosophy (Manila: Sinag-tala Publisher, Inc., 1985), 246.

[39] cf. Hackett (2013), 220.

[40] cf. Hackett (2013), 230.

[41] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 73, 372.

[42] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 56, 293.

[43] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 96, 465.

[44] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 45, 248.

[45] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 73, 371.

[46] cf. Meister Eckhart, Expositio sancti evangelii secundum Iohannem, n.512, (LW III), 443, 8-15.

[47] cf. Meister Eckhart, Bài giảng Latin 29, n.299, LW IV, 266, 7-10 và Hackett (2013), 372.

[48] cf. Hackett (2013), 189.

[49] Meister Eckhart, Expositio sancti evangelii secundum Iohannem, n.513, (LW III), 444, 14-445, 2.

[50] cf. McGinn (2001), 100-1.

[51] cf. McGinn (2001), 102.

[52] cf. McGinn (2001), 104.

[53] Frank Tobin, Meister Eckhart: Thought and Language (Philadelphia: University of Pennsylvania Press, 1986), 45.

[54] cf. McGinn (2001), 103-5.

[55] cf. McGinn (2001), 106.

[56] In John, n.549 (LW 3:479.3-480.1)

[57] In Gen. II, n.153 (LW 1:623.11-12).

[58] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 42, 237.

[59] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 08, 81.

[60] cf. McGinn (2001), 113.

[61] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 63, 319.

[62] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 08, 79.

[63] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 08, 80-1.

[64] Sách Các Vua quyển thứ hai, chương 4 viết về sáu người chồng của người phụ nữ. Eckhart chú thích sáu người chồng được hiểu là năm giác quan và trí năng của con người. Trí năng đối lập với ý chí. Eckhart thể hiện quan điểm đặc trưng của mình trong việc đề cao cách thức duy lý trí theo trường phái Đa Minh hơn là cách thức của trường phái Phanxicô. cf. O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 31, 187.

[65] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 60, 310.

[66] cf. Meister Eckhart, Quaestio Par. I, n.4.; cf. Hackett (2013), 361-2.; và cf. Kurt Flasch, Anne Schindel and Aaron Vanides trans., Meister Eckhart: Philosopher of Christianity (New Haven and London: Yale University, 2015), 88-94.

[67] cf. O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 80, 399.

[68] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 08, 81.

[69] cf. O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 08, 77-81.

[70] cf. O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 03, 46-7.

[71] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 96, 465.

[72] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 22, 154.

[73] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 13b, 110.

[74] cf. McGinn (2001), 115.

[75] In Ex., n.163 (LW 2:143) và In Iohn, n.97 (LW 3:84).

[76] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 40, 226.

[77] cf. Tobin, Meister Eckhart, 144.

[78] cf. McGinn (2001), 133.

[79] Sự siêu thoát là ý niệm chủ đạo của Meister Eckhart trong học thuyết thần bí. Ý niệm siêu thoát được nhắc đến nhiều lần trong các bài giảng 03, 04, 08, 72, 66, 68, 57, 51, 97, 54, 12, 17, 16, 18, 29, 80, 79, 20, 47, 60, 87, 22, 26, 45, 76, 70, 69, 42, 73, 74, 88.

[80] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Khảo luận về sự tự hủy, 569.

[81] cf. McGinn (2001), 134.

[82] cf. McGinn (2001), 135.

[83] cf. O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 87, 140-5.

[84] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 96, 464.

[85] cf. McGinn (2001), 136.

[86] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Huấn Đức, phần I-II, 487.

[87] cf. O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Huấn Đức, Phần VI, 490-2.

[88] cf. Libera, 45.

[89] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 60, 309.

[90] Libera, 45 và 54.

[91] cf. Libera, 56.

[92] cf. Libera, 124.

[93] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 57, 298.

[94] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 13a, 106.

[95] cf. O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 19, 137-142.

[96] cf. McGinn (2001), 141.

[97] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 02, 39-41.

[98] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 13b, 109.

[99] cf. McGinn (2001), 60.

[100] cf. Kurt Flasch, Anne Schindel and Aaron Vanides trans., Meister Eckhart: Philosopher of Christianity (New Haven and London: Yale University, 2015), 64.

[101] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 02, 43.

[102] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 01, 33.

[103] cf. Flasch (2015), 66-71.

[104] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 57, 298.

[105] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 87, 424.

[106] cf. McGinn, Bernard ed. Meister Eckhart and the Beguines Mystics: Hadewijch of Brabant, Mechthild of Magdeburg, and Marguerite Porete (New York: The Continuum Publishing Company, 1994), 83-4.

[107] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 42, 237.

[108] O’C Walshe ed. and trans. (2009), Meister Eckhart: Bài giảng 16, 125.

[109] cf. McGinn (2001), 145.

[110] cf. McGinn, Bernard ed. (1994), 85.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *