(Hình ảnh từ Internet)

1. Lời Chúa

21 Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau.22 Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa,23 vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người.24 Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.

25 Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh;26 như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống,27 để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền.28 Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình.29 Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh,30 vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người.31 Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.32 Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh.33 Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng. (Ep 5:21-32)

2. Tìm hiểu Ep 5:21-32

Bản văn này là một phần trong một bộ luật lớn hơn về đời sống gia đình: về tương quan giữa con cái và cha mẹ, giữa nô lệ và chủ nhân (xem 5:21-6:9). Những luật như thế thì khá phổ biến trong thế giới Hy-La. Chúng cần thiết để thiết lập trật tự xã hội vốn chỉ hoạt động tốt khi mọi người đều biết vai trò của mình.

Thư thánh Phao-lô gửi các tín hữu Ê-phê-xô, Cô-lô-xê, và thư thứ nhất của thánh Phê-rô sử dụng những luật trong gia đình để hướng dẫn các tân tòng về đời sống luân lý. Tuy nhiên, trong khi tận dụng những cấu trúc và hình thức căn bản của những luật lệ này, các ngài cũng giới thiệu những yếu tố mới mẻ trong ánh sáng của tin mừng. Vì thế, những luật này cung cấp cho các tín hữu một cấu trúc độc đáo để sống tin mừng trong ánh sáng của thời đại và văn hóa của họ.

Cấu trúc căn bản của bộ luật trong thư Ê-phê-xô bàn về những mối tương quan giữa vợ và chồng (5:21-33), giữa con cái và cha mẹ (6:1-4), và giữa nô lệ và chủ nhân (6:5-9). Bộ luật phản ánh những quan niệm văn hóa thời bấy giờ trong đó vợ phải phục tùng chồng, con cái phục tùng cha mẹ, và nô lệ phục tùng chủ nhân của họ. Vì thế, trong mỗi ví dụ, bộ luật bắt đầu với bổn phận của bên phục tùng (vợ, con cái, nô lệ) đối với bên cầm quyền (chồng, cha mẹ, chủ nhân).

Một mặt, bộ luật Ê-phê-xô gắn liền với những quan niệm văn hóa thời bấy giờ (làm sao có thể khác được?); mặt khác, các nhà giảng thuyết không nên bỏ lơ nó bởi vì nó có rất nhiều cải tiến quan trọng so với bộ luật gia đình thường dùng trong xã hội thế tục thời ấy. Điều quan trọng nhất trong những điều quan trọng là bổn phận mang tính tin mừng của bên cầm quyền so với với bên phục tùng. Vì thế, chồng phải yêu thương vợ như Đức Ki-tô đã yêu thương Hội Thánh, khi ngài đã hiến mình vì Hội Thánh. Cha mẹ không được làm con cái nổi giận nhưng phải dạy dỗ chúng theo chỉ dẫn của Đức Chúa, và ông chủ phải nhớ rằng họ có một chủ nhân trên thiên đàng.

Những luật lệ này đặt ra một vấn đề cho các tín hữu thời nay, những người sống trong một nền văn hóa vốn không còn nô lệ mà cũng chẳng xem nữ giới là tùy phụ so với nam giới. Vì thế, nhiều nhà giảng thuyết sẽ gặp phải một mâu thuẫn: bỏ lơ bản văn, kèm theo cảm giác rằng Lời Chúa đã sai lầm, hoặc giảng giải bản văn vốn làm họ bối rối và hoang mang. Đối với tôi, có lẽ việc đối diện với bản văn thì khôn ngoan hơn việc bỏ lơ nó. Nhưng làm điều ấy như thế nào? Tôi đề nghị hai chiến lược.

Thứ nhất, các nhà giảng thuyết phải nói đôi chút về văn hóa vốn khai sinh ra những điều luật này. Văn hóa ấy thừa nhận sự phục tùng của một số thành viên nào đó đối với những người khác trong xã hội. Như vậy, sẽ hữu ích khi chỉ ra rằng mỗi nền văn hóa đều ẩn tàng những thừa nhận nhất định vốn sẽ được tỏ lộ rõ ràng vào đúng thời đúng buổi. Ví dụ, thật thú vị khi biết được những thừa nhận của văn hóa của chúng ta mà sẽ trở nên lạ lẫm với con cháu chúng ta trong 50 hoặc 100 năm sau.

Thứ hai, các nhà giảng thuyết cần tập trung vào các yếu tố tích cực của bản văn: sự so sánh hôn nhân với tương quan giao ước giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh, tình yêu tự hiến của người chống đối với vợ phải noi theo tình yêu của Đức Ki-tô đối với Hội Thánh. Quan trọng nhất, các nhà giảng thuyết sẽ muốn để ý đến câu mở đầu: “Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau” (5:21). Khởi đầu bài đọc với bản văn này, Lời Chúa cho thấy ý nghĩa sâu xa nhất của bộ luật gia đình là sự phục tùng lẫn nhau hơn là sự cầm quyền của đối tượng này trên đối tượng khác. Vợ chồng, vì thế, sẽ phục tùng lẫn nhau khi mỗi bên bắt chước tình yêu tự hiến của Đức Ki-tô đối với Hội Thánh.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 94-95.