(Hình ảnh từ Internet)

1. Lời Chúa

23 Lại nữa, trong dòng tộc Lê-vi, có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó.24 Còn Đức Giê-su, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi.25 Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ. 26 Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời.27 Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ.28 Vì Luật Mô-sê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời. (Dt 7,23-28)

2. Tìm hiểu Dt 7,23-28

Đoạn trích này xuất hiện như kết luận của chương 7, trong đó thư Do Thái giải thích ý nghĩa của việc gọi Đức Giê-su là thượng tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê. Các nhà giảng thuyết chỉ có thể hiểu được đoạn trích một cách đầy đủ nếu biết nghiên cứu lại toàn chương 7.

Trong chương 7, Thư Do Thái nói về nhân vật Men-ki-xê-đê để giải thích ý nghĩa của câu, “Con là thượng đế muôn đời theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.” Lưu ý rằng Men-ki-xê-đê thì bất tử, không có dòng dõi, và cao trọng hơn cả Áp-ra-ham, người phải đóng thuế cho Men-ki-xê-đê. Vậy, khi nói về một chức tư tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê, thánh vịnh gia ám chỉ đến một tư tế bất tử, cao trọng hơn các tư tế Lê-vi của giao ước cũ.

Để giải thích cho bản chất bất tử của chức tư tế thao phẩm trật Men-ki-xê-đê, thư Do Thái nêu bật hai sự khác nhau giữa chức tư tế Lê-vi và chức tư tế của Đức Ki-tô. Thứ nhất, giao ước cũ cần nhiều tư tế để khi người này chết thì có người khác tiếp nối chức vụ. Thứ hai, quan trọng hơn, chức tư tế cũ dâng hy lễ hằng ngày vốn không thể chuộc tội một cách triệt để, còn Đức Ki-tô chuộc tội một lần cho tất cả bằng một hy lễ duy nhất là chính người.

Vì thế, thư Do Thái nói rằng chức tư tế của giao ước cũ thì không còn cần thiết nữa bởi vì hy lễ duy nhất của Chúa Giê-su đã chuộc tội dù chỉ một lần nhưng lại cho tất cả. Ai chọn lấy thư Do Thái làm chất liệu cho bài giảng có thể tận dụng dịp này để nhắc nhở các cộng đoàn về bản chất độc đáo nơi chức tư tế của Chúa Giê-su. Chức tư tế muôn đời ấy làm cho mọi chức tư tế khác trở nên vô nghĩa trừ khi chúng tham dự vào chức tư tế của Đức Ki-tô Giê-su. Hơn nữa, nó làm cho mọi hy lễ khác vô nghĩa trừ khi chúng tham dự vào hy lễ duy nhất là Đức Ki-tô Giê-su. Tắt một lời, thư Do Thái tuyên bố rằng chỉ có một tư tế và một hy lễ. Với việc quy tụ nhau lại mỗi tuần để Hiệp Lễ, cộng đoàn Ki-tô hữu, vốn hiệp nhất với thượng tế của nó, tham dự một cách bí tích vào hy tế này vốn có sức mạnh chuộc lại tội lỗi một lần cho tất cả.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 104-5.