1. Lời Chúa
14 Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.15 Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.16 Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.
2. Tìm hiểu Dt 4:14-16
Cho đến nay, các bài đọc không đề cập đến Chúa Giê-su như một thượng tế. Bắt đầu từ bài đọc này, chủ đề về chức thượng tế của Chúa Giê-su sẽ được phát triển xuyên suốt năm tuần tới với những bài đọc đánh vào phần trọng tâm của thư Do Thái (chương 5-10).
Trong phần trọng tâm này, thư Do Thái cho thấy rằng Chúa Giê-su có đủ phẩm chất của một thượng tế (5:1-10), giải thích ý nghĩa của việc gọi người là thượng tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê (7:1-28), và bàn về chức tư tế này trong ánh sáng của giao ước mới được thiết lập bởi cái chết của Chúa Giê-su (8:1-10:18).
Năm chương này trình bày đỉnh điểm Ki-tô học của lá thư và là phần trình bày hệ thống nhất về Ki-tô học trong Kinh Thánh Tân Ước. Tuy nhiên, ngay cả trong phần trọng tâm này, thư Do Thái cũng giới thiệu một lời mời gọi trải rộng (5:11-6:20) vốn chỉ ra cách thức Ki-tô học củng cố lời mời gọi luân lý của nó.
Bài đọc tuần này (4:14-16) là một phần chuyển tiếp của thư Do Thái từ lời mời gọi sang trình bày giáo thuyết. Cách thức nó bắt đầu, “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin” (4:14), là một ví dụ tuyệt diệu của việc giáo thuyết củng cố cho hành vi luân lý. Các tín hữu có thể và cần phải giữ vững lời tuyên xưng của mình bởi vì họ có một vị thượng tế đã đi vào nước trời.
Sau khi trang bị cho độc giả một lý do mang tính giáo thuyết cho việc giữ lời tuyên xưng của họ, thư Do Thái cung cấp một lý do thứ hai. Họ có thể tiến gần đến ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, và họ sẽ tìm thấy sự trợ giúp lúc cần bởi vì họ có một vị thượng tế đấng biết cảm thương với những nỗi yếu hèn của họ, vì người đã được thử thách về mọi phương diện. Vị thượng tế, đấng đã băng qua các tầng trời là Con Thiên Chúa đấng, trong một thời gian, đã trở nên thấp kém hơn các thiên thần “để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (2:17-18).
Thư Do Thái cho các tín hữu ngày nay một lý do để mạnh dạn và tin tưởng, vì nó tuyên tố rằng Đức Ki-tô Giê-su là thượng tế của họ, đấng làm trung gian cho họ trước ngai tòa Thiên Chúa là nguồn ân sủng. Hơn nữa, nó khẳng định rằng vị thượng tế này thấu hiểu và cảm thông cho sự yếu hèn của họ bởi vì người đã chia sẻ cùng một phận người như họ và với họ. Nếu một tư tế là để làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người, thì Chúa Giê-su đã hoàn thành vai trò này một cách xuất sắc. Là một đấng đã đau khổ với con người, người thấu hiểu những yếu đuối của dân người. Là một đấng đã băng qua các tầng trời, người ngự trước ngai tòa Thiên Chúa để làm trung gian cho những ai cần đến.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 102-103.