Để trình bày quan điểm đạo đức học, Emmauel Lévinas đã chọn cách hướng về tha nhân như một điểm tựa vững chắc, một cơ sở siêu hình cho lập luận của mình. Tất cả lý thuyết đó được thể hiện qua hai tác phẩm chính là Totality and Infinity (1961) và Otherwise than Being or Beyond Essence (1974). Do đó, luận văn này khởi điểm với Chương I bằng việc phân tích tư tưởng của Lévinas về đạo đức như sự hướng ra bên ngoài đối với tha nhân và cái tôi bị tha nhân chất vấn. Khuôn mặt của tha nhân thách thức sự bận tâm của chủ thể, bao gồm cả xu hướng nắm bắt mọi thứ vào chính mình. Với Lévinas, “khuôn mặt” (le visage) là cách mà tha nhân tỏ lộ bản thân ra trước tôi, vượt quá khả năng đánh giá, lĩnh hội và hiểu biết về họ của tôi. Qua lời kêu gọi và yêu cầu, khuôn mặt mời gọi tôi phải chịu trách nhiệm. Sự chuyển đổi từ mối quan tâm của bản thân sang trách nhiệm đối với tha nhân tạo thành mối quan hệ bất đối xứng giữa cái tôi và tha nhân. Kế đến, Chương II sẽ xem xét tính chủ thể của chủ thể con người có thể làm cho chủ thể đó gánh vác trách nhiệm đối với tha nhân. Nó sẽ cho thấy rằng thay vì một chủ thể có ý thức và tư duy thường đặc trưng cho quan niệm hiện đại về tính chủ thể của con người. Lévinas cung cấp cho chúng ta một chủ thể nhạy cảm. Sự nhạy cảm cho phép chủ thể con người cảm nhận được sự hấp dẫn từ khuôn mặt của tha nhân và đáp ứng yêu cầu của tha nhân. Sau cùng, Chương III, người viết sẽ đưa ra vài nhận định cá nhân về tư tưởng đạo đức của Emmanuel Lévinas với những tính ưu việt và một vài điểm hạn chế, trước khi đi đến phần kết luận của bài viết.