Câu 187. Những người theo Chủ nghĩa Duy lý triết học là ai?
Những nhà Duy lý Triết học tin rằng, có một tri thức tiên thiên (a priori) về thế giới, hay những chân lý đại thể về Thế giới được nhận biết nhờ tâm trí mà không phải do kinh nghiệm. Điều này tương phản với những nhà Duy nghiệm vốn luôn khẳng quyết rằng, tất cả hiểu biết của chúng ta về thế giới được dựa trên kinh nghiệm, đặc biệt là thông tin cảm giác. Các nhà Duy lý triết học thế kỷ XVII như René Descartes (1596-1650), đã chống lại những phương pháp về mặt tri thức của các nhà Duy nghiệm, nhưng họ vẫn đưa khoa học vào giải thích những triết lý của mình. Descartes đã tích cực dồn tâm trí của mình vào công cuộc khám phá và thực nghiệm khoa học trong suốt sự nghiệp Triết học của mình. Vào cuối thế kỷ XVIII, chủ nghĩa kinh nghiệm của David Hume (1711-1776) đã đặt ra một vấn đề đặc biệt cho Immanuel Kant (1724-1804) vì Hume đã áp dụng chủ nghĩa Hoài nghi đối với những niềm tin cơ bản mà nhiều người mặc định là đúng đắn trước thời ông, như sự hiện hữu của Thiên Chúa và những năng lực của các nguyên nhân tự nhiên để đưa ra những hệ quả của chúng. Vào thế kỷ thứ XIX, những phản ứng hiện đại chống lại chủ nghĩa Duy nghiệm đã được đưa vào công trình của Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831), Friedrich Nietzsche (1844-1900), và những triết gia Hiện sinh thời đầu như Soren Kierkegaard (1813-1855). Các phản ứng này đã chia sẻ cùng một mối bận tâm về giá trị của những chân lý tiên thiên và tri thức về tôn giáo.
Immanuel Kant (1724-1804) – Ảnh từ Internet
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book (Visible Ink Press, 2010), 84.