(Tiếp phần 1)

Ý nghĩa của phần thứ hai của định nghĩa dễ hiểu hơn. Đức tin cung cấp bằng chứng cho điều chúng ta không thể thấy. Nghĩa là, đức tin cho phép chúng ta thấy điều mà những ai không có đức tin không thể thấy. Nô-ê đã hành động bằng đức tin này khi ông đóng tàu, dẫu cho nạn lụt vẫn chưa bắt đầu. Chính đức tin này giúp người ta hiểu rằng Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ, dẫu cho không ai nhìn thấy hành động tạo dựng ấy. Tóm lại, thư Do Thái sử dụng đức tin theo một cách thức hơi khác biệt so với những bản văn của Tân Ước nói về việc đặt lòng tin vào Đức Ki-tô hoặc vào Thiên Chúa. Đối với thư Do Thái, đức tin liên quan nhiều hơn đến tri thức hoặc hiểu biết, đến mức độ mà nó cung cấp sự đảm bảo và bằng chứng cho điều sắp xảy đến, dẫu cho ta không thể nhìn thấy nó.

Mặc dù chương 11 trình bày nhiều chứng nhân đức tin, cả nam lẫn nữ, Bài đọc tập trung vào Áp-ra-ham. Cụm từ “nhờ đức tin”diễn ra bốn lần, từ đó chỉ ra bốn ví dụ về đức tin của Áp-ra-ham: (1) ngài đã vâng lời khi được kêu gọi; (2) ngài đã ở tạm trong đất hứa như trong một nước ngoài; (3) ngài lãnh nhận sức mạnh truyền sinh dù đã ở tuổi già; và (4) ngài đã hiến dâng I-xa-ác khi bị thử thách. Trong từng trường hợp, Áp-ra-ham đã hành động bởi vì đức tin đã đảm bảo cho ngài điều gì đó tốt đẹp hơn. Vì thế, ngài đã vâng theo tiếng gọi của Thiên Chúa bởi vì ngài biết ngài sẽ nhận được di sản của mình. Ngài đã ở tạm trong đất hứa bởi vì ngài đang tìm kiếm thành đô muôn thuở. Ngài đã nhận sức mạnh truyền sinh bởi vì ngài tin vào sức mạnh của Thiên Chúa Đấng đã thực hiện lời hứa. Và ngài sẵn sàng dâng hiến người con một bởi vì ngài cho rằng Thiên Chúa có thể làm cho kẻ chết trỗi dậy. Nói cách khác, đức tin đã hỗ trợ cho điều ngài hy vọng và đã đảm bảo ngài sẽ không phải thất vọng. Đức tin là bằng chứng cho điều ngài không thể nhìn thấy.

Giữa ví dụ thứ ba và thứ tư, thư Do Thái gợi nhớ lại những người đã chết vì đức tin. Giống như Áp-ra-ham, họ đã xem họ như “những kẻ xa lạ và người dân ngoại” (11:13) vốn đang tìm kiếm một quê hương tốt đẹp hơn. Mặc dù họ không thể nhìn thấy thành đô thiên quốc, đức tin đã đảm bảo cho họ rằng họ sẽ thừa hưởng nó, dù cho họ đã chết trước khi đạt được lời hứa ấy. Vì thế, thư Do Thái khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng trung tín với những lời hứa của mình, ngay cả khi cái chết nói rằng không có lý do gì để tin.

Ai cũng tin vào điều gì đó, dù cho họ tin vào hư vô và sự trống rỗng của cuộc sống. Tuy nhiên, cái làm nên khác biệt là điều hoặc đấng mà ta tin vào. Đấng hoặc điều mà chúng ta đặt lòng tin vào quyết định cách chúng ta sống. Ví dụ, những kẻ tin tưởng và hy vọng vào nghề nghiệp hoặc sự an toàn của tiền bạn sẽ sống theo một cách thức tương ứng với niềm tin ấy, trong khi những ai tin vào điều gì đó siêu vượt điều họ thấy và hiểu thông qua giác quan sẽ sống theo một cách khác. Áp-ra-ham đã minh họa cho loại đức tin vốn đi tìm điều ngài không thể nhìn thấy. Đi tìm một thành đô thiên quốc, ngài sẵn lòng sống như một kiều bào trong một vùng đất mà hậu duệ của ngài sẽ thừa hưởng.

Bản văn này tạo cơ hội cho các nhà giảng thuyết phản tỉnh về loại đức tin mà làm những người bình thường trở nên phi thường. Thư Do Thái thách thức các nhà giảng thuyết dám bắt chước thuật hùng biện mạnh mẽ của nó để thuyết phục các cộng đoàn của họ dám sống nhờ đức tin.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong, S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 152
155.